Chỉ dẫn cấp cứu từ ngộ độc trẻ em
19/01/2017 | 10:16 AM



Ngộ độc cấp trẻ em có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài. Hai công trình nghiên cứu của bác sĩ Bùi Quốc Thắng - giảng viên Bộ môn Nhi Đại học Y - Dược TPHCM và BS chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng Khoa Nội tổng quát 1 (BV Nhi Đồng 1), TS-BS Hoàng Trọng Kim - Đại học Y Dược TPHCM: vừa công bố rất thiết thực đối với các bậc phụ huynh trong việc phòng ngừa ngộ độc ở trẻ
Những dấu hiệu ngộ độc ở trẻ
Qua khảo sát 1.025 trường hợp, BS Nguyễn Thị Kim Thoa đã ghi nhận những dấu hiệu lâm sàng chính sau đây thường gặp ở trẻ ngộ độc: nôn, tiêu chảy, đau bụng (tiêu hóa), ho sặc, thở nhanh hoặc thở chậm (hô hấp), rối loạn tri giác, co giật, trợn mắt, ưỡn cổ (thần kinh), nhịp tim thay đổi (tim mạch), tiểu ít, đổi màu (tiết niệu), rung giật cơ, đau cơ (cơ bắp), vàng da, đỏ da, tím tái (da), thay đổi kích thước đồng tử (mắt), phù, đau (dấu hiệu tại chỗ), thở ra mùi độc chất như dầu lửa, tỏi, tinh dầu...
Trung tuần tháng 5, trong khi chơi ngoài vườn nhà, bé L.H.T.Đ, 6 tuổi, ngụ tại Cần Thơ bị ong vò vẽ tấn công và đốt hơn 100 mũi. Nằm điều trị tại BV đa khoa thành phố một ngày không giảm, bé được chuyển lên BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng lơ mơ, khó thở, vàng da, vô niệu. Mặc dù được các bác sĩ khoa cấp cứu BV tận tình cứu chữa (đặt nội khí quản, thở máy liên tục, chạy thận...), nhưng do vết chích quá nhiều, ngày 4-6 bé Đ. đã tử vong!
Không nặng như trường hợp trên, nhưng trường hợp em T.T.T, ngụ tại phường An Khánh, quận 2, cũng làm người nhà một phen hú vía. Ngày 22-6, trong khi theo bạn bè đi đốn dừa nước, em bị ong vò vẽ đốt hơn 15 mũi, sưng đỏ nhiều chỗ trên người. Được chuyển lên BV Nhi Đồng 2 kịp thời, nên sau hai ngày điều trị em hoàn toàn khỏe mạnh.
Ngộ độc trẻ em thường gia tăng vào mùa hè
Theo BS Phạm Thị Kim Loan, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2, mỗi năm BV nhận hơn 20 ca ong đốt và tập trung vào thời điểm các tháng 5-9. Đây là thời gian trẻ ít học hành, được chơi đùa nhiều, thường theo bạn bè nghịch ngợm nên dễ bị ong đốt. Thống kê của BS Bùi Quốc Thắng trên 236 ca ngộ độc cấp ở trẻ nhập viện từ 1-6-2001 đến 31-5-2002 tại BV Nhi Đồng 1 cho thấy thời điểm từ tháng 5 đến tháng 8 số ca ngộ độc có khuynh hướng gia tăng. Ngoài ong đốt còn có việc uống hay ăn nhầm tác nhân gây ngộ độc (trẻ nhỏ) hoặc tự tử (trẻ lớn). Điều này cũng được lý giải trẻ có nhiều thời gian rảnh rỗi, nên thường tinh nghịch, phá phách (đa số là nam) hoặc dễ nảy sinh xung đột với người lớn rồi hành động bồng bột, thiếu kiềm chế (đa số là nữ).
Theo nghiên cứu của BS Thắng, có đến 74,1% số vụ ngộ độc xảy ra đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Đáng lưu ý là 41,5% trường hợp tập trung vào lứa tuổi 2 - 5, là tuổi mà trẻ luôn muốn tìm tòi và khám phá sự vật chung quanh. Chỉ cần một thoáng sơ ý của các bậc cha mẹ là trẻ có thể đưa ngay những thứ vừa tìm được vào miệng và nuốt ngay. Xét về lý do ngộ độc, ngoài nguyên nhân trẻ tự uống nhầm (47,03%), việc người lớn cho nhầm thuốc trẻ (9,74%) và tai biến do điều trị hoặc do người bán thuốc (33,89%) cũng đáng lưu ý.
