Điểm tin y tế ngày 19/10/2018

19/10/2018 | 06:50 AM

 | 

I. Thông tin y tế trong nước

 

1.    Bộ Y tế chi hơn 91 tỉ đồng tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella

Nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh sởi cho nhóm trẻ em sinh ra sau đại dịch sởi vào năm 2011, Bộ Y tế quyết định triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella (MR) cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi năm 2018 - 2019 tại 418 quận - huyện có nguy cơ cao thuộc 57 tỉnh, thành.

Ngày 18.10, Bộ Y tế cho hay Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi năm 2018 - 2019 tại 418 quận - huyện có nguy cơ cao thuộc 57 tỉnh, thành.

Theo đó, việc tổ chức tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella lần này sẽ tiến hành 2 đợt, trong đó đợt 1 bắt đầu vào tháng 11 và tháng 12.2018 tại 156 quận - huyện có nguy cơ cao thuộc 20 tỉnh, thành; đợt 2 sẽ thực hiện vào tháng 1 và tháng 2.2019 tại 262 quận - huyện có nguy cơ cao thuộc 37 tỉnh, thành khác.

Tại đợt 1 của chiến dịch này sẽ tổ chức tiêm cho trẻ sinh từ 1.1.2014 đến 1.11. 2017; còn đợt 2 sẽ là những trẻ sinh từ ngày 1.3.2014 đến 1.1.2018. Mỗi trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin MR không kể tiền sử được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, hoặc vắc xin phòng bệnh rubella trước đó. Ngoại trừ trẻ đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc vắc xin phòng bệnh rubella trong thời gian dưới 1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung.

Trong chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella lần này, Bộ Y tế dự kiến có khoảng 4.286.099 trẻ. Do đó, Bộ Y tế đã dự trù 5.315.100 liều vắc xin MR cùng với 4.500.400 bơm kim tiêm tự khoá 0,5ml, 586.410 bơm kim tiêm dung 1 lần 5ml và 58.030 hộp an toàn 5 lít. Tổng kinh phí mà Bộ Y tế chi cho chiến dịch này là 91.385.683.000 đồng.

Để đảm bảo việc tiêm bổ sung vắc xin MR cho tất cả trẻ từ 1-5 tuổi, Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai kế hoạch, điều tra, lập danh sách các trẻ từ 1-5 tuổi tại các quận - huyện được lựa chọn trong kế hoạch.

Các trường học lập danh sách theo lớp đối với trẻ từ 1-5 tuổi học mẫu giáo, nhà trẻ. Cần trao đổi với Ban giám hiệu các trường về kế hoạch phối hợp triển khai với trạm y tế, đề nghị nhà trường bố trí giáo viên, cán bộ y tế học đường (nếu có) thống kê, đăng ký đầy đủ học sinh trong độ tuổi theo lớp.

Điều tra tại cộng đồng với nhóm trẻ từ 1-5 tuổi tại cộng đồng không đi học theo tổ-ấp-thôn bản với sự hỗ trợ của y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, trưởng thôn trên địa bàn. Danh sách bao gồm cả đối tượng vãng lai, lưu ý những trẻ chưa được quản lý tại vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh và nơi có biến động dân cư.

Bộ Y tế lưu ý các địa phương không tiêm vắc xin MR cho những đối tượng đã được tiêm vắc xin sởi hoặc MR hoặc vắc xin có chứa thành phần sởi hoặc rubella trong vòng 1 tháng trước ngày tiêm. (585)

 

2.    Quỹ Bảo hiểm y tế thu lãi hơn 8.000 tỷ đồng trong 2 năm

Báo cáo về việc quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế gửi Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, số tiền lãi đầu tư từ quỹ này giai đoạn 2016-2018 ước đạt xấp xỉ 8.400 tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ nêu thông tin, đến hết năm 2017, số người tham gia bảo hiểm y tế là 81,2 triệu người, tăng khoảng 5,3 triệu người so với năm 2016, đạt tỷ lệ 103,78% so với kế hoạch Chính phủ giao. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,9% dân số, vượt 4,7% so với chỉ tiêu Thủ tướng giao. Về cân đối quỹ, Bộ trưởng Tiến cho hay, thu tiền đóng dự toán được giao 81.100 tỷ đồng; ước thực hiện thu đạt 81.500 tỷ đồng, bằng 100,5% so với dự toán.

Dự toán chi được giao tổng số là 91.200 tỷ đồng, nếu trừ khoản 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh dự kiến là 630 tỷ đồng, thì dự toán chi năm 2017 được giao là 90.500 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ước chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 88.600 tỷ đồng, giảm gần 1.900 tỷ đồng (2,1%) so dự toán.Theo báo cáo, số dư quỹ đến 31/12/2017 là xấp xỉ 40.000 tỷ đồng, trong đó số kết dư để lại địa phương và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an còn dư là 2.030 tỷ đồng. Số dư quỹ dự phòng là gần 38.000 tỷ đồng.

Người đứng đầu Bộ Y tế cho biết, toàn bộ số tiền tạm thời nhàn rỗi từ quỹ bảo hiểm y tế được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sử dụng để đầu tư theo các hình thức quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Hình thức đầu tư và cơ cấu đầu tư cụ thể hàng năm do Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quyết định trên cơ sở đề nghị của Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 2 điều 35 Luật Bảo hiểm y tế.

Tỷ trọng số dư vốn đầu tư mua trái phiếu Chính phủ đạt bình quân 82%, gửi tiền, mua trái phiếu tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt bình quân là 18%.Theo đó, số tiền lãi đầu tư từ quỹ bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2018 ước đạt gần 8.400 tỷ đồng (năm 2016 là 3.000 tỷ đồng, năm 2017 là 2.600 tỷ đồng, năm 2018 là 2.800 tỷ đồng). Tỷ lệ tiền lãi thu được giai đoạn 2016-2018 bình quân 6,9% tính trên số dư nợ đầu tư, trong đó, lãi đầu tư bình quân năm 2016 là 7,23%, năm 2017 là 7,25% (chỉ số trượt giá năm 2016 là 2,66%; năm 2017 là 3,53%).Như vậy, lợi suất đầu tư từ quỹ bảo hiểm y tế cao hơn so với chỉ số trượt giá, đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Toàn bộ số tiền lãi thu được hàng năm được hạch toán vào quỹ dự phòng bảo hiểm y tế để điều tiết chung, báo cáo nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, việc gửi tiền được thực hiện tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong bối cảnh khó khăn chung, các ngân hàng thương mại này chỉ nhận gửi tiền ở mức thấp và thời hạn ngắn dưới 6 tháng nên lãi suất gửi tiền rất thấp (bình quân 5%/năm), chỉ bằng 64% so lãi suất cho ngân sách nhà nước vay và bằng 71% so với lãi suất trái phiếu Chính phủ. Theo đó, hoạt động đầu tư quỹ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng gặp một số khó khăn, có những thời điểm số tiền tạm thời nhàn rỗi chưa được đầu tư kịp thời.

Đề cập một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ, Bộ trưởng Tiến nêu, mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5% lương phù hợp với mức giá dịch vụ tính đủ chi phí trực tiếp. Khi mức giá tính thêm tiền lương theo lộ trình thì phải tăng mức đóng bảo hiểm y tế và Luật Bảo hiểm y tế đã quy định tối đa 6% lương.Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì từ nay đến năm 2020 chưa điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế do đó phải điều chỉnh mức giá của một số dịch vụ để bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế cho đến năm 2020. (804)

 

3.    Quỹ bảo hiểm y tế tại nhiều địa phương bị âm trên 200 tỷ đồng

Thông tin này được đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết tại "Hội thảo về định hướng chính sách sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế (BHYT)”, diễn ra ngày 18/10 tại Hà Nội. Có tới 60/63 tỉnh, thành phố vượt chi quỹ được sử dụng trong kỳ; 13 tỉnh ước bội chi quỹ trên 200 tỷ đồng…Đứng đầu danh sách các địa phương bội chi quỹ là Nghệ An (-751,9 tỷ), Thanh Hóa (-749,2 tỷ), Quảng Nam (-486,5 tỷ), Thái Bình (-350,3 tỷ), Quảng Ninh (-341 tỷ), Hà Nội (-319,1 tỷ)…

Tại Hội thảo, ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, lộ trình tiến tới BHYT toàn dân ở Việt Nam về cơ bản đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt 86,9% dân số. Tỷ lệ đóng góp từ quỹ BHYT trong tổng chi y tế tăng qua các năm, BHYT đã góp phần quan trọng trong tổng nguồn tài chính cho y tế, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, từng bước đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, quá trình thực hiện, Luật BHYT vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạt pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc như: phạm vi được hưởng BHYT; mức hưởng; tổ chức khám chữa bệnh BHYT (hợp đồng, đăng ký khám chữa bệnh, chuyển tuyến, thủ tục khám chữa bệnh, giám định); phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHYT…Do đó, việc sửa đổi Luật BHYT là cần thiết để khắc phục những khó khăn, vướng mắc để BHYT là công cụ hữu hiệu để thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân theo định hướng công bằng, hiệu quả.

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, bên cạnh những ưu điểm như tạo hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho việc thực hiện chính sách BHYT toàn dân; mang lại cho người dân cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế công bằng, hiệu quả và có chất lượng …, thì Luật BHYT vẫn còn tồn tại một số bất cập.

Đó là sự thiếu thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật; trong quy định về thông tuyến còn những điều thiếu khả thi. Cụ thể, Luật BHYT chỉ quy định thông tuyến đối với bệnh viện, phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, phường, thị trấn mà không đề cập đến các loại hình khám chữa bệnh tuyến huyện khác như bệnh xá quân đội, công an, bệnh xá quân dân y, yế tế cơ quan đơn vị; mức đóng chưa tương xứng với mức hưởng; chưa có biện pháp quản lý cũng như chế tài kiểm soát người đi khám chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi, còn tình trạng chỉ định quá mức cần thiết dịch vụ y tế, năng lực của cơ sở khám chữa bệnh chưa đáp ứng được hết nhu cầu và sự hài long của người bệnh.

Chưa có cơ chế rõ ràng cho việc kiểm soát trách nhiệm đóng BHYT; thiếu sự đảm bảo an toàn, cân đối quỹ BHYT trong các năm do sự gia tăng giá dịch vụ y tế do yêu cầu tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế…

Một vấn đề đáng quan tâm nữa được đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra tại hội thảo, đó là hiện có tới 23 địa phương trong cả nước chưa đạt tỷ lệ bao phủ BHYT. Tình trạng này tập trung chủ yếu tại khu vực có ít đối tượng chính sách xã hội hoặc các khu vực có nền kinh tế chưa phát triển, những khu vực có nhiều đối tượng hộ gia đình và đối tượng lao động phi chính quy.

Do vậy, hội thảo lần này sẽ tổng kết đánh giá những vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT và đề xuất các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật BHYT. Từ những trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham gia sẽ có những đóng góp tốt hơn cho định hướng sửa đổi Luật và tạo tiền đề cho các hoạt động xây dựng Luật trong thời gian tới.(768)

 

4.    Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các địa phương phía Nam

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình dịch bệnh, trong đó có bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và sởi đang diễn biến phức tạp và bất thường có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới tại các địa phương phía Nam.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số ca mắc bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh tại các địa phương phía Nam với hơn 4.000 trường hợp từ đầu năm đến nay (chiếm 77% cả nước), chủ yếu gặp ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%).

Đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc bệnh tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh...

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố này cũng đã có trên 4000 ca bệnh tay chân miệng điều trị nội trú và trên 21.000 ca điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó, TP.Hồ Chí Minh  cũng đã có trên 130 ca mắc bệnh sởi.

Tại Đồng Nai, từ đầu tháng 8/2018 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh và liên tục. Trong tháng 9, số ca mắc lên tới trên 200 ca nội trú, khoảng 500 ca ngoại trú mỗi tuần. Các địa phương có số bệnh nhân mắc bệnh cao là TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu và Nhơn Trạch. Hiện, số ca mắc sởi tại Đồng Nai là 190 ca, trong đó chỉ tính riêng từ tháng 9 đến nay đã có 161 ca. 10/11 huyện ghi nhận có ca bệnh, tập trung tại khu vực có nhiều khu công nghiệp, nhà trọ như huyện Nhơn Trạch 87 ca, huyện Long Thành có 31 ca và TP.Biên Hòa xảy ra 41 ca.

Theo Bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, qua giám sát và điều tra cộng đồng tại một số điểm có ca bệnh, chùm ca bệnh cho thấy, số mắc bệnh phần nhiều tập trung ở nhóm trẻ sống trong các khu nhà trọ của công nhân, trẻ chưa tiêm chủng sởi và trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sởi cũng đang diễn biến khá phức tạp. Từ tháng 9/2018 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng nhanh với 112 ca và trên 3.000 ca mắc bệnh tay chân miệng. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, có đến 90% đối tượng nhập cư chưa được tiêm chủng hoặc không rõ lịch tiêm chủng. Đây cũng là một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ có số ca bệnh tay chân miệng và sởi tăng cao trong thời gian gần đây.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh phân tích những nguyên nhân phát sinh dịch bệnh, theo đó, từ kết quả điều tra dịch tễ của đơn vị này, trong năm 2018 dịch bệnh có chiều hướng phát sinh ở các khu vực có khu công nghiệp tập trung, nơi có số lượng công nhân lao động, người nhập cư, đối tượng vãng lai biến động liên tục.

Ngoài ra, tại những khu vực tập trung đông nhà trọ cho người lao động ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh…, điều kiện nhà ở, vệ sinh môi trường, nước thải, nước sạch không được tốt và đảm bảo chất lượng cũng là điều kiện lý tưởng phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt, có đến 90% đối tượng là người nhập cư, công nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng.

Từ đầu năm tới nay, bệnh tay chân miệng và sởi tại các tỉnh phía Nam tăng cao chủ yếu ở khu vực miền Đông Nam Bộ. Một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có dấu hiệu gia tăng nhưng không phức tạp và tăng nhanh như ở khu vực vực Đông Nam Bộ. Theo các chuyên gia y tế, thời tiết chuyển mùa, trẻ em tựu trường cũng là những yếu tố ngoại cảnh thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển.

Tình trạng số lượng lớn trẻ nhập viện do sởi không được tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm, trong khi sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp, dẫn đến nguy cơ số trẻ bị sởi sẽ tiếp tục tăng cao ở các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường.

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh cho rằng, qua điều tra dịch tễ, năm 2018 có sự phổ biến của chủng virus Enterovirus 71 (Ev71), chiếm 25% tổng ca mắc. Virus này khiến bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hơn, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, có thể gây tử vong. Đặc biệt, có sự biến đổi chủng gien của Ev71 từ C5 sang C4. Đây cũng là chủng gien virus gây nên dịch bệnh tay chân miệng ở Việt Nam vào năm 2011 với 70.000 người mắc và 145 người tử vong. Chủng này cũng dễ gây biến chứng nặng, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi cao gấp 1,7 lần so với các chủng gien khác của Ev71. Điều này có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh chóng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước những tuần gần đây, nhất là các địa phương Đông Nam Bộ.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng, đối với bệnh sởi, cần đẩy mạnh việc tiêm vét, nhất là các địa phương có nguy cơ cao cần tiến hành tiêm vét trong tháng 12 và tháng 1/2019. Tại khu vực phía Nam, tình hình mắc sởi liên tục tăng cao, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Tại những khu vực nguy cơ cao này, tỷ lệ tiêm phòng sởi mũi 1 và mũi 2 chưa đạt như mong muốn, một số nơi trẻ mắc sởi không được cách ly.

Đối với bệnh tay chân miệng, biện pháp phòng tránh chủ yếu vẫn là tập trung vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Cùng với đó, một số nhóm đối tượng tạm trú không nằm trong danh sách tiêm vét, vì vậy rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, chủ nhà trọ, khu công nghiệp.

Các địa phương trong vùng dịch bệnh phát triển mạnh cũng đã giao Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp Sở Y tế, Sở Giáo dục-Đào tạo tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng ngay tại hộ gia đình, cộng đồng, đặc biệt là tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo./..(1236)

 

5.    Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng tại Đà Nẵng

Ngày 18/10, Đoàn công tác Bộ Y tế do Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế Dương Chí Nam dẫn đầu đến kiểm tra công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, Đoàn ghi nhận và đánh giá cao công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng của ngành Y tế thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, đề nghị ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đẩy mạnh phối hợp trong công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh ở trường học, nhà trẻ, nhà mẫu giáo như rửa tay với xà phòng; vệ sinh cá nhân, môi trường, phun hóa chất...

Bên cạnh đó, ngành Y tế Đà Nẵng phối hợp với các phòng ban chuyên môn tuyến cơ sở triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn các ổ bệnh, hạn chế thấp nhất tình trạng lây lan chéo trong những môi trường tập trung đông trẻ em; rà soát lại nguồn lực, trang thiết bị tại các bệnh viện để đảm bảo cho việc thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng; đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức chiến dịch phòng, chống bệnh tay chân miệng...

Theo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.376 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 187 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017. Số ca mắc bệnh tay chân miệng chủ yếu là trẻ em từ 1-3 tuổi, chiếm 72%. Qua kiểm tra giám sát, tại Đà Nẵng chưa có trường hợp tử vong do tay chân miệng. Đến nay, bệnh tay chân miệng cơ bản được khống chế và không có diễn biến bất thường. Tuy nhiên, công tác truyền thông phòng chống tay chân miệng vẫn còn nhiều hạn chế; một bộ phận người dân chưa chịu hợp tác trong công tác xử lý hóa chất Cloramin B nên công tác xử lý ca đơn lẻ và ổ bệnh tay chân miệng vẫn còn nhiều khó khăn...

Thời gian tới, ngành Y tế Đà Nẵng tăng cường phòng chống các loại bệnh, nhất là bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết; tuân thủ quy trình giám sát, xử lý bệnh tay chân miệng, virus Zika và bệnh sốt xuất huyết theo quy định; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo và các ban, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về bệnh tay chân miệng trên các phương tiện, thông tin đại chúng; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, hóa chất, vật tư, thuốc... để phục vụ công tác giám sát, xử lý và chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng.

Để công tác phòng chống bệnh tay chân miệng có hiệu quả, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 700 kg hóa chất Cloramin B; 30.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng chống bệnh tay chân miệng cho các bệnh viện, trường học, nhóm trẻ gia đình và cộng đồng dân cư và một số máy móc, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị.(560)

 

6.    Tăng cường 700 kg CloraminB chống dịch tay chân miệng cho Đà Nẵng

Ngày 18.10, đại diện Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết sẽ tăng cường cho ngành y tế Đà Nẵng 700 kg CloraminB để chống dịch tay chân miệng.

Tại buổi làm việc với ngành y tế Đà Nẵng về công tác kiểm tra, giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM), ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống bệnh ở cơ sở là các điểm trường mầm non, cộng đồng dân cư, bệnh viện… và đánh giá cao công tác chủ động phòng chống dịch TCM ở địa phương này.

Ông Nam cho biết sẽ tăng cường tại Đà Nẵng thêm 700 kg Cloramin B (thuốc sát khuẩn, khử trùng) để chống dịch, dù thời điểm hiện tại bệnh TCM ở Đà Nẵng vẫn ở mức kiểm soát. Ông lý giải, Đà Nẵng cần có sự ưu tiên chủ động chống dịch, bởi đây là thành phố lớn của khu vực miền Trung, là điểm đến của sự kiện, của du lịch.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Tiến Thanh, Trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Pasteur (Nha Trang) cũng cung cấp số liệu về bệnh TCM ở khu vực miền Trung (từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận), cho biết vẫn đang ở mức kiểm soát.

Cụ thể, đến thời điểm này so với năm 2017 chỉ tăng khoảng 1.000 ca và số ca mắc mới trong 3 tuần trở lại có dấu hiệu giảm qua từng tuần.“Riêng với chủng vi rút EV71 thì cả khu vực miền Trung có 70 trường hợp mắc. Ở Huế có 9 ca, Quảng Trị 4 ca, Quảng Ngãi 16, Bình Định 8, Ninh Thuận 44, Khánh Hòa 17 và Đà Nẵng chưa có ca EV71 nào”, ông Thanh cho biết.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.Đà Nẵng, tổng số ca mắc TCM năm 2018 tại Đà Nẵng là 1.376 ca, tăng khoảng 200 ca so với cùng kỳ 2017 và không có ổ dịch tập trung. Hằng tuần, Trung tâm đều lấy mẫu gửi Viện Pasteur với kết quả tính đến thời điểm hiện tại là 99 ca TCM/300 mẫu xét nghiệm. 

Trao đổi về tình hình dịch bệnh TCM tại Đà Nẵng, thạc sĩ, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.Đà Nẵng, khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, vì TCM là bệnh có diễn biến rất nhanh, có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, để phòng chống bệnh TCM hiệu quả, phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trước và sau khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Bệnh TCM phát tán qua phân của trẻ, vì vậy không nên dùng tay mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay. Khu vực nhà ở, nơi sinh hoạt, trường học phải thông thoáng và thường xuyên được vệ sinh, nhất là đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, sàn nhà... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.Đặc biệt, khi trẻ có dấu hiệu mắc TCM cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.(598)

 

7.    Khoa khám bệnh cơ sở 2 BV Việt Đức và BV Bạch Mai sẽ hoạt động từ ngày 21/10

BV Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 được xây dựng trên diện tích khoảng 20ha/bệnh viện, diện tích chung gấp bốn lần so với cơ sở hiện tại của BV Bạch Mai và gấp hơn 10 lần so với BV Việt Đức cơ sở 1.Ngày 18/10, Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh làm Chủ tịch Hội đồng chuyên môn đã thẩm định Khoa khám bệnh cơ sở 2 của BV Việt Đức và BV Bạch Mai tại Hà Nam.

Hội đồng chuyên môn còn có các thành viên thuộc Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn cho biết, Dự án xây dựng BV Việt Đức và BV Bạch Mai là dự án trọng điểm của ngành y tế, được xây dựng nhằm góp phần giảm quá tải bệnh viện.

