Nhiều vụ đuối nước thương tâm, bác sĩ chỉ cách sống còn để cứu nạn nhân

16/07/2019 | 08:06 AM

 | 

Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ đuối nước ở sông, ao, hồ hết sức thương tâm, thậm chí đuối nước cả ở trong bể bơi.

Gần đây là trường hợp bé trai 6 tuổi ở Thanh Hoá đuối nước tại bể bơi tư nhân. Theo phản ánh, thời điểm chiều ngày 14/7/2019, bể bơi rất đông người. Lúc cháu K. vừa chìm xuống đã có lực lượng cứu hộ đến đưa lên bờ, tuy nhiên cháu đã không qua khỏi.

Cơ quan chức năng cho biết đã khám nghiệm hiện trường vụ đuối nước nêu trên, khám nghiệm tử thi nạn nhân và đang tích cực điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Các chuyên gia cho hay, thời điểm nghỉ hè nắng nóng gia tăng các vụ đuối nước. Theo Bác sĩ Nguyễn Thành Đạt - Bệnh viện Quận Thủ Đức, đuối nước có thể dẫn đến tử vong. Toàn bộ cơ thể tiếp xúc với nước lạnh có thể dẫn đến hạ thân nhiệt, tim ngừng đập đột ngột hay đường thở bị tắc do bị sưng hoặc nước tràn vào.

Nạn nhân đuối nước luôn cần sự chăm sóc y tế ngay cả khi họ hoàn toàn bình phục tại thời điểm gặp nạn. Nước vào phổi gây kích thích đường hô hấp sưng phù vài giờ sau đó, hiện tượng này gọi là đuối nước thứ phát hay chết đuối trên cạn. Ngoài ra, vấn đề hạ thân nhiệt cũng cần điều trị - BS. Đạt cho hay.

Đặt hai tay lên chính giữa ngực nạn nhân, ấn mạnh với tốc độ 02 cái/giây.

Chính vì vậy, trong trường hợp nạn nhân không tỉnh kèm không thở hoặc thở không bình thường, hãy tiến hành hồi sức tim phổi (CPR) bằng cách ép tim ngoài lồng ngực. Nếu bạn chỉ có một mình, hãy CPR 02 phút rồi gọi 115 để được hỗ trợ.

Nếu bạn chưa được đào tạo về CPR một cách bài bản, bạn chỉ cần đặt hai tay lên chính giữa ngực nạn nhân, ấn mạnh với tốc độ 02 cái/giây. Hãy gọi 115, nhân viên trực tổng đài 115 sẽ giúp bạn.

Lúc này, vai trò của người bên cạnh rất quan trọng giúp nạn nhân thở lại bình thường (CPR); giữ ấm và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

5 bước nên làm

Theo Bác sĩ Nguyễn Thành Đạt, các bước nên làm để cấp cứu trường hợp bị đuối nước gồm:

Bước 1: Đưa nạn nhân ra khỏi nước (cần hết sức cẩn thận nếu không bạn sẽ thành… nạn nhân kế tiếp) – Đặt nạn nhân nằm xuống, đầu thấp hơn thân mình, để nước chảy ra và chống hít sặc.

Bước 2: Giữ ấm – Loại bỏ quần áo ướt – Thay bằng quần áo khô, đắp chăn/mền – Nếu tỉnh, hãy cho nạn nhân uống nước ấm.

Bước 3: Hãy gọi 115 hoặc nếu bạn đủ khả năng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế an toàn, hãy làm như vậy vì khả năng đuối nước thứ phát có thể xảy ra.

Bước 4: Nếu nạn nhân không tỉnh (gọi không dậy) và bạn chỉ có một mình hãy làm CPR 02 phút rồi gọi 115.

Bước 5: Nếu nạn nhân thở trở lại được, hãy thực hiện như Bước 2 trong lúc chờ giúp đỡ đến.

Theo thống kê, ở nước ta, đuối nước đã lấy đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em, trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em do tai nạn thương tích trên toàn quốc.

Đuối nước ở trẻ nhỏ thường xảy ra trong giờ làm việc bận rộn của người trông trẻ, khi họ đang làm việc nhà hoặc công việc hàng ngày khác. Việc giám sát trẻ tại cơ sở trông trẻ trong khoảng thời gian này là một biện pháp can thiệp hiệu quả nhằm bảo vệ trẻ khỏi đuối nước và cũng đảm bảo rằng các trẻ lớn hơn không phải lo trông em, giúp các trẻ lớn này có thời gian đến trường.

Nguồn: suckhoedoisong.vn