Thái Bình: Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp

29/11/2023 | 09:00 AM

 | 

 

Cùng với bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh luôn chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Hoạt động này nhằm bảo đảm sức khỏe để người lao động yên tâm làm việc.

Bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám sức khoẻ cho người lao động.

Làm việc tại Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Đại Phúc (thành phố Thái Bình) được 10 năm, công việc của ông Nguyễn Văn Bẩy là chế biến suất ăn công nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp. Để bảo đảm sức khỏe, thực hiện tốt công việc, hàng năm Công ty đều cho ông Bẩy và các nhân viên khác đi khám sức khỏe định kỳ.

Ông Nguyễn Văn Bẩy chia sẻ: Được Công ty cho khám sức khỏe định kỳ, người lao động chúng tôi rất phấn khởi, yên tâm làm việc.

Ông Vũ Khắc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Đại Phúc cho biết, 1 năm 2 lần, Công ty đều cho người lao động đi khám sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm, chụp X.quang, tư vấn phòng bệnh truyền nhiễm… Qua đó, người lao động biết được tình trạng sức khỏe của mình, biết cách phòng bệnh, yên tâm làm việc cũng như bảo đảm vệ sinh trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm.

Không chỉ riêng Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Đại Phúc, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng duy trì công tác khám sức khỏe cho người lao động. Là doanh nghiệp lớn, số lượng công nhân nhiều, những năm qua, Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ) cũng rất quan tâm đến sức khỏe người lao động. Mới đây, trong tháng 10/2023, Công ty đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ở một số bộ phận thuộc nhóm tiếp xúc yếu tố nguy cơ cần khám bệnh nghề nghiệp.

Ông Trần Xuân Tuân, cán bộ phụ trách y tế, Công ty Tân Đệ cho biết: 1 năm 2 lần, đơn vị đều phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Hoạt động này được duy trì nhiều năm qua. Qua đợt thăm khám gần đây, 100% người lao động được khám đều bảo đảm sức khỏe, yên tâm lao động. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ sở y tế để thực hiện chăm sóc sức khỏe người lao động tốt hơn; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức chăm sóc, phòng bệnh nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được các doanh nghiệp, đơn vị y tế phối hợp, duy trì đều đặn. Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay đã phối hợp khám sức khỏe cho hơn 19.000 lượt người lao động tại gần 50 cơ sở, doanh nghiệp. Qua thực tế khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động cho thấy, các bệnh nghề nghiệp người lao động thường mắc là bệnh về mắt, tật khúc xạ, bệnh lý phụ khoa, bệnh về tiêu hóa, cơ xương khớp, viêm da, răng hàm mặt, tim mạch. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bị ảnh hưởng thính lực do tiếng ồn, viêm phế quản mạn tính hoặc nhiễm độc chì.

Bác sĩ Đặng Thị Trang, Trưởng khoa Y tế lao động, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Hiện nay, việc triển khai công tác y tế lao động có nhiều thuận lợi khi có sự quan tâm, phối hợp của các cấp, ngành; nhân lực, trang thiết bị phục vụ chuyên môn từng bước được củng cố; cán bộ tham gia công tác y tế lao động nhiệt tình, tâm huyết với công việc và có sự đoàn kết, phối hợp cao trong hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn; công tác thanh kiểm tra về hoạt động an toàn vệ sinh lao động được phối hợp thực hiện thường xuyên. Song bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như ý thức chấp hành các quy định pháp luật về chế độ báo cáo, thống kê của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong công tác an toàn vệ sinh lao động nói chung, vệ sinh lao động nói riêng còn hạn chế. Mạng lưới y tế doanh nghiệp còn quá mỏng và yếu, hầu hết là kiêm nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, gây khó khăn trong việc triển khai hoạt động y tế lao động ở các doanh nghiệp. Nhân lực làm công tác y tế lao động tuyến huyện không cố định, luôn có sự thay đổi, gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện các hoạt động. Một số trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay, nhất là trang thiết bị phục vụ công tác khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng bệnh nghề nghiệp, theo bác sĩ Đặng Thị Trang, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vệ sinh lao động theo quy định; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc quản lý công tác vệ sinh lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương quản lý; tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn về công tác y tế lao động cho các cán bộ y tế tuyến huyện và tại cơ sở lao động. Ngoài ra, cần đầu tư nguồn lực cho hoạt động y tế lao động tại các tuyến để hoạt động chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả./.

Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/