Vì sao nhân viên y tế Singapore ít bị phơi nhiễm COVID-19?

02/06/2020 | 14:18 PM

 | 

 

Bệnh nhân không hợp tác, làm việc quá sức, thiếu trang bị bảo vệ... là những yếu tố gây nguy cơ cho nhân viên y tế trên khắp thế giới trong cuộc chiến với COVID-19.

Nhân viên y tế dễ bị phơi nhiễm

Ở Malaysia, một phụ nữ mang thai không tiết lộ người cha nhiễm virus corona đã bị lây sau khi sinh con, cả bệnh viện phụ sản phải đóng cửa để khử trùng. Ở Philippines, 9 bác sĩ qua đời vì COVID-19, hai người trong số họ gặp phải một bệnh nhân nói dối về lịch sử đi lại.

Nhà chức trách Tây Ban Nhangày 27-3 công bố con số gần 10.000 nhân viên y tế nước này nhiễm virus corona. Tổng số ca nhiễm tại Tây Ban Nha là 64.059, nghĩa là cứ 6 người nhiễm thì có một người làm trong ngành y tế.

Trong khi ở Ý, số nhân viên y tế nhiễm bệnh là gần 5.000 ca (công bố ngày 22-3 và có khả năng đã cao hơn vào thời điểm hiện tại).

Ở Ý, nơi có hơn 86.000 bệnh nhân tính đến sáng 28-3, một bác sĩ buộc phải làm việc mà không có găng tay bảo hộ. Ông qua đời vì bệnh sau đó.

Còn ở Mỹ, với hơn 100.000 bệnh nhân tính đến sáng 28-3, các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, thiếu thốn đủ thứ từ máy trợ hô hấp, khẩu trang, quần áo bảo hộ... Việc bệnh nhân tràn vào phòng cấp cứu, phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) càng làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Ngày 7-3, Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ đưa ra hướng dẫn chống dịch tạm thời, theo đó nếu không có lựa chọn nào, bệnh viện có thể yêu cầu nhân viên y tế bị phơi nhiễm tiếp tục làm việc miễn là họ đeo khẩu trang và không có triệu chứng.

Kinh nghiệm Singapore

Trong bức tranh ảm đạm của ngành y thế giới, đảo quốc nhỏ Singapore là một kinh nghiệm đáng để lạc quan. Nước này ghi nhận 732 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 28-3, tất cả bệnh nhân đang nằm viện nhưng chỉ một số ít nhân viên y tế bị nhiễm.

Thêm vào đó, Bộ Y tế Singapore cho biết các trường hợp bác sĩ nhiễm virus đều xảy ra bên ngoài, không phải trong bệnh viện.

Các chuyên gia cho rằng đây không chỉ là may mắn, đặc biệt có trường hợp 41 nhân viên y tế bị phơi nhiễm gần một bệnh nhân nhưng không ai test dương tính sau 2 tuần cách ly.

Sự việc gây nhiều sự chú ý, một phần vì các nhân viên nói trên đeo cùng lúc khẩu trang y tế tiêu chuẩn và khẩu trang N95. Các bác sĩ xem đây là tiêu chuẩn bảo vệ "vàng" vì khẩu trang chuyên dụng có thể giúp lọc bớt 95% các hạt nhỏ trong không khí.

Trong kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí The Annals of Internal Medicine vừa qua, chuyên gia Singapore rút ra kết luận: "Trong tình huống này, không nhân viên y tế nào bị nhiễm virus cho thấy khẩu trang y tế, vệ sinh tay và các quy trình tiêu chuẩn khác giúp bảo vệ họ khỏi lây nhiễm".

Trên báo The New Yorker, bác sĩ người Mỹ Atul Gawande có nhắc đến trường hợp Singapore khi gợi ý các biện pháp bảo vệ y bác sĩ trong mùa dịch COVID. Ông cho rằng có nhiều thứ Mỹ có thể học từ châu Á, trong đó có những thứ rất cơ bản như giữ khoảng cách xã hội, vệ sinh tay, chế độ khử trùng...

Bài học từ SARS

Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhận xét châu Á có được sự chuẩn bị kỹ hơn nhờ trải qua trận dịch SARS hồi năm 2003, trong khi các nước phương Tây lơ là nên rơi vào thế lúng túng.

Ở Singapore, dù số ca nhiễm COVID-19 tăng đều (đa phần bệnh nhân về từ nước ngoài), nhưng hệ thống y tế của nước này vẫn đang vận hành trơn tru. Các bác sĩ nói họ đã rút kinh nghiệm sâu sắc từ dịch SARS, khi đó có tới 41% bệnh nhân (trên tổng số 238 ca nhiễm) là nhân viên y tế.

Khi những ca nhiễm đầu tiên mới xuất hiện, các bệnh viện của Singapore đã lập tức chuyển sang hoạt động theo chế độ dự phòng, yêu cầu các nhân viên hoãn nghỉ phép và các kế hoạch đi lại.

Song song đó, lãnh đạo bệnh viện nhanh chóng chia lực lượng y bác sĩ thành nhiều nhóm để đảm bảo luôn có đủ người nếu dịch trở nên xấu đi, và để họ có đủ thời gian nghỉ ngơi.

"Mục tiêu là anh có thể vận hành các dịch vụ thiết yếu ở mức độ an ninh tối đa. Cần đảm bảo các đơn vị chức năng có nguồn lực dự phòng, và họ cần được tách riêng ra. Điều đó tùy thuộc anh cảm thấy thế nào là đủ để vận hành trong trường hợp một nhóm bị nhiễm bệnh, tính toán các yếu tố như thời gian nghỉ, xoay vòng...", bác sĩ Chia Shi Lu, BV Đa khoa Singapore, giải thích.

Singapore có tất cả 13.766 bác sĩ, trung bình 2,4 bác sĩ cho 1.000 dân. Tỉ lệ ở Mỹ là 2,59/1.000 dân, ở Trung Quốc là 1,78/1.000, ở Đức là 4,2/1.000.... Các nước như Myanmar, Thái Lan thì có ít hơn 1 bác sĩ/1.000 dân.

Rất tiếc không phải quốc gia nào cũng lên kế hoạch cẩn thận như Singapore. Năm ngoái, báo cáo Global Health Security Index của Tập đoàn Economist Intelligence Unit ghi nhận 70% trong tổng số 195 quốc gia có điểm rất thấp khi đánh giá sự chuẩn bị để đương đầu với một dịch bệnh hoặc đại dịch.

Ở Ấn Độ chẳng hạn, với dân số hơn 1,3 tỉ, nước này chỉ có khoảng 20.000 bác sĩ được đào tạo trong các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc đặc biệt, y tế khẩn cấp và bệnh đường hô hấp.

Nguồn: tuoitre.vn