Điểm tin y tế ngày 04/4/2019

05/04/2019 | 00:00 AM

 | 

  1. Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng khó khăn

Cách xa trung tâm, thiếu thốn nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng với sự nỗ lực của tập thể và từng cá nhân, những năm qua Trung tâm Y tế huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc trên địa bàn, mang lại niềm tin vào cuộc sống cho mỗi người bệnh.

Nằm bên ngoài phòng hồi sức, dù mệt nhưng chị Lương Thu Hà, dân tộc Dao, trú tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên vẫn không rời mắt khỏi khe cửa hẹp nhìn vào bên trong, nơi con chị đang được các thầy thuốc chăm sóc, nuôi dưỡng. Chị Hà kể, cách đây một tuần, chị chuyển dạ sinh đứa con đầu lòng thiếu tháng. Do còn nhiều hủ tục lạc hậu, phụ nữ Dao vẫn sinh con tại nhà, nên chị bị băng huyết, mất nhiều máu, nguy cơ tử vong cao. Chị được người nhà đưa thẳng vào Khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi, thuộc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên. Các bác sĩ đã kịp thời tiến hành ca mổ để cứu mẹ và con. Tuy nhiên, do cháu bé chưa đủ tháng, nhiều chỉ số sinh tồn kém. Rất may, sau một tuần được các cán bộ y tế chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt, sức khỏe cháu bé tiến bộ từng ngày, đã dần ổn định. Chị Hà nhớ lại: Lúc đấy con yếu quá, thậm chí chưa có nhịp tim, nhưng nhờ bác sĩ mà giờ bé khỏe rồi, cũng sắp được xuất viện.

Người cứu cả hai mẹ con chị Hà qua cơn nguy kịch là bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Thủy và những cán bộ, thầy thuốc Khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi. Khoa hiện có 24 cán bộ, nhân viên; trong số chín bác sĩ có ba người có trình độ sau đại học, một tỷ lệ khá cao đối với một đơn vị y tế ở vùng khó khăn. Mỗi năm, Khoa tiến hành cấp cứu, chữa trị bệnh cho hàng nghìn người, riêng năm 2018 đã khám hơn 12 nghìn lượt bệnh nhi, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Xa Phó, Tày… Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, khi bệnh tình nặng người dân mới đến bệnh viện và "đích đến" cũng phần lớn là Khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi. Trong số đó không ít là người bệnh nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đến bệnh viện chỉ có hai bàn tay trắng. Gặp những trường hợp như vậy, không chỉ tập trung điều trị bệnh, các cán bộ, y sĩ, bác sĩ tại đây còn quyên góp và vận động quyên góp tài chính để giúp đỡ họ.

Kể lại những kỷ niệm trong 10 năm công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Nhẫn nhớ nhất là ca cấp cứu cho cháu bé người Mông từ xã Nà Hẩu (cách bệnh viện 30 km). Cháu bé được bố đưa đến trong thời tiết lạnh buốt mà chỉ có cái khăn bông nhỏ quấn quanh, không có tiền ăn, không có tài sản gì mang theo. Ðiều dưỡng viên Nhẫn đã đứng ra quyên góp tiền, rồi tự mua thức ăn, đồ uống về chăm sóc cháu bé trong những ngày nằm viện. Khi ra viện, hai bố con cứ ứa nước mắt không nói được điều gì. Cũng có lần, Khoa chăm sóc một trẻ sơ sinh nặng hơn 1 kg, khi xuất viện bố mẹ đặt luôn tên cho con theo tên bác sĩ. Bác sĩ Ðoàn Vân cũng từng cấp cứu một trẻ nhà ở xã Yên Hợp chỉ nặng 1,9 kg, và từ lúc bé xuất viện đến nay, chị trở thành mẹ nuôi của bé.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi cho biết: Hiện nay, bác sĩ và nhân viên y tế đơn vị đã làm chủ được nhiều kỹ thuật tiên tiến trong cấp cứu, điều trị như: lọc máu chu kỳ, lọc máu cấp cứu, cấp cứu sốc nhiễm khuẩn, sốc điện điều trị cho người bệnh loạn nhịp tim… Qua đó, đã điều trị thành công nhiều ca bệnh khó, hiểm nghèo; nhiều trường hợp không đủ thời gian để chuyển lên tuyến trên như sốc chấn thương, sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp sơ sinh, nhồi máu cơ tim. Cuối tháng 12-2018, đơn nguyên Thận nhân tạo của Trung tâm đi vào hoạt động, là địa chỉ tin cậy giúp 250 người bệnh suy thận mạn tính trên địa bàn không phải thường xuyên lên tuyến trên thực hiện lọc máu chu kỳ.

Để có được như ngày hôm nay, Khoa đã chủ động bố trí cho cán bộ, nhân viên tham gia các hoạt động, khóa học tiếp cận với khoa học, kỹ thuật mới, như việc cử các nhóm, kíp đi học ở tuyến trên tại các bệnh viện: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Ðức, Nhi T.Ư, đa khoa tỉnh Yên Bái…, học từng gói kỹ thuật một về áp dụng tại đơn vị. Từ đó, các cán bộ, y bác sĩ trong Khoa không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào.

  1. Xây dựng y tế cơ sở là nền tảng

Bộ Y tế đang thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm đổi mới mạnh mẽ trong cả cơ chế và phương thức hoạt động để y tế cơ sở là nền tảng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Y tế cơ sở không chỉ là tuyến đầu trong phòng bệnh, mà còn chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện và lồng ghép.

Đến nay, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho y tế cơ sở theo Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở bắt buộc phải thực hiện (nếu chưa đủ năng lực cần tổ chức tập huấn ngay); thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về. Ðồng thời hoàn thiện, thống nhất mô hình tổ chức trung tâm y tế tuyến huyện theo mô hình đa chức năng để gắn phòng bệnh với chữa bệnh, quản lý trực tiếp trạm y tế xã.

Tài chính cho y tế cơ sở cũng từng bước đổi mới về phương thức chi trả; ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Ðồng thời, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị. Tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để bổ sung nhân lực cho y tế cơ sở các vùng khó khăn; xây dựng và trình ban hành các chính sách ưu đãi cho viên chức y tế cơ sở. Phân loại các trạm y tế xã để đầu tư không dàn trải, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Ðáng chú ý, triển khai quyết liệt các giải pháp về phát triển y tế cơ sở được nêu trong Quyết định số 2348/QÐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Trong đó, tập trung hoàn thành mô hình 26 trạm y tế xã điểm tại tám tỉnh, thành phố hoạt động theo nguyên lý y học gia đình trước khi nhân rộng ra cả nước. Cùng với đó là việc triển khai các khóa đào tạo về y học gia đình, quản lý các bệnh mạn tính không lây… tại các trạm y tế xã điểm. Ðến nay, qua khảo sát, các trạm y tế xã điểm đã bước đầu được sắp xếp lại công năng, sửa chữa, nâng cấp, thay đổi nội thất, trang bị thêm máy tính, mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế theo danh mục và nhu cầu sử dụng. Các cơ quan chức năng cũng ban hành cơ chế, chính sách tài chính phù hợp; cung cấp phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, kết nối thanh toán bảo hiểm y tế và quản lý, báo cáo thống kê hoạt động của trạm… Nhờ đó, các nhiệm vụ của trạm y tế bước đầu được triển khai trên diện rộng theo nguyên lý y học gia đình.

Lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện. Hơn 11.400 trạm y tế xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc là điều kiện rất thuận lợi cho việc triển khai việc quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Nhiều trạm y tế đã lập hồ sơ, quản lý sức khỏe cá nhân, trong đó Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và một số tỉnh khác đã lập hồ sơ quản lý khoảng 85% dân số. Phần lớn các trạm y tế đã triển khai quản lý một số bệnh không lây nhiễm như: tâm thần phân liệt; động kinh và bước đầu quản lý người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.

  1. Kiểm soát chất lượng thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng

Trước tình trạng vi phạm của các cơ sở sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng trong việc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc; quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh khiến người bệnh mất cơ hội chữa bệnh, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị kiểm soát chất lượng thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng.

Công văn số 1693/BYT-QLD của Bộ Y tế gửi Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương; Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh; Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia; Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nêu rõ: Thời gian vừa qua, qua công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng và qua phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng đã phát hiện nhiều vi phạm như cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sản phẩm thực phẩm chức năng chứa các thành phần không dược công bố trên nhãn và không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm; quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh khiến người bệnh mất cơ hội chữa bệnh.

Đặc biệt, cơ quan quản lý đã phát hiện tình trạng pha trộn dược chất tân dược một cách trái phép vào sản phẩm để lưu hành trên thị trường hoặc sử dụng điều trị ngay tại các cơ sở chẩn trị y học cồ truyền. Việc sử dụng các thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng như nêu trên tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây nguy hại đến sức khóe người sử dụng; đã có một số trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng, thậm chí đã gây tử vong cho người sử dụng.

Để ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc dược liệu thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng sai quy dịnh nêu trên, với mục tiêu bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người bệnh, Bộ Y tế yêu cầu Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách, đề nghị các đơn vị phối hợp tăng cường lấy mẫu để kiểm tra chất lượng thuốc dược liệu thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường và các sản phẩm được sử dụng tại các phòng chẩn trị y học cổ truyền. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm hay có nguy cơ pha trộn dược chất tân dược một cách trái phép thuộc nhóm điều trị, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, giảm đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng/giảm cân....

Bộ yêu cầu các viện tiến hành phân tích bổ sung để xác định các thành phần không công bố trên nhãn hoặc các loại tân dược nghi ngờ có thể được trộn lẫn trong các sản phẩm đề cập ở trên.

Đối với Sở Y tế các tinh/thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ yêu cầu đơn vị này chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm dược phẩm, kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tập trung thực hiện các nội dung nêu tại điểm a, b khoản 1 công văn này; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn theo dõi phản ứng có hại và phản ánh kịp thời các vấn đề liên quan đến tính an toàn của các chế phẩm đã đề cập ở trên; phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động sản xuất, pha chế, chế biến, quảng cáo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và thực phẩm chức năng cũng như các phòng chẩn trị y học cồ truyền trên địa bàn trong việc tuân thủ các quy định về kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, kiểm tra chất lượng nguyên liệu và việc công bố/ghi nhãn thành phẩm, thông tin, quảng cáo sản phẩm theo đúng quy định.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định và chuyển các cơ quan chức năng để xử lý trong trường hợp tái phạm, vi phạm nghiêm trọng gây nguy hại tới sức khỏe, tính mạng hoặc gây tử vong cho người sử dụng. Bộ Y tế thông báo và yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, thực hiện.

  1. Có bệnh phải đến bệnh viện!

Trong buổi pháp thoại mới đây ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), bác sĩ Nguyễn Hồng Phong công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra lời khuyên người bệnh đến chùa chữa bệnh. Những chia sẻ đó đã gây hiểu nhầm, thậm chí là bức xúc trong dư luận xã hội, buộc bác sĩ này phải lên tiếng xin lỗi các đồng nghiệp và người dân. Thực tế đến nay, hoàn toàn chưa có cơ sở khoa học để nói rằng việc lên chùa cúng bái là chữa được bệnh!

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học - kỹ thuật và trình độ chuyên môn của người thầy thuốc mà nhiều loại bệnh được phát hiện, điều trị thành công, trong đó có cả những bệnh trước đây xếp vào loại nan y, bác sĩ bó tay. Như nhờ kỹ thuật ghép tạng ngày càng được nâng cao, một người không may chết não hiến tạng, các bác sĩ có thể lấy tim, gan, thận… để ghép, cứu sống sáu người khác. Hay như trước đây, khi mắc ung thư thì người bệnh gần như không qua khỏi, còn ngày nay, người mắc bệnh này được phát hiện ở giai đoạn sớm thì phần lớn các ca bệnh đều được chữa khỏi… Các bác sĩ khẳng định việc cho rằng lên chùa cúng bái mà chữa khỏi bệnh ung thư là phản khoa học, là lừa đảo, trục lợi trên nỗi đau của người bệnh.

Chính vì thế, khi có bệnh, người dân cần đến bệnh viện để khám và điều trị theo đúng liệu trình của người thầy thuốc đưa ra, đồng thời nên đi kiểm tra định kỳ tầm soát phát hiện, điều trị sớm bệnh. Hiện nay, các bệnh viện tuyến cuối như: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Ðức, K… đã có đầy đủ các chuyên ngành để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Ðáng chú ý, với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng mà Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc chẩn đoán sớm cũng như trong điều trị bệnh... Do vậy, việc chạy theo cách chữa bệnh mê tín sẽ làm cho người bệnh bỏ qua "cơ hội vàng" giúp phát hiện và chữa trị sớm, càng để lâu, bệnh nặng, khó cứu chữa.

  1. Gần một nửa cơ sở y tế ở Việt Nam thiếu công trình nước sạch cơ bản

Nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế là những yêu cầu cơ bản nhất để có thể phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, đảm bảo chăm sóc y tế có chất lượng.

Ngày 3/4, báo cáo mới nhất của Chương trình Giám sát nguồn nước, vệ sinh và môi trường của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) (gọi tắt là Chương trình JMP) cho biết, Việt Nam đang thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và xử lý tiêu hủy rác thải y tế, số liệu trong báo cáo cho thấy 96% các cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường cải thiện và 70% có xử lý rác thải an toàn.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng gần một nửa các cơ sở y tế ở Việt Nam còn thiếu các công trình nước sạch cơ bản.

Báo cáo của Chương trình JMP với tên gọi “Nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế,” là một đánh giá toàn cầu toàn diện đầu tiên về tình trạng nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế.

Báo cáo trên thế giới, cứ 4 cơ sở y tế thì có 1 cơ sở thiếu những công trình nước sạch cơ bản và cứ 5 cơ sở y tế thì 1 cơ sở không có công trình vệ sinh, làm ảnh hưởng đến 1,5 tỷ người trên thế giới.

Báo cáo cũng cho thấy rằng nhiều cơ sở y tế còn thiếu những công trình cơ bản để rửa tay, cũng như phân loại riêng và tiêu hủy rác thải y tế.

Những công trình này đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc phòng ngừa lây nhiễm, giảm tình trạng kháng thuốc và mang lại dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng, đặc biệt là cho việc sinh nở an toàn.

Tổng thư ký Liên hợp quốc ông António Guterres nhận định: “Nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế là những yêu cầu cơ bản nhất để có thể phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, đảm bảo chăm sóc y tế có chất lượng.

Những yếu tố này mang tính căn bản, thiết yếu, thể hiện sự tôn trọng phẩm giá và quyền con người của những người cần chăm sóc y tế và của chính các cán bộ y tế.”

Ông António Guterres kêu gọi tất cả mọi người ủng hộ các hành động vì nước sạch, vệ sinh và môi trường trong tất cả các cơ sở y tế. Đây là hành động thiết yếu để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Báo cáo của chương trình JMP “Nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế” chỉ ra rằng hơn một nửa (55%) các cơ sở y tế ở các quốc gia kém phát triển nhất có công trình nước sạch cơ bản.

Ước tính trên thế giới mỗi năm có 17 triệu phụ nữ ở các quốc gia kém phát triển sinh nở tại các cơ sở y tế không có đủ nước sạch, điều kiện vệ sinh và môi trường không đảm bảo.

“Khi một đứa trẻ được sinh ra tại một cơ sở y tế không có đủ nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường nghèo nàn, nguy cơ lây nhiễm và tử vong đối với cả bà mẹ và trẻ sơ sinh rất cao", Giám đốc điều hành UNICEF Bà Henrietta Fore nhận định: “Mỗi đứa trẻ sinh ra đời cần phải được hỗ trợ bởi những bàn tay an toàn, được rửa sạch với xà phòng và nước sạch, sử dụng các trang thiết bị tiệt trùng, trong một môi trường sạch sẽ".

Báo cáo “Nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế: Các bước thiết thực để đạt được tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân có chất lượng” của WHO và UNICEF cũng đề ra chi tiết 8 hành động mà các chính phủ cần thực hiện để cải thiện các dịch vụ nước sạch, vệ sinh môi trường trong các cơ sở y tế như xây dựng kế hoạch và mục tiêu quốc gia, cải thiện cơ sở vật chất và công tác duy trì, vận động người dân vào cuộc.

Những hành động này cùng với các dịch vụ, công trình nước sạch, vệ sinh và môi trường được cải thiện có thể đem lại những lợi ích đầu tư rất lớn như sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh được cải thiện, phòng ngừa kháng thuốc, chấm dứt dịch bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc y tế.

Theo UNICEF, trong năm 2017, 7.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày, chủ yếu là vì các lý do có thể phòng ngừa được hoặc các bệnh có thể chữa trị được như nhiễm trùng.

Trong chiến dịch Mọi trẻ em đều được sống Every Child Alive Campaign của mình, UNICEF đang kêu gọi các chính phủ và chính quyền hành động để đảm bảo rằng mọi bà mẹ và trẻ sơ sinh đều được tiếp cận với chăm sóc y tế có chất lượng với giá thành hợp lý.

  1. Bệnh nhân lo lắng vì BV Truyền máu huyết học chuyển dùng thuốc rẻ tiền hơn

Hàng chục gia đình bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) đang điều trị tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM tỏ ra bức xúc về việc bệnh viện này tự động đổi thuốc ngoại bảo hiểm y tế sang thuốc nội rẻ tiền để cấp cho bệnh nhân sử dụng. Nhiều gia đình hoang mang, lo lắng loại thuốc mới này có quá nhiều tác dụng phụ, thậm chí có tác dụng ngược nên không dám cho bệnh nhân sử dụng.

Gia đình bệnh nhân bất an với thuốc mới

Theo gia đình các bệnh nhân mắc bệnh Thalassemia đang điều trị tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, trước đây họ được bệnh viện cấp thuốc ngoại nhập Exjade 250mg theo chế độ bảo hiểm y tế. Đây là loại thuốc có tác dụng đào thải sắt trong cơ thể bệnh nhân sau khi truyền máu để điều trị căn bệnh Thalassemia.

Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua, Bệnh viện Truyền máu huyết học đã chuyển sang một loại thuốc nội là Duritex 500mg để thay thế cho thuốc ngoại nhập Exjade 250mg cũng theo chế độ bảo hiểm y tế nhưng không giải thích lý do vì sao.

Ngày 3.4, trao đổi với phóng viên báo Một Thế Giới, chị L.T.T.T. (42 tuổi, ngụ ở Đồng Nai) cho biết, 2 đứa con của chị là T.L.Y.N. (15 tuổi) và T.Q.A. (13 tuổi) điều trị căn bệnh Thalassemia từ nhỏ. Lúc đầu, Bệnh viện Truyền máu huyết học cho uống một thoại thuốc viên con nhộng để thải sắt nhưng sau khi uống con chị than đau chân. Chị đến thông báo với bác sĩ của bệnh viện và được chuyển sang loại thuốc tiêm nhưng việc đào thải sắt hiệu quả không cao. Sau đó, bác sĩ chỉ định cho con chị sử dụng thuốc Exjade 250mg để đào thải sắt.

“Trong suốt 3 năm qua, 2 đứa con của tui đều sử dụng thuốc Exjade 250mg để thải sắt, lượng sắt giảm rất nhanh. Kết quả chụp MRI ở tim, gan không còn phát hiện có sắt nữa. Cả 2 bé đều khỏe mạnh, học tập bình thường.

Tuy nhiên, bất ngờ mới đây, khi đi tái khám con tui lại được bác sĩ chỉ định dùng Duritex 500mg. Thấy thuốc lạ tui chưa cho cháu uống, đến khi đọc những thông tin của loại thuốc này thì thấy tác dụng phụ rất nhiều như: nôn ói, hạ hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu.... nên tui sợ không dám cho cháu sử dụng”, chị T. nói và mong muốn bệnh viện cấp lại thuốc Exjade 250mg để con chị sử dụng loại thuốc này.

 “Tui không biết thuốc Duritex 500mg tốt hay xấu như thế nào, nhưng có thể khẳng định thuốc Exjade 250mg là phù hợp và rất tốt với con tôi. Tại sao một loại thuốc sử dụng phù hợp, chưa có biến chứng, tác dụng phụ gì lại bỗng dưng đổi sang một loại thuốc khác? ”, chị H. đặt vấn đề.

Trong khi đó, ông N.V. H.(62 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) tỏ ra khá bức xúc khi bác sĩ cấp thuốc Duritex 500mg cho con ông sử dụng để thải sắt, vì cho rằng loại thuốc này có tác dụng ngược lại, thậm chí có nguy cơ gây ra ung thư nên dù đã 2 lần nhận thuốc Duritex 500mg nhưng ông vẫn chưa dám cho con mình sử dụng.

Theo ông H. con trai ông bị Thalassemia là thiếu hồng cầu nên phải truyền máu để bổ sung hồng cầu, tiểu cầu. Trong khi đó, thuốc Duritex 500mg lại có tác dụng phụ là làm giảm tiểu cầu.

Như vậy, truyền máu để bổ sung hồng cầu, tiểu cầu, rồi uống thuốc Duritex 500mg vào để làm giảm tiểu cầu thì chẳng khác nào “một người làm, một người phá”. Đó là chưa kể cả chục tác dụng phụ khác được ghi trong thông tin của loại thuốc này.

Bên cạnh đó, theo gia đình của những bệnh nhân mắc bệnh Thalassemia, người mắc bệnh này thường bị nhiễm sắt ở trong tim, gan nhưng thuốc Duritex 500mg lại chống chỉ định đối với bệnh nhân có nhiễm sắt ở tim, gan. Điều này chẳng khác nào việc dùng thuốc này như là đi “tự sát”.

“Bệnh của con tui chỉ mới “ở tù chung thân” - phải uống thuốc và truyền máu suốt đời, nhưng nếu uống thuốc Duritex 500mg thì không khác gì con tui bị “tử hình”, vì có nguy cơ bị ung thư. Tui cảm thấy rất hoang mang”, ông H. bức xúc nói.

Phản hồi từ Bảo hiểm y tế và Bệnh viện

Qua tìm hiểu của chúng tôi, thuốc Exjade 250mg có giá khoảng 191 nghìn đồng/viên; còn thuốc Duritex 500mg có giá khoảng 192 nghìn đồng/viên. Dù giá mội viên thuốc trên là gần tương đương nhau nhưng với liều lượng là 500mg nên người dùng thuốc Duritex 500mg chỉ sử dụng một nửa so với Exjade 250mg.

Như vậy thực tế giá thuốc Duritex 500mg nếu tính trên đơn vị khối lượng thì chỉ bằng 1/ 2 so với giá thuốc Exjade 250mg. Việc đổi sang thuốc rẻ tiền cho bệnh nhân sử dụng đang khiến không ít bệnh nhân tỏ ra hoài nghi, không chỉ về chất lượng mà còn liên quan đến những tác dụng phụ của loại thuốc này.

Ông H. cho biết khi Bệnh viện Truyền máu huyết học đổi sang thuốc Duritex 500mg, ông có đến Bảo hiểm xã hội TP.HCM để hỏi có phải đơn vị này đã không chi trả bảo hiểm y tế cho thuốc Exjade 250mg hay không. Bảo hiểm xã hội TP khẳng định vẫn đang chi trả bảo hiểm y tế đối với loại thuốc Exjade 250mg cho những bệnh nhân đang điều trị bệnh Thalassemia.

  1. 80% nhà thuốc toàn quốc đã kết nối với cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia

heo kết quả thống kê của Cục Quản lý Dược, 15.178 nhà thuốc đã thực hiện kết nối liên thông với "Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia", chiếm trên 80% các nhà thuốc trên toàn quốc. 

Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế hôm nay vừa thông tin, tính đến thời điểm hiện tại có 63 tỉnh/thành phố trong cả nước đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc. Các địa phương đã phối hợp với các cơ sở cung ứng phần mềm trên địa bàn tổ chức tập huấn, cài đặt phần mềm, cấp tài khoản hướng dẫn cụ thể chi tiết cho các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn.

Theo kết quả thống kê của Cục Quản lý Dược, các tỉnh thành đã cài đặt và cung cấp tài khoản liên thông cho 24.922 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 15.178 nhà thuốc đã thực hiện kết nối liên thông với "Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia", chiếm trên 80% các nhà thuốc trên toàn quốc. Đối với quầy thuốc, theo lộ trình, đến 1.1.2020 phải thực hiện kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc cần phải đảm bảo đúng lộ trình đề ra nhưng cũng phải đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho người bệnh.

"Đối với một số trường hợp chưa thực hiện kết nối, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, phân loại, xác định nguyên nhân và khẩn trương báo cáo về Bộ để có hướng xử lý. Trong thời gian tới, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế sẽ tổ chức các lớp tập huấn nhằm hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời khó khan nhằm đảm bảo tiến độ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố"- ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho hay. 

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng…; Các cơ sở cung ứng thuốc có công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động kinh doanh như chức năng thống kê, báo cáo, kiểm soát chặt chẽ hạn dùng của thuốc, đưa ra cảnh báo khi thuốc sắp hết hạn, tiếp nhận kịp thời các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý như thông tin thuốc bị thu hồi, thuốc không đạt chất lượng…; Cơ quan quản lý dược từ trung ương đến địa phương có thể xác định nguồn gốc, xuất xứ, hạn dùng của thuốc, kiểm soát giá cả, chất lượng thuốc.

Để triển khai nội dung này, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ đạo các Sở, Ban ngành ở địa phương khẩn trương triển khai nghiêm túc Nghị quyết của BCH TƯ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ .

  1. Hơn 1.700 nhà thuốc chưa kết nối với hệ thống phần mềm dữ liệu dược quốc gia

Ngày 2-4, dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế TPHCM) cho biết, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020”.

Theo đó, từ ngày 1-3, toàn bộ nhà thuốc phải sử dụng phần mềm kết nối vào hệ thống dữ liệu dược quốc gia. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn hơn 1.700 nhà thuốc trên địa bàn chưa kết nối với hệ thống phần mềm dữ liệu dược quốc gia. Nếu các đơn vị này tiếp tục cố tình không kết nối sẽ bị tạm ngưng kinh doanh thuốc.

Tính đến ngày 2-4, trên địa bàn TP mới chỉ có 4.700 cơ sở đã thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu dược quốc gia trên tổng số 6.300 nhà thuốc (chiếm 75%).

Theo dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020” của Bộ Y tế bắt buộc các nhà thuốc phải kết nối vào hệ thống dữ liệu dược quốc gia để người tiêu dùng an toàn hơn khi mua thuốc. Hệ thống phần mềm dữ liệu dược quốc gia sẽ quản lý nguồn gốc, xuất xứ các loại thuốc; kiểm soát chặt việc kê đơn thuốc và bán kháng sinh. Với phần mềm này, các nhà thuốc sẽ kết nối với Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh thành. Nhờ đó cơ quan quản lý sẽ có đầy đủ thông tin, tránh được thuốc không có nguồn gốc xuất xứ đi vào trong hệ thống.

  1. Sẽ đề xuất rút giấy phép vĩnh viễn phòng khám sai phạm

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xác định các sai phạm của Phòng khám đa khoa Khang Thái.

 “Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đang ráo riết xử lý sai phạm và mau chóng trình Sở Y tế tham mưu UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt Phòng khám đa khoa (PKĐK) Khang Thái (87-89 Thành Thái, quận 10, TP.HCM). Phòng khám này hiện có bác sĩ (BS) Trung Quốc hành nghề”. Sáng 2-4, ông Nguyễn Mạnh Cường, Quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết thông tin trên.

Đưa Khang Thái và Royal vào “tầm ngắm”

Theo ông Cường, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xác định các sai phạm của PKĐK Khang Thái, gồm: sử dụng người không có bằng cấp chuyên môn, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn, hồ sơ bệnh án không ghi chép đầy đủ, không đeo bảng tên…

Ông Cường cũng cho biết Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP.HCM làm rõ hành vi “vẽ bệnh”, hù dọa người bệnh của PKĐK Khang Thái.

“Một khi hành vi này được xác lập, Sở Y tế TP.HCM trình Bộ Y tế đề nghị rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn” - ông Cường nói.

Riêng về PKĐK Royal (202 Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM), ông Cường cho biết Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng đang làm việc với phòng khám này liên quan những nội dung báoPháp Luật TP.HCM đăng tải và sẽ có kết quả sớm nhất. Hiện không có BS Trung Quốc hành nghề tại phòng khám này.

Báo chí cần vào cuộc

Ông Cường cho biết thêm: Địa chỉ 87-89 Thành Thái, quận 10, TP.HCM trước đây là điểm hoạt động của PKĐK Elizabeth. Tương tự, địa chỉ 202 Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM trước đây là điểm hoạt động của PKĐK Baylor. Chưa hết, địa chỉ 1505 Ba Tháng Hai, quận 11, TP.HCM trước đây là PKĐK 3-2 nhưng hiện là điểm hoạt động của PKĐK Đại Việt.

“Doanh nghiệp có quyền đổi chủ đầu tư, đổi tên sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Do vậy không thể cấm PKĐK mới hoạt động tại địa chỉ của PKĐK trước đó” - ông Cường giải thích.

Theo ông Cường, Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho BS người nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam, trong đó có BS người Trung Quốc. BS người nước ngoài muốn hoạt động ở PKĐK nào thì phòng khám phải có công văn xin bổ sung nhân sự và gửi cho Sở Y tế TP.HCM. Hiện có 11 PKĐK trên địa bàn TP.HCM có BS Trung Quốc hoạt động. Bao gồm PKĐK Thái Bình Dương, Đại Đông, Thế Giới, Hoàn Cầu, Khang Thái, Hồng Phong, Thăng Long, Âu Á, Đại Việt, Ma Yo, Quốc Tế. Trong đó, PKĐK Ma Yo đang bị tạm đình chỉ hoạt động 4-5 tháng do hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn.

“Sở Y tế TP.HCM quyết liệt xử lý những sai phạm của các PKĐK có BS Trung Quốc để chấn chỉnh hoạt động. Đối với PKĐK tái phạm nhiều lần, Sở Y tế TP.HCM sẽ đề xuất Bộ Y tế rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn” - ông Cường cho biết thêm.

Doanh nghiệp thành lập PKĐK một khi đáp ứng đầy đủ thủ tục đúng pháp luật thì cơ quan thẩm quyền phải cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, không ít PKĐK lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người bệnh rồi tìm đủ cách lấy tiền thiếu minh bạch.

Đề nghị cơ quan báo chí cùng vào cuộc và phản ánh đúng thực trạng những PKĐK làm ăn bất chính để tránh tình trạng bệnh nhân bị “vẽ bệnh” mà moi tiền.

  1. 15% dân số Việt Nam mắc các chứng rối loạn do stress

TS. Dương Minh Tâm, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, stress (sang chấn tâm lý) thường xảy ra  ở những người hay lo lắng, suy nghĩ, dễ xúc động, khó làm chủ bản thân, tính cách cầu toàn, kỹ tính. Tại Việt Nam, có đến 15% dân số mắc các rối loạn do stress.

Thông tin này được TS. Dương Minh Tâm cho biết tại buổi tọa đàm về "Rối loạn liên quan đến stress và những gánh nặng", do Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chiều 3/4.

Theo TS. Tâm, người bệnh tìm đến bệnh viện để khám, điều trị vì stress ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, rất nhiều người bệnh đến ở mức độ quá muộn. Điều đáng nói, trong quá trình đi chữa bệnh, đa phần người bệnh không biết mình bị bệnh gì.

TS. Tâm cho biết, nguyên nhân của stress có thể là các sang chấn tâm lý mạnh, xảy ra đột ngột cấp tính như thảm họa, tổn thất kinh tế nặng nề, đánh nhau, tai nạn nặng nề, chứng kiến cái chết khốc liệt, mất người thân, ly hôn…

Ngoài ra, rối loạn tình dục, rối loạn giấc ngủ… cũng bị stress. “Lạm dụng tình dụng ở Việt Nam rất cao cũng gây sang chấn tâm lý. Điều đáng nói, lạm dụng tình dục thường ở người thân gây rối loạn ám ảnh suốt đời” - TS. Tâm nói.

Cũng theo TS. Tâm, stress gây ra gánh nặng về kinh tế - xã hội và gánh nặng cho chính bản thân người bệnh. Ngoài ra, bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc, chi phí không hợp lý.

Điều đáng nói, đa số bệnh nhân bị stress đều đi khám các chuyên khoa trước khi đi khám tâm thần. Dẫn chứng về trường hợp này, TS. Tâm cho biết, mới đây các bác sĩ Viện sức khỏe tâm thần đã khám cho một bệnh nhân nữ 38 tuổi, thường xuyên đau đầu, tính cách hay lo nghĩ, cầu toàn.

Bênh nhân này làm kế toán nhưng đã nghỉ 1 năm nay. Cách đây 4 năm, bệnh nhân xây dựng gia đình và tích lũy được một khoản tiền để xây nhà. Do lo lắng vì việc xây nhà và các khoản nợ đang gánh đã khiến bệnh nhân căng thẳng, vã mồ hôi, trào ngược dạ dày, kém ngủ…

Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi nhưng không đỡ. Chi phí đi khám bệnh thậm chí còn cao hơn tiền nợ xây nhà. Khi đến Viện tâm thần khám, với các triệu chứng trên, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn lo âu...

Các chuyên gia tâm thần học cho biết, để điều trị stress, người bệnh cần điều chỉnh lối sống, nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng hài hòa giữa lao động và nghỉ ngơi, thư giãn để tăng cường sức đề kháng với stress, ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục để giữ cơ thể khỏe mạnh, không để tăng cân hay xuống cân quá nhanh, quản lý tốt thời gian.

Đặc biệt phải thực hiện liệu pháp thư giãn, có tác dụng làm giảm nhịp tim, nhịp thở để đối kháng lại phản ứng stress…

  1. Nữ sinh Quảng Bình tự sinh con rồi bỏ lại trong nhà vệ sinh

Ngày 3/4, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, đang theo dõi sức khỏe một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trong nhà vệ sinh.

Trước đó, ngày 30/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới tiếp nhận một bé sơ sinh trong tình trạng nguy kịch, chân tay lạnh, hạ thân nhiệt, còn nguyên dây rốn và bọc ối, người dính đầy đất cát và lá cây.

Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu, ủ ấm, vệ sinh thân thể cho cháu. Sau 3 ngày chăm sóc, sức khỏe của bé đã tạm ổn, vẫn đang được theo dõi đặc biệt tại đơn nguyên nhi sơ sinh bệnh viện.

Được biết, bé nặng 1,9 kg, là một bé trai. Mẹ cháu bé là một nữ sinh 17 tuổi, người dân tộc, đang học ở trường PTDT nội trú tỉnh.

Theo một số học sinh tại trường, nữ sinh này tự sinh con một mình trong ký túc xá rồi bỏ bé vào nhà vệ sinh và lấy thùng rác đậy lại. Sau khi sinh, nữ sinh bị chảy máu nhiều nên gọi bạn học đưa đi bệnh viện và nói dối là đau bụng ra máu.

Khi phát hiện tiếng khóc trẻ con trong nhà vệ sinh, các cô giáo vào xem thì phát hiện sự việc nên đã nhanh chóng đưa bé trai đến bệnh viện cấp cứu.

  1. Quản lý dịch bệnh bằng… bản đồ

Hệ thống WebGIS (Geographical Information System) quản lý bệnh truyền nhiễm được trình bày dữ liệu dưới dạng bản đồ. Hiện hệ thống đã kết nối thông tin đến 79 bệnh viện, với 349 tài khoản người dùng và lưu trữ gần 50.000 ca bệnh; triển khai cho toàn bộ 322 phường, xã và giám sát 17.394 tổ, khu phố. 

Hệ thống được xây dựng từ năm 2016, với sự hợp tác giữa Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM (gọi tắt là Trung tâm) và Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), Sở KH-CN TPHCM.

Người mở đường

Người đầu tiên có những tìm tòi, trăn trở với GIS là cử nhân Nguyễn Đình Dũng, công tác tại Trung tâm. Hôm chúng tôi gặp, anh Dũng đang xuống quận 9 để giám sát tình hình dịch bệnh tại cơ sở cũng như nắm lại kết quả của việc ứng dụng phần mềm GIS được áp dụng tại địa bàn.

Công tác ở Trung tâm từ năm 2013, anh Dũng được lãnh đạo Trung tâm tin tưởng giao trọng trách nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin địa lý và quản lý dịch bệnh trên địa bàn thành phố (nói cách khác là số hóa công tác thông tin và quản lý).

Lúc đầu nhận nhiệm vụ và đi vào nghiên cứu thực hiện, anh Dũng còn chưa biết phải gắn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin từ đâu để xây dựng phần mềm quản lý khoa học hiện đại, vì mọi thứ trước đây đều phải làm thủ công. Anh phải vừa làm vừa sửa chữa, khắc phục để có một phần mềm hoàn thiện nhất. Đến đầu năm 2016, với sự quyết tâm và sự hỗ trợ của đồng nghiệp, phần mềm GIS ra đời và được đưa vào ứng dụng thực tế với tên gọi: Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý vào quản lý dịch bệnh tại TPHCM.

Anh Dũng kể, sau khi “thai nghén” được 3 tháng, với sự vào cuộc của thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm và thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, bộ khung của phần mềm hoàn thành, bắt đầu được thí điểm tại 6 phường xã; sau 1 năm thì triển khai cho 24 quận huyện toàn thành phố.

“Vì cần quản lý đến từng ca nhiễm bệnh, nên bản đồ phải chính xác đến từng hộ dân. Ngoài ra, phải làm sao để các thao tác trên phần mềm tối giản nhất để dễ sử dụng, đó là một trong những trăn trở mà chúng tôi đang nghiên cứu để hoàn thiện”, anh Dũng nói.

Chung tay vì cộng đồng

Đồng hành, giải bài toán “xây dựng bản đồ hành chính” với anh Nguyễn Đình Dũng là nhóm chuyên viên Khưu Minh Cảnh, Trương Minh Tùng và Lâm Quang Hà (GIS, Sở KH-CN TPHCM).

Từ những bản đồ giấy, các quận huyện, phường xã cung cấp, nhóm chuyên viên phải vẽ, định vị lại từng tổ, khu phố, ấp trên máy tính. Sau khi các bước phức tạp này hoàn thành, thông qua thuật toán, phần mềm có thể khoanh vùng ổ dịch tại các phường xã một cách tự động và nhanh chóng, giúp cơ quan chức năng có thể phản ứng kịp thời với mọi tình hình, diễn biến mới của dịch, bệnh.

Bên cạnh chức năng quản lý dịch tễ thông qua các chức năng quản trị hệ thống chuyên dụng, công cụ nhập xuất dữ liệu nhanh định dạng Excel, hệ thống này còn có thể quản lý các ca bệnh, báo cáo thống kê nhanh, khoanh vùng ổ dịch được chính xác và nhanh chóng hơn; từ đó, định hướng không gian ca bệnh trên bản đồ để hỗ trợ các công tác phun hóa chất, diệt muỗi… tại địa phương. Ngoài ra, phần mềm này còn giúp tăng độ chính xác, tránh các ca bệnh trùng lắp trong báo cáo thống kê do các đơn vị đưa lên.

Hàng ngày, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM sẽ chuyển thông tin ca bệnh (tên, tuổi, địa chỉ, ngày phát bệnh, ngày nhập viện) về Trung tâm. Trung tâm sẽ nhập dữ liệu và chuyển thông tin ca bệnh về các phường xã, quận huyện thông qua phần mềm GIS. Tùy vào thời gian mắc bệnh và mức độ nguy hiểm, vị trí của người mắc bệnh sẽ hiện lên những màu sắc khác nhau (màu đỏ: nguy hiểm, màu xanh: an toàn…).

Căn cứ vào màu sắc và những số liệu đi kèm, cơ quan chức năng sẽ có những đánh giá mức độ lan rộng của dịch bệnh để có kế hoạch xử lý phù hợp.

Ông Quách Đồng Thắng, Trưởng phòng Phát triển công nghệ, Sở KH-CN TPHCM, cho biết: “Trước đây, khi có dịch bệnh, cán bộ y tế tại các phường xã phải mất rất nhiều thời gian để thu thập dữ liệu, lập hồ sơ và báo cáo từng trường hợp nhằm khoanh vùng vùng dịch và tuyên truyền. Nhưng nay, với phần mềm GIS, tất cả dữ liệu được đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp phường xã ngay khi nhận được thông tin từ bệnh viện hay trung tâm y tế. Các nhân viên y tế cũng có thể nhập thông tin về các ca dịch bệnh mới, hay tìm hiểu thông tin của bệnh nhân mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị điện tử…”.

Giới chuyên môn nhận định, phần mềm GIS là sáng kiến hay, khi áp dụng vào thực tế đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, làm giảm kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, hóa chất trong phòng dịch; giúp quản lý số liệu một cách đồng bộ và thống nhất; xử lý ổ dịch nhanh; giảm thiểu được các biểu mẫu hành chính.

  1. Có gì trong trạm xá mini miễn phí giữa lòng Hà Nội?

Mỗi sáng thứ bảy hàng tuần, nằm trong một con ngõ nhỏ phố Yên Lãng (Đống Đa, Hà Nội), quán cà phê với cái tên đầy chất thơ “Mơ phố” là nơi tổ chức phục vụ khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho những người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước.

Quán cafe “Mơ phố” đồng thời là nơi các hoạt động gây quỹ của hội bác sĩ tình nguyện được tổ chức, với mong muốn có thêm một phần kinh phí để đến khắp mọi nơi chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.Tại đây, hội tổ chức tư vấn sức khỏe; siêu âm ổ bụng, khớp; xét nghiệm tiểu đường; nội soi tai, mũi, họng; khám tổng quát và cấp thuốc miễn phí cho hộ có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước.

Thuốc được chuẩn bị đầy đủ trước buổi khám bệnh. Nguồn thu từ việc bán cà phê sẽ được sử dụng phục vụ cho những hoạt động từ thiện của hội trên khắp miền Bắc, đồng thời chi trả cho toàn bộ số thuốc được phát miễn phí tại đây. Bên cạnh đó, vào mỗi sáng thứ bảy hàng tuần, các bác sĩ tổ chức tư vấn sức khỏe; khám và chữa bệnh hoàn toàn miễn phí cho mọi người dân gần xa tới đây.Chia sẻ với phóng viên, bà Đỗ Thị Thìn (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Các bác sĩ của trạm xá khám bệnh rất ân cần, tận tâm, các bạn tình nguyện viên nhiệt tình làm tôi thấy rất vui vẻ, phấn khởi, đây là công việc có ý nghĩa tốt đẹp đối với tất cả mọi người”.Được biết, Hội bác sĩ Tình nguyện là một tổ chức tình nguyện thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, cấp thuốc không phí và kết hợp các tổ chức phát quà từ thiện, với lực lượng chuyên môn là các bác sỹ từ những bệnh viện lớn tại Hà Nội như: Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Bệnh viện Hữu Nghị; Bệnh viện Xanh pôn,… và đông đảo lực lượng tình nguyện viên là các y, bác sĩ đang công tác tại bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; sinh viên các trường đại học y, dược và các tình nguyện viên từ nhiều ngành nghề có chung tấm lòng thiện nguyện. Bởi lẽ, đây không phải là một quán cà phê thông thường mà còn là nơi kết nối, tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ nhằm mục đích gây quỹ từ thiện như: Tư vấn chăm sóc sức khỏe, kết nối các hoạt động hỗ trợ công tác tình nguyện,…

  1. Thu hồi giấy phép hoạt động của phòng phẫu thuật thẩm mỹ Korea

Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Korea.

Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Korea (địa chỉ tầng 6, số 99 phố Triệu Việt Vương, phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do bà Đỗ Thị Ngọc Linh là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật.

Phòng khám bị thu hồi giấy phép do không bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, điều kiện vệ sinh môi trường để hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.

Phòng khám chính thức không được hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 27.3 và có trách nhiệm nộp trả bản gốc giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 613/HNO-GPHĐ về Sở Y tế.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng ban hành quyết định về việc đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh đối với phòng khám đa khoa trực thuộc Công ty cổ phần thiết bị y tế Việt Nhật (địa chỉ tầng 7, toà nhà Đồng Lợi, số 1160 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) do bà Phạm Thị Hiếu là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật.

Lý do đình chỉ là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm về điều kiện trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường theo quy định của Bộ Y tế. Sau đó, Sở Y tế kiểm tra, giám sát lại, cho phép tiếp tục hoạt động nếu cơ sở đủ điều kiện theo quy định.

  1. Điều trị thành công cho người đàn ông 17 lần can thiệp niệu đạo thất bại

TPO - Hơn một năm trước, tai nạn giao thông đã ập đến khiến anh K. gãy chân trái, đứt cơ khép đùi, mất da vùng chân, rạn xương chậu và đứt niệu đạo. Mặc dù đã trải qua 17 lần can thiệp niệu đạo nhưng may mắn vẫn không mỉm cười với người đàn ông.

Ngày 3/4, thông tin từ Bệnh viện (BV) Bình Dân cho biết nơi đây vừa tiến hành phẫu thuật tái tạo niệu đạo thành công cho bệnh nhân K. (37 tuổi, ngụ Hưng Yên) trước đó đã có 17 lần thất bại khi điều trị tại các cơ sở khác.

Theo hồ sơ bệnh án, hơn một năm trước, tai nạn giao thông đã ập đến khiến anh K. gãy chân trái, đứt cơ khép đùi, mất da vùng chân, rạn xương chậu và đứt niệu đạo. Khi các chấn thương đã dần hồi phục, anh V. vẫn không thể trở lại với công việc khi luôn phải mang bên mình một chiếc túi chứa nước tiểu. Kèm theo đó là tình trạng sức khỏe sa sút, những cơn đau nhức vùng khung chậu luôn hành hạ, tình trạng tiểu tiện khó khăn do di chứng hẹp niệu đạo sau tai nạn.

Bệnh nhân đã trải qua 16 lần nong niệu đạo và 1 lần nội soi xẻ lạnh niệu đạo hẹp với hi vọng làm rộng được đường thoát lưu nước tiểu nhưng thất bại. Bao nhiêu tiền của, thời gian của anh K. đội nón ra đi vì cơ sở không có khả năng tạo hình cho trường hợp hẹp niệu đạo vốn khó điều trị. Quyết tìm được phương cách thoát khỏi chiếc ống dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang gây nhiều bất tiện trong cuộc sống, vợ chồng anh K. khăn gói từ Hưng Yên vào TPHCM để tìm đến các bác sĩ của Đơn vị Niệu đạo, Bệnh viện Bình Dân.

Sau khi hội chẩn với Giáo sư Joe Gelman- một chuyên gia về phẫu thuật niệu đạo hàng đầu thế giới và các cộng sự đến từ Mỹ đang hỗ trợ phát triển chuyên môn tại Bệnh viện Bình Dân, ê kíp phẫu thuật quyết định thực hiện phẫu thuật tái tạo niệu đạo cho anh K.

Bằng phương pháp vi phẫu, dưới sự hỗ trợ của máy nội soi mềm với kích thước nhỏ 5.3mm di chuyển nhẹ nhàng vào niệu đạo, uốn dễ dàng qua các góc cong tự nhiên của đường tiểu dưới, các bác sĩ phẫu thuật xác định được đường đi, đánh giá độ di lệch của niệu đạo sau đứt và tiến hành cắt lọc mô xơ, khâu nối tận-tận hiệu quả 2 đoạn đứt của niệu đạo.

Sau khi rút bỏ hoàn toàn các ống thông, anh K. đã tiểu tiện dễ dàng qua niệu đạo mới được tạo hình.

ThS.BS Đỗ Lệnh Hùng, trưởng Đơn vị Niệu đạo cho biết: Phẫu thuật tạo hình lại niệu đạo là phương pháp điều trị giúp người bệnh tái tạo đường tiểu dưới tự nhiên. Phẫu thuật hẹp niệu đạo thực hiện tại Bệnh viện Bình Dân được thực hiện dưới sự hỗ trợ của vi phẫu giúp tăng cường độ chính xác trong khâu nối và các trang thiết bị chuyên biệt của ngành niệu khoa như máy nội soi mềm. Trước phẫu thuật, các bác sĩ còn khảo sát hình ảnh đánh giá tình trạng thương tổn và lên kế hoạch điều trị chi tiết để tăng khả năng thành công.

Các chuyên gia cho rằng việc điều trị đúng đắn ngay từ đầu đối với bệnh hẹp niệu đạo là cực kì quan trọng vì tăng cơ hội tạo hình thành công, giảm tối đa những đau đớn, giảm thời gian điều trị kéo dài gây áp lực tâm lý nặng nền trên người bệnh. Nếu chậm trễ hoặc chỉ định sai, can thiệp niệu đạo nhiều lần thất bại sẽ làm giảm tỉ lệ thành công vì làm hình thành các mô xơ gây khó khăn cho tạo hình niệu đạo về sau.

Hiện nay, Bệnh viện Bình Dân là nơi duy nhất trên cả nước có Đơn vị Niệu đạo, chuyên phẫu thuật điều trị các trường hợp hẹp niệu đạo. Sau gần 3 năm thành lập, Đơn vị Niệu đạo đã phẫu thuật cho 612 trường hợp với tỉ lệ thành công 98%. Trong đó có nhiều trường hợp hẹp phức tạp do di chứng của chấn thương và của các lần can thiệp thất bại trước đó. Ghi nhận tại Bệnh viện Bình Dân về nguyên nhân gây hẹp niệu đạo thường gặp gồm có: tai nạn giao thông, tai nạn lao động và tai nạn sinh hoạt, đặc biệt là nam giới lao động chân tay, điều khiển xe cơ giới, xuồng ghe.

  1. Ca ghép thận không cùng huyết thống và nhóm máu đầu tiên ở Phú Thọ

Trong số 9 ca ghép thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, đây là ca ghép thận đầu tiên không cùng huyết thống và nhóm máu.

Người được ghép thận là chị Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1977, quê Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ). Nữ bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối do viêm cầu thận mạn từ năm 2009 và đang chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần/tuần.

Ca ghép thận gồm các y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Sau khoảng 3 tiếng, ca phẫu thuật hoàn thành, người bệnh đã có nước tiểu ngay trên bàn mổ.

Đây là ca ghép giữa người nhận và người cho thận không cùng huyết thống và không cùng nhóm máu đầu tiên tại bệnh viện này.

Sau một tuần, chức năng thận của bệnh nhân Cúc đã về bình thường, các chỉ số huyết học, sinh hóa, nước tiểu, các chỉ số sinh tồn ổn định. Ngày 3/4, bệnh nhân Cúc được xuất viện.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Sơn - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh lý thận ở giai đoạn cuối đang có xu hướng tăng. Vì vậy, việc triển khai ghép thận ở các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ giúp người bệnh sớm tiếp cận và được thừa hưởng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, mở ra cơ hội sống cho người bệnh.

  1. Cấp cứu người phụ nữ 58 tuổi bị sốc phản về vì ăn trứng kiến

Tuy trứng kiến là món ăn đặc sản của vùng núi phía Bắc nhưng những người có cơ địa nhạy cảm lại cần cẩn trọng với món ăn này.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiến hành cấp cứu cho người bệnh nữ 58 tuổi bị sốc phản vệ độ III do ngộ độc vì ăn phải trứng kiến.

Ngày 1/4, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bà bị nổi mẩn đỏ toàn thân, khó thở, đau quặn bụng, nôn nhiều, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt. Một giờ trước khi vào viện, bà ăn trứng kiến.

Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ độ 3. Xác định đây là trường hợp nặng, ngay lập tức các bác sĩ tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ. Bệnh nhân được tiêm Adrenalin, sử dụng thuốc vận mạch, truyền dịch...

Theo các bác sĩ, nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ phù thanh quản, suy hô hấp và nguy cơ tử vong rất cao.

Hiện, bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, các chỉ số lâm sàng bình thường.

Các bác sĩ khuyến cáo: người dân không nên ăn các đồ vật lạ hoặc tiếp xúc với các chất lạ, nếu thấy mẩm ngứa, khó chịu cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời tránh để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mình .

  1. Gần 3 giờ phẫu thuật cứu bệnh nhân bị dập não

Các bác sĩ Trung tâm y tế H.Phú Quốc đã tiến hành phẫu thuật suốt gần 3 giờ đồng hồ để cứu bệnh nhân bị dập não do tai nạn giao thông. 

Chiều 3.4, bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó khoa Ngoại Trung tâm y tế H.Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết sau hơn 24 giờ chăm sóc hậu phẫu, bệnh nhân Đ.T.T (44 tuổi, ngụ xã Dương Tơ, H.Phú Quốc) đã dần hồi tỉnh và sức khỏe phục hồi tốt, có thể nhận biết được người nhà.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần ổn định tổn thương do dập não nên các bác sĩ vẫn còn theo dõi duy trì an thần cho bệnh nhân.

Trước đó, ông T. bị tai nạn giao thông và nhập viện cấp cứu lúc 23 giờ 50 phút ngày 1.4 trong tình trạng hôn mê sâu, chấn thương sọ não nặng.

Sau khi chụp CT, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị tụ máu ngoài màng cứng thái dương trái, dập và xuất huyết não thái dương phải. Ngay lúc đó, các bác sĩ đã đặt nội khí quản cấp cứu, cho thở máy và chuyển phòng hồi sức.

Đến khoảng 6 giờ ngày 2.4, các bác sĩ kiểm tra lại lần nữa và chỉ định mổ cấp cứu. Ca mổ bắt đầu từ 8 giờ và kết thúc sau gần 3 giờ đồng hồ cùng ngày.

  1. Cứu sống mẹ con sản phụ uống hết 2/3 lọ thuốc sâu tự tử

Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh vừa cấp cứu thành công một trường hợp sản phụ mang thai 38 tuần tuổi tự tử bằng uống thuốc sâu Bassa.

Theo Trung tâm Y tế huyện Hải Hà, ngày 2-4 trung tâm tiếp nhận một sản phụ mang thai lần thứ 3 và đã uống hết 2/3 lọ thuốc trừ sâu Bassa, được gia đình đưa đến viện trong tình trạng nguy kịch, mất ý thức, mạch chậm.

Để kịp thời cứu sống sản phụ, các bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày và mổ lấy thai cấp cứu. Sau hơn một tiếng đồng hồ tích cực cấp cứu, các bác sĩ đã cứu sống được cả 2 mẹ con.

Bé trai chào đời nặng 3kg, khỏe mạnh, hồng hào và bú tốt. Hiện sản phụ cũng đã qua cơn nguy kịch, đang tiếp tục được điều trị tích cực tại khoa hồi sức cấp cứu.

Đây được đánh giá là một ca cấp cứu có tính chất phức tạp, buộc phải xử lý khẩn cấp bởi chất độc từ thuốc trừ sâu Bassa có khả năng gây ngộ độc cho hệ thần kinh và các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Hải Hà cũng đưa ra cảnh báo trong thời gian mang thai, sản phụ thường có tâm sinh lý nhạy cảm hơn so với bình thường bởi những thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể nên có thể dẫn đến trầm cảm trước, trong và sau sinh.

Do vậy, người thân trong gia đình cần hết sức để ý để kịp thời nắm bắt những dấu hiệu bất thường.

II. TIN QUỐC TẾ

  1. Ô nhiễm không khí rút ngắn tuổi thọ trẻ em

Nghiên cứu mới đây cho thấy tuổi thọ của những trẻ em sinh ra ngày nay trung bình bị giảm 20 tháng do hít phải bầu không khí độc hại lan rộng trên toàn cầu, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực Nam Á.

Theo báo cáo "Tình trạng không khí toàn cầu năm 2019" được công bố hôm 3-4, ô nhiễm không khí góp phần gây ra gần 1/10 trường hợp tử vong trong năm 2017, khiến nó trở thành "sát thủ" nguy hiểm hơn cả bệnh sốt rét, tai nạn đường bộ và có tác hại tương đương với việc hút thuốc. 

Ở Nam Á và Đông Á, tuổi thọ trẻ em có thể lần lượt bị rút ngắn 30 tháng và 23 tháng trong khi con số này ở châu Phi Hạ Sahara là 24 tháng do ảnh hưởng cộng gộp từ ô nhiễm không khí ngoài trời như giao thông, công nghiệp và không khí bẩn trong nhà, phần lớn là do nấu ăn cháy khét. Trong khi đó, tuổi thọ trẻ em ở các nước phát triển được dự báo giảm dưới 5 tháng.

Ông Robert O’Keefe, Phó Chủ tịch Viện Hiệu ứng Sức khỏe (Mỹ) - tổ chức đưa ra báo cáo nói trên, cảnh báo: "Tuổi thọ của trẻ em đang bị rút ngắn nhiều đến mức gây sốc. Không có phép mầu nào ở đây, ngoại trừ việc các chính phủ phải hành động". 

Trong khi đó, ông Alastair Harper, người đứng đầu các chiến dịch vận động tại Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ở Anh, cho rằng có các bằng chứng tiếp tục cho thấy mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với không khí độc hại và tình trạng trẻ sinh nhẹ cân, giảm sự phát triển của phổi và hen suyễn ở trẻ em.

  1. Trình làng vắc-xin ngừa ung thư

Vắc-xin mới do Weill Cornell Medicine College (Mỹ) sáng chế có thể giúp đẩy lùi các dạng ung thư ruột, bao gồm ung thư ruột kết và ung thư trực tràng.

Nhóm khoa học gia đứng đầu bởi nhà di truyền học Steven Lipkin, đến từ Weill Cornell Medicine College (Mỹ), cho biết vắc-xin ngừa ung thư ruột của họ đã vượt qua các thử nghiệm động vật và có các bằng chứng đầy hứa hẹn sẽ đạt được thành công tương tự ở con người.

Vắc-xin mới nhắm vào Hội chứng Lynch, một vấn đề di truyền khiến người mắc phải nó có nguy cơ rất cao phát triển ung thư ruột (hay còn gọi là ung thư đại trực tràng, bao gồm ung thư ruột kết và ung thư đại tràng). Thống kê tại Mỹ cho thấy có tới 1,17 triệu người gặp phải vấn đề di truyền này và đứng trước nguy cơ bị ung thư ruột cao hơn tới 70-80% so với phần còn lại của dân số.

Hội chứng Lynch gây nên một đột biến ngăn cản DNA của người mắc phải tự sửa chữa, từ đó dẫn đến ung thư, căn bệnh đã được chứng minh là liên quan mật thiết đến các DNA lỗi.

Theo ông Lipkin, vắc-xin của ông và các cộng sự nhắm vào chính đột biến này. Trong thử nghiệm động vật, khi vắc-xin được dùng kèm với một loại thuốc kháng viêm thông thường, nó có thể giúp các con chuột bị hội chứng Lynch giảm mạnh nguy cơ phát triển bệnh ung thư và nếu có bị ung thư thì khả năng kéo dài tuổi thọ cũng cao hơn. Ước tính chúng sống lâu hơn đến 60% so với những con không được dùng vắc-xin và tuổi thọ tương đương các cá thể không bị hội chứng Lynch.

Nhóm khoa học gia đang tiếp tục quá trình nghiên cứu để tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người và xa hơn là đưa vắc-xin này ra thị trường.


Thăm dò ý kiến