Chính sách phát triển y tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế

28/05/2014 | 00:00 AM

 | 

Phần I. Chính sách phát triển y tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế

I. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế:

1. Các Đề án đang triển khai:

- Nghị quyết số 08/2007/QH12 ngày 12/11/2007[1] và Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008[2] của Quốc hội cho phép sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) đầu tư cho y tế, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Quốc hội, tạo bước đột phá trong đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế, là các căn cứ pháp lý quan trọng để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 47/2008/QĐ-TTg ngày 2/4/2008 phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010 (gọi tắt là Quyết định 47) và Quyết định 930/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009 - 2013" (gọi tắt là Quyết định 930). Nội dung đầu tư gồm: (1) xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng; (2) mua sắm trang thiết bị và (3) đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện, cho các cơ sở y tế, nhằm đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế về gần dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế ngày một tốt hơn, góp phần giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

 Về Danh mục đầu tư:

Có 811 bệnh viện/cơ sở y tế thuộc danh mục đầu tư, gồm 645 bệnh viện đa khoa huyện, đa khoa liên huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực theo Quyết định 47, Quyết định 1782 của Thủ tướng Chính phủ, và 166 dự án bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương theo Quyết định 930 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 881/2010/UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 2008-2012 đã có 760 Dự án y tế được sử dụng vốn TPCP, trong đó:

+ 594 bệnh viện/trung tâm y tế huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực, trong đó chỉ có một số ít xây dựng mới, còn phần lớn là cải tạo, mở rộng, nâng cấp, mua sắm bổ sung trang thiết bị. So với danh mục được đầu tư đạt 92% (594/645), còn 51 bệnh viện chưa được đầu tư, nguyên nhân là do vốn được cấp chưa đáp ứng nhu cầu nên phải xem xét, ưu tiên đầu tư tập trung, có trọng điểm, một số bệnh viện đang hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư nên chưa được phân bổ vốn.

+ 166 dự án theo Quyết định 930, gồm: 51 bệnh viện đa khoa tỉnh, 48 bệnh viện chuyên khoa lao, 35 bệnh viện chuyên khoa tâm thần, 23 bệnh viện chuyên khoa nhi/sản nhi, 5 bệnh viện, trung tâm ung bướu và 3 bệnh viện và Trường Đại học Y dược Cần Thơ thuộc Bộ Y tế. Trong đó có 11 dự án thuộc Bộ Y tế và 155 dự án thuộc địa phương quản lý.

Về tiến độ thực hiện:

+ Đối với các dự án tuyến huyện theo Quyết định 47: Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 31/12/2011 có 353 bệnh viện huyện hoàn thành (trong đó có 152 bệnh viện hoàn thành toàn bộ và 201 bệnh viện hoàn thành một số hạng mục), có 70 phòng khám đa khoa khu vực đã hoàn thành. Dự kiến năm 2012 sẽ có 107 bệnh viện hoàn thành[3]. Như vậy, giai đoạn 2008-2012 đã hoàn thành 460 bệnh viện huyện (hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành các hạng mục đã triển khai) và 70 phòng khám đa khoa khu vực.

+ Đối với các dự án 930: tính đến 31/12/2011 có 18 bệnh viện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như bệnh viện đa khoa các tỉnh: Hòa Bình, Ninh Thuận, Ninh Bình, bệnh viện Tâm thần Ninh bình, bệnh viện Lao và bệnh phổi Ninh Bình, bệnh viện Tâm thần Hà Nam, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Điện Biên …, dự kiến hết năm 2012 sẽ có 55 bệnh viện hoàn thành[4]. Như vậy giai đoạn 2008-2012 có 73 bệnh viện đã hoàn thành đưa vào sử dụng (trong đó có bệnh viện hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành các hạng mục chính).

Trong 11 dự án do Bộ Y tế quản lý: Đã hoàn thành một phần dự án có: Bệnh viện Lao và bệnh phổi TW Phúc Yên, Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) và các hạng mục cơ bản của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Đối với các bệnh viện còn lại, trừ các bệnh viện xây dựng mới thì bệnh viện nào cũng hoàn thành được một số hạng mục như các nhà điều trị, khu kỹ thuật, mua sắm được một số trang thiết bị đưa vào sử dụng. Đối với các bệnh viện hoàn thành, Bộ Y tế và các tỉnh đã tập trung vốn cho các hạng mục xây lắp để hoàn thành sử dụng, nên tại hầu hết các bệnh viện này thì trang thiết bị vẫn còn thiếu so với quy định, vẫn còn nợ khối lượng xây dựng, vẫn còn một số phần việc chưa hoàn chỉnh như sân, đường nội bộ, hệ thống xử lý nước thải, chất thải y tế,...

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2008-2011 và 2012-2015, thực hiện các Nghị quyết 881/NQ-UBTVQH12 của Quốc hội, Nghị quyết 11/2011/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc đầu tư cho các dự án này gặp phải nhiều khó khăn. Một số dự án phải giãn, hoãn, tiến độ; một số dự án phải tạm dừng để đầu tư sau năm 2015 hoặc phải chuyển đổi hình thức đầu tư.

- Nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 (tại Quyết định 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013), trong đó nêu rõ đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi, bao gồm: (a) Đầu tư xây mới, nâng cấp và mrộng các bệnh viện thuộc phạm vi Đán, đến năm 2015 tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh; (b) Tiếp tục cải tạo, mở rộng và từng bước hiện đại hóa khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao ở tuyến trung ương và tuyến cuối của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; và (c) Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới bệnh viện của cả nước và của từng địa phương nhằm bảo đảm cơ cấu và tỷ lệ giường bệnh phù hợp giữa các tuyến kỹ thuật và các chuyên khoa vào năm 2020. Trưc hết, ưu tiên tăng thêm số giường bệnh ở tuyến tỉnh cho 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Hiện nay Bộ Y tế đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các địa phương để triển khai Đề án này.

Cũng nhằm mục tiêu giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, trên cơ sở xem xét đề nghị của Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng mới 05 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 16/01/2014) nhằm “ Đầu tư xây dựng mới 05 bệnh viện, viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng hiện đại, kỹ thuật cao, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, có cơ chế quản lý điều hành tiên tiến đcung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần giảm quá tải các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến cuối. Tổng số tiền đầu tư cho Đề án này là 20.000 tỷ đồng để xây dựng  Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai - Bộ Y tế (quy mô 1.000 giường), Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức - Bộ Y tế (quy mô 1000 giường), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí (quy mô 1.000 giường), Cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí MinhViện Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng (quy mô 500 giường).

2. Tình hình sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP):

Trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, Ngành Y tế đã tập trung vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ (riêng TPCP giai đoạn 2008-2011 được giao 18.350 tỷ đồng, giai đoạn 2012-2015 được giao khoảng 19.700 tỷ đồng, trong đó năm 2013 được giao 5.900 tỷ đồng) và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư cho các cơ sở y tế, trong đó ưu tiên để hoàn thành một số bệnh viện đang quá tải lớn[5]. Trong giai đoạn 2008-2013 đã có 760 Dự án y tế được sử dụng vốn TPCP, trong đó có 594 bệnh viện/trung tâm y tế huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực; 166 dự án bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương và Trường Đại học Y dược Cần Thơ. Đã hoàn thành đưa vào sử dụng 460 bệnh viện huyện, 73 bệnh viện tỉnh, trung ương (hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành các hạng mục đã triển khai), 70 phòng khám đa khoa khu vực… làm tăng năng lực phục vụ của các bệnh viện. Nhờ vậy, nhiều cơ sở y tế đã được xây dựng, nâng cấp khang trang, rộng rãi hơn, các bệnh viện được trang bị thêm các thiết bị cần thiết cho chuyên môn, số giường bệnh tăng thêm hàng chục ngàn giường, đặc biệt năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế tăng lên bước đầu đã giảm được số bệnh nhân chuyển tuyến lên tuyến trên góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.

3. Giải quyết đối với công trình đầu tư còn dang dở:

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 65/2013/QH13 về phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 cho một số dự án đã và đang được sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP), trong đó có quy định nguyên tắc bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 cho một số dự án, công trình dở dang có trong danh mục vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015 nhưng còn thiếu vốn, ưu tiên cho các dự án sẽ hoàn thành trong năm 2014 và 2015. Như vậy, về thời gian thì các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện tuyến huyện giai đoạn 2008-2010 theo Quyết định 47/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay chưa hoàn thành, được phân bổ vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2014-2016 sẽ được kéo dài thời gian thực hiện.

Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để rà soát danh mục các dự án, công trình theo tiêu chí này cần kéo dài để tiếp tục đề nghị bổ sung vốn giai đoạn 2014-2016 để trình Chính phủ.

4. Về đầu tư cơ sở vật chất cho y tế huyện

Trước tình hình cơ sở hạ tầng của các cơ sở y tế bị xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu, y tế cơ sở gồm trạm y tế xã và bệnh viện tuyến huyện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên chất lượng chưa cao, người dân chưa tin tưởng tuyến dưới, luôn có xu hướng vượt tuyến lên tuyến trên, là  một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, ngay từ năm 2005, Bộ Y tế đã phối hợp với các địa phương khẩn trương xây dựng, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 225/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực giai đoạn 2005-2008 từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, do ngân sách khó khăn nên Bộ Y tế tiếp tục đề nghị và được Quốc hội cho phép sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) để đầu tư nâng cấp một số bệnh viện tuyến huyện. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/4/2008 phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010 (sau đây gọi tắt là Quyết định 47). Tổng số bệnh viện huyện được đầu tư là 645 bệnh viện (gồm 621 bệnh viện tại Quyết định 47/2008/QĐ-TTg và 24 bệnh viện được bổ sung tại Quyết định 1872/QĐ-TTg) và một số phòng khám đa khoa khu vực. Nguồn vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng, gồm 14.000 tỷ đồng từ TPCP, 3.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Vốn TPCP được bố trí giai đoạn 2008-2012 là 12.548 tỷ đồng, giai đoạn 2013 – 2015 dự kiến tiếp tục bố trí 2.736 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành được 460 bệnh viện huyện, 70 phòng khám đa khoa khu vực, cơ sở y tế tuyến huyện đã khang trang, rộng rãi hơn, các bệnh viện được trang bị thêm các thiết bị cần thiết cho chuyên môn, số giường bệnh tăng thêm hàng chục ngàn giường, đặc biệt năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế tăng lên bước đầu đã giảm được số bệnh nhân chuyển tuyến lên tuyến trên góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 65/2013/QH13 về phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giao đoạn 2014-2016 trong đó nguyên tắc để bổ sung vốn trái phiếu giai đoạn này là các dự án, công trình dở dang có trong danh mục vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015 nhưng còn thiếu vốn, dự kiến sẽ bổ sung vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 cho các bệnh viện tuyến huyện là 6.795 tỷ đồng.

Như vậy, nếu được bố trí đủ vốn TPCP như các Nghị quyết của Quốc hội thì trong thời gian tới, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các bệnh viện tuyến huyện sẽ được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, có thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân ngay tại địa bàn nơi cư trú, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

5. Về đầu tư cho trạm y tế xã:

Ngày 27/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg về đầu tư xây dựng trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2008-2010, nhằm xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia cho các xã hiện chưa có trạm y tế thuộc vùng khó khăn (theo danh mục quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ), từ các nguồn vốn: ngân sách Trung ương, nguồn vốn lồng ghép từ Chương trình 135 giai đoạn II và các chương trình liên quan khác, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thực hiện Quyết định này, nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trạm y tế xã.

