Xây dựng trường học an toàn - Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ

18/11/2018 | 11:59 AM

 | 


Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận gần 1.000 ca tai nạn thương tích trẻ em với những mức độ tổn thương khác nhau. Mặc dù những năm qua, phong trào xây dựng trường học an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích trong và ngoài trường học đã được thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao

Nếu căn cứ vào thống kê của Khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi năm khoa tiếp nhận gần 1.000 ca tai nạn thương tích trẻ em với những mức độ tổn thương  khác nhau thì tính trung bình mỗi ngày có 3 ca tai nạn trẻ em nhập khoa. Đây là con số chưa thống kê hết, bởi còn hàng trăm vụ khác có thể được chuyển đến các cơ sở y tế gần nhà hoặc các trạm y tế xã, thị trấn.

Bác sỹ Trần Văn Phương, Khoa Chấn thương kể: Vào khoảng 8h sáng ngày 6 tháng 3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 13 tuổi, học sinh lớp 7A, Trường THCS Hợp Lý, huyện Lý Nhân trong tình trạng chấn thương đầu do bị bạn phi trúng dao vào trán. Mũi dao còn nguyên trên trán, bệnh nhân tỉnh táo, sau đó được chuyển về Khoa Chấn thương, phẫu thuật gỡ bỏ dao dài 40cm. Lưỡi dao được xác định đi qua xương sọ, làm rách màng cứng não. Rất may, bệnh nhân được phẫu thuật kịp thời gỡ bỏ dao và khâu vá màng cứng.

Mặc dù đây không phải là chuyện phổ biến trong các trường học, nhưng tình trạng học sinh đánh nhau trong trường, trong lớp hoặc bên ngoài trường là chuyện đã từng xảy ra và đang có xu hướng tăng lên.

Nguyên nhân chính là do học sinh hiện nay được tiếp cận với các thiết bị điện tử, mạng internet phổ biến, nhận thức của trẻ chưa toàn diện nên dễ bị lôi kéo, kích động. Nhiều học sinh cha mẹ đi làm ăn xa, ở lứa tuổi đang thay đổi tâm sinh lý, không có sự gần gũi, giáo dục thường xuyên từ gia đình, rất dễ đua đòi, sa đà vào các tệ nạn như chơi điện tử, ma túy, chơi bời… Còn ở cấp tiểu học, học sinh còn nhỏ tuổi, đa số tai nạn xảy ra do vấp ngã, tai nạn giao thông, xô đẩy nhau, thương tích chủ yếu bị gãy chi, chấn thương phần mềm, một số chấn thương sọ não.

Với cấp học mầm non, trẻ em được chăm sóc tỉ mỉ hơn nên rất ít cháu bị tai nạn trong trường. Tuy nhiên, nguy cơ tai nạn thương tích của trẻ em mầm non vẫn cao do điều kiện lớp học, trường học có sử dụng bếp ăn tập thể, nguy cơ cháy nổ cao, các cháu được cha mẹ đưa đón nhưng hầu như không đội mũ bảo hiểm.

Bà Dương Thị Thúy Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) cho rằng: Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ trong trường học thực sự rất cần thiết. Nhiều năm qua, ngành giáo dục đã triển khai công tác này, đưa nó phát triển thành phong trào, giảm thiểu nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ, đồng thời là tiêu chí để đánh giá thi đua của các nhà trường.

Hiện nay, hầu hết các trường mầm non đều triển khai thực hiện phong trào này lồng ghép với phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016-2020"… Mục tiêu hướng tới của phong trào là xây dựng môi trường trường học mà các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích được phòng, chống, giảm tối đa hoặc loại bỏ để học sinh được sống, học tập và vui chơi trong môi trường an toàn.

Để thực hiện tốt phong trào này, hầu hết các cơ sở giáo dục đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học, xây dựng hành lang bảo vệ an toàn trong và ngoài khu vực trường; thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về việc tuân thủ các quy định về phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước; quán triệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong quản lý trẻ,  học sinh bảo đảm an toàn trong  môi trường trường học.

Bà Trần Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học A thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) cho biết: Trước đây, ngành đã triển khai thực hiện tốt phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, trong phong trào đó cũng có nội dung về xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. Giờ phong trào xây dựng trường học an toàn được thực hiện  lồng ghép với các phong trào trước đó, rất phù hợp và hiệu quả. Trước tiên phải kể đến "cổng trường an toàn", từ mô hình này hướng cho học sinh ý thức đi học an toàn, vui chơi an toàn, tham gia giao thông an toàn. Trong các tiết dạy về đạo đức cũng lồng ghép những câu chuyện nhỏ như đi bộ đúng quy định, ngồi sau xe đúng quy định, ra chơi an toàn, vui chơi an toàn, giờ học an toàn…

Tuy nhiên, không ai có thể cấm trẻ chạy nhảy, vui chơi ngoài giờ học, vì thế các cháu cũng có thể sẽ vấp ngã, va chạm với nhau dẫn đến chấn thương ngoài mong muốn nhưng bằng mọi biện pháp, các lớp, các nhà trường phải chủ động nhắc nhớ, dặn dò học sinh vui chơi an toàn, tránh tai nạn thương tích. Còn với học sinh THCS, tai nạn thương tích xảy ra ở các tình huống khó lường. Nhiều khi các cháu chơi bóng với nhau không cẩn thận ngã cũng có thể bị gãy chân, gãy tay hoặc chấn thương đầu hay các bộ phận khác… Giáo dục và nâng cao nhận thức cho học sinh tuân thủ những quy định về phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cần phải được quan tâm hơn.​