Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu bia

17/11/2011 | 05:00 AM

 | 

Ở Việt Nam, mỗi năm sản lượng rượu bia cả nước là 2,5 tỷ lít. Ước tính đến năm 2015, con số này có thể tăng lên 4 tỉ lít. Lạm dụng rượu bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Thống kê cho thấy có đến 15% dân số nước ta thường xuyên uống rượu bia. 40% số vụ tại nạn giao thông hiện nay có liên quan đến rượu bia

Tại Hà Nội, ngày 15/11/2011, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Tổ chức đối tác an toàn giao thông đường bộ toàn cầu (GRSP) tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu bia. Hội thảo đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, báo đài, các địa phương và các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ.

 

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2011 cho thấy trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba sau Lào và Thái Lan về bình quân tiêu thụ rượu ở người lớn với 15,6 lít/người uống. Theo một nghiên cứu tại Việt Nam, tuổi trung bình lúc bắt đầu uống rượu ở nước ta là 24.Tai nạn giao thông có liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng rượu bia. Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt cho thấy chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2011 cả nước đã có trên 24.600 trường hợp lái xe bị xử ly vi phạm nồng đồ cồn. Tuy nhiên thực tế việc xử lý lái xe vi phạm nồng đồ cồn vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Vi phạm vẫn còn mang tính phổ biến do người lái xe vẫn còn chủ quan, mức xử phạt hành chính chưa cao và các chế tài vẫn chưa thực sự nghiêm ngặt.

 

Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính Phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mới chỉ đưa ra các mức xử phạt hành chính khi người điều khiển xe cơ giới có nồng độ cồn trong máu và hơi thở vượt quá quy định. Tại Hội thảo, đại diện của Bộ Tư pháp đã cho rằng để hạn chế việc sử dụng rượu bia đối với người điều khiển phương tiên cơ giới ngoài việc xử phạt hành chính cần bổ sung các hình thức phạt tù khi uống rượu gây tai nạn. Riêng đối với cán bộ công chức phải kỷ luật khi có vi phạm nồng đồ cồn trong điều khiển xe cơ giới. Đại diện của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã đề nghị song song với việc tuyên truyền về tác hại của uống rượu bia khi lái xe, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện xe cơ giới tập trung vào khoảng thời gian từ 12-14h (thời điểm ăn trưa) và từ 18-21 giờ ( thời điểm nhậu sau giờ làm).

 

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Hiệp hội phòng chống rượu bia của Thái Lan và Cảnh sát bang Victoria, Úc chia sẻ các kinh nghiệm và thách thức trong công tác an toàn giao thông đường bộ liên quan đến rượu bia ở hai quốc gia này. Theo đó, giải pháp xử lý uống rượu-lái xe dựa vào bằng chứng được chứng minh là đem lại hiệu quả khá rõ rệt bao gồm thay đổi văn hóa uống rượu bia khi tham gia giao thông, tăng cường và thực thi các hình thức cưỡng chế, xây dựng các chính sách và luật, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức của người dân.

 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã bày tỏ sự lo ngại về thực trạng sản xuất và sử dụng rượu bia ở Việt Nam hiện nay. Hiện tại ở Việt Nam đã có 35 văn bản Luật, pháp lệnh, Nghị định, Thông tư liên quan đến rượu bia tuy nhiên việc thực thi vẫn chưa nghiêm. Một trong những nguyên nhân đó là do việc quảng cáo các sản phẩm rượu bia vẫn còn quá lan tràn và thoải mái. Theo ông Tiên, trong thời gian tới với việc Quốc hội sẽ họp bàn thông qua Luật Quảng cáo trong đó có quảng cáo rượu bia sẽ giúp kiểm soát được phần nào tình hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ đang giao cho Bộ Y tế chủ trì xây dựng Chính sách quốc gia về phòng chống lạm dụng rượu bia. Ông Tiên cũng hy vọng trên cơ sở Chính sách này, dự kiến sau năm 2015 Luật phòng chống lạm dụng rượu bia sẽ được Quốc hội thông qua và góp phần làm giảm các vụ mắc và tử vong do tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu bia.