Để trẻ em không tử vong do đuối nước - Cách gì?

22/06/2020 | 10:46 AM

 | 

 

Mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo đánh giá giữa kỳ và triển khai các can thiệp phòng chống đuối nước trẻ em năm 2020, do Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức sáng 25/6 tại Hà Nội.

Dự án “Hỗ trợ can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam” giai đoạn 5 năm về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Quỹ Từ thiện Bloomberg đã triển khai được 2 năm tại 8 tỉnh, thành phố. Đã có 9.000 trẻ em được học bơi và 18.000 trẻ được dạy kỹ năng an toàn, hơn 10 nghìn hướng dẫn viên tại các xã, trường học được tập huấn, cấp chứng chỉ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em...

Với các nỗ lực đó, mặc dù tình trạng tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm so với giai đoạn trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Ngay trong tháng trẻ em, hàng ngày vẫn xảy ra những vụ tử vong do đuối nước rất thương tâm. Trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, đứng đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao. Nguyên nhân do thiếu sự giám sát của cha mẹ, trong khi đó tỷ lệ trẻ biết bơi và có kỹ năng phòng tránh đuối nước chỉ chiếm 30% . Nhiều địa phương còn thiếu cơ sở vật chất và hướng dẫn viên dạy bơi, đặc biệt là ở vùng miền núi khó khăn...

Hướng dẫn trẻ học bơi.

Để tăng cường hơn nữa công tác phòng chống đuối nước trẻ em, Việt Nam tiếp tục triển khai tích cực các can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ em tại các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương; triển khai có hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong phòng chống đuối nước trẻ em. Mới đây nhất, ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23 “Về việc Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện Quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em” trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. “Thủ tướng Chính phủ cũng giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành có liên quan, trong đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị để thực hiện tốt hơn chương trình phòng, chống tai nạn thương tích mà Thủ tướng đã ký cho giai đoạn tới. Thông qua việc đánh giá, lấy thông số tác động từ 8 tỉnh đã rà soát lại để chúng ta xây dựng cho chương trình 10 năm tiếp theo, đồng thời cũng giao trách nhiệm cho các tỉnh, thành phố một là rà soát, hai là kiểm tra, ba là giám sát, tiếp tục triển khai chương trình mà Chính phủ đã ký”- bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết.

Nguồn: suckhoedoisong.vn