Bệnh bụi phổi amiăng

19/01/2017 | 04:15 AM

 | 

Amiăng là một hợp chất hóa học dạng sợi được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp và tiêu dùng. Tiếp xúc với amiăng có thể gây ra bệnh bụi phổi amiăng.


Bệnh bụi phổi amiăng là tình trạng tổn thương xơ hóa (không ác tính) lan tỏa trong nhu mô phổi. Bệnh mang tính chất nghề nghiệp và thường xuất hiện sau 5 đến 20 năm năm tiếp xúc.

- Làm một số ngành nghề công việc sau có thể phải tiếp xúc với amiăng và mắc bệnh.

+ Sản xuất vật liệu xây dựng tấm lợp amiăng.

+ Khoan, đập phá, khai thác quặng hay đá có amiăng.

+ Tán, nghiền, sàng và thao tác khô với quặng hoặc đá có amiăng.

+ Chải sợi, kéo sợi và dệt vải amiăng; làm cách nhiệt bằng amiăng.

+ Tháo dỡ các công trình xây dựng có sử dụng amiăng

+ Thao tác khô với amiăng trong kỹ nghệ chế tạo ximăng amiăng; chế tạo các loại bộ phận má phanh ôtô, bìa giấy bằng amiăng...

- Các biểu hiện thường gặp khi mắc bệnh

+ Đau tức ngực và khó thở là hai triệu chứng chính của bệnh, tuy nhiên đa số các trường hợp là không xuất hiện các triệu chứng.

+ Ho kéo dài; lúc đầu ho khan, sau ho kèm theo khạc đờm

+ Khó thở, đau tức ngực khi gắng sức

+ Ho ra máu, thở khò khè…

- Chẩn đoán xác định bệnh bụi phổi amiăng dựa vào các yếu tố sau:

+ Tiền sử tiếp xúc nghề nghiệp: Là một yêu cầu bắt buộc trong chẩn đoán bệnh. Kết quả đo môi trường lao động có nồng độ bụi amiăng vượt tiêu chuẩn cho phép (tiêu chuẩn của Bộ y tế Việt Nam là 0,5 sợi/ml trung bình 1 giờ và 0,1 sợi/ml trung bình 8 giờ).

+ Triệu chứng lâm sàng: Chỉ mang tình chất tham khảo và để xác định mức độ tổn thương do biến chứng của bệnh.

+ Hình ảnh trên phim X-quang phổi: Hình ảnh xơ hoá nhu mô phổi dạng sợi s, t, u (nốt mờ không tròn đều) theo bảng phân loại quốc tế ILO về bệnh bụi phổi. Ngoài ra, có thể thấy một số hình ảnh như mảng vôi hóa màng phổi, dày màng phổi…

+ Chức năng hô hấp: Kết quả đo có thể bình thường hoặc có biểu hiện của hội chứng hạn chế, hội chứng tắc nghẽn, hội chứng hỗn hợp…

- Điều trị bệnh bụi phổi amiăng:

+ Là bệnh gây tổn thương xơ hóa lan tỏa không hồi phục ở phổi, do vậy điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng như tập hít thở ở môi trường không khí sạch, điều trị các biến chứng của bệnh như suy tuần hoàn, hô hấp…

+ Ngừng tiếp xúc với bụi amiăng tại nơi làm việc là biện pháp cần áp dụng khi mắc bệnh, tuy nhiên tổn thương xơ hóa phổi vẫn có thể tiếp tục tiến triển sau nhiều năm ngừng tiếp xúc.

- Ngoài bệnh bụi phổi, tiếp xúc với amiăng có thể gây ra một số bệnh khác:

+ Gây ra các tổn thương ở phổi như tràn dịch, viêm dày dính, vôi hóa màng phổi có thể dẫn đến gây xẹp phổi.

+ Ung thư phổi: Các nhà khoa học đã chứng minh, tiếp xúc với amiăng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, nhất là ở những người có kèm theo hút thuốc lá.

+ Ung thư trung biểu mô: Tiếp xúc với amiăng có thể gây ung thư màng phổi, ung thư màng bụng…

- Giám sát sức khỏe cho người lao động tiếp xúc với amiăng

Bệnh do amiăng gây ra thường xuất hiện sau 5 đến 20 năm kể từ khi tiếp xúc và cũng có thể xuất hiện sớm hơn, do vậy việc kiểm tra giám sát sức khỏe thường xuyên là hết sức cần thiết. Các nội dung giám sát sức khỏe bao gồm:

+ Trả lời bảng câu hỏi phỏng vấn theo mẫu

+ Xét nghiệm chụp phim X quang phổi thẳng nên thực hiện ít nhất 2 năm một lần.

+ Đo chức năng hô hấp

+ Chụp CT nên thực hiện 3 năm một lần

- Dự phòng ảnh hưởng của amiăng

+ Sử dụng các loại khẩu trang phù hợp;

+ Không hút thuốc, ăn uống tại nơi làm việc

+ Tắm rửa thay quần áo tại đơn vị

- Định kỳ khám, chụp phim X quang phổi, đo chức năng hô hấp để kiểm tra...

- Doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật vệ sinh để hạn chế phát sinh bụi amiăng vào môi trường làm việc; cần đo kiểm tra môi trường lao động hàng năm./.​