Hội đồng chuyên môn đã thẩm định hồ sơ và thẩm định trên thực tế các điều kiện để Khoa Khám bệnh bệnh cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Việt Đức hoạt động đảm bảo đúng Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 109/2016/NĐ-CP để đảm bảo đúng hành lang pháp lý, an toàn người bệnh.Trong đó, có những nội dung kiểm tra về danh mục kỹ thuật hoạt động, công tác nhân sự, tổ chức bộ máy hoạt động, trang thiết bị y tế, công tác an toàn bức xạ, phòng chống cháy nổ, xử lý rác thải….

Tại cơ sở 2 của 2 BV Việt Đức và BV Bạch Mai, Đoàn thẩm định đã đi kiểm tra Khu vực bố trí để làm nơi đón tiếp, khám, chữa bệnh cho người bệnh và các điều kiện đi kèm.Sau khi nghe 2 BV báo cáo về công tác chuẩn bị cho hoạt động của Khoa Khám bệnh cơ sở 2 và ý kiến của các thành viên hội đồng PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh- Chủ tịch Hội đồng đã đề nghị 2 bệnh viện phải bố trí cán bộ phụ trách chuyên môn ở Khoa Khám bệnh cơ sở 2 phải đảm bảo thời gian cơ hữu và năng lực chuyên môn, các cán bộ khám chữa bệnh phải đảm bảo về chứng chỉ hành nghề và thời gian làm việc.

Hai bệnh viện cũng cần hoàn thiện hồ sơ nhân sự, các điều kiện khám, chữa bệnh cho người bệnh. Khoa Khám bệnh phải đảm bảo các tiêu chí về Khoa khám bệnh theo Bộ 83 Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện và Quy chế bệnh viện.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng đề nghị Ban quản lý Dự án trọng điểm Bộ Y tế tích cực hoàn thiện các hạng mục công trình, sớm nghiệm thu và bàn giao cho 2 bệnh viện. Tại thời điểm kiểm tra, các hạng mục về xử lý nước thải, rác thải, phòng cháy chữa cháy, an toàn bức xạ, hệ thống nước … đang được hoàn thiện.

Việc bàn giao về cơ sở vật chất và trang thiết bị phải đảm bảo chặt chẽ và đúng nguyên tắc, khu vực đã được cấp phép hoạt động và khu vực đang hoàn thiện phải đảm bảo an toàn cho người bệnh và công tác khám, chữa bệnh PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Theo dự kiến, ngày 21/10 tới, sẽ khai trương Khoa Khám bệnh cơ sở 2 của BV Việt Đức và BV Bạch Mai tại Hà Nam. BV Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 được xây dựng trên diện tích khoảng 20ha/bệnh viện, diện tích chung gấp bốn lần so với cơ sở hiện tại của BV Bạch Mai và gấp hơn 10 lần so với BV Việt Đức cơ sở 1.

Dự kiến ban đầu, cơ sở hai cuả 2 bệnh viện này sẽ tiếp nhận 500-800 bệnh nhân khám, điều trị ngoại trú/ngày. Các hạng mục tiếp theo của hai bệnh viện đang được tiếp tục xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào khoảng quý 3/2019.

BV Việt Đức và Bạch Mai cơ sở hai là hai trong số năm bệnh viện ở Hà Nội và TP.HCM được đầu tư vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ nhằm giảm tải bệnh nhân tại các cơ sở y tế tuyến cuối. (764)

 

8.    Tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho hơn 4,2 triệu trẻ vùng nguy cơ cao

Bộ Y tế vừa ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao 2018-2019 nhằm góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi, rubella trong cộng đồng.Thời gian triển khai chiến dịch, đợt 1: tháng 11-12/2018 tại 156 quận/huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh/thành phố. Đợt 2: tháng 1-2/2019 tại 262 quận/huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh/thành phố.

Theo đó, tất cả trẻ từ 1-5 tuổi tại vùng nguy cơ cao (Trẻ sinh từ 01/01/2014 - 01/11/2017 đối với đợt 1, trẻ sinh từ 01/3/2014 - 01/01/2018 đối với đợt 2) sẽ được tiêm 01 mũi vắc xin MR không kể tiền sử được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi hoặc vắc xin phòng bệnh rubella trước đó. Ngoại trừ trẻ đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc vắc xin phòng bệnh rubella trong thời gian <1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung.Dự kiến có khoảng 4.286.099 trẻ được tiêm trong chiến dịch này.

Vắc xin sởi và rubella an toàn, hiệu quả phòng bệnh cao

Bộ Y tế cho biết, sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút sởi và vi rút Rubella gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) mắc đồng thời nhiều dị tật bẩm sinh như dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Vắc xin sởi và rubella an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh. Tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc xin sởi trên toàn quốc hàng năm đạt trên 95% và tỷ lệ tiêm vắc xin MR cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%.

Từ năm 2017 số mắc sởi tại Việt Nam có xu hướng gia tăng so với năm 2015, 2016, ghi nhận 436 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (SPB) tại 45 tỉnh/thành phố, trong đó có 145 trường hợp sởi dương tính.

Năm 2018, tính đến ngày 17/9/2018 toàn quốc có 49 tỉnh/thành phố ghi nhận 2.301 trường hợp SPB, 37 tỉnh/thành phố ghi nhận 954 trường hợp mắc sởi dương tính, 01 trường hợp tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài).

Các tỉnh có số SPB và sởi dương tính cao là Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên...Số SPB nghi sởi phân bố chủ yếu tại miền Bắc (2.094 trường hợp, 91%), miền Nam (197 trường hợp, 8,56%), miền Trung (6 trường hợp, 0,26%), Tây Nguyên (4 trường hợp, 0,17%). So với cùng kỳ năm 2017 (SPB: 251; Dương tính: 41), số SPB nghi sởi tăng 8,2 lần, số trường hợp dương tính tăng 22,3 lần. Phân tích các trường hợp mắc cho thấy trong số 2.301 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (SPB), 37 tỉnh/thành phố ghi nhận 954 trường hợp mắc sởi dương tính, 01 trường hợp tử vong.

Các tỉnh có số SPB và sởi dương tính cao là Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên ... Số SPB nghi sởi phân bố chủ yếu tại miền Bắc (2.094 trường hợp, 91%), miền Nam (197 trường hợp, 8,56%), miền Trung (6 trường hợp, 0,26%), Tây Nguyên (4 trường hợp, 0,17%). So với cùng kỳ năm 2017 (SPB: 251; Dương tính: 41), số SPB nghi sởi tăng 8,2 lần, số trường hợp dương tính tăng 22,3 lần. Số SPB nghi sởi ở nhóm 1 -  5 tuổi cao nhất, chiếm 36%.

Trong số các trường hợp SPB nghi sởi này, chỉ có 370 trường hợp đã tiêm chủng (chiếm 16,1%), trong đó dương tính 110, còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng (1.004 trường hợp, chiếm 43,6%, trong đó dương tính 501) và không rõ tiền sử tiêm chủng (927 trường hợp, chiếm 40,3%, trong đó dương tính 343).

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi. Ngoài ra cần triển khai các đợt tiêm vét, tiêm chiến dịch theo tình hình dịch tễ.

Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin sởi và vắc xin MR trên toàn quốc các năm gần đây đạt cao, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin MR trên phạm vi toàn quốc chưa đạt 95% và vẫn còn các huyện/thị vùng nguy cơ cao chỉ đạt tỷ lệ tiêm vắc xin sởi, MR dưới 90%. Số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện vi rút sởi lưu hành có thể gây dịch.

Năm 2018, Việt Nam đã tiến hành bổ sung vắc xin sởi - rubella cho 33 huyện thuộc 06 tỉnh nguy cơ bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La từ tháng 6/2018. Đến nay, hầu hết các huyện đã hoàn thành chiến dịch với tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%.

Ngoài ra 13 tỉnh/thành phố vùng nguy cơ cao (theo Quyết định số 5433/QĐ-BYT ngày 10/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế) đang xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. Một số tỉnh, thành phố có số mắc sởi cao năm 2018 cũng đã có kế hoạch triển khai tiêm vắc xin sởi - rubella trên địa bàn bằng nguồn kinh phí của địa phương như Hà Nội, Lào Cai.

Nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh sởi cho nhóm trẻ em sinh ra sau chiến dịch thì việc mở rộng phạm vi triển khai tiêm vắc xin sởi - rubella tại các vùng nguy cơ cao là rất cần thiết. Hoạt động này sẽ góp phần quan trọng không để dịch sởi, rubella quay trở lại và góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi và rubella cùng với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương trong tương lai. Đây cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Dự án TCMR trong giai đoạn 2016-2020. (1100)

 

 

9.    Hà Nội ráo riết ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh sởi, tay chân miệng

Mặc dù số người mắc dịch sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi trên địa bàn Hà Nội. Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến ngày 9/10, toàn thành phố ghi nhận 409 trường hợp mắc sởi (tăng 125 ca so với cùng kỳ năm 2017) và 1.742 ca tay chân miệng (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2017), chưa có trường hợp tử vong, chưa ghi nhận ổ dịch lớn.

Trước tình hình trên, ngày 15/10, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đã ký văn bản khẩn gửi các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc ngành, cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ thuốc phòng chống bệnh tay chân miệng.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh chủ động đề xuất phương án cung ứng thuốc, liên hệ với đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc và chuẩn bị sẵn sàng cơ số phòng chống dịch bệnh. Đồng thời thường xuyên cập nhật diễn biến mô hình bệnh tật để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị tại cơ sở, đảm bảo không xảy ra thiếu thuốc cho công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng và điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn.

Đối với các cơ sở kinh doanh thuốc, Sở Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng nguồn thuốc chất lượng, giá thành hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dịch sởi hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, các ca bệnh đều được phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời. Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Hạnh cũng lưu ý, theo chu kỳ dịch 4 năm/lần, dự báo bệnh sởi có thể tiếp tục gia tăng tại Hà Nội trong các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Thêm vào đó, dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi của Hà Nội luôn đạt so với tỷ lệ chung của toàn quốc (từ 95%-97%) nhưng hàng năm vẫn còn khoảng 3-5% trẻ không được tiêm vắc xin sởi và đó là đối tượng dễ mắc bệnh. Trong 3 tháng cuối năm 2018, thành phố sẽ triển khai tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ.

Nhận định về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội trong những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết là các bệnh lưu hành hàng năm tại tất cả các quận, huyện, thị xã, diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ gây dịch. Công tác phòng chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn do nhiều dịch bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân… Một số địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh, chưa thực hiện vệ sinh môi trường triệt để, chưa chủ động đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn…

Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2018 của UBND thành phố; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các tổ dân phố, thôn, làng và các hộ gia đình nhằm nâng cao ý thức phòng chống bệnh sốt xuất huyết; triển khai quyết liệt các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy, đặc biệt tại các khu vực đất trống, đất xen kẹt, các công trường xây dựng.... Bên cạnh đó tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đưa trẻ trong độ tuổi tiêm phòng vắc xin theo quy định; theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có phương án xử lý kịp thời.

Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và chủ động tham mưu UBND thành phố các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt công tác cấp cứu điều trị cho người mắc bệnh. Ngoài ra chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả; tổ chức tốt chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi đạt tỷ lệ trên 95%.

