Tai nạn giao thông ở trẻ em - vấn đề nghiêm trọng cần phòng tránh

21/12/2015 | 07:44 AM

 | 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có trên 186.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), cứ 4 phút có một trẻ em mất đi mạng sống. Tại Việt Nam, theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì TNGT, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích. Chính vì vậy, phòng tránh TNGT cho trẻ em là một vấn đề cần thiết và cấp bách của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Những con số biết nói

Tại Việt Nam, TNGT là một trong bốn nguyên nhân hàng đầu (khoảng 50%) gây tử vong cho tất cả trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Trong đó tỉ lệ trẻ tử vong khi đi bộ một mình chiếm 36%, bị nạn khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe đạp, xe mô tô, xe máy chiếm 20%. Tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông chiếm 13,4% trong đó, đa phần các em đều không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi xảy ra tai nạn.

Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng của các phương tiện giao thông và số người tham gia giao thông (trong đó có trẻ em), thì số vụ tai nạn thương tâm xảy ra cho trẻ em cũng ngày một gia tăng. Nhất là trong mùa hè, khi học sinh nghỉ học được tự do vui chơi. Ví dụ, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2014, có trên 10.000 trẻ em bị tai nạn thương tích. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã có gần 3.000 trẻ em bị tai nạn thương tích các loại, trong đó tử vong do đuối nước và TNGT vẫn đứng đầu. Phần lớn tai nạn xảy ra khi các em đang đi bộ, qua đường hoặc tham gia giao thông.

Vì sao trẻ em bị TNGT

- Do ý thức của trẻ về ATGT chưa cao, khi tham gia giao thông, các em không chấp hành luật và các quy định về ATGT, vượt đèn đỏ, đi bộ dưới lòng đường, băng qua đường bất ngờ, không quan sát, đùa nghịch, đu bám tàu xe, đá bóng dưới lòng đường, phơi rơm rạ trên đường giao thông, đi xe đạp dàn hàng ngang lấn chiếm làn đường của các phương tiện khác, vượt trước mũi ô tô, xe máy, hoặc lên xuống xe không quan sát trước sau nên dễ bị va quệt. 

- Do người lớn bất cẩn, thiếu ý thức phòng tránh TNGT cho trẻ: Để trẻ nhỏ đứng, ngồi đằng trước xe máy, ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn; không đội MBH cho trẻ em; chở người quá quy định trên một phương tiện giao thông xe máy, ô tô, thuyền… ; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách hay do uống rượu bia không kiểm soát được tốc độ…

- Đặc biệt nguy hiểm, với các trường hợp vô ý thức có hành vi gây nguy hiểm chết người như: rải đinh trên đường cao tốc, ném đá lên tàu, tháo ốc vít trên đường ray, tàu hỏa…

- Do các phương tiện giao thông cũ nát hết thời hạn lưu hành, trên xe thiếu các thiết bị an toàn… mà lái xe vẫn sử dụng để vận chuyển khách.

- Một nguyên nhân khách quan nữa cũng gây TNGT là đường xá chất lượng xấu, thiếu biển báo, đèn hiệu, đèn chiếu sáng…

Trẻ nhỏ qua đường cần có người lớn đi kèm để phòng tránh tai nạn giao thông.

 

Làm gì để hạn chế TNGT cho trẻ em?

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, không đội MBH khi đi mô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em. Chính vì vậy, Liên hợp quốc đã phát động “Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ ba, với chủ đề “Trẻ em và an toàn đường bộ”. Vừa qua, tại Hà Nội, hưởng ứng Tuần lễ ATGT và thực hiện Kế hoạch hành động “Năm ATGT 2015”, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội, Tổ chức WHO và Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á (AIPF) tuyên truyền về đội MBH khi tham gia giao thông cho học sinh trung học và phát MBH cho các em tại một số trường ở Hà Nội.

Tại nhiều tỉnh thành khác, Ủy ban ATGT Quốc gia, Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á cũng tổ chức lễ phát động triển khai dự án “MBH cho trẻ em”. Theo ban tổ chức, kể từ tháng 2-12/2015, học sinh và giáo viên của 44 trường tiểu học tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đồng Nai và Quảng Nam sẽ được trang bị những chiếc MBH đạt chuẩn.

Hưởng ứng đề nghị của Ủy ban ATGT Quốc gia về vận động hỗ trợ MBH, Công ty Honda Việt Nam đã triển khai chương trình trao tặng 30.000 MBH cho học sinh trên nhiều tỉnh, thành cả nước. Thông qua chuỗi hoạt động này, Ủy ban ATGT Quốc gia và Công ty Honda Việt Nam mong muốn giúp các em có ý thức hơn trong việc tham gia giao thông. Đây cũng là cơ hội giúp các bậc cha mẹ chú ý hơn trong việc trang bị an toàn cho con em mình, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Nhưng ý thức tham gia giao thông phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. Nếu học sinh chưa có nhận thức đúng khi tham gia giao thông, thì nguy cơ bị tai nạn thương tích tiềm tàng vẫn còn rất lớn. Về lâu dài, cần xây dựng kỹ năng cho học sinh, sinh viên để các em có kỹ năng sống và kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có TNGT.

Bộ GD-ĐT đã từng phối hợp với UNICEF xây dựng dự án “Giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường” và làm thí điểm ở 9 địa phương: Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Kon Tum, An Giang, Kiên Giang và TP. HCM, bước đầu đạt hiệu quả tốt, góp phần giảm thiểu TNGT cho trẻ em.

Để hạn chế TNGT, gia đình, nhà trường, xã hội cần chủ động tuyên truyền luật ATGT nâng cao thức tham gia giao thông cho học sinh. Các ngành, các cấp, các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn nữa đến sự an toàn của trẻ em trong khi tham gia giao thông, cố gắng tạo dựng một môi trường an toàn của trẻ em và cộng đồng, loại bỏ các nguy cơ gây TNGT cho trẻ. Mỗi bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch hành động cụ thể và chủ động phối hợp mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện Chính sách quốc gia Phòng chống tai nạn thương tích (trong đó có TNGT), giúp mọi trẻ em Việt Nam được học tập, vui chơi và phát triển trong một môi trường an toàn không tai nạn thương tích, để không còn trẻ em nào bị chết và tàn tật do tai nạn thương tích (nhất là TNGT) gây ra./.

Nguồn: (Theo Ủy ban ATGT Quốc gia)​