Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước (25/7)
26/07/2022 | 09:41 AM
|
Sáng ngày 25/7/2022, tại Hà Nội nhân Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước (25/7), Bộ LĐTBXH phối hợp cùng 9 Bộ tổ chức Lễ Ký kết Kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030.
Tham dự và chứng kiến Lễ Ký kết có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà; bà Kelly Larson, đại diện Quỹ Từ thiện Bloomberg, Hoa Kỳ; bà Anuradha Khanal, Tổ chức CTFK/GHAI tại Hoa Kỳ; bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia, Tổ chức CTFK/GHAI Việt Nam, Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ. Tham dự sự kiện có đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan cùng đại diện Lãnh đạo Vụ, đơn vị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện các bộ ngành, đoàn thể, các tổ chức, các trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước ...
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em phát biểu khai mạc Lễ Ký kết
Phát biểu khai mạc Lễ Ký kết, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: “Phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm đảm bảo quyền sống còn, an toàn sinh mạng của trẻ em. Hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 với các mục tiêu giảm 20% số trẻ tử vong do đuối nước, dạy kỹ năng an toàn, dạy bơi cho trẻ em. Ngày 25/7/2022 Bộ LĐTBXH phối hợp cùng 9 bộ và tổ chức ký kết Kế hoạch liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030 giữa các cơ quan, đơn vị nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp cụ thể trong triển khai các giải pháp, mô hình phòng chống đuối nước trẻ em.
Chúng tôi đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống đuối nước trẻ em, triển khai các biện pháp đảm bảo môi trường sống an toàn, dạy kỹ năng an toàn, dạy bơi phòng chống đuối nước trẻ em. Các mô hình can thiệp hiệu quả, bền vững về phòng chống đuối nước trẻ em sẽ được chỉ đạo, hướng dẫn nhân rộng. Quan tâm hơn nữa đến truyền thông, hướng dẫn, vận động cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Nhằm nâng cao nhận thức về gánh nặng của đuối nước cũng như các biện pháp can thiệp hiệu quả, WHO đã lựa chọn chủ đề Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước năm 2022 là “Hãy hành động để phòng chống đuối nước”. Với chủ đề này, WHO phát đi lời kêu gọi về ba cấp độ hành động thiết thực cho mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và từng cá nhân. Ở cấp độ quốc gia, WHO khuyến khích việc xây dựng các quy định, chính sách, chiến lược dài hạn và đầu tư nguồn lực cho phòng chống đuối nước. Ở cấp độ cộng đồng, các tổ chức có hoạt động liên quan đến phòng chống đuối nước nên triển khai các chiến dịch về an toàn trong môi trường nước, chia sẻ rộng rãi kinh nghiệm và thông tin về phòng chống đuối nước. Ở cấp độ gia đình, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em cần chung tay lan tỏa các kiến thức về an toàn trong môi trường nước, chủ động đăng ký cho những đứa con của mình tham gia các lớp học bơi an toàn và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Tại Việt Nam, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi.Theo số liệu của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, tình hình đuối nước trẻ em đã giảm trong những năm vừa qua, mỗi năm giảm từ 3-5%, tương đương với trung bình mỗi năm giảm 100 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tuy nhiên mỗi năm, vẫn còn gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Do đó, phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 2030 của Chính phủ. Ngay từ đầu hè năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện đôn đốc, chỉ đạo các bộ ngành, chính quyền địa phương tích cực hành động, triển khai các giải pháp cụ thể để giảm thiểu đuối nước cho trẻ em.
Bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Lễ Ký kết
Theo bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam: “Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao nỗ lực hợp tác liên ngành về phòng chống đuối nước trẻ em ở Việt Nam dưới sự điều phối của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chúng ta cần nhận thức rằng, các hoạt động can thiệp phòng chống đuối nước cho trẻ em không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân các em mà còn mang lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Hơn nữa, đầu tư vào công tác phòng chống đuối nước trẻ em hôm nay là đầu tư cho tương lai vì chính thế hệ trẻ này sẽ trở thành những nhà lãnh đạo của xã hội, trở thành các ông bố, bà mẹ trong tương lai và sẽ tiếp tục những nỗ lực bảo vệ sinh mạng trẻ em của ngày hôm nay”.
