Phòng chống tai nạn thương tích tại Lâm Đồng

28/04/2005 | 05:00 AM

 | 

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên. Trong năm 2003, toàn tỉnh có 26077 trường hợp TNTT, trong đó nam chiếm 71,16%, tai nạn ở độ tuổi từ 16 đến 45 tuổi chiếm 62,44%; nông dân bị tai nạn chiếm 52%, có một tỷ lệ không nhỏ học sinh bị tai nạn thương tích 25%.

Phòng chống tai nạn thương tích tại Lâm Đồng 



Lâm Đồng là một tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên. Trong năm 2003, toàn tỉnh có 26077 trường hợp TNTT, trong đó nam chiếm 71,16%, tai nạn ở độ tuổi từ 16 đến 45 tuổi chiếm 62,44%; nông dân bị tai nạn chiếm 52%, có một tỷ lệ không nhỏ học sinh bị tai nạn thương tích 25%. Trong các loại TNTT, tai nạn giao thông dù đã có xu hướng giảm nhưng vẫn chiếm đa số: 45,17% tổng số vụ TNTT. Số tử vong do TNTT trong năm 2003 là 204 trường hợp. Tại 3 xã triển khai hoạt động dự án của huyện Đức Trọng có 2.568 trường hợp TNTT (giảm so với năm 2002 là 2.530 trường hợp), có 22 ca tử vong (giảm hơn so với năm 2002 là 28 ca).

Chương trình PCTNTT đã được triển khai tại tỉnh từ những năm 1999, đến nay chương trình đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trên toàn tỉnh và đạt được những thành quả nhất định.

Năm 2003, toàn tỉnh có 1 BCĐ PCTNTT cấp tỉnh, 11/11 huyện có BCĐ cấp huyện/thị/thành phố và 138/142 xã đã thành lập BCĐ chương trình. Các BCĐ đã triển khai và thực hiện lồng ghép PCTNTT với các chương trình khác đang hoạt động tại địa phương.

Hoạt động thông tin giáo dục truyền thông khá sôi động và huy động được nhiều cơ quan, đoàn thể tham gia. Ngành y tế in 1.000 tờ rơi, xây dựng 3 chương trình băng Cassette phát thanh trên loa của 3 xã triển khai dự án tại huyện Đức Trọng (Liên Nghĩa, Hiệp Thịnh, Ninh Giá). Ban an toàn giao thông tỉnh xây dựng 5 pa nô cảnh báo nơi hay xảy ra tai nạn giao thông và 5 bảng báo "STOP" cho học sinh qua đường, đặt đèn hiệu, biển báo nơi nguy hiểm thường xảy ra tai nạn và làm lại một số cung đường có độ bám không đảm bảo, làm một số đường giảm tốc độ nơi nguy hiểm. Hoạt động phổ biến pháp luật giao thông được triển khai tại nhiều địa phương, tới nhiều đối tượng khác nhau trong tỉnh. Các chương trình tuyên truyền về an toàn giao thông được thường xuyên phát thanh và truyền hình và đăng tải trên báo Lâm Đồng. Sở Tư pháp phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức cuộc thi an toàn giao thông đường bộ với hơn 100.000 bài tham dự. Riêng huyện Đức Trọng cũng tổ chức cuộc thi "Em tham gia PCTNTT/XDCĐAT" tại trường tiểu học của 3 xã dự án (có 1.000) em tham gia. Thông qua cuộc thi này nội dung PCTNTT/XDCĐAT cũng được chuyển tải tới các bậc cha mẹ học sinh. Các ban ngành đoàn thể khác (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, UBMTTQVN, Hội Nông dân tỉnh…) cũng lồng ghép tuyên truyền PCTNTT trong các hoạt động triển khai chung.

Hoạt động giám sát TNTT rất được quan tâm chú ý. Từ tỉnh, huyện đến xã đều có hệ thống theo dõi, ghi chép và thống kê tình hình TNTT với số người tham gia 165 người. Mạng lưới này cũng đã huy động được sự tham gia của các nhân viên y tế thôn bản trở thành các cộng tác viên. Riêng tại 3 xã dự án huyện Đức Trọng từ tháng 5/2003 đã thu được 3 bộ số liệu hoàn chỉnh về TNTT theo quy định của Bộ Y tế. Số liệu TNTT hàng tháng được cập nhật vào sổ A1 cùng phiếu ghi TNTT tại cộng đồng. Hàng quý xã sẽ báo cáo số liệu lên huyện (bệnh viện huyện) và huyện thực hiện báo cáo quý lên tỉnh.

Trong công tác cứu chữa nạn nhân TNTT tỉnh đã xây dựng được mô hình "tình nguyện viên" cấp cứu giao thông dọc theo quốc lộ 20. Những tình nguyện viên này là các cán bộ CTĐ, Cựu chiến binh… Tỉnh thành lập được 20 đội sơ cấp cứu với 50 người tham gia nhằm giúp hạn chế tỉ lệ tử vong và thương tích nặng do TNTT gây nên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số vấn đề vẫn còn tồn tại khi thực hiện hoạt động PCTNTT trên địa bàn tỉnh. Hệ thống giám sát, quản lý và báo cáo số liệu chưa đầy đủ và kịp thời nên còn bỏ sót một số trường họp TNTT trong cộng đồng. Công tác tuyên truyền giáo dục chưa sâu rộng đến nhiều vùng dân cư, thông tin chưa đến được tới nhiều nhóm đối tượng. Một số địa phương dù phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn nhưng do không có kinh phí nên chưa áp dụng được các biện pháp can thiệp phù hợp. Công tác kiểm tra, giám sát tuyến tỉnh còn nhiều hạn chế. Đứng trước những khó khăn đó, BCĐ PCTNTT tỉnh Lâm Đồng có một số đề xuất để thực hiện tốt hơn công tác PCTNTT:

·        Cần phối hợp đa ngành trong công tác PCTNTT.C

·        Có hệ thống theo dõi, chi chép các trường hợp TNTT từ tỉnh xuống huyện, xã khoa học, dễ thực hiện để đánh giá đúng thực trạng tình hình TNTT và đề xuất các biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm phòng tránh, giảm thiểu các nguy cơ gây TNTT.

·        Tuyên truyền giáo dục thường xuyên, đảm bảo hiệu quả từ đó thay đổi nhận thức và hành vi của nhân dân. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng vào các hoạt động PCTNTT tại địa phương. Cần đầu tư kinh phí thoả đáng.

 

(Báo cáo tổng kết PCTNTT năm 2003 tỉnh Lâm Đồng)