Bệnh bụi phổi silic phổ biến ở người trên 40
22/08/2022 | 08:59 AM
|
Bệnh bụi phổi silic nguy hiểm khi những hạt bụi tích tụ sâu trong phổi lâu ngày gây tổn thương hệ hô hấp, xuất hiện nhiều ở người trên 40 tuổi.
Các bệnh về phổi phổ biến trên thế giới, đặc biệt là vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Một số bệnh phổi phát sinh do các yếu tố môi trường và ô nhiễm công nghiệp. Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp là bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất trong 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở nước ta. Tính đến cuối năm 2011, tổng số bệnh nghề nghiệp mắc của Việt Nam là 27.246 trường hợp, trong đó bệnh bụi phổi silic chiếm tới 74,40%.
Những người thường xuyên làm việc trong nhà máy chứa bụi silic có nguy cơ bị bệnh bụi phổi silic. Ảnh: Shutterstock
GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, bệnh bụi phổi silic được chẩn đoán phổ biến nhất ở những người trên 40 tuổi. Nguyên nhân là sau nhiều năm tiếp xúc với silic, người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng tổn thương phổi rõ ràng. Đây là căn bệnh tiến triển không hồi phục (không thể chữa khỏi), ngay cả khi người bệnh đã ngừng tiếp xúc với bụi.
Bệnh bụi phổi silic là tình trạng xơ hóa phổi do hít phải bụi có chứa silic. Silic là một tinh thể nhỏ trông giống như pha lê, được tìm thấy trong cát, đá hoặc quặng khoáng sản như thạch anh. Theo thời gian, những tinh thể silic này sẽ tích tụ trong phổi và đường thở của người bệnh. Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh bị khó thở, suy hô hấp, ở mức độ nặng có thể tử vong.
Các chuyên gia chia bệnh bụi phổi silic thành 3 nhóm, tùy thuộc vào nồng độ bụi silic trong không khí mà người bệnh chẳng may hít phải.
Bệnh bụi phổi silic cấp tính: phát triển sau từ vài tuần đến vài năm tiếp xúc trực tiếp với bụi silic tự do nồng độ cao. Bệnh tiến triển nhanh với tình trạng phổi bị viêm và xơ hóa rất nặng nên không cung cấp được oxy cho máu, gây ra tình trạng khó thở, suy hô hấp.
Bệnh bụi phổi silic mạn tính: đây là dạng bệnh bụi phổi silic thường gặp nhất, xảy ra sau một thời gian dài (10 - 30 năm) tiếp xúc trực tiếp với bụi silic (silic nồng độ thấp). Bệnh nhân dễ bỏ qua các dấu hiệu của bệnh mặc dù tổn thương trên phổi có thể được phát hiện thông qua phim X-quang lồng ngực. Biểu hiện đặc trưng nhất của loại bệnh này là bụi silic gây xơ hóa phổi và phì đại các hạch bạch huyết ở lồng ngực, khiến người bệnh khó thở. Ngoài ra, X-quang lồng ngực còn có thể thấy các tổn thương nốt mờ với đường kính dưới 10mm ở thùy trên của phổi.
Bệnh bụi phổi silic tiến triển: Là hậu quả của việc tiếp xúc với bụi silic ở nồng độ cao liên tục trong khoảng 5-10 năm. Theo đó, người bệnh bị viêm, xơ hóa phổi, đồng thời xuất hiện các triệu chứng nhanh hơn so với bệnh bụi phổi silic mạn tính. Những bệnh nhân này có nhiều nguy cơ phát triển các thể bệnh phức tạp trong tương lai như bệnh bụi phổi silic thể xơ hóa khối tiến triển (PMF).
Bên cạnh đó, còn một loại bệnh bụi phổi silic ít phổ biến hơn, như bệnh bụi phổi silic phức tạp để lại nhiều sẹo ở phổi, cùng với sự hình thành các nốt lớn hơn 1cm. Tình trạng có thể trở nên trầm trọng nếu người bệnh mắc thêm các bệnh phổi khác như nấm phổi, lao, nhiễm vi khuẩn lao không điển hình và ung thư phổi.
Ngoài bệnh bụi phổi silic, còn có một số bệnh bụi phổi cũng khá phổ biến như bệnh phổi than (thường gặp ở những công nhân mỏ than), bệnh phổi bông (có thể gặp ở người làm việc trong xưởng dệt), bệnh phổi amiang (do hít phải bụi amiang)... Tất cả đều có điểm chung là gây bệnh theo cơ chế: người bệnh hít phải những hạt nhỏ các chất vô cơ trong quá trình lao động. Đồng thời, bệnh nào cũng sẽ dẫn đến suy hô hấp nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.