UBND các quận, huyện, thị xã coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ chính trị hàng đầu; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, xây dựng mạng lưới cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết... Đối với người dân chủ động thực hiện các biện phòng chống dịch bệnh, nhất là các biện pháp diệt bọ gậy, diệt muỗi; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, ăn sạch, uống sạch, đồ chơi sạch; đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch…(939)

 

10.  Quảng Ngãi: Bệnh nhân tử vong sau phẫu thuật do sốc phản vệ

Chiều ngày 18-10, Sở TT-TT phối hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo thông tin về trường hợp bệnh nhân tử vong sau phẫu thuật lấy dụng cụ chỉnh hình xương đùi.

Theo thông báo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, bệnh nhân Lê Chiến (68 tuổi, thôn Tân An, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi) tử vong do ngừng tuần hoàn không phục hồi do sốc phản vệ độ IV sau tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch ở bệnh nhân có bệnh phổi mãn tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ, cơ thể suy kiệt, hậu phẫu lấy dụng cụ kết hợp xương đùi trái ngày thứ nhất.

Ông Phạm Ngọc Lân- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết, từ quá trình tiếp nhận người bệnh, thăm khám, chẩn đoán, điều trị cho đến khi xảy ra sự việc trên, các phòng ban, khoa chuyên môn đã thực hiện đúng chức trách chuyên môn và quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế.

Sự việc xảy ra vào sáng 10-10, bệnh nhân Lê Chiến sau khi được phẫu thuật lấy dụng cụ chỉnh hình xương đùi đã được đưa về phòng hồi tỉnh tiếp tục điều trị sau phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của phẫu thuật viên, thuốc gồm Vimotram 1.5g x 02 lọ, Bigentil 100mg x 02 lọ, khi điều dưỡng tiêm kháng sinh thì bệnh nhân buồn nôn, mệt, đau ngực. Sau đó, dù được cấp cứu, nhưng bệnh nhân không qua khỏi.

Ông Lân cho rằng, việc tiêm kháng sinh thực hiện đúng quy trình, bệnh nhân Lê Chiến có tiền sử gãy xương đùi trái đã được kết hợp xương cách đây 10 năm, không có tiền sử dị ứng với các loại thuốc đã dùng trước đây.  Đây là sự cố ngoài ý muốn. (316)

 

11.  Tổ chức Y tế thế giới công nhận Việt Nam loại trừ được thêm một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng các đối tác và sự nỗ lực của hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương, Việt Nam mới đây đã được thế giới công nhận đạt được mục tiêu loại trừ được bệnh giun chỉ bạch huyết.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, mới đây tại Manila, Philipines, TS Tedros Adhanom Dhebreyesus - Tổng Giám đốc WHO tại Geneva và TS. Shin Young-Soo- Trưởng đại diện WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã trao chứng nhận Loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết cho Việt Nam, nâng tổng số nước đã công bố loại trừ bệnh này trong khu vực lên tới con số 11 nước.

Đáng lưu ý, đây là lần thứ 2 Việt Nam được WHO công nhận loại trừ một bệnh truyền nhiễm tiếp theo của công bố loại trừ bệnh bại liệt vào năm 2000. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trước đây, Việt Nam là nước có lưu hành bệnh giun chỉ bạch huyết với hàng triệu người dân sống trong vùng nguy cơ. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của WHO và các đối tác, với sự nỗ lực của hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương, đến nay Việt Nam đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết như một vấn đề sức khoẻ cộng đồng. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tiến hành các bước giám sát đánh giá sau khi được công nhận loại trừ theo hướng dẫn của WHO để duy trì được thành quả trên.

Bệnh giun chỉ bạch huyết do một số loài giun chỉ bạch huyết gây ra và lây truyền bởi muỗi, rất phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới do điều kiện khí hậu nóng và ẩm. Tại Việt Nam, bệnh đã được biết đến từ lâu và đã từng là một trong những bệnh gây tàn phế hàng đầu cho người mắc bệnh. Trước năm 1975, bệnh giun chỉ bạch huyết lưu hành rộng rãi trên toàn quốc, một số vùng có tỷ lệ nhiễm cao từ 5-10% dân số và có số lượng đáng kể bệnh nhân mắc giun chỉ bạch huyết bị phù chân voi, gây đau đớn, tàn tật do biến chứng và ảnh hưởng tới thẩm mỹ, khó hòa nhập cộng đồng của người bệnh.

Giai đoạn từ 1976 -2002, với các tiến bộ về chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh, tỷ lệ mắc đã giảm xuống đáng kể chỉ còn 1-3% tại các vùng lưu hành nặng. Từ năm 2002, Chương trình loại trừ giun chỉ bạch huyết tại Việt Nam đã được triển khai và thực hiện trên toàn quốc theo hướng dẫn của WHO, để điều tra lập bản đồ dịch tễ, tổ chức điều trị toàn dân tại các vùng dịch tễ, tiến hành các vòng điều tra về sự lan truyền bệnh giun chỉ bạch huyết và đánh giá kết quả thực hiện theo các tiêu chí của WHO. Kết quả từ năm 2013 - 2016 đã không phát hiện trường hợp nào dương tính.

Năm 2018, Bộ Y tế đã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện và thấy rằng Việt Nam đã loại trừ giun chỉ bạch huyết đạt tiêu chuẩn của WHO và lập hồ sơ gửi WHO đánh giá công nhận Việt Nam loại trừ giun chỉ bạch huyết. (584)

 

12.  Đình chỉ phòng khám khiến cháu bé 22 tháng tuổi tử vong

Liên quan tới trường hợp tử vong bất thường của bé Nguyễn Gia B. (22 tháng tuổi, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) sau khi được gia đình đưa tới khám tại phòng khám của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (ở số 392 Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội), Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo nhanh về vụ việc nghiêm trọng này.

Theo Sở Y tế Hà Nội, chiều 16-10 bệnh nhi Nguyễn Gia B. (sinh 1-12-2016, ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) được bố mẹ đưa đến Phòng khám chuyên khoa Nội của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (ở số 392 Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) để khám với các dấu hiệu sốt, tiêu chảy.

Sau đó, bệnh nhi B. được bác sĩ Cúc khám và trực tiếp truyền dịch Ringer lactat. Tuy nhiên sau khi truyền được khoảng 15 phút thì bệnh nhi B. có biểu hiện tím tái. Ngay sau đó, bác sĩ Cúc đã rút kim truyền và cùng gia đình đưa bé B. vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu.

Khi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bé B. đã có dấu hiệu ngừng thở, ngừng tim, không đo được mạch, huyết áp, đồng tử giãn 4mm – không phản xạ ánh sáng. Mặc dù được cấp cứu theo phác đồ nhưng sau hơn 30 phút không có kết quả. Bệnh nhi B. được chẩn đoán tử vong ngoại viện.

Trước sự việc trên, Sở Y tế Hà Nội đã rà soát lại giấy phép hoạt động của phòng khám chuyên khoa Nội tại địa chỉ 392 đường Ngô Gia Tự. Đây là phòng khám được Sở Y tế  cấp phép hoạt động, gồm 2 nhân sự là bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phòng khám và y sĩ Đinh Thị Hằng Nga là nhân viên hợp đồng.

Nhằm phục vụ công tác điều tra, Sở Y tế Hà Nội quyết định đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của phòng khám trên. Đồng thời yêu cầu Phòng Y tế quận Long Biên phối hợp với cơ quan Công an quận Long Biên và các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc này.

Hiện nay, toàn bộ số tài liệu, thuốc, vật tư và hồ sơ có liên quan tại phòng khám của bác sĩ Cúc đã bị Công an quận Long Biên niêm phong để phục vụ công tác điều tra.(427)

 

13.  Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu kiểm tra thông tin bé 22 tháng tuổi tử vong sau khi truyền dịch

Liên quan đến thông tin một cháu bé 22 tháng tuổi tử vong tại phòng khám tư nhân trên địa bàn quận Long Biên sau khi truyền dịch điều trị tiêu chảy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm.

Theo văn bản Chủ tịch UBND TP Hà Nội gửi Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Long Biên, UBND TP giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phới hợp với Chủ tịch UBND quận Long Biên kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân tại phòng khám trên (nếu có). Báo cáo Thành uỷ, UBND TP trước ngày 25-10-2018, đồng thời thông tin với báo chí theo quy định.

Theo thông tin được phản ánh trên báo chí, chiều 15-10 bệnh nhi Nguyễn Gia B. (22 tháng tuổi, huyện Gia Lâm) được gia đình đưa đến phòng khám bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc với các dấu hiệu ho, sốt và được bác sĩ Cúc kê đơn thuốc điều trị tại nhà.

Sau uống thuốc một ngày, bệnh nhi không đỡ, kèm theo đi ngoài, nôn nhiều nên gia đình đưa bé quay lại phòng khám. Tại đây, cháu B. được bác sĩ Cúc khám và trực tiếp truyền dịch (Ringer lactac). Tuy nhiên, sau truyền dịch được khoảng 15 phút thì cháu B. có biểu hiện tím tái.Bác sĩ Cúc đã rút kim truyền và cùng gia đình đưa bé đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Tuy nhiên, cháu B. đã tử vong trước khi đến viện.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở Y tế đã ra quyết định đình chỉ hoạt động phòng khám tư của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc tại địa chỉ 392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội do xảy ra sự việc một cháu bé 22 tháng tuổi tử vong tại đây sau truyền dịch.

Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra quận Long Biên đã phối hợp với các đơn vị có thẩm quyền để tiếp tục điều tra sự việc. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu, thuốc, vật tư liên quan đến khám và điều trị của bệnh nhân tại phòng khám đã được Công an quận Long Biên niêm phong.

Sau sự việc, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập tăng cường rà soát quy trình, quy chế chuyên môn trong hoạt động khám chữa bệnh. Đồng thời, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động y tế ngoài công lập. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, bảo vệ lợi ích, sức khỏe của người bệnh. (477)

 

14.  Tiêm thuốc tại nhà riêng bác sĩ, bé gái 6 tuổi tử vong

Đến phòng khám tư nhân, bác sĩ điều trị tiêm mũi thuốc cho bé gái 6 tuổi. Vài giờ sau, nạn nhân tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Sáng 18/10, Sở Y tế tỉnh Bình Định xác nhận có xảy ra trường hợp cháu bé 6 tuổi tử vong sau khi tiêm thuốc tại nhà bác sĩ Trần Văn Lụi – Trưởng Khoa ngoại Trung tâm Y tế huyện Vân Canh.

Theo lời anh Đ.V.T. (cha cháu bé), vào ngày 8/10, đưa con gái đến nhà riêng bác sĩ Trần Văn Lụi để khám và được bác sĩ Lụi tiêm thuốc. Sau khi tiêm, về nhà cháu có biểu hiện bất thường nên anh Đ.V.T. đưa con vào Trung tâm Y tế huyện cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong.

Ông Lê Quang Hùng – Giám đốc Sở Y tế Bình Định cho biết, hiện bác sĩ Trần Văn Lụi đang làm việc với cơ quan điều tra nên Sở chưa nhận báo cáo giải trình. Khi có kết luận của công an cùng nội dung tường trình sự việc, Sở và Trung tâm tiến hành xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Được biết, bác sĩ Trần Văn Lụi không được cấp phép khám, chữa bệnh tại nhà riêng. Bên cạnh đó, theo quy định ngành y tế, các cơ sở khám bệnh tư nhân không được phép tiêm thuốc cho bệnh nhân. (238)

 

15.  Lãnh đạo BV Việt Đức lên tiếng về đường dây mua - bán thận

Ngày 18-10, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đã trao đổi với báo chí sau khi công an phát hiện đường dây mua - bán thận với giá hàng trăm triệu đồng mỗi quả thận và việc lấy thận cũng như ghép thận diễn ra tại bệnh viện này.

Trao đổi với báo chí về nghi vấn tồn tại đường dây mua - bán thận tại bệnh viện (BV), GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức, cho biết khoảng 2 tháng trước, Công an TP Hà Nội đã đề nghị BV Việt Đức phối hợp để điều tra nhóm mua - bán thận mà công an đang điều tra.

Theo rà soát, thời gian qua có 5 cặp cho - nhận thận không cùng huyết thống được ghép thận tại BV Việt Đức. Tuy nhiên, nếu xét theo hồ sơ pháp lý, cả 5 cặp hồ sơ hiến - ghép tạng này đều đủ yêu cầu.Cặp đầu tiên bệnh nhân nam Q.H.N., 36 tuổi ở Phú Thọ, bị suy thận mãn. nhận tạng từ người hiến là C.T.T.N., 30 tuổi ở An Giang. Để hoàn thành thủ tục hiến thận đã có bố và chồng đến BV Việt Đức, nghe các bác sĩ giải thích và kí cam kết. Cặp thứ 2 là bệnh nhân P.T.T.X., 43 tuổi ở Hải Dương bị suy thận mãn nhận tạng từ người hiến là H.N.T., 30 tuổi ở Quảng Trị, có mẹ đẻ và vợ đến viện kí cam kết. Cặp 3 là bệnh nhân Đ.H.N., 43 tuổi ở Hà Nội, nhận tạng từ người hiến là V.T.Đ., 25 tuổi ở Lạng Sơn, cũng có mẹ đẻ và vợ đến viện kí cam kết. Cặp 4 là bệnh nhân T.V.H., 26 tuổi ở Bắc Ninh, nhận tạng từ người hiến là P.V.H., 27 tuổi ở Lạng Sơn, cũng có vợ và mẹ đẻ đến nghe và ký cam kết.Cặp thứ 5 là bệnh nhân Đ.D.M., 40 tuổi ở Hà Nội, nhận thận từ người hiến L.Đ.V., 28 tuổi ở Lạng Sơn, có vợ và mẹ đẻ đến nghe và ký cam kết.

Theo GS Giang những cặp bệnh nhân hiến - ghép tạng này đều không cùng huyết thống nhưng một trong những yêu cầu nghiêm ngặt với người hiến thận đó là phải có ít nhất 2 người thân trong gia đình (bố, mẹ hoặc chồng, vợ) đến BV, cùng ký cam kết đồng ý hiến thận. Mối quan hệ gia đình cũng được chứng thực bằng các giấy tờ liên quan, chứng nhận của địa phương, qua phòng công chứng xác định.

PGS-TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng thuộc BV Việt Đức, cho biết bản thân ông đã từng phải từ chối nhiều ca ghép, ngay trước giờ phẫu thuật vì nhận thấy có vấn đề giữa người cho - người nhận. Thậm chí có nhiều trường hợp hiến - ghép thận thấy hồ sơ tại BV làm quá chặt chẽ đã phải chuyển sang viện khác.

Theo PGS Nghĩa, hầu hết những trường hợp đến hiến thận thường chỉ định luôn người nhận thận, chỉ có một số ít trường hợp để lại thông tin về việc có nhu cầu hiến tạng cho người xa lạ. Với hồ sơ hiến - nhận tạng luôn phải có sự chứng nhận, kí tên, điểm chỉ của 2 người thân nhân với người hiến. Quy định hồ sơ cũng chặt chẽ, giấy tờ chứng minh thân nhân đi theo người hiến không chỉ bản gốc mà cần công chứng.

Ngoài ra, với có trường hợp nghi ngờ, Trung tâm sẽ gọi điện về công an địa phương xác minh. "Mặc dù bệnh nhân ghép rất cần ghép tạng nhưng theo quy định chúng tôi đã từ chối ghép cho nhiều ca bởi nghi ngờ việc hiến thận "có vấn đề""- PGS Nghĩa nói.

Theo GS Giang, hiện nay tại BV Việt Đức mỗi tuần thực hiện từ 4 - 6 ca ghép thận. Nhu cầu ghép thận rất nhiều, nhưng ngoài việc không có nguồn tạng hiến thì chi phí đối với người ghép cũng là số tiền rất lớn khiến bệnh nhân không thể ghép thận.

Tuy nhiên, GS Giang cũng cho rằng thực tế có thể có những trường hợp khó khăn đột xuất về kinh tế, bị "cò" mồi bắt mối, thậm chí lân la cho vay tiền đến khi không có khả năng trả thì phải trả... bằng thận. Bởi theo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác, mọi người trưởng thành đều có quyền cho thận, không yêu cầu có cùng huyết thống.

Do đó để tránh kẽ hở có thể dẫn đến mua - bán thận, quy trình hiến thận tại BV Việt Đức được thực hiện rất chặt chẽ. Một người trưởng thành, có đủ điều kiện hiến thận khi đi hiến, ngoài chính bản thân người hiến đồng ý thì cần có yêu cầu xác nhận địa phương về nhân thân. Đặc biệt, người hiến thận cần dẫn theo ít nhất 2 người thân ruột thịt (bố mẹ, vợ, hoặc chồng) đến BV để nghe bác sĩ giải thích, kí, điểm chỉ vào hồ sơ. "Tôi khẳng định quy trình tại BV làm rất chặt chẽ, về phía nhân viên y tế tuyệt đối không có chuyện móc nối để làm hồ sơ. Chỉ cần phát hiện nếu cán bộ y tế có liên quan, chắc chắn sẽ lập tức bị đuổi việc"- GS Giang khẳng định.

Quy trình hiến - ghép thận như thế nào?

Về quy trình hiến- ghép tạng, PGS Nguyễn Quang Nghĩa cho biết theo luật quy định, công dân Việt Nam trên 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống. Vì vậy, BV Việt Đức tiếp nhận tất cả những trường hợp có nhu cầu hiến tạng để đánh giá. Việc đánh giá sẽ theo các bước sau:

Bước 1: Sàng lọc bước đầu: các xét nghiệm cơ bản để loại trừ những trường hợp chống chỉ định

Bước 2: Chuyên gia tư vấn đánh giá, giải thích về nguy cơ của việc hiến tạng cho bệnh nhân và gia đình. Nếu bệnh nhân và gia đình đồng ý sẽ tiến hành xác minh pháp lý.

Bước 3: Xác minh pháp lý: người hiến thận và gia đình (bệnh viện quy định tối thiểu 2 người thân nhất: bố, me, vợ, anh chị em > 18 tuổi) phải trình các giấy tờ bản gốc có tính pháp lý. Bộ hồ sơ pháp lý sẽ được văn phòng công chứng xác minh và sao y bản chính để bệnh viện lưu trữ. Toàn bộ hồ sơ pháp lý sẽ được BV xem và xác nhận.

Bước 4: Đánh giá khả năng hiến thận và phù hợp miễn dịch: gồm các thăm dò chuyên sâu đánh giá toàn bộ sức khoẻ của người hiến. Đánh giá mức độ hòa hợp miễn dịch giữa người cho và người nhận. Hồ sơ người hiến sau khi hoàn thành sẽ được xem xét bởi chuyên gia nội thận.

Bước 5: Hội chẩn quyết định ghép: Hội chẩn lần 1 bao gồm các chuyên gia (ghép tạng, phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật tiết niệu, gây mê hồi sức, nội thận, kế hoạch tổng hợp….) để quyết định có lấy thận được không? Lấy thận bên nào…. Hội chần lần 2 toàn bệnh viện: trung tâm ghép tạng sẽ trình bày trước Giám đốc BV đầy đủ hồ sơ chuyên môn và pháp lý để xin chỉ định lấy thận và ghép thận. (1286)

 

16.  Công đoàn ngành Y tế Hà Nội: Biểu dương 110 nữ cán bộ tiêu biểu

Sáng 18/10, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt cán bộ nữ tiêu biểu ngành Y tế Thủ đô, nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1939 – 20/10/2018). Tại Hội nghị có 110 nữ cán bộ được biểu dương vì có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành.

Theo Chủ tịch công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm: Hiện nay, ngành Y tế Thủ đô có 89 đơn vị trực thuộc với trên 24 nghìn cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ, trong đó, có trên 17 nghìn cán bộ nữ (chiếm tỷ lệ 70%). Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đội ngũ cán bộ nữ cũng luôn phấn đấu, vượt qua khó khăn, cống hiến công sức, trí tuệ, góp phần quan trọng cùng toàn ngành Y tế Thủ đô hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Là một ngành đặc thù nên cán bộ y tế, trong đó có không ít nữ cán bộ luôn phải làm việc trong môt trường áp lực, độc hại, lây nhiễm, dịch bệnh… thường xuyên phải tiếp xúc với các chất thải, hóa chất độc hại. Ngoài làm việc 8 giờ/ngày bình thường, các nữ nhân viên y tế còn phải trực chuyên môn ban đêm, trực những ngày lễ, Tết…, đồng thời luôn phải có mặt kịp thời tại các cơ sở y tế kịp thời cấp cứu bệnh nhân, đảm bảo cho người bệnh luôn được chăm sóc, điều trị.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ nữ công tác tại các trạm y tế xã, phường, phòng khám đa khoa thuộc các khối Trung tâm Y tế luôn cố gắng khắc phục khó khăn, nguy hiểm trong công tác phòng chống dịch bệnh, góp phần cùng toàn ngành khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Đặc biệt là việc triển khai có hiệu quả các chương trình Y tế cơ sở, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Trong thời gian qua, rất nhiều cán bộ nữ thực sự là những tấm gương sáng của ngành Y tế Thủ đô. Nhiều nữ cán bộ công đoàn đã tích cực hoạt động, góp phần cùng công đoàn cơ sở (CĐCS) được nhận cờ Thi đua, Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ Thành phố, Công đoàn Y tế Việt Nam.

Song song với việc thực hiện công tác chuyên môn tại nơi công tác, các nữ cán bộ, nhân viên y tế cũng luôn hoàn thành xuất sắc vai trò của một người phụ nữ. Hằng năm, rất nhiều nữ cán bộ được tôn vinh Gia đình tiêu biểu cấp cơ sở, cấp Ngành và thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa nhấn mạnh: Trong những năm qua, công đoàn ngành Y tế Hà Nội và các CĐCS đã thể hiện rõ vai trò tham gia quản lý, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ.

Với quyết tâm thay đổi diện mạo ngành, với trái tim người thầy thuốc “Lương y như từ mẫu”, với những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, Ngành Y tế Thủ đô đã ngày càng tạo được niềm tin yêu của người dân.

Theo lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, nhiệm vụ chính trị đặt cho mỗi cán bộ, nhân viên của ngành Y tế trên địa bàn Thủ đô rất nặng nề song cũng rất đỗi vẻ vang, đúng như lời dạy của Bác Hồ trong bức thư đầu tiên Người gửi tại Hội nghị cán bộ y tế sau ngày hòa bình lập lại: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh,m em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.

Bởi vậy, để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của ngành Y tế trong thời gian tới, Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố Đặng Thị Phương Hoa yêu cầu, mỗi tập thể, cá nhân, trong từng đơn vị y tế cơ sở, Trung tâm Y tế, bệnh viện trên địa bàn Thành Phố Hà Nội phát huy truyền thống đoàn kết, phấn đấu nỗ lực cả về chuyên môn, nghiệp vụ và y đức để thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ của ngành y.

Trong đó, cần đẩy mạnh chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kỷ luật lao động và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế; nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả...Đặc biệt là thực hiện hiệu quả Đề án: Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tê hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, ngành Y tế Thủ đô giai đoạn 2016 – 2020, góp phần nâng cao hiệu quả và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về công tác khám chữa bệnh. (915)

 

17.  Áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tục cập nhật và áp dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu trong khám, chữa bệnh, đã giúp cho nhiều người bệnh có cơ hội sống và chất lượng sống tốt hơn. Những cải tiến này cũng nâng tầm uy tín đội ngũ y sĩ, bác sĩ và ngành y tế thành phố.

Nhiều năm qua, ông T.P.T. (53 tuổi, ngụ Long An) bị khàn tiếng, khó thở. Khi tình trạng ngày một nặng hơn, ông T. quyết định đến Bệnh viện Nhân Dân 115 điều trị. BS Ngô Ðức Minh Huy (Khoa Tai mũi họng) đã tiến hành nội soi, soi treo thanh quản và ghi nhận một u thanh quản (u dây thanh bên trái một phần ba trước, vùng bờ và một phần mặt sau dây thanh). Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật nội soi treo thanh quản lấy toàn bộ u, và gửi làm giải phẫu bệnh mẫu u thanh quản để có hướng điều trị tiếp (kết quả giải phẫu bệnh cho thấy đây là u lành tính). Sau khi được phẫu thuật, tình trạng bệnh được cải thiện, người bệnh ăn uống tốt hơn… không còn khàn tiếng, không còn khó thở.

Tương tự, Bệnh viện Nhi Ðồng 2 vừa điều trị thành công ca túi phình mạch máu não phức tạp bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Người bệnh là một bé gái (15 tuổi, ngụ quận 9) được ghi nhận phình mạch khổng lồ của hai động mạch đốt sống ngay tại vị trí hợp lưu tạo thành động mạch thân nền. Bệnh nhi được can thiệp trong khi vẫn tỉnh táo, chỉ gây tê tại chỗ vị trí bẹn hai bên, vị trí đặt ống thông vào động mạch đùi. Lần lượt sáu coil (vòng xoắn kim loại) được đưa vào để lấp túi phình.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây, chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện đã được nâng cao. Tình trạng quá tải, nằm ghép tại một số bệnh viện lớn đã giảm, các bệnh viện tuyến quận, huyện đã không chỉ nâng cao về năng lực chuyên môn mà còn tăng được công suất sử dụng giường bệnh… Có được kết quả đó là nhờ áp dụng nhiều kỹ thuật y tế mới, gia tăng lòng tin của người bệnh vào đội ngũ y sĩ, bác sĩ.

Mới đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng phẫu thuật thành công ca u màng não khổng lồ cho bà N.T.U. (76 tuổi, ngụ quận 1). Ðây được đánh giá là ca bệnh khó và có nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, bà U. còn có bướu giáp thòng, chèn ép khí quản, đồng thời mắc đái tháo đường và tăng huyết áp. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, chụp MRI não tìm nguyên nhân, bà U. đã được chẩn đoán là bị u màng não, khối u này có kích thước rất lớn (7 cm x 5 cm) chiếm trọn phần trán của não phải. Với các bệnh kèm theo mà người bệnh đã mắc phải, đây được đánh giá là ca phẫu thuật khó, thách thức lớn, khả năng biến chứng suy hô hấp ở người bệnh có chèn ép khí quản và có nguy cơ tụt não đột tử trên bàn mổ là rất cao.

Còn Bệnh viện Quốc tế City (CIH) cũng mới cứu sống ông T.D.T. (51 tuổi, ngụ quận 6) bị nhồi máu cơ tim cấp tính do chủ quan không đi khám. Ông T. nhập viện cấp cứu trong tình trạng tụt huyết áp, người mệt, khó thở, nhịp tim chậm, vã mồ hôi toàn thân. Sau khi kiểm tra, tiến hành chụp mạch vành bằng ứng dụng DSA, các bác sĩ xác định người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp tính và quyết định điều trị bằng phương pháp tái thông mạch vành bị tắc và đặt stent. Chỉ sau hơn một giờ tái thông đoạn mạch bị tắc, can thiệp đặt stent ở động mạch vành trái và phải, người bệnh đã hồi phục nhanh, sức khỏe ổn định và đã xuất viện. Theo ê-kíp điều trị, trong suốt quá trình can thiệp, các bác sĩ liên tục phải kiểm soát tốt huyết áp, áp lực mạch máu, nhịp tim… bởi vì chỉ cần một sơ suất cũng có thể gây nguy hiểm tính mạng người bệnh.

Tại Bệnh viện quận 9, các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi thành công trường hợp cấp cứu hiếm gặp cho chị N.T.T.T. (26 tuổi, ngụ quận 9) có thai ngoài tử cung và bị sảy thai vào ổ bụng. Trước đó, người bệnh nhập viện với tình trạng mệt, da xanh xao, mang thai lần đầu được 7 tuần tuổi. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm và siêu âm, Khoa Sản của bệnh viện nhanh chóng kích hoạt báo động đỏ nội viện. Sau hội chẩn, người bệnh lập tức được hồi sức và chuyển vào phòng mổ tiến hành phẫu thuật nội soi. Sau phẫu thuật, sức khỏe chị T. dần hồi phục.

GS, TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngành y tế thành phố đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm "Sức khỏe người bệnh là sứ mệnh người thầy thuốc", "Người bệnh là người thân, ân cần phục vụ", "Cấp cứu thật nhanh, để giành sự sống"… Việc đưa các chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao vào khám và điều trị là nhằm cụ thể hóa các phương châm đó. Thời gian tới, các phòng khám vệ tinh của các bệnh viện đặt tại các trạm y tế xã, phường cũng sẽ áp dụng nhiều kỹ thuật cao để góp phần giảm áp lực, để các bệnh viện tuyến trên có thời gian thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa sâu hơn. (1018)

 

18.  Vẫn còn nhiều sinh viên năm cuối không tham gia BHYT

Với tỷ lệ chiếm 25% dân số, việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) đóng góp vai trò quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.

Chăm sóc sức khỏe học đường

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Đào Việt Ánh, năm nay có nhiều thuận lợi để mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trở thành hiện thực. Hệ thống văn bản pháp lý từ định hướng chỉ đạo đến tổ chức thực hiện đã được Đảng, Nhà nước, ngành BHXH và các ngành liên quan ban hành đầy đủ, thể hiện sự nhất quán trong chủ trương, đường lối về công tác BHYT HSSV.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hằng năm, vào đầu năm học mới, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với ngành GD&ĐT và Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trong tổ chức thực hiện. Trong các năm qua, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Năm học 2010 - 2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT; năm học 2012 - 2013, khoảng 80%; năm học 2013 - 2014 là 85%...; năm học 2017 - 2018, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt khoảng 93,5%, tương ứng khoảng 16,5 triệu em. Do đó, năm học 2018 - 2019, BHXH Việt Nam phấn đấu sẽ tiệm cận gần hơn mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT.

Từ khi thực hiện Luật BHYT đến nay, cùng với tỉ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm, số kinh phí trích lại từ tiền thu BHYT dành cho y tế học đường cũng tăng lên đáng kể. BHYT HSSV đã phát huy hiệu quả thiết thực với công tác chăm sóc sức khỏe học đường. Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV luôn được cơ quan BHXH chuyển đến kịp thời, tạo nguồn lực quan trọng phát triển y tế trường học.“Trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được tăng lên, HSSV cũng đang được hưởng thụ nhiều lợi ích khi đi khám, chữa bệnh BHYT. Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo (bình quân khoảng 80 triệu đồng/năm); điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu, thậm chí có trường hợp chi tới hàng tỷ đồng...”, ông Đào Việt Ánh cho biết.

Đặc biệt, nhóm HSSV có ưu thế lớn trong hưởng thụ các dịch vụ y tế từ quỹ BHYT. Mặc dù Luật BHYT hiện nay chưa quy định chi cho y tế dự phòng, nhưng nhóm HSSV vẫn gián tiếp được hưởng các quyền lợi thông qua hoạt động y tế học đường tại nhà trường. Khi người dân vẫn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật thì việc chăm sóc sức khỏe ban đầu dành cho HSSV thường xuyên, liên tục có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đảm bảo sức khỏe các em trong tương lai.

Vẫn còn sinh viên năm cuối chưa tham gia

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác BHYT HSSV cũng còn không ít những khó khăn, tồn tại, hạn chế nhất định. Công tác mở rộng đối tượng tham gia BHYT HSSV chưa được như mong muốn. Mặc dù, Luật BHYT quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, nhưng lại chưa có chế tài bắt buộc tham gia nên quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn.

Tại một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV vẫn còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, nhưng vẫn còn gần 7% HSSV chưa tham gia. Tỉ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đồng đều và chưa đạt yêu cầu theo quy định bắt buộc của Luật BHYT. Tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh phổ thông cao hơn so với sinh viên. Chủ yếu là sinh viên năm thứ nhất tham gia BHYT, còn các năm sau có sự “hụt” đi đáng kể trong khối này.

Để thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm 2018 và duy trì tỉ lệ bền vững, ngay từ đầu năm học mới 2018 - 2019, BHXH Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động hơn nữa trong tổ chức thực hiện BHYT HSSV, tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp gồm chủ động báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo thực hiện BHYT HSSV đối với các cơ sở GD&ĐT.

Trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn đẩy mạnh việc thực hiện BHYT cho sinh viên, nhất là sinh viên từ năm thứ 2 trở đi. Ngành GD&ĐT giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV đối với từng trường học và đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV. “BHXH các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT thực hiện rà soát, bổ sung đầy đủ quá trình tham gia, quyền lợi hưởng, thời điểm đủ 5 năm liên tục và thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH cho HSSV, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho các em khi tham gia BHYT”, Phó Tổng giám đốc Đào Việt Ánh chỉ đạo. (976)

 

19.  Vòng luẩn quẩn giữa 'tiêu chảy và suy dinh dưỡng' do thực phẩm không an toàn

Chia sẻ tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Hà Nội, nhiều nhà khoa học nữ cho rằng an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và an ninh thực phẩm có mối liên quan mật thiết với nhau. Thực phẩm không an toàn gây ra bệnh tật và suy dinh dưỡng, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

Tránh gánh nặng kép về suy dinh dưỡng

 Một trong những vấn đề được tập trung bàn thảo tại Hội nghị lần này là "Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm". Đó là mối quan tâm lớn của GS.TS Lê Thị Hợp - Phó Ban Khoa học Công nghệ và Kinh tế tài chính, Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam.

Theo bà Hợp, gánh nặng kép về suy dinh dưỡng (SDD) là sự tồn tại cả thiếu dinh dưỡng và thừa cân béo phì, hay các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng trong mỗi cá thể, hộ gia đình và cộng đồng xuyên suốt cả cuộc đời. An toàn thực phẩm, dinh dưỡng và an ninh thực phẩm có mối liên quan mật thiết với nhau. Thực phẩm không an toàn gây ra bệnh tật và SDD, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi và người bệnh. Ước tính khoảng 600 triệu người - khoảng 1/10 dân số trên thế giới bị bệnh sau khi ăn phải thực phẩm ô nhiễm và 420.000 người chết hàng năm. Trẻ em dưới 5 tuổi bị ảnh hưởng 40% gánh nặng bệnh tật với 125.000 trẻ chết hàng năm. Các bệnh do thực phẩm kìm hãm phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến hệ thống y tế, gây thiệt hại cho kinh tế quốc gia, du lịch và thương mại.

Bà Hợp còn nhấn mạnh rằng, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, khi nhiệt độ tăng làm thay đổi các yếu tố nguy cơ liên quan đến sản xuất, bảo quản và phân phối thực phẩm. Thực phẩm không an toàn gây ra mối đe dọa đối với y tế thể giới, gây nguy hiểm cho tất cả mọi người. Thực phẩm không an toàn gây ra vòng luẩn quẩn giữa “Tiêu chảy và suy dinh dưỡng”, đe dọa những đối tượng có nguy cơ cao. Hàng năm khoảng 220 triệu trẻ em bị mắc tiêu chảy và 96.000 tử vong.

Cũng theo bà Hợp, an toàn thực phẩm hỗ trợ cho phát triển kinh tế, du lịch và thương mại của quốc gia; đóng góp cho an ninh thực phẩm và an ninh dinh dưỡng cũng như phát triển bền vững. Các chính phủ cần coi an toàn thực phẩm là một vấn đề ưu tiên cho sức khỏe cộng đồng. Từ đó, cần xây dựng chính sách, các quy định, đưa ra và triển khai hệ thống an toàn thực phẩm để chắc chắn rằng các nhà sản xuất, cung cấp thực phẩm trong cả hệ thống có trách nhiệm tuân thủ các quy định và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Hội Nữ trí thức khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần tham gia và có trách nhiệm hơn nữa trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm và gánh nặng kép về SDD.

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ an toàn thực phẩm

GS.TS Phan Thị Kim - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, Viện trưởng Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng - cho biết, tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á - Thái Bình Dương, bà hy vọng sẽ có nhiều chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo bà Kim, là người nội trợ, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nên phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Sự “liên kết 4 nhà” luôn có sự gắn kết các nhà khoa học, quản lý, người tiêu dụng, doanh nghiệp với mục đích là bán sản phẩm ra thị trường có sức khỏe cho người tiêu dùng. Mục tiêu đặt ra là bảo vệ sức khỏe vừa thúc đẩy thương mại phát triển.

Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước đều quan tâm đến ô nhiễm môi trường và ô nhiễm thực phẩm. Hai vấn đề này gắn chặt với nhau vì ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến thực phẩm trong đất, nước và không khí. Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhiều thách thức lớn, cần có nhiều giải pháp giải quyết triệt để hai vấn đề này.

Ở Việt Nam, cần áp dụng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng an toàn. Doanh nghiệp căn cứ vào các tiêu chuẩn đó để sản xuất, nhà quản lý cũng căn cứ tiêu chuẩn để kiểm soát, người tiêu dùng theo dõi giám sát để mục tiêu cuối cùng là sản xuất ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe.

10 năm gần đây, cả hệ thống chính trị quyết liệt với vấn đề an toàn thực phẩm. Năm 2018, TTCP Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính vềan toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn có Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Đó là những khung pháp lý cao nhất để làm căn cứ để quản lý chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, muốn giải quyết an toàn thực phẩm thì toàn xã hội phải vào cuộc, trong đó có các nhà khoa học. Nhà khoa học làm thế nào đó để tìm được các giải pháp về công nghệ mới để giúp cho doanh nghiệp làm đúng an toàn sản phẩm. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước người dân rằng sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng. Để làm được điều đó, cần chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp, người tiêu dùng để cùng cộng tác, liên kết để sản xuất ra các sản phẩm từ trang trại tới bàn ăn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn, đảm bảo cả chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, cần áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến ISO để một sản phẩm sản xuất ra được biết được sản xuất từ đâu, cơ sở nào, truy xuất nguồn gốc… Nếu đề phòng được từ xa thì tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực, còn nếu sản phẩm sản xuất ra có nhiều rủi ro thì tổn thất rất lớn. Người sử dụng thì có thể mắc bệnh, doanh nghiệp mất uy tín, đất nước cũng bị ảnh hưởng. (1169)

 

20.  Báo động tình trạng nợ bảo hiểm ở Gia Lai

Không ít người lao động (NLĐ) ở tỉnh Gia Lai hết tuổi lao động chưa được hưởng lương hưu, đau ốm gặp khó khăn trong điều trị, mất việc làm không được hỗ trợ. Đó là hậu quả do các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn trốn hoặc nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Theo số liệu của BHXH tỉnh Gia Lai, tính đến hết tháng 8-2018, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn gần 239 tỷ đồng, chiếm 10,8% so với số phải thu, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 801 đơn vị nợ trên 3 tháng với tổng số nợ hơn 64,79 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến 7.862 NLĐ. Đặc biệt, 106 đơn vị "mất tích", giải thể, phá sản với tổng số nợ 11,62 tỷ đồng không thể thu hồi. Các đơn vị nợ chủ yếu ở khối doanh nghiệp tư nhân, hoạt động nhỏ lẻ và có nhiều thủ đoạn lách luật hoặc cố tình dây dưa kéo dài nợ. 

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Bá Đông, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ (BHXH tỉnh Gia Lai) cho biết: "Cơ quan đã chuyển Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Gia Lai danh sách 18 đơn vị có thời gian nợ kéo dài để khởi kiện". Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Xuân, Phó trưởng Ban Chính sách-Pháp luật (LĐLĐ tỉnh Gia Lai) thì không thể khởi kiện các đơn vị này khi NLĐ chưa có đơn ủy quyền cho LĐLĐ tỉnh. Còn NLĐ thì chưa thấy ai đứng ra kiện doanh nghiệp. Trên địa bàn, không ít doanh nghiệp dùng thủ đoạn để trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, còn NLĐ thì chưa có kiến thức, kỹ năng để bảo vệ quyền lợi của mình. 

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, tình trạng này kéo dài nhiều năm và hiện đang ở mức báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NLĐ. Không ít NLĐ khi nghỉ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm… không được hưởng chế độ và trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Thậm chí, có những người hết tuổi lao động nhưng không thể hoàn thiện hồ sơ để hưởng lương hưu và rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc. Thủ đoạn mà một số doanh nghiệp sử dụng để trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN là: Đăng ký sản xuất, kinh doanh một nơi, nhưng thực tế hoạt động ở nơi khác; tuyển dụng lao động thông qua một người trung gian hoặc thỏa thuận miệng; có doanh nghiệp chỉ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho một bộ phận nhỏ để qua mắt cơ quan chức năng hoặc cố tình đóng chậm để chiếm dụng quỹ BHXH...

Chị N.T.H, trú tại phường Chi Lăng (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn gần 4 năm nay nhưng vẫn “4 không” (không hợp đồng lao động, không BHXH, không BHYT, không BHTN). Chị H cho biết, doanh nghiệp thỏa thuận miệng với NLĐ trả 120.000 đồng/ngày công và không được đóng bất kỳ một loại bảo hiểm nào.  

Trao đổi với ông Lê Quốc Khánh, Phó giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai, chúng tôi được biết, trước thực trạng trên, cơ quan BHXH trong toàn tỉnh Gai Lai đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp để thu hồi nợ và bảo vệ quyền lợi NLĐ. Từ tỉnh đến các huyện đều thành lập tổ công tác liên ngành đến tận cơ sở để tuyên truyền, nhắc nhở các đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định. Đối với doanh nghiệp nợ kéo dài thì thực hiện các biện pháp cương quyết, như: Công khai tên và số nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng; gặp gỡ người đứng đầu đơn vị yêu cầu ký cam kết trả nợ... LĐLĐ tỉnh Gia Lai đang áp dụng biện pháp hòa giải, đề nghị đơn vị nợ khắc phục số tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ và một số đơn vị đã trả một phần nợ với số tiền gần 10 tỷ đồng. Tỉnh Gia Lai cũng đang tăng cường đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. 8 đơn vị có thời gian nợ kéo dài cũng đã được BHXH tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Gia Lai để theo dõi...

Ghi nhận những biện pháp tích cực của các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng: Để khắc phục tình trạng nợ và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ thì vấn đề đặc biệt quan trọng là nhận thức của NLĐ phải được nâng cao và không để người SDLĐ “nhờn luật” như hiện nay. Ở tỉnh Gia Lai, một số đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN trên 40 tháng nhưng vẫn không bị xử lý theo quy định của pháp luật, bởi lý do như trên đã nêu là NLĐ không có đơn ủy quyền, nên LĐLĐ tỉnh Gia Lai không thể khởi kiện. Trong khi đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 quy định rõ về “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ”. 

Nhận thức của NLĐ về lợi ích mà BHXH, BHYT, BHTN mang lại còn rất hạn chế. Nhiều NLĐ làm việc trong một thời gian dài nhưng không có hợp đồng lao động, sẵn sàng thỏa hiệp với doanh nghiệp để không đóng BHXH, BHYT, BHTN. Hiện tượng lao động “4 không” như chị N.T.H trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện khá phổ biến, họ thường làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hay trong các xưởng chế biến nông sản, nông trại, xây dựng… Vì vậy, một mặt, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, lợi ích của việc tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đối với người sử dụng lao động và NLĐ trong doanh nghiệp; mặt khác, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật. (1110)

 

21.  Bác sỹ Hàn Quốc khám chữa bệnh cho hàng nghìn người dân Quảng Ngãi

Từ ngày 15-19/10, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) phối hợp với đoàn y, bác sỹ của Bệnh viện Đại học Chung Ang, Hàn Quốc (CAU) tổ chức khám sức khỏe và cấp phát thuốc cho hơn 2.350 người dân tại 2 huyện Bình Sơn và Nghĩa Hành.

Theo đó, 18 y bác sỹ đến từ CAU cùng với các sinh viên tại Quảng Ngãi và các tình nguyện viên, nhân viên của Công ty Doosan Vina đã đến các xã: Hành Nhân, Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành) và Bình Khương, Bình Thạnh, Bình Chánh (huyện Bình Sơn) để thăm, khám bệnh cho người dân nơi đây.

Anh Trần Ngọc Minh, cán bộ phụ trách chung chương trình khám y tế đợt này cho biết đội ngũ y, bác sỹ Hàn Quốc sẽ trực tiếp thăm khám và cấp, phát thuốc miễn phí cho các bệnh thông thường mà người dân mắc phải như bệnh về xương khớp, cao huyết áp cho người già, bệnh tiêu hóa cho trẻ em… Riêng đối với các bệnh nặng khác, các bác sỹ sẽ tư vấn cho người dân đi thăm khám ở bệnh viện.

Ngoài chương trình khám và cấp phát thuốc, CAU còn trao tặng thiết bị y tế cho Bệnh viện Nhi Quảng Ngãi với tổng giá trị là 1,3 tỷ đồng. Các thiết bị được tặng bao gồm: 2 nồi hấp tiệt trùng, 2 máy giữ ấm dung dịch, 2 máy hàn túi và một máy đo SPO2.

Ông Nguyễn Đình Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cho biết: Doosan Vina và CAU đã đồng hành cùng ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi trong 10 năm qua, cũng như có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của ngành y tế của tỉnh. Tổng số bệnh nhân tại tỉnh Quảng Ngãi dược công ty Doosan Vina và các bác sỹ Hàn Quốc khám chữa bệnh miễn phí trong suốt 10 năm qua đã lên đến hơn 23.800 người."Tôi đánh giá rất cao về tinh thần và nỗ lực của Doosan Vina và CAU trong việc thực hiện các chương trình Thực thi Trách nhiệm xã hội tại Quảng Ngãi, không chỉ liên quan đến lĩnh vực y tế mà còn nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, nhà ở", ông Nguyễn Đình Tuyến chia sẻ.

Trước đó, sáng 15/10, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi trao 4 Bằng khen tặng Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam và Bệnh viên Đại học Chung Ang, Hàn Quốc, nhằm ghi nhận những đóng góp ý nghĩa mà hai đơn vị này đã thực hiện chương trình y tế từ thiện tại Việt Nam.

Trong suốt 10 năm qua, đội ngũ y bác sỹ đến từ Bệnh viện Đại học Chung Ang, Hàn Quốc, cùng với Doosan Vina đã chi hơn 1,4 triệu USD cho việc thực hiện cam kết chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam./. (511)

 

I. Thông tin y tế Quốc tế

 

22.  Căn bệnh giống bại liệt đe dọa trẻ em khắp nước Mỹ

Mỹ ghi nhận ít nhất 62 ca viêm tủy sống liệt mềm cấp tính, căn bệnh giống bại liệt và có thể dẫn đến tử vong ở trẻ em.

Spencer Hill dường như chỉ bị cảm lạnh thông thường cho đến lúc đột nhiên khó đi lại và cử động tay. Dần dần, cậu bé 6 tuổi không thể viết chữ hay tự mình di chuyển."Đứa con vốn ưa chạy nhảy của tôi bỗng chốc nói rằng nó không thể kéo khóa quần và viết bài. Con còn ngã vì chân không đi được. Thật khủng khiếp", Serena Hill, mẹ của Spencer cho biết. Sau khi phát bệnh, Spencer lập tức nhập viện và dành ba tuần để phục hồi chức năng. Đội ngũ y tế cũng cho cậu bé truyền steroid nhằm ngăn chặn sự lây lan của chứng liệt.

Theo AP, Spencer chỉ là một trong 62 trường hợp mắc bệnh viêm tủy sống liệt mềm cấp tính (AFM) được ghi nhận trong năm nay tại 22 bang của Mỹ. Ngoài số này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh (CDC) đang điều tra thêm 65 ca khác.

Giống bệnh bại liệt, AFM ảnh hưởng tới hệ thần kinh của cơ thể, đặc biệt là tủy sống và gây ra tình trạng liệt. Khoảng 90% trẻ mắc AFM bị yếu cơ hoặc liệt cơ mặt, cổ, lưng, tay chân. Các triệu chứng này thường xuất hiện một tuần sau khi bé lên cơn sốt hoặc gặp vấn đề hô hấp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến AFM như các loại virus, chất độc từ môi trường và yếu tố di truyền song CDC chưa thể tìm ra nguồn gốc của sự gia tăng đột biến năm nay. "Điều đó vẫn còn là bí ẩn", bác sĩ Nancy Messonnier, đại diện CDC nhận định. Trước đây, Mỹ từng chứng kiến các đợt bùng phát AFM vào năm 2014 và 2016.

Hiện chưa có vắcxin cho AFM. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào triệu chứng cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hầu hết trẻ đều bình phục nhưng một số em không được may mắn như trường hợp Carter Roberts.

Đã tiêm phòng đầy đủ và rất khỏe mạnh, Carter đột ngột bị AFM vào năm 2016 khi mới ba tuổi. Em trải qua 200 ngày nằm viện, trong đó có 100 ngày được điều trị chuyên sâu song vẫn không khỏe lên mà phải sống nhờ máy móc. Ngày 22/9, cậu bé trút hơi thở cuối cùng.

Nhằm hạn chế nguy cơ AFM, CDC khuyến cáo các phụ huynh thường xuyên rửa tay cho con em đồng thời cho trẻ bôi thuốc chống côn trùng, tránh bị muỗi đốt. (455)

 

23.  Công ty dược Trung Quốc đền bù 1,3 tỷ USD sau vụ vắcxin rởm

Công ty Công nghệ Sinh học Trường Sinh bị phạt 9,1 tỷ tệ (tương đương 1,3 tỷ USD) do sản xuất vắcxin kém chất lượng và làm giả giấy tờ.

Theo SCMP, quyết định trên được đưa ra trong tuyên bố chung ngày 17/10 của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc, Ủy ban Kế hoạch Gia đình và Sức khỏe và giới chức tỉnh Cát Lâm, nơi Công ty Công nghệ Sinh học Trường Sinh đặt trụ sở.

Ngoài tiền phạt, Công ty Sinh học Trường Sinh còn phải đền bù thêm nếu có người bị suy giảm sức khỏe do vắcxin phòng dại kém chất lượng. Cụ thể, mức bồi thường cao nhất là 650.000 tệ dành cho gia đình có người tử vong vì bệnh dại sau khi tiêm vắcxin. Người bị liệt hoặc cần chăm sóc lâu dài lần lượt được chi trả 500.000 và 200.000 tệ.

Công ty Công nghệ Sinh học Trường Sinh là nhà sản xuất vắcxin lớn thứ hai ở Trung Quốc. Tháng 7/2018, công ty này bị phát hiện làm giả giấy tờ từ năm 2014 và sử dụng nguyên liệu quá hạn, trộn lẫn các lô sản phẩm, tung ra thị trường ít nhất 113.000 liều vắcxin phòng dại kém chất lượng.

Bên cạnh đó, Trường Sinh bán 252.600 liều văcxin DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván không đảm bảo cho Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Sơn Đông, cơ quan y tế công của tỉnh Sơn Đông chịu trách nhiệm về sức khỏe của 100 triệu dân.

Sau bê bối trên, giám đốc điều hành của Trường Sinh cùng 14 lãnh đạo cấp cao đã bị bắt giữ để phục vụ điều tra. Mọi sản phẩm vắcxin do công ty này sản xuất bị thu hồi khỏi thị trường trong và ngoài nước. (311)

 

24.  Bệnh viện Venezuela ngừng hóa trị cho trẻ em ung thư

Không có máy móc lại thiếu bác sĩ trực, Bệnh viện Nhi Jose Manuel de los Rios quyết định ngừng hóa trị cho trẻ ung thư.

Bệnh viện Nhi Jose Manuel de los Rios ở Caracas (Venezuela) vừa đưa ra tuyên bố ngừng hóa trị cho mọi bệnh nhi ung thư sau khi tủ vô trùng duy nhất tại cơ sở này bị hỏng. Chia sẻ với trang El Pitazo, bà Katherine Martinez, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Vì Quyền lợi Trẻ em và Phụ nữ, Prepara Familia cho biết các bác sĩ thuộc Bệnh viện Jose Manuel de los Rios đã thông báo về tình trạng hư hỏng của thiết bị từ tháng 12/2017 mà không ai can thiệp.

Giám đốc bệnh viện là Natalia Martinho đề nghị đội ngũ nhân viên cũng như các phụ huynh chờ đợi thêm bởi bà mới tiếp nhận chức vụ từ cuối tháng 8. "Làm sao chúng tôi yêu cầu các bà mẹ chờ thêm được", một bác sĩ giấu tên bức xúc.

Tuyên bố ngừng hóa trị cho mọi bệnh nhi ung thư khiến gia đình các bé phẫn nộ. Một nhóm 8 bà mẹ có con đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Jose Manuel de los Rios đã biểu tình để đội ngũ y tế thay đổi quyết định. Đại diện bệnh viện cho biết họ không còn cách nào khác.

Trên thực tế, tủ vô trùng của Bệnh viện Jose Manuel de los Rios đã 5 năm không được bảo trì. Viện cũng không đủ kinh phí để chi hơn 2.000 USD mua thiết bị mới.

Ngay khi biết tủ vô trùng bị hỏng, các bác sĩ Bệnh viện Jose Manuel de los Rios đã liên hệ với Bệnh viện Caracas Clinics nhờ hỗ trợ thuốc hóa trị. Vì tình trạng khủng hoảng chung, Bệnh viện Caracas Clinics chỉ giúp đỡ được hai tháng. Sau đó Bệnh viện Jose Manuel de los Rios xin sự hỗ trợ từ hai cơ sở y tế khác cùng một ngân hàng máu. Tuy nhiên, phương án tạm thời này lại dẫn đến hàng loạt vấn đề bởi thuốc được đưa về quá muộn.  "Bệnh nhi chỉ có thể truyền sau 16h chiều mà từ 19h trở đi chúng tôi không còn bác sĩ nào ở lại", đại diện Bệnh viện Jose Manuel de los Rios nói. "Điều đó có nghĩa là chẳng ai theo dõi quá trình hóa trị để kiểm tra xem có biến chứng hay không". Trước tình hình này, Bệnh viện Jose Manuel de los Rios bắt buộc ngừng hóa trị.

Những năm gần đây, do kinh tế suy thoái Venezuela lâm vào cảnh thiếu thốn lương thực, thuốc men. Các bệnh viện cạn kiệt thiết bị vật tư đến mức bệnh nhân đến khám phải tự mang băng gạc, thuốc men, nếu không sẽ bị từ chối chữa trị. Người bị ung thư hoặc HIV gần như vô phương cứu chữa bởi 70-80% loại thuốc cần thiết không được chuyển tới các cơ sở y tế trong nhiều tháng. Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong tăng 1.000%, từ 0,02% năm 2012 lên 2,01% năm 2015.

Theo Breitbart, mỗi ngày bác sĩ ở Venezuela nhận lương trung bình 2,2 USD (khoảng 50.000 đồng). Điều kiện làm việc "như trong chiến tranh" kèm mức lương quá thấp khiến không ít chuyên gia y tế nước này đi sang các quốc gia khác. Ước tính hơn hai triệu người Venezuela đã rời bỏ quê nhà​

Thăm dò ý kiến