Quảng Ninh: Phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động

20/11/2020 | 14:57 PM

 | 

 

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động. Để làm tốt công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động (NLĐ) cần sự vào cuộc tích cực, chung tay của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Ngành Y tế tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động quản lý sức khỏe nghề nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 2 đơn vị được Sở Y tế cấp phép thực hiện khám bệnh nghề nghiệp, là Phòng Khám bệnh nghề nghiệp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh và Khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ngoài ra, Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh, 18 đơn vị y tế công lập, 4 cơ sở y tế tư nhân cũng được Sở Y tế cấp phép đủ điều kiện khám sức khỏe cho người dân, NLĐ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh có chức năng quản lý sức khỏe nghề nghiệp, được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, xét nghiệm các bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường. Các thiết bị này giúp đơn vị thực hiện được nhiều xét nghiệm quan trắc như: Đo bụi trong môi trường (bụi phóng xạ, bụi hạt, bụi hô hấp, bụi sợi amiang, bụi bông...), nhiệt độ, vận tốc gió, bức xạ nhiệt, thông gió, bức xạ cực tím, độ ồn, ánh sáng, rung động, phóng xạ, điện từ trường, các hơi khí độc, vi khuẩn không khí... 

Trong 9 tháng năm 2020, CDC tỉnh đã khám bệnh nghề nghiệp cho 11.096 công nhân các đơn vị thành viên của TKV tại Quảng Ninh; Công ty Ô tô Trường Hải, Công ty Nhiệt điện Mông Dương, Công ty TNHH MTV Ngọc trai Phương Đông, Công ty Xi măng Hạ Long... CDC tỉnh còn tham gia quan trắc môi trường lao động cho 97 đơn vị, quan trắc môi trường y tế cho 26 đơn vị; thực hiện quan trắc môi trường lao động cho 87 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã thực hiện 3.020 mẫu vi khí hậu; 780 mẫu đo ánh sáng; 710 mẫu đo tiếng ồn; 260 mẫu rung độ; 2.350 mẫu đo bụi toàn phần, bụi hô hấp. Kết quả quan trắc cho thấy, các đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động.

Theo quy định tại Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 (Điều 21), hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất 1 lần cho NLĐ; đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, lao động cao tuổi, được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần. Lao động nữ phải được khám thêm chuyên khoa phụ sản…

Khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm cho NLĐ của Công ty CP Than Vàng Danh

Đối tượng áp dụng là NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, người thử việc, người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động; người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Như vậy hằng năm, số đối tượng thuộc diện phải được cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe rất lớn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị và một số doanh nghiệp chưa thực hiện quy định khám sức khỏe hằng năm cho NLĐ. Số cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ được tổ chức đi khám sức khỏe còn chiếm phần nhỏ so thực tế. Mong rằng, với sự đầu tư của ngành Y tế, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng tích cực vào cuộc trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe NLĐ trên địa bàn, trong đó có phòng chống bệnh nghề nghiệp.

Nguồn: baoquangninh.com.vn