Hiện nay Bộ Y tế đang hoàn chỉnh Đề án: “Tăng cường y tế cơ sở và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” để trình Chính phủ, Bộ Chính trị trong năm 2014. Mục tiêu của các Đề án là tăng cường năng lực cho trạm y tế xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế và y tế tuyến huyện, bao gồm cả nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo cán bộ và cung cấp thuốc thiết yếu. 

II. Quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh:

1. Quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh toàn quốc

Nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnhphù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/02/2008 về Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo Quyết định này, Giai đoạn từ 2011 – 2020 “Tiếp tục hoàn thiện và tập trung phát triển kỹ thuật cao tại các trung tâm y tế chuyên sâu, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện vùng, bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về loại hình dịch vụ y tế với chất lượng cao phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; Đầu tư phát triển năng lực khám, chữa bệnh đạt trình độ cao cho bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đủ khả năng đảm nhiệm chức năng Trung tâm y tế chuyên sâu vùng đồng bằng sông Cửu Long.”.

Hiện nay mỗi tỉnh đã có bệnh viện đa khoa tỉnh, một số bệnh viện chuyên khoa và các bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Theo báo cáo thống kê, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, huyện chưa sử dụng hết công suất giường bệnh. Nhưng lại có tình trạng bệnh nhân thường vượt tuyến lên khám bệnh ở bệnh viện Trung ương, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện Trung ương. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc đề xuất với Chính phủ tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thông qua Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010 (theo Quyết định 47/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Đề án Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009-2013 (theo Quyết định 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ). Nội dung đầu tư gồm: (1) xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng; (2) mua sắm trang thiết bị và (3) đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện, cho các cơ sở y tế, nhằm đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế về gần dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế ngày một tốt hơn, đồng thời góp phần giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Thực hiện hai Đề án trên, nhiều bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện đã được xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị.

 

Để nâng cao năng lực cho các bệnh viện tuyến tỉnh, Bộ Y tế đã triển khai Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các Bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (Quyết định số 1816/QĐ-BYT của Bộ Y tế) với nội dung các bệnh viện Trung ương hướng dẫn, giúp đỡ chuyển giao trọn gói kỹ thuật cho bệnh viện tuyến tỉnh, sao cho bệnh viện tuyến tỉnh có đủ khả năng thực hiện các kỹ thuật như bệnh viện Trung ương. Đồng thời, Bộ Y tế đang thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11/3/2013 của Bộ Y tế. Mục tiêu chung của Đề án là Nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh (là bệnh viện tuyến tỉnh hoặc tuyến huyện) thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện hạt nhân (là bệnh viện tuyến trên có đủ năng lực), cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh không phỉa lên tuyến trên.

Mục tiêu cụ thể là hình thành và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trước mắt tập trung ưu tiên 5 chuyên khoa hiện đang quá tải trầm trọng: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi; nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện vệ tinh thông qua việc tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin (Telemedicine).

Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 2013 – 2015 ưu tiên đầu tư 45 bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân, trong đó có 09 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 05 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh. Các bệnh viện hạt nhân và vệ tinh đều thuộc 05 chuyên khoa đang có tình trạng quá tải gồm: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản, nhi.

- Giai đoạn 2016 – 2020: Tiếp tục duy trì kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2015, đồng thời căn cứ vào thực trạng quá tải bệnh viện, điều kiện kinh tế xã hội để mở rộng Đề án.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường các cơ sở khám chữa bệnh là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện Trung ương, bệnh viện đầu ngành của thành phố Hồ Chí Minh, để các cơ sở này có đủ năng lực thực hiện khám chữa bệnh chất lượng cao, góp phần quan trọng vào việc giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương.

2. Về di chuyển những bệnh viện Trung ương ra khỏi khu trung tâm Hà Nội

Bộ Y tế đã nhiều lần họp với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” trong đó định hướng quy hoạch địa điểm xây dựng đối với các Bệnh viện, Viện nghiên cứu Trung ương, cụ thể:

- Các cơ sở hiện tại chỉ duy trì hoạt động, không phát triển quy mô, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đầu tư thay thế những hạng mục đã quá xuống cấp. Một số cơ sở sẽ giảm quy mô sau khi có cơ sở 2;

- Các cơ sở mở rộng, bổ sung, đầu tư mới: Tổ chức thành từng cụm các cơ sở y tế. Dự kiến sẽ có 05 cụm, mỗi cụm là một Trung tâm y tế chuyên sâu đa khoa.

Sở Y tế thành phố Hà Nội đã trình “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” trong đó:

- Đối với các cơ sở khám chữa bệnh hiện có: mở rộng diện tích nếu điều kiện quỹ đất cho phép, tăng diện tích sử dụng để chống quá tải tại chỗ bằng cách xây dựng các công trình cao tầng, hợp khối thay thế các công trình tạm, xây dựng manh mún, công trình đã xuống cấp, bán kiên cố nhằm đảm bảo diện tích sàn/giường bệnh theo quy định, giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh cải thiện môi trường.Từng bước di chuyển các bệnh viện điều trị bệnh truyền nhiễm ra khỏi khu vục nội thành, nơi đông đúc dân cư đến khu vực thích hợp.

- Đối với các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng mới: Bệnh viện tuyến Trung ương xây dựng mới tập trung tại các cụm công trình y tế đa chức năng – Khẳng định tính đặc thù của các cơ sở y tế là: gần dân, sự gắn kết hữu cơ giữa đào tạo (Trường) và thực hành (Bệnh viện).

Ngày 23/11/2010, Bộ Y tế đã có công văn số 8132/BYT-TBCT gửi góp ý Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về Kế hoạch chi tiết di dời và Cải tạo nâng cấp các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế tại các quận nội thành Thành phố Hà Nội.

Hiện nay, đã có một số công trình, bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ được đầu tư xây dựng cơ sở 2 tại khu vực ngoại thành hoặc di dời ra khỏi khu vực nội thành của thành phố Hà Nội, gồm:

- Bệnh viện K được đầu tư đủ vốn bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ để hoàn thành toàn bộ công trình ở cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, và đưa vào sử dụng năm 2014.

- Bệnh viện Nội tiết: Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tiếp tục vay vốn Ngân hàng để đầu tư hoàn thành công trình tại cơ sở 2 ở Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.

- Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được xây dựng mới ở huyện Đông Anh, Hà Nội, đã được khởi công tháng 12/2013 bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ.

- Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội đang đền bù giải phóng mặt bằng ở Hoàng Mai, Hà Nội để xây dựng cơ sở mới, dự kiến hoàn thành đền bù trong quý II/2014, dự kiến khởi công 2015, hoàn thành vào năm 2017, trong đó nguồn vốn đầu tư của Nhà nước 30%, và 70% do Trường tự cân đối.hoang mai

- Trường Đại học Y tế Công cộng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuẩn bị đầu tư xây dựng mới cơ sở ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội theo hình thức Hợp đồng xây dựng chuyển giao, dự kiến khởi công quý IV/2014 và hoàn thành năm 2017.

- Xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại Phủ Lý, Hà Nam, dự kiến khởi công Quý IV/2014 và hoàn thành năm 2016.

- Xây dựng và đưa vào sử dụng trụ sở mới của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Viện Chiến lược và Chính sách y tế tại Từ Liêm, Hà Nội…

3. Về xây dựng bệnh viện chuyên khoa ở khu vực miền Nam

Bộ Y tế hiện đang xây dựng dự thảo Đề án “Chủ trương quy hoạch và đầu tư xây dựng mạng lưới bệnh viện trung ương và khu vực” để trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Bộ Chính trị. Trong đề án này, trên cơ sở cân đối nhu cầu của các địa phương và các chuyên khoa, Bộ Y tế sẽ đề xuất mở rộng và xây mới thêm một số bệnh viện phù hợp đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chuyên sâu của người dân.

Mục tiêu của Đề án là Quy hoạch và đầu tư bệnh viện tuyến trung ương, khu vực theo hướng đổi mới phương thức quản lý nhà nước về y tế, giảm đầu mối các bệnh viện thuộc quản lý trực tiếp từ trung ương, tăng cường phân cấp cho địa phương; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển có trọng tâm trọng điểm chuyên môn kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực bệnh viện trung ương và khu vực, tạo động lực phát triển hệ thống khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao về chất lượng và đa dạng của người dân, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hiện nay, để giảm áp lực cho Viện tim và Bệnh viện ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đang triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh, trong đó:

- Đối với chuyên khoa tim mạch, tại khu vực miền Nam hiện đã có Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân Gia Định thành phố Hồ Chí Minh làm Bệnh viện hạt nhân của Đề án, trong đó:

+ Bệnh viện Chợ Rẫy có các bệnh viện vệ tinh là: Bệnh viện đa khoa các tỉnh Khánh Hòa, Tiền Giang và Đa khoa Thống Nhất tỉnh Đồng Nai;

+ Bệnh viện Nhân dân Gia Định thành phố Hồ Chí Minh có các bệnh viện vệ tinh là: Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng và Trung tâm Y tế Liên doanh dầu khí Việt Nga.

- Đối với chuyên khoa ung bướu, tại khu vực miền Nam đã có Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân của Đề án với các bệnh viện vệ tinh gồm: Bệnh viện ung bướu Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Đồng Nai, Kiên Giang và bệnh viện Quân y 175 thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, đối với chuyên khoa tim mạch và chuyên khoa ung bướu hiện đã có các bệnh viện nhằm giảm áp lực cho Viện Tim và Bệnh viện ung bướu thành phố Hồ Chí Minh.

III. Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến dưới:

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực y tế, nhất là cán bộ y tế có chuyên môn tay nghề cao ở nhiều địa phương, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, Bộ Y tế đã  triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn của cán bộ y tế cơ sở:

1. Tăng cường đào tạo

a. Đào tạo đội ngũ bác sỹ:

Bác sỹ là lực lượng nhân lực nòng cốt của ngành y tế, là một bộ phận quan trọng quyết định chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, vì vậy, ngành y tế luôn quan tâm tới việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ y tế nói chung và đội ngũ y bác sỹ nói riêng.

Để giải quyết tình trạng thiếu bác sỹ, đặc biệt ở các cơ sở y tế ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và ở tuyến cơ sở., từ năm 2000, ngành y tế cùng với các cơ sở đào tạo đã thực hiện một số giải pháp chính sau:

- Tăng chỉ tiêu tuyển bác sỹ lên dần và đạt đến mức tối đa so với năng lực đào tạo của các trường,

- Tăng chỉ tiêu đào tạo bác sỹ liên thông 4 năm (chuyên tu), đặc biệt là đào tạo bác sỹ liên thông theo địa chỉ cho các tỉnh thuộc khu vực miền núi, khó khăn (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ),

- Triển khai đề án "Đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng núi của các tỉnh thuộc miền Bắc và miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên theo chế độ cử tuyển" theo Quyết định số 1544/QĐ-TTg ngày 14/11/2007.

Thực hiện các giải pháp trên, đến nay số lượng bác sỹ trên vạn dân của một số tỉnh đã tăng lên rõ rệt. Ví dụ, năm 2011, số bác sỹ trên 1 vạn dân của Hà Giang là 6,49, của Yên Bái là 6,97, của Lào Cai là 7,83, của Cao Bằng là 10,37 trong khi số bác sỹ trên 1 vạn dân trung bình của cả nước là 7,33 (Theo Niên giám thống kê y tế 2011).

Trong thời gian tới số lượng bác sỹ sẽ tiếp tục tăng lên do đang có một số lượng đáng kể bác sỹ các chuyên ngành đang học trong các trường đại học trong cả nước. Năm 2013, số lượng bác sỹ ra trường (6.020 bác sỹ ra trường) đã tăng lên gấp đôi so với năm 2006 (3200 bác sỹ ra trường). Các năm tiếp theo, số lượng bác sỹ ra trường tiếp tục tăng lên, và đến năm 2017 sẽ có hơn 9.000 bác sỹ ra trường. Như vậy, đứng về mặt số lượng, thì các cơ sở đào tạo hoàn toàn có thể cung cấp đủ bác sỹ cho ngành y tế.

b. Đào tạo, nâng cao chất lượng y, bác sỹ:

Song song với tăng số lượng tuyển sinh, ngành y tế phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng bác sỹ và các đối tượng nhân lực y tế khác. Cụ thể như sau:

- Các trường đại học y công lập đã được nhận một số dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hệ thống giảng đường, phòng thực hành đã được mở rộng và đầu tư các trang thiết bị hiện đại. Các phòng thực hành tiền lâm sàng là nơi đào tạo các kỹ năng cần thiết cho sinh viên y khoa trước khi đi thực hành bệnh viện đã được xây dựng, đầu tư với nhiều mô hình hiện đại.

- Chương trình đào tạo được cải tiến, học tập các mô hình đào tạo tiên tiến trên thế giới. Một bộ phận các môn học đã sử dụng cách tiếp cận dạy học mới là dạy học dựa trên vấn đề (problem-based learning).

- Các giảng viên được đào tạo về phương pháp sư phạm y học, giảng dạy tích cực, lấy sinh viên làm trung tâm. Công tác lượng giá sinh viên được cải tiến, áp dụng phương pháp lượng giá khách quan, đánh giá chính xác hơn năng lực của sinh viên.

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các bác sỹ sau khi ra trường sẽ phải thực hành 18 tháng tại các bệnh viện dưới sự hướng dẫn của các bác sỹ có kinh nghiệm trước khi được hành nghề độc lập. Với khoảng thời gian thực hành có hướng dẫn này, tay nghề của các bác sỹ mới ra trường sẽ được cải thiện hơn.

Chất lượng đào tạo bác sỹ phụ thuộc rất nhiều vào thời gian được học thực hành tay nghề tại bệnh viện. Các trường có số lượng sinh viên đông, sẽ không thể cung cấp đủ cơ hội cho sinh viên thực hành ở bệnh viện và như vậy chắc chắn sẽ không thể đảm bảo chất lượng của các bác sỹ ra trường. Vì vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu phải xác định chỉ tiêu đào tạo bác sỹ không chỉ dựa trên số lượng giáo viên chung, mà phải dựa trên số lượng sinh viên mà các bệnh viện thực hành có khả năng tiếp nhận. Bên cạnh đó, các địa phương cần có kế hoạch sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ y bác sỹ hiện có.

c. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế:

Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Y tế đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ công tác 2011-2016. Các cán bộ y tế có quyền được nâng cao năng lực chuyên môn, được đào tạo, đào tạo lại và cập nhật kiến thức y khoa liên tục phù hợp với trình độ chuyên môn hành nghề, được tham gia bồi dưỡng, trao đổi thông tin về chuyên môn, kiến thức pháp luật về y tế (Điều 33, Luật Khám bệnh, chữa bệnh).

Năm 2008, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2008/TT-BYT hướng dẫn công tác đào tạo liên tục; gồm đào tạo bồi dưỡng để cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn đảm nhận, thời gian được đào tạo mỗi năm tối thiểu là 24 giờ thực học, trong 5 năm mỗi cán bộ y tế phải tham gia học tập và tích lỹ đủ thời gian đào tạo liên tục ít nhất là 120 giờ thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ đang hành nghề. Đồng thời với công tác đào tạo liên tục, việc đào tạo chuyên môn sâu (Chuyên khoa 1, Chuyên khoa 2, Thạc sỹ, Tiến sỹ) cũng được quan tâm thông qua các dự án, chương trình mục tiêu. 

2. Tăng cường hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật

- Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế cơ sở, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các Bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816) với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương; và chuyển giao công nghệ kỹ thuật vào đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ tuyến dưới.

Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, Đề án 1816 đã đạt được những kết quả tốt, và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Đã có khoảng 15 500 lượt  cán bộ y tế Trung ương đi luân phiên hỗ trợ cho tuyến tỉnh, đã chuyển giao được 5600 kỹ thuật cho bệnh viện tuyến tỉnh; các bệnh viện tuyến tỉnh đã có thể tự thực hiện nhiều kỹ thuật hiện đại, cứu sống người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa về tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho y tế tuyến dưới, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhờ việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo tập huấn của cán bộ luân phiên cho cán bộ y tế địa phương nên trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề của cán bộ y tế tuyến dưới ngày càng được nâng cao. Đề án đã góp phần giảm tải từ xa cho bệnh viên tuyến trên nhất là Bệnh viện tuyến Trung ương thể hiện ở chỗ đã giảm được tỷ lệ chuyển lên tuyến trên không phù hợp trung bình khoản 30%.

Từ năm 2013, Đề án 1816 tiếp tục được triển khai với việc giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến trên tập trung tổ chức chuyển giao cho tuyến dưới các gói kỹ thuật theo nhu cầu của bệnh viện tuyến dưới, phù hợp với khả năng đáp ứng của bệnh viên tuyến trên cũng như năng lực tiếp nhận của tuyến dưới.

- Nhằm quy phạm hóa việc thực hiện chế độ luân phiên của cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ kỹ thuật cho y tế tuyến dưới, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg, ngày 20/02/2013, của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định rõ những người hành nghề y trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập có nghĩa vụ luân phiên xuống tuyến dưới từ 6-12 tháng.

- Bộ Y tế cũng đang triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020, trong đó 14 bệnh viện hạt nhân (là những bệnh viện Trung ương đầu ngành, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hồ Chí Minh) được giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển cho 45 bệnh viện vệ tinh (bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh) ở 32 tỉnh (Giai đoạn 1) và 48 bệnh viện vệ tinh ở 35 tỉnh (Giai đoạn 2) nhằm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của các bệnh viện vệ tinh, giúp các bệnh viện vệ tinh có thể tực hiện được các kỹ thuật cao, không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

- Để tiến tới cung cấp nguồn nhân lực bác sỹ đầy đủ về số lượng, đáp ứng được chất lượng cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngay tại cơ sở, Bộ Y tế đang thực hiện "Thí điểm đưa Bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" (ban hành tại Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 20/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Theo Dự án, các bác sỹ trẻ tốt nghiệp hệ chính quy, loại khá, giỏi có nguyện vọng tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là 62 huyện nghèo, công tác sẽ được bố trí về các địa phương trên cơ sở nhu cầu và thực tế ở các địa phương. Những bác sỹ tham gia Đề án được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ trong thời gian công tác tại vùng sâu, vùng xa; bước đầu thực hiện 2 năm đối với nữ, 3 năm đối với nam. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao cho các huyện nghèo, vùng núi, biên giới hải đảo.

3. Ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút cán b

Chế độ chính sách đối với cán bộ, viên chức ngành y tế là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó Bộ Y tế luôn chú trọng việc tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ y tế nói chung, đặc biệt là y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, khó khăn, như:

- Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 về Quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, quy định mức phụ cấp từ 20% đến 70 %, trong đó mức phụ cấp 60% và 70% được áp dụng cho công chức, viên chức làm công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới; khám, điều trị, chăm sóc, bệnh nhân HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần.

Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của liên Bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.

- Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch, trong đó quy định người tham gia chống dịch được hưởng mức phụ cấp từ 75.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày/người tùy theo từng loại dịch.

- Chế độ tập sự của bác sĩ ngắn hơn các ngành khác 3 tháng (thời gian tập sự của bác sĩ 9 tháng, của các đại học khác là 12 tháng).

- Chế độ phụ cấp độc hại đối với công chức, viên chức ngành y tế (Công văn số 6608/BYT-TCCB ngày 22/8/2005)

- Chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung cao cấp của Đảng và Nhà nước, với mức phụ cấp đặc thù từ 1 đến 3 lần lương tối thiểu (Quyết định số 46/2009/QĐ-TTg).

Riêng với đối tượng cán bộ y tế công tác tại tuyến cơ sở, còn được hưởng thêm một số chính sách:

- Nghị định 64/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 22/3/2010 của liên Bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2009/NĐ-CP.

- Quyết định 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.

Đồng thời, Bộ Y tế đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ một số cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ y tế nói chung theo hướng:

- Đề nghị xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học. Vì bác sĩ có thời gian đào tạo 6 năm, ngoài ra theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bác sỹ sau khi ra trường phải học thêm 18 tháng tại các bệnh viện lớn mới được cấp chứng chỉ hành nghề y; trong khi các đại học khác có thời gian đào tạo ngắn hơn.

- Đề nghị công chức, viên chức ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề, theo tinh thần Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã chỉ rõ "nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt" và "Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo".

Ngoài ra, các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế xã hội của mình cũng có các hình thức hỗ trợ, các chính sách ưu đãi khác nhau để thu hút cán bộ y tế về công tác tại địa phương.

4. Đối với y tế tuyến huyện

Song song với việc triển khai các giải pháp trên, đối với y tế tuyến huyện, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các giải pháp sau:

a. Nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến huyện:

Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các Bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (theo Quyết định số 1816/QĐ-BYT-gọi tắt là Đề án 1816) cho tuyến huyện, theo đó cán bộ của bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến huyện nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; thực hiện chuyển giao các gói dịch vụ y tế vào đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ tuyến huyện. Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh cho tuyến huyện, nhằm hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ cho bệnh viện tuyến huyện. Một hình thức khác nhằm nâng cáo năng lực cho các bệnh viện tuyến huyện mà Bộ Y tế đang tiến hành đó là việc triển khai Đề án "Thí điểm đưa Bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" (ban hành tại Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 20/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Theo Dự án, các bác sỹ trẻ tốt nghiệp hệ chính quy, loại khá, giỏi có nguyện vọng tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là 62 huyện nghèo, công tác sẽ được bố trí về các địa phương trên cơ sở nhu cầu và thực tế ở các địa phương.

b. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử của nhân viên y tế tuyến huyện:

Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thẩm quyền của mình chỉ đạo các bệnh viện huyện thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế được nêu trong các văn bản: Quy định 12 Điều y đức (Quyết định số 2088/QĐ-BYT ngày 06/11/1996), Quy định về chế độ giao tiếp trong các cơ sở khám chữa bệnh (Quyết định số 4031/2001/QĐ-BYT ngày 27/9/2001), Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế (Quyết định số 29/QĐ-BYT ngày 18/8/2008); Chỉ thị số 03/CT-BYT ngày 01/4/2013 về tăng cường các giải pháp thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các Sở, ban, ngành chức năng hàng năm xây dựng Kế hoạch tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện tốt Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử gắn với với việc nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

- Đồng thời Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện thông qua việc cử đi học, tham gia các khóa tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. 

IV. Về tổ chức y tế cơ sở

1. Về tổ chức y tế tuyến xã:

- Trạm y tế xã là đơn vị chuyên môn, kỹ thuật thuộc Trung tâm Y tế huyện được quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, theo quan điểm chỉ đạo của Đảng “Các đơn vị chuyên môn về y tế ở địa phương được quản lý theo ngành” (Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị) và đáp ứng phù hợp với yêu cầu đặc thù của ngành y tế.

- Đặc thù của ngành y tế là loại hình dịch vụ công đặc biệt, hoạt động có tính chất chuyên môn, nghiệp vụ sâu; phải có thời gian dài mới đào tạo được cán bộ y tế có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm; việc luân chuyển cán bộ, đào tạo cán bộ tuyến dưới phải được thực hiện thường xuyên nhằm duy trì, ổn định nguồn nhân lực có trình độ làm việc tại y tế tuyến xã để đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ có chất lượng ngay tại cộng đồng. Phải có tính liên thông giữa các tuyến, trong phòng, chống dịch bệnh; hiện nay tình hình dịch bệnh diễn ra rất phức tạp, nhiều bệnh dịch mới và nguy hiểm đã và đang diễn ra trên thế giới cũng như ở nước ta, khi dịch bệnh xảy ra (đặc biệt là dịch tối nguy hiểm) thì phạm vi ảnh hưởng của dịch rất lớn, lây lan nhanh theo cả vùng, khu vực, đồng thời hoạt động phòng chống dịch cần phải huy động tổng lực các nguồn lực ở các tuyến, các đơn vị sự nghiệp có trên địa bàn. Do đó, không thể để xảy ra những hạn chế trong hoạt động cung cấp dịch vụ bởi thủ tục hành chính do cơ chế phân chia quản lý không cần thiết.

- Hệ thống đơn vị sự nghiệp y tế ở địa phương hiện nay đang thực hiện theo Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Ngày 03/11/2011, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7778/VPCP-TCCV thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Trong khi chưa sửa đổi Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tiếp tục thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của liên Bộ Y tế, Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện”.

- Tổ chức của Trạm y tế xã không phải là đơn vị sự nghiệp hoàn chỉnh mà “là đơn vị kỹ thuật y tế đầu tiên tiếp xúc với nhân dân, nằm trong hệ thống y tế nhà nước” (theo Quyết định 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 1994); cơ cấu nhân lực chỉ bố trí các chức danh chuyên môn như bác sỹ, y sỹ, hộ sinh, y tá/điều dưỡng để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, không cơ cấu chức danh hành chính, thủ quỹ, kế toán (Thông tư liên Bộ số 08/TTLB năm 1995 hướng dẫn Quyết định 58/TTg). Do đó, trạm y tế xã phải là tổ chức cấu thành của đơn vị sự nghiệp y tế hoàn chỉnh (Trung tâm Y tế huyện) mới đảm bảo thuận lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại cộng đồng.

-  Theo Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Phòng Y tế là tổ chức cơ bản không quy định cơ cấu tổ chức cấu thành, vì vậy nếu giao quản lý trạm y tế xã như Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BYT-BNV sẽ bị hạn chế bởi năng lực và điều kiện trong việc hướng dẫn, giám sát hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật đối với y tế ở tuyến xã.

- Thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2013, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan và các địa phương xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về Trạm y tế xã, phường, thị trấn(thay thế Quyết định 58/TTg năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ).

Đề án bao gồm các nội dung về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế, đặc biệt về nhân lực làm việc tại trạm y tế xã là viên chức sự nghiệp y tế nằm trong tổng số người làm việc của Trung tâm Y tế huyện được phân công, bố trí làm việc tại trạm y tế, số lượng người làm việc và cơ cấu chức danh nghề nghiệp của trạm y tế được xác định theo vị trí việc làm và gánh nặng công việc theo vùng, miền do cơ quan quản lý trực tiếp quyết định theo phân công, phân cấp và theo quy định của pháp luật. Việc tuyển dụng, sử dụng, hợp đồng làm việc thực hiện theo quy định của Luật viên chức; các chế độ, chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật.

Dự thảo này đã gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Hiện nay, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về Đề án Tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới; trong đó, có mục tiêu hoàn thiện cơ chế quản lý và chế độ chính sách đối với cán bộ y tế làm việc tại tuyến xã, đây là căn cứ rất quan trọng để Chính phủ sớm xem xét ban hành. Sau khi Đề án Tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt ban hành, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về y tế xã, phường cho phù hợp.

- Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trạm Y tế xã là trách nhiệm không chỉ của Ngành Y tế mà còn là của chính quyền các cấp. Hiện nay ở nhiều địa phương, dù vẫn thực hiện theo mô hình của Thông tư liên tịch 03/2008/TTLT-BYT-BNV, nhưng Ủy ban nhân dân huyện vẫn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế xã trong huyện.

2. Về tổ chức y tế truyến huyện:

Thời gian vừa qua Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến rộng rãi về mô hình tổ chức y tế ở địa phương; đồng thời, trong nội dung dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về Đề án Tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới có đề cập đến việc kiện toàn mô hình tổ chức các đơn vị y tế ở tuyến huyện. Đây là căn cứ rất quan trọng để liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ xây dựng các văn bản hướng dẫn sau khi Chính phủ chính thức ban hành Nghị định mới thay thế cho các Nghị định 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Các văn bản này sẽ là cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai thực hiện và quyết định theo thẩm quyền.

Hiện tại, sau khi có báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, ngày 03/11/2011, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7778/VPCP-TCCV thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Trong khi chưa sửa đổi Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tiếp tục thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của liên Bộ Y tế, Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện”.

Bộ Y tế đang xây dựng quy hoạch lại mạng lưới y tế tuyến huyện theo hướng tập trung đầu mối, thành lập trung tâm y tế cộng đồng.

- Việc thành lập Phòng Y tế huyện là thực hiện Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Phòng Y tế là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện được tổ chức thống nhất; có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn, nhằm thể chế về phân định rõ quản lý nhà nước với quản lý sự nghiệp trên địa bàn cấp huyện với mong muốn nâng cao khả năng phát triển, hiệu quả cung cấp dịch vụ của các đơn vị y tế công lập cũng như tư nhân; thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động y tế.

Tuy nhiên, hoạt động của Phòng Y tế chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn; thực tế khách quan cho thấy, vai trò của Phòng Y tế chưa đáp ứng với chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn do năng lực còn hạn chế và chưa phù hợp với khối lượng công việc theo vùng miền.

Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ không nên quy định Phòng Y tế là cơ quan chuyên môn được tổ chức mang tính thống nhất ở cấp huyện, chỉ nên tổ chức ở khu vực thực sự có nhu cầu, đặc biệt là khu vực thành thị; những khu vực khác nên lựa chọn giải pháp có chuyên viên thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyên trách theo dõi về lĩnh vực y tế và đồng thời cần tăng cường năng lực của cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh (Sở Y tế), đặc biệt là Thanh tra chuyên ngành và đơn vị thực thi pháp luật (Chi cục).

- Về đơn vị sự nghiệp y tế còn nhiều đầu mối: Văn bản hướng dẫn của liên Bộ Y tế- Bộ Nội vụ đã ghi rõ: “Trung tâm Y tế huyện là đơn vị sự nghiệp y tế được tổ chức thống nhất trên địa bàn cấp huyện; bệnh viện đa khoa huyện được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí do cấp có thẩm quyền quyết định; trạm y tế xã, phường, thị trấn là đơn vị chuyên môn, kỹ thuật thuộc Trung tâm Y tế huyện”; việc quyết định thành lập các đơn vị vị sự nghiệp y tế của địa phương thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến rộng rãi về mô hình tổ chức y tế ở địa phương; đồng thời, trong nội dung dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về Đề án Tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới có đề cập đến việc kiện toàn mô hình tổ chức các đơn vị y tế ở tuyến huyện. Đây là căn cứ rất quan trọng để liên Bộ Y tế, Bội vụ xây dựng văn bản hướng dẫn sau khi Chính phủ chính thức ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 13, Nghị định 14 làm cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai thực hiện và quyết định theo thẩm quyền.

3. Về chuẩn quốc gia y tế xã:

Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã đã có chia ra mức độ Tiêu chí theo các vùng, miền khác nhau: Thành thị, nông thôn và miền núi để làm cơ sở cho các địa phương áp dụng đánh giá, tính điểm cho các vùng khác nhau. Sau 2 năm triển khai thực hiện Quyết định ban hành kèm theo Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã, các địa phương và cử tri có phản ánh về việc khó áp dụng một số tiêu chí: Tiêu chí số 3 về cơ sở hạ tầng trạm y tế xã và Tiêu chí số 4 về trang thiết bị, thuốc và các phương tiện khác. Về vấn đề này, Bộ Y tế xin có một số ý kiến như sau:

- Tiêu chí số 3 có tổng số điểm là 12 điểm, trong đó có chia ra làm 6 chỉ tiêu nhỏ. Trong số 6 chỉ tiêu này thì chỉ có 03 chỉ tiêu với tổng số điểm tối đa là 7 điểm (chỉ tiêu số 8, 9, 11) được coi là có thể khó thực hiện ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tiêu chí số 4 có tổng số điểm là 10 điểm, trong đó có chia ra làm 8 chỉ tiêu nhỏ. Trong số 8 chỉ tiêu này thì chỉ có 02 chỉ tiêu với tổng số điểm tối đa là 2 điểm (chỉ tiêu số 14, 20) được coi là có thể khó thực hiện ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vì Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã được ban hành để phấn đấu thực hiện đến năm 2020, do đó có một số Tiêu chí được coi là khó, nhưng trong số những Tiêu chí khó này thì chỉ có rất ít các chỉ tiêu được coi là khó đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng số điểm của những Chỉ tiêu này là rất ít và vì vậy trên cơ sở thực tế, từng địa phương sẽ có những lựa chọn ưu tiên để dành điểm tối đa cho những Tiêu chí dễ, đồng thời từng bước phấn đấu để ghi điểm cho những tiêu chí khó.

Căn cứ vào tình hình thực tế, qua công tác giám sát tại các tỉnh và phản ánh của một số địa phương, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch sơ kết đánh giá 02 năm triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã, nắm bắt thêm tình hình để có cơ sở nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay.


[1]Trong đó quyết định: “Năm 2008 phát hành trái phiếu Chính phủ không quá 37.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư các dự án, công trình giao thông và thủy lợi không quá 28.000 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng để đầu tư xây dựng, nâng cấp bệnh viện tuyến huyện, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học”

[2] Trong đó quyết định “phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện, đa khoa khu vực liên huyện, trạm y tế xã, bệnh viện lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn; hoàn thành việc đầu tư nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và đa khoa khu vực liên huyện vào năm 2010”. 

[3] Theo tổng hợp kế hoạch rà soát và đăng ký vốn của các địa phương theo Chỉ thị 1792

[4]Theo tổng hợp kế hoạch rà soát và đăng ký vốn của các địa phương theo Chỉ thị 1792

[5] Hoàn thành giai đoạn I Bệnh viện K, nâng cấp khoa Ung bướu, tim mach thuộc Bạch Mai, BV Nội tiết, BV RHM TP HCM, BV ĐH Y dược TP HCM, BV TMH TW. Đang khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng: Khoa Nội  BV Hữu Nghị, BV C Đà Nẵng, BV Thống Nhất, Nhà 7 tầng BV Thái Nguyên, BV Phụ sản TW, BV Việt Đức, BV Trung ương Huế. Tập trung đầu tư cho Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Ung bướu BV Chợ Rẫy, Khởi công mới BV Bệnh nhiệt đới Trung ương….​


Thăm dò ý kiến