Các triệu chứng của bệnh bụi phổi silic
Các triệu chứng của bệnh bụi phổi silic thường mất nhiều năm để phát triển và bạn có thể không nhận thấy bất kỳ vấn đề nào. Các triệu chứng cũng có thể tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, ngay cả khi bạn không còn tiếp xúc với bụi silic. Bệnh bụi phổi silic thường phát triển sau khi tiếp xúc với silica trong 10-20 năm, nó cũng có thể phát triển sau 5-10 năm tiếp xúc. Đôi khi, nó có thể xảy ra chỉ sau một vài tháng nếu tiếp xúc rất nhiều.
Khó thở, ho dai dẳng là những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Ảnh: Shutterstock
Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh bụi phổi silic có thể là ho dai dẳng, thỉnh thoảng kèm theo đờm, khó thở, hụt hơi. Nếu tình trạng tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, các triệu chứng này có thể trở nên trầm trọng hơn. Một số người cuối cùng có thể thấy các hoạt động đơn giản như đi bộ hoặc leo cầu thang rất khó khăn, có thể bị giới hạn phần lớn trong nhà hoặc giường của họ.
Lâu dần khi bệnh nặng sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng khác bao gồm: Biểu hiện sốt; ho khạc, đờm có màu đen (đặc biệt hay gặp ở công nhân ngành than); cơ thể mệt mỏi; sụt cân bất thường; ngực cảm thấy đau, khó chịu, tức ngực; đổ mồ hôi về đêm; môi chuyển màu xanh xao; chân sưng phù; suy hô hấp. Khi bệnh ở giai đoạn cấp tính: bệnh nhân bị khó thở đột ngột, tiến triển nhanh kèm theo sốt, có thể bị tử vong nhanh chỉ trong vòng vài tháng.
Nguyên nhân gây bệnh bụi phổi silic
Bệnh bụi phổi silic xảy ra khi cơ thể phản ứng lại trước sự tích tụ bụi silic trong phổi. Khi người bệnh hít phải bụi silic qua mũi hoặc miệng, các tinh thể này sẽ hoạt động như những lưỡi dao nhỏ trên phổi, tạo ra những vết cắt nhỏ và các mô sẹo ở phổi. Phổi bị xơ hóa nên mất chức năng khiến người bệnh bị khó thở.
Những người thường xuyên làm việc trong nhà máy, mỏ, xưởng đá hay các mỏ quặng sẽ có nguy cơ cao bị bệnh bụi phổi silic, cụ thể là những việc như: sản xuất nhựa đường, bê tông, thủy tinh, nghiên cứu khoan đá và bê tông, kkhai thác than, khoáng sản, chế tác đá, công nhân một số nhà máy, lò luyện gang, sắt thép có dùng cát hoặc các chất liệu có silic để mài, đánh bóng các khuôn
Phương pháp chẩn đoán bệnh bụi phổi silic
Trên cơ sở những dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ cần thăm khám kỹ lưỡng, thực hiện một số xét nghiệm trước khi chẩn đoán bạn có bị bệnh bụi phổi silic hay không. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng hô hấp của bạn, cả khi nghỉ ngơi và khi hoạt động thể lực. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ hỏi chi tiết về quá trình làm việc của bạn để xác định thời gian và mức độ tiếp xúc với bụi silic.
Bạn nên chuẩn bị những thông tin sau trước khi đến gặp bác sĩ: các triệu chứng liên quan đến hô hấp và khoảng thời gian bắt đầu xuất hiện; những phương pháp bạn từng áp dụng để điều trị các triệu chứng này; những công việc bạn đã và đang làm, làm trong thời gian bao lâu, tính chất của từng công việc...; những chất bạn đã tiếp xúc tại nơi làm việc và bạn có đeo thiết bị bảo hộ trong lúc làm hay không; bạn có hút thuốc lá lâu năm không.
Ngoài ra, bạn cần cung cấp cho bác sĩ hồ sơ y tế cũ, bao gồm phim chụp X-quang phổi, phim chụp CT... Sau khi khám, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm một số kiểm tra cận lâm sàng nếu nghi ngờ bạn bị bệnh bụi phổi silic, bao gồm:
Chẩn đoán hình ảnh phổi: Chụp X-quang phổi hoặc CT phổi sẽ giúp bác sĩ quan sát rõ hơn hình ảnh phổi, từ đó đánh giá mức độ tổn thương phổi cũng như xác định bạn có bị bệnh bụi phổi silic hay không.
Phim chụp X-quang phổi sẽ củng cố thêm chẩn đoán của bác sĩ về tình trạng bệnh bụi phổi silic.
Đo chức năng hô hấp: giúp đánh giá khả năng hoạt động của phổi. Ngoài ra, người bệnh tiến hành xét nghiệm đờm.
Nội soi phế quản: Bác sĩ sẽ đưa một ống soi phế quản (ống mềm nhỏ có gắn máy quay phim ở đầu) qua mũi hoặc miệng đến khí quản và các phế quản. Phương pháp nội soi giúp bác sĩ quan sát phổi rõ nhất. Các mẫu mô và dịch cũng có thể được lấy trong quá trình soi phế quản để làm xét nghiệm.
