Ảnh hưởng của rung cục bộ đến cơ thể người
08/11/2017 | 03:15 AM



Rung cục bộ gây ra và chỉ làm cho từng bộ phận của cơ thể bị rung động. Ảnh hưởng rung cục bộ thường gặp nhất trong các công việc có sử dụng các thiết bị khí nén, hoặc điện cầm tay như: máy khoan đá khi nén, máy đục đá, máy tán rivê, máy đầm khuôn trong ngành đúc v.v. Các thiết bị này thường có tần số rung động từ 35¸250Hz và cao hơn nữa. Trong quá trình làm việc thường gây ra những rung động có biên độ khá lớn như: 0,38÷0,5 mm đối với máy khoan đá, 1¸1,5 mm đối với máy khoan điện cầm tay và thậm chí tới 1,5 ¸2,8 mm đối với máy tán vivê khí nén. Nghiên cứu ảnh hưởng rung động của những loại máy nói trên đối với công nhân sử dụng máy, người ta nhận thấy: Nói chung người công nhân khi thao tác loại máy này thì thường tay trái đỡ và giữ máy, khuỷu tay, vai hoặc đùi giữ vai trò của các điểm tựa, còn tay phải tạo lực ấn. Với khối lượng trung bình của máy từ 20¸35 kg khi hoạt động máy gây ra những rung động mạnh và liên tục, những rung động này sẽ trực tiếp truyền vào cơ thể người công nhân và gây ra những bệnh rung động cục bộ. Theo các công nhân khi làm việc bằng những máy cầm tay gây rung mạnh như vậy, người công nhân phải có một sự cố gắng nhất định để giữ máy ở tư thế thích hợp, sự cố gắng này đòi hỏi các cơ bắp phải co bóp mạnh và thường xuyên. Sự căng hệ thống cơ tay tạo điều kiện thuận lợi cho sự lan truyền rung động tới toàn chi trên và vai, dẫn tới sự co rút cơ, phát sinh chuột rút và nặng hơn có thể bị teo cơ và theo H.Desoille, chứng teo cơ thường thấy ở các mô ngón tay út và ngón cái, các cơ liên đốt và cơ cánh tay cũng bị ảnh hưởng nhưng ít hơn. Tiếp xúc với thiết bị rung cầm tay vượt mức cho phép có thể gây rối loạn dòng chảy máu ở ngón tay và rối loạn chức năng của hệ thần kinh cảm giác, thần kinh vận động của bàn tay, cánh tay. Ước tính hiện nay có khoảng từ 1,7% ÷ 3,6% công nhân các nước Châu Âu và Mỹ đang phải tiếp xúc với các yếu tố rung động lan truyền theo cánh tay có hại này. Hội chứng rung động lan truyền theo cánh tay thường thể hiện bằng các rối loạn vận mạch ngoại vi, thần kinh và cơ - xương. Công nhân tiếp xúc với rung động lan truyền theo cánh tay có thể bị ảnh hưởng do rung động với những biểu hiện rối loạn thần kinh và/hoặc rối loạn mạch ngoại vi. Rối loạn vận mạch (bệnh ngón tay trắng) và các dị thường ở trong xương - khớp gây ra do rung động lan truyền lên cánh tay ảnh hưởng chế độ đền bù bệnh nghề nghiệp ở một số nước. Những rối loạn này cũng có trong danh mục bệnh nghề nghiệp của Châu Âu. [76] - Rối loạn vận mạch Công nhân tiếp xúc với dụng cụ cầm tay phàn nàn ngón tay của họ thường xuyên bị tái nhợt hoặc trắng bợt kết hợp với đau nhức khi tiếp xúc với lạnh. Triệu chứng này do tuần hoàn mạch máu ngoại vi của ngón tay bị rối loạn được gọi là hiện tượng Raynaud (Raynauds phenomenon). Hiện tượng này được giải thích do rung động gây co thắt mạch và rối loạn tuần hoàn ở ngón tay, làm cho ngón tay dễ bị nhậy cảm đặc biệt khi gặp lạnh. Để lý giải hiện tượng Raynaud do lạnh gây nên, một vài nhà khoa học đã chứng minh sự tăng phản xạ co thắt mạch từ thần kinh trung ương bằng cách