Hòa Bình: Siết chặt quy định về an toàn lao động và môi trường tại các mỏ đá
18/10/2022 | 10:44 AM
|
Tình trạng vi phạm các quy định về an toàn lao động (ATLĐ) và môi trường tại các mỏ đá, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa tỉnh khá nhức nhối. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về chấp hành các quy định pháp luật về ATLĐ và bảo vệ môi trường (BVMT) tại các mỏ đá, cơ sở sản xuất VLXD.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, trong 3 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) tại các mỏ đá, làm 9 người chết, trong đó huyện Lương Sơn xảy ra 7 vụ. Từ đầu năm đến nay xảy ra 4 vụ TNLĐ làm 4 người chết. Riêng trong tháng 9 xảy ra 2 vụ. Cụ thể: Khoảng 16h20’ ngày 19/9, tại khu vực mỏ đá Mai Hoàng Sơn, xã Mai Hịch (Mai Châu) thuộc Công ty CP Nhuận Phát, công nhân khai thác mỏ là anh Đ.B.G. (trú tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) trong lúc đi cày vảy đá ở độ cao khoảng 15m so với mặt đất thì trượt chân ngã dẫn đến tử vong. Vụ việc đang được cơ quan chức năng huyện Mai Châu điều tra làm rõ. Tiếp đó, khoảng 8h30’ ngày 23/9, tại mỏ đá Núi Mực, xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) thuộc Công ty TNHH MTV Quang Huy xảy ra 1 vụ tai nạn khiến 1 người chết. Nguyên nhân ban đầu được xác định do ngã từ độ cao 33m xuống mặt đất. Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ.
Năm 2022, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã thanh tra 14 mỏ đá trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 13/14 doanh nghiệp bị phạt 287 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu liên quan đến không khám sức khỏe cho người lao động, vi phạm về thời gian làm việc, không đóng đầy đủ BHXH… Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra 107 kiến nghị, trong đó có việc chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ; chưa đánh giá đầy đủ yếu tố nguy hiểm nơi làm việc; chưa lập các biện pháp an toàn tại những nơi treo leo; công nhân không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân…
Để tăng cường chấp hành Luật BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS), hàng năm, Sở TN&MT phối với các sở, ngành và các địa phương tiến hành thanh tra công tác chấp hành pháp luật tại các doanh nghiệp, cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản. Ngày 7/6/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1088/QĐ-UBND về thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động KTKS làm VLXD thông thường trên địa bàn. Hiện, tổ công tác đã hoàn thành thanh tra đợt 1 đối với 38 cơ sở KTKS trên địa bàn huyện Lương Sơn. Bên cạnh kết quả tích cực, tổ công tác chỉ ra: Vẫn còn một số cơ sở, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BVMT, trong đó tập trung vào các vi phạm thực hiện không đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT đã được phê duyệt; xác nhận chất thải nguy hại không đúng quy định. Cụ thể, 2/38 mỏ chưa đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại; 7/38 mỏ chưa xác nhận hoàn công BVMT; 3/38 mỏ chưa có phương án cải tạo, phục hồi môi trường; 7/38 mỏ chưa cung cấp được báo cáo quản lý chất thải nguy hại… Tổ công tác tiếp tục triển khai kiểm tra đối với các cơ sở KTKS trên địa bàn các huyện, thành phố. Đồng thời tiến hành thu thập, tổng hợp thông tin, xử lý hoặc đề xuất xử lý đối với các cơ sở vi phạm, báo cáo UBND tỉnh kết quả kiểm tra xử lý.
Đồng chí Nguyễn Khắc Long, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng và các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở KTKS. Yêu cầu các cơ sở chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về BVMT. Xử lý, có thể đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép KTKS đối với khu vực khai thác của tổ chức, cá nhân có nguy cơ mất ATLĐ, nợ đọng thuế phí, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân và xã hội; xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải; xử lý triệt để các tụ điểm KTKS trái phép. Rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch các vị trí KTKS không phù hợp, hạn chế cấp phép mới; xem xét di dời các cơ sở KTKS trong khu vực đô thị, khu dân cư tập trung. Yêu cầu các cơ sở đã được cấp phép phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật theo thiết kế ban đầu, đúng công nghệ, không ảnh hưởng đến môi trường.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, thống nhất nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản. Các mỏ khoáng sản khai thác đã được cấp phép hoạt động phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, theo thiết kế ban đầu, đúng công nghệ, không ảnh hưởng đến môi trường.../.
Nguồn tin: baohoabinh.com.vn
Tin liên quan
- 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp mỗi năm
- Điều kiện xác định người bị phơi nhiễm HIV, nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp
- Tập huấn cập nhật kiến thức trong khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp năm 2024
- Hải Dương tăng cường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp
- Tìm giải pháp phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho nhân viên Y tế
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
- Một số thông tin về bệnh bụi phổi than