Sinh thiết phổi bằng phẫu thuật: thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật lồng ngực dưới gây mê toàn thân. Mục đích là lấy mẫu mô phổi để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Biến chứng của bệnh bụi phổi silic
Bệnh bụi phổi silic nếu kéo dài mà không được chữa trị hoặc chữa trị không đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như: viêm phổi nặng, bệnh lao, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn tính, bệnh xơ phổi, suy hô hấp mạn tính.
Phương pháp điều trị bệnh bụi phổi silic
GS.TS.BS Ngô Quý Châu cho biết, không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh bụi phổi silic. Một khi phổi đã tổn thương do bệnh thì không thể phục hồi. Mọi phương pháp điều trị đều nhằm mục đích làm chậm sự tiến triển của bệnh cũng như làm giảm nhẹ các triệu chứng.
Những phương pháp thường được chỉ định để điều trị bệnh phổi silic là sử dụng thuốc giúp giãn phế quản cũng như là giảm tình trạng viêm của đường thở. Chuyên gia điều trị các bệnh lý đi kèm như lao phổi, nhiễm trùng phổi, ung thư phổi. Người bệnh bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt nếu bạn hút thuốc lâu năm. Hút thuốc được chứng minh làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh bụi phổi silic cũng như tăng tốc độ tiến triển của bệnh. Thở oxy giúp cải thiện tình trạng thiếu oxy mạn tính.
Trong một số trường hợp nặng, phẫu thuật ghép phổi có thể được đặt ra. Lưu ý là những người bị bệnh bụi phổi silic có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn. Do đó, bạn nên xét nghiệm lao thường xuyên nếu được chẩn đoán bị bệnh bụi phổi silic.
Cách phòng tránh bệnh bụi phổi silic
Tinh thể silic là thủ phạm gây ra bệnh bụi phổi silic. Do đó, theo GS.TS.BS Ngô Quý Châu,để phòng tránh căn bệnh này, trước tiên bạn cần hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với bụi silic. Nếu phải làm việc thường xuyên trong môi trường chứa tinh thể silic, bạn cần:
Biện pháp cá nhân
Sử dụng mặt nạ lọc bụi và quần áo bảo hộ khi làm việc. Chọn loại mặt nạ có chất liệu nhẹ không gây kích ứng da, có thể hít thở dễ dàng và không bị cọ xát.
Không tổ chức ăn uống tại nơi làm việc chứa nhiều bụi silic. Ăn tại khu vực riêng biệt, trước khi ăn cần rửa tay, rửa mặt dội sạch các hạt bụi silic bám trên bề mặt da.
Sau khi làm việc xong cần tắm rửa sạch sẽ.
GS.TS.BS Ngô Quý Châu khám cho bệnh nhân bị bệnh lý hô hấp. Ảnh: Tâm Anh
Biện pháp kỹ thuật
Thực hiện quá trình sản xuất trong chu trình kín và có lắp đặt máy hút gió.
Tổ chức kiểm tra điều kiện môi trường làm việc thường xuyên.
Cần vận dụng phương pháp làm ướt vật liệu để cắt, mài hoặc bào vật liệu nhằm hạn chế những hạt bụi silic bay trong không khí.
Cơ giới hoá sản xuất để giảm bớt sự tiếp xúc giữa người lao động và vật liệu, tránh lao động gắng sức khiến bụi có khả năng cao xâm nhập vào phổi.
Nên nổ mìn vào cuối ngày, cuối ca lao động.
Che đậy những máy móc phát sinh nhiều bụi, chú ý đến các hệ thống thoáng gió.
Biện pháp y tế
Thường kỳ kiểm tra môi trường lao động.
Tổ chức khám tuyển công nhân và lao động ở các hầm mỏ và các ngành công nghiệp nhiều bụi.
Tổ chức khám định kỳ hàng năm. Nơi nào bụi có hàm lượng silic tự do cao hay những công nhân phun cát đánh bóng, làm sạch, xay khoáng sản (thạch anh) phải khám định kỳ 6 tháng một lần.
Đối với những người không làm việc trong môi trường chứa bụi silic, để ngăn ngừa bệnh hô hấp nói chung cần thực hiện: duy trì cân nặng với chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng; vận động nhiều nhất có thể bằng cách tập thể dục thường xuyên, nhưng đừng quá gắng sức; phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh cúm và viêm phổi do phế cầu khuẩn theo khuyến cáo của bác sĩ./.
Theo: vnexpress.net
Tin liên quan
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
- Xây dựng, lập biện pháp an toàn nhằm kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Hết năm 2023 có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp
- Doanh nghiệp bị phạt gần 100 triệu đồng vì không khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân
- Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
- Bộ Y tế tăng cường truyền thông về phòng chống bệnh điếc nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do dung môi cho người làm công tác y tế lao động
- Hướng dẫn chẩn đoán, giám định suy giảm khả năng lao động do bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp