Điểm tin y tế ngày 01/4/2019

02/04/2019 | 06:00 AM

 | 

I. THÔNG TIN  Y TẾ TRONG NƯỚC

1. Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn: Đem dịch vụ y tế có chất lượng tới người dân

Đối với những người dân sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, các địa phương còn nhiều khó khăn, thiếu thốn thì cơ hội để được tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám, chữa bệnh và dự phòng bệnh vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, những bác sĩ trẻ được đào tạo bài bản tình nguyện về vùng khó khăn để khám, chữa bệnh cho người dân đã mở ra nhiều hy vọng mới, giúp củng cố nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân

Với hành trang là chiếc áo blouse trắng, tinh thần cống hiến, nhiệt huyết của tuổi trẻ và các kiến thức được trau dồi tại giảng đường của trường Y cũng như trong thực tiễn học tại chuyên khoa I tại các bệnh viện tuyến Trung ương, các bác sĩ trẻ thuộc Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” (gọi tắt là Dự án 585) đã tình nguyện dành những ngày tháng tươi đẹp nhất để chăm sóc sức khoẻ cho người dân ở các huyện nghèo của nhiều tỉnh miền núi.

Dự án được Bộ Y tế quyết định triển khai thực hiện từ tháng 2/2013 với mục tiêu đảm bảo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó, tới năm 2020 sẽ đưa khoảng hơn 300 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo của các Sở Y tế có huyện nghèo cho thấy, nhu cầu bác sĩ tại 62 huyện nghèo là khoảng gần 600 người thuộc 15 chuyên khoa, trong đó 7 chuyên

khoa có nhu cầu nhiều nhất là: Nội 53 người, Ngoại 49 bác sĩ, Sản 55 bác sĩ, Nhi 44 bác sĩ, Hồi sức cấp cứu 47 bác sĩ, Truyền nhiễm 35 bác sĩ, Chẩn đoán hình ảnh 33 bác sĩ. Tổng số bác sĩ còn thiếu của cả 7 chuyên khoa này là 316 người.

Hiện, Dự án 585 đã tổ chức khai giảng 14 khoá bác sĩ chuyên khoa cấp I với số lượng 332 bác sĩ cho 82 huyện nghèo của 23 tỉnh thuộc 11 chuyên khoa: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Truyền nhiễm và Răng hàm mặt. Dự án đã bàn giao 28 bác sĩ cho 18 huyện nghèo thuộc 10 tỉnh và tiếp tục chuẩn bị bàn giao cho các khoá đào tạo tiếp theo.

Theo ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế - sau khi bàn giao các bác sĩ, Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động của các bác sĩ tại các huyện nghèo. Nhìn chung, các bác sĩ đã thực hiện tốt các kỹ thuật theo chương trình đào tạo, hỗ trợ và thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa khác mà bệnh viện tuyến huyện chưa triển khai được do thiếu nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật và tham gia tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho đồng nghiệp tại các huyện nghèo, qua đó nhiều người bệnh được cứu sống và không phải chuyển tuyến.

Điển hình là tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà (Lào Cai), “từ khi bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Chiến Quyết sau 17 tháng lên “cắm chốt” đã tham gia mổ hơn 1.000 trường hợp, tính trung bình cứ mỗi ngày BS Quyết mổ khoảng 2 ca bệnh. Sự có mặt của bác sĩ Quyết không chỉ góp phần làm cho bệnh viện đa khoa Bắc Hà có thêm nguồn nhân lực chuyên môn cao để phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ cho bà con nhân dân trên địa bàn, mà còn khẳng định thêm tính hiệu quả thiết thực của Đềán 585”.

“Tham vọng” của ngành Y

Được biết, dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới đảm bảo đủ nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở các địa phương còn khó khăn. Qua đó, tạo cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, còn nhiều thiếu thốn về trang thiết bị, cơ sở vật chất được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng tốt hơn, hạn chế việc chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần làm giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh gây lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Chính vì thế, các địa phương, nơi có bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để xây dựng các chính sách khuyến khích, thu hút, duy trì, tạo động lực cho cán bộ, nhân viên y tế làm việc có chất lượng, hiệu quả, thu hút cán bộ có trình độ cao về làm việc và công tác.

2. Nguy cơ hàng ngàn nhà thuốc bị ngưng hoạt động

Ngày 31.3 là hạn chót một số tỉnh, thành yêu cầu các nhà thuốc phải kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia do Bộ Y tế quản lý nhằm kiểm soát việc mua bán thuốc, nhưng hiện nhiều nhà thuốc vẫn chưa kết nối. 

Không kết nối xem như không phép

Ngày 23.8.2018, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 23 về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc nhằm chấn chỉnh tình trạng mua bán, sử dụng thuốc không rõ xuất xứ, giá cả, không bảo đảm chất lượng, tình trạng bán thuốc không theo đơn, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý thuốc. Thủ tướng giao Bộ Y tế, UBND các tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc từ tháng 9.2018. Trong năm 2018 hoàn thành đối với các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhà thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã; phấn đấu trong năm 2019 hoàn thành đối với quầy thuốc

TP.HCM có nhiều nhà thuốc nhất trên cả nước.Hiện TP có 6.052 nhà thuốc hoạt động. Theo lộ trình của Sở Y tế TP đặt ra là đến 31.3.2019, 100% nhà thuốc phải tạo tài khoản kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia.

Tuy nhiên, tính đến ngày 26.3 chỉ có hơn 61% nhà thuốc thực hiện. Sở Y tế đã có công văn kiến nghị UBND quận/huyện chỉ đạo phòng y tế quận/huyện đẩy nhanh việc kết nối của các cơ sở cung ứng thuốc; tăng cường thông tin, tuyên truyền về việc kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn. Sau thời điểm 31.3, các nhà thuốc không thực hiện kết nối dữ liệu sẽ không duy trì được tiêu chuẩn “Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc - GPP”.

Sở Y tế TP.HCM cũng đã thông báo, từ ngày 1.4, phòng y tế báo cáo về Sở danh sách các cơ sở kinh doanh thuốc chưa thực hiện kết nối.Sở sẽ tiến hành hậu kiểm cơ sở bán lẻ thuốc và phòng y tế sẽ kiểm tra chuyên đề về kết nối nhà thuốc.Các nhà thuốc không thực hiện kết nối sẽ bị tạm ngưng kinh doanh thuốc.

Tỉnh Tây Ninh cũng đã ra “tối hậu thư” là đến ngày 31.3, nếu không tuân thủ thì sẽ bị tước tiêu chuẩn GPP và xem xét rút phép hoạt động. Với tỉnh Tây Ninh thì quầy thuốc sẽ áp dụng hạn cuối đến năm 2020.Sau khi đưa ra thời gian yêu cầu, các sở y tế cũng giới thiệu một số nhà mạng như Viettel, VNPT và một số công ty khác để nhà thuốc lựa chọn.

Triển khai… đối phó

Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện tại Hà Nội có 41 bệnh viện (BV), 30 trung tâm y tế quận, huyện, 2 trung tâm chuyên khoa trực thuộc; 40 BV T.Ư, bộ ngành; 34 BV tư nhân. Riêng các cơ sở kinh doanh y dược có 1.160 cơ sở bán buôn, 3.470 nhà thuốc và 2.250 quầy thuốc.

Theo đánh giá của một cán bộ (Sở Y tế Hà Nội), hiện có khoảng 85 - 90% các nhà thuốc tại các quận, huyện đã bắt tay vào triển khai nối mạng. Tuy tỷ lệ triển khai trên giấy tờ, hợp đồng giữa các nhà thuốc với các công ty cung cấp khá cao như vậy nhưng thực tế vận hành thấp hơn bởi hạn chế về nhân lực, thiết bị không đáp ứng yêu cầu, tăng chi phí nên thời điểm này nhiều nhà thuốc làm còn mang tính đối phó.

Theo Sở Y tế Hà Nội, kiểm tra gần nhất (hôm 19.3) tại H.Đông Anh cho thấy toàn huyện đã có 100% quầy thuốc của các BV kết nối theo quy định, nhưng tỷ lệ này ở nhóm quầy thuốc tư nhân chỉ mới đạt 56%. Một số quận huyện khác vẫn còn tình trạng, quầy thuốc chưa có máy vi tính và đường truyền kết nối, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của chủ cơ sở còn hạn chế, một số trường hợp đã kết nối liên thông nhưng chưa sử dụng thành thạo nên việc cập nhật dữ liệu còn khó khăn.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, lâu nay các cơ sở bán lẻ thuốc ở Hà Nội đã có ý thức áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuốc, nhưng phần lớn là tập trung cho quản lý tài chính nội bộ, số lượng xuất nhập, tồn kho. Việc nối mạng chung theo chuẩn của Bộ Y tế sẽ đòi hỏi nhân lực có kỹ năng tốt hơn, trang thiết bị đồng bộ cùng đường truyền tốt hơn khiến các nhà thuốc lúng túng, nên không tránh khỏi việc triển khai mang tính đối phó. Do đó, thời hạn hoàn thành nối mạng và triển khai đúng chuẩn như yêu cầu của Bộ Y tế thực sự chưa thể đạt được 100% vào thời điểm 1.4 

3. Bài toán "dây rút ngược"

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, năm 2018, các bệnh viện trong nước tiếp đón, khám và điều trị cho khoảng 300 nghìn người là Việt kiều, người bệnh ở các nước lân cận: Cam-pu-chia, Lào; người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Số lượng người nước ngoài đến khám, điều trị tại các bệnh viện trong nước tăng 50% so với 5 năm trước.

Mặc dù con số này là nhỏ bé so với tổng số cả trăm triệu lượt người mà các cơ sở y tế trong nước tiếp nhận khám, điều trị, nhưng cùng với hàng chục nghìn người Việt Nam mỗi năm bỏ ra khoảng hai tỷ USD ra nước ngoài điều trị bệnh, thì đó là cơ sở để các bệnh viện hướng tới một nhóm khách hàng đầy tiềm năng. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019, người đứng đầu ngành y tế đã đưa ra một đề án mang tên "Dây rút ngược" để các bệnh viện chung tay thực hiện. Triển khai thành công dự án này sẽ hạn chế người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, đồng thời giữ chân người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam, thay vì chọn nước khác, cũng như thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh.

Ðề án "Dây rút ngược" triển khai vào thời điểm này được cho là hợp lý. Vì với chủ trương và định hướng phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu (tại Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh) đến nay, nhiều bệnh viện đã được trang bị các trang thiết bị y tế hiện đại mà "nước bạn có gì, mình cũng có cái đó", giá tiền khám, chữa bệnh lại rẻ hơn. Mặt khác, trình độ thầy thuốc Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực, có những thầy thuốc Việt Nam như GS Nguyễn Thanh Liêm, PGS Trần Ngọc Lương… là thầy dạy của nhiều bác sĩ trên thế giới. Những kỹ thuật mà người bệnh nước ngoài đang chọn để áp dụng khi đến Việt Nam là: Can thiệp tim mạch, thụ tinh ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, ghép tạng, ghép tế bào gốc đồng loại, ứng dụng rô-bốt định vị trong phẫu thuật cột sống, phẫu thuật nội soi nhi khoa… Trong khi đó, kết hợp du lịch với chữa bệnh đang được nhiều nước triển khai khá thành công.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề án không thể một sớm, một chiều. Bên cạnh cố gắng của bệnh viện thì rất cần những hỗ trợ của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách và những giải pháp mang tính vĩ mô. Ðó là cần sớm khắc phục bất cập trong phân bổ và sử dụng ngân sách đối với lĩnh vực y tế, không nên để các đơn vị tuyến trung ương và tỉnh chăm sóc y tế cho 30% số người bệnh nhưng sử dụng tới 70% chi phí thuốc men; trong khi tuyến huyện và xã chăm sóc 70% số người bệnh nhưng chỉ nhận được 30% mức chi phí. Hiện chi phí y tế cao ở phần điều trị, thấp ở dự phòng, trong khi sức khỏe của mỗi người liên quan nhiều đến hành vi cá nhân (40% liên quan thuốc lá, ăn uống, vệ sinh; 30% liên quan cơ địa; 20% do môi trường, 10% là tác động của thuốc và hệ thống y tế). Do vậy, nếu quan tâm chăm sóc sức khỏe bằng các giải pháp dự phòng (đo huyết áp, sàng lọc phát hiện bệnh sớm...) thì chi phí rẻ mà hiệu quả lại cao.

Việc nâng cấp chất lượng khám, chữa bệnh cần được thực hiện đồng bộ từ tuyến xã lên tuyến huyện, tỉnh, trung ương, để kéo người bệnh ở tuyến trung ương về tuyến tỉnh; tuyến tỉnh về tuyến huyện, xã… thay vì cứ có bệnh là vượt tuyến, dồn lên tuyến trên hoặc thậm chí ra nước ngoài trị bệnh. Thời gian qua, nhiều bệnh viện trong cả nước được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới… lúc này cần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào sử dụng nhằm giảm tải người bệnh, cũng như để các bệnh viện tuyến T.Ư tập trung phát triển dịch vụ kỹ thuật cao. Có lẽ đã đến lúc, các bệnh viện tuyến trung ương cần có những định hình trong công tác khám, chữa bệnh, có sự sàng lọc, chuyển giao công tác chữa trị những bệnh giản đơn như chữa viêm ruột thừa, bó bột, đau bụng, nhức đầu... cho tuyến dưới để đầu tư máy móc, con người nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đầu tư tập trung chuyên sâu, phục vụ các bệnh phức tạp, những ca bệnh nặng; nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật cao.

4. Ngành Y tế Việt cực kỳ hấp dẫn nhưng nhà đầu tư muốn “xuống tiền” không dễ!

BizLIVE - Với tiềm năng phát triển lớn, lĩnh vực y tế Việt Nam đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nhưng các nhà đầu tư mong muốn thủ tục đầu tư đơn giản hơn, thuận tiện hơn khi họ đổ vốn vào.

Đây là ý kiến chung của hầu hết các diễn giả tại hội thảo chuyên đề: “Ngành Y tế cần làm gì để thu hút đầu tư” do Hội Y học TP.HCM và Hội Hành Nghề Y Tư Nhân TP.HCM phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Công ty DG Medical tổ chức cuối tháng 3/2019.

Tiềm năng tăng trưởng cao

Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y Tế TP. Hồ Chí Minh, tại TP. HCM, năm 2018 có hơn 45,3 triệu lượt khám ngoại trú, chiếm hơn 1/4 tổng lượng khám cả nước; hơn 2,5 triệu lượt điều trị nội trú, chiếm 1/10 lượt nằm điều trị của cả nước, tăng rất cao so với năm trước đó. 85% số giường bệnh phục vụ điều trị là của bệnh viện công lập.

Trong khi đó, cả nước có hơn 80% dân số có bảo hiểm y tế, 5% dân số có bảo hiểm tư nhân, 73% dân số trả một phần hoàn toàn bộ viện phí bằng tiền mặt, tỷ lệ bệnh viện công – tư vẫn ở giai đoạn tăng trưởng. Hơn nữa, người Việt Nam đã phải chi ra khoảng 2,5 tỷ USD/năm để khám chữa bệnh ở nước ngoài.

Số liệu của Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tổng chi toàn xã hội cho chăm sóc sức khỏe so với GDP ngày càng tăng. Từ năm 2008 đến nay, tốc độ tăng chi từ ngân sách Nhà nước (NSNN) cho y tế đã cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của NSNN và đạt khoảng 7-8% tổng chi ngân sách, đồng thời Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong lĩnh vực y tế.

Trong  9 năm qua, Chính phủ đã ưu tiên ngân sách, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ để có bước đầu tư đột phá cho hệ thống khám chữa bệnh (KCB). Chính phủ đã đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng cho các dự án cải tạo, nâng cấp bệnh viện. Cơ sở KCB tư nhân phát triển nhanh, từ chỗ không có bệnh viện tư, năm 1993 tới nay đã có 206 bệnh viện tư nhân với 15.475 giường bệnh và trên 35.000 phòng khám tư nhân.

Chia sẻ tại hội thảo, Bác sĩ Dilshaad Ali, Cố vấn chuyên môn của DG Medical - nhà cung cấp các giải pháp y khoa toàn diện tại Đông Nam Á cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay với thu nhập người dân tăng cao, rất nhiều gia đình đã chi nhiều hơn cho tiêu dùng, và đây là cơ hội cho việc đầu tư các dịch vụ y tế cao cấp.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua Việt Nam đã cho phép đầu tư vào hệ thống y tế để phát triển mạnh các chuyên khoa lâm sàng, cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân. Do đó nhu cầu của người dân ngày càng tăng đối với các dịch vụ y tế cao cấp. Vì vậy nhiều nhà đầu tư cũng đã bắt đầu có được lợi nhuận nhờ đầu tư vào hệ thống khám chữa bệnh.

Đẩy mạnh xã hội hóa, hoạt động M&A trong ngành y tế bùng nổ

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho biết, hiện tất cả các bệnh viện công lập ở TP. HCM đã chuyển sang mô hình tự chủ tài chính, vì vậy có sự cạnh tranh lành mạnh giữa bệnh viện công và bệnh viện tư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

TP.Hồ Chí Minh cũng chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết hợp tác nhằm thu hút vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh hiện đại, chuyển giao công nghệ, đào tạo đội ngũ y bác sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Tiêu biểu của tiến trình xã hội hóa ngành y tế ở TP. Hồ Chí Minh là hợp tác giữa Bệnh Ung bướu Thành phố và Bệnh viện Hồng Đức, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115. Sự hợp tác này bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định giúp người dân được khám chữa bệnh bởi đội ngũ bác sĩ công lập có trình độ cao, người bệnh được hưởng chất lượng dịch vụ ngang hàng với bệnh viện tư.

Ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh khi có được sự kết nối giữa bệnh viện công – bệnh viện tư sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối, người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.Việc kết nối cũng sẽ kích thích các nhà đầu tư bỏ vốn vào các bệnh viện tư nhân, đúng như chủ trương xã hội hóa y tế của thành phố.

Không chỉ dừng lại ở hợp tác đầu tư Bệnh viện, từ năm 2015 đến nay, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực y tế ngày càng nóng với rất nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) có giá trị đã được công bố.

Nha khoa Mỹ đã sáp nhập vào Sun Medical Center hay Taisho, một công ty chế tạo thuốc của Nhật Bản đã mua 35% vốn CTCP Dược Hậu Giang (mã DHG) sẽ chi ra ước tính hơn 3.400 tỷ đồng để gom cổ phiếu DHG nâng tỷ lệ sở hữu tại đây từ 35% lên 56,68%. 

5. TỪ VIỆC XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN BỆNH SÁN LỢN Ở TRẺ EM BẮC NINH:

Mấy ngày nay dư luận cả nước xôn xao về việc các thầy thuốc chẩn đoán các cháu ở Bắc Ninh có tỉ lệ cao bị sán lợn.Rất nhiều phụ huynh hoang mang đưa các cháu về hai cơ sở y tế trung ương để lấy máu làm xét nghiệm xem có bị bệnh sán lợn hay không.

Sáng ngày 18.3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế điều động ngay các thầy thuốc và lực lượng chuyên môn về Bắc Ninh để giải quyết việc này.Mãi đến ngày 21.3, ngành y tế mới có chỉ đạo chính thức với Sở Y tế Bắc Ninh dừng việc xét nghiệm như vậy.Sự việc này đã gây nhiều bức xúc cho dư luận và hoang mang trong dân chúng.Từ việc này có thể rút ra những kinh nghiệm gì?

Cần làm gì khi xảy ra tai biến y khoa?

Khi xảy ra một số vụ tai biến y khoa của điều trị trong y tế vừa qua (như vụ tiêm nhầm thuốc tại Hướng Hoá - Quảng Trị, vụ tai biến khi lọc máu tại khoa thận nhân tạo bệnh viện Hoà Bình), có một số người vội vàng giải thích nguyên nhân của các tai biến này là sốc phản vệ (anaphylaxis shock). Đã có những bài viết phân tích sai lầm trong cách giải thích này. Có hai nguyên nhân giả thiết được đặt ra:

(1) Do không được đào tạo một cách căn cơ về y học cơ sở, đặc biệt về miễn dịch học cơ bản, nên không phân biệt được sốc phản vệ với sốc nói chung; (2) Người giải thích có động cơ sai lầm ở chỗ: Khi gây ra cái chết cho người bệnh họ muốn làm nhẹ tội bằng cách đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan (đó là tính phản ứng của cơ thể người bệnh và cái chết ấy được “định mệnh” bởi di truyền).

Vì vậy cần rút ra hai điều: (1) Cần tăng cường việc đào tạo những kiến thức về y học cơ sở để giúp người thầy thuốc tiến hành chẩn đoán và điều trị trên cơ sở hiểu biết khoa học chứ không phải chỉ dựa thuần tuý trên kinh nghiệm như trong y học dân gian; (2) Khi khoa học công nghệ y học càng phát triển, chúng ta càng cần tăng cường giáo dục đạo đức y tế; tuyệt đối không được núp dưới các kiến thức y học hiện đại để nguỵ biện hoặc nói dối người bệnh.

Bài học kinh nghiệm

Mấy ngày nay dư luận cả nước xôn xao về việc các thầy thuốc chẩn đoán các cháu ở Bắc Ninh có tỉ lệ cao bị sán lợn.Sự việc này đã gây nhiều bức xúc cho dư luận và hoang mang trong dân chúng.Từ việc này có thể rút ra những kinh nghiệm gì?

Một là: Cần xem xét lại tình hình và phải coi trọng việc đào tạo y học cơ sở hiện nay trong các trường y (đặc biệt là đại học y). Y học cơ sở là một bộ phận quan trọng của nền y học, những bộ môn này nghiên cứu các vấn đề bệnh nguyên (nguyên nhân gây bệnh) và bệnh sinh (cơ chế sinh bệnh) của bệnh tật. Do đó y học cơ sở mang lại cho thầy thuốc những kiến thức khoa học rất cần thiết để hiểu về bệnh, từ đó chẩn đoán và điều trị bệnh dựa trên những kiến thức khoa học chứ không chỉ dựa trên những kinh nghiệm thuần tuý thu được khi hành nghề. Y học hiện đại khác y học dân gian chính là có nghiên cứu về y học cơ sở. Trong số các bộ môn y học cơ sở có hoá sinh y học, sinh lý học, sinh lý bệnh học, giải phẫu, giải phẫu bệnh học, vi sinh vật học, ký sinh trùng học, miễn dịch học.

Từ hiện tượng phát hiện các cháu ở Bắc Ninh bị sán lợn, đã có những câu hỏi sau đây đặt ra: Các thầy thuốc chẩn đoán sán lợn bằng cách nào là chính xác nhất, bệnh sán lợn và bệnh ấu trùng sán lợn (còn gọi là bệnh gạo) khác nhau thế nào, lấy máu để chẩn đoán sán lợn bằng kỹ thuật ELISA có đặc hiệu cho chẩn đoán sán lợn không, tính phản ứng chéo của các kháng nguyên (đặc biệt là kháng nguyên ký sinh trùng) đã ảnh hưởng thế nào đến độ đặc hiệu của phản ứng ELISA.

Cách giải thích của một số chuyên gia y tế vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng có những điểm vội vàng, mập mờ và không thuyết phục về mặt chuyên môn. Phải chăng là những kiến thức y học cơ sở của họ đã bị quên lãng và họ không được đào tạo liên tục, hay phải chăng khi học trên ghế nhà trường, những kiến thức này chưa được nhấn mạnh và chưa thu hút sự tập trung của sinh viên so với những kiến thức lâm sàng. Dù sao qua hai sự việc kể trên, chúng ta cũng cần xem xét và tìm phương cách đẩy mạnh hiệu quả việc đào tạo các môn y học cơ sở trong các trường y. Có như vậy thầy thuốc mới có những kiến thức thực sự dựa trên cơ sở khoa học mà không dừng ở kinh nghiệm thuần tuý của y học dân gian .

6. Bất an chất lượng bữa ăn bán trú:

Bộ Y tế đã có quy định chung về quản lý, giám sát thực phẩm bằng quy trình kiểm tra ba bước. Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các quận, huyện cũng đã có hướng dẫn rất đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn xảy ra khiến dư luận vô cùng lo ngại?

Phụ huynh đóng vai trò quan trọng

Ở Hà Nội, về cơ bản nhiều quận, huyện, trường học đã làm tương đối tốt việc quản lý giám sát thực phẩm trong nhà trường. Ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Hoàn Kiếm đã có văn bản chỉ đạo về các trường trong công tác ATVSTP. Khi có dịch tả lợn châu Phi, Phòng cũng hướng dẫn các trường cụ thể trong việc kiểm tra thực phẩm đầu vào và thường xuyên giám sát chặt chẽ các trường trên địa bàn quận.

Theo lãnh đạo trường Mầm non Bà Triệu, nhà trường đã phối kết hợp cùng phụ huynh trong việc giám sát giao nhận thực phẩm hàng ngày, đảm bảo đảm ATVSTP bếp ăn trường học. Bên cạnh việc áp dụng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, nhà trường thường xuyên tuyên truyền kiến thức ATVSTP cho nhân viên nhà bếp; ký cam kết về đảm bảo ATVSTP với các công ty cung ứng có uy tín, đầy đủ tư cách pháp nhân, có cam kết về chất lượng sản phẩm khi đưa vào nhà trường. Trường Mầm non Bà Triệu cũng thực hiện nghiêm túc việc công khai thực đơn, tài chính hằng ngày, chú trọng cải tiến các bữa ăn, xây dựng thực đơn đảm bảo dinh dưỡng theo từng độ tuổi trẻ.

Các đơn vị đều phải cam kết về an toàn thực phẩm và cung ứng thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, nhà trường luôn thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu giao nhận - sơ chế - chế biến - chia định lượng về cho các lớp. Hàng tuần, trường Mầm non Bà Triệu đều mời cha mẹ học sinh lên cùng chứng kiến, kiểm tra chất lượng thực phẩm do đơn vị cung ứng mang tới để chế biến cho trẻ.

Bà Trương Thu Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai khẳng định, nhiều năm nay, quận thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất, truy xuất nguồn gốc từ đầu mối sản xuất, đóng gói các loại thực phẩm cung cấp cho trường học.

Là đơn vị cũng đặc biệt quan tâm kiểm tra chất lượng thực phẩm đầu vào, bà Lê Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đền Lừ (quận Hoàng Mai), cho biết: “Chúng tôi kết hợp với ban phụ huynh kiểm tra chất lượng đầu vào thực phẩm. Ngày nào cũng đủ 5 thành phần, ban giám hiệu, kế toán, y tế, giáo viên trực và ban phụ huynh.Phụ huynh cũng kiểm tra đột xuất vào bữa ăn, lúc chế biến hoặc giao nhận thực phẩm. Nhà trường thường xuyên lấy ý kiến phụ huynh về thành phần các bữa ăn, đơn vị cung cấp để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho các con”.

Cho ý kiến về bữa ăn tại trường học của con mình, chị Thu Cúc, đại diện phụ huynh trường Tiểu học Đền Lừ, nêu quan điểm: “Có rất nhiều vụ việc liên quan đến ATVSTP nên chúng tôi cũng thường xuyên đến nhà trường kiểm tra chất lượng bữa ăn của các con. Đại diện phụ huynh tham gia kiểm tra thực phẩm trường học là việc rất nên làm nhằm mang đến cho các con bữa ăn an toàn và đầy đủ dinh dưỡng. Ngoài cảm quan, chúng tôi còn ngửi mùi nếu thấy nghi ngờ về chất lượng thực phẩm thì yêu cầu nhà cung cấp đổi ngay. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiểm tra dụng cụ chế biến thực phẩm, khay đựng đồ ăn của các con… Tôi mong mô hình này được nhân rộng để các con có bữa ăn an toàn, đủ chất”.

Không phải đến bây giờ việc giám sát an toàn thực phẩm vào trường học với sự tham gia của ban phụ huynh mới được đặt ra. Tuy nhiên, cho phụ huynh vào giám sát bữa ăn bán trú thì trường có trường không. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, họ khó mà “xâm nhập” bếp ăn tập thể của các trường. Thậm chí, phải có lý do rất đột xuất như đón con về buổi trưa thì phụ huynh mới có cớ để quan sát bữa ăn của các con. Những buổi kiểm tra bữa ăn học đường có thành phần phụ huynh được tham dự hoặc để truyền thông ghi hình thường được nhà trường bố trí, chuẩn bị trước.

Còn nặng tính hình thức

Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh và dịch vụ ăn uống. Theo đó: Nhà trường phải kiểm tra nguyên liệu thực phẩm trước khi nhập vào; kiểm tra, đánh giá cảm quan chất lượng thực phẩm bao gồm màu sắc, mùi vị, tính nguyên vẹn của sản phẩm và điều kiện bảo quản thực tế... Quá trình chế biến thức ăn phải đầy đủ điều kiện vệ sinh từ thời điểm bắt đầu sơ chế, chế biến cho đến khi thức ăn được chế biến xong. Người tham gia chế biến được trang bị đầy đủ trang phục, mũ, găng tay, khẩu trang... Trang thiết bị, dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, thực phẩm sống và chín không được để lẫn. Trong quá trình sơ chế, chế biến, nếu nhân viên phát hiện nguyên liệu, thức ăn có biểu hiện khác lạ về màu sắc, mùi vị... cần kiểm tra, đánh giá, loại bỏ và ghi rõ biện pháp xử lý. Trước khi ăn, nhân viên bếp ăn kiểm tra việc chia thức ăn, khu vực bày thức ăn; kiểm tra các món ăn đối chiếu với thực đơn bữa ăn; kiểm tra vệ sinh bát, đĩa, dụng cụ ăn uống… sau đó lưu mẫu thức ăn và bảo quản mẫu lưu.

Phụ huynh đưa con đi xét nghiệm sán sau vụ việc ở trường Mầm non Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh.

7. Quá nhiều sai phạm ở các phòng khám Trung Quốc

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong năm 2018 và ba tháng đầu năm 2019, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP.HCM kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài, phòng khám có BS Trung Quốc.

“Tổng cộng đã kiểm tra 28 lượt và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tổng số tiền các phòng khám bị phạt trên 1 tỉ đồng.Ngoài ra, đoàn kiểm tra đình chỉ hoạt động một phòng khám; đề nghị tạm dừng hoạt động ba phòng khám để đoàn kiểm tra thẩm định lại các điều kiện, danh mục kỹ thuật. Các PKĐK có BS Trung Quốc thường xuyên vi phạm gồm Khang Thái, Thái Bình Dương, Đại Đông, Thế Giới, Hoàn Cầu, Hồng Phong, Thăng Long, Âu Á, Đại Việt, Ma Yo, Quốc tế” - bà Mai cho biết.

“Các hành vi vi phạm gồm không đeo biển tên; lập hồ sơ bệnh án và sổ khám bệnh, chữa bệnh không ghi chép đầy đủ theo quy định. Chưa hết, nhiều phòng

khám còn quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng hoặc quá phạm vi chuyên môn; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.

Nhiều PKĐK có BS Trung Quốc không bảo đảm các điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động. Chưa hết, có phòng khám sửa hồ sơ, bệnh án làm sai lệch thông tin bệnh nhân; không lập hồ sơ, bệnh án” - bà Mai nói thêm.

Cũng theo bà Mai, nhằm hạn chế các sai phạm tại những PKĐK có BS Trung Quốc, Sở Y tế TP.HCM thành lập hội đồng kỹ thuật gồm các chuyên gia tại những bệnh viện TP.HCM tiến hành kiểm tra, thẩm định lại các danh mục kỹ thuật. Hội đồng kỹ thuật còn kiểm tra, đánh giá thực hiện danh mục kỹ thuật của các phòng khám có  BS Trung Quốc. Bên cạnh đó, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP.HCM cũng giám sát việc hoạt động của các phòng khám này .

8. Hà Nội: Huy động mọi lực lượng tập trung phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến ngày 28/3/2019, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã lây nhiễm ra 23 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, đã có trên 73.000 con lợn bị tiêu hủy. Đối với Hà Nội, theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội trên toàn địa bàn có tổng số 2.086 con lợn tiêu hủy. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, UBND thành phố Hà Nội đã họp bàn nhằm tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống DTLCP.

Nguy cơ lây lan cao

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đến nay DTLCP vẫn chưa có vắc xin phòng chữa bệnh hiệu quả. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, bệnh dịch có nhiều con đường lây lan, trong khi Hà Nội là nơi trung chuyển, tiêu thụ và chăn nuôi lợn với số lượng lớn; tổng giá trị ngành chăn nuôi chiếm tỉ trọng cao trong ngành nông nghiệp, bệnh dịch xảy ra trên diện rộng sẽ gây thiệt hại lớn đối với người chăn nuôi gia súc, môi trường sản xuất kinh doanh của người dân, tâm lý trong đời sống xã hội, đặc biệt là các huyện ngoại thành.

Thời gian qua các cấp, các ngành thành phố đã ý thức vào cuộc tương đối tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc kiểm soát bệnh dịch lây lan trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, các giải pháp, biện pháp triển khai thực hiện còn chưa hiệu quả, thiếu đồng bộ. Nguy cơ bệnh dịch lây lan diện rộng trên địa bàn thành phố thời gian tới vẫn còn rất cao.

Trao đổi với Báo Tài nguyên và Môi trường bà Hoàng Thị Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Sở Y tế Hà Nội cho biết: Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao lên đến 100%.

Mặc ra chỉ gây ra đối với lợn (không lây nhiễm, gây bệnh ở người) nhưng dịch bệnh có tốc độ lây rất nhanh nên nguy cơ gây bệnh là rất lớn. Vi rút gây bệnh có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn, lan truyền qua không khí, thức ăn, nước uống, phương tiện vận chuyển...

Để phòng, chống DTLCP, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Ngành NN&PTNT và các Sở, ban ngành liên quan trong việc kiểm tra về công tác phòng, chống DTLCP; đảm bảo ATVSTP trên địa bàn thành phố.

Trong đó, đặc biệt là tăng cường phối hợp các hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn chấp hành các quy định về ATVSTP trong vận chuyển, kinh doanh, sử dụng gia súc và các sản phẩm từ gia súc tại các bếp ăn tập thể, các cơ sở chế biến thức ăn sẵn tại các cụm công nghiệp, trường học mẫu giáo, trường mầm non. Phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và công khai hành vi, các cơ sở vi phạm quy định ATVSTP để người dân biết.

Để tránh gây hoang mang trong cộng đồng Chi Cục cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền phố biến cho người dân hiểu và nắm bắt thông tin là bệnh DTLCP không lây sang người. Tuy nhiên, ngành Y tế khuyến cáo bà con tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm từ thịt lợn mắc bệnh, thịt lợn không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh, thức ăn chế biến từ thịt gia súc chưa qua nấu chín...

Tăng cường phòng, chống dịch

Cũng theo bà Hoàng Thị Minh Thu cho biết, để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP hiệu quả trên địa bàn, vừa qua UBND thành phố đã tổ chức họp bàn và sau đó cụ thể hóa bằng Văn bản số 318/TB-UBND, mới nhất ngày 22/3/2019 của UBND TP. Hà Nội với nội dung thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố về phòng, chống DTLCP.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội khẩn trương ra soát, chuyển giao thiết bị cho các địa phương (còn thiếu) phục vụ công tác tiêu hủy lợn bệnh.

Đối với cơ chế lợn hơi hiện nay thấp hơn giá đền bù UBND thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công thương cập nhật, công bố thông tin giá thị trường thịt lợn hơi, thông báo đến UBND các quận, huyện, thị xã qua hệ thống thư điện tử trước 10h sáng hàng ngày làm căn cứ lập biên bản xác định mức bồi thường cho người dân cơ lợn bị DTLCP phải tiêu hủy, đồng thời thông báo rộng rãi, công khai cho người dân biết, không để vi phạm quy chế xử lý việc đền bù hỗ trợ.

UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn tập trung vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống DTLCP theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ nhỏ lẻ biết, chủ động phòng tránh trên cơ sở thực hiện có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học; phổ biến rộng rãi các biểu hiện về bệnh dịch để người dân biết.

Khi có dịch bệnh xuất hiện, lợn có biểu hiện bị sốt, phải báo ngay cho chính quyền cơ sở, cán bộ thú y để khẩn trương lấy ngay mẫu xét nghiệm. Khi phát hiện ổ dịch, triển khai đồng bộ ngay tất cả các biện pháp phòng, chống xử lý bệnh dịch; xác định nguồn gốc lây bệnh, không để lây lan ra diện rộng; thực hiện các biện pháp tiêu hủy lợn bệnh theo đúng quy trình, thủ tục; tổ chức thực hiện chốt, chặn, kiểm soát toàn bộ đường ra vào nơi diễn ra ổ dịch trong vòng 30 ngày, sau đó mới công bố hết dịch.

Với những địa bàn và các cơ sở chăn nuôi lợn chưa pháp hiện bệnh dịch, các địa phương, Sở NN&PTNT và các đơn vị có liên quan phải phố biến các biện pháp chăm sóc đàn lợn đúng quy trình, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thức ăn tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, tập trung thực hiện các giải pháp về môi trường, vệ sinh chuồng trại, kiểm tra các nguồn thức ăn...

9. Tín hiệu vui từ liệu pháp phòng ngừa và điều trị ung thư

Ngày 30-3, Bệnh viên Gia An 115 (nằm trong Khu y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangrila- quận Bình Tân- TPHCM), đã tổ chức hội thảo khoa học mang tên "Cập nhật liệu pháp phòng ngừa và điều trị ung thư bằng vaccine hệ miễn dịch HITV".

Hội thảo có sự tham gia của Tiến sĩ, Bác sĩ Kenichiro Hasumi (Nhật Bản) cùng các chuyên gia, bác sĩ đến từ các sở ban ngành và các bệnh viện lớn tại TP HCM.

Hội thảo nhằm cập nhật thông tin y khoa, các bước đột phá của nền y học thế giới trong lĩnh vực ung thư.

Tại Nhật Bản, Tiến sĩ, Bác sĩ Kenichiro Hasumi là một chuyên gia về liệu pháp miễn dịch ung thư cũng như chăm sóc và điều trị giảm nhẹ ung thư giai đoạn cuối. Đồng thời ông cũng là một nhà nghiên cứu về phát triển vaccine ung thư và có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này.

Với những thành tựu được đánh giá cao trong lĩnh vực liệu pháp miễn dịch ung thư, Tiến sĩ Hasumi sẽ có buổi trao đổi và cập nhật thông tin, kiến thức y khoa với các bác sĩ tại Bệnh viện Gia An 115, thuộc Tập đoàn Hoa Lâm.

Tiến sĩ, Bác sĩ Kenichiro Hasumi là một nhà nghiên cứu có tầm nhìn tập trung vào phát triển vacin ung thư và cải thiện phương pháp điều trị lâm sàng để đạt kết quả điều trị tốt hơn cho bệnh nhân với chất lượng cuộc sống cao hơn. Ông đã tham gia nghiên cứu liệu pháp miễn dịch ung thư hơn 40 năm.

Tại Việt Nam, ung thư hiện là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 người, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca, theo báo cáo của GS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia.

Tại Nhật Bản, Tiến sĩ, bác sĩ Kenichiro Hasumi đã phát minh và chế tạo thành công hơn 30 loại vắcxin phòng ngừa và điều trị ung thư, có khả năng kéo dài sự sống cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn 4. Vắcxin này đã được đưa vào điều trị tại Nhật Bản trong hơn 70 năm qua. Hơn 100.000 bệnh nhân ung thư trên thế giới đã sử dụng vaccine Hasumi.

Với những thành tựu được đánh giá cao trong lĩnh vực liệu pháp miễn dịch ung thư, Tiến sĩ Hasumi đã có buổi trao đổi và cập nhật thông tin, kiến thức y khoa với các bác sĩ tại Bệnh viện Gia An 115, thuộc Tập đoàn Hoa Lâm.Những chuyên môn lâm sàng của ông gồm: miễn dịch học; ung thư; ngoại tiêu hóa; phẫu thuật; điều trị và chăm sóc giảm nhẹ ung thư giai đoạn cuối. Các giải thưởng và thành tựu như sau:- 2015: Thiết lập và là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Hasumi tại Khoa y Jefferson, thuộc Đại học Thomas Jefferson, Mỹ.- 2014: Nhận bằng Tiến sĩ Danh dự của Đại học Y khoa Pleven, Bulgaria.- 2010: Được trao huy hiệu "Vì sự cống hiến đặc biệt cho người Bulgaria", từ Hội đồng Điều hành của Viện Hàn lâm Khoa học Bulgaria.- 2007: Được trao giải thưởng "Tinh thần Đổi mới" từ Trung tâm Ung thư Kimmel, Đại học Thomas Jefferson, Mỹ.

- 1996: Được trao Huân chương "Nam thập tự Quốc gia" của Chính phủ Brazil.

Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện thứ 2 trong Khu Y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La, quận Bình Tân, TP HCM, được Bộ Y tế cấp phép hoạt động và là một bệnh viện đa khoa, đặc biệt tập trung vào các chuyên khoa sâu: Tim mạch, Thần kinh - Đột quỵ, Nội tiết, Chấn thương chỉnh hình, Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.

Với 367 giường bệnh, 60 phòng khám, Bệnh viện Gia An 115 trực thuộc Tập đoàn Hoa Lâm là mô hình hợp tác công tư (PPP) đầu tiên giữa Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 được Ủy Ban Nhân Dân TP HCM phê duyệt, nhằm giải quyết tình trạng quá tải của các bệnh viện công tuyến cuối tại TP HCM. Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân thành phố nói chung và đặc biệt cho khu vực cửa ngõ phía Tây.

Bệnh viện Gia An 115 được đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng và được trang bị đầy đủ các phương tiện để phục vụ các chuyên khoa sâu, với đội ngũ chuyên môn được đào tạo trong và ngoài nước, đặc biệt có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ Bệnh viện Nhân dân 115  .

10. CLB Máu nóng Gia Lai: Lan tỏa tinh thần thiện nguyện

“Mỗi khi nhận được thông tin có bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch, cần truyền máu khẩn cấp là các thành viên của CLB nhanh chóng đến tận nơi để hiến máu cứu người”, anh Trần Vũ – Chủ nhiệm CLB Máu nóng Gia Lai chia sẻ.

Câu lạc bộ (CLB) Máu nóng Gia Lai được thành lập từ tháng 9/2017, với nhiệm vụ là xây dựng lực lượng dự bị, trực tiếp hiến máu cứu sống người bệnh, phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị của các Bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

CLB Máu nóng Gia Lai với 40 thành viên ban đầu, đến nay, sau gần 3 năm thành lập, CLB có trên 300 thành viên tình nguyện tham gia. Với phương châm hành động “Nóng – khẩn cấp”, “Cứu người – tình nguyện mọi lúc, mọi nơi”, anh Trần Vũ – Chủ nhiệm CLB Máu nóng Gia Lai chia sẻ: “Mỗi khi nhận được thông tin có bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch, cần truyền máu khẩn cấp là các thành viên của CLB nhanh chóng đến tận nơi để hiến máu cứu người”.

“Với tôi, mục đích tập hợp các bạn trẻ cùng chung mục đích là chia sẻ khó khăn với những người bệnh, những người kém may mắn, góp phần cho cuộc sống tốt đẹp hơn”, anh Trần Vũ nói.

Là một trong những thành viên tiêu biểu của CLB có 15 lần tham gia hoạt động hiến máu cứu người, anh Đặng Mậu Thảo, sinh năm 1992, hiện đang công tác tại Phòng quản lý đô thị, UBND thành phố Pleiku chia sẻ, năm 2013, ba ruột của anh nhập viện vì bị bệnh tim, bác sĩ chỉ định phải mổ gấp. Xác định tình trạng có thể đe dọa tính mạng, nên bác sĩ đã gọi người nhà hỗ trợ truyền máu khẩn cấp.Nhờ có nguồn máu “sống” kịp thời của anh mà ba anh đã qua cơn nguy kịch.

Từ đó đến nay, mỗi lần Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh Gia Lai và thành phố Pleiku phát động là tôi tham gia ngay, nhất là những đợt vận động hiến máu khẩn cấp cho bệnh nhân tại các bệnh viện, thấy nhiều người đứng bên bờ vực sự sống, tôi càng cảm thấy việc làm của mình rất cần thiết và ý nghĩa hơn bao giờ hết”, anh Thảo nói.

Với chị Võ Trần Thương Thương, thành viên CLB, hiện là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cũng đã 8 lần hiến máu tại bệnh viện cho biết: “Trong những lần vào bệnh viện, gặp bệnh nhân cấp cứu cần máu gấp, lúc đấy bản thân tôi chỉ biết cứu người là quan trọng chứ không nghĩ được gì, người bệnh đang cần sự giúp đỡ, nếu không có mình, biết đâu, họ sẽ phải mất mạng. Vì vậy mà mỗi lần nhận được điện thoại kêu gọi hiến máu khẩn cấp của CLB hoặc bệnh viện là tôi sẵn sàng đi ngay để cứu người”.

Nhiều thành viên CLB vừa sẵn sàng tham gia hiến máu vừa tích cực vận động người thân, bạn bè tham gia hiến máu khi cần. Mới đây, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh có 6 bệnh nhân cần gấp nhóm máu AB và bệnh viện Quân y 211 có 2 bệnh nhân cần nhóm máu A. CLB đã lan truyền và vận động trên facebook, zalo, chỉ khoảng hơn một giờ sau khi nhận được tin báo, các thành viên có cùng nhóm máu phù hợp đã có mặt tại bệnh viện để làm các xét nghiệm cần thiết trước khi hiến tặng máu cho người bệnh.

“Thông qua mạng xã hội, các thành viên CLB đã kêu gọi được hàng trăm lượt người tình nguyện đến hiến máu trực tiếp trong các tình huống khẩn cấp. Trong gần 3 năm qua các thành viên CLB đã hiến tặng trên 400 đơn vị máu, trong đó hiến máu trong tình huống khẩn cấp gần 300 đơn vị, góp phần nối dài sự sống cho nhiều bệnh nhân nguy kịch vì thiếu máu”, anh Trần Vũ chia sẻ thêm.

Là một trong những bệnh viện có nhiều lần điều trị cho bệnh nhân trong tình trạng thiếu máu “sống”, Trung tá Vũ Văn Hoàn – Khoa xét nghiệm, Bệnh viện Quân y 211 cho biết: “Nhiều bệnh nhân giành lại sự sống là nhờ sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các thành viên CLB Máu nóng Gia Lai, đơn cử mới đây (ngày 22/3) có 2 ca ở huyện Mang Yang và Ia Grai bị xuất huyết tiêu hóa nặng do viêm loét dạ dày, đã được 2 thành viên CLB hỗ trợ, nhờ những giọt máu của các bạn, bệnh nhân đã ổn định, qua cơn nguy hiểm. Qua đó, CLB không chỉ là địa chỉ tin cậy cho cơ sở y tế chúng tôi mà còn là địa chỉ cho những người bệnh đến điều trị”.

Ngoài việc tham gia hiến máu cứu người, CLB còn tham gia nhiều hoạt động xã hội khác như: tổ chức chương trình “Xuân tình nguyện” tại xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai, phối hợp làm đường giao thông nông thôn tại làng Klah, làm sân bóng chuyền, sơn sửa lại điểm trường mầm non làng Jro Dơng, trao 500kg gạo cho Trường mẫu giáo Hoa Mai và 50 cuốn vở cho các em học sinh và 150 suất quà cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn xã Yang Bắc, duy trì chương trình “Nồi cháo tình thương” trao tặng hàng nghìn suất ăn/tháng cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai.

Sự tích cực của các thành viên không chỉ đem lại niềm vui cho những người kém may mắn trong cuộc sống, mà còn lan tỏa nghĩa cử cao đẹp của những trái tim nhân ái, luôn sống vì cộng đồng .

11. Hành trình 5 năm tìm lại cuộc sống toàn vẹn cho con trai mắc chứng tự kỷ

Nhìn bé trai Nhật Nam (8 tuổi, Hà Nội) với gương mặt khôi ngô, hoạt bát đang ngồi tính nhẩm nhoay nhoáy các phép tính cộng phức tạp, không ai nghĩ cháu là một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ và đang trên con đường hòa nhập với cộng đồng.

Chặng đường 5 năm đong đầy mồ hôi và nước mắt cùng con chiến đấu với chứng tự kỷ được chị Nguyễn Hằng chia sẻ đầy xúc động trong buổi họp mặt Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ được tổ chức tại Bệnh viện Nhi Trung ương vừa qua. Theo lời chị Hằng, việc nuôi lớn một đứa trẻ khỏe mạnh đã khó, đồng hành cùng một đứa trẻ với nhiều khác biệt như Nhật Nam lại càng khó khăn gấp bội.

Theo lời chị Hằng chia sẻ: "Tôi từng thấy đất trời bỗng nhiên sụp đổ dưới chân khi nhận ra con mình mắc chứng tự kỷ, từng xót xa như xát muối vào lòng khi nhận được lời khuyên đưa con vào Trung tâm dành cho trẻ khuyết tật. Nhưng chính những lời động viên của bác sĩ tại Bệnh viện đã kéo chị ra khỏi hố sâu tuyệt vọng, tiếp thêm nghị lực cho chị chiến thắng trong hành trình đưa con trở về thế giới của trẻ bình thường".

Chị Hằng cho biết, con trai chị sinh ra hoàn toàn bình thường như các trẻ khác. Tuy nhiên, khi được 26 tháng, con vẫn chưa nói được nhiều như các trẻ đồng trang lứa. Linh cảm có điều gì đó bất thường, gia đình đưa cháu Nhật đến bệnh viện khám thì các bác sĩ nhận định con chỉ chậm hơn trẻ bình thường một chút. Đến 3 tuổi gia đình cho con đi nhà trẻ thì giai đoạn này con tự nhiên mất hẳn ngôn ngữ, không thấy nói năng gì nữa.

Một điều đặc biệt là dù không chịu giao tiếp, nhưng khi được mẹ dạy thì cháu Nhật Nam tiếp thu rất nhanh. “Tôi đã lang thang trên rất nhiều trang mạng, đọc tất cả những bài viết về các bà mẹ nuôi dạy con tự kỷ thành công. Trẻ tự kỷ gắn với hình ảnh, nên mình đã tự tạo ra rất nhiều dụng cụ học tập cho con bằng hình ảnh”, chị Hằng chia sẻ.Cứ như thế, nhận thức của Nhật Nam tiến bộ dần dần. Kết hợp với việc khám định kỳ theo hẹn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau 2 đợt uống thuốc giúp điều chỉnh hành vi thì bé Nhật không phải dùng thuốc nữa mà chỉ hoàn toàn dùng thuốc bổ não.

Tuy nhiên, khó khăn lại ập đến khi Nhật Nam chuẩn bị bước vào lớp 1, chị Hằng lo sợ không trường nào nhận con vào học với nhiều biểu hiện bất thường như vậy. Trong lúc tưởng chừng như chìm vào hố sâu tuyệt vọng không lối thoát, chị lại tìm về với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây, chị Hằng đã nhận được sự động viên và giúp đỡ của các bác sĩ trên con đường đồng hành chữa chứng tự kỷ của con. Đứng trước băn khoăn cho con ở lại mẫu giáo hay đi học lớp 1, chị đã được bác sĩ Thành Ngọc Minh - Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương quả quyết: “Tuy còn nhiều hạn chế về giao tiếp nhưng bé Nhật Nam rất sáng dạ. Chị nên cho con vào lớp 1, nếu con không học được thì chị học cùng con, cháu ở lại lớp còn hơn cho cháu học mầm non vì lớp 1 là môi trường có kỷ luật.Điều này tốt hơn cho sự phát triển của cháu”.Khi đó, chị Hằng biết mình cần phải dừng lại hết công việc, tiếp tục con đường này, tiếp tục chiến đấu, đồng hành cùng con.

Đặc biệt, trong suốt quá trình chữa chứng tự kỷ cho con, chị Hằng còn muốn gửi lời cảm ơn tới cô giáo và trường học nơi đã nhận con chị vào học như bao đứa trẻ bình thường khác. “Tôi rất cảm ơn cô giáo dạy lớp 1 đã đồng hành cùng con. Cháu có rất nhiều bất thường trong lớp học nhưng cô chấp nhận hết, có thể do thiên bẩm cháu là đứa trẻ sáng ý cháu đọc, cháu viết được. Trong thời gian đến trường, cô giáo đã hỗ trợ cháu tối đa về việc tập đọc, tập viết, còn tôi chỉ dạy con học toán.Hết lớp 1, cháu biết đọc, biết viết và được lên lớp 2.Đến bây giờ cháu đã gần trở thành như bình thường”, chị Hằng xúc động nhớ lại.

Đây là những bài học quý giá mà chị Hằng rút ra trong quá trình 5 năm tìm lại cuộc đời toàn vẹn cho con với sự đồng hành của gia đình, sự dẫn đường chỉ lối của bác sĩ và tấm lòng bao dung của các thầy cô giáo.Chị chia sẻ, trước đây, vì không hiểu căn bệnh này, chị và gia đình muốn giấu vì không muốn con bị định kiến xã hội.Nhưng giờ chị nhận thấy mình nên chia sẻ để không đứa trẻ nào mắc bệnh bị bỏ qua khoảng thời gian chữa bệnh quý giá ngay từ đầu.

Chia sẻ về chứng tự kỷ, bác sĩ Thành Ngọc Minh cho biết: Đối với trẻ được chẩn đoán mắc tự kỷ, can thiệp sớm có vai trò đặc biệt quan trọng. Sớm có nghĩa là cần phải can thiệp ngay khi trẻ còn bé, ngay sau khi phát hiện ra các dấu hiệu nguy cơ tự kỷ. Can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ không chỉ hướng tới đứa trẻ mà còn chú trọng đến cha mẹ và gia đình. Trong đó, độ tuổi được can thiệp tốt nhất là từ 2-4 tuổi. Các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường, cần đưa trẻ đi thăm, khám tại các cơ sở y tế để được can thiệp và điều trị sớm .

12. Nhiều bệnh truyền nhiễm 'khủng khiếp' lây từ thai phụ sang con

Tại Việt Nam, theo kết quả một số nghiên cứu, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở nhóm phụ nữ mang thai khoảng 10 - 20% và 90% số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HBVcó HBeAg dương tính có thể bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ.

Viêm gan virus B (HBV) là một trong 2 loại viêm gan do virus có gánh nặng lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan và ung thư gan, gây tới 80% tổng số ca ung thư gan trên thế giới.

Việt Nam, theo kết quả một số nghiên cứu, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở nhóm phụ nữ mang thai khoảng 10 - 20% và 90% số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HBVcó HBeAg dương tính có thể bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ, do đó việc phòng chống lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con là rất quan trọng. 90% trẻ nhiễm HBV do lây truyền từ mẹ sang có nguy cơ chuyển thành viêm gan B mạn tính.

Lưu hành HBV cao trong nhóm phụ nữ mang thai sẽ ảnh hưởng đến sự lưu hành HBV trong cộng đồng nói chung, đặc biệt nhóm trẻ em nói riêng. Ước tính, khoảng 5 - 10% nhiễm HBV xảy ra cho thai nhi trong tử cung do virus thâm nhập cho gai nhau bị tổn thương. Lây truyền HBV trong quá trình chuyển dạ và khi sinh đẻ là nguyên nhân phổ biến trong cơ chế lây truyền HBV từ mẹ sang con.

Đối với giang mai, theo báo cáo của các bệnh viện, tình hình mắc giang mai bẩm sinh ở trẻ sơ sinh bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, tình trạng lây nhiễm giang mai từ mẹ sang con chiếm khoảng 40 - 70%. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ phụ nữ có thai được xét nghiệm sàng lọc sớm giang mai chỉ khoảng 16%.

Phụ nữ trong thời kỳ mang thai bị nhiễm bệnh giang mai nếu không điều trị kịp thời sẽ lây truyền cho thai nhi qua đường máu, ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như tính mạng thai nhi. Sức đề kháng và các bộ phận của thai nhi chưa phát triển toàn diện nên đây chính là nguyên nhân gây nên bệnh giang mai bẩm sinh của trẻ.

Theo số liệu của BV Nhi Trung ương (Hà Nội) và BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), số trẻ nhiễm HIV mới được phát hiện có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, chủ yếu gặp ở các trường hợp mẹ không được phát hiện nhiễm HIV trong khi mang thai hoặc chỉ được phát hiện HIV khi chuyển dạ hoặc mẹ nhiễm HIV không tuân thủ điều trị trong thời gian mang thai.

Thai phụ cần đi khám đầy đủ trong suốt thai kỳ, nếu có những dấu hiệu bất thường, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và khám kịp thời. Ảnh minh hoạ: Internet

Hàng năm, Việt Nam có gần 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm bà mẹ mang thai là 0,19%, tương đương 3.800 thai phụ nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 30 - 40%, tương đương 1.140 - 1.520 trẻ bị lây nhiễm HIV.

Vẫn còn 12,5% số phụ nữ đẻ nhiễm HIV không được điều trị ARV. Trong tổng số 1,413 phụ nữ có thai nhiễm HIV được điều trị ARV vẫn còn 233 trường hợp (16,5%) phụ nữ có thai chỉ được bắt đầu điều trị ARV khi chuyển dạ đẻ.

Các biểu hiện người bị nhiễm giang mai

Các biểu của bệnh giang mai không phải lúc nào cũng rõ ràng và có thể tự biến mất. Một số người bị giang mai không có triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh sẽ chuyển từ giai đoạn nhẹ sang giai đoạn nặng nếu không được chữa trị.

Các biểu hiện của bệnh giang mai để bạn nhận biết có thể bao gồm:

Các vết loét nhỏ hoặc không đau, thường xuất hiện trên dương vật, âm đạo hoặc xung quanh hậu môn, nhưng có thể xảy ra ở những nơi khác như miệng.

Phát ban đỏ nổi mẩn thường ảnh hưởng đến lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.

Xuất hiện mụn (tương tự như mụn cóc sinh dục) có thể phát triển trên âm hộ ở phụ nữ hoặc xung quanh hậu môn ở cả nam và nữ.

Các mảng trắng trong miệng.

Mệt mỏi, nhức đầu, đau khớp, nhiệt độ cao (sốt) và các tuyến bị sưng ở cổ, háng hoặc nách.

Tiêm ngừa vắc xin viêm gan B, tư vấn xét nghiệm sàng lọc, đảm bảo tính sẵn có của thuốc kháng virus ARV điều trị cho bà mẹ/trẻ nhiễm HIV ngay khi sinh sẽ giúp Việt Nam loại trừ hoàn toàn HIV/AIDS, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con.

Đó là lời khẳng định của đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UN Việt Nam) trong Hội thảo triển khai chương trình hành động quốc gia loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018 - 2030 vừa được Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cùng UN Việt Nam tổ chức.

13. Xe cấp cứu hai bánh phục vụ như thế nào?

Nhiều bạn đọc thắc mắc: Xe cấp cứu hai bánh tới nhà bệnh nhân trong những trường hợp nào? Gia đình bệnh nhân muốn liên hệ xe cấp cứu hai bánh thì liên hệ ở đâu?

Mới đây, ngày 22-3, Bệnh viện  quận Thủ Đức đã triển khai mạng lưới cấp cứu bằng xe hai bánh. Như vậy đến nay TP.HCM đã có 3 trạm cấp cứu bằng loại hình xe gắn máy hai bánh. Trước đó Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (quận 1) và Bệnh viện Quận 2 đã tham gia mạng lưới này.

Nhiều bạn đọc thắc mắc: Xe cấp cứu hai bánh tới nhà bệnh nhân trong những trường hợp nào? Gia đình bệnh nhân muốn liên hệ xe cấp cứu hai bánh phải liên hệ đâu?

PLO.VN chuyển những thắc mắc trên tới bác sĩ (BS) NGUYỄN DUY LONG, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM. BS Nguyễn Duy Long cho biết:

Sau khi nhận cuộc gọi từ gia đình bệnh nhân, tổ trực cấp cứu 115 phân loại tình trạng bệnh (nội khoa, chấn thương…), tình trạng giao thông, khoảng cách, vị trí của người bệnh (xe ô tô vào được hay không).

Sau khi phân loại, BS trực quyết định việc xuất xe cấp cứu hai bánh. Ê kíp gồm một BS, một điều dưỡng mặc đồng phục cùng trang thiết bị theo quy định. Một điều cần lưu ý khi thực hiện xuất xe cấp cứu hai bánh là phải thông báo trước với người bệnh hoặc gia đình người bệnh và nói rõ lý do.

Tới hiện trường, BS sẽ đánh giá tình trạng hiện tại của bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân cần chuyển viện bằng xe cứu thương bốn bánh, BS gọi cho bệnh viện (BV) hoặc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM.

Tiếp theo, BS và điều dưỡng thực hiện các thủ thuật cấp cứu cần thiết, duy trì ổn định người bệnh. Sau đó, BS và điều dưỡng thực hiện một trong ba tình huống:

- Nếu người bệnh không cần chuyển viện: Êkíp thu gom dụng cụ, dặn dò và tính chi phí chăm sóc y tế.

- Nếu người bệnh cần chuyển viện: BS đi theo xe cứu thương bốn bánh để theo dõi chăm sóc và bàn giao cho BV.

- Nếu bệnh nhân tử vong: BS lập biên bản tử vong và thực hiện theo quy chế hồi sức tích cực chống độc của Bộ Y tế.

Hiện TP.HCM có ba BV tổ chức thí điểm mô hình xe cấp cứu hai bánh như trên.

Trong trường hợp cần xe cấp cứu hai bánh, gia đình bệnh nhân gọi 115. Cũng có thể gọi trực tiếp tới BV Đa khoa Sài Gòn (028.39142704), BV quận Thủ Đức (028.37296115), BV quận 2 (028.22153115). Hiện xe cấp cứu hai bánh chỉ phục vụ trong giờ hành chính.

14. Cứu sống nạn nhân có quả thận rơi vào ổ bụng

Sau va chạm, quả thận của nạn nhân rơi vào ổ bụng và các bác sĩ phẫu thuật, đưa thận về vị trí cũ.

Bệnh viện (BV) Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) vừa cứu sống trường hợp hy hữu: Quả thận nạn nhân rơi vào ổ bụng do tai nạn giao thông. Tối 31-3, bác sĩ (BS) Phan Văn Huyên, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết thông tin trên.

Trước đó, BV này tiếp nhận ông TTH (57 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) trong tình trạng nguy kịch do sốc mất máu, tim đập yếu, huyết áp không đo được…

Chưa hết, ông H. còn bị vỡ tụy, vỡ lách, vỡ khung chậu và gãy nhiều xương ở đùi, sườn trái.

Do ông H. không có người nhà đi cùng nên lãnh đạo BV quyết định ký giấy phẫu thuật cấp cứu khẩn.

Các BS nhanh chóng mở ổ bụng và phát hiện tụy ông H. dập nát phần đuôi.Điều này khiến dịch tụy tràn vào ổ bụng nên các BS khâu lại để dịch không chảy ra ngoài, gây ảnh hưởng các tạng xung quanh.

Các BS còn phát hiện ổ bụng ông H. có một quả thận trái do va chạm mạnh nên quả thận đứt khỏi đài thận và rớt vào ổ bụng. Tuy nhiên nhờ ống dẫn nước tiểu còn nguyên nên các BS đưa thận về vị trí cũ và khâu lại.

Ca phẫu thuật thành công sau ba giờ căng thẳng. Ông H. được truyền 16 đơn vị máu. “Hiện sức khỏe ông H. dần ổn định.Tuần sau, BV tiếp tục phẫu thuật kết hợp những phần xương bị gãy của ông H.", BS Huyên cho biết thêm (303).

15. Nhiễm sán dây lợn: Đừng quá lo lắng, nhưng phải chủ động phòng bệnh

Nhiễm sán dây lợn là một bệnh gặp chủ yếu ở các nước đang phát triển như ở châu Mỹ la tinh, châu Á (trong đó có nước ta) do điều kiện vệ sinh kém, thói quen ăn thịt lợn chưa nấu chín, trong khi bệnh lây theo đường ăn uống.

Sán dây lợn gây bệnh lợn gạo ở lợn, con người ăn phải trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán dây lợn sẽ mắc bệnh và có thể gây một số biến chứng.

Nhiễm sán dây lợn có nguy hiểm không?

Khi người mắc bệnh sán lợn, trứng sán lợn ở trong các đốt sán già, rụng ra khỏi cơ thể sán rồi ra ngoài theo phân làm ô nhiễm thực phẩm, rau, quả, nước. Khi người hoặc lợn ăn phải trứng, trứng sẽ vào ruột nở thành ấu trùng. Ấu trùng sán lợn có thể ở lại ruột phát triển thành sán lợn trưởng thành.

Mỗi con sán lợn trưởng thành dài khoảng từ 1-3 mét, có thể tới 8 mét, cơ thể có từ 700-1.000 đốt và mỗi con sán trưởng thành có nhiều đốt sán, mỗi đốt sán lợn chứa hàng ngàn trứng, về sau trứng sán sẽ phát triển thành ấu trùng sán lợn.

Mỗi khi bị sán dây lợn có thể có nhiều con sán trưởng thành ở trong ruột người bệnh, vì vậy, chúng sẽ sử dụng rất nhiều chất dinh dưỡng của người bệnh đó, gây rối loạn tiêu hóa và dần dần người bệnh bị suy kiệt, đặc biệt là trẻ em. Sau thời gian phát triển 2,5 - 4 tháng, ấu trùng sán lợn có khả năng lây nhiễm.

Nếu người ăn phải ấu trùng sán lợn (kén sán) còn sống vào dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị, ấu trùng thoát khỏi vỏ kén để phát triển thành sán trưởng thành. Thời gian hoàn thành chu kỳ khoảng 5-7 tháng. Tuổi thọ của sán dây lợn 20-30 năm, có thể rất lâu tới 70 năm.

Một số trường hợp (không phải tất cả), ấu trùng sán lợn từ ruột có thể sẽ theo hệ bạch mạch hoặc xuyên qua các lớp tổ chức để tìm đến ký sinh ở cơ, cơ quan nội tạng phát triển thành nang ấu trùng sán sẽ rất nguy hiểm nhất là ở não, tim, mắt...

Tại sao không nên chủ quan, xem thường?

Nguyên nhân chính của người nhiễm bệnh sán dây lợn là do ăn thịt lợn chưa nấu chín mà thịt lợn đó bị nhiễm sán dây lợn (lợn gạo) hoặc ăn phải thực phẩm có nhiễm trứng sán lợn hoặc ấu trùng sán lợn. Vì vậy, không nên chủ quan xem thường, bởi vì, thịt lợn là loại thực phẩm gần như có ở mọi miền, nếu thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán lợn sẽ trở thành lợn gạo, khi chưa nấu chín, nếu ăn phải sẽ bị nhiễm sán dây lợn.

Mặt khác, chỉ có một số người bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn có thể bị ấu trùng cư trú ở não gây các triệu chứng động kinh, co giật, tăng áp lực nội sọ, đau đầu kéo dài, và các tổn thương khác. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng hoặc hoang mang, bởi vì, khi phát hiện bị nhiễm sán dây lợn đã có phác đồ điều trị của Bộ Y tế có hiệu quả cao, mặt khác để chẩn đoán nhiễm sán dây lợn, hiện nay đã làm được các nghiệm và cận lâm sàng có độ chính xác cao.

Nguyên tắc điều trị

Khi phát hiện bị nhiễm sán dây lợn người bệnh hoặc người nhà không nên quá lo lắng, hoang mang, bởi vì, người bị nhiễm bệnh sán dây lợn sẽ được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế có hiệu quả cao ở cơ sở y tế nhà nước, do đó, người bệnh hoặc người nhà không tự động mua thuốc để tự điều trị.

Nguyên tắc phòng bệnh

Mặc dù khi phát hiện nhiễm sán dây lợn sẽ được điều trị dứt điểm nhưng cần phải chủ động phòng bệnh. Bởi vì, người bị nhiễm sán dây lợn là do vệ sinh kém, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc thói quen ăn thịt lợn chưa nấu chín (tiết canh, nem cua, nem chạo...). Nếu thịt lợn dùng để chế biến các loại thực phẩm đó nhiễm sán dây lợn thì rất nguy hiểm..Vì vậy, có thể phòng ngừa bệnh sán lợn được bằng vệ sinh môi trường, quản lý phân thật tốt (phân người và phân lợn, đặc biệt ở nông thôn, miền núi cần có hố xí hợp vệ sinh, không thả rông lợn).

Cần có nước sạch để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Vệ sinh an toàn thực phẩm là một khâu hết sức quan trọng trong phòng bệnh sán lợn, đặc biệt cần ăn chín, uống chín.

Ngành thú y cần kiểm tra thật nghiêm ngặt chất lượng thịt lợn, quyết không để thịt lợn gạo tồn tại ở các nơi bán và chế biến thực phẩm. Với người dân tuyệt đối không ăn thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo,...), đặc biệt tránh xa thịt lợn gạo và không ăn rau sống.

16. Hành trình “cãi” lại ông Trời và nỗi đau mấy ai thấu hiểu!

Chia sẻ về tình trạng sử dụng hóc môn của người chuyển giới, theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, ước tính của tổ chức Y tế thế giới, hiện Việt Nam có khoảng 300.000 - 500.000 người chuyển giới. Tuy nhiên, nước ta chưa có cơ chế pháp lý để công nhận chuyển đổi giới tính.

Để được sống thật với mình

Ở Việt Nam, vấn đề dùng hormone để thay đổi giới tính nói riêng và chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới chưa được pháp luật thừa nhận. Nhưng với khát khao cháy bỏng được trở về là chính mình, rất nhiều người trong cộng đồng đồng tính nữ - Lesbian, đồng tính nam - Gay, song tính - Bisexual, chuyển giới – Transgender (LGBT) vẫn đành “nhắm mắt đưa chân”, chấp nhận những rủi ro về sức khỏe, thậm chí là đánh đổi cả tính mạng.

Đỗ Ngọc Minh Châu – 24 tuổi quê ở tỉnh Phú Thọ là một cô gái xinh đẹp nhưng lại có tính cách, sở thích và cả tâm hồn của một chàng trai mới lớn. Khát khao được là chính mình, Châu đã tự dẫn mình vào một hành trình đầy khó khăn, nguy hiểm.Đó là hành trình “cãi” lại ông trời.

Châu tâm sự: “Năm cấp 3, em đã mơ hồ về giới tính của mình. Lúc ấy em đang là một nữ sinh nhưng cảm giác đó chỉ là cái vẻ bên ngoài, còn tính cách, sở thích và cả tâm hồn của mình đều thuộc giới tính nam.Em giấu kín điều này và thử yêu một bạn trai nhưng không có cảm xúc.Điều đó làm em càng thêm nghi ngờ giới tính của mình, càng ngày em càng tin mình là đàn ông trong vẻ ngoài của một cô gái”.

Tốt nghiệp cấp 3, Châu xuống Hà Nội và quyết định cho mình một cơ hội khi bày tỏ tình cảm với cô gái cùng lớp.Cô gái ấy từ chỗ rất quý Châu bỗng quay ra ghét bỏ.Sang năm thứ 2 đại học, Châu yêu một cô gái Hải Phòng, cuộc tình kéo dài hơn hai năm thì người yêu đột ngột đi lấy chồng Hàn Quốc.

Châu ngày càng cảm thấy thấy cô đơn, lạc loài trong thể xác của một cô gái, nhưng luôn khao khát được sống thật với chính mình. Châu quyết định cắt mái tóc dài, thay đổi cách ăn mặc khiến cô giáo, các bạn, gia đình vô cùng sốc.

Nhưng sự thay đổi về ngoại hình mới là bước khởi đầu, khao khát mỗi ngày thêm mãnh liệt, Châu quyết định chuyển giới, mặc cho gia đình phản đối quyết liệt. Đó là quyết định như đánh bạc với số phận, bởi vì  chuyển giới từ nữ sang nam chỉ có cách tiêm hormone vào cơ thể nhưng đều phải thực hiện “trong bóng tối” và không có gì đảm bảo cho sức khỏe lẫn tính mạng.

Ở Việt Nam, vấn đề dùng hormone để thay đổi giới tính nói riêng và chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới chưa được pháp luật thừa nhận. Tìm hiểu trong cộng đồng LGBT, Châu được biết có người chuyên bán Hormone xách tay từ Thái Lan về bán. Hormone trên thị trường cũng thật giả lẫn lộn, lỡ tiêm vào hàng giả có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng một khi hormone chuyển giới ở Việt Nam đang bị cấm, chất lượng của loại thuốc chưa được kiểm định, kiểm soát và có cơ quan nào chịu trách nhiệm thì những người như Châu đành “nhắm mắt đưa chân”.

Ngày  16/8/2017 đánh dấu một sự kiện đổi thay cuộc đời của Châu. Khi mũi kim tiêm đâm vào da thịt đau nhói, Châu nhắm mắt hồi hộp chờ đợi điều gì sẽ đến với mình. Liều hormone làm Châu choáng váng, lên cơn sốt rét, nằm li bì ở nhà trọ mà không có ai bên cạnh, phải  nhờ người ship đồ ăn đến.

Hành trình “lột xác” đầy vật vã và cô đơn ấy cứ kéo dài mãi. Ba tuần một lần, Châu lại tiêm một mũi hormone.Đến mũi thứ 5, giọng nói Châu bắt đầu thay đổi, như trẻ con bị vỡ giọng. Mũi thứ 6, thứ 7, lông chân, lông tay mọc lên, cơ bắp bắt đầu phát triển...

Để duy trì chất đàn ông của mình, Châu vẫn phải chịu đựng những mũi kim tiêm bơm hormone  3 tuần một lần và kéo dài cho đến hết đời. Chi phi tiền thuốc hơn một trăm nghìn cho một mũi tiêm chưa kể tiền bồi dưỡng cho y tá nhưng không đáng lo bằng việc những liều hormone hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập lậu. Nếu chẳng may gặp phải thuốc dởm hoặc bị cắt đứt nguồn cung thì những người như Châu có thể trả giá bằng chính mạng sống, hoặc quay trở lại giới tính nữ của mình với nhiều biến chứng nguy hiểm.

17. KỲ 2: TMV LÊ VĂN SẼ TIẾP TỤC “QUA MẶT” CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÌ...QUEN BIẾT GĐ SỞ Y TẾ?

Mặc dù đã bị xử phạt hành chính vì quảng cáo các dịch vụ vượt phép nhưng dường như TMV Lê Văn Sẽ lại “bỏ qua” quyết định của Sở Y tế và tiếp tục tái phạm việc quảng cáo trái phép.

Sai phạm "chồng" sai phạm

Như đã thông tin trước đó, thẩm mỹ viện Bác sĩ Lê Văn Sẽ (địa chỉ 51A đường 3/2, quận 10), do bác sĩ Lê Văn Sẽ chịu trách nhiệm chuyên môn, quảng cáo, thực hiện một số dịch vụ làm đẹp không được cấp phép tại cơ sở.

Cụ thể, thẩm mỹ viện Bác sĩ Lê Văn Sẽ đã quảng cáo thực hiện các dịch vụ “thu nhỏ quầng vú, núm vú”, “thu nhỏ âm đạo, cắt mép môi âm đạo” mà theo quy định phải thực hiện tại các bệnh viện chuyên khoa đủ điều kiện. Thế nhưng, khi được hỏi về việc bác sĩ và địa điểm làm dịch vụ, nhân viên tại phòng khám cho biết: “Làm tại số 51A đường 3/2, trong này phòng mổ giống như bệnh viện, sạch sẽ, phòng còn đẹp hơn phòng mổ của bệnh viện”.

Thẩm mỹ viện Bác sĩ Lê Văn Sẽ tại địa chỉ 51A đường 3/2, quận 10, TP.HCM.

Không chỉ dừng lại ở việc tư vấn, tại website bacsise.vn và Facebook “Bác sĩ Sẽ”, nội dung quảng cáo giới thiệu về dịch vụ thu nhỏ đầu vú, quầng vú và nâng ngực được giới thiệu khá kỹ lưỡng, tuy nhiên không hề có dòng lưu ý nào cho khách hàng thấy dịch vụ này sẽ được thực hiện tại bệnh viện theo đúng quy định.

Sau khi báo chí phản ánh, Thanh tra Sở Y tế TP. HCM đã vào cuộc, tiến hành kiểm tra thực tế. Tháng 11/2018, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Lê Văn Sẽ bị Sở Y tế xử phạt hành chính với số tiền 10 triệu đồng do “Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”.

Đồng thời, Sở Y tế cũng yêu cầu phía cơ sở tháo gỡ quảng cáo quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, chỉ 1 tháng sau khi có quyết định xử phạt (tháng 12/2018), cơ sở thẩm mỹ viện Bác sĩ Lê Văn Sẽ lại tiếp tục "qua mặt" Sở Y tế trong việc tư vấn, quảng cáo các dịch vụ vượt phép nhằm trục lợi.