Trong ba năm qua, nhằm chung tay giảm thiểu tai nạn đuối nước tại Việt Nam, Quỹ Từ thiện Bloomberg đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Dự án phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids (đơn vị Vận động Chính sách Ytế toàn cầu) Hoa Kỳ.Chương trình đãlựa chọn can thiệp 12 tỉnh có tỉ lệ đuối nước cao trên cả nước, ưu tiên các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và có nhiều người dân tộc thiểu số. Dự án đã dạy bơi an toàn cho 14.556 trẻ em từ 6-15 tuổi, dạy kĩ năng an toàn trong môi trường nước cho 32.900 trẻ em. Dự án hỗ trợ lắp đặt mới 14 bể bơi và huy động hơn 55 bể bơi địa phương để tổ chức dạy bơi an toàn cho trẻ em. Tại các địa bàn can thiệp, tỷ lệ biết bơi chung hiện nay là 25,5%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ trung bình 14,7% vào thời điểm trước can thiệp của Dự án. Các tài liệu hướng dẫn của Dự án đã được chuẩn hóa theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, được đúc kết từ kinh nghiệm thực hành tốt của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam và được điều chỉnh phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Dự án đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện Tài liệu hướng dẫn Giáo dục phòng tránh đuối nước cho học sinh trong trường học.
Bà Kelly Larson, đại diện Quỹ Từ thiện Bloomberg, Hoa Kỳ phát biểu tại Lễ Ký kết
Bà Kelly Larson, đại diện Quỹ Từ thiện Bloomberg, Hoa Kỳ ghi nhận và cảm ơn những cam kết của các Bộ, ngành tại Việt Nam trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Đồng thời, bà đánh giá cao những kết quả đã đạt được của chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em trong thời gian qua, đảm bảo sự bền vững và sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền ở địa phương. Bà khẳng định Quỹ Bloomberg sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam về cả kỹ thuật và nguồn lực cho chương trình phòng, chống đuối nước tại Việt Nam trong thời gian tới. Bà hy vọng mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam sẽ được chia sẻ với nhiều nước để lan tỏa thành công của chương trình đến nhiều nước trên thế giới.
Theo thông tin tại sự kiện, kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022 – 2030 được xây dựng với Mục tiêu chung là đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong và tàn tật do đuối nước gây ra. Với các mục tiêu cụ thể: (i) Giảm số trẻ em bị tử vong do đuối nước; (ii) nâng cao nhận thức kiến thức của cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em; (iii) trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các kiến thức, kỹ năng phòng, tránh đuối nước và kỹ năng an toàn trong môi trường nước;biết bơi an toàn; (iv) Xây dựng môi trường an toàn tại gia đình Trường học, Cộng đồng an toàn (v) các cơ sở tổ chức bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước thực hiện các quy định bảo đảm an toàn (có huấn luyện viên, hướng dẫn viên dạy bơi, nhân viên cứu hộ đuối nước được tập huấn kiến thức nghiệp vụ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị chuyên môn, vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật);(vi) Nâng cao năng lực về phòng chống đuối nước trẻ em cho công chức, viên chức, cán bộ các cấp, các ngành (vii) tăng cường triển khai chương trình hướng dẫn, tư vấn, giáo dục kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, dạy bơi an toàn cho trẻ em; thu thập thông tin, dữ liệu về tai nạn, thương tích trẻ em và đuối nước trẻ em tại các địa phương.
Các hoạt động của kế hoạch tập trung vào các trọng tâm sau: (i) Truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức của các cấp, các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em, cộng đồng về phòng, chống đuối nước trẻ em (PCĐNTE) (ii) Xây dựng môi trường an toàn Triển khai các hoạt động can thiệp loại bỏ nguy cơ gây đuối nước trẻ em, làm biển báo tại nơi nước sâu, nguy hiểm, rào ao, lấp các hố nước, làm nắp cống…(iii) Triển khai hoạt động tư vấn, giáo dục, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại trường học, cộng đồng, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em (iv) Triển khai dạy bơi an toàn cho trẻ em (vi) Triển khai giám sát trông giữ trẻ em; (vii)Kiện toàn hệ thống cứu hộ, sơ cấp cứu phòng, chống đuối nước trẻ em. (viii) Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống đuối nước trẻ em (ix) Hoàn thiện và thực thi các quy định an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt khi tham gia giao thông đường thuỷ. (x) Triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước trong thiên tai, bão lũ; (xi) Triển khai công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các quy định an toàn về phòng chống đuối nước trẻ em và nghiên cứu thu thập thông tin số liêu về phòng, chống đuối nước trẻ em.
Kế hoạch liên ngành cũng đã phân công rõ chức năng nhiệm vụ của từng ngành trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp cụ thể trong triển khai các giải pháp, mô hình phòng chống đuối nước trẻ em./.
Tin liên quan
- Gắp dị vật là mảnh lego trong dạ dày bé 33 tháng tuổi
- Phẫu thuật lấy dị vật mảnh thủy tinh trong mắt người đàn ông
- Long An: Nâng cao năng lực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân
- Liên tiếp trẻ bị chó cắn gây nguy hiểm tính mạng
- Đề xuất 3 chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
- BVĐK Tuyên Quang hổi chẩn tuyến Trung ương cấp cứu thành công bé 2 tuổi bị rắn hổ mang cắn
- Nhận biết và đề phòng những tai biến khó lường khi bị ngộ độc nấm