Thông tin đường dây nóng tháng 11/2018

05/12/2018 | 17:34 PM

 | 

1. Bệnh viện Mắt Trung ương xử lý bước đầu đối với những nhân viên có liên quan đến “đường dây khám nhanh”: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 01 tháng 11 năm 2011, Bệnh viện Mắt Trung ương đã báo cáo Bộ Y tế về hướng xử lý ban đầu đối với vụ việc liên quan “Đường dây khám nhanh” mà báo Lao động phản ánh trong loạt bài điều tra. Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Trung ương, sau khi nhận được thông tin do Báo Lao động phản ánh trong loạt bài điều tra về việc nhiều đối tượng bên ngoài bệnh viện đã móc nối với nhân viên trong bệnh viện thực hiện “dịch vụ” khám nhanh, chiều ngày 30 tháng 10 năm 2018, Lãnh đạo Bệnh viện đã mời nhóm phóng viên Báo Lao Động đến làm việc để làm rõ thêm các thông tin được nêu trong bài báo “Lật tẩy đường dây bán phiếu khám nhanh “móc túi” người bệnh. Trên cơ sở đó, bệnh viện đã yêu cầu các nhân viên bệnh viện có liên quan tạm ngừng làm công tác chuyên môn, tập trung làm tường trình về những vấn đề mà Báo Lao Động đã nêu. Lãnh đạo Bệnh viện sẽ có báo cáo đầy đủ, chi tiết với Bộ Y tế sau khi có kết quả xác minh, làm rõ những thông tin báo Lao động phản ánh. Trong loạt bài điều tra, Báo Lao động phát hiện các đối tượng môi giới nhận bệnh nhân khám nhanh qua điện thoại hoặc trực tiếp “sang nhượng” khách hàng với các phòng khám tư và dẫn thẳng gặp bác sĩ của Bệnh viện Mắt Trung ương khám không qua mua phiếu, nộp lệ phí. Để được khám nhanh theo đường dây này, người bệnh phải trả phí dịch vụ cho người môi giới với giá cao. Lãnh đạo Bệnh viện cho biết sẽ kiên quyết xử lý nếu phát hiện những cá nhân vi phạm. “Bệnh viện sẽ tiếp tục chấn chỉnh về hoạt động khám chữa bệnh, làm rõ sự thật về Báo Lao Động đã nêu và báo cáo Bộ Y tế. Bệnh viện Mắt Trung ương luôn cố gắng hạn chế tối đa, tiến tới loại trừ hiện tượng cò mồi xảy ra tại bệnh viện, nhằm tạo môi trường khám chữa bệnh trong sạch, phục vụ tốt cho bệnh nhân tốt hơn”, bác sĩ Phạm Ngọc Đông, đại diện Bệnh viện nhất mạnh. Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Mắt Trung ương nghiêm túc điều tra, xác minh thông tin và xử lý nghiêm những nhân viên của Bệnh viện sai phạm, đồng thời chấn chỉnh quy trình khám chữa bệnh theo hướng công khai, minh bạch. Một trong những nguyên nhân khiến điều này xảy ra là tình trạng quá tải bệnh viện. Do vậy, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện có kế hoạch tăng cường năng lực cho các bệnh viện mắt tuyến dưới để giảm tải bệnh viện.

2. Bệnh viện Quốc tế City thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực cứu người bệnh khỏi bị liệt: Theo thông tin từ Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 02 tháng 11 năm 2018, người nhà bệnh nhân đã vô cùng biết ơn các bác sỹ Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Quốc tế City thành phố Hồ Chí minh đã cố gắng cứu người nhà của họ khỏi tình trạng bị liệt tứ chi. Bệnh nhân nam 72 tuổi đã nhập Bệnh viện Quốc tế City trong trong tình trạng tứ chi nhanh chóng suy yếu, không thể tự đi lại, vụng về cử động đôi tay. Hình ảnh chụp MRI cột sống cổ cho thấy tình trạng chèn ép tủy do hẹp ống sống cổ. Người nhà cho biết bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm 6 năm nay, vì mắc nhiều bệnh nên sợ phẫu thuật sẽ nguy hiểm tính mạng. Tiến sĩ Huỳnh Hồng Châu, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Quốc tế City, xác định bệnh nhân cần sớm được giải áp tủy sống cổ tránh diễn tiến liệt tứ chi và ngưng thở. Bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, bệnh lý mạch vành điều trị không liên tục. Theo các bác sỹ, phương án điều trị ban đầu là chụp mạch vành và can thiệp trước khi phẫu thuật bệnh lý tủy cổ. Tuy nhiên bác sĩ xác định với tình trạng bệnh lý mạch vành nặng cần can thiệp đặt stent thì bệnh nhân phải trì hoãn phẫu thuật bệnh lý cột sống cổ ít nhất 2 tuần. Trước nguy cơ liệt tứ chi và đột tử vì suy hô hấp cấp do chèn ép tủy cổ, gia đình chọn phương án phẫu thuật cột sống cổ trước. Ca mổ tiến hành ngày 15/10, sau đó bệnh nhân tự thở tốt, sức cơ tứ chi hồi phục, cải thiện các triệu chứng tê và cử động tay. Nhờ tiên lượng kỹ các yếu tố nguy cơ, bệnh nhân đã được theo dõi phát hiện kịp thời tình trạng nhồi máu cơ tim cấp đe dọa tính mạng khoảng một ngày sau mổ. Các bác sĩ nhanh chóng chụp động mạch vành can thiệp, phát hiện một nhánh động mạch vành bị tắc gần hoàn toàn và đặt một stent để tái thông mạch máu. Bệnh nhân cải thiện dần các triệu chứng, huyết động và nhịp tim ổn định, chỉ số men tim, chức năng gan thận, đường huyết về giới hạn bình thường, vận động tứ chi cải thiện nhiều, ăn uống khá hơn và vừa xuất viện. Gia đình bệnh nhân rất cảm kích, đặc biệt đánh giá cao trình độ chuyên môn của các bác sỹ trong việc chẩn đoán và đề ra phác đồ điều trị thích hợp cho bệnh nhân, nhờ vậy không chỉ cứu sống bệnh nhân mà còn giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ bị liệt tứ chi do bệnh lý.

3. Bệnh viện đa khoa Mộc Châu phẫu thuật thành công ca u xương hộp sọ: theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 02 tháng 11 năm 2018, một ca phẫu thuật u xương hộp sọ vừa được thực hiện tại bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây có thể coi là một kết quả đáng ghi nhận đối với một bệnh viện miền núi như Mộc Châu. Nam bệnh nhân 32 tuổi, sống ở xã Tả Lại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Mộc Châu trong tình trạng đau đầu, yếu nửa người. Kết quả chụp CT sọ não cho thấy bệnh nhân có khối u ở xương sọ rất to, khối u đè vào não và chèn ép gây yếu nửa người. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy u hộp sọ. Tuy nhiên do Bệnh viện đa khoa Mộc Châu là bệnh viện tuyến huyện với rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nếu thực hiện ca phẫu thuật này tại bệnh viện thì sẽ rất phức tạp, khó khăn vì có nhiều tình huống không lường trước được, bệnh nhân có thể sẽ tử vong. Các bác sỹ đã giải thích nguy cơ và thông báo cho gia đình việc sẽ chuyển bệnh nhân về Hà Nội để phẫu thuật. Sau khi nghe các bác sỹ tư vấn, giải thích và thông tin phải xuống Hà Nội để phẫu thuật, gia đình bệnh nhân đã xin phẫu thuật tại bệnh viện và cho biết gia đình thuộc hộ nghèo của xã, không có tiền để đưa bệnh nhân về Hà Nội chữa bệnh; nếu bệnh nhân không được phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Mộc Châu thì gia đình sẽ đưa bệnh nhân về nhà. Bác sĩ Vũ Giang An, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Mộc Châu, cho biết, các bác sỹ của Bệnh viện rất trăn trở trước tình huống này, vì hoàn cảnh của gia đình bệnh nhân không thể đưa bệnh nhân về Hà Nội chữa trị, nhưng nếu để bệnh nhân về nhà thì chỉ  một thời gian ngắn sau bệnh nhân sẽ bị liệt. Để cứu bệnh nhân, các bác sỹ đã hội chẩn, chuẩn bị kỹ càng về máu, dụng cụ và xét nghiệm, đồng thời quyết định phẫu thuật tại Bệnh viện. Sau hơn 2 giờ đồng hồ phẫu thuật, khối u của bệnh nhân đã được lấy ra hoàn toàn, bệnh nhân được ghép sọ nhân tạo. Hai ngày sau bệnh nhân thoát mê và tỉnh táo trở lại. Hiện bệnh nhân có thể tự ngồi dậy và tự đi sang phòng thay băng. Bác sĩ An cho biết tại địa phương có nhiều gia đình khó khăn, khi mắc bệnh nặng các bác sĩ giải thích và chuyển tuyến nhưng nhiều gia đình xin cho bệnh nhân về nhà, vì vậy bác sĩ đã cố gắng cứu bệnh nhân bằng mọi cách, trong đó có trường hợp đặc biệt này. Người nhà bệnh nhân vô cùng cảm ơn các bác sỹ về sự tận tụy, hết lòng vì người bệnh. Thành công này của một bệnh viện miền núi đã làm cho người dân thêm tin tưởng và trình độ kỹ thuật của các bác sỹ bệnh viện tuyến cơ sở.

4. Một bệnh nhân bị u thần kinh khổng lồ đã được các bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cứu sống: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 02 tháng 11 năm 2018, các bác sỹ bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức vừa phẫu thuật cấp cứu, cứu sống một bệnh nhân bị y thần kinh khổng lồ, hiếm gặp. Bệnh nhân L.T.L., 38 tuổi, ở Bắc Giang, bị một khối u lớn với kích thước 4.8x9.6 cm ở não gây chèn ép, tràn dịch não thấp. Thời điểm nhập viện, các bác sỹ đã nhận định nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể bị hôn mê và tử vong bất cứ lúc nào. Sau khi tiến hành các xét nghiệm lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh, các bác sỹ xác định được vị trí của khối u nằm ở vị trí trong não thất, tức là nằm ở trung tâm của não. Khối u lớn, liên quan đến nhiều cấu trúc thần kinh mạch máu quan trọng, phức tạp. Theo các bác sỹ, việc tiếp cận khối u là rất khó khăn và có thể gây ra nhiều di chứng nặng nề cho bệnh nhân về sau này. Một Ê kíp phẫu thuật cho bệnh nhân L.T.L được thành lập, gồm 10 bác sĩ là chuyên gia Gây mê hồi sức, bác sỹ phẫu thuật. Nhiều thiết bị hiện đại cũng được sử dụng như kính vi phẫu, dao mổ siêu âm, máy định vị thần kinh, các vật liệu cầm máu. Các bác sỹ đã  phối hợp với nhau rất ăn ý, nhịp nhàng. Sau hơn 06 tiếng phẫu thuật, các bác sỹ đã cắt được toàn bộ khối u và không xâm hại đến vùng não khác. Theo thông tin mới nhất, sau 1 tháng được điều trị, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, trí nhớ tốt, sức khỏe bình thường và có thể đi làm trở lại. Gia đình bệnh nhân và bệnh nhân vô cùng biết ơn các bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đã cứu sống một lao động chính trong nhà. Họ gọi điện đến Đường dây nóng đề nghị ngợi khen các bác sỹ.

5. Bệnh viện Trưng Vương cứu sống bệnh nhân bị đứt mạch máu thận bằng phương pháp can thiệp nội mạch: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 2 tháng 11 năm 2018, một bệnh nhân 57 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh bị đứt mạch máu thận do bị đâm vào vùng hông trái đã được các bác sỹ Bệnh viện Trưng Vương cứu sống bằng phương pháp can thiệp nội mạch thay phẫu thuật. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân Q. được một bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng đau nhiều vùng hông trái, đi tiểu ra máu, các bác sỹ Bệnh viện Trưng Vương đã khẩn trương tiến hành xét nghiệm và chụp CT scanner. Kết quả chụp CT scanner cho thấy ông Q. có một vết thương xuyên từ vùng lưng làm rách 1/3 giữa thận trái xuyên vào bể thận. Thông thường, vết thương thận có tổn thương mạch máu cần được phẫu thuật thám sát và khâu cầm máu. Cạnh đó, cần phải kiểm soát cuống thận, khâu đài bể thận hay cắt thận tùy mức độ tổn thương… do vết thương đã làm rách bao thận và làm mất cơ chế cầm máu tự nhiên. Tuy nhiên, trong trường hợp ông Q., do khoang sau phúc mạc có nhiều tổ chức mô lỏng lẻo, khi chảy máu khoang này bị tẩm nhuận chứa đầy máu. Do vậy, việc phẫu thuật cầm máu rất khó khăn và có nguy cơ đe dọa tính mạng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định can thiệp nội mạch thay vì phẫu thuật thám sát tìm mạch máu thận bị đứt để khâu cầm máu. Sau can thiệp nội mạch, hiện ông Q. đã ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, các bác sỹ Bệnh viện Trưng Vương đã cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch ít xâm lấn. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên can thiệp thành công trên bệnh nhân bị vết thương đứt mạch máu thận. Với phương pháp này, người bệnh có thể phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Gia đình ông Q. rất vui mừng và vô cùng cảm ơn các bác sỹ Bệnh viện Trưng Vương đã kịp thời sử dụng biện pháp can thiệp cấp cứu cho ông Q.

6. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt khối u xơ gần 5kg cho một phụ nữ: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 02 tháng 11 năm 2018, người nhà bệnh nhân đã gửi lời cảm ơn các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vì đã phẫu thuật cho một bệnh nhân 47 tuổi bị u xơ lớn nặng tới gần 5 kg. Theo lời kể của bệnh nhân thì bệnh nhân phát hiện có khối u trong tử cung được 2 năm, do sợ phẫu thuật tốn kém và muốn cố gắng lo cho con ăn học, chị đã không đến bệnh viện phẫu thuật theo lời khuyên của bác sỹ. Đến cuối tháng 10/2018, khi con vừa tốt nghiệp đại học, chị mới mạnh dạn quyết định đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ để khám và điều trị. Khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sỹ cho tiến hành kiểm tra, xét nghiệm. Kết quả CT- Scan bụng cho thấy khối u xơ rất to trong lòng tử cung với kích thước 12 x 22 x 23cm chiếm toàn bộ ổ bụng tương đương thai 28 tuần tuổi, mặt sau khối u dính với phúc mạc, ruột non, đại tràng. Sau khi hội chẩn, các bác sỹ quyết định mổ cắt khối u xơ. Do khối u quá lớn,  ê kíp bác sĩ rất khó khăn trong quá trình bóc tách để tránh tổn thương niệu quản và mạch máu lớn. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, BS.CKII Cao Văn Nhựt – Trưởng khoa Sản và BSCKII. Nguyễn Thị Linh Hà, BSCKII. Phong Thị Thanh Xuân cùng ê-kíp khoa Gây mê hồi sức đã bóc tách thành công khối u nặng 4.7kg. Tình trạng bệnh nhân ngày 01 tháng 11 năm 2018, bệnh nhân tỉnh, vết mổ khô, vận động nhẹ nhàng và ăn uống tốt, dự kiến có thể ra viện và sẽ tái khám sau 1 tuần. Bản thân bệnh nhân vô cùng cảm kích và biết ơn các bác sỹ đã phẫu thuật cho mình; đã gọi điện cho Đường Dây  nóng để thông tin về sự tận tụy, nhiệt tình của các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Trung ươn Cần Thơ.

