Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4: Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi cán bộ y tế trực tiếp hiến máu

07/04/2014 | 01:56 AM

 | 

Ngày 07/4/2000, Thủ tướng Chính Phủ đã ký ban hành Quyết định về việc vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện (HMTN) và lấy ngày 07/4 hằng năm là ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện”. Nhân dịp này, báo Sức khỏe & Đời sống có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.

Ngày 07/4/2000, Thủ tướng Chính Phủ đã ký ban hành Quyết định về việc vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện (HMTN) và lấy ngày 07/4 hằng năm là ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện”. Nhân dịp này, báo Sức khỏe & Đời sống có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.

Thưa Bộ trưởng, phong trào hiến máu tình nguyện đã có bước phát triển tốt, Bộ trưởng có thể đánh giá tóm tắt kết quả nổi bật nhất sau 15 năm thực hiện Quyết định 43/QĐ-TTg của Thủ tướng?

Ngày 24/1/1994, chúng ta chính thức phát động phong trào hiến máu nhân đạo. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng ký ban hành Quyết định 43/2000/QĐ-TTg ngày 7/4/2000 về việc vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện, phong trào HMNT mới phát triển mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Kết quả trong giai đoạn 2000 – 2013, cả nước tiếp nhận được: 7.241.181 đơn vị máu, trong đó 5.090.117 đơn vị máu là từ người hiến máu tình nguyện; tỷ lệ dân số tham gia hiến máu tang từ 0.31% năm 2000 lên 1.08% vào năm 2013. Kết quả này đã tạo ra “đòn bẩy” thúc đẩy mạnh mẽ công tác truyền máu, đóng góp rất lớn cho công tác cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chúng ta còn nhớ những sự kiện gần đây, như để cứu những nạn nhân vụ sập cầu treo ở tỉnh Lai Châu, mổ cho bệnh nhân vỡ tim ở Hà Nội, hay những ca ghép tạng, ghép tủy…, nếu không có máu dữ trữ sẵn sàng, thì không thể thực hiện thành công được.

Ngoài ra, Chương trình hiến máu tình nguyện cũng đạt được một số kết quả khác như xây dựng và củng cố được hệ thống Ban chỉ đạo vận động HMTN từ trung ương tới địa phương; lập kế hoạch cho công tác hiến máu tình nguyện từ trung ương đến tận cấp xã/phường; xây dụng các hoạt động truyền thông về HMTN rất đa dạng, sáng tạo; từng bước mở rộng đối tượng tham gia hiến máu, từ thanh niên, sinh viên là chính thì hiện nay đã đẩy mạnh ở nhiều độ tuổi, nhiều ngành nghề khác nhau… Những kết quả này đã góp phần to lớn vào việc hình thành một phong trào xã hội rất lành mạnh, văn minh, đầy tình nhân ái, giúp ích rất lớn cho việc giáo dục thế hệ trẻ.

Thưa Bộ trưởng, ngành y tế đã có những biện pháp gì để thúc đẩy sự phát triển của phong trào HMTN?

Trong 20 năm qua, công tác truyền máu đã góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của ngành y tế, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Cụ thể, chúng ta đã: i) Quy hoạch được hệ thống truyền máu Việt Nam theo hướng tập trung và hiện đại, xây dựng các trung tâm truyền máu lớn trên cả nước cũng như trung tâm truyền máu vùng; ii) Trang bị các thiết bị hiện đại cho công tác truyền máu, dụng cụ cho công tác tiếp nhận máu: từ việc lấy máu bằng chai, đến nay lấy máu bằng túi dẻo, trước đây hiến máu trong bệnh viện thì đến nay đã đưa việc hiến máu đến với các địa phương thậm chí đến từng thôn, xã tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân đều có thể hiến máu tình nguyện; iii) Đẩy mạnh công tác sàng lọc, sản xuất các thành phần máu góp phần nâng cao hiệu quả, an toàn trong công tác truyền máu; iv) Tăng cường công tác lưu trữ, phân phối máu từ trung tâm lớn đến các bệnh viện, điều phối máu từ các vùng miền trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tham mưu cho Nhà nước các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy công tác tuyên truyền vận động, chế độ cho người hiến máu và từng bước hoàn thiện quy trình truyền máu lâm sàng, thực hiện công tác bồi hoàn máu cho người hiến máu tình nguyện.

bo truong keu goi hien mau.png
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ân cần hỏi thăm cán bộ công chức viên chức tham gia hiến máu tình nguyện tại cơ quan Bộ Y tế ngày 4/4/2014.

Thưa Bộ trưởng, đâu đó vẫn còn những ý kiến về việc thiếu máu cho điều trị, vậy công tác HMTN còn những khó khăn gì?

Trên thế giới, tình trạng thiếu nguồn người hiến máu còn khá phổ biến, với 7 tỷ dân, mới thu được khoảng 103 triệu đơn vị máu, còn thiếu so với nhu cầu tối thiểu khoảng 140 triệu đơn vị máu mỗi năm. Ở nước ta, với nhu cầu tối thiểu là 1,8 triệu đơn vị máu mỗi năm, chúng ta mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu. Máu còn thiếu ở nhiều địa phương, đặc biệt khan hiếm ở mùa hè, kỳ nghỉ Tết…. Có thể liệt kê một số nguyên nhân như: do phong trào hiến máu tình nguyện phát triển chưa thực sự bền vững và chưa đồng đều giữa các vùng miền; Lượng máu tiếp nhận được chủ yếu vẫn tập trung ở các tỉnh/thành phố lớn; Nguồn người hiến máu còn thiếu và chưa ổn định, đặc biệt là trong thời điểm Hè và Tết nguyên đán; Kinh phí dành cho công tác hiến máu tình nguyện còn chưa được đầu tư đúng mức…

Hiện nay, hoạt động hiến máu và truyền máu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, ngành y tế đã có những biện pháp gì để thúc đẩy hoạt động này phát triển?

Trong thời gian qua, ngành Y tế đã rất quan tâm đến công tác truyền máu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chúng tôi đã giao cho Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thực hiện khảo sát toàn diện về truyền máu, đồng thời thực hiện một đề tài cấp Bộ Y tế về an toàn truyền máu và xây dựng lực lượng hiến máu dự bị cho các đảo và vùng sâu, vùng xa. Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa bằng nguồn kinh phí nhà nước cũng như nguồn kinh phí của các tổ chức quốc tế, kinh phí xã hội hóa nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các trung tâm truyền máu lớn và với địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Nhân ngày toàn dân hiến máu tình nguyện – 07/4/2014, Bộ trưởng có thông điệp gì nhắn gửi tới cộng đồng?

Nhân dịp ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện”, với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, tôi nhiệt liệt biểu dương các cá nhân đã tham gia hiến máu tình nguyện. Nhân đây, tôi kêu gọi những người khỏe mạnh tham gia hiến máu cứu người, đặc biệt các cán bộ y tế hãy đi đầu trực tiếp tham gia hiến máu để hưởng ứng phong trào này. Tôi cũng kêu gọi và đánh giá cao sự vào cuộc của các nhà quản lý, nhà lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, bằng trách nhiệm và tình cảm của mình hãy tích cực vận động, kêu gọi các cán bộ, viên chức, người lao động, thanh niên, sinh viên, chiến sỹ công an, bộ đội… tham gia hiến máu tình nguyện để cùng nhau chung tay xây dựng một xã hội khỏe mạnh và nhân văn hơn.