Phòng tránh động vật cắn, đốt cho trẻ em

09/09/2017 | 04:05 AM

 | 

 

Hầu hết trẻ em đều có tính hiếu động nên việc chơi với các loại động vật nuôi và động vật khác thường dễ gây ra tai nạn thương tích do bị cắn, đốt, húc. Các loại động vật trẻ thường hay tiếp xúc và dễ gây ra thương tích như: chó, mèo, ong, rắn…

Hầu hết trẻ em đều có tính hiếu động nên việc chơi với các loại động vật nuôi và động vật khác thường dễ gây ra tai nạn thương tích do bị cắn, đốt, húc. Các loại động vật trẻ thường hay tiếp xúc và dễ gây ra thương tích như: chó, mèo, ong, rắn…

Để phòng, tránh tai nạn xảy ra khi trẻ tiếp xúc với các loại động vật, người lớn cần dạy cho trẻ biết những con vật có thể gây nguy hiểm cũng như nơi chúng thường lẩn tránh. Đồng thời, người lớn cần hướng dẫn trẻ cách vui chơi an toàn như: không nghịch tổ ong; không trêu chọc chó, mèo và các vật nuôi; không chơi gần các bụi rậm để tránh rắn cắn, nếu phải đi qua thì nên dùng gậy khua vào bụi rậm để rắn ra ngoài rồi mới đi… Cộng đồng cần xây dựng môi trường an toàn như: quản lý trẻ và xây dựng các điểm vui chơi an toàn cho trẻ; phát quang bụi rậm xung quanh nhà; không thả chó bừa bãi, khi thả chó ra đường phải có rọ mõm; không để trẻ sơ sinh một mình với các vật nuôi trong nhà… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tổ chức tập huấn cho các nhân viên y tế, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ về các kiến thức và kỹ năng ban đầu khi bị động vật cắn, đốt. Các gia đình cần có ý thức đưa chó, mèo đi tiêm phòng vác xin phòng dại trong các chiến dịch tổ chức tiêm phòng cho chó dại tại cộng đồng.

Cách xử trí khi trẻ bị các loại động vật cắn, đốt đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu được những nguy cơ thương tích đối với trẻ. Vì vậy, khi trẻ bị chó cắn, nếu là chó dại thì thường bình quân khoảng 40 ngày sẽ phát hiện ra bệnh dại. Trong thời gian này, nếu người bị chó cắn đi tiêm phòng dại sẽ tránh được bệnh dại. Bệnh dại do chó cắn có những biểu hiện ban đầu như: rối loạn hành vi, tác phong; đau do co thắt cơ, sợ nước, sợ gió; tăng tiết nước bọt; có cảm giác bất thường tại chỗ cắn như đau rát, cảm giác như có kiến bò… Trường hợp bị chó cắn, người lớn cần rửa sạch vết cắn và sát khuẩn tại chỗ đó bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn và băng nhẹ vết thương bằng băng sạch. Các trường hợp cần theo dõi và đưa trẻ đến bệnh viện như: nghi bị chó dại cắn hoặc không theo dõi được chó; bị chó cắn vào các vùng nguy hiểm hoặc vết thương nặng, chảy máu nhiều, nhiễm trùng; trẻ có các triệu chứng nghi là bệnh dại. Khi trẻ bị côn trùng đốt, thường gặp nhất là ong đốt thì cần nhanh chóng rửa vết đốt bằng xà phòng và nước sạch, băng phủ nhẹ vết thương và chườm lạnh vùng bị đốt; tháo nhẫn, vòng đeo ở tay bị đốt; theo dõi và phát hiện các dấu hiệu dị ứng, nhiễm độc để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu trẻ bị rắn cắn thì cần xác định đó là loại rắn nào để có cách xử lý phù hợp. Nếu là rắn độc cắn như rắn hổ mang, rắn lục thì cần cho trẻ nằm im, không để trẻ tự đi hoặc chạy; nên sát trùng tại chỗ cho trẻ và có thể vạch rộng vết cắn và nặn hút máu ngay sau khi bị cắn, nên để trẻ nằm bất động và đặt vùng bị thương thấp hơn người trẻ nằm. Trong các trường hợp như: xác định được bị rắn độc cắn hoặc không rõ rắn độc hay rắn lành cắn; bị nhiễm trùng, phù nề hoại tử tại chỗ thì cần nhanh chóng đưa trẻ đi nhập viện để theo dõi và điều trị kịp thời./.

Nguồn: http://m.baodaknong.org.vn​