 

7. Người dân cảm kích trước sự việc 10 bác sỹ thức trắng đếm để mổ và hiến máu cứu sản phụ nguy kịch: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 3 tháng 11 năm 2018, người nhà sản phụ Trần Thị T. 37 tuổi, thường trú tại Huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, cho biết sản phụ vừa được các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cứu sống. Ngày 3/11, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cho biết, vừa cứu sống sản phụ bị đờ tử cung sau sinh nguy kịch, trong đó có 10 bác sĩ và kỹ thuật viên kíp mổ trực tiếp hiến máu. Trước đó, vào ngày 2/11, Khoa Sản đẻ - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị T. nhập viện trong tình trạng thai lần 3, đẻ thường 2 lần, có u xơ tử cung, dự kiến sinh ngày 12/11/2018, thai 38 tuần 4 ngày ở nhà đau bụng cơn, vào viện kiểm tra, Kết quả khám lâm sàng, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy, sản phụ có cơn co tử cung thưa, cổ tử cung mở 3cm, thai ngôi đầu, ối vỡ hoàn toàn, nước ối trong… Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán chuyển dạ lần 3, thai 38 tuần, ngôi đầu và chỉ định đẻ chỉ huy, cho thuốc mềm tử cung cho bệnh nhân. Bé trai nặng 3,9 kg chào đời an toàn. Tuy nhiên, sau khi sinh, sản phụ xuất hiện tình trạng tử cung co kém, chảy máu.Bác sĩ đã xử trí nhưng vẫn không hiệu quả. Kết quả xét nghiệm cho thấy sản phụ bị rối loạn đông máu. Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn, chẩn đoán sản phụ bị sốc mất máu do đờ tử cung sau sinh thường và chỉ định phẫu thuật cắt tử cung bán phần, kèm truyền máu, truyền đạm, kháng sinh ngay để giữ tính mạng cho sản phụ. Tình hình nguy kịch, nếu không phẫu thuật cấp cứu cầm máu và truyền máu kịp thời thì nguy cơ sản phụ tử vong rất cao; bệnh nhân nhanh chóng được chuyển phòng mổ, đồng thời dự trù khối hồng cầu nhóm B, máu tươi toàn phần cùng các phương tiện sẵn sàng cấp cứu. Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 1 giờ, kíp phẫu thuật tiến hành mở bụng xác định máu chảy từ buồng tử cung và quyết định cắt tử cung để cầm máu, sau cắt tử cung tình trạng chảy máu của bệnh nhân đã được khống chế. Do mất quá nhiều máu, sản phụ phải truyền tới 30 đơn vị máu, tương đương 8 lít. Số máu bệnh nhân cần phải truyền quá nhiều, lượng máu trong kho không còn đủ, nên kíp trực gồm 10 bác sĩ, kỹ thuật viên đã trực tiếp hiến máu truyền cho bệnh nhân. Sau một đêm thức trắng vật lộn với tử thần để cứu bệnh nhân, các bác sĩ đã đưa sản phụ qua cơn nguy kịch và hiện đang được tiếp tục điều trị tại bệnh viện. Theo các bác sĩ, bệnh lý đờ tử cung sau sinh là tai biến sản khoa nguy hiểm. Bệnh diễn biến rất nhanh khiến người bệnh rơi vào trạng thái nguy kịch, đe dọa tính mạng nếu bệnh nhân không được cấp cứu, xử trí kịp thời. (580 từ)

 

 

8. Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng cứu sống một nạn nhân bị súng cướp cò bắn vào bụng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 04 tháng 11 năm 2018, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận cấp cứu cho một người đàn ông có vết thương ở bụng do trúng đạn. Trước đó, bệnh nhân Đ.Q.Đ. (33 tuổi, trú tại Đơn Dương, Lâm Đồng) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu do bị tổn thương vùng bụng.

Tiên hành thăm khám, các bác sĩ nhận thấy: bệnh nhân bị thủng đại tràng, tổn thương động mạch thận, thủng ruột non, mất rất nhiều máu. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, ekip mổ đã tìm thấy và gắp ra viên đạn chì mắc trong vùng bụng nạn nhân, đồng thời khâu lại lỗ thủng ruột non, làm hậu môn nhân tạo, khâu cầm máu các vết thương do viên đạn gây ra. Theo bệnh nhân, khi đang chỉnh súng tự chế để chuẩn bị vào rừng bắn chim không may súng cướp cò khiến đạn chì bắn trúng vùng bụng và bất tỉnh tại chỗ. Rất may người nhà đã phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Hiện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. (255 từ)

 

9. Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cứu sống một bệnh nhân bị vỡ manh tràng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 04 tháng 11, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hoàn Mỹ Cửu Long vừa thực hiện phẫu thuật cấp cứu thành công cho một bé gái bị tai nạn giao thông làm vỡ manh tràng. Vào lúc 15h47 ngày 30/10/2018, BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đã tiếp nhận 1 trường hợp tai nạn giao thông nghiêm trọng, bệnh nhân là em T.T.T.T (SN 2004, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) nhập viện cấp cứu với cơn đau bụng dữ dội và nhiều vết trầy xước. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, phát hiện có hơi tự do trong ổ bụng, nghi vỡ tạng rỗng. Bằng phương pháp mổ nội soi, e-kip của Khoa Tiêu Hóa – BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đã phát hiện manh tràng bệnh nhân bị vỡ với vết rách khoảng 4cm. Manh tràng là một bộ phận nằm trong ruột già và là một bộ phận đóng nhiều vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa. Phương pháp mổ nội soi là phương pháp ít xâm lấn, giúp cho bệnh nhân mau hồi phục, rút ngắn thời gian nằm viện cũng như không phải chịu vết sẹo lớn. Bệnh nhân đã nhanh chóng được khâu lại chỗ thủng trên manh tràng và cắt ruột thừa. Theo Ths. BS Nguyễn Hữu Kỳ Phương, Trưởng khoa Tiêu Hóa của bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm phúc mạc gây ra những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe bệnh nhân. (284 từ) 

 

10. Bệnh viện Từ Dũ cứu sống sản phụ có nhóm máu hiếm bị băng huyết sau sinh: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 04 tháng 11 năm 2018, Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mới cấp cứu thành công sản phụ quê Bến Tre bị băng huyết sau sinh, đáng nói là sản phụ này có nhóm máu hiếm AB/Rh. Tỉ lệ người Việt Nam có nhóm máu Rh- này chỉ chiếm 0,04%. Được biết, sản phụ P.T.X.T (sinh năm 1984, ngụ tại tỉnh Bến Tre) mang thai lần 2, khi sinh rặn không chuyển, các bác sĩ BV tỉnh phải hút, tuy nhiên sản phụ bị băng huyết sau sinh với máu hiếm AB/Rh(-). Ngay lập tức, sản phụ được chuyển lên khoa Cấp cứu (Bệnh viện Từ Dũ) trong tình trạng nguy kịch, thiếu khối lượng tuần hòan máu do không có máu bù, da xanh, niêm, mạch nhạt, mạch và huyết áp gần như không đo được. Dưới sự chỉ đạo của BS Hồng Công Danh, Trưởng khoa Gây mê hồi sức (BV Từ Dũ), toàn bộ y bác sĩ của Khoa cùng chung tay điều trị cấp cứu cho sản phụ... Với việc sử dụng thuốc vận mạch liều cao và đặc biệt là sản phụ được truyền một đơn vị máu 350ml đầu tiên và 4 đơn vị kết tủa lạnh có được từ sự hỗ trợ rất khẩn trương của Khoa Xét nghiệm và Ngân hàng máu – Bệnh viện Từ Dũ. 35 phút hồi sức tích cực bệnh nhân tạm thời qua được cơn nguy kịch. Sau đó, bệnh nhân được khâu hồi phục tầng sinh môn, thắt động mạch tử cung hai bên, đặt bóng chèn tử cung và chuyển sang phòng Hồi sức, tiếp tục thở máy, duy trì vận mạch, bù máu và các chế phẩm máu. Tổng lượng máu đã truyền cho sản phụ P.T.X.T gồm 4 túi máu O/Rh(-) (350ml/túi), 3 túi máu AB/Rh(-) (350ml/túi), 10 túi huyết tương động lạnh (150ml/túi), 10 đơn vị kết tủa lạnh, 2 túi tiểu cầu gạn tách. Các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức (BV Từ Dũ) cho biết, đây là một trường hợp bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Từ Dũ trong tình trạng sức khỏe ngàn cân treo sợi tóc, được cấp cứu và điều trị thành công. Hiện sản phụ hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc tốt và tiếp tục được theo dõi tình trạng chảy máu âm đạo. (421 từ)

 

11. Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra làm rõ thông tin người bệnh tố cáo Bệnh viện Quận 2: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 05 tháng 11 năm 2018, Qua đường dây nóng của Bộ Y tế, một người bệnh bức xúc cho rằng Bệnh viện (BV) Quận 12, TP HCM khám “qua loa” rồi kết luận sức khỏe bệnh nhân đạt loại I (sức khỏe tốt). Bộ Y tế yêu cầu làm rõ, BV Quận 12 đã lên tiếng. Sáng 5.11, trao đổi với chúng tôi, ông Hà Công Chức (40 tuổi, trú tại huyện Hóc Môn, TP HCM) cho biết, ngày 16.10, ông đến BV Quận 12, TP HCM để khám sức khỏe. Tại đây, sau khi đóng viện phí 75.000 đồng, ông được hướng dẫn đến Khoa mắt để kiểm tra. Lúc này y tá BV yêu cầu ông nhắm từng mắt để đọc chữ A, B, C… Sau đó, ông được một y tá hỏi về chiều cao, cân nặng. “Khi hỏi xong chiều cao, cân nặng, cô y tá yêu cầu tôi đợi kết quả khám sức khỏe. Hơn 30 phút sau, tôi nhận được một tờ Giấy khám sức khỏe có kết quả khám sức khỏe loại I”, ông Chức nói. Cũng theo ông Chức, do thấy kết quả khám bệnh vô lý nên ông đã phản ánh  vụ việc và được một bác sĩ nói: “Chỉ cần có con dấu là đủ”?. Về kết quả khám sức khỏe, ông Chức cho rằng, tại BV Quận 12 ông không được khám tại các khoa khác như răng hàm mặt, khoa Ngoại, khoa Da liễu, khoa tai mũi họng…, và chưa được các bác sĩ thăm khám (việc thăm khám là y tá BV- theo ông Chức). Ngoài ra, ông Chức không được khám cận lâm sàng, đồng nghĩa là ông không được được xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu… “Điều khiến tôi bức xúc, mặc dù không được khám Nội: Tuần hoàn, Hô hấp, Tiêu hóa, Thận – Tiết niệu, Cơ – xương – khớp…) nhưng Giấy khám sức khỏe được bác sĩ BV xác nhận tình trạng sức khỏe đạt loại I”, ông Chức nói. Không dừng ở đó, ông Chức cho rằng, ông bị gãy 2 cái răng nhưng kết quả khám răng trên, hàm dưới các bác sĩ xác nhận đều đạt 100%. Cho rằng kết quả thăm khám như vậy là không thỏa đáng, thiếu chính xác, ngày 17.10, ông Chức đã đến BV Quận Gò Vấp để khám sức khỏe. “Kết quả chụp X-Quang cho thấy, cẳng tay trái của tôi đã bị gãy và còn đang được cố định xương bằng đinh, vít”, ông Chức nói. Trước sự việc trên ông Chức đã phản ánh đến đường dây nóng của Bộ Y tế. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã yêu cầu phía BV Quận 12 làm rõ vụ việc theo phản ánh trước ngày 22.10.2018. BS Nhan Tố Tài, Giám đốc BV Quận 12 cho biết, ngày 17.10, BV nhận được phản ánh của bệnh nhân Chức về vụ việc trên và đã xác minh, đồng thời có báo cáo Bộ Y tế. Theo văn bản báo cáo vụ việc của BV Quận 12: Ngày 17.10 Bộ phận sức khỏe của BV kiểm tra nhưng không có ông Chức đến khám sức khỏe tại đơn vị. Tiếp đó, lúc 8h17phút, ngày 18.10, BV liên hệ với ông Chức hẹn ông vào lúc 10h cùng ngày đếu BV để trao đối về nội dung phản ánh trên nhưng ông Chức không đến. Đến 10h30 phút, ngày 18.10, BV tiếp tục liên hệ với ông Chức (4 lần) nhưng ông vẫn không nghe máy và không đến BV. Cũng theo Giám đốc BV Quận 12, sẽ tiếp tục liên hệ để được làm việc trực tiếp với ông Chức để làm rõ các thông tin phản ánh, nếu phía bệnh viện có sai phạm sẽ xử lý đúng pháp luật. Đồng thời, báo cáo vụ việc lên lãnh đạo UBND Quận 12. (686 từ)

 

12. Bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương thành phố Hồ Chí Minh cứu sống bệnh nhân bị đâm xuyên thận mà không cần phẫu thuật: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 06 tháng 11 năm 2018, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cho biết, vừa cấp cứu thành công cho một bệnh nhân bị đâm thủng, đứt mạch máu thận mà không cần phải mổ. Trước đó, ông N.V.Q (57 tuổi) hành nghề xe ôm có mâu thuẫn với đồng nghiệp, sau khi cãi vã và lao vào ẩu đã ông Q. bị đối phương dùng vật nhọn đâm thủng hông bên trái. Nạn nhân sau đó được người dân chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu. Lúc nhập viện, ông Q. được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm, chụp CT scanner ngực, bụng có cản quang. Kết quả vết thương xuyên từ vùng lưng (ngang L2-L3), tụ dịch và khí khoang sau phúc mạc và quanh thận trái, rách 1/3 giữa thận trái xuyên vào bể thận và có thoát mạch sau khi tiêm thuốc cản quang. Sau khi hội chẩn cấp cứu, các BS quyết định sẽ can thiệp nội mạch cấp cứu thay vì phẫu thuật thám sát tìm mạch máu thận bị đứt để khâu cầm máu. Chụp mạch máu thận qua DSA, ekip thấy hình ảnh thoát mạch thuốc cản quang và có giả phình mạch kích thước khoảng 5mm ở nhánh động mạch phân thùy sau trên. Qua hội chẩn, ê-kíp cấp cứu quyết định can thiệp nội mạch thay vì phẫu thuật thám sát tìm mạch máu thận bị đứt để khâu cầm máu. Phương pháp chụp mạch máu thận qua DSA được áp dụng đã giúp ê-kíp thấy hình ảnh thoát mạch thuốc cản quang và có giả phình mạch kích thước khoảng 5mm ở nhánh động mạch phân thùy sau trên. Sau đó, bác sĩ quyết định can thiệp bít tắc mạch cầm máu cấp cứu bằng cách đặt 2 coils Barricade. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, và không biểu hiện mất máu. Theo bác sĩ Trịnh Đình Thắng, Phó giám đốc bệnh viện, đây là trường hợp đầu tiên can thiệp thành công trên bệnh nhân bị vết thương đứt mạch máu thận nguy kịch bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch. Phương pháp này có ưu điểm là ít xâm lấn, độ an toàn cao, giúp bênh nhân nhanh hồi phụ. Những trường hợp tương tự trước đây bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật thám sát và khâu cầm máu vì vết thương đã làm rách bao thận, làm mất cơ chế cầm máu tự nhiên. Song, khoang sau phúc mạc có nhiều tổ chức mô lỏng lẻo sẽ khiến việc phẫu thuật khâu thận cầm máu rất khó khăn và là thách thức đối với phẫu thuật viên, đôi khi đe dọa tính mạng nạn nhân. (487 từ)

 

13. Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cứu sống thai phụ bị u nang cực lớn: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 05 tháng 11 năm 2018, bác sĩ Đinh Văn Sức - Trưởng khoa Sản, Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: tình trạng sức khỏe của sản phụ Hà, người có khối u nang buồng trứng khủng phát triển song hành cùng thai nhi đã ổn định, sức khỏe em bé tốt và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Trước đó, ngày 31/10, sản phụ Hà nhập viện trong tình trạng đang mang thai tuần 37, người mệt mỏi, khó thở. Tiến hành kiểm tra, các bác sĩ phát hiện sản phụ có khối u cực lớn trong tử cung nên đã tiến hành phẫu thuật bắt em bé, cắt khối u. Các bác sĩ đã phẫu thuật bắt em bé (nặng 3kg), sau đó đưa ống hút vào hút dịch trong u nang, hút ra khoảng gần 5 lít dịch do khối u có kích thước quá lớn (20 x 30 cm), che hết phần tử cung. Sau khi thu nhỏ, khối u nang được kéo ra, cắt buồng trứng và gửi lên TPHCM xác định bệnh lành tính hay ác tính để có hướng điều trị phù hợp. Theo bác sĩ Sức, do sản phụ có khối u quá lớn, phát triển song song với thai nên đẩy cơ hoành lên khiến bệnh nhân khó thở, người mệt mỏi. May mắn khối u của sản phụ được phẫu thuật cắt bỏ kịp thời không bị vỡ. Nếu vỡ dịch của nang sẽ vào ổ phúc mạc gây nhiễm trùng, viêm phúc mạc, nhiễm độc cho người mẹ, nguy hiểm tới tính mạng. Trường hợp này may mắn do em bé cũng đủ thai kỳ nên vừa mổ bắt con vừa giải quyết khối u. Có nhiều nguyên nhân hình thành khối u nang buồng trứng, trong đó có nguyên nhân là do buồng trứng bị đảo lộn tế bào. Do đó, theo các bác sĩ, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên thường xuyên khám phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện bệnh và có hướng điều trị kịp thời. (387 từ)

 

14. Bác sỹ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương gắp thành công xương cá đâm xuyên thực quản của một bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 06 tháng 11 năm 2018, BS. Trần Hữu Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện  Tai-Mũi-Họng Trung ương cho biết các bác sỹ của Bệnh viện vừa can thiệp thành công lấy chiếc xương cá đâm xuyên thực quản của một bệnh nhân. Đáng nói khi bị hóc người bệnh ban đầu không để ý hoặc cố tình giấu, chỉ đến khi sưng đau mới đến viện thăm khám. Lúc đó tình trạng đã chuyển biến nặng gây nhiễm trùng. BS. Thắng khuyến cáo trong khi ăn không nên cười đùa và nói chuyện. Ngoài ra, khi chế biến thức ăn đặc biệt cho người già và trẻ nhỏ cần lưu ý lọc bỏ phần thịt và xương riêng. Nếu bị hóc xương, không nên tự ý dùng tay để cố lấy dị vật hoặc dùng mẹo để chữa, mà đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời (189 từ).

 

15.  Bộ Y tế làm việc với Bệnh viện Mắt Trung ương về thông tin bác sĩ bệnh viện Mắt Trung ương móc nối với "cò mồi" khám bệnh nhanh: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 07 tháng 11 năm 2018, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc kiểm tra, chấn chỉnh, kỷ luật cán bộ liên quan (nếu có) trong phản ánh của báo chí, đoàn công tác của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đã có cuộc làm việc đột xuất với Bệnh viện Mắt Trung ương. Tại buổi làm việc, TS Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ báo chí về nội dung nêu trên, ngày 30-10, Ban giám đốc bệnh viện đã vào cuộc xác minh, xử lý. nhận được thông tin và tiến hành xử lý. Qua đó, xác định được cá nhân cán bộ y tế liên quan đến vụ việc là bác sĩ N.D.T, khoa Chấn thương. Bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ D.T và Khoa Chấn thương kiểm điểm, làm tường trình vụ việc. Trong nội dung bản tường trình, bác sĩ D.T có thừa nhận khám cho bệnh nhân không có phiếu khám ở khu khám theo yêu cầu. Tuy nhiên, bác sĩ này cam đoan không liên quan cò mồi mà chỉ  “vô tình khám hộ khi chị ấy nhờ khám cho người nhà chị ấy. Viêc chị M.A (người được nhắc trong bài báo - PV) có tham gia đội ngũ cò mồi hay không thì tôi hoàn toàn không biết” – bác sĩ D.T viết trong bản tường trình. Được biết, chị M.A - vốn là trình dược viên từng nhiều lần vào làm việc tại Bệnh viện Mắt Trung ương nhưng thời gian gần đây không làm ở viện nữa. Đại diện Phòng Tổ chức cán bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, sau thời gian làm trình dược viên, cô M.A có sự quen biết các bác sĩ của bệnh viện, còn việc cô này có móc nối với các bác sĩ để khám bệnh nhanh hoặc là “cò mồi” hay không thì không xác định được. Tại buổi làm việc chiều nay, bác sĩ D.T. cho biết đã nhận thức được sai phạm của mình khi không yêu cầu người bệnh không mua phiếu khám mà tự ý bảo người bệnh khám tại khu khám yêu cầu, do tranh thủ khám. Điều này đã vi phạm quy định của Bệnh viện. Trong khi đó, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương Phạm Ngọc Đông khẳng định bệnh viện không bao che, dung túng các hiện tượng cò mồi và tiếp tay cho cò mồi. Qua làm việc, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Mắt Trung ương phải rà soát lại tất cả quy trình từ đón tiếp, khám chữa bệnh đến công tác bảo vệ, công tác xã hội… xem còn lỏng lẻo ở khâu nào để rút kinh nghiệm và siết chặt. (532 từ)

 

16. Bác sỹ Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn Hà Nội cứu sống một thai phụ chửa ngoài tử cung: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 09 tháng 11 năm 2018, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Thương (BV Đa khoa Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, BV vừa cứu sống bệnh nhân Trần Thị Thanh (37 tuổi, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị chửa ngoài tử cung vỡ.

Trước đó, bệnh nhân được đưa vào BV cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, da xanh, niêm mạc nhợt, bất tỉnh. Tiếp nhận bệnh nhân, BV nhanh chóng tiến hành cấp cứu.Sau khi thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán chửa ngoài tử cung vỡ. Ngoài ra, bệnh nhân đang trong tình trạng sốc mất máu, trụy tim mạch nên chỉ định phẫu thuật. Kíp mổ đã tiến hành mở ổ bụng và xác định, bệnh nhân chửa ngoài tử cung vỡ. Khối chửa bên vòi trứng trái, máu chảy ồ ạt, trong ổ bụng có khoảng 2 lít máu.

Ngay lập tức, kíp phẫu thuật đã cầm máu, lấy cục máu đông, lau rửa ổ bụng, phục hồi thành bụng. Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân được truyền 2 đơn vị máu tại nguồn máu dự trữ của BV. Sau hơn 1 tiếng thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công.Sau phẫu thuật 2 ngày, bệnh nhân đã tỉnh táo, vết mổ tốt, đi lại nhẹ nhàng. Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại BV. Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2 (BV Phụ sản Hà Nội) cho biết, thai ngoài tử cung là trường hợp thai không nằm trong buồng tử cung mà nằm ở các vị trí bên ngoài tử cung như ở vòi trứng, cổ tử cung, buồng trứng, ổ bụng. Nguyên nhân khiến thai phụ chửa ngoài tử cung thường là do viêm nhiễm vòi trứng, viêm vùng chậu do mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu hoặc do nạo phá thai. Khi bị chửa ngoài tử cung vỡ, thai phụ có các biểu hiện như đột ngột đau bụng, chóng mặt hoặc ngất; đau ở lưng dưới; đau ở vai. Các biến chứng có thể xảy ra khi thai ngoài tử cung vỡ như chảy máu ồ ạt, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Ngoài ra, nguy cơ tái phát cho lần mang thai sau là khá cao. Bác sĩ Khải cũng cho biết, khi thai phụ có những dấu hiệu như đau bụng dữ dội, chóng mặt,… thì nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Đồng thời, trong quá trình mang thai, chị em cần đi khám định kỳ để bác sĩ phát hiện sớm những bất thường có thể xảy ra để kịp thời xử lý. (481 từ)

 

17. Huy động 3 ekip phẫu thuậ, các bác sỹ Bệnh viện Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh cứu sống bệnh nhân bị đam nát bụng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 9 tháng 11 năm 2018, bác sĩ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện (BV) huyện Củ Chi TP.HCM, cho biết BV đã cứu sống thành công bệnh nhân Bùi Văn P. (23 tuổi, ngụ H.Củ Chi) sau khi bị anh rể đâm hơn 10 nhát. Trước đó, vào ngày 5.11, trạm cấp cứu vệ tinh 115 BV huyện Củ Chi tiếp nhận cuộc gọi của người dân về một vụ đả thương nghiêm trọng xảy ra tại ấp Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Khi xe cấp cứu đến hiện trường thì Bùi Văn P. bị trọng thương nguy kịch với nhiều vết dao dâm nên đã được tiến hành sơ cứu, cầm máu và đưa ngay về BV. “Khi về đến BV, bệnh nhân được tiếp tục hồi sức tích cực và hội chẩn toàn viện với chẩn đoán vết thương hở ở thành bụng lồi ruột, vết thương hở ngực rách cơ hoành, thủng thùy gan trái, vết thương hở cổ phức tạp, vết thương hở tay chân có tổn thương mạch máu thần kinh, sốc mất máu”, bác sĩ Giang nói. Lần đầu tiên BV đã đã huy động cùng lúc 3 ê kíp phẫu thuật cùng lúc với hơn 10 bác sĩ mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Sau 3 giờ tích cực, các bác sĩ cắt đoạn ruột non có nhiều lỗ thủng, khâu các lỗ thủng ở ruột non; khâu lại thùy gan trái bị rách; lập lại lưu thông cho ổ bụng; khâu rất nhiều vết thương ở hông lưng phải; phẫu thuật vết thương giữa cổ dài 5 cm gây đứt một phần cân cơ ức đòn chũm; vết thương bên phải cổ dài 15 cm gây đứt cơ ức đòn chũm và bán phần cơ thang; vết thương mặt lòng vùng cơ mô cái dài 5 cm nham nhở; rách phức tạp cơ dạng khép ngón 1 tay phải, tổn thương động mạch mô cái; phẫu thuật khâu nối thần kinh cho vết thương cẳng tay trái do đứt động mạch trụ, đứt thần kinh trụ, đứt gân gấp cổ tay trụ. Như Thanh Niên đã thông tin, do mâu thuẫn gia đình nên Huỳnh Văn R. đánh và đâm vợ là chị Bùi Thanh T. gục tại chỗ và tử vong sau đó. Em ruột chị T. là P. vào căn ngăn cũng đâm trọng thương. Gây án xong R. tự dùng dao đâm vào cổ tự tử gây bị rách cơ, đòn 2 bên và tổn thương một số mạch máu nhỏ. R. và P. sau đó được đưa đi cấp cứu tại BV huyện Củ Chi. (480 từ)

 

18. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ phẫu thuật thành công cho bệnh nhân có khối u dạ dày nặng gần 2kg: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 10 tháng 11 năm 2018,  các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tại TP Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân có khối u dạ dày với kích thước rất lớn, nặng gần 2kg. Bệnh nhân là ông L.V.T, sinh năm 1965, ngụ tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Theo ông T,  khoảng 5 tháng gần đây ông bắt đầu cảm thấy mệt, đầy hơi, ăn chậm tiêu và đau bụng, sờ vào thấy có khối u vùng thượng vị. Tuy nhiên khi ông đi khám tại một cơ sở y tế thì được chẩn đoán là bị sỏi thận. Sau một thời gian điều trị không thuyên giảm, cách nay 10 ngày, ông T đến khám tại Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Sau khi khám và thực hiện nội soi, ông T được chẩn đoán u dạ dày với khối u rất lớn và được chỉ định phẫu thuật. Ê kip của khoa Tiêu Hóa- Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đã cắt toàn bộ dạ dày, nạo hạch, nối ruột non với thực quản cho ông T. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt và được chăm sóc tại khoa Tiêu Hóa- Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long và vừa được xuất viện. Theo Ths.BS Nguyễn Hữu Kỳ Phương- Trưởng khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, việc phát hiện và điều trị kịp thời cho bệnh nhân sẽ tránh được nguy cơ di căn xa và ngăn được sự xuất huyết tiêu hóa của bệnh nhân, giảm nguy cơ tử vong. Thời gian đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ ăn ít hơn bình thường và nên chia ra để ăn nhiều lần trong ngày. Khi cơ thể đã thích nghi, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường. Việc cắt toàn bộ dạ dày sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân (366 từ).

 

19. Các nác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ cứu sống bệnh nhân ngã từ độ cao 3 mét, chấn thương nguy kịch: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 11 tháng 11 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương tiếp nhận bệnh nhân N. V. P, (32 tuổi, ở tại Yên Bình, Yên Bái) vào viện trong tình trạng đau đầu kèm theo nôn nhiều, sưng nề vùng thái dương đỉnh phải. Bệnh nhân được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, kết quả chụp CT đa dãy sọ não cho thấy hình ảnh tụ máu ngoài màng cứng vùng thái dương - đỉnh phải, 1/3 bán cầu, chèn ép gây thoát vị thùy thái dương phải, vỡ xương thái dương và xương đỉnh phải. Sau hội chẩn khẩn cấp các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị máu tụ ngoài màng cứng cấp tính, nếu không được phẫu thuật cấp cứu sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Sau khi được các bác sỹ tư vấn cụ thể về chấn thương, nguy cơ của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã quyết định phẫu thuật. Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ cấp cứu với đội ngũ các bác sỹ gây mê, ngoại thần kinh, hồi sức, tim mạch có kinh nghiệm trong việc xử trí các trường hợp chấn thương sọ não nghiêm trọng. Sau 1 giờ phẫu thuật căng thẳng, các bác sỹ đã giải thoát bộ não khỏi áp lực của máu tụ, bệnh nhân đã được chuyển về khoa hồi sức cấp cứu theo dõi tích cực sau mổ. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và có thể ra viện. Theo Bác trực tiếp phẫu thuật, chấn thương sọ não là chấn thương rất nguy hiểm, những chấn thương cấp tính như: máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng (cấp), dập não, xuất huyết não... thời gian là yếu tố quyết định đến tính mạng của bệnh nhân. Do đó, sau tai nạn giao thông, té ngã hoặc va đập mạnh ở vùng đầu, nếu người bệnh có các dấu hiệu như: giảm tri giác sau chấn thương (lú lẫn, nói dính lưỡi hoặc có những hành vi bất thường), đau đầu ngày càng tăng, buồn nôn, co giật, phù nề tại vị trí tổn thương, yếu hoặc mất cảm giác tay chân, chảy dịch trắng trong ra mũi hoặc tai... phải khẩn cấp đến bệnh viện để được phẫu thuật kịp thời. (427 từ)

 

20. Các bác sỹ Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu gắp viên đạn trong mắt một bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 14 tháng 11 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện (BV) Tai mũi họng TP.HCM cho biết đã tiếp nhận và phẫu thuật cấp cứu gắp viên đạn trong mắt bệnh nhân N.T.T.T (32 tuổi, ngụ Lâm Đồng). Hiện thị lực bệnh nhân ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Trước đó, ngày 7.11, khi đứng trước cửa nhà, chị T. bị một vật lạ bay xuyên vào mắt phải, ngất xỉu. Chị T. được người nhà đưa đến BV Mắt TP.HCM cấp cứu, sau đó chuyển sang BV Tai mũi họng vào sáng 9.11 trong tình trạng mắt phải sưng, mờ. Các kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy mắt phải bệnh nhân có dị vật hình tròn (sau đó xác định là viên đạn chì). Viên đạn đi xuyên qua hốc mũi, thành vách mũi xoang. Ngay trong đêm, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi mở các xoang sàng, xoang bướm lấy viên đạn ra và dẫn lưu máu tụ trong xoang. (203 từ)

 

21. Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng phẫu thuật nối xương đùi thành công cho một cụ già 102 tuổi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 14 tháng 11 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, cho biết cụ bà B.T.P. (102 tuổi, ngụ quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) được phẫu thuật gãy liên mấu chuyển xương đùi (LMCXĐ) phải, đã xuất viện sau 11 ngày điều trị. Trước đó, bà P. nhập viện trong tình trạng háng và đùi phải sưng đau, chân phải mất cơ năng. Người nhà cho biết bệnh nhân bị té ngã trước đó. Qua hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị gãy phức tạp LMCXĐ phải, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ kèm tiền sử đã thay chỏm xương đùi trái cách đây 10 năm. Các bác sĩ đã quyết định mổ kết hợp xương đùi phải bằng nẹp DHS cho bà, tuy nhiên tuổi của bà P. đã cao, lại mang nhiều bệnh kèm nên quá trình gây mê gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi phải cực kỳ cẩn trọng. Hiện bà P. đã tỉnh táo, vết mổ khô, giảm đau nhiều, phục hồi nhanh. Theo thạc sĩ - bác sĩ Hà Nguyên Minh Quang, Trưởng Khoa ngoại Chấn thương chỉnh hình - Thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, trong tuần qua cũng có hai người cao tuổi khác bị gãy LMCXĐ, do đó bệnh viện khuyến cáo các gia đình có người già cần chú ý. Bác sĩ Quang cho biết thêm, gãy LMCXĐ là gãy đầu trên xương đùi khá phổ biến, với 95% nạn nhân là người cao tuổi do loãng xương. Được biết, đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất được phẫu thuật thành công tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. (311 từ)

 

22. Các bác sỹ Bệnh viện Quân Y 175 tận tình cứu chữa cho một bệnh nhân không người thân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 14 tháng 22 năm 2018, Bệnh viện Quân y 175 vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam khoảng 20 tuổi, bị tai nạn giao thông ở quận Gò Vấp, được người đi đường đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, không mang theo giấy tờ tùy thân nên không rõ họ tên, địa chỉ. Bác sĩ Nguyễn Xuân Cường đang điều trị bệnh nhân này, thông tin: “Bệnh nhân bị chấn thương sọ não nhưng người thân không hay biết để vào chăm sóc. Sau thời gian được hồi sức tích cực, điều trị, chăm sóc, bệnh nhân đã có dấu hiệu sinh tồn, tiên lượng cải thiện tốt, có thể mở mắt, nói tên, nhưng không nhớ địa chỉ nhà do chấn thương sọ não, xuất huyết dưới não, nên vẫn chưa liên lạc được với gia đình. Hiện tại, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng thay nhau chăm sóc, hy vọng bệnh nhân sớm có người thân tìm đến nhận”. Trung úy Trần Xuân Dương, công tác tại Phòng Chính trị Bệnh viện Quân y 175, cho biết: “Đối với các bệnh nhân không người thân, bệnh viện vẫn ân cần chăm sóc. Đến khi bệnh nhân bình phục, nếu không có người thân đến rước, bệnh viện sẽ liên hệ nhà chùa hoặc các tổ chức từ thiện để gửi đưa bệnh nhân về. Có những trường hợp tình cảnh bệnh nhân quá khó khăn, bệnh viện hỗ trợ xe đưa về tận địa phương”. (281 từ)

 

23. Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum xác định nguyên nhân trẻ sơ sinh tử vong ở Bệnh viện: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 14 tháng 11 năm 2018, Liên quan đến vụ trẻ sơ sinh tử vong ở BV đa khoa tỉnh Kon Tum, ngày 13-11, bệnh viện này cho biết đã xác định được nguyên nhân dẫn tới sự việc trên. Theo đó, biên bản họp hội đồng chuyên môn kết luận nguyên nhân tử vong là do thai lớn, gây biến chứng kẹt vai khi sinh khiến trẻ sơ sinh bị ngạt. Đa số ý kiến thành viên hội đồng chuyên môn cho rằng việc BS Nguyễn Thị Thu Hà, trưởng ca trực ngày 10-11, để sản phụ Nguyễn Thị Hồng Linh (sinh năm 1991, trú tổ 1, phường Duy Tân, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) sinh thường là phù hợp. Lý do là sản phụ Linh đã trải qua hai lần sinh thường rất dễ dàng (lần thứ nhất sản phụ sinh thường bé sơ sinh nặng 3,2 kg, lần hai là bé nặng 3,5 kg). Tuy nhiên, trong lần sinh này, kết quả siêu âm trước sinh của thai nhi là 3,7 kg trong khi thực tế sau sinh cân nặng là 4,5 kg, sai số là + 0,8 kg (21,6%). Cũng theo các bác sĩ, quy trình đón tiếp bệnh nhân đúng và đầy đủ quy định. Quá trình thăm khám, chẩn đoán phù hợp, kịp thời, đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Quá trình theo dõi diễn biến cuộc chuyển dạ, kết hợp với tiền sử sản khoa, cân nặng thai nhi trên siêu âm để quyết định theo dõi sinh đường âm đạo là phù hợp chuyên môn. Khi xảy ra sự cố kẹt vai, kíp trực đã xử lý bằng các kỹ thuật đúng quy trình chuyên môn để đưa thai nhi ra mà không gây thêm các biến chứng cho sản phụ. Sự cố xảy ra là do sai số trong quá trình siêu âm nên kíp trực hôm đó không lường được thai nhi có trọng lượng lớn dẫn đến biến chứng đáng tiếc. "Kíp trực đã rất cố gắng để cứu thai nhi nhưng thất bại và chỉ đảm bảo được an toàn cho người mẹ. Đây là mất mát rất lớn của gia đình sản phụ và để lại cho đội ngũ y, bác sĩ những trăn trở hết sức nặng nề" - BS Võ Văn Thanh, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Kon Tum, nói. Chồng sản phụ Linh là anh Dương Đức Việt cho biết gia đình sản phụ không đồng ý với cách xử lý của đội ngũ bác sĩ cũng như những giải thích trên của lãnh đạo bệnh viện. Trước đó, vào tối 9-11, chị Linh đau bụng nên được đưa đến BV đa khoa tỉnh Kon Tum để chờ sinh. 4 giờ 20 ngày 11-11, chị Linh đau bụng dữ dội và được êkíp khoa Sản tiến hành đỡ đẻ thường. 45 phút sau, gia đình sản phụ nhận được thông báo em bé đã tử vong do bị ngạt. (527 từ)

 

24. Bệnh viện Quận 11 thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên cứu sống một bệnh nhân 81 tuổi bằng phương pháp đặt máy tạo nhịp tim: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 14 tháng 11 năm 2018, BS.CKI Hồ Châu Anh Thư - Khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Quận 11 cho biết, bệnh viện cấp cứu thành công bệnh nhân N.T.M (81 tuổi, trú tại quận 11, TP.HCM). Theo đó, bệnh nhân này được người nhà đưa vào cấp cứu vào rạng sáng 27/ trong tình trạng nguy kịch do hội chứng suy hô hấp cấp và suy tim mức độ nặng. Hội chứng suy hô hấp cấp là tình trạng viêm phổi diễn tiến nhanh và nặng. Bệnh nhân sau khi được hồi sức và đặt máy tạo nhịp tim tại bệnh viện Quận 11. Ngay khi vào viện, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực để thở máy. Cùng lúc đó, tình trạng suy tim diễn tiến xấu dần, nhịp tim ngày càng chậm. Xác định bệnh nhân đang nguy kịch, thở máy, không thể chuyển tuyến trên can thiệp tim mạch nên các bác sĩ tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời qua lòng mạch giúp phục hồi nhịp tim, đảm bảo sự sống cho bệnh nhân. Theo bác sĩ Thư, nếu không đặt máy tạo nhịp kịp thời, nhịp tim bệnh nhân sẽ rất chậm, làm huyết áp tụt, không đủ tưới máu các cơ quan và bệnh nhân sẽ chết trong bối cảnh suy các cơ quan. Đồng thời, để điều trị hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, bệnh nhân được sử dụng thế hệ máy thở hiện đại, giúp cho các bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng tổn thương và đưa ra biện pháp điều trị tốt nhất. Sau khi được cấp cứu tích cực, trong một tuần sau, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, được rút máy thở, chuyển khoa trong tình trạng sức khỏe ổn định. “Đây là trường hợp đầu tiên Bệnh viện Quận 11 triển khai các kỹ thuật hiện đại để điều trị bệnh nhân nguy kịch, cùng lúc tổn thương nhiều cơ quan. Với thành công trên, đây sẽ là động lực để trong thời gian tới bệnh viện tiếp tục phát huy các thế mạnh, hứa hẹn sẽ giúp cứu sống được nhiều bệnh nhân tại tuyến quận mà trước nay xem như không thể”, bác sĩ Phạm Quốc Dũng - Giám đốc bệnh viện Quận 11 chia sẻ. (432 từ)

 

25. Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam triển khai kỹ thuật lọc máu công nghệ cao cho người suy thận: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 16 tháng 11 năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam vừa triển khai kỹ thuật lọc máu công nghệ cao sử dụng máy HDF- online 5008S cho một bệnh nhân ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành (Quảng Nam). Theo đó, HDF-online 5008S là dòng máy tiên tiến, hiện đại nhất cho đến hiện nay được áp dụng để siêu lọc máu cho bệnh nhân. Loại máy này có khả năng đào thải những chất độc có trọng lượng phân tử trung bình và lớn do đó giảm được các triệu chứng do kỹ thuật chạy thận thông thường gây ra. Vì vậy chất lượng sống của bệnh nhân chạy thận được cải thiện, và thời gian sống của bệnh nhân được kéo dài. Bên cạnh đó, HDF-online được áp dụng hiệu quả cho những bệnh nhân có các biến chứng như tim mạch, huyết áp không ổn định, tăng huyết áp không đáp ứng điều trị, hội chứng Amyloidosis, bệnh lý đa dây thần kinh… Được biết, 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng đơn vị Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã được cử tham gia khóa đào tạo về HDF online tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nay đội ngũ tham gia đào tạo đã sử dụng thành thạo và nắm vững quy trình vận hành của máy. (262 từ)

 

26. Trong 7 tháng các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn phẫu thuật thành công cho 04 trẻ em bị bệnh phù bạch mạch: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 16 tháng 11 năm 2018, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn phối hợp với Giáo sư, Tiến sỹ Corinne Becker đã phẫu thuật thành công cho 4 ca bệnh phù bạch mạch ở trẻ em tại Hà Nội. Ngày 16/11, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Phù bạch mạch sau mổ ung thư vú". Hội thảo nhằm chia sẻ và cập nhật các kiến thức, kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị đối với các trường hợp mắc căn bệnh này với sự tham gia của Giáo sư, Tiến sỹ Corinne Becker (Cộng hòa Pháp) - chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình, người đi tiên phong trong việc nghiên cứu và tìm ra phương pháp điều trị phù bạch huyết. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng cho biết, bệnh phù bạch mạch còn được gọi là phù mạch bạch huyết, có biểu hiện phù hai tay, chân hoặc cả tay và chân. Đây là hậu quả của việc bạch huyết kém lưu thông do bị tắc nghẽn, bị tổn thương hoặc do các mạch bạch huyết phát triển không bình thường, từ đó gây ra hạn chế vận động, gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Bệnh phù bạch mạch là một căn bệnh hiếm gặp và phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà đối với tất cả các nước có nền y học phát triển trên thế giới. Phù bạch mạch được xem như một tình trạng không thể tránh khỏi trong điều trị ung thư và thường gặp sau điều trị ung thư (ví dụ như điều trị ung thư vú, ung thư cổ tử cung, nội mạc tử cung, âm hộ, đầu cổ, ung thư tuyến tiền liệt cũng như sarcoma và melanoma). Vì vậy, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tổ chức hội thảo này nhằm chia sẻ và cập nhật kiến thức cho các thầy thuốc của các đơn vị y tế trong ngành y tế Hà Nội về chẩn đoán và điều trị các trường hợp phù bạch mạch sau mổ ung thư vú. Từ tháng 4 đến tháng 11/2018, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn phối hợp với Giáo sư, Tiến sỹ Corinne Becker đã phẫu thuật thành công cho 4 ca bệnh phù bạch mạch ở trẻ em tại Hà Nội. Riêng Giáo sư, Tiến sỹ Corinne Becker trong hơn 20 năm qua đã trực tiếp thực hiện trên 4000 ca phẫu thuật cũng như đào tạo cho phẫu thuật viên nhiều nước về phương pháp điều trị này. (503 từ)

 

27. Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa phẫu thuật nội soi thành công cho bệnh nhân bị ung thư dạ dày: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 16 tháng 11 năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị đã phẫu thuật nội soi thành công cho một bệnh nhân bị ung thư dạ dày. Đó là bệnh nhân nữ 68 tuổi, quê xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, được chẩn đoán bị ung thư dạ dày vùng thân vị, kèm thiếu máu…. Phẫu thuật nội soi dạ dày cho bệnh nhân mắc ung thư là gói chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 được ký kết giữa BVĐK Thanh Hóa và Bệnh viện Việt Đức. Sau khi hội chẩn, các bác sỹ quyết định phẫu thuật cắt 3/4 dạ dày và nạo vét hạch qua nội soi, khâu nối máy tự động. Ca phẫu thuật diễn ra khá thành công, sau một tuần phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt. Thành công của ca phẫu thuật không chỉ khẳng định về chuyên môn chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ chuyên ngành ngoại khoa tỉnh nhà, còn góp phần mở ra cơ hội cho các bệnh nhân được điều trị ngay tại địa phương, giảm chi phí, giảm tỷ lệ tử vong, góp phần giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Thời gian qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật cao trong điều trị, phẫu thuật được chuyển giao từ các bác sỹ, chuyên gia đến từ các bệnh viện đầu ngành. (278 từ)

 

28. Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí nối thành công cánh tay bị đứt lìa cho một bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 16 tháng 11 năm 2018, bệnh nhân Lê Văn Sơn được đưa vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) trong tình trạng đứt rời cẳng tay. Toàn bộ phần dưới cẳng tay của anh Sơn bị dập nát, mất nhiều máu, gãy xương, đứt động mạch, đứt gân cơ. Anh Sơn là công nhân nhà máy gạch, bị xe goòng chèn phải trong lúc làm việc. Các bác sĩ cố định xương cẳng tay, khâu nối mạch máu, nối cơ, gân gấp, gân duỗi cẳng tay trái. Ca mổ kéo dài 3 giờ, bệnh nhân sau đó được chuyển về phòng hồi sức để theo dõi. Vài ngày sau mổ, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, cánh tay được nối đã hồng hào, các ngón tay cử động được, cảm giác tốt. Anh Sơn được các bác sĩ hướng dẫn tập bài tập vật lý trị liệu giúp hồi phục gân gấp duỗi để cẳng tay có thể hoạt động bình thường. Bác sĩ Nguyễn Đức Hoành, Trưởng khoa Phẫu thuật Can thiệp tim mạch và lồng ngực, khuyến cáo trong trường hợp gặp nạn đứt lìa chi, nạn nhân cần được sơ cứu rồi nhanh chóng chuyển đến bệnh viện gần nhất cùng với phần đứt lìa để được khâu nối kịp thời. (252 từ)

 

29. Bệnh viện đa khoa Quận 11 liên tiếp cứu sống 2 ca suy tim nặng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 16 tháng 11 năm 2018, Bệnh viện Quận 11, TPHCM vừa tiếp nhận và can thiệp kịp thời cho 2 trường hợp bị suy tim nặng. Trường hợp thư nhất là cụ bà N.T.M. (81 tuổi, ngụ tại Quận 11) nhập viện với hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (viêm phổi diễn tiến nhanh và nặng), suy tim, rối loạn nhịp. Sau khi thăm khám, các định bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch, bác sĩ đã đặt ống nội khí quản, chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực cho thở máy. Tuy nhiên, tình trạng suy tim diễn tiến xấu dần, nhịp tim ngày càng chậm. Trước diễn tiến bệnh nặng, đang thở máy, không thể chuyển tuyến trên, các bác sĩ khoa Hồi sức Tích cực đã hội chẩn nhanh và xác định, nhịp tim bệnh nhân rất chậm, làm huyết áp tụt, không đủ tưới máu các cơ quan, nguy cơ suy đa cơ quan khiến bệnh nhân tử vong. Ê kíp bác sĩ đã quyết định tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời qua lòng mạch cho người bệnh. Sau 1 ngày máy tạo nhịp có điện cực được đặt vào buồng tim, tạo xung điện qua điện cực kích thích xung điện lên tim, tạo nhịp, chức năng tưới máu của bệnh nhân trở lại bình thường. Bệnh nhân được phối hợp điều trị tích cực hội chứng nguy kịch hô hấp.Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân được rút máy thở, sức khỏe dần ổn định. Sau trường hợp trên, ngày 15/11 bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nữ K.E. (49 tuổi) khác trong tình trạng “thập tử nhất sinh” bị nhồi máu cơ tim cấp, diễn tiến suy tim rất nặng do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Tình trạng bệnh diễn tiến nặng khiến chị K.E. bị sốc tim. Trước tình trạng khẩn cấp người bệnh phải đối mặt, các bác sĩ đã tiến hành sử dụng thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông, giúp lưu thông mạch máu nuôi tim. Sau 3 giờ dùng thuốc, chức năng tim của bệnh nhân ổn định dần. Hiện bệnh nhân đã tự ăn uống sức khỏe bình phục tốt. Được biết, đây là 2 ca bệnh đầu tiên bệnh viện Quận 11 tiến hành đặt máy tạo nhịp và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Phía bệnh viện kỳ vọng với sự thành công trên, trong thời gian tới những ca bệnh nặng sẽ được điều trị tại bệnh viện, không cần phải chuyển lên tuyến trên, góp phần giảm áp lực quá tải cho bệnh viện quyến cuối. (467 từ)

 

30. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh cứu sống bệnh nhi bị đạn xuyên từ cổ đến đỉnh phổi trái: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 17 tháng 11 năm 2018, Bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin vừa tiếp nhận và xử trí thành công trường hợp bé trai 6 tuổi, ngụ tỉnh Đắc Lắk bị đạn súng săn bắn xuyên từ cổ đến đỉnh phổi trái. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, anh N.T.P. (cha của cháu bé) sau khi vào rừng săn bắt về đã bất cẩn để khẩu súng vẫn còn đạn bên trong nhà, 2 con trai của anh đứa 9 tuổi, đứa 6 tuổi lấy súng nghịch với nhau, vô tình người anh bóp cò, đạn bắn xuyên từ cổ vào ngực người em. Hoảng hốt, gia đình ngay lập tức đưa bé chuyến đến bệnh viện tỉnh sau đó chuyển đến Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, bé được thăm khám, kết quả chụp X Quang ngực cho thấy, viên đạn đi từ cổ nhưng không xuyên vào mạch máu lớn. Sau khi thăm khám, hội chẩn khoa, các bác sĩ nhận định nếu mổ mở, đi từ vùng cổ có thể rất khó khăn vì mạch máu, thần kinh vùng này rất nhiều và vết mổ sẽ rất xấu nên ekip đã quyết định phẫu thuật nội soi lồng ngực lấy viên đạn. Hiện tại em đã ổn định và xuất viện. Theo bác sĩ Nguyễn Hiền - Phòng Chỉ đạo Tuyến Bệnh viện Nhi Đồng 2, trẻ em từ độ tuổi mẫu giáo đến tuổi dậy thì rất hiếu động, nên cho trẻ chơi những trò chơi phù hợp với lứa tuổi, tránh cho trẻ tiếp xúc với các vật có tính sát thương dễ gây nguy hiểm cho trẻ. (316 từ)

 

31. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh cứu sống một bệnh nhân 4 lần ngừng tim: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế  ngày 17 tháng 11 năm 2017, Ông Vũ Quý Minh 50 tuổi, chết lâm sàng một giờ, 4 lần tim ngừng đập, bác sĩ vẫn nỗ lực cấp cứu dù chỉ có 1% hy vọng sống. Người nhà cho biết đầu tháng 11 ông Minh đang đi làm bất ngờ bị đau tức ngực trái, khó thở, choáng váng đầu óc. Được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh, bệnh nhân bất ngờ xuất hiện loạn nhịp rung thất, ngừng tim ngay sau đó. Các bác sĩ lập tức thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn, liên tục thổi ngạt, ép tim và sốc điện. Sau gần 60 phút cấp cứu, tim bệnh nhân đập trở lại. Ông được đặt nội khí quản và chuyển lên khoa hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, điện tim nhịp nhanh. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc tim do nhồi máu cơ tim, biến chứng loạn nhịp phức tạp, suy đa tạng. Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Chống độc - Thận nhân tạo cho bệnh nhân thở máy, lọc máu liên tục, kiểm soát huyết động, kiểm soát rối loạn nhịp tim và áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não ngay lập tức. Trong ngày đầu điều trị, bệnh nhân liên tục bị rối loạn nhịp thất, phải cấp cứu ngừng tuần hoàn 3 lần và có nguy cơ tử vong. May mắn những ngày tiếp theo, sức khỏe bệnh nhân chuyển biến tốt, không còn loạn nhịp tim, huyết động ổn định, hiện đã ngừng thuốc vận mạch, còn duy trì thuốc trợ tim. Sau 15 ngày điều trị tích cực, hiện bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo hoàn toàn, được rút ống nội khí quản, tự thở tốt, không đau ngực, nói chuyện tiếp xúc bình thường, phục hồi vận động và không để lại di chứng về thần kinh. Bác sĩ Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Chống độc - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết tổng cộng bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn 4 lần, có lần tim ngừng đập gần một tiếng, chỉ còn 1% hy vọng sống sót. Theo phác đồ của y khoa thế giới, nếu hồi sức suốt 30 phút mà bệnh nhân không có dấu hiệu hồi phục thì bác sĩ đành phải ngưng hồi sức. "Chúng tôi nhận thấy trường hợp này là bệnh cấp tính, bệnh nhân còn khá trẻ, vốn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý mạn tính nên kíp cấp cứu đã kiên trì đến cùng, áp dụng tất cả các biện pháp để cứu người", bác sĩ Hùng cho biết. Quá trình điều trị phục hồi tiếp theo cũng gặp không ít khó khăn do những biến chứng ngừng tuần hoàn, tế bào não thiếu oxy trong thời gian dài gây ra tổn thương không nhỏ. Rất may bệnh nhân đến viện kịp thời, được chẩn đoán, cấp cứu nhanh, khẩn trương và chính xác. Đặc biệt kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để tế bào não phục hồi, giúp bệnh nhân tỉnh lại không bị các di chứng nặng nề về thần kinh. Bệnh nhân vẫn phải tiếp tục lọc máu ngắt quãng do suy thận cấp, tuy nhiên sức khỏe hiện tại đã tiến triển tốt hơn rất nhiều. "Đây là trường hợp hy hữu với khả năng phục hồi rất ngoạn mục", bác sĩ chia sẻ. (619 từ)

 

32. Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất Hà Nội cứu sống bệnh nhân bị thanh gỗ đâm thủng bụng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 18 tháng 11 năm 2018, Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn H. (22 tuổi, trú tại Thạch Thất, Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch do tai nạn lao động. Theo người nhà, khi anh H. đang làm cưa sẻ gỗ tại một xưởng mộc thì không may bị máy văng thanh gỗ vào người và đâm xuyên thành bụng. Cú đâm mạnh khiến anh bị ngã, sau đó anh H. tự rút thanh gỗ ra khỏi cơ thể, khiến tình trạng mất máu càng trở nên nặng nề hơn. Phát hiện sự việc, mọi người đã đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất cho biết: khi nhập viện bệnh nhân đã ở trong tình trạng nguy kịch, mạch và huyết áp đều về 0. Dù vết thương rất nặng nhưng nếu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, có thể bệnh nhân sẽ tử vong ở dọc đường. Bệnh nhân có vết thương thấu vùng bụng hố chậu phải 2cm, với chẩn đoán: sốc mất máu, rách tĩnh mạch chủ bụng, tĩnh mạch chậu ngoài phải, thủng ruột non và mạc treo nhiều vị trí. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định truyền 2 đơn vị máu, 2 đơn vị huyết tương và đưa lên phòng mổ cấp cứu. Sau 2 giờ, ca mổ đã thành công. 6 giờ sau mổ bệnh nhân đã tỉnh và hiện vẫn đang được chăm sóc và điều trị tại Khoa Ngoại. Qua trường hợp bệnh nhân H., bác sĩ Kiên khuyến cáo: với những tai nạn lao động tương tự, người bệnh nên gọi cấp cứu để có hướng dẫn và sơ cứu kịp thời, không nên tự ý rút di vật ra khỏi vùng bị thương. Đồng thời, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. (355 từ).

 

33. Bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức lấy dây thần kinh từ chân ghép lên mắt chữa mù loà: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 18 tháng 11 năm 2018, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt–Tạo hình–Thẩm mỹ, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, thời gian gần đây, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị loét giác mạc do mất cảm giác. Trường hợp mới nhất là bé trai 4 tuổi ở Hà Nội. PGS Hà cho biết, mất cảm giác giác mạc là một bệnh lý nguy hiểm có thể gây loét giác mạc mãn tính, điều trị hết sức khó khăn, dẫn đến mù lòa. Lý do là khi bị mất cảm giác, giác mạc sẽ không còn phản xạ bảo vệ dẫn đến tổn thương loét tái phát hết đợt này đợt khác.
Bệnh có thể do mắc phải hoặc bẩm sinh. Nguyên nhân phổ biến nhất là do nhiễm virus herpes của thần kinh sinh ba, tiếp theo đó biến chứng sau phẫu thuật u não, cắt u dây thần kinh số 5, do chấn thương, sử dụng một số loại thuốc… Việc điều trị ghép giác mạc cũng không mang lại hiệu quả vì giác mạc mới lại chịu quá trình thương tổn tương tự, hậu quả là mất thị lực vĩnh viễn. Các phương pháp điều trị từ trước đến nay cũng không thật hiệu quả. Thông thường bệnh nhân được điều trị triệu chứng là chính bằng các thuốc nội khoa bôi trơn, nước mắt nhân tạo hay các thuốc chống viêm, thuốc chống ly giải collagel hoặc các chế phẩm sinh học kích thích tăng trưởng biểu mô. Các phương pháp điều trị ngoại khoa thường áp dụng như khâu cò mi, ghép màng ối cũng chỉ hy vọng kéo dài, làm chậm tiến triển của bệnh, ngay cả đến phương pháp ghép giác mạc cũng không hiệu quả do vết loét liên tục tái phát. “Đây là bệnh không quá hiểm nhưng ít bác sĩ quan tâm vì điều trị thực sự khó khăn khiến gia đình, bệnh nhân nhiều khi cũng buông tay vì tưởng không còn hy vọng”, PGS Hà chia sẻ. Tuy nhiên, các bác sĩ vi phẫu tạo hình hiện nay có thể phối hợp cùng các chuyên khoa thần kinh, mắt, hàm mặt để can thiệp, tái lập thần kinh cho giác mạc bằng kĩ thuật chuyển thần kinh vùng và ghép thần kinh bằng cách sử dụng các thần kinh cảm giác ngoại biên trên những bệnh nhân trẻ tuổi. Theo đó, các bệnh nhân sẽ trải qua ca phẫu thuật vi phẫu kéo dài 5 - 7 tiếng. Các bác sĩ sẽ xác định đầu dây thần kinh cảm giác còn lành lặn sau đó sẽ lấy 1 đoạn thần kinh ở dưới chân chuyển lên (chỉ là thần kinh cảm giác, không ảnh hưởng tới vận động của chân) nối ghép vào giác mạc bị bệnh. Vì kích thước các dây thần kinh quá bé, chỉ khoảng 1mm nên để khâu nối được, các bác sĩ phẫu thuật tạo hình phải sử dụng kỹ thuật khâu nối vi phẫu dưới kính hiển vi. Thông thường sau mổ khoảng 4–6 tháng, các dây thần kinh sẽ mọc ra quanh giác mạc và cảm giác bảo vệ sẽ dần xuất hiện, lúc này các phương pháp điều trị thông thường có thể mang lại hiệu quả. (586 từ)

 

34. Các bác sỹ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên thành công nối mạch máu không cần kim khâu: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 18 tháng 11 năm 2018, Bệnh nhân được bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM nối mạch máu bằng bộ nối trong vài phút, tiết kiệm thời gian vàng chữa trị. Người đàn ông 66 tuổi quê Bình Thuận khi băm thức ăn cho vịt, không cẩn thận bị dao cắt gây đứt mạch máu cổ tay trái. Bệnh nhân được bệnh viện địa phương chuyển vào TP HCM. Tiến sĩ Mai Trọng Tường, Trưởng Khoa Vi phẫu Tạo hình, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cho biết khi một mạch máu bị đứt cần phải khâu nối để phục hồi tưới máu một cách nhanh chóng và an toàn nhất. Kíp mổ đã lần đầu sử dụng bộ nối vi phẫu, giúp mạch máu lưu thông sau vài phút thao tác. Hiện sau 7 ngày bệnh nhân hồi phục tốt, siêu âm mạch máu không ghi nhận bất thường. Bác sĩ Tường cho biết từ trước đến nay các bác sĩ vi phẫu phải nối mạch máu bằng kim và chỉ khâu, mất nhiều thời gian và có thể bị tắc lại. Bộ nối mạch máu được sản xuất và áp dụng đầu tiên tại Mỹ giúp nối các mạch máu nhỏ nhanh, an toàn và hiệu quả. Hiện bộ nối này chưa được sử dụng ở Việt Nam. Đây là lần đầu thí điểm tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM để có thể triển khai các bệnh viện khác. Việc rút ngắn thời gian phẫu thuật và an toàn giúp mạch máu bệnh nhân hồi phục nhanh, các mô trở về chức năng bình thường. Hơn nữa thời gian mổ rút ngắn giúp bác sĩ có thể cứu được nhiều bệnh nhân, tăng năng suất trong công tác y tế. Ví dụ trường hợp bị đứt nhiều ngón tay, nếu thời gian nối mạch máu mỗi ngón quá kéo dài, bệnh nhân không thể cứu được tất cả các ngón. "Với bộ nối vi phẫu giúp tiết kiệm thời gian, bệnh nhân có hy vọng cứu được nhiều ngón hơn trong thời gian vàng những giờ đầu", bác sĩ Tường phân tích. (399 từ)

 

35. Các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi cấp cứu một bệnh nhi bị tan máu cấp do dùng lá lộc mai chữa bệnh:  Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 19 tháng 11 năm 2018, Bệnh nhi 4 tuổi được đưa vào Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh hôm 11-11 do bị tan máu cấp, sau khi gia đình dùng 3 lá lộc mại đun nước cho bé uống trị bệnh táo bón. Bệnh nhi này vào viện sau khi gặp các biểu hiện đi tiểu ra máu, đau bụng, không ăn uống được... Trước đó, do cháu bị táo bón và sử dụng men tiêu hóa không thấy đỡ, gia đình đã nghe theo người quen, đi lấy 4 lá lộc mại để đun nước uống cho bé trị bệnh. Sau khi uống nước của 3 lá lộc mại, cháu bé xuất hiện các triệu chứng kể trên nên gia đình cho vào viện. Tại bệnh viện, các bác sĩ khám và thấy cháu yếu, da xanh, niêm mạc nhợt, chỉ số huyết sắc tố 66g/l, bị thiếu máu nặng, tan máu cấp và cần được truyền máu ngay. Sau gần một tuần được điều trị tích cực, truyền kháng sinh, khối hồng cầu, thuốc lợi tiểu..., cháu bé đã qua cơn nguy kịch. Các bác sĩ khuyến cáo lá lộc mại là loại lá rất độc, có thể gây tử vong nhanh nếu như ăn và uống số lượng lớn. Đa phần bệnh nhân trúng độc vào viện đều rơi vào tình trạng nguy kịch do tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng, trường hợp trẻ đến muộn, không kịp truyền máu cũng có thể tử vong. Đây là ca ngộ độc thứ 2 do lá lộc mại ghi nhận thời gian gần đây ở khu vực phía Bắc. (306 từ)

 

36. Bệnh viện đa khoa Bắc Giang sử dụng Hội chẩn liên viện cứu sống bệnh nhân nguy kịch: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 20 tháng 11 năm 2018, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang vừa cấp cứu một trường hợp tai nạn lao động nghiêm trọng. Bệnh nhân là Nguyễn Minh Tâm (35 tuổi, ở thôn Tiên La, xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng kích thích, vật vã, da tái lạnh, bầm tím vùng ngực, gãy nhiều xương sườn vùng trước tim, tim mạch nhanh (140 lần/phút), không đo được huyết áp. Theo người nhà bệnh nhân cho biết, trong lúc đang lái xe gắn máy 3 chân vận chuyển gạch, nạn nhân bị gạch đổ vào bộ phận đầu xe, tạo lực đẩy tay lái của xe đập vào vùng ngực trái gây đa chấn thương và ngất. Do đống gạch cao, nhiều viên đổ xuống gây bụi nên một lúc sau mới phát hiện được người bị nạn. Nhận thấy tình trạng nguy kịch, bệnh nhân được hội chẩn liên viện với tuyến Trung ương. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sốc đa chấn thương, chấn thương ngực kín, theo dõi chấn thương tim, vỡ tim. Dưới sự hỗ trợ trực tiếp của các bác sĩ đầu ngành Bệnh viện E (Hà Nội) về thực hiện cùng kíp phẫu thuật lồng ngực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, gồm: Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bác sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Ngoại lồng ngực – Chỉnh hình – Bỏng; Bác sĩ Phạm Hồng Phong, Trưởng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức đã cấp cứu, phẫu thuật kịp thời cho người bệnh. Trong 3 giờ 30 phút phẫu thuật, bệnh nhân được mổ lồng ngực, hút máu đông, khâu vết thương tâm nhĩ phải, tĩnh mạch chủ, cố định mảng sườn ngực trái. Trong quá trình mổ, do mất máu nhiều, bệnh nhân được truyền 2 lít máu. Theo các bác sĩ đây là ca bệnh nặng, hiếm gặp, nếu không được phẫu thuật kịp thời nguy cơ tử vong cao. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đang được tiếp tục theo dõi chặt chẽ tại phòng hồi tỉnh của Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức – Bệnh viện đa khoa. (403 từ)

 

37. Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cấp cứu cho một bệnh nhi 6 tuổi bị chó cắn nát mặt: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 20 tháng 112 năm 2018, ông Lê Đăng Khoa-Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhi bị chó nhà cắn bị thương vùng mặt. Theo đó, vào chiều 17/11, Bệnh viện Nhi tiếp nhận cháu Nguyễn Đình Đồng (SN 2012) trú xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng tổn thương vùng mặt, mũi, đầu, tổn thương vùng hốc mắt, đứt ống tuyến lệ. Người nhà cho biết khi bé đang chơi ngoài ngõ thì bị chó nhà tấn công. Hiện bệnh nhi đang được điều trị kháng sinh tích cực, chăm sóc vết thương. Bệnh viện cũng đã tư vấn cho gia đình đưa bé đến Trung tâm Y tế dự phòng để tiêm phòng dại và uốn ván. Các bác sĩ khuyến cáo, với những gia đình có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó. Nếu nuôi chó phải tiến hành tiêm phòng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó, không thả chó nếu không có rọ mõm. Trong trường hợp người bị chó cắn thì cần nhốt hoặc theo dõi chó trong vòng một tuần. Nếu chó có biểu hiện bất thường hoặc ốm, chết thì phải đưa người bị chó cắn đi tiêm phòng ngay. (244 từ)

 

38. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 cứu sống bệnh nhi bị hẹp khí quản, tim bẩm sinh hiếm gặp: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 21 tháng 11 năm 2018, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh nhi bị hẹp khí quản bẩm sinh lẫn bệnh tim bẩm sinh thuộc trường hợp rất hiếm, tỉ lệ tử vong gần như trên 90 %. Tình hình bệnh nhi trở nặng, bệnh lý phức tạp, nếu bác sĩ chỉ chú ý phẫu thuật tim bẩm sinh, bé khó có thể qua khỏi. Bác sĩ Nguyễn Trần Việt Tánh, Khoa Ngoại tổng hợp cho biết, bệnh nhi được đưa vào phòng mổ trong tình trạng ngưng tim, kíp phẫu thuật phải trì hoãn liên tục để đợi bệnh nhi hồi sức. Cuộc hội chẩn căng thẳng khi cả hội đồng đánh giá cơ hội cứu sống của bé rất thấp, tỉ lệ tử vong lên đến 90%. Mặc dù có cả máy ECMO (hỗ trợ tuần hoàn và trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể) có thể giúp ổn định tình trạng bệnh nhân song nguy cơ tử vong sau mổ của bệnh nhi rất cao. Được sự tin tưởng gia đình, bác sĩ đã quyết định đưa bé vào phòng mổ. Ca mổ kéo dài 6 giờ, ê-kíp tiến hành tạo khí quản, xử lý ống động mạch và quai động mạch phổi trái. Song song đó, bác sĩ còn đặt máy tuần hoàn ngoài cơ thể cho bệnh nhi. Theo bác sĩ Vũ Trường Nhân, Phó khoa ngoại tổng hợp, trường hợp hẹp khí quản bẩm sinh là bệnh khá hiếm gặp với tỉ lệ 1/65.000 và những trường hợp hẹp khí quản, kèm bệnh tim bẩm sinh lại đặc biệt hiếm. Từ năm 2013, nhờ có sự hỗ trợ chuyên môn từ bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 2 đã triển khai thành công kĩ thuật phẫu thuật tạo hình khí quản cho các trường hợp hẹp khí quản bẩm sinh. Đến nay, ê-kíp phẫu thuật lồng ngực của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cứu sống 50 trường hợp hẹp khí quản bẩm sinh. (370 từ)

 

39. Bác sĩ, điều dưỡng Trung tâm Y tế Quận Hải Châu Đà Nẵng nhận thiếu vì thái độ chưa chuẩn mực đối với người bệnh: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 21 tháng 11 năm 2018, ngày 12/9, chị VHUN bị đau tai nên đến khám tại khoa Tai-Mũi-Họng, TTYT quận Hải Châu. Trong quá trình khám, bác sĩ đã có lời lẽ gay gắt, khó chịu do chị không ráy tai trước và kêu đau. Khi bác sĩ ngoáy tai, chị N. ngất xỉu, lúc tỉnh dậy thì nghe thấy bác sĩ, điều dưỡng đang nói xấu chị.  Chị N. cho rằng do chị khám có bảo hiểm y tế nên bị phân biệt đối xử. Chị cũng không hài lòng khi bị ù tai, không bị hạ đường huyết nhưng bác sĩ vẫn kê đơn thuốc dùng Gluco tự truyền. Nhận được phản ánh, Sở Y tế TP đã yêu cầu TTYT quận Hải Châu họp khoa Tai-Mũi-Họng và giao Ban Thanh tra xác minh. Kết quả bác sĩ N. thực hiện đúng chuyên môn thủ thuật và y lệnh nhưng không giải thích rõ bệnh lý dẫn đến hiểu lầm về chỉ định dùng Gluco 10%. TTYT quận yêu cầu bác sĩ N. và điều dưỡng D. rút kinh nghiệm về thái độ, lời nói trong tiếp xúc, trao đổi, chăm sóc bệnh nhân. Ngoài ra, điều dưỡng D. còn bị hạ bậc thi đua do chưa giải thích rõ cho bệnh nhân thủ thuật lấy ráy tai và về lọ dịch truyền Gluco 10%, trao đổi với đồng nghiệp chưa đúng nơi, đúng chỗ dẫn đến hiểu lầm. Trước đó, TTYT quận Thanh Khê cũng đã kiểm điểm một bác sĩ do không khéo léo, mềm mỏng với người nhà bệnh nhân. Tháng 4 vừa qua, TTYT này cũng hạ bậc thi đua một nữ hộ sinh vì nói dối máy siêu âm tại đây bị hỏng và đề nghị thai phụ ra ngoài siêu âm khiến thai phụ bức xúc. (340 từ)

 

40. Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cứu sống một bệnh nhân bị thủng tim: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 23 tháng 11 năm 2018, Các bác sĩ đánh giá, tình trạng bệnh nhân vô cùng nguy kịch, ngay ở Thế giới cũng hiếm gặp và nếu bệnh nhân nhập viện sau 2 tiếng, chắc chắn sẽ bị tử vong. Bệnh nhân nữ Q.T.N (77 tuổi, Tân Dân, Việt Trì, Phú Thọ) vào viện với triệu chứng đau ngực ngày thứ 2. Theo lời bệnh nhân kể lại, bệnh nhân có dấu hiệu tức ngực từng cờn. Tuy nhiên do trước đây bệnh nhân chưa từng bị bệnh tim nên chủ quan không nhập viện sớm. Mãi đến ngày hôm sau, do ngực đã quá đau, bệnh nhân mới đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Qua thăm khám ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Sau khi siêu âm, bác sĩ cho biết bệnh nhân có biến chứng nặng nề của nhồi máu. Cụ thể, bệnh nhân bị thủng thông liên thất do biến chứng cơ học của nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, bệnh nhân cao tuổi, với nhiều bệnh lý kèm theo như cao huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản… các bác sĩ phải tính toán rất kỹ phương pháp can thiệp. BS. Nội trú Đỗ Viết Thắng, Phó trưởng đơn vị Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đánh giá, với biến chứng kể trên, nếu nhập viện muộn khoảng thêm 2 giờ đồng hồ, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng nguy kịch. “Với những bệnh nhân gặp biến chứng kể trên, 60-70% sẽ tử vong”, bác sĩ Thắng cho biết. Bệnh nhân được các bác sĩ xử lý động mạch vành nhưng hiệu quả không như mong đợi. Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định lựa chọn phương pháp khác là dùng dụng cụ bít lỗ thủng vách nhân thất thực hiện qua nội soi màn hình tăng sáng. Sau vá thủng tình trạng bệnh nhân khá khả quan, các chỉ số bình thường, không phải tái nhập viện nhiều lần. Hiện tại, sức khoẻ bệnh nhân ổn định. (373 từ)

 

41. Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long cấp cứu kịp thời một du khách Mỹ bị nhồi máu cơ tim: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 23 tháng 11, BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận và cấp cứu thành công một du khách người Mỹ bị nhồi máu cơ tim cấp khi đang đi du lịch Hạ Long cùng gia đình. Theo vov.vn, bệnh nhân là ông Mark Harvey Elovitz, 80 tuổi, quốc tịch Mỹ. Đột nhiên cảm thấy khó thở và đau thắt ngực trái, ông được gia đình đưa đi cấp cứu tại BV đa khoa quốc tế Vinmec Hạ Long. Các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh nặng, cần can thiệp khẩn cấp. BV đa khoa quốc tế Vinmec Hạ Long đã phối hợp hội chẩn cùng các bác sĩ khoa Tim mạch BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh, tiến hành luồn ống thông đến vị trí tắc, nong bóng và đặt stent tái thông thành công lòng mạch bị hẹp khít 99%. Sau gần một tiếng nỗ lực can thiệp, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. BS Nguyễn Khắc Linh, Trưởng khoa Nội B, BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Khi xe cấp cứu đến, chúng tôi ra ngay lập tức giải thích, kiểm tra mức độ, điện tâm đồ, xét nghiệm, nếu có dấu hiệu bất thường hay chỉ định can thiệp là chúng tôi làm ngay trong giai đoạn “giờ vàng”, tức là ít nhất sáu giờ từ khi có triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim. Chúng tôi cũng đã cấp cứu cho rất nhiều bệnh nhân nước ngoài, hai tháng gần đây ít nhất là ba bệnh nhân”. (291 từ)

 

42. Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái công bố nguyên nhân cháu bé 5 tuổi tử vong khi gây mê cắt Amidal: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 23 tháng 11 năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết nguyên nhân cháu bé 5 tuổi tử vong khi gây mê cắt Amidal là do bệnh nhi đã sốc phản vệ độ IV. Ngày 21/11/2018, cháu Hoàng Tuấn Anh, sinh năm 2013, ở  xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái bị tử vong khi gây mê để cắt Amidan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Theo tài liệu Bác sỹ Nguyễn Song Hào, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cung cấp, bệnh nhân Hoàng Tuấn Anh được Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán Viêm VA - Amidan quá phát và chỉ định phẫu thuật, nhưng xin điều trị tại tỉnh. Ngày 19/11/2018, bệnh nhi nhập viện vào khoa Tai Mũi Họng-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái và đã được khám lâm sàng, làm đủ các xét nghiệm cần thiết, được chẩn đoán xác định Viêm VA - Amidan quá phát và chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhi được khám gây mê theo đúng quy trình, đủ điều kiện gây mê phẫu thuật. Hồi 9h ngày 21/11/2018, bệnh nhi được chuyển xuống khoa Phẫu thuật, Gây mê hồi sức để mổ theo kế hoạch. Bệnh nhi vào phòng mổ được úp mặt nạ khí mê Sevoflurane, sau đó tiêm tĩnh mạch 12 mcg Fentanyl, 35mg Propofol, 20 mg Suxamethonium. Tiếp theo, bệnh nhi được tiến hành đặt nội khí quản, sau đặt kiểm tra thông khí tốt thì đột ngột xuất hiện điện tim trên Monitor thành đường đẳng điện, da nhợt nhạt, đã được chẩn đoán ngừng tuần hoàn nghi sốc phản vệ. Ngay lập tức kíp phẫu thuật đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn theo đúng phác đồ (ép tim ngoài lồng ngực, tiêm tĩnh mạch adrenalin 1/3 ống, 3 phút 1 lần bóp bóng qua nội khí quản với 100% oxy), đồng thời báo cáo lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện xin hỗ trợ từ khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, khoa Sản Nhi. Đồng thời, Bệnh viện báo cáo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và xin hỗ trợ, ngay lúc đó PGS.TS Đặng Quốc Tuấn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai (đang giảng bài tại Bệnh viện đa khoa tỉnh) đã trực tiếp chỉ đạo, tham gia cấp cứu và hội chẩn. Sau khoảng 20 phút hồi sức tích cực, tim bệnh nhi đập trở lại khoảng 30 giây, sau đó bệnh nhi ngừng tim lần 2, kíp cấp cứu tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn theo phác đồ (ép tim, bóp bóng 100% oxy qua nội khí quản, adrenanin tĩnh mạch, truyền natribicarbonat 14 phần nghìn), sau 15 phút nhịp tim xuất hiện trở lại khoảng 20 giây rồi lại ngừng tim lần 3. Kíp cấp cứu tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn theo phác đồ nhưng không kết quả, trên monitor vẫn là đường đẳng điện, đồng tử giãn tối đa, mạch bẹn không bắt được. Bệnh nhi tử vong hồi 12 ngày 21/11/2018. Chẩn đoán tử vong: Ngừng tuần hoàn do sốc phản vệ độ IV. Kíp cấp cứu gồm PSG.TS Đặng Quốc Tuấn, lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa Gây mê hồi sức, khoa Hồi sức tích cực, khoa Tai Mũi Họng, khoa Nhi đã giải thích cho gia đình bệnh nhi đây là trường hợp bất khả kháng, do cơ địa của bệnh nhi phản vệ quá nguy kịch, diễn biến tối cấp, vượt quá khả năng về y tế, mặc dù đã được Bệnh viện cấp cứu xử trí kịp thời, chính xác. Gia đình xin đưa cháu về nhà hồi 12h40’ cùng ngày.

Sau đó, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái đã yêu cầu niêm phong các thuốc đã sử dụng; Trưởng khoa Dược báo cáo tình trạng sốc thuốc về trung tâm DI và ADR quốc gia theo quy định; yêu cầu các khoa tiếp tục rà soát, tăng cường công tác chuyên môn đảm bảo an toàn cho người bệnh. Bác sỹ Nguyễn Song Hào, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết thêm: “Phải nói đây là mất mát rất lớn đối với gia đình bệnh nhân. Chúng tôi là người thầy thuốc cũng rất sửng sốt. Bởi có những lúc, bệnh viện có đầy đủ phương tiện hiện đại cộng với đội ngũ cán bộ có thể nói là nhất tỉnh. Hồi sức cấp cứu của Yên Bái cũng được xếp hàng top của miền Bắc và lại trực tiếp có cả giáo sư, thầy lên đây công tác, mà cũng không làm gì được…” Sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã bố trí phương tiện đưa thi thể cháu bé về nhà, đồng thời kíp mổ cũng đã đến chia buồn, động viên gia đình bệnh nhi. (856 từ)

 

43. Các bác sỹ Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội kịp thời cứu sống bệnh nhân bị vỡ tĩnh mạch thực quản do nghiện rượu: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 24 tháng 11 năm 2018, kíp trực cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) vừa cứu kịp thời nam bệnh nhân nghiện rượu, nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, nôn nhiều máu. Sáng ngày 24/11, tin từ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, lúc 21 giờ 35 tối qua, 22.11, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.Đ (56 tuổi, ngụ thị trấn Phú Xuyên, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, nôn ra nhiều máu, mạch nhanh 110 lần/phút. Bệnh nhân có tiền sử uống nhiều rượu nhiều năm, trung bình 0,5 lít/ngày, từng xuất huyết tiêu hoá nhiều lần. Bệnh nhân được đưa vào viện vì nôn ra máu đỏ lẫn máu cục và được các bác sĩ chẩn đoán xuất huyết tiêu hoá do vỡ tĩnh mạch thực quản/xơ gan rượu. Ngay lập tức, bệnh nhân được hồi sức, đảm bảo hô hấp tuần hoàn, khẩn trương cấp cứu. Kíp cấp cứu do bác sĩ Lê Dương Tiến, chuyên khoa Tiêu hoá Bệnh viện Thanh Nhàn chỉ đạo, đã lấy 2 đường truyền lớn ngoại vi truyền dịch, bù 500 ml khối hồng cầu, tiêm thuốc giảm áp lực tĩnh mạch cửa Glypressin, thuốc giảm tiết dịch. Soi dạ dày cấp cứu bệnh nhân cho thấy, dạ dày đầy máu đỏ tươi lẫn máu cục, tĩnh mạch thực quản nhiều búi giãn to ngoằn nghèo có dấu hiệu đỏ. Bệnh nhân nhanh chóng được can thiệp thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản cấp cứu. Sau ca cấp cứu, bệnh nhân đã dần ổn định, tỉnh táo, không còn nôn ra máu.Xét nghiệm máu có cải thiện hơn so với lúc đầu. “Rất may bệnh nhân đã nhập viện sớm và được can thiệp kịp thời, tránh được sự mất máu kéo dài, đe dọa tính mạng”, bác sĩ Tiến cho biết. Bác sĩ Lê Dương Tiến, chuyên khoa Tiêu hoá Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết rượu tác động trực tiếp vào gan, gây tổn thương tế bào gan dẫn đến xơ hoá. Càng uống rượu càng dẫn đến teo tế bào gan và gan xơ.Khi bị xơ gan không thể nào điều trị phục hồi xơ được. Xơ gan kèm theo bệnh lý giãn vỡ tĩnh mạch thực quản do hậu quả xơ gan dễ dẫn đến chảy máu thực quản. Người bệnh nôn ra máu, thậm chí nôn ra cả chậu máu. Người nghiện rượu lâu ngày, đường tiêu hoá bị ảnh hưởng, cản trở hấp thu chất dinh dưỡng dẫn đến suy dinh dưỡng. Có nhiều bệnh nhân vào viện chân tay teo hết, kiệt sức, lại mắc thêm các bệnh khác. Bệnh chồng bệnh, họ dễ tử vong vì suy kiệt. (491 từ)

 

44. Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cứu sống một bệnh nhân bị chấn thương cột sống cổ: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 24 tháng 11 năm 2018, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Phú Thọ vừa điều trị thành công cho người bệnh bị chấn thương cột sống cổ mất vững có chèn ép thần kinh nhưng đã điều trị 2 năm bằng thuốc nam và châm cứu đến khi bị liệt nặng mất hết chức năng mới chuyển đến BV thăm khám. Ngày 26/10, Khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận người bệnh Hoàng Van S (41 tuổi, ở Thanh Sơn, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng đau cột sống cổ, hạn chế vận động, yếu tứ chi không đi lại được, rối loạn cơ tròn (đại tiểu tiện không tự chủ), tê bì mất cảm giác từ ngang vú trở xuống. Bệnh nhân bị hạn chế đi lại do tai nạn lao động phải cắt cụt cẳng tay phải năm 2013. Cách đây 3 năm, người bệnh đi làm đồng vô tình bị ngã, khi về nhà chỉ thấy đau cột sống cổ nhẹ, không hạn chế vận động cột sống cổ, không tê tay. Tuy nhiên do chủ quan, bệnh nhân đã không đi thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. 8 tháng sau chấn thương, thấy đau cột sống cổ tăng lên, tê bì tứ chi, người bệnh cũng chỉ đi thăm khám ở trên huyện và chủ yếu là chữa trị ở các thầy lang như châm cứu, đắp thuốc nam... Sau một thời gian dài điều trị ở các thầy lang, tốn kém về mặt vật chất mà bệnh tình còn nặng hơn rất nhiều. Ban đầu thì tê bì chân tay rồi chuyển sang liệt tứ chi khoảng 2 năm rồi chuyển sang mất hết chức năng, lúc này người bệnh mới được gia đình đưa xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khám và điều trị. Kết quả chụp citi và chụp cộng hưởng từ cho thấy, người bệnh bị mất vững đốt sống cổ C1- C2 do gãy mỏm nha type 2; bị chèn ép tủy sống ngang mức đốt sống C1, C2. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh chỉ định phẫu thuật để nắn chỉnh trượt, làm vững cột sống và giải phóng trèn ép thần kinh. Bác sĩ Vi Trường Sơn - khoa Ngoại Thần kinh - cho biết: Đây là trường hợp khá phức tạp bởi người bệnh đã để tổn thương kéo dài tới 3 năm, hơn nữa là sức khỏe của người bệnh rất yếu và tổn thương nặng, nguy cơ khó hồi phục. Ekip mổ đã hội chẩn và sử dụng kỹ thuật Harms technique, đây là kỹ thuật khó đòi hỏi phải có phương tiện hiện đại hỗ trợ như màn hình tăng sáng (máy chụp Xquang trong mổ), kính vi phẫu thuật do đó rất ít bệnh viện tuyến tỉnh có thể triển khai được kỹ thuật này, mặt khác giải phẫu vùng này liên quan các cấu trúc phức tạp. Sau mổ 15 ngày, vết mổ khô liền sẹo tốt, tổn thương thần kinh được cải thiện rõ rệt, vận động tứ chi cải thiện rõ.Người bệnh đã tự ngồi dậy được và giao tiếp tốt. Các BS khuyến cáo: Chấn thương cột sống cổ rất hiếm gặp trong sinh hoạt cũng như trong lao động, do đó rất dễ bị bỏ sót tổn thương nếu không được đi khám và tư vấn đúng chuyên khoa cột sống. Vì vậy, khi không may bị ngã ở bất cứ tình huống nào, nếu thấy có biểu hiện như đau cổ, hạn chế vận động, tê bì tay chân cần phải được thăm khám ở những cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán đúng những vùng tổn thương và được điều trị kịp thời để tránh được những biến chứng không mong muốn. (678 từ)

 

45. Bác sỹ Bệnh viện đa khoa Thanh Ba, Phú Thọ, thay thành công khớp háng cho bệnh nhân 101 tuổi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 24 tháng 11 năm 2018, bệnh nhân là cụ Đoàn Văn Sỹ, 101 tuổi, trú tại xã Chi Tiến, Thanh Ba, Phú Thọ bị trượt chân ngã đập vùng mông xuống nền nhà được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thanh Ba, Phú Thọ thay khớp háng thành công. Theo người nhà cụ Sỹ, sau khi ngã, cụ bị đau nhức vùng khớp háng trái, không đi lại được. Cụ được gia đình đưa vào Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Ba khám và làm các xét nghiệm lâm sàng. Kết quả chup X.quang cho thấy, bệnh nhân bị gẫy cổ xương đùi trái. Các bác sĩ đã xử trí và điều trị thuốc bước đầu theo quy trình đối với bệnh nhân bị gãy xương. Bác sĩ Đỗ Hồng Trường, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Ba đã hội chẩn qua mạng với PGS. TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức thống nhất chẩn đoán và hướng điều trị cho bệnh nhân. Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Khánh, nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Ba các bác sĩ đã bàn bạc rất kỹ và lựa chọn phương án tốt nhất cho cụ là phẫu thuật. Theo bác sĩ Khánh thông thường đối với người già, người cao tuổi khi bị gẫy xương thì gần như không liền được, bởi các mạch máu nuôi cho phần chỏm xương đùi bị đứt hết và xương không liền được. Khi xương không liền được thì kéo theo hệ luỵ là người bệnh không đi lại được phải nằm tại chỗ. Thông thường bệnh nhân sẽ tử vong do các biến chứng của việc nằm lâu gây ra như loét do tì đè, viêm phổi dẫn đến suy hô hấp, công việc chăm sóc cũng khó khăn rất dễ nhiễm trùng tiết niệu, chưa kể tuần hoàn ứ chệ, hình thành cục máu đông các cục huyết khối hình thành dần và trôi lên phổi gây ra viêm phổi.. Do vậy các bác sĩ cân nhắc việc thay khớp thứ nhất giúp bệnh nhân đỡ đau đớn và đặc biệt là tránh được các rủi ro nói trên. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân lớn tuổi lại thường kèm theo các bệnh lý mãn tính nếu trong lúc mổ bác sĩ không tính toán kỹ sẽ có nhiều rủi ro xảy ra trong cuộc mổ. Các bác sĩ đã phải cân nhắc rất kỹ mới quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân cao tuổi này. Đến ngày 12/11 bệnh nhân đã được thực hiện phẫu thuật ngay tại bệnh viện huyện dưới sự hỗ trợ chuyên môn của PGS Khánh và ekip gây mê, hồi sức, khoa Ngoại của BVĐK huyện Thanh Ba. Sau mổ 7 ngày vết thương của bệnh nhân đã liền sẹo và bệnh nhân tập đi trên khung tập bình thường.Ngày 23/11 bệnh nhân đã được xuất viện. Được biết, đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất được phẫu thuật thay khớp háng bán phần thành công tại một bệnh viện huyện miền núi Thanh Ba của Phú Thọ. Trước đó, các bác sĩ của bệnh viện cũng đã phối hợp với chuyên gia của BV Việt Đức phẫu thuật thành công cho cụ bà 91 tuổi. Đến nay, dưới sự hỗ trợ về chuyên môn của chuyên gia của BV Việt Đức, BV đã thực hiện được hơn 20 ca phẫu thuật thay khớp giúp các bệnh nhân nặng không phải chuyển tuyến góp phần giảm tải tuyến trên, tạo niềm tin cho người dân ở tuyến dưới. (644 từ)

 

46. Bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 phẫu thuật nối thành công bàn tay cho bệnh nhân bị đứt lìa: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 24 tháng 11 năm 2018, ThS, BS Nguyễn Thanh Xuân - Phó Giám đốc Cơ sở 2, BV T.Ư Huế (Phong An, Phong Điền) cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật vi phẫu thành công nối lại những ngón tay đứt lìa cho một bệnh nhân ở Phong Điền. Bệnh nhân là ông Nguyễn S. (43 tuổi, trú thôn Phú Mỹ, xã Phong Chương, H.Phong Điền – Thừa Thiên Huế) nhập viện lúc 11 giờ 20 ngày 23/11, trong tình trạng bị máy cưa vào tay, trong đó ngón áp út bị đứt gần lìa và vết thương phần mềm đốt giữa và đốt xa ngón 2 và ngón 3 bàn tay trái. Sau đó người nhà chuyển bệnh nhân vào cơ sở 2, B.V Trung ương Huế. Tại đây, các y, bác sĩ lập tức hội chẩn nhận thấy các ngón tay 4 và 5 gần như đứt lìa, chỉ dính phần da; đầu các ngón tay này trắng bệch nên tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết để phẫu thuật cấp cứu theo phương pháp vi phẫu. Kíp phẫu thuật cùng kíp gây mê xúc rửa, làm sạch vết thương, lấy bỏ phần xương vỡ vụn, tiến hành kết hợp xương bằng xuyên đinh Kirschner dọc trục ngón 4 và 5; nối lại gân gấp nông và sâu ngón tay 4 và 5 theo phương pháp Adelaide bằng chỉ prolene 4.0; đồng thời bó lại bó mạch thần kinh gian ngón hai bên bằng kỹ thuật vi phẫu với sự hỗ trợ của kính hiển vi Carl Zeiss cùng chỉ prolene 9.0. Sau nối, kiểm tra thấy miệng nối thông tốt, đầu ngón tay hồng, căng phồng trở lại, thời gian vi tuần hoàn bình thường và chảy máu tốt tại các vị trí châm kim. Các gân gấp ngón II, III cũng được khâu nối sau đó. Bước tiếp theo BN được tiếp tục điều trị sau mổ bằng kháng sinh Ceftibiotic đường tĩnh mạch, chống đông lovenox, giảm đau, kháng viêm, kê cao tay với nẹp bột cẳng bàn tay và sưởi ấm bằng đèn. Sau phẫu thuật, ngón tay 4 và 5 bàn tay trái vẫn hồng, ấm và hồi lưu vi tuần hoàn tốt. Theo ThS. BS Hồ Mẫn Trường Phú, Trưởng khoa Ngoại CTCH-TKSN BV. T.Ư Huế Cơ sở 2, phẫu thuật vi phẫu nối lại chi thể là kỹ thuật phức tạp đòi hỏi hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y, bác sĩ giàu chuyên môn. Đây là trường hợp đầu tiên khâu nối công đoạn chi thể đứt lìa bằng kỹ thuật vi phẫu thành công với sự hỗ trợ của kính hiển vi Carl Zeiss tại B.V Trung ương Huế cơ sở 2, góp phần giảm tải cho Bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí đi lại điều trị của bệnh nhân. (511 từ)

 

47. Một chiến sỹ công tác tại Trường Sa được mổ ruột thừa thành công nhờ Telemedicine: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 24 tháng 11 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Quân y 4 đã sử dụng Telemedine để hướng dẫn cho bcasc sỹ ở Bệnh xá đảo An Bang, Trường Sa, thực hiện thành công ca phẫu thuật mổ ruột thừa cho một chiến sỹ đang công tác trên đảo.  Ngày 24/11, đại úy Cao Xuân Trung (43 tuổi) đang công tác tại đảo An Bang, quần đảo Trường Sa đã được mổ ruột thừa thành công nhờ sự chỉ đạo của các bác sĩ tuyến trên với ê kíp bác sĩ ở bệnh xá đảo qua hệ thống Telemedicine và điện thoại di động. Trước đó, đêm 23/11, đại úy Cao Xuân Trung bị đau quặn vùng bụng, đến sáng ngày 24/11 diễn biến bệnh trở nặng. Chỉ đạo phẫu thuật ruột thừa qua điện thoại di động cho chiến sĩ ở Trường Sa. Nhận được tin, các y, bác sỹ Bệnh viện Quân y 4 đã theo dõi, chẩn đoán và xác định bệnh nhân bị viêm ruột thừa mủ, kèm với huyết áp tăng cao, cần phải phẫu thuật ngay. Các bác sỹ đã kịp thời làm các thủ tục tiến hành mổ cho bệnh nhân. Thông qua hệ thống mạng trực tuyến Telemedicine và điện thoại di động, ban giám đốc bệnh viện đã trực tiếp chỉ đạo chuyên môn kíp bác sĩ ở Bệnh xá đảo An Bang thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau gần 3 giờ, ca phẫu thuật được thực hiện thành công và bệnh nhân đang dần hồi phục sức khỏe. (288 từ)

 

48. Bác sỹ Bệnh viện Nhân dân 115 thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật nội soi thành công cho một bệnh nhân vị bể thận – niệu quản: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 25 tháng 11 năm 2018, một người bệnh bị đau lưng âm ỉ suốt 1 năm do thận ứ nước được bác sĩ phẫu thuật bằng phương pháp nội soi tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản. Trước đó, anh N.V.L, ( 42 tuổi) khởi phát triệu chứng đau hông lưng phải âm ỉ khoảng 1 năm, đi khám nhiều nơi song không có kết quả. Sau khi, bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM thăm khám, bác sĩ chẩn đoán hẹp khúc nối bể thận - niệu quản phải. Bệnh nhân được các bác sĩ đặt ống thông JJ niệu quản phải ngược dòng qua nội soi. Sau đó, tình trạng đau lưng phải giảm. Sau 3 tháng, bệnh nhân được rút sonde JJ. Tuy nhiên, sau 2 ngày tình trạng đau lưng phải tái phát kèm theo sốt nhẹ 38 độ C. Bệnh nhân được nhập viện Bệnh viện Nhân dân 115 với chẩn đoán viêm thận bể thận phải, hẹp khúc nối bể thận - niệu quản phải độ II. Bác sĩ đã cho anh L. dùng kháng sinh, kháng viêm để ổn định sinh hiệu. Sau khi hết sốt, đau hông lưng phải, bạch cầu máu về bình thường, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật nội soi tạo hình nội soi khúc nối bể thận-niệu quản. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi trong thời gian 2 giờ 30 phút. Hiện, bệnh nhân diễn tiến ổn định, không sốt, dẫn lưu ra 10ml dịch. Bệnh nhân đã được rút dẫn lưu, ra viện sau 4 ngày điều trị. Theo bác sĩ Trương Hoàng Minh, Trưởng khoa Ngoại niệu ghép thận Bệnh viện Nhân Dân 115, hẹp khúc nối bể thận niệu quản là bất thường phần nối bể thận và niệu quản, gây cản trở nước tiểu từ thận xuống niệu quản, sự tắc nghẽn lưu thông nước tiểu giữa bể thận với niệu quản dẫn đến việc bể thận bị giãn to, còn gọi là thận ứ nước. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, thận có thể bị hủy hoại hoàn toàn. Bệnh thường gặp ở trẻ em, cũng có thể gặp ở người lớn, nam gặp nhiều hơn nữ. Nguyên nhân của bệnh này có thể do tắc hẹp bẩm sinh; do mạch máu chèn ép vào niệu quản; do niệu quản cắm vào bể thận ở vị trí bất thường; do viêm nhiễm tạo sẹo hẹp; do khối u lành hoặc ác tính của đường tiết niệu… Bệnh nhiều khi không có biểu hiển triệu chứng gì cho nên thường tiến triển một cách âm thầm cho đến khi xuất hiện các biến chứng thận ứ nước, suy thận. Cũng có khi người bệnh thấy đau hông lưng một bên, đau mơ hồ lâu ngày hoặc đau quặn, đau cách hồi kèm với buồn nôn và nôn do hẹp khúc nối bể thận - niệu quản khi uống nhiều nước hay dùng lợi tiểu; tiểu máu; nhiễm trùng tiểu; sỏi bể thận. Về phần điều trị, các bệnh nhân bị hẹp khúc nối bể thận - niệu quản không triệu chứng phát hiện tình cờ, thận ứ nước nhẹ (độ I), chức năng thận chưa thay đổi nhiều thì có thể điều trị bảo tồn không phẫu thuật, nên theo dõi thường xuyên. (595 từ)

 

49. Bác sỹ Bệnh viện đa khoa Quảng Trị thực hiện thành công thủ thuật đặt stent graft vào động mạch chủ cho một bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 25 tháng 11 năm 2018, bệnh nhân là Phạm Thị Hiền, 65 tuổi, ở phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Hai tuần trước, bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng và mệt thường xuyên, mơ hồ, đến khám tại Bênh viện đa khoa tỉnh Quảng Tri. Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện: bệnh nhân bị tụ máu thành động mạch chủ từ ngực đến bụng, đã có biến chứng tách thành động mạch, có nguy cơ vỡ và tỷ lệ tử vong khi đã xảy ra biến chứng này là gần 100%. Tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định phương pháp đặt stent graft để điều trị cho bệnh nhân. Với sự hỗ trợ của Tiến sĩ Phạm Minh Ánh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Chợ Rẫy và các chuyên gia về bệnh lý động mạch chủ Thái Lan, các bác sĩ Đơn nguyên Tim mạch can thiệp - Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị chỉ mất 45 phút để đặt chính xác 2 stent graft che phủ toàn bộ động mạch chủ bị tụ máu và tách thành, bảo tồn được các nhánh động mạch nuôi tạng. Sau thủ thuật 3 giờ, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể nói chuyện và ăn uống bình thường. Được biết so với phương pháp mổ truyền thống, kỹ thuật đặt stent graft vào động mạch chủ đã mở ra nhiều cơ hội cho những bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến tim, giúp giảm biến chứng và bệnh nhân chỉ phải nằm viện trong thời gian ngắn. Kỹ thuật đặt stent graft mở ra triển vọng mới để điều trị cho các bệnh nhân bị phình tách động mạch chủ ngay ở trong nước với chi phí thấp hơn nhiều (khoảng 200 - 400 triệu đồng) so với ra nước ngoài (khoảng 30.000 - 50.000 USD, chưa kể chi phí đi lại của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân). Mặt khác, đây là một bệnh lý rất nặng, nguy cơ tử vong sẽ rất cao nếu phải di chuyển xa. (401 từ)

 

50. Bác sỹ lội nước để chữa bệnh cho bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 25 tháng 11 năm 2018, Cơn mưa lớn do ảnh hưởng của bão kéo dài khiến các tuyến đường quanh bệnh viện (BV) Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) ngập nặng, có nơi ngập khoảng 0,8 m,  nước tràn vào khoa Cấp cứu. Tối 25-11, bác sĩ (BS) Nguyễn Mạnh Bảo, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Hóc Môn, đã cho biết như trên.

