CÔNG TÁC QUẢN LÝ Y TẾ LAO ĐỘNG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TẠI TỈNH KHÁNH HÒA
30/07/2008 | 05:00 AM



Tỉnh Khánh Hòa có bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, di tích lịch sử, văn hóa phong phú.
CÔNG TÁC QUẢN LÝ Y TẾ LAO ĐỘNG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TẠI TỈNH KHÁNH HÒA
Tỉnh Khánh Hòa có bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, di tích lịch sử, văn hóa phong phú. Các ngành dịch vụ, du lịch tăng trưởng bình quân hàng năm trên 12%, có thêm nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật và ngành dịch vụ mới, thu hút lao động góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh. Với những tiềm năng được thiên nhiên ban tặng thì Khách Hòa cũng đang đà phát triển nhanh các khu công nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp chiếm gần 41% cơ cấu kinh tế của tỉnh, sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân trên 20%/năm, các cơ sở công nghiệp được đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Các khu công nghiệp của tỉnh tập trung vào hoạt động sản xuất như đóng bao phân phối xi măng, khai thác đá, vật liệu xây dựng, may mặc, lắp ráp điện tử, chế biến thủy hải sản, chế biến nông sản,…thu hút một lượng lớn công nhân đến làm việc.
Do đặc thù lao động và các ngành nghề đa dạng và phức tạp, nên có nhiều yếu tố nguy cơ (bụi, tiếng ồn, thiếu ánh sáng, hơi khí độc,…) gây tác hại rất lớn đến sức khỏe, bệnh nghề nghiệp người lao động. Kết quả khảo sát về môi trường lao động tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa tiến hành cho thấy các mẫu khảo sát ánh sáng, bụi, tiếng ồn không đạt tiêu chuẩn cho phép còn ở mức cao (gần 50% so với số mẫu khảo sát).
TT | KHẢO SÁT MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG | KẾT QUẢ KHẢO SÁT | ||
MẪU KIỂM TRA | MẪU ĐẠT TC | TỶ LỆ % | ||
1 | Vi khí hậu | 1674 | 1381 | 82,5 |
2 | Ánh sáng | 568 | 325 | 57,2 |
3 | Tiếng ồn | 236 | 125 | 52,9 |
4 | Bụi | 78 | 44 | 56,4 |
5 | Rung | 55 | 37 | 67,3 |
6 | Hơi khí độc | 179 | 149 | 83,2 |
7 | Phóng xạ | 10 | 10 | 100% |
Tỷ lệ đơn vị tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động thấp (29/60 đơn vị) chiếm 48,3%; số người lao động được khám sức khỏe định kỳ thấp (có 13415/34142) chiếm 39,3%; người lao động có sức khỏe loại 4 cao (tỷ lệ 10,2%), loại 5 cao (tỷ lệ 0,52%) so với số người được khám. Số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp là 2219 người; đã phát hiện 230/827 người lao động bị bệnh điếc nghề nghiệp (tỷ lệ 27,8%); 130/986 người lao động bị bệnh viêm phế quản mãn nghề nghiệp (tỷ lệ 13,1%); người lao động bị bệnh bụi phổi silic cao (có 61/406) tỷ lệ 15,02%. Kết quả trên cho thấy công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các khu công nghiệp trong tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, điều kiện lao động ở nhiều cơ sở sản xuất chậm được cải thiện, tình hình sức khỏe của người lao động bị giảm sút, bệnh nghề nghiệp phát triển gia tăng.
Về đánh giá nguyên nhân của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa: thứ nhất khi hình thành các khu công nghiệp,y tế lao động không được thông báo; thứ hai việc khám sức khỏe định kỳ phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động bị chia sẻ cho nhiều đơn vị trong ngành y tế nên việc quản lý sức khỏe và bệnh nghề nghiệp cho người lao động rất khó khăn; thứ ba việc phối hợp giữa Sở Tài nguyên môi trường và Y tế còn hạn chế; thứ tư một số văn bản còn bất cập; thứ năm: kinh phí cho các hoạt động còn hạn hẹp.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động tại các khu công nghiệp trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và thực hiện thành công chương trình Quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010 thì đòi hỏi các cấp chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tập trung chỉ đạo đồng bộ các hoạt động sau:
Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về công tác bảo hộ lao động cho người sử dụng lao động và người lao động;
Thứ hai: Nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác bảo hộ lao động. Tổ chức tốt “Tuần lễ Quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ”, phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phát động phong trào thi đua, sáng kiến cải tiến điều kiện làm việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động,…
Thứ ba: Nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động nhằm cải thiện điều kiện làm việc, xử lý ô nhiễm môi trường lao động.
Thứ tư: Phối hợp các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với đặc điểm hoạt động, sản xuất, kinh doanh của đơn vị, với nội dung về cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Thứ năm: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và sơ tổng kết các hoạt động về bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động, đề xuất biểu dương khen thưởng kịp thời với những tập thể và cá nhân có thành tích, xử lý với những đơn vị, cá nhân không chấp hành.
Các vấn đề nêu trên được triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, tin tưởng rằng, công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các khu công nghiệp trong tỉnh sẽ được cải thiện, sức khỏe người lao động được bảo vệ, tai nạn lao động và mắc bệnh nghề nghiệp giảm đáng kể./.
BS. Nguyễn Quang Tiến
BS. Phạm Xuân Thành
Tin liên quan
- An toàn sức khỏe nghề nghiệp cần được tích hợp vào chiến lược chuyển đổi số
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
- Xây dựng, lập biện pháp an toàn nhằm kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Hết năm 2023 có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp
- 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp mỗi năm
- Tập huấn cập nhật kiến thức trong khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp năm 2024
- Doanh nghiệp bị phạt gần 100 triệu đồng vì không khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân