Điều kiện để người lao động được thừa nhận mắc bệnh nghề nghiệp
10/06/2016 | 07:45 AM



Thành Phúc
Bệnh nghề nghiệp được định nghĩa là “bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động tới người lao động”.
Theo khoản 2, Điều 21 của Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp ít nhất 6 tháng một lần trong năm. Khoản 2, Điều 22 của Luật này quy định Danh mục nghề độc hại, công việc đặc biệt độc hại do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành sau khi lấy ý kiến của Bộ Y tế. Còn Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành sau khi lấy ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (khoản 1, Điều 37 của Luật ATVSLĐ).
Từ các quy định nêu trên cho thấy về nguyên tắc, tất cả người lao động đều được khám chẩn đoán bệnh nghề nghiệp, nhưng nếu người lao động mắc bệnh nghề nghiệp nằm trong Danh mục bệnh nghề nghiệp thì được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Người lao động được quyền khám bệnh nghề nghiệp, nhưng phải tuân thủ đúng quy trình khám bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư 12/2006/TT-BYT ngày 10/11/2006 của Bộ y tế. Cụ thể, để khám bệnh nghề nghiệp người lao động phải có hồ sơ bao gồm: (1) Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động; (2) Hồ sơ sức khỏe (hồ sơ khám sức khỏe tuyển dụng và hồ sơ khám sức khỏe định kỳ); (3) Kết quả giám sát môi trường lao động mới nhất (không quá 24 tháng kể từ ngày đo) theo mẫu số 1 quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BYT ngày 06/6/2011 của Bộ Y tế về quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động , bệnh nghề nghiệp; đối với bệnh nghề nghiệp do các yếu tố vi sinh vật, ngoài kết quả giám sát môi trường lao động phải có đánh giá tiếp xúc nghề nghiệp các yếu tố vi sinh vật theo quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư số 12/2006/TT-BYT (4) Hồ sơ cá nhân bệnh nghề nghiệp theo biểu mẫu 4a của Thông tư Liên tịch số 08/1998 ngày 20/4/1998 của liên Bộ: Bộ Y tế - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện các quy định về bệnh nghề nghiệp (nếu có).
Việc khám, chẩn đoán bệnh nghề nghiệp phải dựa trên kết quả giám sát môi trường lao động, yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp và kết quả khám sức khỏe định kỳ của cơ sở lao động do phòng khám bệnh nghề nghiệp đủ điều kiện thuộc Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm Y tế các Bộ, ngành; các viện; các bệnh viện có Khoa Bệnh nghề nghiệp ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh thực hiện.
Tiếp theo người lao động phải được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi bị bệnh lần đầu được điều trị ổn định nhưng còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc sau khi bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định. Đối với trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị (khoản 1 Điều 47 Luật ATVSLĐ).
Người lao động làm việc trong môi trường độc hại thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp cần tìm hiểu kỹ những nội dung này, đặc biệt, cần yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện các nghĩa vụ giới thiệu và cung cấp hồ sơ kết quả giám sát môi trường, đánh giá tiếp xúc nghề nghiệp các yếu tố vi sinh vật và hồ sơ sức khỏe để được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt là yêu cầu người sử dụng lao động giới thiệu đi giám định để xác định mức suy giảm lao động. Cán bộ y tế lao động tại nơi làm việc là người có trách nhiệm hỗ trợ người lao động trong suốt quá trình này. Điều này rất quan trọng vì nó là điều kiện để người mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng các chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp, phương tiện trợ giúp sinh hoạt chỉnh hình, trợ cấp phục vụ, trợ cấp khi qua đời, dưỡng sức phục hồi sau điều trị, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Đáng tiếc là hiện nay, số người mắc bệnh nghề nghiệp được đi giám định sức khỏe còn quá ít, tỉ lệ chờ giám định còn cao (30%) do thiếu hồ sơ, thủ tục… Đây là một thiệt thòi rất lớn đối với người lao động.
Tin liên quan
- An toàn sức khỏe nghề nghiệp cần được tích hợp vào chiến lược chuyển đổi số
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
- Xây dựng, lập biện pháp an toàn nhằm kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Hết năm 2023 có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp
- 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp mỗi năm
- Tập huấn cập nhật kiến thức trong khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp năm 2024
- Doanh nghiệp bị phạt gần 100 triệu đồng vì không khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân