Cơ sở phúc lợi tại nơi làm việc
10/06/2016 | 07:34 AM



Cơ sở vệ sinh – phúc lợi bao gồm các công trình vệ sinh và các cơ sở dịch vụ chung phục vụ người lao động tại các cơ sở có sử dụng lao động. Khoản 1 (Điều 16) Luật ATVSLĐ, quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm “bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế”.
Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002, “Về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 05 nguyên tắc và 07 thông số vệ sinh lao động”, đã quy định chi tiết tiêu chuẩn cơ sở vệ sinh phúc lợi tại Điều 4 (Bảng biểu):
Tiêu chuẩn cơ sở vệ sinh - phúc lợi
Cơ sở vệ sinh phúc lợi | Tiêu chuẩn | Phạm vi áp dụng |
Hố tiêu | Theo ca sản xuất: 1- 10 người/hố 11- 20 người/hố 21 - 30 người/hố | Cơ sở có sử dụng lao động từ: 1- 100 người 101 - 500 người Trên 500 người |
Hố tiểu | Theo ca sản xuất 1- 10 người/hố 11- 20 người/hố 21 - 30 người/hố | Cơ sở có sử dụng lao động từ: 1- 100 người 101 - 500 người Trên 500 người |
Buồng tắm | Theo ca sản xuất: 1- 20 người/buồng 21- 30 người/buồng Trên 30 người/buồng | Cơ sở có sử dụng lao động từ: 1- 300 người 301 - 600 người Trên 600 người |
Buồng vệ sinh kinh nguyệt | Theo ca sản xuất: 1- 30 nữ/buồng Trên 30 nữ/buồng | Cơ sở có sử dụng lao động từ: 1 - 300 người Trên 300 người |
Vòi nước rửa tay | Theo ca sản xuất: 1 - 20 người/vòi 21 - 30 người/vòi Trên 30 người/vòi | Cơ sở có sử dụng lao động từ: 1 - 100 người 101 - 500 người Trên 500 người |
Vòi nước sạch cấp cứu |
1 - 200 người/vòi Trên 200 người/vòi | Cơ sở có sử dụng lao động từ: 1 - 1000 người Trên 1.000 người |
Nơi để quần áo | 1 người/ô kéo, hoặc móc treo, hoặc tủ nhỏ. | Các loại cơ sở có sử dụng lao động (cơ sở, sản xuất, kinh doanh, văn phòng...). |
Nước uống | 1,5 lít/người/ca sản xuất | Các loại cơ sở có thuê lao động (cơ sở sản xuất, kinh doanh, văn phòng...). |
Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 quy định chi tết một số điều của bộ Luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, còn quy định: “Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động”. Theo đó, phòng vắt, trữ sữa mẹ là một không gian riêng biệt rộng tối thiểu 6m2, có nguồn nước sạch, có nguồn điện, bảo đảm vệ sinh, được trang bị tủ lạnh, ghế, bàn; khăn giấy hoặc khăn lau, máy hút sữa, bình tiệt trùng (nếu có thể).
Như vậy, các quy định văn bản pháp luật của Nhà nước đã quan tâm đáp ứng những nhu cầu thiết thực về vệ sinh của người lao động tại nơi làm việc. Việc tuân thủ các quy định này sẽ giúp cho người lao động thực hiện được những nhu cầu về vệ sinh, phòng tắm, nơi rửa tay, nước uống và nơi để quần áo an toàn.
Các cơ sở sản xuất đã có nhiều cố gắng tuân thủ quy định xây dựng các cơ sở vệ sinh phúc lợi này tại nơi làm việc; nhất là việc xây dựng các phòng vệ sinh kinh nguyệt cho lao động nữ, là một sự quan tâm giàu tính nhân văn. Đặc biệt đối với các ngành nghề lao động phải tiếp xúc với môi trường bụi độc hại như ngành khai thác mỏ, sản xuất tấm lợp fibro- xi măng, việc thực hiện xây dựng các phòng tắm, nơi để quần áo hợp vệ sinh không chỉ bảo vệ sự an toàn cho người lao động, mà còn giảm thiểu được nguy cơ phát tán bụi độc ra môi trường, thậm chí phát tán đến tận gia đình của người lao động.
Theo Sáng kiến về đạo đức kinh doanh. Norway/Danish: Hướng dẫn thực hành tốt, doanh nghiệp cung cấp đủ nhà vệ sinh sạch sẽ theo số lượng người lao động. Đảm bảo ít nhất cứ 25 lao động thì có 1 khu vệ sinh, trừ phi yêu cầu đặc biệt của quốc gia hoặc ngành. Các khu nhà vệ sinh phải riêng biệt cho lao động nam và nữ. Cung cấp nhà tắm cho lao động phải làm việc trong điều kiện bẩn không đảm bảo vệ sinh. Số nhà tắm phải tương đương với số lao động và riêng biệt cho lao động nam và nữ. Đảm bảo nhà tắm và khu vệ sinh sạch sẽ và đáp ứng yêu cầu cơ bản. Đảm bảo người lao động được sử dụng nhà vệ sinh bất cứ lúc nào không được hạn chế. Thực hiện công việc dọn dẹp vệ sinh xung quanh giờ giải lao, thay ca hoặc lúc người lao động đang sản xuất. Công việc dọn dẹp nhà tắm, nhà vệ sinh phải được thực hiện khi không có người sử dụng tránh ảnh hưởng đến người lao động cần giải quyết các nhu cầu cá nhân. Điều này đặc biệt quan trọng khi người lao động rời dây chuyền sản xuất để sử dụng nhà vệ sinh và thời gian này bị chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến sản xuất.
Doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ nước uống hợp vệ sinh cho người lao động. Cung cấp nước uống đầy đủ cho người lao dộng tại nơi làm việc (Bình nước/ máy lọc nước); Kiểm tra chất lượng nước thường xuyên đảm bảo đạt tiêu chuẩn cho phép.. Người lao động phải được uống nước đầy đủ trong quá trình làm việc. Nếu vì đảm bảo vệ sinh có thể yêu cầu họ ra khỏi dây chuyền sản xuất để uống nước, tuy nhiên họ không phải đăng ký để làm việc đó.
Tất cả người lao động trong ký túc đều được sử dụng nước sạch và các khu nhà tắm, vệ sinh sạch sẽ. Nếu có thể cung cấp nước nóng cho người lao đông tắm rửa.. Nên cung cấp dịch vụ giặt là .Các khu nhà tắm, nhà vệ sinh cần được làm vệ sinh hàng ngày nhất là các khu vực có số lượng lớn người lao động.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, do điều kiện tài chính và do người sử dụng lao động chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về việc xây dựng cơ cở phúc lợi vệ sinh, đã không xây dựng phòng tắm, nơi để quần áo cho người lao động, dẫn đến tình trạng người lao động không tắm rửa, mặc nguyên bộ quần áo làm việc về nhà, thậm chí còn đi uống nước với bạn bè ở quán xá trước khi về nhà. Hành vi này còn chứng tỏ người sử dụng lao động, người làm công tác y tế lao động hoặc bộ phận y tế tại cơ sở đã không làm đầy đủ trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn người lao động hiểu biết đầy đủ về môi trường làm việc của họ. Điều này đặc biệt nguy hại đối với người lao động làm việc trong môi trường độc hại, dẫn đến việc dễ mắc bệnh nghề nghiệp và gây ra bệnh nghề nghiệp đối với những người không tham gia lao động.
Tin liên quan
- An toàn sức khỏe nghề nghiệp cần được tích hợp vào chiến lược chuyển đổi số
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
- Xây dựng, lập biện pháp an toàn nhằm kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Hết năm 2023 có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp
- 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp mỗi năm
- Tập huấn cập nhật kiến thức trong khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp năm 2024
- Doanh nghiệp bị phạt gần 100 triệu đồng vì không khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân