Đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công (Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện xã hội hóa lĩnh vực y tế do đó các cơ sở y tế gặp khó khăn trong công tác thực hiện chủ trương xã hội hóa); Thông tư hướng dẫn thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc ngành Y tế tại địa phương sau khi có Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ngày 02/02/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm. (Lạng Sơn)

03/11/2020 | 19:44 PM

 | 

Bộ Y tế trả lời như sau:

1. Về việc ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập

Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số. Theo Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao: Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ theo hướng quy định về cơ chế tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập chung cho tất cả các lĩnh vực. Các Bộ không ban hành Nghị định riêng. Các vấn đề liên quan đến tổ chức và bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được quy định tại Nghị định thay thế Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Các vấn đề liên quan đến biên chế, vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được quy định tại Nghị định thay thế Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ Y tế đã tham gia tích cực với Bộ Tài chính để sửa đổi Nghị định thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có quy định một số cơ chế có tính chất đặc thù của đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

2. Về việc ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công

Hiện nay, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật quản lý, sử dụng tài sản công trong đó đã quy định một số nội dung về vấn đề vay vốn, liên doanh liên kết, thuê tài sản, đi thuê tài sản đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Tuy nhiên đặc thù ngành Y tế nên việc quy định và hướng dẫn các nội dung này tại Nghị định chưa quy định cụ thể do đó các đơn vị trong ngành còn khó khăn trong quá trình thực hiện.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã dự thảo Thông tư hướng dẫn việc vay vốn, liên doanh liên kết, thuê tài sản đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập (trong phạm vi toàn ngành), nhưng theo ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính việc Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung về vay vốn đầu tư, sử dụng tài công vào mục đích liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản, đi thuê tài sản đối với các cơ sở y tế công lập là chưa đúng thẩm quyền, các đơn vị của địa phương thì thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân quyết định. Do đó, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ chỉ hướng dẫn riêng cho các đơn vị trực thuộc Bộ, các địa phương căn cứ vào quy định của Bộ Y tế để hướng dẫn cụ thể tại địa phương theo thẩm quyền.

3. Việc ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc ngành Y tế tại địa phương sau khi có Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.

- Phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại địa phương đã được quy định tại Khoản 6 Điều 40 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “Chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, quản lý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý”. Như vậy Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ phân cấp quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm tùy theo tình hình thực tế tại địa phương.

Bộ Y tế sẽ hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc ngành Y tế trong các trường hợp cụ thể khi được yêu cầu.

- Việc phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc ngành Y tế tại địa phương đã được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế: “Tổ chức cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, nước đá dùng liền, nước đá dùng để chế biến thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, các vi chất bổ sung vào thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm khác không được quy định tại danh mục của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”.


Thăm dò ý kiến