PHÒNG CÁCH ÂM “DI ĐỘNG”
13/04/2009 | 05:00 AM
Theo thống kê của Hội chống tiếng ồn thế giới (AICB), tại các nước công nghiệp hóa, trung bình có 1/4 đến 1/3 số người phải lao động trong môi trường có tiếng ồn. Bệnh điếc do tiếng ồn hay bệnh điếc nghề nghiệp (ĐNN) luôn đứng hàng đầu trong các bệnh nghề nghiệp ở nhiều nước trên thế giới.
PHÒNG CÁCH ÂM “DI ĐỘNG”
Ths. Nguyễn Xuân Tâm
Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên
Theo thống kê của Hội chống tiếng ồn thế giới (AICB), tại các nước công nghiệp hóa, trung bình có 1/4 đến 1/3 số người phải lao động trong môi trường có tiếng ồn. Bệnh điếc do tiếng ồn hay bệnh điếc nghề nghiệp (ĐNN) luôn đứng hàng đầu trong các bệnh nghề nghiệp ở nhiều nước trên thế giới.
Tại Việt Nam, trong 25 bệnh nghề nghiệp được Nhà nước bảo hiểm bệnh ĐNN cũng là một trong những bệnh nghề nghiệp phổ biến ở nhiều địa phương và nhiều ngành nghề.
Muốn chẩn đoán xác định bệnh ĐNN phải dựa vào 3 cơ sở chính, đó là:
1. Tính chất nghề nghiệp
- Người công nhân phải làm việc ở môi trường có tiếng ồn cao ở ngưỡng gây hại.
- Thời gian làm việc trong môi trường ồn cũng phải lưu ý.
2. Khám lâm sàng
Người công nhân được khám tai mũi họng thật đầy đủ để xác định tình trạng của tai: không có tổn thương ở màng tai, tai giữa và xương chũm hoặc không có tổn thương tiền đình.
3. Đo sức nghe
Đây là tiêu chuẩn quyết định trong chẩn đoán điếc nghề nghiệp.
Muốn đo sức nghe, cần phải có một buồng cách âm. Buồng cách âm chuẩn, có âm nền thấp bao nhiêu thì kết quả đo càng chính xác bấy nhiêu (Tiêu chuẩn từ 35 – 40 dB).
Hiện nay tại các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp chuyên ngành đa số đều có phòng cách âm chuẩn. Tuy nhiên, buồng cách âm này chỉ để tại một phòng khám bệnh nghề nghiệp cố định ít có điều kiện vận chuyển đến các nhà máy, xí nghiệp để đo sức nghe cho công nhân. Việc tập trung công nhân về các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp cùng một lúc (Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế ngành…) là rất khó thực hiện. Mặt khác, khi xuống cơ sở việc tạo ra một buồng cách âm tương đối chuẩn cũng hết sức khó khăn (che, chắn) và thường không ổn định về âm nền.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều năm qua chúng tôi đã sử dụng các loại xe ô tô máy lạnh làm phòng cách âm “di động”. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số loại xe mà chúng tôi thường sử dụng để làm buồng cách âm khi đo thính lực ở cơ sở để các đồng nghiệp tham khảo
TT | Loại xe | Tiếng ồn cùng thời điểm | |
Bên ngoài xe | Bên trong xe | ||
1 | Toyota Landcruiser (xe cứu thương – 10 sử dụng) | 57 –65 dB | 33 – 35 dB |
2 | Prado Landcruiser (3 năm sử dụng) | nt | 32 – 34 dB |
3 | Jolie (4 năm sử dụng) | nt | 36 – 42 dB |
4 | Mecedec Benz (8 năm sử dụng) | nt | 37 – 40 dB |
5 | Toyota Landcriuser (12 năm sử dụng) | nt | 33 – 38 dB |
Với buồng cách âm chuẩn, chúng tôi đo tiếng ồn bên ngoài (đặt tại tầng 3 cách đường giao thông 50m) là 53 – 55dB, bên trong là 32 – 36 dB.
Lưu ý:
- Tiếng ồn bên ngoài càng thấpthì tiếng ồn bên trong xe cũng sẽ càng thấp.
- Khi xuống cơ sở ta phải tìm nơi yên tĩnh (thường là khu vực làm việc hành chính) gần ổ cắm điện và sử dụng máy đo tiếng ồn kiểm tra trước.
- Bệnh nhân ngồi ở ghế trước (Cạnh ghế lái xe)
- Máy đo thính lực đặt ở hàng ghế giữa (sau ghế lái xe), người đo cũng ngồi hàng ghế này.
- Dây điện (ổ cắm nối có dây dài 5 – 10m) được luồn ở mép dưới góc trái cửa lên xuống (cửa giữa) của xe.
- Khi đo không cho những bệnh nhân khác đứng gần xe nói chuyện ồn ào làm cho âm nền giao động.
- Những bệnh nhân nào có kết quả nghi ngờ, ta sẽ đề nghị cơ sở đưa họ đến phòng cách âm chuẩn ở cơ sở khám bệnh nghề nghiệp kiểm tra lại để chẩn đoán xác định.