Nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp
27/09/2023 | 16:06 PM
|
Để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động (NLĐ), khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng chống bệnh tật và bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, UBND tỉnh An Giang đã triển khai Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp đến năm 2030.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, chăm lo sức khỏe người lao động
Qua chương trình, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Phấn đấu 50% cán bộ y tế lao động, cán bộ y tế làm công tác giám định y khoa được đào tạo. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp và kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia năm 2030.
Quản lý cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp đạt 80% vào năm 2030. Kiểm tra công tác quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp; 100% cơ sở lao động có sử dụng amiăng được giám sát, quan trắc môi trường lao động. Cơ sở quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp đã công bố và cấp phép được kiểm tra chất lượng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/sức khỏe lao động và môi trường thực hiện đầy đủ nội dung và đảm bảo chất lượng quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp công bố và được cấp phép.
Cùng với nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng chống bệnh tật, phòng chống tác hại của thuốc lá và rượu bia tại nơi làm việc. Giảm các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. 50% cơ sở lao động có trên 200 NLĐ được hướng dẫn về dinh dưỡng phù hợp điều kiện lao động đến năm 2025 và đạt 70% đến năm 2030; 100% NLĐ được tiếp cận thông tin về các bệnh không lây nhiễm và các biện pháp phòng, chống, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc. 100% NLĐ bị mắc bệnh, tật được tư vấn; 100% NLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nâng cao sức khỏe. Nâng cao năng lực sơ cứu, cấp cứu, đáp ứng điều trị, giám định y khoa, điều dưỡng phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động. 100% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị, giám định y khoa và phục hồi chức năng.
Theo Sở Y tế An Giang, đến nay, hệ thống y tế đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ được ngành y tế tổ chức và thống nhất thực hiện từ tuyến tỉnh đến cơ sở và bộ phận y tế tại các cơ sở lao động. Hệ thống y tế lao động tuyến tỉnh có 5 cán bộ; tuyến huyện và xã có 167 cán bộ kiêm nhiệm. Nhân lực làm công tác y tế lao động thiếu, lại có sự biến động do điều chuyển của tổ chức, chưa có cơ chế thu hút nguồn cán bộ.
Đội ngũ cán bộ y tế lao động có trình độ chuyên môn chưa đồng đều, đào tạo chuyên sâu lĩnh vực y tế lao động và bệnh nghề nghiệp còn thiếu so nhu cầu. Trang thiết bị, máy móc quan trắc môi trường lao động và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu. Riêng công tác khám phát hiện bệnh nghề nghiệp chỉ thực hiện việc khám phát hiện: Điếc, hen, viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp. Chưa thực hiện được các xét nghiệm chuyên sâu để giám sát các yếu tố có hại trong môi trường lao động và phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Hoạt động khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ được các cơ sở lao động quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, chưa triển khai đầy đủ cả 5 nhóm bệnh theo quy định; đồng thời chỉ một số ít doanh nghiệp thực hiện. Thực trạng công tác khám bệnh nghề nghiệp còn nhiều bất cập, chưa được triển khai đầy đủ các chỉ định đối với NLĐ đã tiếp xúc với các yếu tố có hại trong quá trình lao động. Việc khám và chẩn đoán các bệnh nghề nghiệp còn nhiều hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu, tăng cường sự chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị đối với công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp; thường xuyên kiểm tra, khảo sát, đánh giá, tháo gỡ vướng mắc. Phối hợp quản lý, hỗ trợ thông qua việc triển khai chính sách, hướng dẫn và tạo môi trường thuận lợi. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực thi đầy đủ quy định về an toàn vệ sinh lao động.
Đầu tư cho công tác dự phòng và điều trị để đảm bảo và nâng cao sức khỏe NLĐ. Chú trọng dự phòng bệnh tật tại nơi làm việc thông qua kiểm soát, loại trừ yếu tố có hại trong môi trường lao động; khám, phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp và các bệnh liên quan đến nghề nghiệp; nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng, chống bệnh không lây nhiễm, khuyến khích tập thể dục tại nơi làm việc, đảm bảo dinh dưỡng, bữa ăn ca cho NLĐ, phòng chống tác hại của thuốc lá và rượu bia.
Sở Y tế An Giang là cơ quan thường trực, có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tổ chức, triển khai thực hiện. Chỉ đạo các cơ Sở Y tế, bệnh viện nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chăm sóc chấn thương thiết yếu. Nghiên cứu phát triển các kỹ thuật chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp và các bệnh liên quan đến nghề nghiệp./.
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/nang-cao-suc-khoe-nguoi-lao-dong-phong-chong-benh-nghe-nghiep-a366801.htmlTin liên quan
- Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội năm 2024
- Ngộ độc nhôm do dùng phèn chua liên tục chữa hôi nách nhiều năm
- Làm nghề nào dễ mắc bệnh bụi phổi?
- Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp bụi phổi silic nghề nghiệp
- Danh sách 35 nhóm bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội năm 2023
- Bổ sung COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH
- Từ ngày 1/3 tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện độc hại