Các bệnh nghề nghiệp thường gặp trong khai thác mỏ

15/11/2018 | 07:17 AM

 | 


Đặc thù ngành khai thác mỏ

Khai thác mỏ là một ngành lao động đặc thù, được xếp loại lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Hầu hết các mỏ có kiến tạo phức tạp, công nghệ khai thác lạc hậu, lao động thủ công là chủ yếu, điều kiện môi trường lao động khắc nghiệt, người lao động phải làm việc dưới hầm sâu, chật hẹp, gò bó, tối tăm, thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh nghề nghiệp và bệnh liên quan đến nghề nghiệp như bụi than, đá, kim loại (cadimi, man gan...), phóng xạ; bùn nước ứ đọng, tiếng ồn, rung chuyển và các loại hơi khí độc CH4, CO, CO2, TNT.

Người lao động khai thác mỏ luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn lao động do lở đất đá, sập hầm, bục nước, nhiễm độc khí mêtan và mắc các bệnh nghề nghiệp phổ biến trong ngành khai thác mỏ như bệnh bụi phổi-silic, bệnh bụi phổi-amiăng, bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh rung cục bộ tần số cao, bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân, bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, bệnh phóng xạ nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp, nhiễm độc mangan nghề nghiệp, nhiễm độc cacbonmonoxit nghề nghiệp, nhiễm độc TNT (trinitrotoluen) và bệnh da nghề nghiệp.

Thực trạng môi trường lao động và sức khỏe người khai thác mỏ

Qua các số liệu nghiên cứu của nhiều tác giả cho thấy công nhân khai thác mỏ phải tiếp xúc với tiếng ồn hầu hết vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép và cao nhất ở khu vực khoan, nghiền đá có nơi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10-18 dBA. Tỷ lệ mắc bệnh điếc nghề nghiệp của công nhân nghiền sàng than, khoan than, khoan đá từ 8 - 23,6 %.

Trong quy trình khai thác mỏ có nhiều công đoạn phát sinh bụi như đào, xúc, múc, khoan đá, nổ mìn, vận chuyển, nghiền sàng, bốc dỡ đất đá than, quặng. Vì vậy có nhiều vị trí lao động bị ô nhiễm bụi nghiêm trọng, nồng độ bụi toàn phần cao từ 30 - 100mg/m3, vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép (TCVSCP) từ 15 – 30 lần, nồng độ bụi hô hấp có nơi vượt TCVSCP từ 9 – 11 lần, hàm lượng silic tự do trung bình từ 15 – 21%. Tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi - silic trong công nhân khai thác than từ 3-14%, trong đó khai thác hầm lò là chủ yếu (chiếm 70%) và bệnh viêm phế quản mạn tính là khoảng 19,3%.

Bệnh rung chuyển nghề nghiệp cũng hay gặp trong công nhân khai thác mỏ bao gồm bệnh rung cục bộ tần số cao do sử dụng máy khoan cầm tay và bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân do lái các xe chuyên dụng trên 20 tấn: Bệnh rung chuyển cục bộ ở công nhân khoan có biểu hiện rối loạn vận mạch bàn tay khoảng 4,3%, tổn thương xương khớp cổ tay và khuỷu tay là 15%; tỷ lệ giảm độ giãn cột sống thắt lưng ở lái xe là 42,3%; hội chứng đau thắt lưng có tỷ lệ là 12,7%.

Ngoài ra do điều kiện lao động ẩm ướt, tỷ lệ bệnh da nghề nghiệp của công nhân khai thác than là khoảng 40,8%, trong đó bệnh nấm da có tỷ lệ mắc cao nhất là 27,5%. Một điều cần hết sức lưu ý là do tính chất lao động của khai thác mỏ, người lao động phải cùng một lúc tiếp xúc với nhiều yếu tố tác hại nên họ có thể bị mắc từng loại bệnh nghề nghiệp riêng lẻ hoặc kết hợp hai hay thậm chí vài bệnh nghề nghiệp. Thí dụ, công nhân khoan có thể cùng một lúc bị mắc bệnh điếc nghề nghiệp và bệnh bụi phổi nghề nghiệp, hoặc vừa mắc bệnh điếc nghề nghiệp lại vừa mắc bệnh rung cục bộ tần số cao; công nhân khai thác và chế biến mỏ kim loại có thể vừa mắc các bệnh bụi phổi nghề nghiệp lại vừa bị nhiễm độc nghề nghiệp do thành phần kim loại của quặng mỏ hoặc kết hợp thêm cả viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.

Để giảm thiểu tác hại của các yếu tố nguy cơ và bảo vệ sức khỏe cho người lao động khai thác mỏ, yêu cầu người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động theo các quy định hiện hành như: giám sát định kỳ môi trường lao động, tăng cường công tác tập huấn về cải thiện điều kiện lao động theo từng yếu tố tác hại, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp phát hiện sớm các bệnh nghề nghiệp để có phương hướng điều trị, dự phòng và giám định đền bù mất khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp./.​​