Cảnh báo: Tình trạng tai nạn sinh hoạt ở trẻ gia tăng

25/08/2020 | 10:53 AM

 | 

 

Trong tháng vừa qua, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận nhiều trường hợp là các bệnh nhi bị tai nạn thương tích trong sinh hoạt khá nghiêm trọng

Đơn cử như trường hợp bé L.Q.M., 23 tháng tuổi, trú tại Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Bé nhập viện trong tình trạng bỏng ngày thứ hai, bỏng nước sôi.

Trước đó, sau khi phát hiện bé bị bỏng, gia đình bôi mỡ trăn, cao sim vào diện bỏng. Ngày hôm sau, bé xuất hiện tình trạng sốt, diện bỏng nề đỏ nhiều, chảy nhiều dịch vàng, được gia đình cho nhập viện điều trị.

Kết quả khám lâm sàng thấy diện bỏng vùng ngực, bụng diện tích 10%, vùng trung tâm đóng vảy cứng dính chặt xuống nền bỏng, có nhiễm trùng được chỉ định chuyển phòng mổ gây mê cắt lọc diện bỏng cho bé. Trong quá trình bóc tách do vảy cứng dính chặt xuống nền bỏng nên chảy nhiều máu, một phần diện bỏng vùng bụng trợt da, phỏng nước và chảy nhiều dịch…

Sau 30 phút, các bác sĩ đã cắt lọc toàn bộ vị trí vùng bờ viêm rỉ mủ và diện bỏng bị trợt da vùng bụng cho trẻ. Hiện tại, sức khỏe bé ổn định, đang được điều trị bỏng tại Khoa Ngoại và Chuyên khoa.

Một trường hợp khác là bé P.ĐP., 3 tuổi, trú tại Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Bé nhập viện trong tình trạng khoảng 6 tiếng trước bị ngã cầu thang đầu đập xuống nền cứng, sau ngã tỉnh, không nôn… Tuy nhiên sau 45 phút xuất hiện tình trạng đau đầu, nôn vọt được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh điều trị.

Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán: Bé bị tụ máu ngoài màng cứng vùng đỉnh thái dương phải/gãy xương đỉnh và thái dương phải và chỉ định phẫu thuật mổ cấp cứu lấy máu tụ trong sọ, ngoài màng cứng, dưới màng cứng và trong não cho bệnh nhi.

Sau hơn 1 giờ, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Hiện tình trạng bé ổn định, không có dấu hiệu bất thường, được theo dõi đặc biệt tại Khoa Gây mê hồi tỉnh.

Bác sĩ Đỗ Hoàng Việt, Khoa Ngoại và Chuyên khoa cho biết: Tai nạn thương tích có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào. Riêng với trẻ nhỏ, các tai nạn thường xảy ra bất ngờ, khó lường trước được và có thể gây ra những thương tổn thực thể rất nghiêm trọng trên cơ thể trẻ.

Do trẻ nhỏ thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và nên thường gặp tai nạn liên quan đến bỏng do lửa, điện, nước sôi hoặc đuối nước, hóc dị vật, ngã cầu thang,...

Để hạn chế nguy cơ trẻ nhỏ bị tai nạn thương tích, các bác sĩ khuyến cáo: Phụ huynh cần hết sức quan tâm, chú ý đến trẻ, nhất là trong dịp trẻ được nghỉ học ở nhà. Tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong môi trường có nước; cần làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp kín những ao hồ không cần thiết; các bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té, ngã; các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn…

Đối với các trẻ nhỏ, hãy đảm bảo trẻ luôn ở trong tầm mắt của mình bởi chỉ cần một phút lơ là có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Đồng thời, cần trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để có thể tự bảo vệ được mình trước các nguy cơ tiềm ẩn. Khi không may xảy ra tai nạn, dù là tai nạn nhỏ cũng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, xử trí kịp thời các vết thương, loại trừ các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Nguồn: vtv.vn