kéo dài thời gian tiếp xúc với rung động, trong khi đó một số người khác giữ quan điểm rung động gây nên những biến đổi được khu trú ở mạch máu ngón tay. Những quan điểm giống và khác nhau này đang được sử dụng để mô tả rung động gây nên những rối loạn ở mạch máu: “ngón tay chết hay ngón tay trắng”, “hiện tượng Raynaud có nguồn gốc từ nghề nghiệp”, “bệnh tổn thương co thắt mạch” và gần đây rung động gây nên ngón tay trắng (VWF) được quy định là bệnh nghề nghiệp ở trên nhiều nước trên thế giới. Vào lúc đầu, cơn ngón tay trắng xuất hiện ở đầu của một hoặc hai ngón tay, nhưng sự kéo dài thời gian tiếp xúc với rung động cơn ngón tay trắng có thể lan tới đốt cuối cùng của ngón tay. Đôi khi ngón tay trắng đổi sang mầu tím do thiếu ô xy vì tuần hoàn máu chậm ở ngón tay. Giai đoạn hồi phục, thông thường tăng nhanh bằng sưởi ấm hoặc xoa bóp, ngón tay đỏ lên, thậm trí có thể xuất hiện ngứa và/hoặc đau như là kết quả của tăng dòng máu tuần hoàn ở da. Cơn ngón tay trắng thường gặp vào mùa đông hơn là vào mùa hè và kéo dài một vài phút cho đến hơn một giờ. Sự khác nhau về thời gian tiếp xúc và cường độ của tác nhân kích thích và mức nặng của co thắt mạch máu, cơn ngón tay trắng kéo dài khác nhau, thường kết thúc khi cơ thể được sưởi ấm. Nếu tiếp tục tiếp xúc với rung động, cơn ngón tay trắng xuất hiện thường xuyên hơn và có thể quanh năm. Có thể gặp những biến đổi dinh dưỡng (loét hay hoại tử) ở da của ngón tay trong các trường hợp mãn tính và trường hợp có cơn ngón tay trắng nặng, ít gặp ở các trường hợp mới mắc. Trong cơn ngón tay trắng, người lao động có thể hoàn toàn mất cảm giác xúc giác và sự khéo léo của bàn tay. Điều này ảnh hưởng đến các hoạt động của công việc, tăng nguy cơ tổn thương cấp tính, gây tai nạn lao động. Theo y học nghề nghiệp ở các nước đang phát triển, bệnh ngón tay trắng được chia theo các mức nặng, nhẹ khác nhau. Tuy vậy, Hội thảo khoa học Quốc tế Stockholm (1986) công nhận phân loại gồm 5 mức theo tần suất xuất hiện và độ nặng của cơn ngón tay trắng. - Rối loạn thần kinh: Người lao động tiếp xúc với rung động lan truyền theo cánh tay có thể thấy tê, cóng và ngứa ở ngón tay và bàn tay. Nếu như tiếp xúc với rung động vẫn tiếp tục, những triệu chứng này có thể tăng lên và gây ảnh hưởng đến khả năng làm việc và hoạt động sống. Ngoài ra, người tiếp xúc với rung động có thể bị giảm cảm giác tiếp xúc, giảm cảm giác nhiệt, tổn thương sự khéo léo của bàn tay khi kiểm tra lâm sàng, ở những người này có thể còn thấy sự suy giảm cảm nhận rung ở các đầu ngón tay. Nghiên cứu dịch tễ học ở công nhân tiếp xúc với rung động lan truyền theo cánh tay đã chỉ ra rằng, tỷ lệ hiện mắc rối loạn thần kinh ngoại vi các loại từ vài % đến 80% trong các nhóm công nhân tiếp xúc. Rối loạn cảm giác thần kinh có thể tiến triển độc lập với các rối loạn khác do rung động gây nên, có thể có cơ chế bệnh sinh khác. Phân loại các biểu hiện rối loạn thần kinh trong hội chứng rung động lan truyền lên cánh tay đã được cụ thể hoá trong hội thảo khoa học Quốc tế tại Stockholm bao gồm 4 mức, dựa trên các triệu chứng phàn nàn, kết quả kiểm tra lâm sàng thần kinh và các kiểm tra (test) tâm sinh lý như: cảm nhận rung, cảm nhận tiếp xúc và sự thao tác chính xác Công nhân tiếp xúc với rung động có thể thấy những dấu hiệu và triệu chứng tương tự dễ nhầm lẫn với hội chứng rãnh xương cổ tay, các rối loạn do bị đè nén dây thần kinh giữa, dây này đi xuyên thẳng qua rãnh trong xương cổ tay: Hội chứng rãnh xương cổ tay thường gặp ở nhóm nghề sử dụng dụng cụ rung như máy khoan hoặc công nhân nghề rừng, do các stress ecgonomi tác động lên tay và cổ tay: các chuyển động lặp đi lặp lại, co kéo gắng sức, tư thế không thuận tiện, ... những yếu tố đó kết hợp với rung động có thể là nguyên nhân của hội chứng rãnh xương cổ tay trong công nhân sử dụng dụng cụ rung cầm tay. Sự co cơ thường xuyên một mặt tạo khả năng cho sự lan truyền rung động và xương, đặc biệt vào các bề mặt của các khớp, mặt khác sẽ làm cho các khớp bị xiết chặt vào nhau một cách không bình thường. Như vậy các khớp xương tất nhiên phải chịu những chấn thương nhỏ và nếu kéo dài thời gian, chúng sẽ gây ra những tổn thất làm mòn các khớp và có những mảnh xương cực kỳ nhỏ bong ra, đây cũng chính là khởi phát của bệnh gai xương và dị vật ở khớp. Đặc biệt khi chụp X quang đã phát hiện có một sự tăng cường bám cơ thực sự tạo ra lồi xương hoặc canxi hoá ở gân và nghiêm trọng nhất là ở khuỷu tay và cổ tay, hiện tượng này đã được các tác giả nghiên cứu giải thích đó là sự thích nghi của đầu xương đối với chức năng bình thường không co cơ và đã chia những tổn thương xương khớp làm bốn loại chính. a. Các tổn thương có hốc nhỏ, hầu hết là ở các xương cổ tay và thường là xương cá và xương bán nguyệt, các tổn thương này hay gặp nhất (40% các trường hợp) và là điển hình nhất. Các hốc nhỏ xuất hiện dưới dạng dung mao một vật sáng tròn có đường kính thay đổi từ kích thước đầu đinh ghim đến hạt đậu. Những hốc nhỏ này đôi khi rải rác hoặc khu trú trên cùng một xương, những cũng có khi là trên nhiều xương. b. Lồi xương và dị vật. Dị vật nối khớp (thường ít gặp) là hiện tượng những mảnh xương nhỏ hoặc những mảnh sụn nằm ở trên đường liên khớp hoặc có khi có dạng hình cựa gà, hình gai làm cho mặt khớp bị biến dạng và chúng xuất hiện như những di vật chưa bong ra khỏi khớp. Lồi xương và gai xương ở quanh khớp hay gập nhiều hơn và khu trú phần lớn ở khuỷu tay, hiếm thấy ở cổ tay. Chúng thường xuất hiện dưới dạng là những cấu tạo xương nhỏ bám tréo vào ròng rọc và lõi cầu, có dạng hình dẹt hoặc mảnh mỏng, đôi khi là những u xương thực sự của cơ cánh tay trước. Hiện tượng này được nhiều nhà nghiên cứu giải thích đó là sự bão hoà các gân của những cơ xung quanh khớp gần chỗ chúng bám vào xương. c. Hiện tượng yếu xương và biến dạng cấu trúc xương. Hiện tượng này thường quan sát thấy ở khuỷu tay, phần dưới của xương cánh tay phình ra và dày thêm, toàn bộ hoặc từng phần bờ xương bị gồ ghề và cấu trúc của xương bị biến đổi (màng ngoài xương bị mất đi, hoặc bị cứng đặc). Còn phần ở xương cổ tay thì xương thuyền, xương cá và xương bán nguyệt là nói có hiện tượng thay đổi hình sáng và cấu trúc của xương khá nhiều. Xương thuyền to ra, có bướu kèm theo mẩu xương không rõ rệt. Xương có hình dáng của loại xương đặc. d. Hiện tượng hoại tử xương bán