Điểm tin y tế ngày 21/3/2019

22/03/2019 | 14:00 PM

 | 

  1. 120 gian hàng tham dư Hội chợ Dược liệu toàn quốc

Ngày 20/3, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Lễ tưởng niệm ngày viên tịch của đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh và khai mạc Hội chợ dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền toàn quốc lớn nhất năm 2019. Phát biểu tại sự kiện Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Hội chợ là dịp để đẩy mạnh tiêu thụ dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền; quảng bá, giới thiệu sâu rộng các sản phẩm dược liệu sạch, an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng và nâng cao ý thức trách nhiệm của DN đối với vấn đề an toàn, sức khỏe trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm dược liệu, thuốc cổ truyền.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, việc tổ chức Hội chợ nằm khuyến khích các tổ chức, DN đầu tư nghiên cứu, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm dược liệu chất lượng cao.

Thông tin về các DN tham dự Hộ chợ, ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, dược cổ truyền, quy mô Hội chợ lần này rất lớn với 120 gian hàng của các địa phương, cơ sở trồng dược liệu, DN sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu và các sản phẩm y dược cổ truyền các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh đó, theo ông Khánh, trong khuôn khổ Hội chợ, sẽ diễn ra các hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng hợp tác giữa các địa phương, nhà sản xuất với các DN kinh doanh, phân phối dược liệu và các sản phẩm y dược cổ truyền; các sự kiện quảng bá, giới thiệu dược liệu, sản phẩm y dược cổ truyền của các đơn vị tham gia Hội chợ; thăm khám bệnh, tư vấn kiến thức về các loại dược liệu, thuốc cổ truyền miễn phí... trong suốt quá trình diễn ra Hội chợ.

Cục trưởng Cục Quản lý Y, dược cổ truyền kỳ vọng, Hội chợ dự kiến thu hút khoảng 20.000 lượt khách tham quan, trong đó gồm nhiều DN, hợp tác xã, Hội đông y các tỉnh, các lương y, bác sỹ bệnh viện, DN kinh doanh, phân phối, thu mua dược liệu đến tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm và tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ.

Tại Lễ khai mạc, các đại biểu đã dành một phúc tưởng niệm vị danh y tài ba của dân tộc đó là Tuệ Tĩnh.

Hội chợ sẽ diễn ra từ 17h30 ngày 20/3, kéo dài đến ngày 25/3.

  1. Lần đầu tiên tổ chức hội nghị về kiểm soát nhiễm khuẩn tại Việt Nam

Ngày 20/3, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị khoa học Kiểm soát nhiễm khuẩn châu Á - Thái Bình Dương (APSIC 2019) lần thứ 9. Đây là lần đầu tiên hội nghị về chuyên ngành kiểm soát nhiễm khuẩn được tổ chức tại Việt Nam.

APSIC được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần nhằm tạo diễn đàn trao đổi, cập nhật kiến thức cho các chuyên gia, bác sĩ, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn trong khu vực và trên toàn thế giới. Năm nay, APSIC 2019 thu hút 1.500 đại biểu đến từ 31 quốc gia, trong đó có các diễn giả hàng đầu về chuyên ngành kiểm soát nhiễm khuẩn. Hội nghị tổ chức tại Việt Nam là cơ hội để nhiều bác sĩ trong nước có thể tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài việc tích lũy kinh nghiệm, APSIC 2019 được kỳ vọng là dịp để khẳng định vị thế của công tác kiểm soát nhiểm khuẩn của Việt Nam với thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Trong những năm qua, TP. Đà Nẵng luôn chú trọng cải thiện và phát triển ngành y tế nói chung và công tác kiểm soát nhiễm khuẩn nói riêng. Năm 2019, ngành y tế Đà Nẵng đã nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh, phục hồi các chức năng ở các tuyến điều trị, chú trọng phát triển kỹ thuật chuyên sâu. Đối với công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám chữa bệnh, các khoa chuyên ngành được xây dựng để thực hiện công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, an toàn cho người bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám chữa bệnh luôn là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới. Bộ Y tế Việt Nam trong nhiều năm qua đã có nhiều chính sách, chương trình hành động nhằm tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế. “Hội nghị APSIC 2019 lần này là diễn đàn quốc tế quý báu, là nơi để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà lâm sàng, các cán bộ y tế từ các hội kiểm soát trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong lĩnh vực phòng và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, các bệnh dịch mới nổi, tái nổi và đặc biệt là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở khám chữa bệnh”.

APSIC 2019 bao gồm 1 phiên toàn thể, 39 phiên nhỏ gồm 117 bài báo cáo khoa học và 8 phiên thuyết trình xoay quanh 4 chuyên đề lớn về kiểm soát nhiểm khuẩn./.

  1. Kiểm soát nhiễm khuẩn tại Việt Nam còn nhiều thách thức

Hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh chưa hoàn thiện đầy đủ theo quy định.

Sáng 20/3, tại thành phố Đà Nẵng diễn ra Hội nghị khoa học Kiểm soát nhiễm khuẩn châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 9 (APSIC 2019). Hội nghị do Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP HCM đăng cai tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, thu hút sự tham gia của gần 2.000 đại biểu đến từ 20 quốc gia trên thế giới.

Hội nghị này được tổ chức 2 năm/lần. Đây là diễn đàn trao đổi và cập nhật kiến thức cho các chuyên gia, bác sĩ, nhà nghiên cứu về lĩnh vực Kiểm soát nhiễm khuẩn trong khu vực và trên toàn thế giới. Hội nghị lần này tập trung 4 chuyên đề chính gồm: Nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn liên quan đến y tế, các bệnh truyền nhiễm đang bộc phát hiện nay, vấn đề đề kháng kháng sinh và chương trình quản lý kháng sinh; Các vấn đề quan trọng trong phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, sức khoẻ nghề nghiệp; Vệ sinh tay và các biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn khác; Khử khuẩn, tiệt khuẩn, đơn vị tiệt khuẩn trung tâm, vệ sinh môi trường.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, những năm qua ngành Y tế Việt Nam đã có nhiều chương trình hành động tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế; Xây dựng được hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám chữa bệnh; Ngăn chặn được nhiều dịch bệnh như Cúm A H1N1, sởi,…

Tuy vậy, hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh chưa hoàn thiện đầy đủ theo quy định. Nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu và yếu...

“Việt Nam là nước đầu tiên đã ngăn chặn được bệnh SARS với những sáng kiến của công cuộc phòng chống bệnh dịch, đặc biệt là trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Những bệnh dịch cúm, sởi, đang là những thách thức lớn ở Việt Nam cũng như toàn cầu. Tổ chức Hội nghị lần thứ 9 tại Việt Nam sẽ đem lại một phát triển mới trong công cuộc thực hiện Kiểm soát nhiễm khuẩn ở Việt Nam cũng như trong khu vực”, ông Lương Ngọc Khuê cho biết./.

  1. Công bố kế hoạch 5 năm chống đề kháng kháng sinh

Chiều 20/3, tại Đà Nẵng, trong khuôn khổ Hội nghị của Hiệp hội kiểm soát nhiễm khuẩn châu Á Thái Bình Dương (APSIC) lần thứ 9, BD – một công ty hàng đầu về công nghệ y tế trên thế giới công bố kế hoạch hành động 5 năm chống đề kháng kháng sinh tại Việt Nam (2018 – 2022).

Theo đó, kế hoạch này bao gồm một loạt các chương trình đào tạo và chứng nhận, tập trung vào giới thiệu những cách tốt nhất để quản lý các phòng thí nghiệm lâm sàng; Giáo dục nâng cao nhận thức về mối nguy hại của đề kháng kháng sinh; Xây dựng các hướng dẫn, quy định và hỗ trợ chính sách để giải quyết đề kháng kháng sinh....

Đồng thời, chương trình thẻ điểm chất lượng phòng thí nghiệm đề kháng kháng sinh cũng được triển khai. Cùng với bảng hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành năm 2017, thẻ điểm này sẽ giúp các phòng thí nghiệm tự đánh giá quy trình của mình qua thang 5 điểm để từ đó cải thiện quy trình. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á tiến hành thí điểm chương trình này.

Theo ông Gary Cohen, Phó Chủ tịch Điều hành Sức khỏe Toàn Cầu – Chủ tịch Quỹ BD, nhận thức về đề kháng kháng sinh vẫn còn thấp.

“Ở Việt Nam, nhiều người dân và cả các bệnh viện đều có những quan điểm sai lầm về thuốc kháng sinh và việc lạm dụng quá mức các loại thuốc này đang góp phần khiến các ca đề kháng kháng sinh tăng cao”, ông Gary nói.

Theo nghiên cứu, tại các bệnh viên, mức sử dụng kháng sinh được ghi nhận đạt trung bình 274,7 liều hằng ngày/100 giường. Nhiễm khuẩn bệnh viện là một yếu tố gây rủi ro cao trong điều trị đề kháng kháng sinh. Bộ Y tế ước tính, cứ 10 bệnh nhân thì có 1 người bị nhiễm khuẩn bệnh viên khi tiếp nhận điều trị.

Năm 2013, Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên phê duyệt Kế hoạch Hành động Quốc gia về Chống kháng thuốc (2013 – 2020). Kế hoạch Quốc gia đề kháng kháng sinh 5 năm mà BD vừa công bố sẽ là chiến lược bổ sung nhằm hỗ trợ nhiều bệnh viện, chuyên gia sức khỏe trên cả nước thực hiện mục tiêu Kế hoạch Hành động Quốc gia đặt ra. 

  1. Bạch Mai triển khai công nghệ mới hút u vú không cần phẫu thuật

Kỹ thuật này đã triển khai tại bệnh viện từ năm 2018 và đã thực hiện được trên hơn 100 bệnh nhân. Đây là một kỹ thuật hiện đại, ít xâm hại, giảm tối đa tổn thương nhu mô lành lân cận.

Sáng 20/3, giáo sư Phạm Minh Thông - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, đơn vị chẩn đoán hình ảnh tuyến vú - Trung tâm Điện quang của bệnh viện đã triển khai thành công kỹ thuật chụp X-quang tuyến vú phát hiện ung thư vú sớm và kỹ thuật hút chân không loại bỏ hoàn toàn tổn thương vú, mở ra nhiều hi vọng cho bệnh nhân ung thư vú.

Tại Trung tâm Điện quang, ngoài các kỹ thuật giúp chẩn đoán bệnh lý tuyến vú đã triển khai một số kỹ thuật can thiệp tuyến vú dưới hướng dẫn của hình ảnh như: chọc hút tế bào kim nhỏ dưới siêu âm, sinh thiết kim lõi dưới X-quang và siêu âm, sinh thiết có thiết bị hút chân không dưới hướng dẫn của siêu âm và X-quang và điều trị loại bỏ tổn thương tuyến vú bằng kỹ thuật sinh thiết có hỗ trợ hút chân không dưới hướng dẫn của siêu âm.

Kỹ thuật này đã triển khai tại Trung tâm từ năm 2018 và đã thực hiện được trên hơn 100 bệnh nhân. Đây là một kỹ thuật hiện đại, có nhiều ưu điểm, ít xâm hại, giảm tối đa tổn thương nhu mô lành lân cận, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới, với trên 1 triệu trường hợp mới mắc hàng năm. Tại Việt Nam, tỷ suất mắc bệnh chuẩn hóa theo tuổi tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ gần đây, từ 13,8 năm 2000 lên 29,9/100.000 phụ nữ năm 2010. Tỷ lệ mắc mới hằng năm trên cả nước lên tới 12.533 ca, chiếm trên 20% số ca ung thư ở nữ giới. Bệnh nhân Trương Thị Minh Tâm (Hà Nội), sau khi siêu âm đã phát hiện có một khối u kích thước 7 phân nằm trong vú phải. Bệnh nhân được các bác sỹ tại Đơn vị chuẩn đoán hình ảnh tuyến vú giới thiệu đã quyết định điều trị bằng phương pháp loại bỏ tổn thương vú bằng kỹ thuật hút chân không. Sau hai tuần điều trị, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, đã có thể sinh hoạt bình thường, vết sẹo cũng đã không còn dấu vết. Chi phí điều trị sau khi đã được bảo hiểm chi trả của bệnh nhân Tâm ở mức 6-7 triệu đồng.

Bác sỹ Nguyễn Thu Hương - Trưởng nhóm chuẩn đoán hình ảnh vú, Trung tâm Điện quang (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay, bảo hiểm y tế sẽ chi trả tới 80% chi phí điều trị tổn thương vú bằng phương pháp hút chân không, trong đó bao gồm: chi phí về vật tư tiêu hao, chi phí xét nghiệm giải phẫu bệnh, chi phí xét nghiệm máu trước khi điều trị. Riêng chi phí cho thiết bị chính để điều trị là kim hút chân không, do bảo hiểm y tế chưa chi trả nên bệnh nhân sẽ tự chi trả cho chi phí này. Trong thời gian tới bệnh viện Bạch Mai sẽ thúc đẩy để phương pháp này sẽ được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ. “Với những bệnh nhân có từ 2-3 khối u, hoặc thậm chí có u nằm cả hai bên vú chúng tôi vẫn cố gắng hạn chế chi phí cho người bệnh bằng cách chỉ sử dụng một kim hút chân không để điều trị, nhằm giảm chi phí đến mức tối thiểu cho người bệnh,” bác sỹ Nguyễn Thu Hương chia sẻ. Loại bỏ tổn thương vú bằng kỹ thuật sinh thiết có hỗ trợ hút chân không có nhiều ưu điểm như: Đây là kỹ thuật hiện đại, sử dụng kim sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm có đường kính lớn (11-8G), có thiết bị hỗ trợ hút chân không để lấy mẫu bệnh phẩm, cho kết quả giải phẫu bệnh tốt hơn hoặc để lấy toàn bộ tổn thương lành tính.

Đây là phương pháp mới, hiện đại, ít xâm hại, giảm tối đa tổn thương nhu mô lành lân cận, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Thời gian thực hiện nhanh, bệnh nhân có thể ra viện trong ngày, có thể sinh hoạt bình thường sau 1 ngày, chỉ gây tê tại chỗ, hầu như không để lại sẹo. Kỹ thuật hút chân không loại bỏ hoàn toàn tổn thương vú chỉ định cho bệnh nhân u xơ tuyến vú lành tính tiến triển, bệnh nhân có nhu cầu cắt bỏ u, nang vú nhiễm trùng tái phát, phức hợp nang xơ hoá, u nhú (papiloma), kết quả sinh thiết nghi ngờ hay thất bại, các tổn thương quá nhỏ (<5mm) sinh thiết kim lõi khó khăn. Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương - Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, phụ nữ từ 40 tuổi trở lên là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú. Những đối tượng cần chụp X-quang tuyến vú khi được chẩn đoán: các bệnh lý u lành tính, khi có triệu chứng đau, chảy dịch núm vú, biến đổi da vú, sờ thấy khối; khi các phương pháp khác nghi ngờ có tổn thương; đánh giá vú to nam giới… Trước đây, hầu hết các bệnh nhân phát hiện ung thư vú ở giai đoạn muộn, khi các triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng, khiến tiên lượng bệnh kém. Việc sàng lọc ung thư vú phát hiện những u nhỏ, tổn thương không sờ thấy giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú./.

  1. Việt Nam tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Việt Nam đã giảm được thứ hạng từ 12 xuống thứ 16 trên thế giới về số người mắc lao cao trong năm năm qua. Việt Nam đang hội tụ gần đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018, ước tính số liệu năm 2017, Việt Nam có 124.000 người mắc lao mới. Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2017 ở Việt Nam ước tính là 12.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông.

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, so với ước tính năm 2015, số mắc giảm được 4.000 và số chết đã giảm được 4.000. Lao đa kháng thuốc ước tính có 4.900 người - giảm đi rõ rệt so với năm 2015 (ước tính 2015 là 5.200). Lao đồng nhiễm HIV cũng đã giảm từ 7% đã xuống 3% trong số bệnh nhân lao được phát hiện.

Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lnăm 2017 và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8%/năm. Những năm gần đây tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Hiện nay, Việt Nam cũng đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị với kết quả cao, đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới mạnh từ Trung ương đến địa phương.“Điều này cho thấy hướng đi của Việt Nam hoàn toàn đúng và tiếp tục là mô hình điểm cho các nước có gánh nặng bệnh lao cao triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao của Tổ chức Y tế Thế giới”, BS Nhung cho hay.

Ngày 26-9-2018 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử đã diễn ra cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chấm dứt bệnh lao với sự cam kết của các nhà lãnh đạo cấp quốc gia các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Tại đây, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Với chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao của Việt Nam năm nay là: “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”, Việt Nam đặt ra mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, tức là với dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao một năm.

Tuy nhiên, hiện nay ước tính Việt Nam vẫn có 124.000 mắc lao mới/năm. Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn hơn 20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao.

“70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững”, PGS, TS Nguyễn Viết Nhung nói.

Để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, thách thức lớn nhất của Chương trình chống lao hiện nay là duy trì bền vững tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030. Vì vậy, cần thể chế hoá Nghị quyết của Trung ương Đảng và Chiến lược Quốc gia của Chính phủ bằng các văn bản pháp quy. Thách thức thứ hai cùng vô cùng quan trọng đó là sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.

  1. Bộ Y tế yêu cầu báo cáo về việc chỉ định điều trị sau xét nghiệm sán lợn

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị các bệnh viện này báo cáo tình hình xét nghiệm sán và một số ký sinh trùng khác, cũng như việc chỉ định điều trị.

Trước diễn biến người dân tại Bắc Ninh đổ xô đưa con đi xét nghiệm sán lợn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư (tại Hà Nội), ngày 19.3 Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị các bệnh viện này báo cáo tình hình xét nghiệm sán và một số ký sinh trùng khác, cũng như việc chỉ định điều trị.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cho rằng việc người dân lo lắng trước thông tin thực phẩm không bảo đảm xuất hiện ở Trường mầm non Thanh Khương, H.Thuận Thành (Bắc Ninh) và sau đó tự nguyện đưa con cháu đi xét nghiệm ở các cơ sở y tế là chính đáng.

Tuy nhiên, hiện chưa có cơ sở để khẳng định việc vi phạm an toàn thực phẩm ở Trường Thanh Khương là nguyên nhân khiến nhiều trẻ có xét nghiệm dương tính với sán lợn, trong khi các mẫu thịt nổi hạch xuất hiện trong bếp ăn Trường Thanh Khương được phụ huynh phản ánh phát hiện hôm 14.2 và 20.2 vừa qua không còn lưu, nên không thể xét nghiệm.

Ông Phong cũng lưu ý, với các cháu chưa có kết quả, chưa xét nghiệm sán lợn, cán bộ y tế địa phương cùng với cán bộ giáo dục, nhà trường không những chỉ theo dõi ấu trùng, ký sinh trùng đường ruột mà phải theo dõi sức khỏe các cháu thường xuyên. Nếu có bất thường thì phải xử lý kịp thời. Để phòng chống giun sán nói chung, không chỉ ở trường học mà cả cộng đồng phải thực hiện nghiêm túc ăn chín uống sôi, vệ sinh, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Trong diễn biến khác, hôm qua đoàn công tác Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh tổ chức lấy máu xét nghiệm sán lợn cho học sinh tại các trường mầm non của xã Đại Đồng Thành và Đình Tổ, theo kế hoạch của UBND H.Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Cùng ngày, Công an H.Thuận Thành cho biết đã xác minh tài khoản mạng xã hội đăng tin sai sự thật về thịt lợn nhiễm sán tại trường mầm non xã Ngũ Thái chiều 18.3 là của ông Nguyễn Bá Mạnh (32 tuổi, ngụ Ngũ Thái, H.Thuận Thành).

Bước đầu, ông Mạnh khai nhận do có con trai học tại Trường mầm non Ngũ Thái dương tính với sán lợn, nên bức xúc tải hình ảnh thịt lợn nhiễm sán đăng lên tài khoản Facebook cá nhân. Sau khi làm việc với cơ quan công an, ông Mạnh đã gỡ bỏ nội dung đăng tải, đính chính thông tin và công khai xin lỗi trên tài khoản cá nhân.

Công an H.Thuận Thành đã lập biên bản để xử phạt hành chính đối với hành vi của ông Mạnh.

  1. Báo cáo Bộ Y tế về vụ mẹ con sản phụ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

Chiều 20/3, ông Nguyễn Hữu Huyên - Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ Y (Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk) cho biết đã có báo cáo gửi Bộ Y tế, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Lắk về trường hợp 2 mẹ con sản phụ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Cũng theo ông Huyên, báo cáo của Sở Y tế dựa trên cơ sở báo cáo của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để cung cấp những thông tin bước đầu. Việc xác định nguyên nhân tử vong, cơ quan công an đang tiến hành giám định pháp y. Ngoài ra, Sở cũng có công văn yêu cầu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản (đơn vị thường trực thẩm định tử vong mẹ) kiểm thảo tử vong, họp hội đồng chuyên môn và thẩm định tử vong mẹ.

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, sản phụ Võ Thị Hà (SN 1985, trú tại thôn 5, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk)  vào viện lúc 9 giờ 35 phút ngày 18/3 trong tình trạng tỉnh táo, thai lần 2 đủ tháng chuyển dạ, kết quả thăm khám trong giới hạn bình thường.

Đến 16 giờ 10 phút cùng ngày, sản phụ khó thở, toàn thân nổi vân tím, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, tim rời rạc, tim thai khó nghe nên bệnh viện đã tiến hành hồi sức. Đến khoảng 17 giờ 5 phút cùng ngày, sản phụ hôn mê, thở qua bóp bóng. Tiến hành hội chẩn toàn viện chẩn đoán bệnh nhân ngưng tuần hoàn hô hấp chưa rõ nguyên nhân.

Từ kết quả xét nghiệm, các bác sĩ tiên lượng tử vong nên giải thích cho gia đình mổ lấy thai cứu mẹ. Tuy nhiên, sau khi mổ, sản phụ vẫn hôn mê nên tiếp tục hồi sức tích cực. Đến 19 giờ cùng ngày, bệnh nhân tử vong. Chẩn đoán tử vong do ngưng tuần hoàn, hô hấp không phục hồi nghi do thuyên tắc ối/Thai lần 2 đủ tháng chuyển dạ, ối vỡ sớm giờ thứ 3.

  1. Bệnh viện Phổi Hà Nội: Ứng dụng phác đồ mới, bệnh nhân hưởng lợi

Với việc ứng dụng phác đồ mới cũng như nhiều kỹ thuật hiện đại, Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nội đã mở ra cánh cửa hy vọng cho bệnh nhân mắc lao. Phương pháp này không chỉ giúp người bệnh rút ngắn thời gian dùng thuốc, ít bị tác dụng phụ, giảm chi phí điều trị, từ đó hạn chế tỉ lệ bệnh nhân bỏ điều trị mà bác sĩ cũng "nhàn" hơn rất nhiều.

Trước đây, phác đồ điều trị lao thông thường kéo dài 9 tháng, riêng lao kháng thuốc, phải điều trị 20 tháng. Quá trình điều trị dài, cộng thêm tác dụng phụ của thuốc chống lao tích luỹ, người bệnh thường gặp các phản ứng phụ từ thuốc như viêm gan, viêm gân cơ, suy thận, điếc tai, rối loạn tâm thần… Những phản ứng này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đời sống bệnh nhân lao. Vì lẽ đó, không ít bệnh nhân bỏ điều trị, dẫn tới tình trạng lao kháng thuốc, đa kháng thuốc.

Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao của Việt Nam năm nay là: "Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030. Chủ đề muốn nêu rõ định hướng và mục tiêu cụ thể, đó là cơ bản chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, tức là với dân số 100 triệu người thì cả nước sẽ chỉ còn 1.000 người mắc lao mỗi năm. Trong khi hiện nay, mỗi năm có đến 124.000 người mắc lao mới.

Nhìn nhận rõ thực tại, các chuyên gia trong ngành phòng chống lao đã áp dụng phác đồ điều trị lao mới, chỉ trong vòng 6 tháng đối với lao thông thường và 9 tháng đối với lao kháng thuốc. BV Phổi Hà Nội cũng đã triển khai phương pháp này trong 2 năm qua, mở ra nhiều hy vọng cho không chỉ bệnh nhân mắc lao mà cho cả nhân viên y tế.

Phó Giám đốc BV Phổi Hà Nội Hoàng Văn Huấn cho biết, với phác đồ mới, do thời hạn điều trị ngắn, nhân viên y tế có thể theo dõi bệnh nhân sát sao hơn, công tác kiểm tra nhân lực, vật lực cũng nhiều thuận lợi hơn. Riêng với bệnh nhân, nhờ rút ngắn quá trình điều trị, người bệnh tuân thủ điều trị hơn, tác dụng phụ cũng giảm hẳn so với phác đồ dài hạn. Kết quả điều trị bằng phương pháp mới rất khả quan, trên 90% bệnh nhân khỏi bệnh, tái phát hay điều trị thất bại chỉ nằm trong giới hạn cho phép.

Chưa kể, theo TS Hoàng Văn Huấn, phác đồ mới áp dụng nhiều hệ thuốc mới cũng mang lại lợi ích rất tích cực. Nếu trước đây, bệnh nhân tiền siêu kháng thuốc, siêu kháng thuốc chỉ được chăm sóc giảm nhẹ, hỗ trợ dinh dưỡng, gần như không có cơ hội điều trị thì hiện nay, phác đồ mới mang lại hiệu quả cao, 80% số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Khiêm - Trưởng khoa Nội II của BV cho biết, đến nay đã có hơn 200 bệnh nhân lao kháng thuốc được điều trị tại Khoa và hầu hết trong số đó đều khỏi bệnh. Chẳng hạn trường hợp bệnh nhân P.T.H. (61 tuổi, ở tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị ho, sốt kéo dài về chiều, khó thở được chẩn đoán lao phổi kháng thuốc dù chưa từng điều trị lao bao giờ. Sau khi vào BV Phổi Hà Nội, bệnh nhân được áp dụng phác đồ 9 tháng, và khỏi bệnh hoàn toàn.

Sẽ xóa sổ bệnh lao trong 4 tháng điều trị

Không chỉ dừng ở phác đồ 6 tháng, với hy vọng đẩy lùi lao nhanh chóng, hiện tại, BV Phổi Hà Nội đang tiến hành thí điểm, nghiên cứu phương pháp điều trị lao chỉ trong 4 tháng.

TS Hoàng Văn Huấn cho biết: “Nhóm nghiên cứu chọn lọc những bệnh nhân đạt tiêu chuẩn, rút ngắn thời gian chữa bệnh bằng cách tăng lượng thuốc, dùng thuốc mới, theo dõi chặt chẽ các đáp ứng của bệnh nhân. Hiện tại, nghiên cứu cho kết quả rất khả quan, người bệnh đáp ứng thuốc, hạn chế tác dụng phụ. Tôi tin, tương lai điều trị lao có thể rút ngắn xuống còn 4 tháng”.

Tất cả bệnh nhân tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ đều khỏi bệnh. Chỉ những bệnh nhân không hiểu hết bệnh lao, tin theo quan niệm dân gian, không chịu được tác dụng phụ của thuốc, bỏ thuốc… mới không khỏi bệnh.

Song hành việc áp dụng phác độ điều trị mới, BV còn triển khai các phương pháp xét nghiệm hiện đại để chẩn đoán bệnh như xét nghiệm phản ứng chuỗi PCR, xét nghiệm sinh hóa Quantiferon(IGRA)… Những công nghệ này đảm bảo cho kết quả nhanh, chính xác nhất, chẩn đoán sớm lao, nhất là lao kháng thuốc, kháng đa thuốc để lựa chọn phác đồ phù hợp. Nếu như trước đây, để tìm ra lao kháng thuốc, bệnh nhân phải xét nghiệm nuôi cấy cổ điển 2 tháng và mất thêm 2 tháng làm kháng sinh đồ mới cho kết quả, nhưng nay xét nghiệm RIF có thể chẩn đoán lao kháng thuốc chỉ trong 2 tiếng. Hay với một số bệnh nhân nhiễm lao tiềm ẩn, mắc lao ở vị trí khó lấy bệnh phẩm như lao xương, lao hạch…, trước đây, những bệnh nhân này thường rất khó để tìm ra vi khuẩn lao. Tuy nhiên, khi BV Phổi Hà Nội áp dụng kỹ thuật xét nghiệm sinh hoá Quantiferon(IGRA), tất cả bệnh nhân kể trên đều có cơ hội tìm ra bệnh một cách nhanh nhất.

Bác sĩ Đỗ Băng Tâm - Phó trưởng khoa Phụ trách hoá sinh huyết học truyền máu, BV Phổi Hà Nội cho biết: Xét nghiệm Quantiferon có thể phát hiện cả giai đoạn lao tiềm ẩn và lao hoạt động dựa vào đáp ứng miễn dịch tế bào. Trên cơ sở dự phòng phải kiểm soát tốt nhóm lao tiềm ẩn cũng giúp khống chế bệnh lao trong cộng đồng. Với một số bệnh nhân đặc biệt, khó lấy bệnh phẩm như đờm, dịch…, phương pháp này cũng hỗ trợ tối ưu. Kỹ thuật cho kết quả nhanh, không báo dương tính giả, ảnh hưởng bởi tiêm chủng lao.

Với việc ứng dụng nhiều kỹ thuật cũng như phác đồ điều trị lao mới, nâng cao chất lượng điều trị, bác sĩ Hoàng Văn Huấn tin tưởng, nếu được tuyên truyền tốt hơn, nhận thức bệnh nhân nâng cao, chắc chắn đến năm 2030, bệnh lao sẽ được loại trừ.

  1. Nhìn từ Bệnh viện: Tôn vinh người làm công tác xã hội

Những ngày này, hội trường lớn của nhiều bệnh viện được kê gọn bàn, ghế hội họp hằng ngày để phục vụ các hoạt động hưởng ứng Ngày công tác xã hội Việt Nam. Hôm xuống Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi được chứng kiến chương trình “nối vòng tay, trao yêu thương”. Kết thúc sự kiện, hơn 300 người bệnh đang điều trị nội trú vừa được “làm đẹp” thông qua cắt tóc, gội đầu miễn phí, vừa được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc đến từ một số câu lạc bộ yêu nhạc và nhóm nhạc trên địa bàn Hà Nội.

Tại chương trình, 500 thành viên là cựu học sinh THPT Hà Nội niên khóa 1991 - 1994 tham gia hiến 355 đơn vị máu; bổ sung cho tủ sách của Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai sách, truyện hay, bút sáp, tập tô mầu; trao quà tặng bệnh nhi người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn… Những hoạt động tương tự cũng được tổ chức tại các bệnh viện: Hữu nghị Việt Đức, K, Nhi T.Ư…

Giờ đây, tại các bệnh viện, những người làm công tác xã hội gần như không thể thiếu, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh. Hằng ngày, họ tham gia hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; ghi nhận và giải quyết những thắc mắc của người bệnh và người nhà; tham gia hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ nhân viên y tế…

Hoạt động nổi bật, đáng ghi nhận khác mà những người làm công tác xã hội đang làm rất tốt là vận động, tiếp nhận tài trợ, tổ chức các hoạt động từ thiện, công tác xã hội của bệnh viện tại cộng đồng. Nhờ hàng tỷ đồng của các nhà tài trợ, mạnh thường quân hỗ trợ mà nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kịp thời kinh phí phục vụ quá trình điều trị tại bệnh viện. Hằng ngày, hàng nghìn suất ăn từ thiện do các nhà hảo tâm, nhóm từ thiện được phát đến tận tay người bệnh và người nhà người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động hiến máu nhân đạo cũng đang được những người làm công tác xã hội chú trọng triển khai kêu gọi cộng đồng tham gia khi nhu cầu máu phục vụ điều trị, cấp cứu luôn trong tình trạng thiếu, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, hè, khi lực lượng chính tham gia hiến máu tình nguyện nghỉ học.

Nhằm tôn vinh giá trị cao quý và ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25-3 hằng năm là Ngày công tác xã hội Việt Nam. Với ngành y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng, những người làm công tác xã hội đang có những đóng góp thầm lặng đáng ghi nhận, nhất là giúp phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam.

  1. Đà Nẵng tăng cường phòng, chống dịch bệnh sởi

Sở Y tế Đà Nẵng đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố hướng dẫn chuyên môn cho các Trung tâm Y tế quận, huyện trong việc triển khai các biện pháp xử lý dịch bệnh, thống kê rà soát các đối tượng tiêm chủng để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

Đây là một trong các nội dung công văn do Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Nguyễn Tiên Hồng ký gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Trung tâm Y tế quận, huyện và các đơn vị khám, chữa bệnh trên địa bàn nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh sởi.

Tại Việt Nam, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 10/2018, đến nay ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 trường hợp mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố. Số mắc vẫn chưa có xu hướng giảm, tập trung chủ yếu tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sinh sống và tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do tiêm vắc xin phòng bệnh sởi chưa được thực hiện đầy đủ cùng với chu kỳ bùng phát bệnh sởi thường xảy ra sau 4 đến 5 năm. Tại Đà Nẵng, thống kê tới ngày 10/3/2019 có 18 trường hợp mắc sởi.

Thực hiện Chỉ thị 05/CT-BYT ngày 07/3/2019 của Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi; để chủ động ngăn chặn không để bệnh sởi lan rộng, bùng phát mạnh, Sở Y tế Đà Nẵng đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố hướng dẫn chuyên môn cho các Trung tâm Y tế quận, huyện trong việc triển khai các biện pháp xử lý dịch bệnh, thống kê rà soát các đối tượng tiêm chủng để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường. Tham mưu kịp thời và đề xuất triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn.

Tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn. Tố chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng. Triển khai có hiệu quả tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 9 và 18 tháng tuổi, đặc biệt thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng chống dịch sởi.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo, đài trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền cho những đối tượng nguy cơ cao, trẻ em, người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin sởi cần đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi; người dân phải chủ động khai báo với cán bộ y tế khi mắc bệnh.

Trung tâm Y tế quận, huyện rà soát, thống kê đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin sởi để tiêm bổ sung, không để sót đối tượng, lưu ý các địa bàn có biến động dân cư và vùng núi. Đẩy mạnh thực hiện tiêm vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hàng tháng, tố chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng.

Thực hiện tốt việc khám sàng lọc, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Cùng với đó, các đơn vị khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo, phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, chú ý các đối tượng có bệnh nền, giảm tối đa các trường hợp tử vong, đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác điều trị./.

  1. Đác Lắc có 183 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế

UBND tỉnh Đác Lắc vừa ban hành quyết định công nhận một thị trấn đạt chuẩn mới và 182 xã, phường, thị trấn duy trì tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2018. Như vậy, đến nay, toàn tỉnh Đác Lắc có 183 trong tổng số 184 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế (đạt tỷ lệ 99,4%).

Để có được kết quả này, những năm qua, Sở Y tế Đác Lắc đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế từ cấp huyện đến cấp xã. Nhờ đó, năng lực hoạt động của trạm y tế xã đã được nâng cao về mọi mặt, cơ sở hạ tầng từng bước được nâng cấp, mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

  1. Cứu sống bệnh nhân bị đâm thấu ngực

Ngày 20.3, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa cứu sống 1 bệnh nhân có vết thương ngực nguy kịch.

Bệnh nhân là Huỳnh Lâm Như K., SN 1983, ngụ P.3, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, nhập viện sáng 19.3.2019. Trước đó khoảng 8 giờ, bệnh nhân bị đâm vào lưng trái, vết thương chảy máu, đau và được đưa vào nhập viện tại Bệnh viện Sóc Trăng. Tại đây bệnh nhân được xử lý dẫn lưu màng phổi, truyền 10 đơn vị máu, 2 đơn vị huyết tương, dẫn lưu 1.000ml dịch, sau đó chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Tình trạng bệnh nhân lúc vào Khoa Cấp cứu (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ) rất nguy kịch: kích thích, vật vã, hôn mê, chi lạnh, niêm nhạt, thở ngáp cá, huyết áp khó đo với chẩn đoán vết thương thấu ngực trái (T) đã dẫn lưu màng phổi, sốc mất máu. Khoa Cấp cứu đã truyền máu, truyền huyết tương tươi đông lạnh, truyền tiểu cầu, sử dụng vận mạch, tiến hành hội chẩn khẩn với Ngoại Lồng ngực và chuyển bệnh vào phòng mổ lúc gần 7 giờ ngày 19.3. Ê kíp phẫu thuật do bác sĩ CKII Trầm Công Chất, thạc sĩ - bác sĩ Trần Thanh Bình, đã tiến hành phẫu thuật khẩn cho bệnh nhân, lấy ra 1.000g máu cục và 1.000ml máu loãng, hút hết máu cục và máu loãng…

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sinh tồn ổn định, bệnh nhân được hồi sức tích cực. Chiểu 20.3, bệnh nhân đã có tiến triển tốt: sinh tồn ổn, duy trì an thần, gọi biết, tiếp xúc được, hết chảy máu. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Gây mê hồi sức.

  1. Bác sĩ 'vòi' 81 triệu đồng của bệnh nhân ung thư ở TP.HCM: ‘Chúng tôi cảm thấy đau xót và áy náy’

Bác sĩ T. lợi dụng tín nhiệm để nhận tiền của 15 người bệnh với tổng số tiền là 81 triệu đồng với lời hứa hẹn với sẽ làm xét nghiệm bên ngoài, kéo dài sự sống.

Phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc liên tục 'chặt chém' bệnh nhân ở Đà Nẵng Ngày 20/3, bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc bệnh viện truyền máu huyết học (TP.HCM) cho biết bệnh viện đã hỗ trợ hoàn trả cho ba người bệnh với tổng số tiền lên đến 48,5 triệu đồng, sau sự việc bác sĩ N.L.M.T có hành vi vòi tiền người bệnh để kê đơn thuốc.

Bệnh viện cũng tiếp tục thông báo, liên lạc để hoàn trả cho người bệnh còn lại; đồng thời động viên thăm hỏi và hỗ trợ tối đa để gia đình và bệnh nhân yên tâm điều trị. Động thái trên của bệnh viện đưa ra sau khi nhiều bệnh nhân ung thư tố bác sĩ T. vòi tiền họ. Bác sĩ này làm việc tại khu điều trị tổng hợp khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực. Từ cuối năm 2018 đến nay, bác sĩ T. đã lợi dụng tín nhiệm để nhận tiền của 15 người bệnh với tổng số tiền là 81 triệu đồng với lời hứa hẹn với sẽ làm xét nghiệm bên ngoài, chích một loại thuốc làm giảm đau, kéo dài sự sống… mà không nói rõ là chích thuốc gì. Thực tế qua kiểm tra hồ sơ bệnh án và biên bản họp của khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực, người bệnh hoàn toàn không được thực hiện loại thuốc nào hay xét nghiệm nào bên ngoài bệnh viện. Tất cả các y lệnh trong hồ sơ bệnh án đều thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của bệnh viện, thể hiện rõ ràng và khớp với phiếu thực hiện thuốc của điều dưỡng và người bệnh cũng có ký xác nhận vào phiếu công khai thuốc hàng ngày.

Theo giám đốc bệnh viện, dĩ bác sĩ T. có thể thực hiện được hành vi lừa dối trên là do đa phần người bệnh ở khu Điều trị tổng hợp là những bệnh nhân ung thư, tiên lượng bệnh xấu, không có khả năng điều trị triệt để theo phác đồ. Người bệnh thường xuyên phải vào bệnh viện vì diễn tiến bệnh ngày càng nặng, hết sức tin tưởng vào bác sĩ điều trị nên nhẹ dạ đưa tiền cho bác sĩ T. để mong được giảm nhẹ nỗi đau bệnh tật. Bệnh viện cũng đã kiểm tra và nhận thấy rằng đây là vi phạm cá nhân của bác sĩ T., không liên quan đến cá nhân hay tập thể nào khác trong bệnh viện. Mọi hoạt động khám chữa bệnh của khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực nói riêng và của bệnh viện nói chung đều tuân thủ theo quy định và được công khai rõ ràng, có chứng từ minh bạch

Hiện Bệnh viện Truyền máu Huyết học đã có quyết định đình chỉ công tác khám chữa bệnh của bác sĩ T.  Ngoài ra, bệnh viện cũng đang rà soát lại hết tất cả các quy trình khám chữa bệnh, thực hiện việc thông tin đến người bệnh bằng nhiều hình thức như màn hình truyền thông, nhắn tin; tăng cường giám sát, kiểm tra các hoạt động khám chữa bệnh, tránh xảy ra tiêu cực trong bệnh viện đồng thời thông tin cho người bệnh cùng giám sát.

“Hơn 30 năm hoạt động của bệnh viện, hơn ai hết chúng tôi thấu hiểu nỗi đau của người bệnh. Sự việc vừa qua tuy là sai lầm của một cá nhân, nhưng là một cú sốc rất lớn cho đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế trong toàn bệnh viện.

Chúng tôi cảm thấy đau xót và áy náy với người bệnh vì đồng nghiệp của mình đã đánh mất lương tri và sự trong sáng, vi phạm nghiêm trọng luật khám chữa bệnh và quy tắc ứng xử của người thầy thuốc trong quá trình tác nghiệp", bác sĩ Dũng nói. "Chúng tôi thấy có một phần trách nhiệm vì đã không kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi sai trái này gây ra thiệt hại và tổn thương tinh thần cho người bệnh”. Theo bác sĩ Dũng, sự việc vừa qua là một hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ cán bộ y tế về vấn đề giữ gìn đạo đức lương tâm trong sáng trong suốt quá trình hành nghề. "Chúng tôi gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến những người bệnh đã bị tổn hại" "Chúng tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thiện các quy trình khám chữa bệnh để đảm bảo không tái diễn những trường hợp tiêu cực tương tự và thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về quy định pháp luật cũng như vấn đề y đức để nhắc nhở cán bộ công nhân viên trong bệnh viện”, bác sĩ Dũng khẳng định.

Được biết, bác sĩ T. đang là cán bộ của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, công tác tại bệnh viện Truyền máu Huyết học theo Hợp đồng hợp tác thực hành viện trường từ năm 2012.  Hiện Trường Phạm Ngọc Thạch cũng đã có quyết định đình chỉ công tác giảng dạy của bác sĩ T. và lập Hội đồng kỷ luật sau khi có đầy đủ thông tin của sự việc.

  1. Hành động cho sức khỏe răng miệng

Hưởng ứng ngày sức khỏe răng miệng thế giới (20/3/2019) và tăng cường công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe răng miệng cho gia đình, sáng 20/3, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM phối hợp tổ chức chương trình hỗ trợ bảo vệ răng miệng cho người dân, với thông điệp "Hãy nói A: Hành động cho sức khỏe răng miệng". Đây là một chương trình quan trọng nằm trong chiến dịch tuyên truyền, khuyến khích xây dựng những thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe răng miệng như chải răng buổi sáng và tối mỗi ngày do Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp phát động. Theo kết quả điều tra sức khỏe răng miệng quốc gia năm 2001 đối với trẻ em 6 tuổi, 83,7% trẻ em Việt Nam bị sâu răng sữa ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ tại trường như việc nghỉ học hay khả năng tự tin giao tiếp… Do vậy, công tác tuyên truyền, khuyến khích xây dựng những thói quen tốt cho trẻ trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng thông qua các hoạt động khám, tư vấn miễn phí và giáo dục nha học đường là hết sức cần thiết. Sau Lễ Khai mạc, 400 em cùng trò chuyện, giao lưu và được Thạc sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM Nguyễn Đức Minh hướng dẫn về cách chăm sóc, bảo vệ  răng miệng. Bên cạnh đó, nhằm cung cấp thông tin và hướng dẫn trẻ em cũng như các cụ cao tuổi cách chăm sóc răng miệng hợp lý, chương trình tổ chức 2 hội thảo trong ngày 20, thu hút hàng trăm người tham gia.

Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM, cho biết, với mục tiêu tiếp cận và lan tỏa thông điệp đó đến nhiều người hơn, năm nay, bệnh viện tổ chức khám miễn phí cho khoảng 500 người/ngày.

Chương trình ưu tiên cho các cụ già và các em nhỏ, trong liên tiếp 3 ngày 20, 21 và 22/03/2019 (từ 7h30 đến 17h00) tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM, số 263-265 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP HCM. 

  1. 420.000 người tử vong liên quan thực phẩm không an toàn

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 420.000 người tử vong và 600 triệu người mắc bệnh liên quan thực phẩm không an toàn. Đặc biệt, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển cả về trí lực và thể lực, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải được quan tâm hơn cả.

Tháng 3/2013, kết quả xét nghiệm tại một trường tiểu học ở London, Anh cho thấy, có thịt lợn trong xúc xích được dán mác làm từ thịt gà. Ngay sau khi vụ việc bị phát giác, các trường học được yêu cầu loại bỏ loại thực phẩm này khỏi thực đơn cũng như hủy hợp đồng với nhà thầu cung cấp thực phẩm có dấu hiệu sai phạm. Tuy vụ việc này không gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng nó khiến người dân Anh không khỏi bị sốc. Quốc gia này cũng có nhiều người Hồi giáo kiêng ăn thịt lợn, sinh sống.

Vào tháng 3/2017, dư luận thế giới bàng hoàng khi có đến 2.262 trẻ em tại Ai Cập phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Những học sinh này thuộc 8 trường học ở tỉnh Sohag phía Nam Ai Cập. Các em đã có những triệu chứng ngộ độc sau khi ăn cơm tại trường nằm trong chương trình thực phẩm Chính phủ tài trợ cho học sinh.

Các vụ ngộ độc thực phẩm cũng thường xảy ra tại các trường học ở Ấn Độ do thói quen ăn uống không lành mạnh và thực phẩm kém chất lượng. Gây hậu quả nặng nề nhất phải kể đến vụ ngộ độc tại một trường tiểu học ở làng Gandaman, thuộc bang Bihar vào tháng 7/2013. 23 em học sinh đã thiệt mạng sau khi ăn bữa trưa miễn phí hàng ngày do Chính phủ tài trợ, gồm cơm với đậu nành và cà ri khoai tây. Một số em thiệt mạng ngay lập tức. Những em khác được chuyển đến bệnh viện điều trị nhưng không qua khỏi. Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện dầu ăn dùng để nấu bữa trưa miễn phí chứa thuốc trừ sâu có độc tính cao. Gần đây nhất, ngày 12/3/2019, ba học sinh tại trường Trung học Thành Đô, Trung Quốc phải nhập viện vì viêm ruột thừa cấp tính và đau bụng. Trong đó, hai học sinh đã ổn định và một người xuất viện. Hải sản và thịt bị mốc đã được tìm thấy trong căng tin nhà trường. Ngay sau đó, trên 920 học sinh của trường đã được tổ chức kiểm tra sức khỏe. Hiệu trưởng trường Trung học Thành Đô đã bị sa thải sau vụ bê bối này. Trưởng phòng Giáo dục và Phó Giám đốc Cục Quản lý thị trường của địa phương bị đình chỉ công tác và bị điều tra.

Tại đất nước Mặt trời mọc, người dân rất coi trọng bữa ăn trưa. “Shokuiku” là tên gọi của bữa ăn trưa dành cho trẻ em Nhật. Nó có nghĩa là “thực phẩm và giáo dục dinh dưỡng”. Điều đó cho thấy, người Nhật rất chú trọng bữa ăn trưa của trẻ em.

Bữa ăn trưa được coi là một phần của giáo dục đã có lịch sử hơn 100 năm. Bắt đầu từ năm 1889, tất cả trẻ em trong các trường công sẽ được ăn bữa trưa như nhau, chỉ một số ít trường cho phép học sinh mang đồ ăn tới trường.

Những bữa ăn của trẻ em Nhật ở trường học không những đủ dinh dưỡng mà luôn tươi ngon, an toàn và được làm từ nguyên liệu sạch. Masahiro Oji, Giám đốc chương trình giáo dục sức khỏe trường học của Chính phủ Nhật đã nhấn mạnh rằng: “Quan điểm của Nhật Bản, bữa trưa trong trường học luôn là một phần của giáo dục”.

Đặc biệt, nhiều địa phương ở Nhật Bản đã sử dụng mô hình chuỗi cung ứng bữa ăn chuyên biệt cho các trường học. Đó là mô hình chuỗi khép kín từ cánh đồng cho tới bàn ăn của học sinh. Tại đây, luôn có những mô hình trồng rau dành riêng cho các trường học. Không những đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà học sinh còn có thể đến những vườn rau này để trải nghiệm kiến thức liên quan đến thực phẩm mình ăn hàng ngày tại trường.

Cơ sở chế biến và phân phối suất ăn trường học Chubu là một trong 4 cơ sở quốc lập trực thuộc chính quyền thành phố Fukuroi. Chubu tiếp nhận nguyên liệu từ các trang trại được chỉ định để nghiên cứu, chế biến suất ăn, cung cấp cho toàn bộ các trường học trên địa bàn thành phố Fukuroi. Năm 2018, thành phố Fukuroi cũng đã nhận được giải thưởng “thành phố khỏe mạnh” của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Một cơ sở như Chubu trung bình cung cấp 6.000 suất ăn mỗi ngày. Hàng ngày, những chiếc xe tải chuyên dụng sẽ chuyên chở khẩu phần ăn từ các cơ sở chế biến đến các trường học. Mỗi trường học đều có nhân viên cấp dưỡng, chịu trách nhiệm nhận các suất ăn từ cơ sở chế biến và phân phát tới lớp học. Học sinh cắt cử luân phiên để nhận đồ ăn tại khu vực cấp dưỡng và phân chia. Các học sinh đến lượt trực nhật sẽ phải mặc áo khoác trắng, đội mũ, đeo khẩu trang y tế để đảm bảo vệ sinh. Phần lớn các trường sẽ không có nhân viên lao công mà trẻ sẽ phải tự dọn dẹp sau khi ăn xong.

  1. Nhân viên Ngành Y tế thành phố phẫn nộ

Nhân viên Ngành Y tế thành phố phẫn nộ về hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của người thầy thuốc. Gần đây báo chí đưa tin một bác sĩ, một giảng viên đại học có hành vi xấu xa lừa gạt người bệnh ung thư giai đoạn cuối để lấy tiền đã gây làn sóng phẫn nộ của nhân viên ngành y tế thành phố, một hành vi không thể chấp nhận được, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của người thầy thuốc. Trong lúc nhân viên ngành y tế từ bệnh viện tuyến cuối đến các cơ sở y tế ban đầu đang cùng nhau nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, lấy người bệnh làm trung tâm, lấy hài lòng người bệnh làm đích phấn đấu trong nhiều năm qua và bước đầu đã mang lại niềm tin cho người dân thành phố và khu vực phía Nam, thì lại vẫn còn đó những hành vi lạc lỏng nhưng vô cùng xấu xí gây phẫn nộ cho xã hội và nhất là trong đội ngũ các thầy thuốc.  Người bệnh ung thư và nhất là ung thư giai đoạn cuối rất cần hoạt động chăm sóc giảm nhẹ, cả thể xác lẫn tinh thần, và đây là hoạt động mang tính khoa học và nhân văn đã được các bệnh viện quan tâm và được Sở Y tế khuyến khích các bệnh viện triển khai.

Ngoài hoạt động chuyên môn sử dụng thuốc giảm đau theo phác đồ điều trị, rất cần các hoạt động xã hội khác hỗ trợ tinh thần và vật chất cho người bệnh và gia đình (vì hầu hết là khó khăn) giúp người bệnh được thanh thản sống khoảng thời gian còn lại. Hơn ai hết, lãnh đạo và nhân viên y tế đang công tác tại Bệnh viện Truyền máu và huyết học đã rất sốc và rất buồn khi hành động xấu xí này lại xảy ra ngay ở bệnh viện của mình, một bệnh viện mới đây rất tự hào về thành tích phát triển kỹ thuật chuyên sâu theo hướng hội nhập quốc tế của chuyên ngành huyết học, tự hào vì nỗ lực của cả tập thể cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh và đứng vào top 12 bệnh viện co điểm chất lượng bệnh viện trên 4 điểm.

Và tất cả các thầy thuốc của ngành y tế đều phẫn nộ với hành vi xấu xí này. Tới đây, chắc chắc cơ quan chủ quản là trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và cơ quan quản lý người hành nghề là Bệnh viện Huyết học – Truyền máu sẽ có hình thức xử lý thích đáng, và Sở Y tế xem xét đình chỉ chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Về góc độ quản lý, thời gian qua, Sở Y tế cũng đã triển khai ki-ốt khảo sát không hài lòng của người bệnh ngoại trú và mới đây đã ban hành phiếu khảo sát trải nghiệm người bệnh nội trú nhằm giúp cho các bệnh viện chủ động nắm bắt những trải nghiệm tích cực để phát huy, đồng thời biết được những trải nghiệm tiêu cực để chủ động có giải pháp chấn chỉnh.

Mong rằng tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh xem đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc, cần có giải pháp chủ động hơn trong giám sát sự tuân thủ các quy định trong hành nghề khám, chữa bệnh của nhân viên thuộc thẩm quyền, trong rèn luyện y đức của mỗi cán bộ, viên chức và người lao động, làm thế nào chủ động nắm bắt tình hình và ngăn chặn các hành vi sai phạm cho nhân viên của mình.

Đó cũng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, viên chức tham gia công tác quản lý bệnh viện, quản lý cơ sở khám, chữa bệnh.

  1. Tỉnh Bắc Ninh sẽ điều tra dịch tễ về tình hình nhiễm sán lợn gạo

Tỉnh Bắc Ninh sẽ phối hợp với các cơ quan tổ chức điều tra dịch tễ, nghiên cứu tình hình nhiễm sán lợn gạo trên người tại địa phương để đề xuất hướng xử lý.

Theo thông tin từ Tỉnh ủy Bắc Ninh, trước tình hình nhiều người dân Bắc Ninh hoang mang đưa con em lên Hà Nội xét nghiệm sán sau vụ phát hiện mẫu thịt lợn gạo trong bữa ăn của trẻ tại trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh), tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức điều tra dịch tễ, nghiên cứu, phân tích tình hình nhiễm sán lợn gạo trên người tại địa phương để đề xuất hướng xử lý. Đồng thời tỉnh cũng chỉ đạo việc tổ chức cho phụ huynh học sinh tại các trường mầm non, trường tiểu học có học sinh ăn bán trú tham gia giám sát nguồn gốc thực phẩm trong các bữa ăn của học sinh.

Tỉnh Bắc Ninh cũng hỗ trợ kinh phí xét nghiệm sán lợn cho các học sinh của 16 trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành; tổ chức lấy máu tại trạm y tế xã để gửi ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương xét nghiệm, tránh quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Hiện tại chưa có nghiên cứu nào đánh giá tỷ lệ nhiễm sán trên địa bàn huyện Thuận Thành cũng như tỉnh Bắc Ninh. Trong khi đó, ở Việt Nam, bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn xuất hiện ở hầu hết các tỉnh, thành, tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5- 12%.

  1. Các bác sĩ trẻ tình nguyện góp phần nâng cao chất lượng y tế ở vùng nghèo

Sau gần 2 năm thực hiện dự án Bác sĩ trẻ tình nguyện ở Điện Biên, ngày 17 đến 20/3, Bộ Y tế và và Trường Đại học Y Hà Nội đã về 2 huyện Mường Nhé và Mường Áng (Điện Biên) kiểm tra và đánh giá hoạt động này.

Dự án này do Bộ Y tế chủ trì và Trường Đại học Y Hà Nội là đơn vị tham gia chính với nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo, triển khai đào tạo thí điểm và chuyển giao công nghệ đào tạo, quản lý cho các trường đại học khác. Dự án nhằm bảo đảm đủ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở các huyện nghèo, biên giới và hải đảo.

Theo GS. Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, dự án là bước đột phá của ngành y tế nhằm giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở tuyến trên. Đặc biệt, tính nhân văn của dự án là hướng đến đảm bảo công bằng xã hội, người dân ở mọi vùng miền không phân biệt giàu nghèo đều có quyền được chăm sóc y tế như nhau.

Bác sĩ Đinh Huệ Quyên (Bệnh viện sản Trung ương, làm việc tại Trung tâm y tế Mường Ảng từ 2018) và bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu (Bệnh viện Nhi Trung ương, làm việc tại Bệnh viện TTYT huyện Mường Nhé từ 2017), cho biết hoạt động khám, chữa bệnh tại các huyện nghèo còn nhiều khó khăn: Phương tiện chẩn đoán bằng xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh thiếu; thiếu các thuốc thiết yếu cho sản phụ khoa vv...

Nhưng với kiến thức đã được đào tạo tại Trường Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở địa phương, với việc triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuẩn hóa các kỹ thuật đang thực hiện, đặc biệt là trong nhi khoa, nội khoa, sản khoa; tham gia xử trí các bệnh nhân cấp cứu của nhiều chuyên ngành, chia sẻ kiến thức chuyên môn, phác đồ điều trị cấp cứu vv…. Lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại cơ sở y tế đã tăng lên. Nhiều bệnh nhân được cấp cứu tại chỗ, đã giảm đáng kể số bệnh nhân phải chuyển tuyến và hạn chế tử vong. Đặc biệt là tạo được niềm tin của người dân với ngành y tế và chính quyền địa phương. Các bác sĩ trẻ được đồng bào dân tộc địa phương gọi một cái tên trìu mến chung “Bác sĩ Hà Nội”. 

Ông Lê Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng đánh giá cao hiệu quả của dự án và mong muốn địa phương được tăng thêm bác sĩ tình nguyện, đồng thời đề nghị kéo dài thời gian đi cơ sở của các bác sĩ trẻ từ 3 – 5 năm thay vì chỉ2 – 3 năm như hiện nay.

Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các bác sĩ trẻ tại Điện Biên, GS. Tạ Thành Văn cho biết sẽ quan tâm đến ý kiến góp ý từ các bác sĩ trong đề án hiện đang công tác tại cơ sở  là điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, ông cũng mong muốn rằng dự án đào tạo thí điểm này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách cân nhắc việc ban hành các văn bản luật quy định về trách nhiệm xã hội đối với các bác sĩ trẻ.

Trước mắt, trong xu hướng tự chủ, kinh phí dành cho các cơ sở đào tạo bị cắt giảm thì các cơ sở đào tạo và cơ sở tuyển dụng cần phối hợp để tăng cường đào tạo theo địa chỉ (số nhân lực phải chính xác đến từng chuyên ngành, từng khoa của từng bệnh viện ở mỗi tỉnh) để tránh thất thoát và lãnh phí về nguồn lực quốc gia. Thực tế hiện nay, các cơ sở đào tạo tự xác định chỉ tiêu chỉ dựa theo năng lực đào tạo của cơ sở mình mà không quan tâm đến nhu cầu nhân lực của mỗi chuyên khoa, của mỗi vùng miền.

Ông Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án bác sĩ tình nguyện mong muốn bên cạnh việc khám chữa bệnh, tuyến cơ sở phải tăng cường công tác truyền thông, để nâng cao nhận thức người dân về sức khỏe.

  1. Cảnh giác với nhiều cơ sở, cá nhân mạo danh Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện nay có nhiều cơ sở, cá nhân mạo danh Viện Dinh dưỡng để giả vờ hỏi thăm sức khoẻ và bán thực phẩm chức năng không rõ chất lượng.

Cụ thể, nhiều cơ sở, cá nhân mạo danh Viện Dinh dưỡng Quốc gia lập trang Facebook giả có sử dụng cả logo và ảnh bác sĩ của Viện; hoặc gọi điện thoại tự nhân là bác sĩ của Viện để vờ hỏi thăm sức khoẻ và gạ bán thực phẩm chức năng không rõ chất lượng.

Trước tình trạng trên, Viện Dinh dưỡng cho biết, Viện dinh dưỡng chỉ có trang web: https://viendinhduong.vn, không có bất cứ trang facebook hay fanpage nào như những trang giả mạo ở trên. Các bác sĩ ở Viện không bao giờ gọi điện để tư vấn và bán thực phẩm chức năng cho bất kì ai.   

  1. Hà Nội ghi nhận thêm 82 trường hợp mắc sởi

Theo báo cáo mới nhất về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11 đến ngày 17/3), Hà Nội ghi nhận thêm 82 trường hợp mắc sởi, tăng 6 trường hợp so với tuần trước.

Như vậy, tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay là 494 trường hợp, phân bố tại 29/30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc sởi tập trung ở khu vực nội thành (chiếm 73%). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân sởi như: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Ba Đình. Ngoài ra, trong tuần qua thành phố ghi nhận thêm 5 trường hợp sốt xuất huyết, 20 trường hợp tay chân miệng, 2 trường hợp ho gà.

PGS. TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, mặc dù các trường hợp mắc sởi phân bố rải rác và chưa có ca bệnh tử vong, nhưng theo nhận định dịch bệnh có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.   

  1. Sai phạm nào khiến TPBVSK Thảo dược Toppy bị thu hồi giấy phép?

Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã ban hành quyết định thu hồi giấy phép TPBVSK Thảo dược Toppy của Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz.

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Cục đã ban hành các Quyết định thu hồi hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm/ Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz (địa chỉ: Số 4 Trương Quốc Dung, P. 8, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) kể từ ngày 12/3/2019.

Cụ thể các giấy phép thu hồi như sau:

1. Thu hồi hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP số 000014-CC/2018/ATTP-CNĐK ngày 05/01/2018 của Chi nhánh Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz (địa chỉ: 33/47 Nguyễn Công Hoan, Phường 7, Quận Phú Nhuận - Thành phố Hồ Chí Minh).

2. Thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm/ Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm của sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo dược Toppy của Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz. Số GXN công bố phù hợp quy định ATTP 1617/2018/ĐKSP, ngày cấp 12/4/2018.

3. Thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo dược Toppy của Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz. Số GXN nội dung quảng cáo 0761/2018/ATTP-XNQC, ngày cấp 30/7/2018.

Thảo dược Toppy của Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz bị thu hồi giáy phép

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz ngừng sản xuất, buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo dược Toppy.

Lý do: qua kiểm tra việc sản xuất, lưu hành sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo dược Toppy của Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz công bố, sản xuất tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz, địa chỉ: 33/47 Nguyễn Công Hoan, Phường 7, Quận Phú Nhuận - Thành phố Hồ Chí Minh, đã phát hiện Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo dược Toppy không đúng với tiêu chuẩn đã công bố về trạng thái sản phẩm và quy cách đóng gói.

Theo Bản tiêu chuẩn sản phẩm số 01:2018/CBPH-LOTUZZ, Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz công bố trạng thái sản phẩm là dạng viên nang cứng, quy cách đóng gói 100 viên/hộp (theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 1617/2018/ĐKSP ngày 12/4/2018), nhưng đã sản xuất, buôn bán sản phẩm là dạng viên hoàn, quy cách đóng gói 200 viên/hộp. Nhãn của sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo dược Toppy, NSX 20/01/2019, HSD: 20/01/2022 không phù hợp với nhãn Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz công bố.

Ngoài ra, chi nhánh Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz đã không còn hoạt động tại địa chỉ: 33/47 Nguyễn Công Hoan, Phường 7, Quận Phú Nhuận - Thành phố Hồ Chí Minh – nơi đặt cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo dược Toppy.

Cục An toàn thực phẩm đã ban hành văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz ngừng sản xuất, buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo dược Toppy; tiến hành thu hồi trên thị trường các lô sản phẩm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo dược Toppy đã sản xuất, lưu hành và báo cáo bằng văn bản số lượng sản phẩm đã sản xuất, đã bán, còn tồn kho và thu hồi được.

Được biết Thảo dược Toppy của Công ty Lotuzz còn được quảng cáo với tên gọi Thảo dược tiểu đường Toppy, là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo có tác dụng giúp bổ âm, tiêu khát, hỗ trợ hạ đường huyết, hỗ trợ làm giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường.

  1. CÔNG TY CP DƯỢC LIỆU PHƯƠNG ĐÔNG: LẬP LỜ QUẢNG CÁO THỰC PHẨM CHỨC NĂNG NHƯ THUỐC

Lập lờ quảng cáo thực phẩm chức năng Viên Gut Metaherb có tác dụng như thuốc chữa bệnh, Công ty CP dược liệu Phương Đông bị Cục an toàn thực phẩm ra quyết định xử phạt.

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ban hành quyết định xử phạt Công ty cổ phần dược liệu Phương Đông với số tiền 50 triệu đồng vì quảng cáo sai sự thật. Công ty trụ sở tại số 1, ngách 69B/33 Hoàng Văn Thái, P.Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội

Cụ thể, hành vi vi phạm theo quyết định xử phạt là Công ty này quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên Gut Metaherb trên website: duoclieuphuongdong.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh

Song song với việc xử phạt, công ty này cũng buộc phải tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định tránh gây nhầm lẫn cho người sử dụng. Hiện nay các sản phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe ngày càng đa dạng, các sản phẩm này thường chỉ có tác dụng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe chứ không thể thay thế cho các loại thuốc đặc trị. Hơn nữa những sản phẩm này thường có giá thành cao, người tiêu dùng cần phải có sự lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất, tránh gặp phải trường hợp "tiền mất, tật mang".

  1. Thu hồi hàng loạt giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm của Công ty Cổ phần Difoco và Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz

Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cục này vừa quyết định thu hồi hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của Công ty Cổ phần Difoco (13 đường 19B - phường Bình Trị Đông B - quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh) và Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz (số 4 Trương Quốc Dung, P. 8, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh).

Theo đó, đã thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm/Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của các sản phẩm: Tiểu đường hoàn, Thống cốt an, Định áp khang, Dưỡng Thận Đan, Gout thảo dược,  Vương Gan Thảo (của Công ty Cổ phần Difoco) và Thảo dược Toppy của Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz.

Trước đó, khi Bệnh viện Bạch Mai công bố có một số bệnh nhân sử dụng tiểu đường hoàn để điều trị bệnh đái tháo đường phải vào cấp cứu và một số người tử vong, đầu tháng 3/2019, Cục An toàn thực phẩm đã kiểm tra việc sản xuất, lưu hành sản phẩm Tiểu đường hoàn của Công ty Cổ phần Difoco. Sau đó, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Công ty Cổ phần Difoco ngừng sản xuất, buôn bán, lưu thông sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn, thu hồi các lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn đã sản xuất, lưu hành.

  1. Cần thành lập trung tâm điều phối hiến, ghép mô tạng khu vực

Tính tới nay, Việt Nam đã thực hiện được gần 3.700 ca ghép tạng, trong đó có hơn 3.500 ca ghép thận, 150 ca ghép gan và 28 ca ghép tim...Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều kỹ thuật ghép tạng khác chưa được triển khai như chưa thực hiện được ghép tụy, ghép tử cung, ghép gan từ người sống cho người suy gan cấp…

Theo GS. Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến, ghép mô tạng Quốc gia, Việt Nam đang dần làm chủ được kỹ thuật ghép tạng và đây là “thời điểm vàng” cho ghép tạng khi số người đăng ký hiến tạng tăng lên hơn 21 nghìn người (tăng hàng trăm lần so với 5 năm trước) và đã có 230 người chết não hiến tạng. Nếu có được danh sách chờ ghép quốc gia với các thông số được xây dựng chi tiết sẽ có giá trị lớn trong việc điều phối tạng, giúp kéo dài cuộc sống cho nhiều người bệnh.

Mặc dù Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn tạng để ghép cho bệnh nhân. Hầu như ngày nào tại các bệnh viện cũng có hàng chục bệnh nhân chết não nhưng số trường hợp hiến tạng còn ít. Trong khi đó, việc kết nối thông tin giữa các trung tâm ghép tạng chưa đáp ứng yêu cầu. “Chúng ta cần hiện đại hóa công tác điều phối ghép tạng, tiến tới kết nối với các trung tâm ghép tạng lớn trong khu vực, để hoạt động này hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhận định.

Liên quan hoạt động hiến, ghép mô tạng, Ths. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối hiến, ghép mô tạng Quốc gia cho biết, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã có nhiều điểm không còn thích hợp. Vì thế, việc sửa đổi về luật có giá trị mở rộng sự thuận tiện và cơ hội cho mọi người. Điển hình như việc quy định hình thức đăng ký hiến tạng phải đến trực tiếp trung tâm gây khó cho người tiếp cận, hay như việc chưa có chế độ hỗ trợ hợp lý đối với người hiến sống, người hiến sau khi chết não; hình thức tôn vinh người hiến; cũng như chưa có quy định về giá ghép tạng được BHYT thanh toán...

Ông Phúc đề xuất, trong lần sửa đổi luật sắp tới cần phải mở rộng hình thức đăng ký hiến tạng bằng cách đăng ký qua mạng, bổ sung có chế độ cho người hiến tạng sống như: Thanh toán toàn bộ chi phí khám, sàng lọc tư vấn, xét nghiệm, kể cả khi họ không thích hợp để hiến tạng, cấp thẻ bảo hiểm y tế suốt đời và được ưu tiên khám sức khỏe tại cơ sở y tế; được thanh toán toàn bộ chi phí lấy tạng và chăm sóc phục hồi sức khoẻ ngay sau khi hiến. Hay chế độ cho người chết não như miễn toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cấp cứu tại nơi chẩn đoán chết não… Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải có chính sách mạnh mẽ, rõ ràng hơn trong việc xây dựng cơ cấu giá ghép tạng để làm cơ sở cho BHYT thanh toán. Nên chăng đề xuất mức hỗ trợ 50% từ BHYT với các ca ghép mô tạng…

  1. Độc đáo Hội chợ Dược liệu và Nông sản xanh 2019

Hội chợ Dược liệu và các sản phẩm của y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm 2019 được diễn ra từ ngày 20-25/3 tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại - đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Ngày 20/3, lần đầu tiên, Hội chợ Dược liệu và Sản phẩm y dược cổ truyền do Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Bộ Y tế tổ chức sẽ khai mạc tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại Hà Nội.

Đây là dịp để đẩy mạnh tiêu thụ dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền; quảng bá, giới thiệu sâu rộng các sản phẩm dược liệu sạch, an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng và nâng cao ý thức trách nhiệm của DN đối với vấn đề an toàn, sức khỏe trong quá trình SX, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm dược liệu, thuốc cổ truyền.

Với quy mô khoảng 120 gian hàng của nhiều tổ chức, đơn vị đến từ các địa phương, cơ sở trồng dược liệu, DN sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu và các sản phẩm y dược cổ truyền các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh đó, Phiên chợ Nông sản an toàn và sản phâm xanh khu vực HTX Nông nghiệp 2019 cũng được tổ chức tại đây, điều này càng thu hút đông đảo nhiều người dân hiếu kỳ đến tham gia và mua sắm.

  1. Trường ĐH Y Dược TPHCM: 1.463 học viên cao học nhận bằng tốt nghiệp

Sáng 20/3, Trường ĐH Y Dược TPHCM (ĐH YD) đã long trọng tổ chức lễ tốt nghiệp sau đại học (SĐH) năm 2018, cho 1.463 học viên.

Nhận bằng tốt nghiệp SĐH năm 2018, có những học viên thuộc các bậc học: Tiến sĩ (31), Thạc sĩ (488), Chuyên khoa cấp II (121), Chuyên khoa cấp I (613), Bác sĩ Nội trú (210) . Với tổng cộng 66 chuyên ngành cho tất cả các bậc học, cho các đối tượng là bác sĩ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng, y tế công cộng từ nhiều vùng của đất nước. Trong đó, có 19 học viên tốt nghiệp xuất sắc được tuyên dương.

Lãnh đạo ĐH YD cho biết: Quá trình đào tạo của các bậc học SĐH ngoại trừ bậc học tiến sĩ từ 3 – 4 năm, bác sĩ nội trú 3 năm các bậc học khác thời gian đào tạo trung bình là 2 năm với khối lượng đào tạo trung bình là 60 tín chỉ hay 100 đơn vị học trình. Trong đó việc đào tạo chuyên khoa và bác sĩ nội trú đòi hỏi thời gian thực hành chiếm 50% thời gian đào tạo để nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên ngành.

Các học viên sau đại học khi tốt nghiệp ra trường với kiến thức và kỹ năng cập nhật, tiên tiến có thể áp dụng được trong thực tế khi quay trở lại làm việc. Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp là 96%. Tỷ lệ hài lòng với chất lượng đào tạo SĐH là 95,2%. Đây có thể xem là lực lượng nòng cốt cho công tác chăm sóc sức khỏe tại địa phương.

Ngoài việc đào tạo lực lượng nhân viên y tế chất lượng cao cho các địa phương trong công tác chăm sóc sức khỏe, đào tạo SĐH còn cung cấp một nguồn nhân lực quản lý y tế cho các cơ sở y tế. Bên cạnh đó còn đào tạo ra nguồn nhân lực giảng dạy cho các trường đại học trong lĩnh vực sức khỏe, cũng như cung cấp một lực lượng nghiên cứu chất lượng cao trong lĩnh vực nghiên cứu về sức khỏe.

  1. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được phép đào tạo ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học trình độ đại học

Ngày 13/3, Thứ trưởng  Bộ Giáo dục & Đào tạo Lê Hải An đã ký quyết định số 612/ QĐ-BGDĐT cho phép Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học trình độ đại học (mã số 7720601) với tổ hợp xét tuyển gồm các môn Toán, Hóa và Sinh học, thời gian đào tạo 4 năm.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo thêm ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học trình độ đại học đã minh chứng cho uy tín và chất lượng đào tạo khối ngành Sức khỏe của Nhà trường trong thời gian qua.

Ngành kỹ thuật xét nghiệm y học là ngành kỹ thuật y học hiện đại, ứng dụng máy móc thiết bị để phân tích các mẫu bệnh phẩm nhằm phát hiện và cung cấp bằng chứng xác thực về tình trạng bệnh giúp bác sĩ lâm sàng đặt ra những chẩn đoán và hướng điều trị thích hợp.

Ngoài ra, Kỹ thuật xét nghiệm y học còn đóng vai trò quan trọng trong An toàn Vệ sinh Thực phẩm và lĩnh vực dự phòng như tầm soát dịch bệnh, xét nghiệm đánh giá lâm sàng hiệu quả thuốc và vắc xin trên thực địa.

Ngoài việc trang bị kiến thức về khoa học cơ bản, y học cơ sở, nguyên lý kỹ thuật - công nghệ và kiến thức chuyên môn ngành học để giải quyết độc lập, sáng tạo các vấn đề thuộc chuyên ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học sinh viên còn được tìm hiểu các nguyên lý, quy trình vận hành, bảo quản, bảo dưỡng một số loại trang thiết bị chuyên ngành kỹ thuật xét nghiệm y học.

Bên cạnh đó, các em còn được trang bị kiến thức về phương pháp luận khoa học trong thực hành kỹ thuật, học tập, nghiên cứu khoa học; Hiểu biết về pháp luật và các chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;Có kiến thức về an toàn sinh học phòng xét nghiệm và bảo vệ môi trường; Áp dụng phương pháp luận nghiên cứu khoa học trong thực hành ngành y.

Nhằm chuẩn bị cho công tác đào tạo ngành học này, Nhà trường đã quy tu rất nhiều giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng bao gồm các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, thạc sĩ có uy tín, kinh nghiệm trong công tác và giảng dạy tại các trường đại học Y Dược, Bệnh viện lớn trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy.

Chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn của các trường đại học lớn, Bệnh viện lớn trong nước. Đồng thời, Nhà trường cũng tham khảo nhiều chương trình uy tín trong nước lẫn quốc tế và được đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á(ASEAN University Network) để bổ sung vào chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học

Để đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của sinh viên, ngoài tập trung xây dựng các phòng thực hành đạt chuẩn, đầu tư trang thiết bị dạy và học hiện đại, sinh viên còn được thực tập tại các labo bên ngoài như: Bệnh viện 30 tháng 4, Bệnh viện Quận 11, Bệnh viện 175, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Bệnh viên Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Quận Thủ Đứ, Bệnh viện Triều An…

Đây là các bệnh viên mà Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã ký kết hợp tác trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, phòng khám đa khoa của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng là một cơ sở y tế để sinh viên tham gia thực tập lâm sàng.

Năm 2019, ngoài ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được phép tuyển sinh thêm 10 ngành mới nâng số lượng ngành nghề đào tạo của Trường lên 44 ngành: 10 ngành mới bao gồm: Logistic và quản lý chuỗi cung ứng; Marketing; Thương mại điện tử; Du lịch; Quan hệ công chúng; Tâm lý học; Diễn viên kịch- Điện ảnh-truyền hình; Quay phim; Truyền thông đa phương tiện; Tiếng Việt và VH Việt Nam.

Đây là những ngành nghề được dự báo sẽ “hot” và có tốc độ phát triển nhanh trong những năm tới. 11 ngành nghề đào tạo mới này đều được tuyển sinh trong phạm vi cả nước cho đối tượng đã tốt nghiệp THPT với  phương thức xét tuyển đã nêu trên

  1. Đừng tự ý 'bắt bệnh' qua mạng xã hội

Tự ý “bắt bệnh” qua mạng xã hội; nhờ tư vấn chữa bệnh trên các diễn đàn; khuyên, chỉ dẫn mua thuốc; chia sẻ đơn thuốc bác sĩ kê để bệnh nhi dùng chung... đang là thói quen chữa bệnh nguy hiểm của nhiều người hiện nay. Việc làm thiếu suy nghĩ này là vô cùng nghiêm trọng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Gần đây trên mạng xã hội rầm rộ câu chuyện về người mẹ nghe theo hội “bác sĩ mẹ online” gây cái chết tức tưởi cho con trai khiến hàng triệu người quan tâm. Câu chuyện đúng, sai chưa rõ nhưng có lẽ hàng ngàn bà mẹ “giật mình” bởi ít nhiều thấy bóng dáng mình trong đó.

Việc tìm kiếm và tư vấn các thông tin về sức khỏe trên mạng xã hội, internet hiện nay ngày càng trở nên phổ biến. Có thể thấy chưa bao giờ việc khám bệnh trở nên dễ dàng đến thế.

Đối tượng “bắt bệnh” trên mạng phần đông là chị em phụ nữ vì tâm lý hay lo lắng, sợ sệt và e ngại đi khám bệnh tại các cơ sở y tế. Thậm chí đã có rất nhiều người sống trong sợ hãi, lo lắng, đau khổ một thời gian dài vì lầm tưởng mình mắc bệnh nan y.

Một bà mẹ đã chụp ảnh cánh tay con bị nổi mẩn để hỏi tên bệnh và cách chữa trị. Rất nhiều người đã vào comment tên đủ loại thuốc bôi da cho trẻ nhỏ, chụp ảnh đơn thuốc mà con mình từng sử dụng...

Chị Nguyễn Thị Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây tôi tham gia rất nhiều hội thăm khám sức khỏe trên mạng. Từ khi có con, tôi lại càng chăm chỉ “lướt” các trang tư vấn nhiều hơn.

Mỗi khi con hắt, hơi, sổ mũi, đi ngoài… hay gặp bất cứ vấn đề gì tôi cũng vào các hội, nhóm của các bà mẹ để nhờ tư vấn. Cũng vì quá tin tưởng các bác sĩ “mạng” mà suýt chút nữa tôi tự đẩy con mình vào nguy hiểm”.

Chị Nhung cho biết cách đây gần 1 năm, con trai 2 tuổi của chị bỗng nhiên bị đi ngoài 7,8 lần/ ngày. Ngay lập tức chị lên mạng tra cứu thông tin và vào diễn đàn chia sẻ với các mẹ khác thì nhận được nhiều thông tin cho là chị quá lo xa, con họ đứa nào cũng từng bị vậy khi chuẩn bị mọc răng hoặc ăn phải thứ gì đó không đảm bảo vệ sinh. Thậm chí, nhiều bà mẹ còn chụp lại đơn thuốc mà con đã từng đi chữa tiêu chảy cho các mẹ khác tham khảo.

Chị Nhung nghe theo kinh nghiệm của các mẹ cho con uống búp ổi, uống nước cam, bổ sung nước, thậm chí mua theo đơn thuốc được chia sẻ… mà không hề đưa con đến bệnh viện thăm khám.

Sang ngày hôm sau, con trai chị không có dấu hiệu đỡ mà sốt li bì nên gia đình vội vàng đưa vào bệnh viện. Nhập viện thì được bác sĩ thông báo là bé bị tiêu chảy do virut Rota may mà đưa vào viện kịp thời. Bà mẹ trẻ được một phen sợ hãi nhớ đời, cũng may là bé không bị nguy hiểm đến tính mạng.

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện trên cả nước liên tục tiếp nhận những ca biến chứng do bệnh nhân lướt web tìm thông tin về triệu chứng bệnh rồi tự chữa trước khi đến bác sĩ khám. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân là trẻ em ngày càng tăng cao.

Theo chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa Nhi Đặng Quang Ngọc (Phòng khám Nhi Ngọc Trang) thì việc tự ý dùng thuốc cho trẻ em là đặc biệt nguy hiểm vì trẻ em có sức đề kháng kém, các biểu hiện bệnh lại không rõ ràng, dễ nhầm lẫn giữa các bệnh với nhau. Vì vậy, khi cha mẹ tự ý chữa bệnh cho con theo kiểu “lướt mạng” thì khó thể đúng bệnh. Mà ngay cả khi đúng bệnh thì tùy từng trẻ sẽ có đơn thuốc khác nhau.

Bác sĩ Ngọc cũng cho biết thêm, trên thực tế hiện nay có rất nhiều bệnh viện, trung tâm phát triển mô hình tư vấn bệnh online. Theo bác sĩ, việc tìm hiểu thông tin chăm sóc sức khỏe trên Internet là rất nên làm, rất có lợi để bổ sung kiến thức cho bản thân, việc khám bệnh online cũng rất có nhiều lợi ích thiết thực.

“Ưu điểm của việc khám bệnh online đó là: Người bệnh có thể chọn được các Bs uy tín, đáng tin cậy dù ở khoảng cách địa lý rất xa mà không thể tiếp cận; Tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại; Tránh được lây nhiễm từ môi trường bệnh viện; Giảm tải cho các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung Ương khi mà các bệnh đơn giản thôi nhưng cứ đua nhau đi để khám; Tránh được các lạm dụng xét nghiệm và đơn thuốc không cần thiết khi mà một số phòng khám tư nhân đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân để kiếm lời...”, bác sĩ Ngọc chia sẻ.

Tuy nhiên, bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng việc người khám và tư vấn nhất định phải là bác sĩ không phải cộng đồng mạng. Bác sĩ cũng khuyến cáo rằng hiện nay không ít thông tin về y tế, sức khỏe trên mạng bị “nhiễu” vì mục đích kinh doanh của các công ty dược hay phòng khám tư.

Nhiều người lợi dụng diễn đàn để quảng cáo sản phẩm của mình khiến người tiêu dùng lầm tưởng đó là thông tin y tế chính thống. Do vậy, người dân nên tự tìm cách bảo vệ mình, tìm cho mình những địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy, chấm dứt tình trạng chữa bệnh theo “bác sĩ Google”, “bác sĩ đám đông”…

  1. Dang dở giấc mơ Làng Cam - Bài 2: Những hệ lụy

Làng Cam được xác định sẽ là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị cho những nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật. Dự án này mãi chẳng thể khởi công, vì vậy những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng tại Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) chưa biết đi về đâu khi Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh quyết định sẽ “đóng cửa” mái ấm này.

Bác sỹ Lê Thị Hiền Nhi, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Từ Dũ – đơn vị quản lý trực tiếp Làng Hòa Bình cho biết, Ban Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đã quyết định sẽ dừng hoạt động Làng Hòa Bình. Điều này có nghĩa, Bệnh viện sẽ không tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng toàn bộ 35 trẻ em hiện có của Làng Hòa Bình.

Làng Hòa Bình – mái ấm của các em nhỏ khuyết tật, trong đó có nhiều em là nạn nhân thế hệ thứ 2, thứ 3 của chất độc hóa học dioxin tồn tại gần 30 năm qua sẽ bị xóa bỏ. Theo kế hoạch của Bệnh viện Từ Dũ, toàn bộ 35 em nhỏ sẽ được giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh. “Chúng tôi đã làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để đơn vị này nhận trẻ về chăm sóc.

Hiện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đang quản lý nhiều trung tâm nuôi dạy, chăm sóc trẻ em khuyết tật nên chắc chắn trẻ em của Làng Hòa Bình khi chuyển về sẽ được chăm sóc chu đáo”, Bác sỹ Hiền Nhi cho biết.

Nói về nguyên nhân đóng cửa Làng Hòa Bình, Bác sỹ Hiền Nhi cho hay, các em bé ở Làng Hòa Bình ngày càng lớn và các con cần một môi trường chuyên nghiệp hơn, đầy đủ hơn để phát triển. Đặc biệt, trẻ cần có một môi trường sống có thể hòa nhập với cộng đồng, xã hội để phát triển toàn diện hơn. Bao nhiêu năm qua, Làng Hòa Bình chỉ mới dừng lại ở việc chăm sóc cho trẻ về y tế, còn học văn hóa, dạy nghề phải gửi trẻ ra bên ngoài để đi học rất vất vả và phức tạp. Việc được sinh sống trong các trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật có đầy đủ bộ phận y tế chăm sóc sức khỏe, bộ phận giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp thì sẽ tốt hơn cho tương lai của trẻ.

“Đây là môi trường bệnh viện, không phù hợp cho sự phát triển của bất kỳ một đứa trẻ bình thường nào, chứ chưa nói đến trẻ khuyết tật và chúng tôi chỉ muốn làm những gì tốt nhất cho trẻ”, Bác sỹ Hiền Nhi khẳng định.

Làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ được thành lập từ năm 1990 với sự hỗ trợ của Tổ chức phi chính phủ Làng Hòa Bình thế giới -  Cộng hòa dân chủ Đức. Đây là Làng Hòa bình đầu tiên trong tổng số 13 Làng Hòa Bình trên cả nước nhận nuôi dưỡng, chăm sóc cho trẻ em khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam và bị bỏ rơi. Từ khi thành lập đến nay, Làng Hòa Bình đã chăm sóc, nuôi dưỡng cho hơn 400 trẻ. Đặc biệt, nơi đây được biết đến là đơn vị có công chăm sóc, nuôi dưỡng cho cặp song sinh dính liền nhau Việt – Đức trước và sau khi phẫu thuật tách rời.

Nhờ sự cưu mang, chăm sóc của các y bác sỹ Làng Hòa Bình, nhiều trẻ khuyết tật đã học đến đại học và có việc làm ổn định, có thể tự nuôi sống mình. Hiện Làng Hòa Bình đang nuôi dưỡng 35 trẻ, trong đó chiếm 2/3 là trẻ bại não. Một số trẻ có khả năng vận động đã được gửi đi học ở một số cơ sở giáo dục, dạy nghề ở bên ngoài. Em bé nhỏ tuổi nhất được nuôi dưỡng tại đây mới 3 tuổi, còn người lớn nhất cũng đã 38 tuổi. Để chuẩn bị cho việc đóng cửa Làng Hòa Bình, từ 3 năm nay, Bệnh viện Từ Dũ không tiếp nhận thêm các trẻ em khuyết tật bị bỏ rơi. Sau khi không nuôi dưỡng các em nhỏ khuyết tật, Làng Hòa Bình sẽ trở thành khu vực dành riêng để điều trị phục hồi chức năng cho trẻ em.

Trở thành thành viên của Làng Hòa Bình từ 10 năm nay, với Phạm Thị Thu Thủy – cô bé 21 tuổi bị teo hoàn toàn cả 2 chân, đây chính là ngôi nhà ấm áp của mình. Từ ngày sống tại Làng Hòa Bình, Thủy như được sinh ra lần nữa bởi em luôn nhận được tình yêu thương của các cô, các bác, các anh chị là bác sỹ, điều dưỡng. Đặc biệt là tình thương, sự đồng cảm của những đứa trẻ cùng cảnh ngộ khác.

Cũng như nhiều trẻ ở Làng Hòa Bình, Thủy được tạo điều kiện đi học và hiện em đang là sinh viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Thế nên, thông tin Làng Hòa Bình sẽ đóng cửa khiến Thủy hụt hẫng vô cùng. Ước mơ được trở lại Làng, dạy học cho các em của Thủy càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết. “Không biết chúng em còn được ở với nhau bao lâu nữa, chúng em lớn lên cùng nhau, coi nhau như người thân dù không ruột rà, máu mủ, xin đừng chia cách chúng em”, Thủy khẩn thiết.

Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ -  người sáng lập Làng Hòa Bình chia sẻ, Làng Hòa Bình không đơn thuần là nơi nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật mà từ lâu đã trở thành gia đình của các em. Những đứa trẻ khuyết tật, là nạn nhân thế hệ thứ 2 thứ 3 của chất độc da cam/dioxin cần một nơi để nương tựa. Với tâm huyết của mình, bao nhiêu năm qua, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giáo sư Tạ Thị Chung cùng biết bao thế hệ cán bộ, nhân viên Làng Hòa Bình đã cố công vun đắp cho mái ấm này ngày một thêm đủ đầy, ấm áp như một gia đình.

Vì thế với việc đóng cửa Làng Hòa Bình, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng lo ngại, những đứa trẻ của Làng sẽ phải “tứ tán” khắp nơi. Và những đứa trẻ vốn coi nhau như người thân ruột thịt sẽ phải chia lìa nhau. Điều này sẽ để lại sự hụt hẫng, khoảng trống tâm lý rất lớn cho những đứa trẻ sinh ra vốn đã bất hạnh. “Tâm nguyện của các con là được ở với nhau bởi các con coi nhau như ruột thịt -  đây là câu nói mà tôi được nghe nhiều nhất khi trở về Làng Hòa Bình. Phải chi Làng Cam được xây dựng đúng tiến độ, có lẽ các con đã chẳng phải chịu cảnh “tan đàn xẻ nghé” như thế này”, Giáo sư Ngọc Phượng ngậm ngùi.

Làng Hòa Bình đóng cửa, tương lai của những đứa trẻ này sẽ đi về đâu? Câu trả lời ngay cả người dành nhiều tâm huyết với trẻ như Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng chưa thể trả lời. Nhưng bà và những người cùng chung chí hướng vẫn đang âm thầm nỗ lực từng ngày để vận động, quyên góp xây dựng Làng Cam: “Chúng tôi đang nỗ lực tìm mọi cách để xây dựng Làng Cam sớm nhất, để sớm có được mái ấm đúng nghĩa cho các con  - những đứa trẻ Làng Hòa Bình và cả nhiều nạn nhân da cam/dioxin khác”.

Liên hệ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, phóng viên TTXVN được ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở cho biết, về cơ bản, Sở sẽ tiếp nhận các cháu nhỏ từ Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ khi cơ sở này không còn hoạt động. Tuy nhiên, do Làng Hòa Bình trực thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Sở Y tế chắc chắn sẽ có những buổi làm việc cụ thể để thống nhất về quy trình và thời gian tiếp nhận và đưa các cháu đến sinh sống ở đơn vị mới. “Sau khi tiếp nhận, chúng tôi sẽ có những đánh giá về vấn đề sức khỏe, tình trạng tật nguyền của các cháu để từ đó có giải pháp đưa các cháu về nơi ở mới phù hợp”, ông Trần Ngọc Sơn cho hay.

  1. Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 6 dự án tại Việt Nam

Chiều 20-3, tại Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản TPHCM diễn ra lễ ký kết hợp đồng viện trợ 6 dự án với tổng trị giá 483.271 USD trong khuôn khổ chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở của Chính phủ Nhật Bản.

Ông Kawaue Junichi, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng ông Danh Út, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang ký kết hợp đồng viện trợ dự án hỗ trợ trang bị thiết bị y tế cho Phòng khám đa khoa khu vực Lại Sơn, huyện Kiên H

6 dự án thuộc các lĩnh vực: xây dựng khoa phục hồi chức năng ở Trung tâm y tế huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; hỗ trợ trang bị thiết bị y tế cho Phòng khám đa khoa khu vực Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang; trang bị hệ thống xử lý chất thải y tế và trang thiết bị phòng xét nghiệm cho Phòng khám khu vực Huỳnh Việt Thanh tỉnh Long An; xây dựng cơ sở dạy chữ, dạy nghề lao động, sản xuất cho người mù xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu; cấp nước sinh hoạt tập trung tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk; xây dựng 5 phòng học cho Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.      

  1. Cắt khối u buồng trứng khổng lồ nặng 8kg cứu bệnh nhân

Tối 20/3, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết đã cắt khổi u buồng trứng khổng lồ nặng 8kg cho nữ bệnh nhân Đào Thị N., 22 tuổi, sống tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Chị N. nhập viện trong tình trạng bụng chướng căng, da nhợt nhạt, xanh xao, đau bụng nhiều ngày, bí đại tiện. Kết quả chẩn đoán hình ảnh chỉ ra chị N. có một khối dịch lớn chiếm toàn bộ ổ bụng. Vì vậy, chị N. được chỉ định phẫu thuật. Theo bác sĩ Phạm Thanh Thịnh, công tác tại Khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện, sau khi mở ổ bụng của chị N., kíp mổ thấy khối u rất to, gốc khối u ở buồng trứng bên phải. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, khối u sẽ gây tắc ruột, nguy hiểm đến tính mạng của chị N.

Sau nhiều giờ căng thẳng, ca mổ thành công, các bác sĩ cắt ra khối u có kích thước 25x25x35cm nặng gần 8kg. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện phẫu thuật cắt bỏ khối u có kích thước lớn, nặng như trên.

Được biết, cách đây 1 năm, chị N. đã đi khám và phát hiện khối u nang buồng trứng nhỏ. Tuy nhiên, chị N. không tới bệnh viện điều trị mà tự sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc, đốt ngải để điều trị. Các bài thuốc đó không tiêu trừ khối u, ngược lại khối u càng ngày càng phát triển khiến bụng của chị N. chướng to.

Qua trường hợp của chị N., bác sĩ Thịnh khuyến cáo, phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ nên thường xuyên đi khám sản phụ khoa, khám sức khỏe định kỳ từ 3-6 tháng/lần để theo dõi tình trạng sức khỏe. Nếu chị em bị đau bụng nhiều hoặc cơ thể gầy yếu nhưng bụng to bất thường, cần đến bệnh viện ngay để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị.


Thăm dò ý kiến