Ngộ độc chì và sức khỏe
03/12/2015 | 07:02 AM
Chì là một kim loại độc hại có trong tự nhiên trong lớp vỏ trái đất. Việc sử dụng rộng rãi chì gây hậu quả ô nhiễm môi trường, phơi nhiễm chì và nhiều vấn đề về sức khỏe cộng đồng ở nhiều nơi trên thế giới. Các nguồn chính gây ô nhiễm môi trường bao gồm khai thác mỏ…
Các nguồn chính gây ô nhiễm môi trường bao gồm khai thác mỏ, luyện kim, các hoạt động sản xuất và tái chế, ở một số quốc gia là việc sử dụng sơn pha chì và xăng pha chì. Hơn ba phần tư số chì tiêu thụ toàn cầu là để sản xuất ắc quy chì cho các loại xe có động cơ. Tuy nhiên, chì cũng thường được sử dụng trong nhiều sản phẩm khác như bột màu, sơn, hàn, kính màu, pha lê, đạn dược, men gốm, đồ trang sức, đồ chơi, một số loại mỹ phẩm và bài thuốc gia truyền. Đường ống dẫn nước hoặc các điểm tiếp nối có thể chứa chì. Hiện nay, phần lớn chì trong thương mại toàn cầu được thu lại từ tái chế.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do độc tính của chì và có thể gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài tới sức khỏe, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh. Chì cũng gây ra tác hại lâu dài ở người lớn, bao gồm tăng nguy cơ cao huyết áp và suy thận. Phụ nữ có thai bị phơi nhiễm chì ở mức độ cao có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, sinh non và sinh thiếu cân, cũng như dị tật nhỏ.
Nguồn và các đường phơi nhiễm
Mọi người có thể bị phơi nhiễm với chì qua các nguồn trong lao động và môi trường. Nguyênnhân phơi nhiễm chủ yếu do:
- Hít phải các phân tử chì được phát ra do đốt các vật liệu có chứa chì, ví dụ: trong quá trình nấu chảy, tái chế, vẽ tranh dùng bột mầu pha chì và sử dụng xăng pha chì;
- Nuốt phải bụi chì, uống nước bị ô nhiễm chì (từ đường ống có chứa chì), thực phẩm bị ô nhiễm chì (đựng trong các thùng có kính chì, hàn chì).
Việc sử dụng một số mỹ phẩm và thuốc cổ truyền cũng có thể dẫn đến phơi nhiễm chì.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương bởi vì trẻ em hấp thụ chì nhiều hơn từ 4 đến5 lần so người lớn từ cùng một nguồn phát thải. Hơn nữa, sự tò mò bẩm sinh của trẻ em và hành vi đưa tay vào miệng dẫn đến việc trẻ nuốt những thứ bị nhiễm chì, như đất, bụi bị ô nhiễm chì và vảy mục nát của sơn có chứa chì. Cách mà trẻ bị phơi nhiễm này tăng lên đối với trẻ hay ăn vặt và ăn các loại không phải là thực phẩm, ngậm đồ chơi. Phơi nhiễm chì từ đất và bụi bị ô nhiễm do tái chế ắc quy và khai thác khoáng sản đã gây ra nhiễm độc chì hàng loạt và nhiều ca tử vong ở trẻ em tại Senegal và Nigeria.
Khi đi vào cơ thể, chì đến các cơ quan như não, thận, gan và xương. Cơ thể tích tụ chì trong răng và xương. Chì được tích lũy trong xương có thể đi vào máu trong quá trình mang thai, do đó thai nhi bị phơi nhiễm. Trẻ em bị suy dinh dưỡng dễ bị ảnh hưởng hơn đối với chì vì cơ thể trẻ em hấp thụ chì nhiều hơn nếu chất dinh dưỡng khác như canxi bị thiếu hụt. Trẻ em có nguy cơ cao nhất là những trẻ sơ sinh (bao gồm cả quá trình thai nhi đang phát triển) và trẻ em nghèo.
Nhiễm độc chì gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ em. Ở mức độ phơi nhiễm cao, chì tấn công vào não và hệ thần kinh trung ương gây hôn mê, co giật và thậm chí tử vong. Trẻ em sống sót sau ngộ độc chì nặng có thể để lại hậu quả chậm phát triển trí tuệ và rối loạn hành vi. Ở mức độ phơi nhiễm thấp hơn, có thể không gây triệu chứng rõ ràng, tưởng như an toàn, nhưng nó là nguyên nhân của hàng loạt các tổn thương trên nhiều hệ thống cơ thể. Đặc biệt chì ảnh hưởng đến sự phát triển não của trẻ em dẫn đến giảm chỉ số thông minh (IQ), thay đổi hành vi như giảm sự tập trung và tăng hành vi chống đối xã hội, giảm trình độ học vấn. Phơi nhiễn chì cũng gây ra thiếu máu, tăng huyết áp, suy thận, suy giảm miễn dịch và ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản. Những ảnh hưởng về thần kinh và hành vi do chì gây nên được cho là không thể đảo ngược.
Không có khái niệm nồng độ chì trong máu an toàn. Nhưng điều chúng ta biết là khi phơi nhiễm chì tăng lên, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh và các ảnh hưởng cũng tăng. Thậm chí nồng độ chì trong máu thấp hơn 5 µg / dl từng được xem là "mức an toàn"cũng có thể dẫn đến giảm trí thông minh ở trẻ em, những khó khăn về hành vi và các vấn đề học tập.
Khuyến khích việc sử dụng xăng không chì ở hầu hết các nước đã đem lại kết quả tốt làm giảm đáng kể nồng độ chì trong máu trong cộng đồng dân cư. Hiện nay, chỉ còn sáu quốc gia tiếp tục sử dụng nhiên liệu pha chì.
Tổ chức y tế thế giới đã xác định chì là một trong mười hóa chất cần quan tâm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các quốc gia thành viên cần hành động để bảo vệ sức khỏe của người lao động, trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
WHO hiện đang xây dựng hướng dẫn về công tác phòng chống và quản lý ngộ độc chì, trong đó sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà chức trách về sức khỏe cộng đồng và các chuyên gia y tế với sự hướng dẫn dựa trên bằng chứng về các biện pháp mà họ có thể làm để bảo vệ sức khỏe của trẻ em và người lớn do phơi nhiễm chì .
Do sơn pha chì vẫn đang tiếp tục là nguồn phơi nhiễm ở nhiều quốc gia, WHO đã hợp tác với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc để thành lập Liên minh toàn cầu để loại bỏ sơn pha chì. Đây là sáng kiến hợp tác để tập trung nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu quốc tế để ngăn chặn phơi nhiễm chì đối với trẻ em từ sơn pha chì và để giảm thiểu phơi nhiễm nghề nghiệp. Mục tiêu chính của Liên minh toàn cầu để loại bỏ sơn pha chì là khuyến khích, thúc đẩy để các nhà sản xuất, kinh doanh loại bỏ những rủi ro mà các loại sơn pha chì gây ra.
Liên minh toàn cầu để loại bỏ sơn pha chì là một phương tiện quan trọng góp phần vào việc thực hiện mục 57 Kế hoạch triển khai của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững và Nghị quyết số II / 4B về Chiến lược Quản lý Hóa chất quốc tế (SAICM).
Nguồn: Cục Quản lý Môi trường y tế
Tin liên quan
- Ngộ độc nhôm do dùng phèn chua liên tục chữa hôi nách nhiều năm
- Làm nghề nào dễ mắc bệnh bụi phổi?
- Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội năm 2024
- Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp bụi phổi silic nghề nghiệp
- Sở Y tế Quảng Bình: Kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp
- Bộ Quốc phòng tổng kết công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp
- Cao Bằng: Phòng, tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp