Thông báo số 211/TB-MT, ngày 21/7/2010 của Cục Quản lý môi trường y tế

26/07/2010 | 05:00 AM

 | 

Kết quả giám sát Dự án tăng cường phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2010 các tỉnh miền Trung

BỘ Y TẾ

CỤC QUẢN LÝ

MÔI TRƯỜNG Y TẾ

 

Số 211 /TB-MT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Kết quả giám sát Dự án tăng cường

phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2010 các tỉnh miền Trung

 

Thực hiện kế hoạch Tăng cường phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2010 đã được phê duyệt tại Quyết định số 152/QĐ-BYT ngày 18/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang, kiểm tra giám sát hoạt động y tế lao động, Dự án tăng cường phòng chống bệnh nghề nghiệp tại Trung tâm Y tế dự phòng của 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Hà Tĩnh từ ngày 13 đến ngày 16/7/2010.

I/ Thành phần đoàn giám sát

1. Cục Quản lý môi trường y tế

- TS. Trần Thị Ngọc Lan, Phó Cục trưởng ;

- ThS. Lương Mai Anh, Trưởng phòng SKMTLĐ&TNTT;

- ThS. Trần Anh Thành, Phó Trưởng phòng SKMTLĐ&TNTT;

- BS. Phạm Xuân Thành, Chuyên viên phòng SKMTLĐ&TNTT;

- BS. Nguyễn Quảng Thức, Chuyên viên phòng SKMTLĐ&TNTT;

2. Viện Pasteur Nha Trang

- BS. Hoàng Tiến Thanh, Trưởng khoa Y học lao động.

II/ Kết quả giám sát

1. Công tác chăm sóc sức khỏe người lao động

1.1. Công tác tổ chức và năng lực: Mô hình tổ chức của các Trung tâm Y tế dự phòng đã thành lập khoa y tế lao lao động; phòng khám bệnh nghề nghiệp theo quy định của ngành. Tuy nhiên, mới có phòng khám bệnh nghề nghiệp của Trung tâm YTDP tỉnh Thừa Thiên Huế hoạt động có nền nếp, đạt hiệu quả.

Nguồn nhân lực tại khoa Y tế lao động rất thiếu, tỉnh Quảng Bình: có 02 cán bộ (01 bác sỹ, 01cán bộ sơ cấp), tỉnh Hà Tĩnh: có 03 cán bộ (01 bác sỹ, 01 cử nhân y tế công cộng, 01 cử nhân môi trường), tỉnh Thừa Thiên Huế có 09 cán bộ trong đó có 05 bác sỹ. Đội ngũ cán bộ y tế lao động có trình độ chuyên môn không đồng đều, phần lớn chưa được đào tạo sâu về y tế lao động, bệnh nghề nghiệp.

Về trang thiết bị, máy móc đo môi trường lao động và khám bệnh nghề nghiệp nhìn chung còn thiếu so với Chuẩn quốc gia về YTDP tuyến tỉnh, chỉ đảm bảo cho một số hoạt động về đo môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ (tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh).

1.2. Hoạt động chuyên môn: Các tỉnh đã triển khai các hoạt động hưởng ứng trong Tuần lễ quốc gia: tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp liên ngành tổ chức kiểm tra công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; đo môi trường lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh; khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Nhìn chung hoạt động về y tế lao động còn hạn chế tại tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Việc quản lý, nắm bắt các doanh nghiệp và người lao động đóng trên địa bàn chưa thường xuyên, không đầy đủ; tổ chức triển khai khám sức khỏe định kỳ cho người lao động còn hạn chế; chưa thực hiện được công tác khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; chưa tổ chức giám định bệnh nghề nghiệp,... Việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động chủ yếu do các bệnh viện thực hiện.

Việc đo kiểm tra môi trường trong các cơ quan, đơn vị sản xuất do nhiều đơn vị triển khai thực hiện (Sở Tài nguyên – Môi trường, Chi cục đo lường chất lượng,...), chưa thực hiện đúng với quy định tại Thông tư số 13/1996/TT-BYT ngày 24/10/1996 của Bộ Y tế về quy định quản lý môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp (kết quả không sử dụng để giám định bệnh nghề nghiệp được).

1.3. Công tác tuyên truyền huấn luyện: Sử dụng nhiều kênh thông tin, tuyên truyền như hội thảo, viết bài, phát phóng sự truyền hình,...để hưởng ứng nhân Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN; Các đơn vị đã cử cán bộ y tế tham dự các lớp huấn luyện do Viện Pasteur Nha Trang tổ chức; đã mở các lớp tập huấn để phổ biến và triển khai các văn bản pháp qui về BHLĐ, ATLĐ, VSLĐ, sơ cấp cứu ban đầu, những điều cần biết về bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế cơ sở.

1.4. Công tác chỉ đạo tuyến: Việc chỉ đạo tuyến đối với các Trung tâm Y tế tuyến huyện còn rất hạn chế, mỗi năm tổ chức kiểm tra từ 1-2 lần vào những tháng cuối năm; chưa tổ chức giao ban với tuyến dưới; nhiều tỉnh chưa tham mưu cho Lãnh đạo Sở Y tế để phân cấp quản lý doanh nghiệp đối với Trung tâm Y tế tuyến huyện;

1.5. Công tác phối hợp liên ngành: Việc phối hợp liên ngành trong công tác chăm sóc sức khỏe người lao động còn nhiều bất cập, các hoạt động phối hợp liên ngành chưa thường xuyên, chỉ được thực hiện trong Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.

2.Triển khai dự án Tăng cường phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2010.Mặc dù đến tháng 6/2010 các đơn vị mới được thông báo kinh phí hoạt động của Dự án, nhưng một số hoạt động của Dự án đã triển khai theo kế hoạch đã theo Quyết định số 152/QĐ-BYT ngày 18/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế (hoạt động thông tin tuyên truyền, hoạt động tập huấn, giám sát môi trường lao động,..); về mua bổ sung trang thiết bị: hiện tại các tỉnh đã xây dựng xong danh mục trang thiết bị cần mua bổ sung, làm thủ tục đấu thầu; về triển khai thực hiện mô hình thí điểm: Quảng Bình và Hà Tĩnh đang xây dựng kế hoạch (Quảng Bình thí điểm mô hình phòng chống bệnh viêm gan vi rut nghề nghiệp, Hà Tĩnh thí điểm mô hình bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp), Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai và hoàn thiện mô hình phòng chống bệnh viêm gan vi rut nghề nghiệp.

3.Việc triển khai thực hiện Quyết định số 3079/QĐ-BYT ngày 21/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Qui chế tổ chức và hoạt động của hệ thống làm công tác bảo hộ lao động trong các cơ sở y tế: các tỉnh mới phổ biến quán triệt và photo văn bản gửi tới các đơn vị trực thuộc; chưa kiểm tra, giám sát; Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh thì việc tổ chức thực hiện tại các đơn vị còn rất chậm và nhiều đơn vị chưa triển khai thực hiện;

4. Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng: Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh thì chương trình Phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng do Sở Y tế tổ chức thực hiện, đến tháng 7/2010 bàn giao cho Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện;

5. Đề xuất và kiến nghị

5.1. Đề xuất và kiến nghị của các đơn vị

- Tăng cường công tác giám sát hỗ trợ về quản lý, chuyên môn đối với các trung tâm; Đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ trong chuyên môn cho các khoa Y tế lao động nhằm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao. Đầu tư ngân sách cho các hoạt động của y tế lao động như những chương trình mục tiêu quốc gia;

- Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành y tế lao động; tổ chức giao ban định kỳ để chia sẻ thông tin, cập nhật kiến thức và nâng cao năng lực cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện; Tổ chức kiểm chuẩn các thiết bị đo kiểm môi trường lao động.

- Hàng năm mở các lớp đào tạo, đào tạo lại về lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động cho cán bộ viên chức nhằm củng cố và nâng cao lý thuyết và thực hành để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;

5.2. Đề xuất và kiến nghị của Đoàn giám sát

5.2.1. Đối với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh/thành phố

- Kiện toàn tổ chức, củng cố và tăng cường cán bộ cho khoa Y tế lao động thực hiện triển khai các hoạt động quản lý sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp theo Quyết định số 05/2006/QĐ-BYT ngày 17/01/2006 của Bộ Y tế. Củng cố và tăng cường hoạt động của phòng khám bệnh nghề nghiệp; tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; lập hồ sơ và giám định bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Thực hiện rà soát, phân loại và quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn; Tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp về chăm sóc sức khỏe người lao động, công tác vệ sinh lao động.

- Tham mưu cho Sở Y tế tổ chức thực hiện Quyết định số 3079/QĐ-BYT ngày 21/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Qui chế tổ chức và hoạt động của hệ thống làm công tác bảo hộ lao động trong các cơ sở y tế;

- Thực hiện rà soát trên địa bàn tỉnh các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động khám sức khỏe cho người lao động, đo kiểm tra môi trường lao động trên địa bàn (căn cứ vào Thông tư số 13/1996/TT-BYT và Thông tư số 13/2007/TT-BYT của Bộ Y tế) báo cáo Sở Y tế và Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế).

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch dự án “Tăng cường phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2010” đảm bảo chất lượng, có hiệu quả; và sử dụng nguồn kinh phí đúng theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 70/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 26/6/2007.

- Tham mưu cho Sở Y tế, UBND tỉnh thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo của tỉnh, của ngành; xây dựng nội dung chương trình hoạt động và đề xuất kinh phí để triển khai thực hiện trong năm 2010 và trong giai đoạn 2011-2015; Xây dựng hệ thống báo cáo tai nạn thương tích từ tuyến xã đến tuyến tỉnh để thu thập thông tin một cách đầy đủ và chính xác.

5.2.2. Đối với Viện Pasteur Nha Trang, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường:

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh để đào tạo nguồn cán bộ y tế lao động; Chủ động giám sát hỗ trợ các tỉnh được phân công theo dõi, đặc biệt là Trung tâm y tế huyện. Tổ chức giao ban định kỳ đối với các tỉnh, huyện được phân công chỉ đạo tuyến.

- Viện Pasteur Nha Trang tăng cường hỗ trợ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Bình tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động trong Dự án Tăng cường phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2010 đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Trên đây là kết quả giám sát tiến độ thực hiện các hoạt động về y tế lao động, Dự án Tăng cường phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2010, chương trình phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Hà Tĩnh, Cục Quản lý môi trường y tế xin thông báo để Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Viện Pasteur Nha Trang theo dõi, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện các hoạt động đúng tiến độ, đạt hiệu quả.

Nơi nhận:

- CT. Nguyễn Huy Nga (để báo cáo);

- Viện YHLĐ&VSMT (để phối hợp);

- Viện Pasteur Nha Trang (để phối hợp);

- Sở Y tế, Sở LĐTBXH các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Hà Tĩnh (để phối hợp và chỉ đạo);

- Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Hà Tĩnh (để thực hiện);

- Lưu: VT, LĐ.

KT. CỤC TRƯỞNG

PHÓ CỤC TRƯỞNG

(đã ký)

Trần Thị Ngọc Lan