Nam Định: Cải thiện điều kiện làm việc, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động

09/06/2020 | 14:20 PM

 | 

 

Những năm qua, công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn cho người lao động luôn được các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng trong tỉnh quan tâm chỉ đạo trong thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện, môi trường lao động. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn cho người lao động. Trong đó công tác tuyên truyền tập trung vào các nội dung: Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, như: Thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chế độ bồi dưỡng; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Đặc biệt là nguy cơ tiềm ẩn và tác hại của tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với sức khỏe người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp. Trong quá trình lao động sản xuất, người lao động có thể mắc các bệnh nghề nghiệp do làm việc trong môi trường lao động có các yếu tố độc hại, tác động không tốt tới sức khỏe, tinh thần; công việc nặng nhọc, nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người lao động, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của người sử dụng lao động và người lao động về tầm quan trọng của việc đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động. Thời gian qua, việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Các đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa chủ yếu như: kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ theo quy định. Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều lập kế hoạch, biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động. Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc theo quy định. Người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn lao động được cử tham dự khóa huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn phòng chống cháy nổ và được cấp chứng chỉ liên quan. Từ năm 2019 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động cho 160 doanh nghiệp; tư vấn xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động cho 10 doanh nghiệp; Tổ chức và hỗ trợ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho gần 500 người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Bên cạnh đó, các hoạt động nâng cao nghiệp vụ y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc được các ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp chú trọng. Các ngành chức năng đã phối hợp tổ chức truyền thông và tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, cấp cứu ban đầu và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho cán bộ quản lý doanh nghiệp và người lao động cho 24 cơ sở sản xuất với 1.200 công nhân…

Có thể nói công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn cho người lao động đã được thực hiện đồng bộ. Việc thực hiện các chế độ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động đã được các doanh nghiệp quan tâm. Các doanh nghiệp đều thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động, thiết lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên; triển khai hiệu quả các biện pháp an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn thiết bị, nhà xưởng, xử lý khí thải, nước thải, tiếng ồn, nhiệt độ nhà xưởng…; tổ chức hệ thống y tế cơ sở chăm lo đời sống, sức khỏe người lao động. Người lao động cũng đã có ý thức sử dụng bảo hộ lao động và tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động trong quá trình lao động, sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp, đơn vị đã ký hợp đồng với các cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Từ năm 2019 đến nay có 26 doanh nghiệp có đông người lao động đã mời Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho gần 16 nghìn lao động. Qua đó đã phát hiện và lập hồ sơ chuyển giám định Y khoa lập hồ sơ đảm bảo chế độ chăm sóc sức khỏe cho 2 trường hợp mắc lao nghề nghiệp và 1 trường hợp viêm gan B nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp mời các ngành chức năng quan trắc môi trường lao động, trên cơ sở kết quả đo kiểm môi trường lao động để có giải pháp xử lý, khắc phục những yếu tố chưa đảm bảo, cải thiện môi trường làm việc. Nhiều doanh nghiệp đã nâng cao ý thức trong việc kiểm tra môi trường lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động, chủ yếu là những doanh nghiệp có đông lao động, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, như: Công ty May Sông Hồng, Công ty TNHH May Youngone Nam Định… Tuy nhiên, một bộ phận người sử dụng lao động và người lao động vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Đặc biệt ở những ngành nghề mang tính chất đặc thù như ngành may mặc, sản xuất giầy da, sản xuất đồ chơi…, trong quá trình sản xuất đã xuất hiện nhiều yếu tố có hại mới, đặc biệt là các hơi khí độc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, tăng nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp.

Hưởng ứng Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động năm 2020 với chủ đề: “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp. Đổi mới các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức thực thi pháp luật và huấn luyện kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động. Nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả quản lý về an toàn, vệ sinh lao động. Mở rộng triển khai áp dụng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, kết hợp với triển khai áp dụng hệ thống tại các làng nghề. Tiếp tục hỗ trợ huấn luyện cho người làm công tác an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp, cho người lao động làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất văn hóa - an toàn kết hợp với các giải pháp kỹ thuật để cải thiện điều kiện làm việc trong khu vực sản xuất nhỏ; hoặc mô hình phòng, chống tai nạn lao động khi sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Tuyên truyền, vận động người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động tham gia các hình thức bảo hiểm tự nguyện để có điều kiện hỗ trợ khắc phục hậu quả khi không may bị tai nạn lao động. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ bảo hiểm đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp./.

Nguồn: namdinh.com.vn