Formaldehit

27/11/2018 | 07:17 AM

 | 


Formaldehit (CH2O) là một loại khí không màu, độc và dễ cháy ở nhiệt độ phòng. 

Formaldehit có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm theo cơ chế giết các mô tế bào. Vì thế, hóa chất này được biết đến như một hóa chất bảo quản trong các phòng thí nghiệm y tế (Formol) dùng để ướp xác và tiệt trùng dụng cụ.

Trong công nghiệp, ứng dụng chính của nó là trong ngành sản xuất nhựa và làm chất
trung gian hóa học. Các loại nhựa ure formaldehit (UF) và phenol formaldehit (PF)
được sử dụng trong viêc sản xuất các bọt cách nhiệt, nhựa, phân bón, giấy và chất kết dính trong sản xuất ván dăm, ván ép, đồ nội thất. Ngoài ra, nó còn được sử dụng trong một số sản phẩm thuốc sát trùng, mỹ phẩm, hóa chất làm thẳng và uốn tóc. 

Tiếp xúc với formaldehit có thể gây kích ứng da, mắt, đường hô hấp trên và dưới. Mức độ phơi nhiễm của người lao động phụ thuộc vào liều lượng, thời gian và vị trí công việc. 

Một số ngành nghề có nguy cơ cao tiếp xúc với formaldehit như: 

  •     Nông dân
  •     Sản xuất nhựa, bọt cách nhiệt
  •   Ngành gia công đồ gỗ và nội thất
  •     Người trực tiếp ướp xác, bảo quản mô trong ngành y và một số ngành nghiên cứu khác
  •     Các bác sĩ và kĩ thuật viên phòng thí nghiệm
  •    Ngành tóc sản xuất thuốc ép, thuốc nhuộm, mỹ phẩm
  •     Con người nói chung tiếp xúc với formaldehit bằng cách hít thở không khí bị ô nhiễm. Các nguồn thải formaldehit khác bao gồm lò đốt, động cơ ô tô, xe máy, khí thải từ các nhà máy lọc dầu...

Năm 1981, Formaldehit được dự đoán là một chất gây ung thư ở người dựa trên bằng chứng từ các nghiên cứu ở động vật trong phòng thí nghiệm. Báo cáo về tác nhân gây ung thư lần thứ 12 của Chương trình độc học quốc gia (NTP) năm 2011 đã liệt kê formaldehit vào danh sách chất gây ung thư.

Triệu chứng gặp phải khi tiếp xúc với formaldehit

  •         Hít phải: hơi formaldehit gây kích thích mắt, mũi, đường hô hấp, gây co thắt thanh quản. Hít một lượng lớn có thể gây viêm phổi, phù phổi cấp.
  •         Nuốt phải: gây viêm dạ dày, ruột cấp tính với triệu chứng đau miệng và đau bụng dữ dội, nôn, nôn ra máu, đái máu và tiếp theo là thiểu niệu, vô niệu.
  •        Tiếp xúc qua da: gây hoại tử da, dị ứng, viêm da

Giới hạn cho phép của formaldehit theo OSHA là 0.5 ppm trong 8 giờ hoặc 2ppm trong 15 phút. Khi nồng độ formaldehit quá giới hạn cho phép, doanh nghiệp phải:

  •         Cài đặt hệ thống thông khí trong các phân xưởng sản xuất
  •         Cung cấp quần áo bảo hộ, mặt nạ (khẩu trang) cho người lao động
  •         Tổ chức lớp học huấn luyện an toàn lao động cho công nhân
  •        Treo biển hiệu cảnh báo ở khu vực sản xuất để người lao động biết sử dụng đồ bảo hộ trước khi vào xưởng.
  •         Thực hiện quan trắc môi trường lao động hàng năm để đảm bảo nồng độ formaldehit luôn trong giới hạn cho phép
  • Tổ chức khám sức khỏe cho người lao động (khám tuyển trước khi vào vị trí, khám sức khỏe định kì, khám bệnh nghề nghiệp)​