Quảng Ninh: Tăng cường phòng, chống bệnh nghề nghiệp

20/09/2019 | 15:31 PM

 | 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 18.000 doanh nghiệp đang hoạt động với trên 400.000 lao động. Trong đó, hàng vạn người đang hằng ngày, hằng giờ phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại, có nguy cơ cao dẫn đến suy giảm sức khỏe, ốm đau và phơi nhiễm với các bệnh nghề nghiệp (BNN).

Tại Khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có không ít bệnh nhân đang điều trị BNN để cố loại bỏ “kẻ tàn phá” sức khỏe ra khỏi cơ thể. Ông Phạm Văn Đoan (85 tuổi) là một bệnh nhân quen thuộc hơn 40 năm nay của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Bệnh bụi phổi silic hành hạ khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên. Ông ho, khó thở liên tục tăng dần, tức ngực sau xương ức lan ra sau lưng, ở nhà dùng thuốc không đỡ phải nhập viện. Có tháng ông phải vào viện đến 3 lần, lần nào nhập viện cũng trong tình trạng phải thở ôxy gấp. Ông Đoan cho hay: “Tôi có gần 40 năm làm công nhân mỏ than Hà Lầm. Do ảnh hưởng môi trường làm việc nên tôi mắc bệnh bụi phổi từ khi 42 tuổi...”.

Ngay cạnh phòng ông Đoan, có anh Nguyễn Ngọc Tân (thợ mìn, Phân xưởng Khai thác 3, Công trường Than Thành Công, Công ty Than Hòn Gai - TKV), dù mới 47 tuổi nhưng anh nhìn già hơn nhiều so với tuổi của mình. 19 năm làm thợ mỏ, anh có tiền sử mắc bệnh bụi phổi silic. Theo kết luận của bác sĩ, anh Tân suy giảm 25% sức khỏe do BNN. Đợt này anh ho nhiều, sức khỏe giảm sút, nên phải nhập viện điều trị. Anh Tân cho biết: "Trước đây tôi làm thợ đào lò, từ ngày mắc BNN tôi phải chuyển sang làm công việc nhẹ hơn. Điều đó đồng nghĩa với thu nhập bị giảm sút. Ở nhà tôi cũng không giúp đỡ được vợ con do sức khỏe không đảm bảo”.

Bác Sĩ Nguyễn Thành Định, Trưởng khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: Những năm gần đây, mỗi năm có khoảng gần 200 bệnh nhân nhập viện điều trị BNN. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng bệnh đã nặng. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến sức khỏe suy giảm nhanh chóng, thậm chí sẽ không làm chủ được sinh hoạt của bản thân. Để bệnh càng nặng, chi phí điều trị càng tốn kém, sức khỏe cũng khó hồi phục.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, giai đoạn từ 2013-2018 đã tổ chức khám BNN cho tổng số 56.068 người lao động; qua đó, đã phát hiện 2.363 người mắc BNN. Trong đó 2.266 người bị bệnh bụi phổi silic, tập trung chủ yếu là công nhân khai thác, chế biến than trong ngành khai thác khoáng sản; 40 người bị bệnh lao; 38 người bị bệnh sạm da; 19 người bị bệnh điếc nghề nghiệp.

Trước thực trạng BNN tàn phá sức khỏe của NLĐ, công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe NLĐ đã được các cơ quan chức năng, doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quyết Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Công tác quản lý, phòng chống BNN luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ, khám và giám định BNN được đầu tư đồng bộ, hiệu quả; nhiều trang thiết bị hiện đại, tiên tiến giúp cho công tác khám và chẩn đoán giám định BNN được nâng cao. Các trang thiết bị phục vụ quan trắc, lấy mẫu, đo kiểm tra môi trường lao động được đầu tư đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý giám sát môi trường lao động, đảm bảo công tác vệ sinh lao động, phòng chống BNN.

Công tác khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ, khám BNN, chế độ nghỉ dưỡng, phục hồi chức năng lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động... đã được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Các đơn vị đã bố trí cán bộ làm công tác y tế, thành lập trạm y tế; những đơn vị quy mô nhỏ, hoạt động phân tán thì hợp đồng với cơ sở y tế địa phương để quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe NLĐ, thường trực cấp cứu. Người sử dụng lao động tại những đơn vị có nguy cơ cao mắc BNN đã chấp hành tương đối nghiêm túc quy định về việc khám phát hiện BNN cho NLĐ, số lượng người được khám phát hiện BNN ngày một cao. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong 3 năm 2016-2018 đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 463.782 lượt người.

Sau khi có kết quả khám, phân loại sức khỏe NLĐ, các đơn vị đã tổ chức rà soát, phân công, bố trí công việc phù hợp. Thông qua khám sức khỏe định kỳ, khám BNN đã sớm phát hiện và đưa đi điều trị kịp thời những bệnh nhân mắc các bệnh cấp tính; 100% công nhân mắc bệnh mãn tính, bụi phổi được y tế đơn vị theo dõi thường xuyên, chăm sóc và điều trị, phục hồi chức năng hiệu quả.

Với hàng loạt các biện pháp, số người mắc BNN có xu hướng giảm. Tuy nhiên thực tế, việc phòng chống BNN còn nhiều khó khăn, khi quan trắc môi trường tại các doanh nghiệp 3 năm qua cho thấy tỷ lệ số mẫu không đạt vẫn khá cao từ 9 đến hơn 10%. Bác sĩ Vũ Quyết Thắng khuyến cáo: Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập trung cải thiện môi trường làm việc, đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại, cấp phát đầy đủ bảo hộ cho NLĐ, chăm sóc cho công nhân từ đời sống vật chất đến tinh thần. Đặc biệt, để bảo vệ sức khỏe, NLĐ phải chấp hành nghiêm quy định về trang phục bảo hộ lao động.