Cảnh báo ngộ độc nặng, tử vong do ăn côn trùng
08/08/2024 | 08:16 AM
|
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai xác nhận, sáng 7/8, bệnh nhân Đinh Sep, 27 tuổi, trú tại xã An Thành, huyện Đak Pơ) đã tử vong do ngộ độc.
Bệnh nhân Sep được chuyển đến bệnh viện đa khoa Gia Lai cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Theo thông tin từ người nhà nạn nhân, trước đó trưa 6/8, anh Sep đã ăn 10 con sâu ban miêu. Sau khi ăn khoảng 30 phút, anh có biểu hiện đau bụng, nôn ói.
Chiều cùng ngày, gia đình đưa anh đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ, sau đó được chuyển lên Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Qua thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ tại đây xác định anh Sep bị ngộ độc nặng dẫn đến suy thận, suy gan, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc tuy nhiên đã không qua khỏi.
Trước đó, tại tỉnh Sơn La, một bệnh nhân 72 tuổi ăn sâu ban miêu cũng bị ngộ độc nhập viện trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng sốc, co giật toàn thân, suy hô hấp, nôn ra máu, loét miệng và tử vong sau đó 2 ngày.
Sâu ban miêu còn có các tên gọi khác như ban mao, ban manh, sâu đậu, nguyên thanh,... và có tên khoa học là Lytta vesicatoria Fabr, thuộc họ Ban miêu - Meloidae.
Sâu ban miêu là một loại bọ có hình dáng giống bọ xít thường được dùng để thoa ngoài da để điều trị mụn nhọt, ung độc, phồng rộp da. Tuy nhiên, nó cũng có độc tính cao có thể dẫn tới ngộ độc sâu ban miêu nếu dùng sai cách.
Theo y học cổ truyền, sâu ban miêu tính nhiệt, vị cay, có chứa độc, quy vào kinh đại trường, tiểu trường, dạ dày, gan và thận.
Nguồn: Nhandan.vn
Tin liên quan
- Bé trai 6 tuổi đứt lìa 3 ngón tay trái do dùng dao bổ mít
- Bệnh viện Nhi Trung ương nối búp ngón tay đứt rời cho bé gái bị kẹp tay vào cửa
- Cứu kịp thời bé 19 tháng tuổi uống nhầm dầu thắp hương
- 7 học sinh chọc tổ ong đất, một em bị đốt tử vong
- Mất bàn tay khi vừa chơi điện thoại vừa sạc pin
- Nâng cao kiến thức phòng chống cháy nổ trong học đường
- Cứu nam thanh niên bị lóc toàn bộ da bàn tay do tai nạn lao động