Cách tránh bị chấn thương khi chơi thể thao

23/07/2019 | 09:21 AM

 | 

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trong những năm gần đây, bệnh viện điều trị cho khá nhiều trường hợp chấn thương thể thao.

Đặc biệt, theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, các chấn thương cổ bàn chân thường gặp là: tổn thương dây chằng; tổn thương sụn khớp; tổn thương khác: viêm sưng đau cổ bàn chân kéo dài, hạn chế vận động… chấn thương thể thao không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những hệ quả cho người bệnh đó là làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường của người bệnh.

"Với những người chơi thể thao nghiệp dư thì có đến 60-70% bị các chấn thương. Nguyên nhân chính là do khởi động không đúng cách. Trước khi chơi thể thao người chơi cũng không hiểu biết sâu sắc về môn thể thao đó mà chơi theo cảm tính và bản năng. Cũng có những trường hợp “ham chơi” mà không phòng tránh, khi chấn thương rồi cứ cố chơi hoặc tự điều trị", PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho hay.

          Để có thể lựa chọn môn thể thao phù hợp với bản thân tránh tập luyện quá sức dẫn đến những chấn thương hoặc “tai nạn” không đáng có, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh tư vấn, điều đầu tiên nếu bạn muốn chơi môn thể thao nào bạn phải xác định rõ: bạn chơi thể thao để làm gì? chơi thể thao để khỏe, hay bạn muốn giảm cân, tăng cơ...

          Tiếp đó, bạn phải dựa theo khả năng và thể trạng của mình:  nếu bạn thừa cân, béo phì bạn không thể chơi môn thể thao với cường độ cao như như đá bóng, mà nên chọn bơi, đi bộ, từ từ tập tăng lên. Ngoài ra, đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết  thì phải có chỉ định ngặt nghèo của bác sĩ tim mạch cụ thể về môn thể thao bạn chơi và cường độ chơi thế nào cho phù hợp sức khỏe.

          PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh lưu ý, bị chấn thương trong khi chơi thể thao là điều không tránh khỏi, nhưng chúng ta có thể phòng để hạn chế được. Cần tránh va chạm trực tiếp, những môn thể thao đối kháng cần hạn chế, ví dụ một người 80 kg và một người 50kg va vào nhau thì chắc chắn người 80kg sẽ có lợi thế hơn rất dễ dẫn đến ca chấn thương trật khớp vai, bong sụn viền...

Khi đã có chấn thương cần phải dừng không tập luyện nên đi khám để được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa y học thể thao, tùy mức độ chấn thương thế nào để điều trị, đảm bảo an toàn cho sức khỏe. "Tại Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi gặp những trường hợp khá "ấn tượng", những môn thể thao không ai nghĩ được có thể là chấn thương thể thao như môn vật tay, cứ 2-3 tháng là có một ca bệnh như vậy. Chứng tỏ cho thấy không vận động hoặc sai tư thế hoặc không chú trọng đến bổ sung dinh dưỡng cho xương… dẫn đến gãy xoắn cổ tay", PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh nói.