Người lao động cần chủ động bảo vệ mình trước tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

03/08/2019 | 21:31 PM

 | 

An toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng

Trong thời gian vừa qua, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, nhiều chính sách mới đã và đang được triển khai thực hiện theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động, như: chính sách hỗ trợ hoạt động phòng ngừa từ 10% số thu hằng năm trong Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ huấn luyện cho người lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động; giảm mức đóng hằng tháng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp từ 1% xuống còn 0,5%, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và ngân sách nhà nước mỗi năm hơn 3.000 tỷ đồng và nhiều chính sách khác... Nhờ vậy, trong những năm qua, người sử dụng lao động đã có trách nhiệm hơn trong việc chăm lo sức khỏe người lao động.

Người lao động vẫn chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ bản thân khi làm việc

Tuy nhiên, an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.229 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động).

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn lao động do chủ quan của con người vẫn chiếm tới 60%, như: không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không bảo đảm an toàn; không có hoặc huấn luyện thiếu về an toàn, vệ sinh lao động; không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân; vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn, vệ sinh lao động...

Mặc dù được nhắc nhở, cảnh báo liên tục, nhưng hiện nay đa số người lao động cũng như người sử dụng lao động vẫn chưa chú trọng phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nguyên nhân là do, sự chủ quan, lơ là của người lao động. Hơn nữa, lực lượng lao động phổ thông trên thị trường hiện nay phần lớn chưa qua đào tạo, đặc biệt đối với các công trình nhà ở riêng lẻ. Lực lượng lao động này chủ yếu ở nông thôn tranh thủ khi nông nhàn tham gia vào xây dựng.

Người lao động phải tự bảo vệ mình

Như vậy, muốn giải quyết tận gốc vấn đề, điều quan trọng là cả người lao động và người sử dụng lao động cần nhận thức đầy đủ và có ý thức trách nhiệm đúng đắn với chính bản thân, gia đình và xã hội về an toàn, vệ sinh lao động.

Theo đó, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình, hơn ai hết, người lao động cần phải nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình để yêu cầu người sử dụng lao động đảm bảo môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu các nguy cơ, rủ ro gây tai nạn cho chính mình.

Cụ thể: người lao động cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ  năng làm việc an toàn; kiên quyết từ chối hoặc rời nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất an toàn, vệ sinh lao động để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ, bảo vệ cho người lao động, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch hành động cụ thể về an toàn vệ sinh lao động; tăng cường phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động; chú trọng mở rộng triển khai các hoạt động về an toàn vệ sinh lao động tới cấp quận, huyện, xã, phường, trong khu vực không có quan hệ lao động, khu vực phi kết cấu, trong nông nghiệp và làng nghề nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm; rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân. Sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tổ chức các diễn đàn đối thoại với lao động trẻ về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc; thăm hỏi, tặng quà một số công nhân bị tai nạn lao động, mắc các bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn; mở nhiều lớp tập huấn về nâng cao an toàn, vệ sinh lao động…

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tăng cường đầu tư, đổi mới sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến; rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng chống cháy nổ; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại./.