Cụ thể, ghi nhận thực tế của PV, từ ngày từ 1/12/2018 đến 10/12/2018, cơ sở nói trên vẫn công khai quảng cáo dịch vụ đại phẫu.Thậm chí, dịch vụ “Nâng ngực bằng túi ngực Nano-chip” còn được quảng cáo trên bảng hiệu vô cùng nổi bật.

Việc thẩm mỹ viện Lê Văn Sẽ ngang nhiên qua mặt các cơ quan chức năng khiến độc giả không khỏi hoài nghi: phải chăng mức phạt 10 triệu đồng không đủ sức răn đe đối với ông Lê Văn Sẽ và phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ này. Có hay không một “thế lực” nào đó “chống lưng” nên cơ sở này mới công khai quảng cáo trái phép, coi thường pháp luật đến như vậy?

Công khai thực hiện dịch vụ vượt phép vì có “sự quen biết”?

Trong quá trình làm việc với báo chí, ông Lê Văn Sẽ cho biết: “Anh Bỉnh Giám đốc Sở Y tế là bạn thân, ảnh nói là cái đó anh chưa có làm mà quy kết anh như vậy là không đúng”. Trong cuộc trao đổi về những dấu hiệu sai phạm của cơ sở thẩm mỹ viện Lê Văn Sẽ mà vị địa diện thẩm mỹ viện lại đưa ra tên của người đứng đầu Sở Y tế phải chăng là một cách đe dọa, cản trở báo chí tác nghiệp đúng pháp luật?

Nhằm rộng đường dư luận, PV đã có buổi làm việc với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã “bỏ qua” công văn (gửi qua đường email) của PV khiến chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ phía Sở Y tế.

Trước những lời “chia sẻ” có phần “khó hiểu” về mối quan hệ với Giám đốc Sở Y tế, kính đề nghị Sở Y tế làm rõ và trả lời công khai minh bạch với báo chí, tránh để dư luận đặt ra nghi vấn không tốt. Đồng thời, cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xác minh những dấu hiệu sai phạm của cơ sở Thẩm mỹ viện Lê Văn Sẽ để đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong những bài tiếp theo.

Điểm I, Khoản 4 Điều 25 Thông tư số 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ chỉ được tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ; Tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai; Không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể.

II. Thông tin Y tế Quốc tế

18. Nhà khoa học Chile tìm ra vaccine chống virus hợp bào hô hấp

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, một nhà nghiên cứu Chile đã điều chế thành công vaccine “an toàn và không gây phản ứng tiêu cực với trẻ sơ sinh” chống virus hợp bào hô hấp (RSV), nguyên nhân gây viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ phố biến nhất trên thế giới.

Trao đổi với báo giới ngày 30/3, tác giả của công trình - tiến sĩ sinh hóa Alexis Kalergis thuộc Đại học Thiên chúa Chile cho biết mặt dù có tỷ lệ tử vong thấp, nhưng virus hợp bào hô hấp có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng với trẻ nhỏ và người già, đồng thời có mức độ lây nhiễm rất cao. Loại vắc-xin mới của tiến sĩ Kalergis – người nghiên cứu RVS từ năm 2004 – thỏa mãn các tiêu chuẩn quốc tế về thực hành (GMP) và ông được cấp phép sản xuất 25.000 liều cho giai đoạn nghiên cứu tiếp theo.

Trong giai đoạn 2, ông Kalergis và đội ngũ nghiên cứu của mình phải chứng minh được hiệu quả cả loại vắc-xin mới ở cấp độ đại trà. Nếu thành công, loại thuốc này sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi trong hệ thống y tế Chile trong vòng 2-4 năm. Trước đó, tiến sĩ Kalergis đã chuyển quyền sử dụng bằng sáng chế vắc-xin này cho Bộ Y tế Chile, để mọi người dân có thể tiếp cận được một khi hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm bắt buộc.

Đây là lần đầu tiên giai đoạn 1 của một công trình nghiên cứu vắc-xin phổ thông được thực hiện tại Chile. Bên cạnh giá trị của công trình khoa học, báo chí Chile ca ngợi việc tiến sĩ Kalergis – chuyên về vi sinh và miễn dịch tế bào – đã từ chối lời mời của các trung tâm hiện đại nước ngoài để thực hiện nghiên cứu này trong nước với điều kiện hạn chế hơn nhưng có thể cống hiến sáng chế của mình cho nước nhà (352).

  1. . Ca ghép thận đầu tiên trên thế giới giữa 2 người bị nhiễm HIV

Các nhà khoa học Mỹ đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên giữa hai người bị nhiễm HIV.Ca ghép thận này đã đánh dấu cột mốc mới cho nền y học thế giới.

Cô Nina Martinez (35 tuổi) bị nhiễm HIV trong lần truyền máu lúc cô 6 tuần tuổi vào năm 1983. Lúc ấy, ngân hàng máu chưa sàng lọc HIV. Cô đã may mắn sống đến năm 13 tuổi, tức vào năm 1996, để có thể được điều trị bằng thuốc ức chế vi rút HIV, theo Daily Mail

Khi biết một người bạn của mình cũng bị nhiễm HIV và cần được ghép thận, Martinez đã tìm hiểu thông tin về hiến thận.Cô muốn tặng quả thận của mình cho anh.Tuy nhiên, bạn cô đã mất trước khi các thủ tục xét nghiệm hiến thận được thực hiện.

Dù vậy, Martinez vẫn quyết hiến thận cho một người khác để tưởng nhớ người bạn đã mất. Vào ngày 25.3, cô đã đi từ nhà mình ở thành phố Atlanta, bang Georgia đến Đại học Johns Hopkins ở thành phố Baltimore, bang Maryland để phẫu thuật.

Không chỉ vì người bạn của mình, Martinez hiến thận vì muốn “tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của người khác” và chống lại những kỳ thị với người bị HIV, rằng họ là những trông ốm yếu và bệnh hoạn, Martinez chia sẻ với truyền thông Mỹ trước ca phẫu thuật.

Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 28.3 và thành công.Đây là ca ghép thận đầu tiên trên thế giới mà người hiến và người nhận đều bị nhiễm HIV.

Nó được xem là cột mốc quan trọng mang lại hy vọng sống cho những bệnh nhân nhiễm HIV và cần hiến ghép tạng.

Cả cô Martinez và người nhận tạng đều đang hồi phục tốt. “Trước đây, HIV là căn bệnh chẳng khác nào bản án tử với người mắc. Hiện tại, nó đã được kiểm soát tốt đến mức có thể cho phép người nhiễm một cơ hội hiến tạng cứu người khác”, bác sĩ Dorry Segev của Đại học Johns Hopkins cho biết.

Trước đây, các bác sĩ lo ngại việc ghép thận sẽ khiến những người nhiễm HIV hiến thận sẽ bị tổn hại sức khỏe nghiêm trọng. Thận của họ có thể bị tổn thương do HIV cũng như dùng các loại thuốc ức chế virus.

Tuy nhiên, các thành tựu y học đã bào chế ra những loại thuốc có thể khống chế HIV hiệu quả và an toàn hơn, theo Daily Mail.

  1. . EndoMarch - Ngày thế giới chống lại căn bệnh Lạc nội mạc tử cung: Hơn 180 triệu phụ nữ mắc bệnh mãn tính

Hơn 60 thủ đô trên khắp thế giới đã tổ chức tuần hành vào ngày 30/3 nhằm truyền đạt những thông tin về căn bệnh bị hiểu lầm ảnh hưởng đến hơn 180 triệu phụ nữ.

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh mạn tính xuất phát từ sự phát triển bất thường của niêm mạc tử cung bên ngoài khoang của nó.Chứng loạn dưỡng này gây đau và rối loạn hệ thống phụ khoa, tiết niệu và tiêu hóa.Đó cũng là nguyên nhân đầu tiên gây vô sinh.

Diễn viên Daisy Ridley đã nói về căn bệnh của mình trên Intergram từ năm 2016. Cô mong muốn phụ nữ hãy lắng nghe cơ thể của chính mình và giành thời gian để chữa bệnh.

Đến từ Hoa Kỳ, Phong trào EndoMarch đã tạo ra nhiều phong trào trên khắp thế giới, đáng chú ý là thông qua các hiệp hội EndoMind France và My Endometriosis My Pain, đồng tổ chức sự kiện với thủ đô Paris 

Mục tiêu của những cuộc tuần hành này là làm cho một căn bệnh thầm lặng được biết đến vì liên quan đến sự thân mật và những điều cấm kỵ của những đau khổ nữ tính. Các tổ chức hy vọng sẽ thay đổi tâm lý và ngăn ngừa hậu quả có hại của bệnh bằng cách giảm chẩn đoán, hiện tại trung bình là bảy năm, do thiếu sự chăm sóc cho những người mắc bệnh. Một trong mười phụ nữ mắc bệnh phức tạp và suy nhược này tạo ra sự loại trừ xã ​​hội, nghề nghiệp và cá nhân.

Bằng cách kêu gọi người nổi tiếng đồng hành và kêu gọi sự quan tâm, các nhân vật như Lorie, Julie Gayet và Laëtitia Milot cũng đã phơi bày sự thật và những chia sẻ.

Họ cam kết thông báo và xóa bỏ điều cấm kỵ và hiểu lầm quá lâu liên quan đến lạc nội mạc tử cung.Bằng sự kiên trì, niềm tin và sự giao tiếp, những thay đổi đang diễn ra.

Vào ngày 8 tháng 3, Bộ trưởng Bộ Y tế Agnès Buzyn đã công bố một kế hoạch của chính phủ để đảm bảo chăm sóc tốt hơn cho phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung. Việc giới thiệu sàng lọc bắt buộc các bé gái và sự hiện diện của các chuyên gia về bệnh ở mỗi khu vực sẽ thúc đẩy sự hỗ trợ cho phụ nữ.

  1. . Mới sinh con chưa đầy 1 tháng, mẹ trẻ lại tiếp tục lên bàn mổ sinh đôi

Người phụ nữ ở Bangladesh có 2 tử cung nên đã sinh liên tiếp 2 lần chỉ trong vòng 1 tháng.

Ngày 26.3, bệnh viện ở huyện Jessore- Bangladesh đã tiếp nhận một ca sinh nở, người phụ nữ tên Arifasau đó đã sinh đôi, một trai một gái.

Điều đáng nói là 26 ngày trước (tức ngày 25.2), Arifa và chồng là Sumon Biswas mới chào đón đứa con đầu lòng tại Bệnh viện Đại học Y khoa Khulna.

Lý giải về sự việc này, các bác sĩ tại bệnh viện Đại học Y khoa Khulna, Bangladesh cho biết: “Arifa có 2 tử cung và điều đặc biệt là cô đã mang thai ở cả 2 tử cung, một bên là 1 bé trai và một tử cung khác chứa 1 cặp song sinh mà người mẹ không hề hay biết”.

Chồng của Arifasau cho biết, cả 2 vợ chồng đều khá lo lắng khi bất ngờ có tới 3 đứa con chứ không phải một như suy nghĩ ban đầu. Dù vậy, anh cho biết sẽ cố gắng cho 3 con có một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc vì 3 con đến như một phép màu và may mắn chúng đều khỏe mạnh.

Hiện tại, cả người mẹ và các bé đều đã được về nhà và làm quen dần với cuộc sống thay đổi khi có 3 đứa con.

 


Thăm dò ý kiến