TAI NẠN GIAO THÔNG QUÝ I NĂM 2008 GIẢM MẠNH

28/07/2008 | 05:00 AM

 | 

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ, trong quý I năm 2008,

TAI NẠN GIAO THÔNG QUÝ I NĂM 2008 GIẢM MẠNH

 

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ, trong quý I năm 2008, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vì vậy tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến tốt, nhất là trong dịp Tết Mậu Tý và lễ hội sau Tết. Tai nạn giao thông quý I năm 2008 và tai nạn giao thông Tết Mậu Tý đã giảm mạnh. Cả nước xảy ra 3.290 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.053 người, bị thương 2.073 người. So với quý I năm 2007, giảm 701 vụ (giảm 17,56%), giảm 508 người chết (giảm 14,27%), giảm 1.043 người bị thương (giảm 33,47%). Trong đó, đường bộ xảy ra 3.124 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.933 người, bị thương 1.995 người; so với Quý I năm 2007 giảm 705 vụ (giảm 18,41%), giảm 514 người chết (giảm 14,91%), giảm 1.024 người bị thương (giảm 33,92%). Đặc biệt, 06 ngày Tết Mậu Tý năm 2008 tai nạn giao thông giảm 197 vụ (giảm 34%), giảm 127 người chết (giảm 31%) và giảm 269 người bị thương (giảm 40,3%) so với 06 ngày Tết Đinh Hợi năm 2007, thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là giảm mạnh tai nạn giao thông Tết Mậu Tý.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 44 địa phương giảm số người chết, 04 địa phương không tăng, không giảm và 16 địa phương tăng về số người bị chết vì tai nạn giao thông so với quý I năm 2007. Trong điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa có sự cải thiện đáng kể, số lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh (ô tô tăng 16,5%; mô tô tăng 16% so với cùng kỳ); mật độ người và phương tiện tham gia giao thông trong dịp Tết Mậu Tý tăng lên đáng kể, các lễ hội đầu xuân sau tết diễn ra nhiều ở tất cả các vùng miền của cả nước, giá xăng dầu tăng cao cũng tác động mạnh đến hoạt động vận tải thì việc giảm tai nạn giao thông trong Quý I năm 2008 là một kết quả rất đáng khích lệ, là tiền đề quan trọng để giảm tai nạn giao thông năm 2008, là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành trong hoạt động bảo đảm TTATGT. Có được kết quả đó là do:

Thứ nhất đó là sự chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ, cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội.

Thứ hai, kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Mậu Tý 2008 và lễ hội sau Tết chi tiết, được tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc, công tác kiểm tra đôn đốc kịp thời, có chất lượng.

Thứ ba, sau hơn 6 tháng triển khai Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết đã phát huy và có những kết quả bước đầu; trước hết đã nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT của người dân đã có sự chuyển biến tích cực; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông được quan tâm, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tuyên truyền và cưỡng chế, công tác tuyên truyền đã có hiệu quả rõ rệt, mà thể hiện rõ nhất là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.

Thứ tư, Nghị định 146/2007/NĐ - CP đã tạo điều kiện cho công tác cưỡng chế có hiệu quả; huy động tối đa lực lượng cảnh sát tham gia tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đồng thời xử lý vi phạm khá kiên quyết, nghiêm túc, có tính răn đe cao; công tác cưỡng chế đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn, giảm tai nạn giao thông trong dịp Tết, lễ hội sau Tết và Quý I năm 2008.

Thứ năm, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ đã thực hiện thành công bước đầu trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ người đi môtô, xe gắn máy ở thành phố, trên quốc lộ đội mũ bảo hiểm đạt trên 99%. Thực hiện tốt quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy không chỉ thể hiện tính kỷ cương, văn minh trong giao thông mà còn đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thương vong do tai nạn giao thông

Để phấn đấu giảm được tai nạn giao thông trong Quý II và cả năm 2008, các Bộ, ngành và địa phương phải tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp của Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, Nghị quyết 05/2008/NQ-CP của Chính phủ. Một số nhiệm vụ trọng tâm là:

-Sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ theo đúng tiến độ của Quốc hội;

-Khẩn trương hoàn thành các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP còn chậm.

-Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó chú ý khâu tuyên truyền phải đi trước,

-Tạo dư luận tốt và phối hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền và cưỡng chế, giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương;

-Cục Đường bộ Việt nam và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cần xây dựng một kế hoạch chi tiết về phối hợp tổ chức lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ giai đoạn 1, sau đó rút kinh nghiệm để thực hiện các bước tiếp theo.

-Chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa việc giải quyết vấn đề xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh theo tình thần Nghị quyết 05/2008/NQ-CP của Chính phủ;

-Tuyên truyền cụ thể hơn các quy định về xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh.

-Kiên trì tuyên truyền kết hợp với cưỡng chế thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, quan tâm nhiều hơn ở vùng nông thôn, ở đô thị vào ban đêm, đội mũ bảo hiểm đúng cách, trẻ em dưới 14 tuổi phải đội mũ bảo hiểm, chất lượng mũ bảo hiểm.

-Tập trung xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng uống rượu bia quá nồng độ quy định, tránh vượt sai quy đinh, đi sai phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm ...; đặc biệt quan tâmxử lý kiên quyết các vi phạm trên đường thuỷ nội địa.