“Không chỉ vậy, nhà giữ xe và khu vực hành chính của BV cũng ngập nặng” – BS Bảo cho biết thêm. Theo BS Bảo, dến thời điểm hiện tại BV tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân cấp cứu, đa phần là bệnh nội khoa. “Cả người bệnh và nhân viên y tế phải lội bì bõm trong nước. Nhân viên y tế mang ủng, xắn quần đẩy băng ca di chuyển bệnh nhân” – BS Bảo cho biết. “Mặc dù khoa Cấp cứu bị ngập nước nhưng không gây ảnh hưởng máy móc, thiết bị chữa bệnh. Tuy nhiên do cơn mưa vẫn còn lớn nên nguy cơ khoa Cấp cứu ngập sâu có thể xảy ra” – BS Bảo cho biết thêm. (208 từ)

 

51. Các bác sỹ Bệnh viện Xanh Pôn cứu sống bệnh nhi bị nhiễm khuẩn Whitmore: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 26 tháng 11 năm 2018, môt bé trai được đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn vì sốt suốt trong 10 ngày, 3 ngày cuối sốt cao liên tục 39-40 độ C, rét run thành cơn, đau đầu. Thăm khám ban đầu các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi có tình trạng nhiễm khuẩn nặng tuy nhiên không xác định được nguyên nhân. Kết quả cấy máu của bệnh nhi sau 3 ngày cho thấy âm tính. Điều trị bằng kháng sinh, bệnh nhi vẫn xuất hiện đau nhẹ vùng lưng, hạn chế trong việc cử động, siêu âm kiểm tra cho thấy ổ dịch vùng xương cùng cụt. Bé còn có dấu hiệu tê bì chân bên trái. Bác sĩ cho bệnh nhi chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng, phát hiện khối áp xe ngoài màng cứng tủy rất lớn từ đốt sống T10 xuống xương cùng S2 cùng với nhiều khối áp xe lan tỏa trong vùng cơ ngang vị trí thắt lưng và cùng cụt. Các bác sĩ lập tức mổ cấp cứu cho bệnh nhi, giải phóng chèn ép tủy bằng cách mở thông 2 đầu ổ mủ ngoài màng cứng phía trên và dưới, rửa sạch ổ mủ và đặt dẫn lưu ngoài màng cứng. Vì tính chất nguy hiểm của bệnh, sau mổ bệnh nhân được cách ly một phòng. Bác sĩ Ngô Quang Hùng, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, sau mổ bệnh nhi cắt được cơn sốt liên tục và triệu chứng tê bì chân. Kết quả cấy mủ sau 3 ngày thấy sự tồn tại của cả 2 vi khuẩn gram dương là Tụ cầu vàng (S. aureus) và gram âm là B. pseudomallei. Bệnh nhi sau đó được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore. Bác sĩ Hùng đánh giá bệnh do vi khuẩn Whitmore nguy hiểm ở chỗ có biểu hiện giống các loại nhiễm trùng khác. Khi chọc dịch, làm test nhanh xét nghiệm ở thời gian đầu không phát hiện ra vi khuẩn, cần phải có thời gian nuôi cấy chính xác mới xác định Whitmore. Gia đình bệnh nhi cho biết, bé chưa từng tiêm hay can thiệp vào vùng lưng. Tuy nhiên trước đó 3 tuần, bé xuất hiện một vết phỏng nước (dạng Herpes) ở đầu gối. Điều trị tại nhà, nốt phỏng lành nhưng bé liên tục dùng tay bẩn cạy vùng lên da non. Đây có thể là nguyên nhân vi khuẩn Whitmore xâm nhập gây chèn ép tủy. Theo bác sĩ Hùng, bệnh Whitmore do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei lây nhiễm, đặc trưng bởi tình trạng viêm phổi nặng và áp xe đa ổ, tỷ lệ tử vong rất cao, lên tới 40%. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, thường gây viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu, tử vong trong vòng 48 giờ sau khi phát triệu chứng. Vi khuẩn gây bệnh sống trong bùn đất và nước, đường lây truyền chủ yếu qua vùng da tổn thương tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực dịch tễ của bệnh tại khu vực Đông Nam Á. (567 từ)

 

52. Bác sỹ Bệnh viện Nội tiết Trung ương phẫu thuật thành công u tuyến giáp khổng lồ cho một bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 26 tháng 11 năm 2018, Các bác sĩ bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa phẫu thuật thành công u tuyến giáp khổng lồ, giải thoát bệnh nhân khỏi những đau đớn và khổ sở vì bệnh "chồng" bệnh. Bệnh nhân là Lường Thị N. (57 tuổi, dân tộc Thái ở Thuận Châu, Sơn La) nhập viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng khó thở thường xuyên mặc dù đã được mở khí quản. Bệnh nhân phát hiện bướu giáp khoảng 15 năm trước nhưng không điều trị. Cách đây 2 năm, bệnh nhân Lường Thị N. đã được các bác sĩ phẫu thuật lần đầu tiên cắt bỏ một phần tuyến giáp và bảo tồn phần còn lại. Sau mổ khối u tuyến giáp to phát triển nhanh gây chèn ép, khó thở, khó nuốt bệnh nhân được phẫu thuật lần 2 lần nhưng không thành công. Bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương điều trị, do tình trạng viêm phổi nặng bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Phổi Trung ương và sau đó được chuyển tiếp tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương. BSCKII Nguyễn Tiến Lãng - Trưởng khoa Ngoại chung, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng do viêm phổi, đường thở thường xuyên bị tắc nghẽn do dịch tiết, có những khi bão hòa oxy xuống quá thấp bệnh nhân tím tái phải cấp cứu, nếu không được khai thông đường thở kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong. Kết quả CT Scaner và nội soi tai mũi họng cho thấy đoạn 1/3 trên khí quản bị hẹp. Hai thùy tuyến giáp có nhiều nhân lớn, vấn đề gây mê và phẫu thuật là rất khó khăn do khối u lớn gây chèn ép. Bên cạnh đó việc bệnh nhân đã phải trải qua hai lần phẫu thuật làm cho tuyến giáp dính nhiều vào các tổ chức xung quanh như cơ, khí quản, động mach cảnh, thần kinh... Trong quá trình điều trị ngoài việc chăm sóc tại chỗ, đảm bảo lưu thông đường thở, ổn định các chỉ số sinh tồn, dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao thể trạng, bệnh nhân còn được thăm khám tỉ mỉ, đánh giá đầy đủ các chức năng sống và đánh giá tình trạng tại chỗ thật chi tiết để đưa ra chỉ định và thời điểm phẫu thuật phù hợp nhất. Bệnh nhân đã được mổ lần thứ ba để cắt lại toàn bộ tuyến giáp. Ca phẫu thuật do bác sĩ Nguyễn Tiến Lãng và kíp mổ, kíp gây mê do bác sĩ Nguyễn Thành Trung cùng các kỹ thuật viên gây mê hồi sức thực hiện. Sau mổ 5 ngày, bệnh nhân đã tự ăn, tự thở và tự chăm sóc bản thân mà không cần hỗ trợ của người thân. (517 từ)

 

53. Bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cứu sống một bệnh nhân bị dao dài 11cm đâm vào phổi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 27 tháng 11 năm 2018, các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đã tiến hành ca phẫu thuật kéo dài 45 phút, rút lưỡi dao màu trắng, dài 112 mm ra khỏi phổi của bệnh nhân. Sáng 27.11, các bác sĩ Đơn nguyên Lồng ngực thuộc Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đã tiến hành phẫu luật, lấy lưỡi dao dài 112 mm ra khỏi lồng ngực bệnh nhân V.V.Đ (35 tuổi, ở xã Phước Hòa, H.Tuy Phước, Bình Định). Anh Đ. nhập viện, cấp cứu vào tối 17.11 trong tình trạng có lưỡi dao đâm vào lồng ngực, mất máu, sức khỏe yếu. Các bác sĩ đã tiến hành đặt ống dẫn lưu màng phổi để cấp cứu bệnh nhân.Khi bệnh nhân Đ. được đưa đi chụp phim, kết quả xác định lưỡi dao nói trên nằm trọn trong lồng ngực, đâm vào phổi. Sau khi được chăm sóc, điều trị tích cực để sức khỏe hồi phục, bệnh nhân Đ. được kíp mổ gồm các bác sĩ Dương Thanh Luận, Trần Thanh Hùng, Trương Chí Thiên Tài (thuộc Đơn nguyên Lồng ngực) thực hiện ca phẫu thuật, lấy lưỡi dao ra ngoài.  “Ca phẫu thuật kéo dài từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 15 phút ngày 27.11, các bác sĩ đã tiến hành rút dao ra khỏi mô phổi bệnh nhân, sau đó khâu lại phổi. Điều may mắn là khi rút lưỡi dao ra ngoài, phổi bệnh nhân không chảy máu quá nhiều, nếu chảy máu thì phải tiến hành cắt phổi”, bác sĩ Luận cho biết. Đến trưa 27.11, anh Đ. đã tỉnh táo, được đưa ra khỏi phòng hồi sức cấp cứu về nằm điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp. (328 từ)

 

54. Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thành công trong việc nuôi trẻ sinh non 26 tuần tuổi, nặng 600g: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 27 tháng 11 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, sau gần 5 tháng nuôi dưỡng, bé trai sinh non 26 tuần tuổi con chị Trương Thị An trú tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đã được cứu sống. Hiện tại bé nặng 3,2 kg, có thể xuất viện trong ít ngày tới. Trước đó, vào ngày 13-6, sản phụ An có dấu hiệu chuyển sinh và được người nhà đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để thăm khám. Điều đáng nói thai nhi của chị An mới được 26 tuần tuổi. Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám và quyết định để sản phụ sinh con tự nhiên. Trẻ sinh ra chỉ nặng 600 gram, thở thoi thóp, nhịp tim đập rời rạc và phản xạ yếu do hệ thống hô hấp chưa hoàn thiện, xuất hiện bệnh lý về mắt của trẻ sinh non. Bác sĩ Nguyễn Thị Vân - Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh cho biết: Đây cũng là trường hợp rất đặc biệt. Đội ngũ các y, bác sĩ đã phải thực hiện cấp cứu cho trẻ ngay tại phòng sinh ở khoa Sản. Ngoài việc huy động tối đa những trang thiết bị hiện đại nhất hiện có, trong quá trình điều trị và nuôi dưỡng cho trẻ, các y, bác sĩ đã phải phối hợp với các đồng nghiệp ở nhiều chuyên khoa lẻ trong bệnh viện để có được phương pháp điều trị và nuôi dưỡng cho trẻ được tốt nhất. Việc điều trị, theo dõi, chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với sữa mẹ và bé đều được các y, bác sĩ nuôi dưỡng, chăm sóc chi tiết, tỉ mỉ hoàn toàn trong lồng kính và được kiểm soát với chế độ đặc biệt nghiêm ngặt. Việc trẻ sinh ra được tiếp cận ngay với đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa sơ sinh làm tăng cơ hội điều trị cho những trường hợp quá trình sinh không thuận lợi hoặc trẻ sinh ra có vấn đề cần phải can thiệp ngay càng sớm càng tốt. (392 từ)

 

55. Bệnh viện Bình Dân thành phố Hồ Chí Minh sử dụng robor phẫu thuật thành công cứu thai phụ mang song thai 17 tuần tuổi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 28 tháng 11 năm 2018, thai phụ mang song thai có nguy cơ diễn tiến sốc nhiễm trùng được các bác sĩ quyết định phẫu thuật robot để đảm bảo độ tinh tế trong thao tác thám sát. Bệnh viện Bình Dân TP HCM vừa thực hiện phẫu thuật robot khẩn cấp cho một thai phụ 40 tuổi thoát khỏi nguy cơ sốc nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ diễn tiến viêm tụy cấp, đảm bảo an toàn cho song thai cong quý 17 tuần tuổi. Trước đó, Thai phụ (N.T.T) ngụ TP HCM được cấp cứu tại Bệnh viện Bình Dân trong tình trạng đau dữ dội vùng thượng vị kèm nôn ói dịch vàng liên tục. Qua thăm khám, các bác sĩ chuyên khoa Gan-Mật-Tụy chẩn đoán, thai phụ bị nhiễm trùng đường mật, bên trong túi mật chứa nhiều sỏi kèm sỏi 20 x 36mm kẹt ở cổ túi mật, vách túi mật phù nề, đường mật trong và ngoài gan giãn nhẹ ứ đọng dịch mật, diễn tiến viêm tụy cấp. Trước tình trạng thai phụ 40 tuổi mang song thai có nguy cơ diễn tiến sốc nhiễm trùng, viêm phúc mạc đe dọa tính mạng nếu không can thiệp kịp thời, các bác sĩ đã hội chẩn khẩn với Bệnh viện Từ Dũ và quyết định phẫu thuật robot để đảm bảo độ tinh tế trong thao tác thám sát, hỗ trợ lấy sỏi đường mật và đặc biệt là khâu kín ống mật chủ. Sau hơn 2 giờ, ekip phẫu thuật đã loại bỏ túi mật viêm cấp, phù nề với kích thước khoảng 10cm, lớn hơn 2,5 lần so với thông thường. Nhờ đó, thai phụ tránh được nguy cơ thai nhi lớn dần sẽ chèn ép, di lệch ống dẫn lưu khiến dịch mật tràn vào khoang bụng, gây viêm phúc mạc nguy hiểm đến tính mạng người mẹ và thai nhi. Sau 2 ngày, người bệnh đã đi lại và ăn uống ngon miệng, sức khỏe thai nhi cũng ổn định. (379)

 

56. Bác sỹ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cứu sống bệnh nhân thalassemia 12 tuổi mắc đái tháo đường hiếm gặp: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 28 tháng 11 năm 2018, các bác sỹ tại Bệnh viện Nội tiết trung ương vừa cấp cứu thành công bệnh nhân thalassemia, bị đái tháo đường hiếm gặp. Theo Bệnh viện Nội tiết trung ương, bệnh nhân là La Thị V (12 tuổi, ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang), nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nhịp tim đập nhanh 200 lần/phút, thiếu máu, thở nhanh 40 lần/phút. Bố bệnh nhân cho biết, cháu V mắc Beta thalassemia (tan máu bẩm sinh) từ khi mới 3 tháng tuổi. Hằng tháng cháu được theo dõi và điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu trung ương. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần trở lại đây, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, tức ngực, khó thở, đi tiểu nhiều, khát nước nhiều, gầy sút nhanh 5kg, không sốt. Cháu được truyền 2 khối hồng cầu (do tình trạng thiếu máu), xét nghiệm đường huyết cao lên tới 30 mmol/L và được chuyển sang Bệnh viện Nội tiết trung ương để điều trị. Tiếp nhận tại khoa Cấp cứu, qua sơ bộ đánh giá, bệnh nhân có tình trạng rất nặng như: Nhiễm toan ceton -đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 1; cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất; suy tim; viêm gan C, cần được xử trí cấp cứu ngay lập tức. Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết trung ương cho hay, bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nặng, phức tạp, ý thức lơ mơ, nhiễm toan ceton, tim đập nhanh tới 200 lần/phút (trẻ 12 tuổi cao nhất chỉ khoảng 100 lần/ phút), huyết áp tụt 85/50 do nhịp tim quá nhanh nên tim không thể bơm máu có hiệu quả, thở 40 lần/phút khiến cho tình trạng trở nên nặng hơn, nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào nếu như không được xử lý cấp cứu kịp thời. Sau khi tìm hiểu tiền sử bệnh nhân và cho tiến hành làm thêm các xét nghiệm cần thiết, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân V có đường huyết cao lên tới 26 mmol/L, men gan tăng cao gấp 4 lần so với bình thường, rối loạn nhịp tim, có kèm tổn thương gan, tim, mắt… Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn đánh giá, đây là ca bệnh ĐTĐ tuýp 1 khá đặc biệt, ít gặp. Bệnh nhân còn nhỏ lại mắc tan máu bẩm sinh, phải truyền máu liên tục hằng tháng trong 12 năm, vì vậy cơ thể nhiễm sắt nặng dẫn đến tổn thương tụy, gan, tim, mắc viêm gan C do truyền máu nhiều lần, đòi hỏi kíp trực không chỉ xử lý cấp cứu như các ca bệnh ĐTĐ nhiễm toan ceton thông thường mà cần xử trí nhanh chóng các bệnh lí phối hợp. Sau khi hội chẩn cùng các bác sĩ trong khoa và xin ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo, kíp trực đã xử trí cho trẻ thở oxy, thuốc cordarone đường tĩnh mạch nhằm kiểm soát tần số tim, insulin bơm tiêm điện liên tục điều chỉnh đường huyết, bù nước, điều chỉnh điện giải, làm mắc monitor theo dõi liên tục. Nhờ được điều trị kịp thời và tích cực, cháu đã tỉnh táo, nói chuyện bình thường, có thể tự sinh hoạt. Sau khi ổn định, bệnh nhân V đã được chuyển lại Trung tâm thalassemia, Viện Huyết học Truyền máu trung ương để tiếp tục điều trị​

Thăm dò ý kiến