Biện pháp đề phòng ngộ độc
Trẻ dưới 6 tuổi: 1) An toàn trong gia đình: Bảo quản cẩn thận thuốc, hóa chất, thức ăn, sử dụng thuốc đúng, không cho trẻ ăn thức ăn lạ, độc hại. 2) An toàn trong sử dụng thuốc: quản lý thuốc và hóa chất chặt chẽ, tăng cường thông tin giáo dục về thuốc cho những người chăm sóc trẻ. 3) An toàn môi trường: quy định và kiểm tra chặt về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường cảnh báo về những thực phẩm độc hại.
Trẻ trên 6 tuổi: Quan tâm sự phát triển tâm lý trẻ, tạo môi trường thương yêu, thông cảm, giao hòa với trẻ.
(Nguồn: Nghiên cứu y học “1.025 trường hợp ngộ độc cấp trẻ em tại BV Nhi Đồng 1 từ 1997-2001”, Nguyễn Thị Kim Thoa, Hoàng Trọng Kim)
Trong tác nhân gây ngộ độc, thuốc đứng hàng đầu
Khảo sát 1.025 trường hợp ngộ độc cấp tại BV Nhi Đồng 1 từ 1997-2001, BS chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kim Thoa và TS-BS Hoàng Trọng Kim nhận thấy 47,2% là từ thuốc (thuốc chống nôn, kháng histamin, sái á phiện, thuốc nhỏ mũi co mạch, thuốc ngủ, thuốc hạ sốt), 41,7% do hóa chất (dầu lửa, ong đốt), 10,7% do thức ăn nhiễm khuẩn. Trong những năm gần đây lại xuất hiện một số tác nhân mới như thuốc diệt cỏ paraquat, ma túy (ở trẻ sơ sinh, do mẹ truyền sang con), hạt cam thảo dây, thuốc diệt chuột Trung Quốc... Theo BS Thoa, rất đáng lưu ý những tác nhân này vì chúng chưa được nghiên cứu nhiều mà tỉ lệ tử vong lại thường cao: 58,3% do ngộ độc paraquat, 100% do hạt cam thảo dây!
Trách nhiệm chính từ người lớn
Khảo sát của BS Thắng cho thấy có đến 97,9% trường hợp trẻ ngộ độc mà người mẹ có trình độ học vấn từ THPT trở xuống, trong đó tỉ lệ mù chữ và học hết cấp 1, cấp 2 là 72,8%. Tỉ lệ này ở người cha cũng gần như vậy. Qua phân tích nghề nghiệp, tỉ lệ bố mẹ lao động trí óc từ 5,1 - 8%, số còn lại là làm nghề tự do, lao động chân tay, phải vất vả mưu sinh nên không có thời gian chăm sóc con cái. Bên cạnh đó, yếu tố chủ quan của các bậc cha mẹ cũng góp phần quan trọng vào việc gia tăng tần suất ngộ độc của trẻ. Thí dụ điển hình là việc không tuân thủ liều lượng thuốc chống ói (như Primperan). Sau khi dùng thấy trẻ vẫn ói nhiều, thay vì mang lại bác sĩ chuyên khoa hỏi ý kiến, nhiều phụ huynh lại tự động tăng liều hoặc dùng nhiều lần. Kết quả là trẻ sẽ bị ngộ độc, thậm chí là tử vong./.
Tin liên quan
- Bệnh nhi 8 tuổi ở Vĩnh Phúc được chẩn đoán mắc viêm não do virus dại và suy hô hấp
- Thợ điện thoát chết sau tai nạn điện giật cháy đen bàn tay
- Cảnh báo bệnh dại sắp 'vào mùa'
- Quảng Trị kịp thời cứu cháu bé 34 tháng tuổi nuốt đinh dài vào bụng
- Mổ não khẩn cấp cứu người đàn ông dập não sau cú đâm thẳng vào xe tải đỗ ven đường
- Không tự ý khâu vết thương khi bị chó cắn
- Đa chấn thương nặng do nổ bình gas