Tổ chức Y tế thế giới họp lần 2 về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika và sự gia tăng các trường hợp bất thường hệ thần kinh và dị tật ở trẻ sơ sinh

27/03/2016 | 09:02 AM

 | 


Ngày 8/3/2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triệu tập cuộc họp lần thứ 2 của Ủy ban về tình trạng khẩn cấp thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR 2005) về các chùm ca bệnh mắc chứng đầu nhỏ và sự rối loạn thần kinh tại một số nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do vi rút Zika. Tại cuộc họp này, Ban Thư ký WHO báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện những khuyến cáo tạm thời của WHO và về các chùm ca bệnh mắc chứng đầu nhỏ và hội chứng Guillain-Barré (GBS) có thể có mối liên quan với sự lây truyền vi rút Zika.

Ủy ban ghi nhận các báo cáo trường hợp mắc và kết quả một số nghiên cứu về những mối liên quan tiềm ẩn giữa việc nhiễm trùng vi rút Zika, chứng đầu nhỏ và hội chứng GBS. Một số quốc gia thành viên cũng cung cấp một số thông tin về chứng đầu nhỏ, hội chứng GBS và một số bất thường về hệ thần kinh xảy ra tại các khu vực có sự lây truyền vi rút Zika: Brazil, Cabo Verde, Colombia, Pháp, Hoa Kỳ.

Theo đó, Ủy ban đã đưa ra khuyến cáo các chùm ca bệnh mắc chứng đầu nhỏ và hội chứng GBS vẫn tiếp tục là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa các bệnh này với vi rút Zika. Ủy ban về tình trạng khẩn cấp cũng đưa ra một số khuyến cáo cụ thể như sau:

1. Về chứng đầu nhỏ, các bất thường hệ thống thần kinh và vi rút Zika
- Tăng cường các nghiên cứu về mối liên quan giữa chứng đầu nhỏ, các bất thường thần kinh khác gồm cả hội chứng GBS, vi rút Zika.
- Tập trung tìm hiểu những số liệu về cấu trúc gen và ảnh hưởng lâm sàng của các chủng vi rút Zika khác nhau, thực hiện các nghiên cứu về bệnh lý học thần kinh của chứng đầu nhỏ, các nghiên cứu bệnh – chứng và nghiên cứu thuần tập tại những vùng bị ảnh hưởng bởi vi rút Zika gần đây nhất, thiết lập các mô hình nghiên cứu thử nghiệm trên động vật.

- Tiến hành các nghiên cứu về lịch sử lây truyền vi rút Zika, bao gồm tỷ lệ mắc bệnh không có biểu hiện triệu chứng, các biến chứng, đặc biệt là mối liên quan với phụ nữ mang thai.

- Thực hiện các nghiên cứu hồi cứu và tiến cứu về tỷ lệ trường hợp mắc chứng đầu nhỏ và các rối loạn hệ thần kinh khác tại những khu vực có sự lây truyền vi rút Zika nhưng chưa được theo dõi.

- Để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các nghiên cứu cho kết quả nhanh nhất, Ủy ban về tình trạng khẩn cấp cũng lưu ý một số nội dung sau:

+ Việc giám sát chứng đầu nhỏ và hội chứng GBS nên được chuẩn hóa và tăng cường, đặc biệt tại những khu vực có sự lây truyền vi rút Zika và những vùng có nguy cơ cao.

+ Xây dựng định nghĩa ca bệnh cho các trường hợp nhiễm vi rút Zika bẩm sinh.

+ Chia sẻ ngay với WHO các số liệu lâm sàng, vi rút học và dịch tễ học về tỷ lệ gia tăng các ca mắc chứng đầu nhỏ, hội chứng GBS và sự lây truyền vi rút Zika.

2. Về giám sát 
Tăng cường giám sát và thông báo kết quả lây truyền vi rút Zika, phổ biến các định nghĩa chuẩn về trường hợp bệnh và chẩn đoán cho những khu vực bị ảnh hưởng và có nguy cơ cao bởi vi rút Zika, đặc biệt những khu vực mới bị ảnh hưởng cần thực hiện các biện pháp kiểm soát véc tơ.

3. Kiểm soát véc tơ  
 - Tăng cường giám sát véc tơ, xác định các loài véc tơ muỗi truyền và độ nhạy của các loài muỗi này với hóa chất diệt côn trùng.
- Tăng cường các biện pháp kiểm soát véc tơ và phòng bệnh cá nhân nhằm giảm nguy cơ phơi nhiễm với vi rút Zika.
- Các quốc gia cần tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát véc tơ về lâu dài thông qua áp dụng các cơ chế của Điều lệ Y tế quốc tế 2005.

4. Truyền thông nguy cơ 
 - Tăng cường các hoạt động truyền thông nguy cơ tại quốc gia có sự lây truyền vi rút Zika nhằm nâng cao nhận thức của người dân và sự tham gia của cộng đồng, đảm báo áp dụng hiệu quả các biện pháp kiểm soát véc tơ và phòng bệnh cá nhân, đánh giá tác động các biện pháp truyền thông nguy cơ đã thực hiện.
- Đảm bảo phụ nữ ở độ tuổi mang thai và phụ nữ mang thai được tiếp cận các thông tin và dịch vụ y tế cần thiết nhằm giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm với vi rút Zika.
- Cung cấp thông tin về nguy cơ lây truyền vi rút Zika qua đường tình dục và các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ người trở về từ vùng dịch.

5. Điều trị 
- Phụ nữ mang thai phơi nhiễm với vi rút Zika cần được tư vấn và theo dõi trong thời gian thai nghén.
- Các khu vực đang lưu hành vi rút Zika cần chuẩn bị các dịch vụ chăm sóc, điều trị để sẵn sàng ứng phó.

6. Khuyến cáo cho khách du lịch 
Tới nay, WHO không khuyến cáo hạn chế đi lại và giao thương tới các nước, khu vực và vùng lãnh thổ có sự lây truyền vi rút Zika.
- Phụ nữ mang thai không nên đi tới các vùng có dịch bệnh do vi rút Zika và đảm bảo quan hệ tình dục an toàn với người từng sống hoặc trở về từ vùng có dịch hoặc tránh quan hệ tình dục trong thời kỳ thai nghén.
- Người dân đi đến vùng có dịch bệnh do vi rút Zika cần được cung cấp thông tin về nguy cơ và các biện pháp phòng tránh lây nhiễm vi rút Zika, đặc biệt tránh muỗi đốt và ngược lại người trở về từ vùng có dịch cần áp dụng các biện pháp phòng chống thích hợp như quan hệ tình dục an toàn.
Tổ chức Y tế thế giới thường xuyên cập nhật các thông tin và hướng dẫn phòng tránh nguy cơ lây nhiễm vi rút Zika cho khách du lịch. Quốc gia cần thực hiện các khuyến cáo của WHO về kiểm soát véc tơ truyền bệnh do vi rút Zika tại sân bay theo quy định tại Điều lệ Y tế quốc tế (2005) và xem xét việc thực hiện khử trùng tàu bay.

7. Triển khai các nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng bệnh do vi rút Zika 
- WHO khuyến cáo ưu tiên xây dựng các chẩn đoán mới về dịch bệnh do vi rút Zika nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện các biện pháp giám sát và kiểm soát véc tơ, đặc biệt quản lý và theo dõi phụ nữ mang thai.
- Tiếp tục thực hiện các nghiên cứu, xây dựng và đánh giá các biện pháp kiểm soát véc tơ mới.
- Tiếp tục nghiên cứu việc sản xuất vắc xin và xây dựng phác đồ điều trị vi rút Zika.
 
  Cục Y tế dự phòng lược dịch từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – Geneva​