nguyệt. Hiện tượng hoại tử xương bán nguyệt là bệnh do chấn thương xương bán nguyệt, do Kiêmbock phát hiện, bệnh này có đặc trưng là xương bị thoái hoá gây ra vẹt khớp hoặc gai khớp đôi khi có thể gẫy xương do lún. Hiện tượng này có thể xuất hiện sớm sau một chấn thương nặng hoặc cũng có thể xuất hiện sau một thời gian dài của một chấn thương nào đó mà không được để ý. Chụp X-quang xương cổ tay của những công nhân sử dụng thiết bị cầm tay gây rung mạnh, người ta đã phát hiện khá nhiều tổn thương đặc trưng các bệnh Kiembock. Những tổn thương này thường khởi phát đầu tiên ở xương bán nguyệt làm cho hình dạng của xương bị biến đổi: bị bẹt ra hoặc bị kéo dài, hoặc giảm kích thước. Cấu trúc của xương cũng bị hư biến, xen kẽ những vùng bị mất canxi hoá và kết đặc với nhau thành những vùng bị mất canxi hoá và kết đặc với nhau thành những dung mạo lốm đốm là những vùng có dung mạo như ngà do tăng canxi hoá. Những tổn thương do xương bán nguyệt đôi khi còn kèm theo những tổn thương của các xương cổ tay lân cận dưới dạng tổn thương về xương khớp thường gặp ở bệnh do rung động nói chung. Ngoài những ảnh hưởng về xương khớp, rung động cục bộ còn gây ra những rối loạn mạch máu và vận mạch. Theo thống kê của Seyring đã cho thấy: 4% công nhân có những rối loạn mạch máu sau hai năm làm việc tiếp xúc với rung cục bộ, tỉ lệ này tăng lên đột ngột tới 48% vào những năm thứ ba và đạt tới 61% sau 10 năm làm việc Vị trí rối loạn mạch máu hoàn toàn khu trú ở các ngón tay cầm máy của bàn tay trái và ngón bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngón út, ngón đeo nhẫn và ngón giữa. Tính chất lâm sàng của những rối loạn đó được nhận thấy qua những cơn thiếu máu cục bộ, bằng thể ngón tay chết như Loriga đã quan sát ở một số công nhân sử dụng máy búa khí nén cầm tay năm 1911 hoặc những ngón tay trắng (V.M.F) ở những công nhân sử dụng các máy vặn bulông đai ốc ở Thuỵ Điển trong những năm 1984 đến 1986. - Tổn thương cơ: Người lao động tiếp xúc với rung động trong thời gian dài có thể có những phàn nàn về đau, mỏi cơ ở tay và cánh tay, giảm lực cơ. Tiếp xúc với rung động có thể là nguyên nhân gây giảm sức nắm của tay. Trong một số trường hợp, mệt mỏi cơ có thể là nguyên nhân của sự tàn tật. Tổn thương do cơ học trực tiếp hay tổn thương thần kinh ngoại vị có thể là nguyên nhân gây nên các triệu chứng tổn thương cơ như vậy. Những rối loạn khác cũng phát hiện thấy ở công nhân tiếp xúc với rung như viêm gân, dây chằng và đau nhức mỏi cổ tay ở mức cao, ... Những rối loạn như vậy có thể do các yếu tố thuộc ecgonomi quá căng thẳng ở các công việc đơn giản nặng nhọc và sự kết hợp với yếu tố rung động lan truyền lên cánh tay. - Các tổn thương khác Một vài nghiên cứu nhận thấy, công nhân mắc bệnh ngón tay trắng bị giảm sức nghe sớm hơn so với người cùng lứa tuổi do nguồn tiếng ồn lớn phát ra từ những dụng cụ rung. Như vậy, ngoài nguy cơ tiếng ồn, những người mắc bệnh ngón tay trắng có thêm nguy cơ tổn thương sức nghe do rung động gây co thắt mạch máu ở trong tai. Cùng với rối loạn thần kinh ngoại vi, các ảnh hưởng có hại khác đối với sức khoẻ bao gồm tuyến nội tiết, hệ thần kinh trung ương ở những người tiếp xúc với rung động cũng nhận thấy qua các báo cáo của các nhà khoa học Nga và Nhật Bản. Hình ảnh lâm sàng, được gọi là “Bệnh rung chuyển nghề nghiệp” bao gồm các dấu hiệu và hội chứng trong mối liên quan đến rối loạn chức năng của các vùng trung tâm trong não (mệt mỏi, đau đầu, cáu kỉnh, buồn ngủ, ...) Những phát hiện này cần được giải thích và làm rõ các nguyên nhân, cần có một thiết kế nghiên cứu dịch tễ học cẩn thận và nghiên cứu lâm sàng để xác định giải quyết mối liên quan giữa rối loạn hệ thần kinh trung ương và tiếp xúc với rung động lan truyền theo cánh tay. Theo các nhà khoa học Phương Tây, biểu hiện rối loạn mạch máu ngoại vi hay “Hội chứng ngón tay trắng” được coi như là một biểu hiện chính, duy nhất của bệnh do rung động. Do vậy, hiện nay họ phân loại “Bệnh rung động lan truyền theo cánh tay” chủ yếu dựa theo định lượng của “ngón tay trắng” (D. E. Wasserman [70]; M. Griffin [56]). Khác với Phương Tây, quan điểm hiện nay của các nhà khoa học Nga là phân loại bệnh rung chuyển nghề nghiệp phải dựa vào nguyên tắc hội chứng của bệnh, quan tâm đến tiến triển các thể lâm sàng và phụ thuộc vào mức độ biểu hiện của bệnh. Các biểu hiện lâm sàng được phân chia theo các giai đoạn như sau: - Giai đoạn 1: Biểu hiện ban đầu, có khả năng phục hồi bao gồm các hội chứng: Hội chứng rối loạn trương lực các mạch máu ngoại vi chi trên, mạch máu ngón tay ít khi ở trạng thái co thắt; hội chứng rối loạn thần kinh cảm giác (thần kinh thực vật – cảm giác) ở chi trên. Biểu hiện lâm sàng: Xuất hiện các cơn tê tay, dị cảm ở tay chủ yếu trong bàn tay, tăng cảm giác khi tiếp xúc với lạnh, da bàn tay có hình vân không rõ rệt, đôi khi bàn tay lạnh và có mồ hôi ở lòng bàn tay. Mao mạch ngón tay ở trạng thái co thắt hoặc co thắt – giãn, nuôi dưỡng ở ngón tay giảm. Đôi khi có sự chênh lệch nhiệt độ (>10C) ở hai bàn tay. Thời gian hồi phục nhiệt độ da ngón tay chậm. Biểu hiện lâm sàng của hội chứng rối loạn trương lực mạch ngoại vi là hội chứng “ngón tay trắng” (hội chứng ngón tay chết, hoặc hội chứng Raynaud) với đặc điểm: Xuất hiện các cơn ngón tay trắng khi tiếp xúc với lạnh tại chỗ hoặc toàn thân. Lúc đầu da trắng bợt chỉ xuất hiện ở những đốt cuối của ngón tay, có rõ đường giới hạn. Thời gian cơn kéo dài khoảng từ 5 ÷ 10 phút sau đó kết thúc bằng sự phục hồi lại toàn bộ mầu sắc của da. Người bệnh không có cảm giác đau, khó chịu. Ở giai đoạn 1, cơn ngón tay trắng hiếm khi có (một vài lần/1 năm) hoặc có thể chỉ có duy nhất 1 lần/1 năm. Biểu hiện lâm sàng của hội chứng rối loạn thần kinh cảm giác chi trên (giai đoạn 1): Người bệnh cảm thấy đau nhức ở bàn và cánh tay, dị cảm ở tay khi nghỉ ngơi. Khi bị tác động của rung có tần số thấp, các rối loạn chủ yếu là cảm giác bề mặt, đặc biệt là cảm giác đau. Cảm giác nhiệt, cảm giác xúc giác và kể cả cảm nhận rung bị giảm ít. Cảm giác cơ - khớp không bị tổn thương. Khi bị ảnh hưởng của rung có tần số cao và tần số trung bình, biểu hiện đặc trưng là có sự kết hợp rối loạn cảm giác và rối loạn trương lực mạch máu ngoại vi, bàn tay xanh tím, có nhiều mồ hôi, nhiệt độ da bàn tay giảm. Rối loạn cảm giác đau biểu hiện ở thể viêm đa dây thần kinh