Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời cử tri về giảm tải bệnh viện

16/12/2013 | 05:00 AM

 | 

Câu hỏi:

1. Cử tri các tỉnh/thành phố Bình Dương, Bến Tre, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Tiền Giang, Bến Tre, Hà Nội, Sóc Trăng, Tp. Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang, Quảng Trị, Tp Hồ Chí Minh, Bắc Giang có ý kiến: “Cử tri ghi nhận việc nỗ lực cải thiện trong công tác khám chữa bệnh cho người dân của ngành y tế trong thời gian qua, tuy nhiên hiệu quả và chất lượng phục vụ vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Mặc dù viện phí tăng nhưng các bệnh viện vẫn trong tình trạng quá tải, người bệnh đến địa điểm y tế khám bệnh phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi, nhiều bệnh nhân phải nằm chung giường làm hạn chế quá trình điều trị ảnh hưởng đến quyền lợi người dân khi chưa hưởng những dịch vụ y tế tốt mà lẽ ra người dân phải được nhận khi trả phí. Cử tri đề nghị Chính phủ, các Bộ Ngành liên quan có trách nhiệm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện nhất là ở tuyến dưới, đẩy mạnh công tác quản lý, đào tạo về chuyên môn và đạo đức cho đội ngũ y bác sĩ để góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên, mang lại nhiều dịch vụ tốt hơn cho người dân”.

Trả lời:

1. Về đề nghị tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện nhất là ở tuyến dưới:

Ngay từ đầu nhiệm kỳ công tác 2011-2016, Bộ Y tế đã đặt vấn đề chống quá tải bệnh viện là nội dung ưu tiên hàng đầu trong chương trình công tác, đồng thời đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ngành, năm 2012 Bộ Y tế đã đưa vào hoạt động hơn 1350 giường bệnh mới, các cơ sở khám chữa bệnh mới được đưa vào sử dụng như Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, cơ sở Tân Triều của Bệnh viện K, cơ sở Tam Hiệp của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Viện Tim Mạch Bệnh viện Bạch Mai, mở rộng Trung tâm Y học hạt nhân Bệnh viện Bạch Mai,... Bộ Y tế đã tiến hành khởi công xây dựng Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, và sắp tới đây sẽ khởi công xây dựng mới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với quy mô 500 giường.

Bộ Y tế đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 (Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013), đặc biệt đối với 5 chuyên khoa hiện đang quá tải trầm trọng (sản, nhi, ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình). Hoạt động số 1 của Đề án là ”Đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạtầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại -chấn thương, tim mạch, sản và nhi”, trong đó quy định rõ “a) Đầu tư xây mới, nâng cấp và mrộng các bệnh viện thuộc phạm vi Đán, đến năm 2015 tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh; b) Tiếp tục cải tạo, mở rộng và từng bước hiện đại hóa khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao ở tuyến trung ương và tuyến cuối của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; c) Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới bệnh viện của cả nước và của từng địa phương nhằm bảo đảm cơ cấu và tỷ lệ giường bệnh phù hợp giữa các tuyến kỹ thuật và các chuyên khoa vào năm 2020. Trưc hết, ưu tiên tăng thêm số giường bệnh ở tuyến tỉnh cho 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại -chấn thương, tim mạch, sản và nhi.

Triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, thúc đẩy chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên về tuyến dưới. Đồng thời Bộ Y tế đã làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh- là những địa phương có tình trạng quá tải bệnh viện cao để tìm các giải pháp cụ thể. Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ dự án vốn vay 150 triệu dolar Mỹ của Ngân hàng thế giới để đầu tư nâng cao năng lực kỹ thuật cho 13 tỉnh Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Sông Hồng bao gồm cả đào tạo, trang bị và đảm bảo chất lượng. Dự kiến ngày 8/4/2013, Chính phủ sẽ đàm phán với Ngân hàng Thế giới về dự án này.

2. Về đề nghị quản lý, đào tạo về đạo đức cho đội ngũ y bác sỹ

Việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong ngành y tế cũng luôn được ngành y tế chú trọng. Để nâng cao tinh thần thái độ của cán bộ y tế, góp phần đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh, Bộ Y tế đã thường xuyên tổ chức các đợt học tập để trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiểu biết, thấm nhuần nhận thức và tiếp thu những nội dung cơ bản có liên quan về đạo đức nghề y như: Triển khai phổ biến và học tập nội dung 12 điều y đức được ban hành kèm theo Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 06/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Triển khai phổ biến và thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế (ban hành kèm theo Quyết định số 29/QĐ-BYT ngày 18/08/2008); Triển khai phổ biến và học tập các nội dung có liên quan được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 của Quốc hội khóa XI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 36: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; Điều 37: Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm); tiếp tục triển khai thực hiện làm việc theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh về đạo đức nghề nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh.

3. Về đề nghị đào tạo chuyên môn nhằm giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên

Trong những năm qua, Bộ Y tế đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách trong việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút bác sỹ nhằm khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ, đặc biệt là tại y tế cơ sở, như Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Quyết định 1544/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng núi của các tỉnh thuộc miền Bắc và miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên giai đoạn 2007 – 2018. Bộ đã chỉ đạo các trường y dược thuộc ngành triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản triên. Kết quả qua 5 năm thực hiện (2007-2011)  tại 34 tỉnh thành cho thấy đã cử tuyển được 1812 người; trong đó đào tạo đại học (y và dược) là 1331 người; cao đẳng: 198 người; trung cấp: 271 người; Kon Tum là tỉnh cử được nhiều người đi học nhất, với 294 người.

Nhằm tránh tình trạng thiếu nhân lực cục bộ tại các khu vực khó khăn, Bộ Y tế đã chỉ đạo các trường công lập thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo thông qua việc tăng cường đào tạo theo địa chỉ sử dụng: thí sinh do các địa phương cử đi học, được ưu tiên điểm trúng tuyển thấp hơn các thí sinh không thuộc diện này; địa phương hỗ trợ kinh phí đào tạo; địa phương phối hợp với trường quản lý sinh viên và nhận lại người học sau khi tốt nghiệp. Kinh phí đào tạo theo địa chỉ sử dụng được xây dựng theo tinh thần thu đủ bù chi để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Kết quả: năm 2008 các trường tuyển được 1.775 sinh viên, đạt 57,8% so với đề nghị của các địa phương, đơn vị; năm 2009 tuyển được 2,305 sinh viên, đạt trên 71,1% so với yêu cầu của các địa phương, đơn vị; năm 2010 tuyển được 3.617 sinh viên, đạt 98,37% so với yêu cầu của các địa phương, đơn vị; năm 2011 tuyển được 3.642 sinh viên, đạt 85,82% so với yêu cầu của các địa phương, đơn vị.

Bên cạnh thực hiện chế độ ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, Bộ Y tế xây dựng một số dự án trong đó có hỗ trợ sinh viên cử tuyển về phụ đạo kiến thức, tài liệu học tập, một phần sinh hoạt phí, học bổng khuyến khích...

Thăm dò ý kiến