Điểm tin y tế ngày 13/4/2019

14/04/2019 | 15:16 PM

 | 

THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

1. TP.HCM sẽ đi đầu về các dự án PPP y tế?

Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), TP.HCM có đủ các điều kiện để triển khai nhiều dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế. Bản thân lãnh đạo UBND TP.HCM cũng cho biết, luôn ưu tiên các dự án phát triển ngành y tế theo hướng để khu vực tư có vai trò tích cực hơn.

Chiếm hơn 1/4 số lượt khám, chữa bệnh của cả nước

Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, với thực trạng cơ sở vật chất trong lĩnh vực y tế - bệnh viện tại Việt Nam như hiện nay, đầu tư theo hình thức PPP là phù hợp và mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể: hình thức đầu tư này giúp tận dụng nguồn lực từ khu vực tư nhân (Nhà nước không phải mất chi phí đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành), giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước, đồng thời giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất đai.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, Thành phố năm 2018 đã có hơn 45,3 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú (chiếm hơn 1/4 tổng số lượt khám, chữa bệnh của cả nước) và hơn 2,5 triệu lượt điều trị nội trú tại 7.086 cơ sở khám, chữa bệnh. Trên địa bàn Thành phố hiện có 14 bệnh viện trực thuộc bộ, ngành; 32 bệnh viện cấp thành phố; 23 bệnh viện quận, huyện; 56 bệnh viện tư nhân; 24 trung tâm y tế; 319 trạm y tế; 212 phòng khám đa khoa và 6385 phòng khám chuyên khoa.

 “Các số liệu trên cho thấy, với hệ thống cơ sở y tế công lập hiện tại, nhu cầu đầu tư các dự án trong lĩnh vực này bức thiết đến mức độ nào”, ông Thượng cho biết.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm thông tin, hiện nay, nhu cầu đầu tư cho dự án của Thành phố rất lớn; trong đó đầu tư cho lĩnh vực y tế chiếm tỷ trọng cao. Với nhu cầu đầu tư lớn trong khi ngân sách thành phố ngày càng hạn hẹp, việc kêu gọi xã hội hóa và đầu tư theo hình thức PPP là cần thiết. “Thành phố coi trọng việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, trong khi ngân sách không thể đáp ứng. Thành phố đang kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trong ngành y tế 14 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng”, ông Liêm chia sẻ. 

Trong y tế, cần bổ sung 1 chữ P vào mô hình PPP

Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, một liên danh nhà đầu tư đang rất quan tâm đến Dự án Xây dựng Khu khám và điều trị dịch vụ của Bệnh viện Nhi đồng 1 theo hình thức PPP. Dự án có quy mô 50 phòng khám, 150 giường lưu bệnh nhân và 10 giường hồi sức tích cực (ICU), 05 giường hậu phẫu với đầy đủ trang thiết bị y tế tiên tiến đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tổng mức đầu tư của Dự án dự kiến là 721 tỷ đồng.

TP.HCM đã và đang triển khai rất thành công các dự án PPP lĩnh vực y tế ở nhiều mức độ, từ các dự án quy mô lớn đến các mô hình trạm y tế cấp phường. Cụ thể, năm 2018, Bệnh viện Gia An 115 có số vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, quy mô 367 giường bệnh, 60 phòng khám, đã được khánh thành. Ðây là dự án PPP đầu tiên trong lĩnh vực y tế tại TP.HCM, hợp tác giữa Tập đoàn Hoa Lâm và Bệnh viện Nhân dân 115. Tại Quận 3, nhiều  trạm y tế cấp phường đã tận dụng tốt hệ thống thiết bị hiện đại của khu vực tư nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…

Theo bà Caryn Bredenkamp, chuyên gia kinh tế cấp cao của WB, đầu tư PPP trong lĩnh vực y tế cần có những lưu ý nhất định. Theo đó, cần bổ sung thêm một chữ P, trở thành Public-Private Partnership for People vào 3 chữ P (Public-Private Partnership). “Điều này sẽ giúp tránh chệch hướng khi triển khai các đề án đầu tư theo hình thức PPP. Và một khi TP.HCM quan tâm đến các dự án PPP trong lĩnh vực y tế với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng thì chúng tôi tin đây sẽ là địa phương thành công, thu hút được nhiều nhà đầu tư”, bà Caryn khẳng định.

Chuyên gia WB giới thiệu cho TP.HCM các mô hình PPP trong lĩnh vực y tế trên toàn cầu, như: PPP trong cung cấp dịch vụ quản lý thiết bị y tế; PPP trong cung cấp dịch vụ hợp đồng quản lý; PPP trong cung cấp dịch vụ lâm sàng chuyên khoa hoặc dịch vụ cận lâm sàng; mô hình PPP tích hợp…

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng khẳng định, sẽ tham khảo từng mô hình PPP cụ thể để lựa chọn loại hợp đồng phù hợp và đưa việc áp dụng PPP trở thành công cụ giảm gánh nặng ngân sách nhà nước cho đầu tư y tế trong thời gian tới.

2. Lấp khoảng trống trong quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã

(Chinhphu.vn) – Các bệnh không lây nhiễm đang được xác định là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, trong khi các bệnh này hoàn toàn có thể được quản lý và điều trị tốt tại tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh này đang được quản lý tại y tế tuyến xã vẫn còn hạn chế. Để lấp khoảng trống này, ngành y tế và các địa phương tập trung vào 4 nhóm giải pháp trọng tâm.

Tại hội nghị sơ kết Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 – 2020, ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, huyết áp, đái tháo đường... chiếm gần 80% số ca tử vong hàng năm tại Việt Nam.

Nguyên nhân số ca mắc các bệnh không lây nhiễm đang tăng báo động được các chuyên gia y tế chỉ ra là do mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu như ô nhiễm môi trường sống, các yếu tố về hành vi lối sống như ít vận động,...

Mặc dù số ca mắc bệnh đang gia tăng, tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng vẫn còn thấp. Trong đó, số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp chưa được điều trị vẫn ở mức cao, trên 70%. Đây là 2 trong số các bệnh không lây nhiễm có số người mắc nhiều và tỷ lệ biến chứng nguy hiểm cao.

Điều đáng nói, các chuyên gia y tế cho biết, các bệnh không lây nhiễm hoàn toàn có thể được quản lý tốt tại tuyến y tế cơ sở, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có 19% người bệnh lĩnh thuốc tăng huyết áp và 6% lĩnh thuốc đái tháo đường tại tuyến y tế xã, còn lại đa số bệnh nhân vẫn lên tuyến trên điều trị.

Nguyên nhân là do hệ thống dịch vụ tại tuyến y tế cơ sở còn phân tán, thiếu kết nối, thiếu điều phối giữa Trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế dự phòng tỉnh, BVĐK tỉnh…, các trạm y tế xã hầu như chưa cung cấp dịch vụ về ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, chỉ thực hiện khám, kê đơn theo lượt đối với tăng huyết áp và đái tháo đường (trừ một số mô hình đang thí điểm)…

Chính vì vậy, để củng cố, nâng cao năng lực của các trạm y tế xã trong hoạt động dự phòng, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm hiệu quả, ông Trương Đình Bắc đã đưa ra 4 nhóm giải pháp.

Thứ nhất là củng cố mạng lưới phòng chống bệnh không lây nhiễm từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện. Tại tuyến tỉnh, các trung tâm kiểm soát bệnh tật (hoặc trung tâm y tế dự phòng) phải trở thành đầu mối tham mưu, giúp việc cho Sở Y tế về công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm ở địa phương. Tại tuyến huyện, cần có bệnh viện hoặc phòng khám có đủ năng lực chỉ đạo chuyên môn khám, chữa bệnh, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm, để ký hợp đồng bảo hiểm y tế cho trạm y tế xã. Các trạm y tế xã triển khai dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm.

Hai là thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về phạm vi hành nghề, bảo hiểm y tế, các quy định, hướng dẫn chuyên môn, danh mục cấp thuốc cho trạm y tế xã.

Ba là tăng cường năng lực cho cán bộ y tế cơ sở. Tuyến trên hỗ trợ kỹ thuật, giám sát, cầm tay chỉ việc cho trạm y tế xã định kỳ…

Bốn là triển khai nhiệm vụ về bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở. Trong đó, tập trung triển khai các nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe, thay đổi hành vi lối sống, phát hiện sớm đánh giá nguy cơ, sàng lọc phát hiện bệnh tại các cơ sở y tế…

* Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 là một trong các đề án, mục tiêu, giải pháp của Bộ Y tế nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ người dân. Chương trình này nhằm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới.

3. Phẫu thuật robot thành công hơn 200 ca bệnh

Với việc ứng dụng hệ thống phẫu thuật robot hiện đại vào việc điều trị bệnh, từ năm 2017 đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã phẫu thuật thành công cho hơn 200 trường hợp bệnh nặng, chẩn đoán khó hồi phục nếu như phẫu thuật theo cách thông thường.

 

Ngày 12/4, tại Hội nghị khoa học thường niên năm 2019, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, là một trong những bệnh viện đầu tiên trong cả nước ứng dụng phẫu thuật robot, từ năm 2017 bệnh viện đã đưa phẫu thuật robot vào hoạt động như 1 phương pháp thường quy tại các khoa như Ngoại tiết niệu, ngoại tiêu hóa, ngoại gan mật tụy, ngoại lồng ngực, ung bướu… 

Phẫu thuật bằng robot linh hoạt đã tiếp cận đến những khu vực mà bàn tay của bác sĩ không thể tiếp cận. Với nhiều lợi ích so với phẫu thuật thông thường như thời gian ở viện ngắn hơn, sau khi phẫu thuật ít bị đau hơn, ít nguy hiểm vì nhiễm trùng hơn, ít mất máu hơn, đường mổ nhỏ hơn mang lại tính thẩm mỹ cao, hồi phục các hoạt động thường ngày nhanh hơn… công nghệ robot đã giúp bệnh viện phẫu thuật thành công hơn 200 ca bệnh nặng.

4. Phát hiện nhiều vi phạm tại phòng khám tư nhân

Sau vụ việc một trường hợp tử vong tại phòng khám tư nhân trên địa bàn Quận Thanh Xuân (Hà Nội) sau khi truyền đạm, sáng nay 12/4, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã có cuộc thanh kiểm tra đột xuất một số phòng khám tư nhân trên địa bàn thành phố.

Thiếu quy trình chống sốc…Thiếu thuốc trong hộp chống sốc …

Mất vệ sinh tại các phòng chiếu chụp, xét nghiệm…

Nhiều danh mục, kỹ thuật như siêu âm sản phụ khoa, can thiệp tai mũi họng (gắp dị vật, hút dịch xoang mũi..) đều vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép…

Đây là những vi phạm mà đoàn kiểm tra đã phát hiện tại 3 phòng khám tại cùng 1 địa chỉ số 44 đường Trần Bình, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điều đáng nói là người quản lý tại phòng khám này không ý thức được những vi phạm của phòng khám.

Đoàn kiểm tra cũng cho biết, tại phòng khám này còn phát hiện nhiều chai dịch truyền đã được sử dụng, trên bảng giá còn có danh mục truyền đạm (không nằm trong danh mục được phê duyệt). Tại thời điểm kiểm tra, 3 phòng khám này đã bị đình chỉ hoạt động. Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết ngoài việc xử phạt hành chính, 3 phòng khám này còn có khả năng bị đình chỉ 4,5 tháng và bị tước giấy phép có thời hạn.

Ông Nguyễn Dương Trung – Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội:

“Chúng tôi đã đình chỉ hoạt động ngay tại thời điểm kiểm tra, trong quá trình kiểm tra các phòng khám tư nhân thường hay vi phạm các lỗi như: thay đổi trang thiết bị trong quá trình hoạt động mà không thông báo, tự ý đảo các tầng hoạt động chuyên môn, thay đổi địa chỉ hoạt động…”

Trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ tăng cường thanh kiểm tra điều kiện hoạt động của các phòng khám tư nhân, tập trung vào các phạm vi chuyên môn được cấp phép, cơ sở vật chất… và sẽ đình chỉ hoạt động chuyên môn nếu có vi phạm.

5. Sự thật bức hình “xếp dép chờ khám bệnh”!

Ngày 12-4, liên quan tới bức hình "xếp dép chờ khám bệnh" được lan truyền trên mạng xã hội với thông tin cho rằng đây là hình ảnh ở Bệnh viện Bạch Mai, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế đã đề nghị Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra, xác minh.

Qua kiểm tra xác minh, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, hoàn toàn không có chuyện xếp dép chờ khám tại bệnh viện như hình ảnh đăng tải và được lan truyền trên mạng xã hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở 1 của Bệnh viện này (ở Giải Phóng, Hà Nội) mỗi ngày tiếp nhận từ 7.000 - 8.000 lượt khám, số lượng bệnh nhân chờ đăng ký khám cao nhất là khu vực Khoa Khám bệnh. Tuy số lượng bệnh nhân rất đông nhưng hơn 6 năm nay, khu vực này đã dùng bảng báo số thứ tự điện tử đối với các bệnh nhân chờ khám. Trên sàn Khoa Khám bệnh và nhiều khu vực hành lang bệnh viện đều có vạch kẻ xanh, đỏ, vàng chỉ dẫn người bệnh. Nhân viên y tế có mặt từ 6 giờ 30 mỗi ngày để làm thủ tục đón tiếp nên không có chuyện người bệnh “xếp dép chờ khám bệnh”.

Trước đó vào ngày 11-4, trên trang facebook cá nhân có tên H.Đ.C đăng tải thông tin về việc buổi sáng, anh này vào Bệnh viện Bạch Mai và thấy bệnh nhân đông tới mức tắc đường từ cổng, hết chỗ gửi xe, chen lấn chỗ ngồi ở khuôn viên bệnh viện… kèm theo hình ảnh người bệnh "xếp dép thành hàng dài chờ khám bệnh".

Tuy nhiên sau một ngày đăng tải hình ảnh "xếp dép chờ khám bệnh", trên tài khoản cá nhân của H.Đ.C đã đăng tải lại thông tin: Vì để tránh hiểu lầm về bài viết của tôi hôm qua (11-4), nên tôi viết bài này để đính chính về bức ảnh này: Đây là ảnh tôi sưu tầm trên mạng, không phải chụp tại Bệnh viện Bạch Mai. Các thông tin đăng tải liên quan vụ việc ngày 11-4 trên toàn khoản của người này cũng đã được xoá. 

6. Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 12-4, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP)  năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”.

Tại lễ phát động, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM cho biết, Tháng hành động vì ATTP năm 2019 bắt đầu từ ngày 15-4 đến ngày 15-5. Sở dĩ tháng 4 được chọn làm Tháng hành động vì ATTP bởi đây là thời điểm chuyển mùa, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao, vì thế công tác bảo đảm ATTP cần thắt chặt, đặc biệt là các bếp ăn tập thể, trường học...

Trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, Ban sẽ chú trọng đến những mục tiêu như: Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông nâng cao ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP.

Bên cạnh đó, Ban cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu nhằm giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.

“Chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu thực phẩm (kể cả các phụ gia) cung cấp cho các bếp ăn trường học, bệnh viện, công ty, các nhà hàng. Kết quả xử lý các vi phạm sẽ được công khai trên trang thông tin điện tử của Ban”,  bà Lan thông tin.

7. Bệnh viện tuyến huyện đầu tiên thực hiện thành công mổ tim ít xâm lấn

Ngày 12/4, Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP HCM) cho biết, vừa thực hiện thành công ca mổ tim cho bệnh nhân theo phương pháp mổ tim ít xâm lấn (MICS), dưới sự hỗ trợ của PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan - Trưởng Khoa Phẫu thuật, Phó giám đốc Viện Tim TP HCM.    

Bệnh nhân tên là H.H.L (63 tuổi, ngụ tại Phú Yên) nhập viện từ ngày 01/04/2019. Theo chẩn đoán bệnh nhân bị thông liên nhĩ, bị dị tật bẩm sinh đã rất lâu. Để tiếp cận và đóng lỗ thông liên nhĩ lại, bệnh nhân được mổ ở đường ngực bên nhỏ khoảng từ 3 - 4cm thay vì phải chẻ nguyên xương ức ở giữa ngực như phương pháp mổ tim căn bản theo đường mổ kinh điển. Đây là kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn, đã được áp dụng nhiều ở các bệnh viện trung tâm lớn trên cả nước.

ThS.BS Nguyễn Kim Anh - Trưởng khoa Lồng Ngực Mạch Máu, Bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết: “Kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn là một kỹ thuật tiên tiến, mang nhiều lợi ích cho bệnh nhân so với đường mổ như bình thường. Thứ nhất, bệnh nhân đỡ đau hơn. Thứ hai, thời gian nằm viện ngắn, chi phí thấp. Thứ ba, bệnh nhân ít bị nhiễm trùng và đặc biệt độ thẩm mỹ cao (vết mổ chỉ dưới 5cm).

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan nhận định: “Bệnh viện Quận Thủ Đức đã tiến hành phẫu thuật tim từ năm 2018, đã trải qua giai đoạn tiến hành phẫu thuật tim căn bản theo đường mổ kinh điển. Đến bây giờ, với trang thiết bị hiện đại và kinh nghiệm của ekip phẫu thuật tim đã được nâng cao thì đây là thời điểm để bắt đầu bước vô những kỹ thuật mổ tim cao cấp hơn. Một trong những kỹ thuật cao áp dụng trước tiên đó là mổ tim ít xâm lấn với đường mổ nhỏ. Bệnh viện Quận Thủ Đức là bệnh viện tuyến huyện đầu tiên áp dụng kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn trên địa bàn cả nước”.

Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, bệnh nhân đã được chuyển về phòng hồi sức. Đây chính là sự nỗ lực của ekip phẫu thuật mổ tim Bệnh viện Quận Thủ Đức, dưới sự hỗ trợ của PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan. Trong tương lai, Viện tim TP HCM cũng sẽ hỗ trợ Bệnh viện Quận Thủ Đức những kỹ thuật mổ tim cao cấp khác như phẫu thuật tạo nhịp, phẫu thuật bắt cầu mạch vành, sửa van...

8. Bộ Y tế phản bác về tiêu chuẩn trong tương ớt của Việt Nam thấp hơn các nước

Bộ Y tế vừa lên tiếng phản bác thông tin dư luận cho rằng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Việt Nam… thấp hơn các nước. Điển hình là vụ tương ớt Chinsu, trong khi Nhật Bản cấm sử dụng Acid benzoic (chất chống nấm mốc) trong tương ớt, Việt Nam thì vẫn cho dùng. 

Ngày 12/4, Cục An toàn thực phẩm ( Bộ Y tế) có công văn trả lời chính thức vụ tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản.

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: “Qui định của Việt Nam áp dụng theo tiêu chuẩn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex đối với việc sử dụng Acid benzoic, muối Natri benzoat và Acid sorbic hoặc muối Kali trong thực phẩm nói chung, tương ớt nói riêng.

Theo đó, Acid benzoic (INS 201), muối Natri benzoat (INS 211) và Acid sorbic (INS200) và muối Kali (INS 202) là các chất bảo quản được phép sử dụng trong sản phẩm tương ớt với hàm lượng tối đa 1.000mg/kg sản phẩm.

“Đây cũng là quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex gồm 189 nước thành viên. Để một phụ gia thực phẩm có trong danh mục Codex, các nhà khoa học JECFA và WHO phải thực hiện nghiên cứu khoa học, đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe con người để đưa ra được mức sử dụng tối đa với từng phụ gia trong thực phẩm đảm bảo an toàn cho người sử dụng”, bà Nga cho biết.

Như vậy, sản phẩm tương ớt Chin-su của Masan sử dụng chất bảo quản Acid benzoic hoặc muối Natri benzoat và acid sorbic hoặc muối Kali với hàm lượng không quá 1.000 mg/kg sản phẩm phù hợp với quy định của Việt Nam và Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex.

Đối với việc vì sao Nhật Bản cấm phụ gia này trong tương ớt, Bộ Y tế cho rằng, Acid benzoic cũng như Acid sorbic chưa quy định sử dụng trong tương ớt nhưng điều đó không có nghĩa Acid benzoic và Acid sorbic là chất cấm trong sử dụng thực phẩm tại Nhật Bản.

"Thực tế, hiện Nhật Bản đang cho phép dùng các phụ gia này trong sản phẩm trứng cá muối, bơ thực vật, nước tương, đồ uống không cồn…", Cục An toàn thực phẩm thông tin.

Cơ quan này cũng bác bỏ quan điểm cho rằng, việc Nhật Bản không quy định Acid benzoic, Acid sorbic làm phụ gia thực phẩm trong tương ớt mà Việt Nam lại cho dùng, tức là tiêu chuẩn Việt Nam... thấp.

"Điều này không có nghĩa tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam không được quan tâm như ở Nhật Bản. Thực tế, VN đang sử dụng tiêu chuẩn thực phẩm của Codex (trong đó có tương ớt), đây cũng là tiêu chuẩn của Mỹ, các nước châu Âu… đều là những quốc gia phát triển trên thế giới đang sử dụng", bà Nga thông tin.

Việc sử dụng Acid benzoic, Natri benzoat Acid sorbic hoặc Kali sorbat trong tương ớt theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành không yêu cầu ghi cảnh báo, chỉ yêu cầu đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm phải ghi rõ tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS.

9. Khó quản lý, kiểm soát chất lượng thực phẩm mua bán qua mạng

Ngày 12/4, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP TP Cần Thơ đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác an toàn thực phẩm (ATTP) quý I và triển khai kế hoạch Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống yêu cầu Sở Công thương tiếp tục làm tốt công tác giám sát, chỉ đạo các Ban quản lý chợ, kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc các thực phẩm mua, bán trên mạng và tại các điểm chợ trên địa bàn.

Ông Võ Thành Thống yêu cầu từ nay, các ngành chức năng có liên quan cần xử lý dứt điểm những tồn tại còn mắc phải trong công tác ATTP trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông qua nhiều kênh thông tin, góp phần nâng cao ý thức cho người dân; tăng cường công tác hậu kiểm theo phân công, phân cấp; sớm triển khai ra quân thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 2 đơn vị điểm quận Ninh Kiều và Bình Thuỷ bắt đầu từ đầu tháng 7 tới; rà soát, kiện toàn bộ máy các tổ chức về ATTP ở cơ sở, đứng đầu các tổ chức bộ máy này phải là chủ tịch xã, phường; Đối với việc quản lý thức ăn đường phố giao chính cho Sở y tế quản lý, kiểm tra chặt hơn nữa; Đối với các điểm tập trung đông người như các trường mầm non, tiểu học giao cho ngành GD&ĐT nói chung, Sở GD&ĐT phải thường xuyên kiểm tra gắt gao và chịu trách nhiệm về mọi chuyện; Sở NN&PTNT tăng cường giám sát, quản lý chặt khâu giám sát sản xuất thực phẩm ngay từ đầu; Sở Công thương tiếp tục làm tốt công tác giám sát, chỉ đạo các Ban quản lý chợ, kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc các thực phẩm mua, bán trên mạng và tại các điểm chợ trên địa bàn…

Từ đầu năm đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo đảm ATTP của TP Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra 1.693 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra có 1.578 cơ sở đạt điều kiện về ATTP; xử phạt hành chính 18 cơ sở với số tiền trên 47 triệu đồng, nhắc nhở 96 cơ sở vi phạm.

Theo Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP thành phố Cần Thơ, thời gian qua vẫn còn tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm, nhiễm vi sinh…trong số thực phẩm qua kiểm tra tại các chờ truyền thống vẫn còn tồn tại; còn phát hiện nhiều trường hợp thực phẩm không rõ nguồn gốc rõ rang; khó quản lý, kiểm soát chất lượng nguồn thực phẩm mua bán qua mạng…

10. Phẫu thuật kịp thời cứu sống sản phụ bị vỡ tử cung

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ vừa phẫu thuật cứu sống sản phụ 40 tuổi bị vỡ tử cung, thai lưu.

Theo đó, vào ngày 10/4, Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân là chị T. (40 tuổi, ngụ Hậu Giang) với chẩn đoán vỡ tử cung, thai 18 tuần đã chết lưu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, trả lời kém, mạch nhanh, nhẹ, huyết áp khó đo, đau khắp bụng, tim thai không có, ra huyết âm đạo, cổ tử cung khép, thân tử cung khó xác định, túi cùng căng phồng.

Theo người nhà bệnh nhân, vài ngày trước khi nhập viện thì chị T. thấy đau bụng âm ỉ và cùng ngày nhập viện bệnh nhân đau tăng lên, mệt nhiều và được nhập viện điều trị. 

Tại bệnh viện, siêu âm cấp cứu tại giường ghi nhận máu khắp trong ổ bụng bệnh nhân. Các bác sĩ đã khẩn trương vừa hồi sức cấp cứu vừa chuyển mổ.  Nhận định đây là trường hợp bệnh tiên lượng rất nặng nên ê-kíp phẫu thuật đã quyết định mổ cắt tử cung bán phần chừa 2 phần phụ để cứu sống bệnh nhân.

Ca mổ kéo dài trong 20 phút và đã thành công. Bệnh nhân sau đó được truyền máu và điều trị tích cực tại Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc được, sinh hiệu ổn, niêm hồng nhạt, bụng mềm và đã được chuyển về khoa Sản điều trị tiếp.

BS.CKII Cao Văn Nhựt, Trưởng khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lưu ý các chị em khi trễ kinh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và khi đã xác đinh có thai phải khám thai định kỳ theo lịch khám thai để kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường, kịp thời xử trí. Thai phụ chú ý phải khám ngay khi có các dấu hiệu như đau bụng, ra huyết âm đạo , thai không cử động ...

11. Mổ tim kỹ thuật mới ở bệnh viện tuyến huyện

 (NLĐO)-Thay vì phải chẻ nguyên xương ức ở giữa ngực như mổ theo kiểu kinh điển, kỹ thuật mổ tim mới mang nhiều lợi ích cho người bệnh, thời gian nằm viện ngắn, chi phí thấp, đặc biệt tính thẩm mỹ cao.

Ngày 12-4, Bệnh viện quận Thủ Đức TP HCM lần đầu tiên triển khai kỹ thuật mới mổ tim ít xâm lấn (MICS). Ca đầu tiên được phẫu thuật bằng kỹ thuật này là ông H.H.L (63 tuổi, ngụ Phú Yên), bị thông liên nhĩ, bị dị tật bẩm sinh đã rất lâu. Để tiếp cận và đóng lỗ thông liên nhĩ lại, bệnh nhân được mổ ở đường ngực bên nhỏ khoảng từ 3 – 4 cm thay vì phải chẻ nguyên xương ức ở giữa ngực như mổ tim kinh điển. Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, ca mổ thành công.

Theo ThS-BS Nguyễn Kim Anh, Trưởng Khoa Lồng ngực-Mạch máu Bệnh viện Quận Thủ Đức, kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn là một kỹ thuật tiên tiến, mang nhiều lợi ích cho bệnh nhân so với đường mổ như bình thường. Ngoài đỡ đau, thời gian nằm viện ngắn, chi phí thấp, bệnh nhân ít bị nhiễm trùng và đặc biệt tính thẩm mỹ cao do đường mổ không dài (chỉ dưới 5cm).

Để triển khai được kỹ thuật cao này, Bệnh viện quận Thủ Đức có sự hỗ trợ chuyên môn của PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan, Trưởng Khoa Phẫu Thuật, Phó giám đốc Viện Tim TP HCM. Đây là kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn, đã được áp dụng nhiều ở các bệnh viện trung tâm lớn trên cả nước.

"Đã có kinh nghiệm phẫu thuật tim căn bản theo đường mổ kinh điển, đến nay có thể nói Bệnh viện quận Thủ Đức với trang thiết bị hiện đại và kinh nghiệm của ekip phẫu thuật tim đã được nâng cao thì đây là thời điểm để bắt đầu bước vô những kỹ thuật mổ tim cao cấp hơn. Đây cũng là bệnh viện tuyến huyện đầu tiên áp dụng kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn trên cả nước", PGS Phan nhấn mạnh.

12. Một phụ nữ 25 tuổi tử vong do hút mỡ bụng ở bệnh viện tư

Bệnh nhân đã được Bệnh viện An Việt xử trí cấp cứu tại chỗ và chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai để được tiếp tục cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, đang phải hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.

Bệnh viện Bach Mai vừa thông tin về sự việc một phụ nữ 25 tuổi tử vong do hút mỡ bụng.

Theo đó, khoảng 1 giờ ngày 6/4, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nữ bệnh nhân Đỗ N.A., 25 tuổi  từ Bệnh viện An Việt (bệnh viên tư) chuyển đến với lý do bệnh nhân xuất hiện co giật, trụy mạch sau khi khởi mê để phẫu thuật.

Được biết, bệnh nhân đến bệnh viện trên làm thẩm mỹ hút mỡ bụng.

Khi xảy ra sự cố, bệnh nhân đã được Bệnh viện An Việt xử trí cấp cứu tại chỗ và chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai để được tiếp tục cấp cứu.

Tình trạng bệnh nhân khi vào viện Bạch Mai là hôn mê sâu, đang phải hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Bệnh nhân nhanh chóng được làm các xét nghiệm thăm dò chức năng, chụp cộng hưởng từ thấy hình ảnh thiếu mãu não, phù não…

Bệnh nhân đã được tiến hành các biện pháp hồi sức tích cực; hội chẩn liên chuyên khoa ngay trong đêm và sau đó được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực.

Các bác sỹ của bệnh viện đã nhiều lần tổ chức hội chẩn chuyên môn với sự phối hợp của các bác sỹ chuyên khoa cũng như sử dụng các máy móc hiện đại để hồi sức. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân không tiến triển và đã tử vong lúc 15 giờ 3 phút ngày 10/4.

Các bác sỹ chẩn đoán khi tử vong bệnh nhân hôn mê sâu, tổn thương thiếu máu não diện nặng, phù não nặng sau ngừng tuần hoàn.

Lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, là một bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước, với 57 đơn vị (3 viện, 11 trung tâm, 23 đơn vị chuyên khoa lâm sàng, 5 khoa cận lâm sàng...) hiện nay bệnh viện này không có khoa phẫu thuật thẩm mỹ, không triển khai các phẫu thuật, thủ thuật hút mỡ bụng.

13. Cô gái tử vong khi hút mỡ bụng: Đình chỉ hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ BV An Việt

 Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ hoạt động phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của BV An Việt – nơi cô gái 25 tuổi tử vong sau khi đi hút mỡ.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Sở Y tế đã cử người xuống nắm tình hình. Hiện tại, phía BV An Việt cũng đã có báo cáo gửi Sở Y tế, tuy nhiên do công an quận Thanh Xuân đang tiếp nhận vụ việc để điều tra nên Sở chưa thể cung cấp tài liệu.

Theo đó bệnh nhân Đ.N.A, 25 tuổi ở Phú Thọ đến BV An Việt để hút mỡ bụng và tạo hình thành bụng mini. Tối 5/4, bệnh nhân bắt đầu được gây tê tuỷ sống để thực hiện thủ thuật, tuy nhiên ngay sau đó có biểu hiện bất thường, truỵ mạch, ngừng thở. BV An Việt đã cấp cứu ngay tại chỗ do nghi ngờ sốc phản vệ. 

Rạng sáng 6/4, bệnh nhân được chuyển đến BV Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu do thiếu máu não, phù não nặng. Dù được cấp cứu, hồi sức tích cực với những phương tiện và thuốc tốt nhất nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện. 15h ngày 10/4, bệnh nhân tử vong.

Theo ông Trung, kết luận nguyên nhân tử vong sẽ phải chờ phía công an điều tra. Tuy nhiên bước đầu, nghi ngờ tử vong do sốc phản vệ.

Hiện tại, Sở Y tế đã ra quyết định đình chỉ hoạt động phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại BV An Việt. Sau khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức, nếu phải thu hồi giấy phép, Sở sẽ đề nghị lên Bộ Y tế, do thẩm quyển cấp phép các BV thuộc Bộ Y tế.

Ông Trung cũng cho biết, Sở Y tế đã yêu cầu BV An Việt lập hội đồng chuyên môn để làm rõ vụ việc. Sở Y tế cũng sẽ lập hội đồng tư vấn chuyên môn (không có luật sư) để đánh giá vụ việc. Tuy nhiên hiện tại, toàn bộ hồ sơ, bệnh án đang được phía công an thu giữ nên chưa thể tiếp cận.

Trường hợp phía công an đề nghị hoặc gia đình đề nghị, Sở sẽ lập Hội đồng chuyên môn để xem xét lại toàn bộ quá trình từ khâu tiếp đón đến quy trình thực hiện thủ thuật, phẫu thuật, cấp cứu.

14. Sở Y tế Hà Nội thông tin vụ bệnh nhân hút mỡ ở BV An Việt tử vong

(Kiến Thức) - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ ở Bệnh viện An Việt tử vong, Sở Y tế đã cử người xuống nắm tình hình. 

Liên quan đến vụ việc bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ ở Bệnh viện An Việt tử vong, chiều ngày 12/4, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, Sở Y tế đã cử người xuống nắm tình hình. Qua đó, bệnh nhân nữ Đỗ N. A. (SN 1994) vào Bệnh viện An Việt phẫu thuật tạo hình thành bụng và sau khi gây tê tủy sống thì bệnh nhân có biểu hiện bất thường.

Ngay sau khi xảy ra tình trạng bệnh nhân nghi sốc phản vệ, Bệnh viện An Việt đã cấp cứu và chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong ngày 12/4.

“Kết luận cuối cùng xác định nguyên nhân tử vong của bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ ở BV An Việt phải do cơ quan công an cung cấp. Tuy nhiên, bước đầu Sở Y tế cho rằng, bệnh nhân tử vong nghi do sốc phản vệ”, bà Hà chia sẻ.

Bà Hà cho biết thêm, Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ ngay hoạt động phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện An Việt và sẽ thu hồi giấy phép của khoa tạo hình thẩm mỹ.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đề nghị bác sĩ viết giải trình và đề nghị bệnh viện họp hội đồng chuyên môn.

Sở Y tế cũng họp hội đồng chuyên môn để xác minh, đánh giá lại toàn bộ quá trình, diễn biến của vụ việc.

Hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân đang điều tra. Tất cả hồ sơ bệnh án đã được cơ quan điều tra niêm phong.

15. Bé trai ở Bình Dương chết sau tiêm chủng, ai chịu trách nhiệm?

(NLĐO) - Bé 2 tháng tuổi được tiêm chủng vắc xin. Sau đó bé chết vì "phù phổi cấp". Sở Y tế Bình Dương đang làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan

Ngày 12-4, bác sĩ Từ Tấn Thứ, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết sở này đã thành lập  đoàn để làm rõ vụ việc một bé 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm chủng vắc xin ở Trạm Y tế phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Theo thông tin phóng viên nắm được, sáng cùng ngày, đoàn của Sở Y tế đã làm việc với các bên liên quan trong đó có Phòng khám Nhi Thành Phố (Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Cơ quan chức năng cho biết kết quả khám nghiệm tử thi xác định bé chết do "phù phổi cấp". Đây có phải là trường hợp tai biến nặng do tiêm chủng hay không hiện đang được làm rõ.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã Thuận An nói vụ việc này chưa có kết luận cuối cùng, hiện chưa bàn đến vấn đề bồi thường.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một PGS-TS chuyên về tim mạch cho biết "phù phổi cấp" là tình trạng ngạt thở do nhiều nguyên nhân gây ra và chỉ có thể cứu được nếu can thiệp đúng và sớm. "Phù phổi cấp có thể xuất phát do bệnh lý về tim hoặc do truyền dịch quá mức, cũng có thể do sốc, phản ứng nặng sau khi tiêm vắc xin. Tỉ lệ trẻ phản ứng nặng sau khi tiêm vắc xin là không cao nhưng vẫn  xảy ra và cần xử lý kịp thời”- vị PGS -TS này nói.

Trước đó, sáng 10-4, anh Lê Hữu Thế, đưa con là cháu Lê Hữu Việt Hoàng (2 tháng tuổi) đến Trạm Y tế phường An Phú, thị xã Thuận An để tiêm chủng vắc xin 5 trong 1.

Đến chiều cùng ngày, cháu bị sốt, gia đình đã đưa đến Phòng Khám nhi Thành Phố thăm khám. Tại đây, một nữ bác sĩ khám và chẩn đoán cháu bị "sốt sau chủng ngừa" và cấp thuốc hapacol 80mg/g (uống khi sốt > 38 độ C), thuốc Efticol 0.9% (nhỏ mắt - mũi).

Nữ bác sĩ tại Phòng khám nhi Thành Phố  kể lại với phóng viên: "Lúc đó, tôi thấy em bé bình thường, chỉ có triệu chứng sốt, không tím tái hay thở mệt gì cả, mắt hơi khô". Sau khi cho bé uống hapacol để giảm sốt, nữ bác sĩ này cho rằng mình đã yêu cầu người nhà theo dõi bé nếu đến tối vẫn sốt thì đưa vào bệnh viện gấp.

Phòng khám này cho phóng viên xem toa thuốc đã đưa cho người nhà cháu Hoàng. Theo đó, bác sĩ có "lời dặn" người nhà cho bé "nằm dốc cao lau mát" và "tái khám ngày 11-4-2019". Đặc biệt phải "tái khám ngay khi có các dấu hiệu: co giật, sốt cao khó hạ, thở bất thường, tím tái…".

Dù đã uống thuốc, sáng 11-4, cháu vẫn sốt cao, anh Thế đưa cháu trở lại Phòng Khám nhi Thành phố để khám thì các bác sĩ tại đây phát hiện bé tím tái nên yêu cầu người nhà đưa cháu đi bệnh viện cấp cứu.

Bé được gia đình đưa đến Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương nhưng không qua khỏi. 

Theo thông báo từ bệnh viện này, thời điểm bệnh viện tiếp nhận cấp cứu bé là 8 giờ 20 phút ngày 11-4. Thông báo của Bệnh viện phụ sản Nhi Bình Dương viết: "Bé trai do gia đình đưa đến trong tình trạng tím tái, chân tay lạnh, không tự thở, không bắt được mạch, không nghe tiếng tim, không phản xạ thần kinh, đồng tử 2 bên giãn 4mm. Bệnh viện đã khẩn trương tiến hành cấp cứu, hồi sức theo quy trình chuyên môn, sau 40 phút không có kết quả đã ngưng việc cấp cứu". Bệnh viện này khẳng định bé tử vong trước khi đến đây. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Người Lao Động, anh Lê Hữu Thế nói: "Bệnh viện nói vậy là không đúng. Khi chúng tôi đưa đến phòng cấp cứu con tôi vẫn còn khóc rất nhiều. Cấp cứu khoảng 30 phút thì bác sĩ ra bảo con tôi đã mất". Anh Thế đau buồn cho biết mình đã hỏa táng con và đang gửi ở một ngôi chùa.

Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến nay, trên cả nước đã có ít nhất 6 trường hợp tai biến vắc xin được Nhà nước bồi thường theo Nghị định 104/2016/NĐ-CP. Đây là những trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân và phản ứng với vắc xin do cơ địa của trẻ. Theo nghị định này, nếu trẻ tử vong thì gia đình sẽ được hỗ trợ chi phí mai táng, chi phí bù đắp tổn thất tinh thần 100 triệu đồng…

16. Bệnh nhân tử vong khi đang truyền nước tại phòng khám tư của Phó giám đốc BV Đa khoa Hà Đông

 (HQ Online) - Sau khi truyền hết 2 chai nước và tiêm 2 mũi thuốc kháng sinh tại phòng khám tư tại Hà Nội, anh Th. có biểu hiện khó thở, tím tái và tử vong sau khi được đưa tới viện.

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cơ quan này sẽ tước giấy phép hoạt động của Phòng khám đa khoa của bác sỹ Lê Hoàng Tú (ở Cao Viên, Thanh Oai, Hà Đông, đang giữ chức Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) liên quan sự việc một nam bệnh nhân tử vong sau khi điều trị tại đây.

Lý do là phòng khám này chỉ được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên khoa Nội, nhưng gần đây đã tự ý nâng cấp đổi tên sang phòng khám đa khoa.

Trước đó, khoảng 5h30 phút ngày 3/4, anh Nguyễn Xuân Th. (sinh năm 1970) bị đau đầu, sốt cao nên đã đến phòng khám này để khám. Sau khi được bác sỹ Lê Hoàng Tú truyền hết 2 chai nước và tiêm hai mũi thuốc kháng sinh, anh Th. có biểu hiện khó thở, tím tái.

Bác sỹ Tú đã gọi cho người nhà đến để đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, sau đó chuyển sang Bệnh viện Quân y 103. Sáng 4/4, bệnh nhân tử vong.

Theo đại diện Sở Y tế, sau khi tiếp nhận vụ việc, đại diện cơ quan này đã có mặt để nắm bắt tình hình. Nguyên nhân tử vong đang được làm rõ.

Sau khi vụ việc nêu trên xảy ra vài ngày thì đến ngày 7/4, một bệnh nhân đang truyền nước tại Phòng khám Kết Châu, địa chỉ ngõ 481 Vũ Tông Phan, Thanh Xuân, Hà Nội cũng tử vong. Sau khi vụ việc xảy ra, Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ hoạt động của Phòng khám để phục vụ công tác điều tra.

17. Yêu cầu làm rõ vụ bé trai 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm chủng

Bé trai 2 tháng tuổi sau khi tiêm chủng tại một cơ sở y tế lên cơn sốt, sau đó được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng đã tử vong.

Sau sự việc một bé trai 2 tháng tuổi tử vong bất thường sau tiêm chủng mà VietNamNet đã phản ánh, hôm nay, Sở Y tế Bình Dương cho biết đã yêu cầu báo cáo, đồng thời làm việc với các đơn vị liên quan để làm rõ nguyên nhân tử vong của một bé trai sau khi đi tiêm chủng.

Cũng trong sáng nay, lãnh đạo Bệnh viện phụ sản nhi Bình Dương đã thông tin về vụ việc này.

Theo bà Huỳnh Thị Kim Chi - Giám đốc Bệnh viện, khoảng 8h20 ngày 11/4, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi L.H.V.H. (2 tháng tuổi), là con của anh Lê Hữu Thế (SN 1982, ngụ thị xã Thuận An, Bình Dương) trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, cơ thể bất động.

Sau đó, các bác sĩ tại đây đã tiến hành cấp cứu cho bé, tuy nhiên sau khoảng 40 phút cấp cứu bệnh nhi đã tử vong. Bà Chi khẳng định bệnh nhi tử vong trước khi đến bệnh viện nhưng với trách nhiệm của những người làm công tác chữa bệnh, các bác sĩ vẫn cấp cứu cho bé nhưng bất thành.

Tuy vậy, khi phóng viên yêu cầu được xem bệnh án thì bà Chi từ chối.

Sự việc trên đã khiến người nhà của nạn nhân bức xúc, trình báo cơ quan cơ quan công an yêu cầu điều tra.

Trước đó, theo người nhà nạn nhân, sáng 10/4, bé H. được đưa đến trạm y tế phường An Phú (thị xã Thuận An) để tiêm ngừa vacxin 5 trong 1. Đến khoảng 15h cùng ngày bé H. bắt đầu lên cơn sốt cao nhiều giờ nên gia đình đưa bé đến Phòng khám nhi thành phố (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) để khám và được kết luận bị "sốt sau chủng ngừa” rồi cho thuốc về nhà uống.

Đến sáng 11/4, bé H. vẫn lên cơn sốt nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện phụ sản nhi Bình Dương để cấp cứu.

Theo người nhà nạn nhân, thời điểm đưa bé vào cấp cứu bé vẫn còn khóc, không có việc bất động hay tử vong trước.

Sáng 12/4, phóng viên đã liên hệ với Trạm y tế phường An Phú để tìm hiểu sự việc. Tại đây, lãnh đạo trạm y tế xác nhận bé H. có tiêm chủng vắc xin tại đây vào sáng ngày 10/4, tuy nhiên vị này từ chối cung cấp thông tin cụ thể về loại thuốc cũng như quy trình tiêm chủng. Hiện cơ quan công an đang chờ kết quả giám định pháp y để làm rõ vụ việc này.

18. Hơn 60 học sinh nghi ngộ độc: Cơ sở chế biến thức ăn không vệ sinh

Liên quan đến vụ hơn 60 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 12, TP.HCM ) nhập viện nghi bị ngộ độc thực phẩm, ngày 12.4, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đã tiến hành kiểm tra và xác định điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị cung cấp thức ăn cho các học sinh trên không đảm bảo vệ sinh. Lực lượng chức năng cũng đã lấy mẫu thức ăn đưa đi kiểm nghiệm để xác định rõ nguyên nhân.

Theo Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, đơn vị cung cấp thức ăn sẵn cho Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 12) là cơ sở kinh doanh Hữu Thọ (số 821 Nguyễn Ảnh Thủ, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM).

Trong quá trình kiểm tra, đơn vị này đã cung cấp được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; hồ sơ khám sức khỏe và xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của nhân viên; hồ sơ nguồn gốc nguyên liệu dùng cho chế biến món ăn.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị này chưa đảm bảo vệ sinh. Cụ thể trần khu vực bếp ố màu, bám bẩn; quạt thông gió khu vực chế biến chưa đảm bảo vệ sinh; khu vực rửa tay và phòng phân chia thức ăn chưa tách biệt, và tủ đông bảo quản chưa đảm bảo vệ sinh.

Tại đây, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành lấy mẫu thức ăn mà các học sinh sử dụng nghi bị ngộ độc gửi đơn vị kiểm nghiệm để xác định nguyên nhân.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết hiện đơn vị đang tiếp tục tiến hành điều tra các bước tiếp theo, và tiến hành xử lý các hành vi vi phạm của đơn vị có liên quan theo quy định.

Trước đó, ngày 5.4 cơ sở cung cấp thức ăn sẵn Hữu Thọ đã giao 1.697 suất lagu bò và bánh mì; 18 suất cháo thịt bò cho Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 12) để phục vụ bữa trưa cho học sinh của trường này.

Sau khi ăn bữa trưa và nghỉ trưa, đến 14 giờ 20 phút cùng ngày, một số em học sinh của trường này có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy... Các em học sinh được phụ huynh và nhà trường đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn (quận 12) khám và điều trị.

Sau đó lần lượt nhiều học sinh khác cũng nhập viện trong tình trạng tương tự. Tổng số học sinh phải nhập viện lên đến 66 học sinh. Qua chẩn đoán ban đầu, các bác sĩ ở đây xác định các em bị rối loạn tiêu hóa. Các bác sĩ đã tiến hành truyền nước, điện giải và điều trị triệu chứng. Đến ngày 8.4, toàn bộ 66 học sinh trên đã được xuất viện. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã thành lập Đoàn điều tra phối hợp với Đội Quản lý An toàn thực phẩm liên quận - huyện số 4 (gồm quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi) và Phòng Y tế quận 12 đến cơ sở điều trị, cơ sở xảy ra ngộ độc thực phẩm và cơ sở cung cấp suất ăn điều tra.

19. Bé 13 tuổi suy thận suýt chết vì cha mẹ bỏ bệnh viện cho con điều trị thuốc nam

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, ý thức chậm chạp, buồn nôn, rối loạn nhịp tim.... Ba tháng trước, bé được phát hiện bệnh thận giai đoạn IV gia đình nhưng không điều trị, đi cắt thuốc nam cho cháu uống.

Ngày 3/4/2019, bệnh nhi H.V.Q. được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Bắc Giang trong tình trạng rất nguy kịch, mệt mỏi hoa mắt chóng mặt nhiều do thiếu máu nặng, ý thức chậm chạp, buồn nôn nhiều do chất độc trong máu tăng quá cao, và có các biểu hiện lâm sàng như Kali máu tăng cao, tê bì mất cảm giác tay chân, rối loạn nhịp tim, trong trường hợp này nguy cơ ngừng tuần hoàn rất cao.

Bệnh nhi H.V.Q. (13 tuổi, xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn) bị viêm cầu thận (hội chứng thận hư). Theo lời kể của gia đình, bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương cách đây 3 năm. Tuy nhiên sau đó gia đình tự ý cho cháu ngừng thuốc. Ba tháng trước, bệnh nhi phát hiện bệnh thận giai đoạn IV tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng không điều trị, gia đình cắt thuốc nam cho cháu uống.

Kíp trực 3/4/2019 do BS. Đồng Thị Lợi, Phó khoa Nội Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Trưởng tua trực đã nhanh chóng hội chẩn lãnh đạo trực viện thống nhất chẩn đoán, bệnh nhi tăng kali máu- hội chứng ure máu tăng cao/ Bệnh thận giai đoạn cuối, kết hợp giải thích kỹ tình trạng bệnh tật của cháu bé cho gia đình.

Dù bệnh nhi còn nhỏ tuổi, tình trạng bệnh rất nặng nguy cơ tử vong cao trong khi làm thủ thuật nhưng với sự quyết tâm và cố gắng, kíp trực đã thực hiện kỹ thuật đặt catherter tĩnh mạch trung tâm và lọc máu cấp cứu, truyền 750 ml khối hồng cầu cho cháu bé an toàn và hiệu quả.

Sau 3 giờ lọc máu, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch đe doạ tính mạng. Bệnh nhi tỉnh táo hoàn toàn, không nôn, đỡ mệt mỏi chóng mặt, hết tê bì tay chân, tim nhịp đều rõ, các chỉ số sinh tồn ổn định.

Hiện tại bệnh nhi vẫn đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Nội Thận - Tiết niệu - Lọc máu.

Theo các bác sĩ, để tình trạng bệnh nhi quá nặng gia đình mới đưa đến viện điều trị cũng là do sự thiếu hiểu biết của gia đình và không điều trị bệnh triệt để, không tái khám đặc biệt người nhà bệnh nhân mê tín, tin vào điều trị theo mách bảo.

20. Cảnh báo gia tăng các bệnh về mắt khi miền Bắc giao mùa

Đang trong những ngày giao mùa ở miền Bắc, tại Bệnh viện Mắt Trung ương số bệnh nhân đến khám và điều trị tăng gấp đôi so với thời điểm trước đó.

Trong hơn 1 tuần qua, trung bình mỗi ngày có tới 1.800 người mắc các bệnh về mắt đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Ngày cao điểm bệnh viện tiếp nhận gần 2.000 người bệnh, tăng gấp đôi so với những tuần trước đó.

Bác sĩ Hoàng Cương, Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, từ nay đến mùa nắng nóng, bệnh nhân sẽ còn tăng: “Vào thời điểm chuyển mùa,  phổ biến là bệnh dị ứng miễn dịch liên quan đến thời tiết nóng, nồm, ô nhiễm khó bụi, phấn hoa… khiến nhiều người bị dị ứng; viêm kết mạc dị ứng, viêm kết mạc cơ địa. Mùa này virus cũng phát triển nhiều, đau mắt do virus gây viêm kết mạc do virus. Ngoài ra, các tai nạn do côn trùng bay vào mắt cũng nhiều vì mùa này côn trùng phát triển…”.

Một trong những sai lầm thường gặp của người bệnh, khiến bệnh về mắt trở nặng đó là đưa tay lên dụi mắt khi thấy ngứa. Do chà xát liên tục và quá mạnh đã dẫn đến biến chứng, ảnh hưởng đến thị lực

Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi bị ngứa mắt, mỏi mắt, cần vệ sinh mắt bằng thuốc nhỏ mắt, mũi dạng nước muối sinh lý, cần xem kỹ hạn sử dụng, nên mua những lọ thuốc được đóng chai dạng kín và cỡ nhỏ để tránh tình trạng bị nhiễm khuẩn trước và sau khi mở nắp.

21. Bị hư thận vĩnh viễn do uống sản phẩm giảm cân thần tốc

Sau khi cấp cứu qua khỏi cơn nguy kịch, nữ bệnh nhân được lọc máu. Tuy nhiên, chức năng thận của bệnh nhân đã không hồi phục do những tổn thương vĩnh viễn.

Ngày 11.4, Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP.HCM) cho biết đã tiếp nhận nữ bệnh nhân T.T.M.N (22 tuổi, ngụ Bình Dương) trong tình trạng chân và tay sưng phù, xuất huyết tiêu hóa, khoang màng phổi có nhiều dịch, suy gan cấp, chức năng thận suy, kèm theo tình trạng rối loạn điện giải đe dọa tính mạng...

Sau khi cấp cứu qua khỏi cơn nguy kịch, nữ bệnh nhân được lọc máu. Tuy nhiên, chức năng thận của bệnh nhân đã không hồi phục do những tổn thương vĩnh viễn. Hiện bệnh nhân N. phải đến BV lọc máu định kỳ 3 lần/tuần.

Trước đó, BV cũng tiếp nhận 2 phụ nữ trong tình trạng tương tự. Cả 3 bệnh nhân đều cho biết sau một thời gian uống sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc thì dẫn đến các triệu chứng trên.

Thạc sĩ - bác sĩ Lê Thị Đan Thùy, Trưởng khoa Lọc máu - nội thận BV Bình Dân, khuyến cáo chị em thận trọng trong lựa chọn và sử dụng sản phẩm giúp giảm cân.

Việc giảm cân nên kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường vận động và cần có sự tư vấn, theo dõi của bác sĩ.

22. Đau mắt đỏ gia tăng

Mỗi ngày số lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương do đau mắt đỏ đang tăng nhanh, đặc biệt có nhiều ca khi thấy mắt sưng đỏ lại sử dụng thuốc sai cách gây hậu quả nặng nề.

Đỏ, sưng tấy, ra nhiều gỉ ở hai bên mắt, chị Ngô Kim Thu (Hà Nội) cho biết đã xuất hiện triệu chứng 3 ngày hôm nay. Điều đáng nói là khi đi khám các bác sỹ đã phát hiện mắt chị có dấu hiệu viêm kết mạc có giả mạc dưới mi.

Chị Ngô Kim Thu – Hà Nội

“Tôi bị đau 3 ngày nay, mắt có nhiều gỉ và rất khó chịu, khi tôi đi khám thì bác sỹ đã phát hiện kết giả mạc dưới mi…”

Từ đầu tháng 4 cho đến nay, mỗi ngày bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận trên dưới 200 trường hợp bị đau mắt đỏ do virus. Nhiều bệnh nhân còn tự ý tra thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh để nhanh khỏi bệnh gây biến chứng, đặc biệt nhiều trường hợp khi thấy đỏ mắt đã vội vàng mua thuốc để sử dụng mà không cần biết có phải đau mắt đỏ hay không.

Bà Nguyễn Thị Hoa – Tỉnh Phú Thọ:

“Tôi mua thuốc rẻ tiền ở ngoài hiệu thuốc tra vào cho cháu thôi, cháu không dụi mắt nhưng mắt cứ đỏ lên.”

Các bác sỹ cho biết, thời tiết bước vào mùa nắng nóng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh, trong đó có bệnh đau mắt đỏ. Thông thường dịch đau mắt đỏ vào mùa tại miền Bắc khoảng tháng 9, 10. Tuy nhiên bệnh cũng thường xuất hiện rải rác trong năm và đặc biệt trong giai đoạn vào hè số lượng bệnh nhân mắc cũng sẽ tăng nhanh hơn.

Bác sỹ Hoàng Cương – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương:

“Phân biệt cùng đỏ mắt nhưng benehjh lý khác nhau: do dị ứng thì bệnh nhân ngứa mắt, cangd dụi càng thích cần phải đi khám sớm, 1 sô ng do mách bảo tự tra thuốc nên gặp nhiều người biến chứng do tự ý dùng thuốc.” 

Các bác sỹ khuyến cáo, thời điểm hiện tại bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan nhanh chóng, đặc biệt khi các dịp nghỉ lễ đang đến gần, các khu vui chơi sẽ tập trung nhiều người. Vi-rút gây bệnh đau mắt đỏ phát triển mạnh và phát tán trong không khí, khiến bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, sau đó lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt và bắt tay. Đặc biệt người dân khi mắc bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh trên thị trường, cần phải sử dụng thuốc có chất lượng theo chỉ định của bác sỹ, khi có dấu hiệu đau mắt có thể sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt.

23. Đau đầu đột ngột, biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm

Nữ bệnh nhân nhập viện sau khi đột ngột đau đầu kèm theo nôn ói, chóng mặt. Qua thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện túi phình mạch máu khổng lồ ở não bị vỡ đe dọa tính mạng.

Đó là trường hợp của bà N.T.T. (57 tuổi, ngụ tại huyện Tịnh Biên, tỉnh Tây Ninh) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cấp cứu. Kết quả kiểm tra hình ảnh cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết trong vùng não thất kèm xuất huyết dưới nhện do 1 túi phình động mạch đỉnh lớn vùng thân nền đã vỡ.

Sau hội chẩn, các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh nhận định, túi phình có nguy cơ vỡ thêm gây xuất huyết nặng nề hơn, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Các bác sĩ đã chỉ định cho người bệnh thực hiện phương pháp can thiệp mạch máu để đưa vòng xoắn kim loại (coil) làm bít túi phình. Sau 3 giờ, nỗ lực can thiệp nội mạch, túi phình được bít tắc thành công giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Sau can thiệp (ngày 12/4), kết quả chụp mạch kiểm tra cho thấy túi phình đã được bít kín gần hoàn toàn. Hiện, bệnh nhân đã hết đau đầu, sức khỏe nhanh chóng hồi phục. Bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi, tái khám để bác sĩ đánh giá các nguy cơ, kịp thời hỗ trợ chuyên môn sau vỡ túi phình.

Tại Việt Nam chưa có thống kê về số người bị vỡ túi phình mạch máu não, tuy nhiên số nạn nhân của bệnh lý này ghi nhận tại các bệnh viện ngày càng nhiều. Bác sĩ cho biết, phình mạch não là một vị trí phình lồi ra của mạch máu, thành mạch mỏng rất dễ vỡ gây tràn máu vào khoang dưới nhện, nhu mô não, não thất, nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề về thần kinh, vận động.

Nguyên nhân dẫn tới túi phình mạch máu được nhận định có thể là do những dị dạng mạch máu bẩm sinh hoặc liên quan tới quá trình thoái hóa mạch não do tuổi cao; hút thuốc lá; xơ vữa mạch máu; tăng huyết áp; sử dụng chất kích thích, bệnh nhân bị chấn thương hoặc tổn thương mạch máu; biến chứng từ một số loại bệnh nhiễm khuẩn máu…

Ăn uống khoa học, tăng cường vận động, hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích, những người trong nhóm nguy cơ cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ là những giải pháp được bác sĩ khuyến cáo cộng đồng để dự phòng bệnh lý mạch máu não, chủ động phát hiện can thiệp sớm để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

24.Phẫu thuật cắt quả lách nặng 3 kg, gấp 30 lần so với người bình thườngIÊN QUAN

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đến ngày 12/4 sức khỏe của ông Nguyễn Ngọc Hiếu (46 tuổi, ngụ tại xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) bị mắc chứng cường lách với quả lách nặng 3 kg, gấp 30 lần so với lách của người bình thường đã ổn định.

Trước đó, ngày 26/3, ông Nguyễn Ngọc Hiếu nhập viện trong tình trạng suy kiệt, thiếu máu mức độ nặng, da xanh, niêm mạc nhợt, bụng trướng to, lách to quá rốn. Kiểm tra, kết hợp kết quả siêu âm các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có lách to độ 4, gan to giãn tĩnh mạch cửa, chẩn đoán cường lách và chỉ định phẫu thuật cắt bỏ lách cho bệnh nhân. Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ đã phải mở ổ bụng, kẹp cuống lách, lấy gạc đè ép vào cuống lách để giảm chảy máu sau đó bóc tách những mô viêm xung quanh để cắt toàn bộ lách. Sau 2 giờ phẫu thuật, bệnh nhân phải truyền 27 đơn vị máu, 4 đơn vị tiểu cầu và bóc tách thành công quả lách nặng 3 kg.
Bác sĩ Phan Văn Phong - Trưởng khoa Ngoại tổng quát tiết niệu, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, điểm khó nhất ở ca phẫu thuật này là quả lách của bệnh nhân quá to, để lâu năm nên bị xô đẩy, viêm dính vào các tạng xung quanh, làm mất cấu trúc giải phẫu cuống lách. Nếu các bác sĩ phẫu thuật không khéo, bệnh nhân có khả năng tử vong ngay trên bàn mổ do mất máu. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã rất khó khăn trong việc tìm ra động, tĩnh mạch để kẹp lại ngăn chảy máu cho bệnh nhân. Trường hợp này nếu không phẫu thuật cắt bỏ, cường lách sẽ phát triển lớn hơn, chèn ép, xâm lấn những tạng xung quanh, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao.

Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đây ông Hiếu từng bị sốt rét, sau này biết lách của mình có vấn đề bất thường nhưng ông đã sử dụng thuốc đông y để chữa bệnh. Tuy nhiên chỉ đến khi không thể chịu được nữa ông mới phải nhập viện.
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng cường lách là do bệnh sốt rét, ngoài ra còn có nguyên nhân như lách của bệnh nhân giữ lại hồng cầu để tự phá hủy khiến lách ngày càng to. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân, nhất là những người có tiền sử mắc sốt rét hoặc những người mới bị mắc sốt rét nên điều trị triệt để, đúng phác đồ, thường xuyên khám tầm soát để sớm phát hiện bệnh và có hướng điều trị kịp thời.

25. Bé trai 11 tháng tuổi nuốt đinh vít vào bụng

Trong lúc chơi, bé trai 11 tháng tuổi nuốt chiếc đinh vít vào bụng. Thấy con quấy khóc, gia đình đưa đi khám. Kết quả trong dạ dày của bé có 1 chiếc đinh vít dài.

Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành nội soi dạ dày gắp thành công dị vật cho bé Hoàng Văn N. (11 tháng tuổi, trú tại thôn Thác Bưởi 2, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên). 

Theo lời kể của gia đình, cháu N. tự nuốt phải dị vật kim khí trong lúc chơi. Ngay sau khi thấy cháu quấy khóc, gia đình đã nhanh chóng đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên. Tại đây, các bác sĩ đã chỉ định chụp X-Quang để tìm ra nguyên nhân.

 Kết quả cho thấy hình ảnh dị vật là chiếc đinh vít nhọn nằm ở phình vị của dạ dày. Sau khi hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ đã tiến hành gây mê và nội soi can thiệp bằng ống mềm gắp dị vật ra cho bé.

BS Lại Thị Thu Trang, Khoa Nội, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên cho biết: “Với tính chất sắc nhọn của đầu đinh vít, nếu không loại bỏ kịp thời có thể gây tổn thương đâm thủng thành ruột, thậm chí có thể gây thủng nhiều vị trí mà chiếc đinh đi qua. Chính vì vậy phụ huynh nên trông trẻ cẩn thận, không để cho trẻ chơi các đồ chơi có kích thước nhỏ, trẻ rất dễ nuốt phải gây ra hậu quả đáng tiếc”.

26. Cứu bệnh nhân bị mũi cá kiếm đâm xuyên ngực lọt vào phổi

Trong lúc đùa giỡn, nạn nhân bị người bạn dùng mũi kiếm của con cá kiếm đâm vào ngực khiến dị vật gãy nằm trong phổi.

Ngày 12.4, bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi (TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu), cho biết bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân bị mũi kiếm cá kiếm đâm thủng phổi.

 “Bệnh nhân vào viện trong tình trạng khó thở, đau ngực dữ dội. Các bác sĩ đã phát hiện trong phổi nạn nhân có một di vật liền tiến hành mổ nội soi khẩn cấp”, bác sĩ Phước cho hay.

Các bác sĩ đã lấy trong phổi nạn nhân một dị vật là mũi kiếm của con cá kiếm.

Nạn nhân là anh Huỳnh Lý (42 tuổi, ngụ P.5, TP.Vũng Tàu).

Gia đình anh Lý cho hay, sau khi đánh bắt hải sản trên biển, giữa anh Lý và người bạn ghe đùa giỡn với nhau.

Người này đã dũng mũi kiếm của con cá kiếm đâm làm thủng ngực anh Lý.

Sau đó, mũi kiếm bị gãy và nằm luôn trong phổi nạn nhân.

Bác sĩ Phước cho biết, sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

26. Đi chữa biến chứng sau nâng mí, cô gái Hà Nội ngã gục khi bác sĩ báo nhiễm HIV

 Đến bệnh viện thẩm mỹ ở Hà Nội sửa mí bị hỏng sau cắt ở cơ sở làm đẹp chui. Qua kiểm tra máu, cô gái phát hiện bị nhiễm HIV.

Một bệnh viện tư ở Hà Nội vừa tiếp nhận một trường hợp đến khám và điều trị biến chứng sau sửa mí mắt. Bệnh nhân nữ, tên V (Hà Nội), bị sụp mí bẩm sinh, trước đó, cô từng đi cắt mí tại một cơ sở thẩm mỹ ‘chui’ với chi phí thấp hơn rất nhiều so với làm tại các bệnh viện.

Tại đây, V được Thạc sĩ, bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Thị Thanh Phương của bệnh viện thăm khám, tư vấn.

Qua kiểm tra lâm sàng, bác sĩ phát hiện đường sẹo mổ còn mới, mắt hõm sâu, lồi nhãn cầu. Bác sĩ Phương đồng ý nhận sửa cho bệnh nhân.

Trước khi vào phòng mổ, V được đưa đi xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm và làm hồ sơ. Kết quả kiểm tra máu cho thấy bệnh nhân này dương tính với virus HIV. Bệnh nhân được bác sĩ gọi vào phòng riêng thông báo. 

Bác sĩ Phương đã từ chối ca phẫu thuật thẩm mỹ này, hướng dẫn đến chuyên khoa truyền nhiễm thăm khám.

"HIV lây nhiễm qua ba con đường: Máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Trường hợp bạn V chưa xác định rõ nguồn lây nhiễm từ đâu? Từ bao giờ nhưng tôi thực sự lấy làm tiếc khi bệnh nhân có kết quả dương tính.

Tuy nhiên, với tình trạng các chủ cơ sở thẩm mỹ ‘trôi nổi’ tiến hành cắt mí, nâng mũi như hiện nay, cũng có thể là một nguồn lây bệnh’, bác sĩ Phương nói.

Ngoài trường hợp của V, bác sĩ Phương từng tiếp nhận không ít các ca cắt mí bị hỏng do đến các cơ sở làm đẹp thiếu uy tín, hoạt động ‘chui’. Các trường hợp đó may mắn không bị lây nhiễm HIV nhưng cho thấy một tình trạng đáng sợ hiện nay. Khi các chủ cơ sở spa sẵn sàng vì lợi nhuận, dù không được cấp phép hành nghề, không phải bác sĩ chuyên khoa vẫn thực hiện các thủ thuật mổ.

Theo bác sĩ Phương, một bộ dụng cụ mổ khá đắt. Sau mỗi ca mổ, các dụng cụ này được đưa đi sát khuẩn, vô trùng theo quy trình rất nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Toàn bộ hệ thống máy móc để hấp rửa và sấy khô dụng cụ được kiểm soát chặt chẽ.

Đầu tiên dụng cụ được ngâm dung dịch tiền khử khuẩn. Sau đó, dụng cụ được rửa bằng tay. Công đoạn khử khuẩn hoàn thiện, dụng cụ được đưa máy hấp ướt, sấy khô, đóng vào hộp inox. Cuối cùng các hộp dụng cụ đưa vào phòng kín, có chiếu tia cực tím, tránh lây nhiễm vi khuẩn từ không khí.

Mỗi bộ dụng cụ sau khi chiếu tia cực tím phải đợi 2 tiếng sau mới được dùng, vì trong khoảng thời gian này trên dụng cụ vẫn lưu lại tia cực tím, không tốt cho bệnh nhân.

‘Phần lớn các bệnh nhân đến sửa lại sau phẫu thuật hỏng tại cơ sở spa đều phản ánh quy trình khử khuẩn ở đó vô cùng nghèo nàn, qua quýt.

Sau mỗi ca làm đẹp, dụng cụ mổ chỉ được đun qua nước sôi. Xi lanh gây tê tiêm cho bệnh nhân xong, tiếp tục chọc vào ống thuốc tê lấy thuốc.

Ống thuốc tê còn thừa lại được dùng cho các bệnh nhân sau. Chỉ khâu thừa sẽ ngâm cồn, tiếp tục tái sử dụng. Tất cả sự thiếu hiểu biết này đều có nguy cơ lây nhiễm chéo HIV. Cơ sở nào ‘hiện đại’ lắm thì có thêm một lò vi sóng khử trùng…

Các bệnh viện có uy tín, đủ điều kiện chỉ chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ cho bệnh nhân khi phòng mổ và dụng cụ đảm bảo vô trùng. Đa số các ca biến chứng do chọn cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện, người làm nghề không có chứng chỉ hành nghề’, bác sĩ Phương khuyến cáo.

Với trường hợp bị nhiễm HIV, có thể bệnh nhân bị lây nhiễm từ người khác trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, dụng cụ không được khử khuẩn.

Các dụng cụ đó tiếp tục dùng cho nhiều người khác nữa. Qua đó có thể thấy mức độ lây lan HIV trong cộng đồng là rất lớn.

Quá trình làm nếu không may, rủi ro có thể xảy đến, bệnh nhân là người chịu tổn thất nặng nề nhất, nhẹ thì hỏng bộ phận được phẫu thuật thẩm mỹ, nặng có thể biến chứng, nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài HIV, bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm một số bệnh khác như: Viêm gan B, viêm gan C, giang mai…Trong đó, viêm gan B là căn bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị, phải dùng thuốc kháng vius suốt đời. Nếu không người bệnh sẽ biến chứng sang xơ gan, ung thư gan…

27. Nhiều bệnh viện TP.HCM thu phí người nuôi bệnh

Nhiều bệnh viện ở Sài Gòn lâu nay thu tiền người nuôi bệnh hơn 30.000 đồng/ngày như Từ Dũ, Nhiệt đới hay Chợ Rẫy.

Bằng nhiều hình thức khác nhau, các bệnh viện ở Sài Gòn đã đưa ra mức phí thu đối với người nuôi bệnh. Nhiều bệnh viện lý giải rằng, năm 2019 các bệnh viện sẽ tự chủ tài chính nên phải thu để bù vào chi phí điện, nước của thân nhân dùng tại bệnh viện.

Thực tế, ở nhiều bệnh viện công, 1 người bệnh kéo theo 2-3 người nuôi bệnh làm đội chi phí điện, nước. Lâu nay, các bệnh viện phải gánh các chi phí trên.

Thu thêm tiền người nuôi bệnh thứ 2, xây khu lưu trú làm dịch vụ

Bệnh viện Từ Dũ lâu nay đã áp dụng mức thu phí đối với người nuôi bệnh thứ 2  trở đi. Quy định này chỉ thu ở một số khu dịch vụ cao, hậu sản, hậu phẫu.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ lý giải rằng, ở bệnh viện người nuôi bệnh thứ nhất không phải đóng phí, người thứ hai phải đóng phí 100.000 đồng/ngày. Mức thu này không nhằm tăng nguồn thu mà góp phần quản lý an ninh trật tự, hạn chế thân nhân lưu trú để giúp bệnh nhân được nghỉ ngơi yên tĩnh hơn.

Bệnh viện đông sẽ phức tạp hơn, từng có đối tượng trà trộn giả danh thân nhân để trộm cắp tài sản gây mất trật tự.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, bệnh viện đã dùng kinh phí của bệnh viện để xây dựng nhà lưu trú riêng cho người thân đến nuôi bệnh ở khu Hồi sức cấp cứu.

Cơ sở lưu trú, có 70 giường, 4 nhà vệ sinh, có đầy đủ nơi tắm giặt, phơi đồ. Thậm chí, bệnh viện cắt cử nhân viên lau dọn và trang bị cả wifi, rất nhiều tiện ích, song phí thu chỉ với 10.000 đồng/người. Do bệnh nhân Bệnh viện Nhiệt đới mắc các bệnh đặc thù, phải nằm viện điều trị nhiều ngày nên thay vì thu phí cào bằng nên xây dựng 1 khu dịch vụ tốt để người dân lựa chọn.

Còn đối với Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày tiếp nhận đến 7.000 lượt người khám chữa bệnh trên một ngày, kéo theo là một lượng thân nhân tương đương. Trước đây, khu trại 25 tạm bợ từng là nơi lưu trú cho các thân nhân có bệnh nhân nặng. Bệnh viện chỉ thu phí 2.000 đồng sử dụng nhà vệ sinh, còn bệnh viện bù lỗ tiền điện, nước, nhân viên dọn dẹp.

Đến cuối tháng 12/2018, khu Nhà nghỉ cho thân nhân bệnh nhân có quy mô 5 tầng đã bắt đầu thu phí sử dụng đối với thân nhân với nhiều mức giá từ 30.000 đồng đến 400.000 đồng/ngày/người tùy theo tiện ích. 

28. Chó “điên” lao vào cắn 5 người rồi lăn đùng ra chết

Chó lao vào cắn 5 người, trong đó có bé gái 5 tuổi phải nhập viện. Sau một ngày, chó “điên” lăn đùng chết.

Ông Phạm Hoài An, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, con chó “điên” ở xã lao vào cắn 5 người, trong đó có một bé gái phải khâu 13 mũi với các vết thương chi chít mặt.

Theo đó, khoảng 19h tối ngày 10/4, con chó của gia đình anh Phan Hữu Long (trú thị trấn Tây Sơn) bất ngờ lao vào cắn 5 người dân, trong đó có em gái của anh Long và bé gái N.T.A.T. (5 tuổi).

Người dân hoảng loạn bắt giữ chó và đưa các nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng có nhiết vết thương do chó cắn. Các nạn nhân sau đó được tiêm phòng dại.

Riêng bé gái N.T.A.T. bị thương nặng nhất, với nhiều vết thương sâu ở miệng, phải khâu 13 mũi. Ngoài ra, tay và chân của bé T. cũng bị chó cắn sâu, trầy xước.

Đáng nói, một ngày sau khi cắn 5 nạn nhân bị thương, con chó “điên” lăn này đùng ra chết.

Chị Vân, mẹ cháu T. cho biết, hiện tại gia đình đang rất lo lắng cho sức khỏe của cháu.

“Bác sĩ nói con tôi bị chó cắn sâu, nếu để nhiễm trùng sẽ phải tháo khớp”, chị Vân nói.

Hiện hiện chính quyền địa phương đã giao trách nhiệm cho chủ nhà và phối hợp với ban thú y, tiếp tục theo dõi diễn biến sức khỏe của 5 nạn nhân nói trên.

II. THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

29. Đại dịch Ebola ở CHDC Congo đang lây lan ngày càng nhanh

Dịch Ebola đang lây lan nhanh trong khi một số cộng đồng không tin tưởng vào các phương pháp phòng chống dịch và tình trạng mất an ninh đã gây khó khăn cho công tác dập dịch.

Ngày 11/4, tổ chức Chữ Thập Đỏ quốc tế cảnh báo dịch bệnh Ebola đang lây lan ngày càng nhanh tại Cộng hòa dân chủ Congo, khi đợt dịch bùng phát mới nhất đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 người trong vòng 8 tháng.

Trong một tuyên bố, Liên đoàn Quốc tế các tổ chức Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ (IFRC) cho biết chỉ riêng trong ngày 9/4 đã có 18 ca nhiễm Ebola mới được xác nhận, con số cao nhất tính theo ngày trong đợt dịch mới.

Theo IFRC, dịch Ebola hiện đang lây lan nhanh hơn, trong khi một số cộng đồng không tin tưởng vào các phương pháp phòng chống dịch và tình trạng mất an ninh do hoạt động của các nhóm vũ trang đã gây khó khăn cho công tác dập dịch.

Tháng 8/2018, Cộng hòa dân chủ Congo tuyên bố đã bùng phát đợt dịch Ebola thứ 10 trong 40 năm tại tỉnh Bắc Kivu, Đông Bắc nước này, trước khi dịch lan sang khu vực Ituri lân cận.

Đây là đợt dịch Ebola nghiêm trọng thứ hai tính đến nay sau đại dịch năm 2014 tại Tây Phi khiến hơn 10.000 người tử vong tại 3 nước GuineaLiberia và Sierra Leone.

Ủy ban ứng phó khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự kiến nhóm họp tại Geneva, Thụy Sĩ trong ngày 12/4 để quyết định có ban bố “tình trạng khẩn cấp y tế công gây quan ngại quốc tế” do đợt dịch này hay không.

WHO đã không ra tuyên bố này tại hội nghị đầu tiên về đợt dịch này hồi tháng 10/2018, song những quan ngại về diễn biến dịch đã gia tăng kể từ đó.

Đáng chú ý, Tổ chức Bác sỹ không biên giới mới đây cảnh báo đội ngũ y tế có nguy cơ không khống chế được dịch bệnh đang lây lan nhanh này.

Ebola là bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài.

Virus lây qua tiếp xúc gần gũi với động vật nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng của người nhiễm bệnh, hoặc lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần và rất khó chẩn đoán.


Thăm dò ý kiến