dạng “găng tay ngắn” từ khớp cổ tay hay từ 1/3 cẳng tay. - Giai đoạn 2: Biểu hiện lâm sàng rõ rệt, khả năng phục hồi kém, bao gồm các hội chứng: Hội chứng rối loạn trương lực các mạch máu ngoại vi ở chi trên, mạch máu ngón tay thường xuyên ở trạng thái co thắt; Hội chứng rối loạn đa thần kinh thực vật – cảm giác chi trên: + Mạch máu ngón tay thường xuyên co thắt + Rối loạn dinh dưỡng bàn tay + Rối loạn dinh dưỡng hệ cơ - xương – khớp tay và vai + Rối loạn chức năng đám rối thần kinh cổ – cánh tay + Hội chứng rối loạn trương lực mạch máu não. Biểu hiện lâm sàng: Các triệu chứng rối loạn đa thần kinh thực vật – cảm giác thể hiện nặng hơn và lan rộng hơn. Triệu chứng đau và dị cảm trở lên liên tục, rối loạn cảm nhận đau từ khớp khuỷu, chủ yếu ở phần dưới của tay. Ngưỡng cảm nhận rung tăng cao, bàn tay trở lên tím tái, lạnh, lòng bàn tay ướt. Thực tế trong lâm sàng, thường có sự kết hợp triệu chứng bệnh lý đa thần kinh cảm giác với những biểu hiện khác của bệnh, kết hợp với hội chứng ngón tay trắng, tần suất khoảng 30 – 70%. Bệnh rung chuyển nghề nghiệp ở giai đoạn 2, cơn ngón tay trắng thể hiện rõ rệt hơn, không chỉ ở đốt móng mà lan sang đốt giữa và đốt cuối, thời gian co thắt kéo dài tới 0,5 giờ và nhiều hơn, kết thúc cơn bằng cảm giác đau nhức hoặc dát bỏng, cơn ngón tay trắng thường tự phát. Trong một số trường hợp, xuất hiện cơn tím tái hoặc hội chứng ngón tay tím tái, khi đó có biểu hiện giãn mạch rõ rệt và bệnh tiến triển không được tốt. Khi ảnh hưởng của rung động kết hợp với ảnh hưởng của gánh nặng thể lực tĩnh - động lên tay hoặc bả vai, lúc đó hình thành hội chứng rối loạn trương lực cơ. Xuất hiện triệu chứng đau trong cơ cẳng tay, chóng mỏi khi lao động và xuất hiện co giật, cứng, đau ở các cơ nhỏ bàn tay, cần thiết tạm thời nghỉ việc. Khi sờ, nắn thấy có điểm đau cứng. Một số cơ bị giảm trương lực, suy giảm dưỡng cơ. Lực cơ giảm. Giảm dòng máu nuôi dưỡng cơ. Tác giả G. M. Balan [44] chia quá trình hình thành rối loạn cơ thành 3 giai đoạn: loạn trương lực cơ, loạn trương lực dưỡng cơ và loạn dưỡng cơ. Ở giai đoạn 2, có thể rối loạn dinh dưỡng hệ vận động chi trên ở dạng hư quanh khớp, hư khớp khuỷu, khớp cổ tay, ít gặp ở khớp cánh tay và khớp giữa các ngón tay, nhận thấy có những điểm đau ở những khớp trên khi vận động, điểm đau ở chỗ nối tiếp gân với các mỏ xương. Tuy vậy, biến đổi chức năng của khớp tiến triển không rõ rệt, không thấy hiện tượng viêm màng hoạt dịch. Biểu hiện lâm sàng thường ở một bên, những biến đổi trên X – quang đôi khi nhận thấy cả ở hai bên. Theo Habu và các cộng sự (1984), khi không có rối loạn mạch máu – thần kinh, mối liên quan của các dạng hư quanh khớp, hư khớp với rung động lan truyền theo cánh tay. Trong một loạt các trường hợp, có thể phát triển bệnh lý đám rối thần kinh cổ – cánh tay do rung động gây tổn thương vùng vai khi làm việc trong tư thế tỳ dụng cụ rung lên vai (tư thế không thuận tiện). Tư thế này thường gặp ở thợ chống lò. Bệnh lý đám rối thần kinh cổ – cánh tay tiến triển từ từ, có đặc điểm thường gặp ở một bên, chỗ tiếp xúc với dụng cụ rung. Xuất hiện đau ở vai, dưới bả vai và lan toả xuống cánh tay. Cùng với rối loạn thần kinh mạch ngoại vi kể trên, có thể có biến đổi mạch ở não. Giai đoạn 2 của bệnh có thể tiến triển hội chứng rối loạn trương lực mạch não khi bị tác dụng lâu dài của rung cục bộ có tần số cao và vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Xuất hiện đau đầu lan toả, đau đè nén vào nửa cuối của ca làm việc, cơn chóng mặt không thường xuyên ở dạng không nhìn thấy rõ các vật thể, “ruồi bay trước mắt”, chóng mệt mỏi. Huyết áp động mạch bình thường. Khi soi đáy mắt có hiện tượng rối loạn trương lực mạch. Kết quả ghi não đồ cho thấy có sự suy giảm cường độ đập của mạch máu. Máu tĩnh mạch khó thoát khỏi não, giảm dòng máu nuôi dưỡng não. - Giai đoạn 3: Biểu hiện lâm sàng rất rõ, không còn khả năng phục hồi, bao gồm các hội chứng: Hội chứng bệnh lý đa thần kinh cảm giác – vận động chi trên. Hội chứng bệnh lý đa thần kinh – não; Hội chứng bệnh lý đa thần kinh, trạng thái co thắt mạch sâu rộng. Biểu hiện lâm sàng: bên cạnh các rối loạn thần kinh – cảm giác, nhận thấy có sự hình thành rối loạn vận động ngoại vi cùng với giảm dưỡng cơ ở bàn tay và cẳng tay, giảm hoặc mất phản xạ gân, phản xạ màng xương ở tay. Rối loạn cảm giác sâu rộng cùng với hiện tượng giảm cảm nhận đau ở đầu các chi dưới. Trên nền bệnh lý đa thần kinh cảm giác, có thể có các triệu chứng tổn thương vi thực thể ở não đó là sự hình thành rối loạn tuần hoàn não – Hội chứng bệnh lý đa thần kinh – não. Trong một số trường hợp, bệnh tiến triển do hiện tượng co thắt mạch phát triển sâu rộng. Các cơn co thắt mạch ở đầu chi xuất hiện không chỉ ở tay mà còn ở cả chân. Hiện tượng co thắt mạch tiến triển trên nền các biểu hiện bệnh lý đa thần kinh chi trên rất rõ rệt. Các hiện tượng này có thể xuất hiện khi bị ảnh hưởng lâu dài của rung động có tần số cao và cường độ lớn. Vào những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu ở Liên bang Nga đã hướng tới tìm kiếm các biểu hiện sớm của bệnh rung chuyển nghề nghiệp, đây là hướng nghiên cứu có ý nghĩa lớn trong việc đưa ra các biện pháp chữa trị cũng như phòng bệnh sớm với mục tiêu ngăn ngừa bệnh tiếp tục tiến triển, kịp thời hồi phục khả năng làm việc của người lao động. Những biểu hiện sớm bao gồm các dấu hiệu: tăng ngưỡng cảm nhận đau, ngưỡng cảm nhận rung, các rối loạn vận mạch, ... khi chưa có sự than phiền đặc biệt của người lao động cũng như dấu hiệu giảm khả năng làm việc của họ. Trong một loạt các trường hợp với mục đích phòng ngừa bệnh tiến triển, người ta quan tâm ngay từ khi mới xuất hiện các cảm giác chủ quan như hội chứng đau./.
Nguồn: http://antoanlaodong.net/ |
Tin liên quan
- An toàn sức khỏe nghề nghiệp cần được tích hợp vào chiến lược chuyển đổi số
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
- Xây dựng, lập biện pháp an toàn nhằm kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Hết năm 2023 có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp
- 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp mỗi năm
- Tập huấn cập nhật kiến thức trong khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp năm 2024
- Doanh nghiệp bị phạt gần 100 triệu đồng vì không khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân