Bác sỹ nơi đầu sóng ngọn gió

01/07/2016 | 03:24 AM

 | 

Đó là câu chuyện của bác sỹ Bùi Đình Lĩnh – Giám đốc Bệnh viện quân dân y Phú Quý (Bình Thuận) - nhân vật chính trong Bài viết "Bác sỹ nơi đầu sóng ngọn gió". Đây là tác phẩm đã đạt giải Nhất cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" do báo Sức khỏe và đời sống tổ chức. BBT xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

28 năm xa gia đình gắn bó với đảo xa, người thầy thuốc quê lúa Thái Bình, bác sĩ Bùi Đình Lĩnh được bà con khắp đảo yêu mến gọi là bác sĩ của ngư dân.

BS Lĩnh.jpg


Chân dung Bác sĩ Bùi Đình Lĩnh được bà con khắp đảo yêu mến gọi là bác sĩ của ngư dân.

 

 

28 năm xa gia đình gắn bó với đảo xa, bác sĩ đầu tiên trên đảo dám phẫu thuật ruột thừa, 3 lần được dân viết tâm thư gửi Sở Y tế Bình Thuận để xin bác ở lại với đảo. Người thầy thuốc quê lúa Thái Bình, bác sĩ Bùi Đình Lĩnh được bà con khắp đảo yêu mến gọi là bác sĩ của ngư dân.

 

Ca phẫu thuật đầu tiên trên đảo

 

Bác sĩ Lĩnh tóc đã điểm sợi bạc, dáng người thấp, giọng trầm trầm, hồi tưởng lại quãng thời gian đầu. Tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, bác Lĩnh vào Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) tìm cơ hội làm việc trong một bệnh viện nhà nước để đem những kiến thức về chuyên khoa ngoại, ngành sản khoa phục vụ bà con.

 

Đó là thời điểm năm 1986, bước ngoặt đổi mới, đời sống bà con và cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn. Trên đất liền khó một, nơi đầu sóng ngọn gió như đảo Phú Quý, thiếu thốn còn nhân lên gấp bội phần.

 

Năm 1986, có một đợt tăng cường cán bộ ra huyện đảo Phú Quý công tác trong 3 năm, bác sĩ Lĩnh xung phong đi. Bác bảo: “Lúc đấy tự nguyện ra đảo với tất cả sự say mê muốn dấn thân của tuổi trẻ, cũng chẳng hình dung ra điều kiện thiếu thốn tới mức ấy. Đặt chân xuống đảo thấy mênh mông cát trắng, nhà cửa cây cối còn loe hoe. Thất vọng, đúng là có thất vọng thật”.

 

Huyện đảo Phú Quý những năm ấy, cái gì cũng thiếu. Đường xá trên đảo chưa “tượng hình”, bốn bề toàn cát trắng. Cả đảo lèo tèo 3 quán cà phê cóc. Hàng quán chỉ có vài chỗ bán bánh căn (bánh bột gạo nướng trên khuôn) ăn với trứng luộc. Phải đến 2 năm sau thì mới bán mì tôm. Hai năm ăn uống kham khổ do không quen với thức ăn trên đảo, bác sụt từ 56kg xuống còn 47kg.

 

Trong trí nhớ bác Lĩnh, Bệnh viện Phú Quý ngày ấy không hơn gì một bệnh xá xã bây giờ. Khu đất rộng hoang sơ với ngôi nhà cấp 4 rộng 300m2, trong đó một dãy cho điều trị, một nơi làm chỗ ở cho y bác sĩ, nhân viên. Máy móc chẳng có gì ngoài những thứ rất “căn bản” như ống nghe, nhiệt kế, dụng cụ khám tai, mũi, họng. Bác sĩ Lĩnh đã xoay sở thật khéo để vừa có chỗ công tác vừa điều trị bệnh nhân trong khoảng không gian rất có hạn đó.

 

Máy móc thiếu thốn, bác sĩ chủ yếu khám lâm sàng chứ không có điều kiện xét nghiệm để đưa ra kết luận bệnh nhanh và chính xác như bây giờ. Vì khám lâm sàng, dựa vào kinh nghiệm nên bác phải cẩn trọng, có những ca nghi vấn ruột thừa, bác Lĩnh phải khám đi khám lại liên tục vài chục bận mới dám đưa ra kết luận.

 

Những năm “khám chay” giúp bác chăm chút tới từng biểu hiện nhỏ nhất trên cơ thể bệnh nhân, theo dõi kĩ càng các triệu chứng, cân nhắc các khả năng phát bệnh để không bỏ sót một nguy cơ nhỏ nào. Có đợt bác sĩ ngoài đất liền ra đảo, ngạc nhiên sao tỉ lệ khám lâm sàng chẩn đúng bệnh ở đảo cao như thế. Bác Lĩnh cười hiền khô bảo: “Khám chay hoài dần trở thành phản xạ nghề nghiệp rồi, chừng đó triệu chứng, chừng đó biểu hiện lâm sàng sẽ là của bệnh đó”. Bác bảo, có bí quyết gì ghê gớm đâu, mình đặt hết sự quan tâm vào người bệnh, tới một mức nhất định, ắt “gọi” trúng phóc được bệnh.

 

Cái triết lí giản dị hướng tất cả sự ân cần vào người bệnh xem ra phát huy tác dụng triệt để trong điều kiện thiếu thốn máy móc, phương tiện trên đảo những năm đầu sau đổi mới. Thương bà con trên đảo hiền lành, thiệt thòi mọi bề, nhất là mỗi khi bệnh tật, bác Lĩnh nhiều đêm trăn trở. Câu hỏi đau đáu nhất là làm sao để bệnh viện trên đảo không phải đầu hàng với những ca bệnh nặng. Ngày đó, những ca bệnh nặng được chuyển tàu thuyền vào thành phố Phan Thiết để chạy chữa, cấp cứu. Khoảng cách 56 hải lý là cả ngày tàu lênh đênh trên biển, vào đến đất liền, nhiều khi bệnh tình nguy kịch hơn, chẳng thể cứu chữa được nữa.

 

Giữa mịt mùng sóng nước, thiếu cả nhân lực và vật lực để chạy chữa.

 

Trên đảo có hai mùa gió chính. Mùa gió bấc và mùa gió Nam. Mùa gió bấc là đợt cao điểm của các bệnh đường hô hấp. Mùa gió Nam kéo dài từ tháng chạp đến ra giêng, là mùa bội thu cá tôm nhưng đồng thời, ngư dân dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa như đại tràng, ruột thừa... Nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao. Trong khi các phương tiện chữa bệnh của Trung tâm Y tế trên đảo Phú Quý lúc bấy giờ hầu như chưa sẵn sàng đối phó với dịch bệnh. Vậy nên không có gì cấp thiết hơn việc phòng bệnh ở những bước căn cơ nhất, ngay trong lối sống, cách ăn uống, sinh hoạt của bà con. Bác sĩ Lĩnh cùng nhân viên trung tâm xuống từng hộ ngư dân tuyên truyền về “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Việc gõ cửa từng nhà dân bước đầu có hiệu quả. Nhưng những trăn trở thì vẫn ngổn ngang.

 

Nếu bệnh tình chuyển nặng mà trên đảo đành bó tay không phẫu thuật, người dân chuyển vào đất liền tử vong vì đường xa, vậy có bác sĩ trên đảo có gì hơn khi chưa có bác sĩ? Suy nghĩ ấy làm bác Lĩnh không yên, quyết liều một phen với những ca cấp cứu, giành giật với thần chết từng tia hy vọng sống le lói cho người dân đảo.

Và bác Lĩnh là người đầu tiên trên đảo dám cầm dao mổ cho bệnh nhân của mình.

 

Cô Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Quý cho biết thêm: “Bà con trên đảo ngày trước không tin đau ruột thừa thì có thể mổ và chữa khỏi bằng phẫu thuật đâu. Ngư dân đi biển đánh bắt xa bờ về có khi chết ngay trên ghe vì đau ruột thừa. Họ bảo đó là “bị cò mồi bắt” và thuê thầy về cúng, mà càng cúng bệnh tình càng nặng. Cho tới khi bác sĩ Lĩnh về đảo thì mọi thứ chuyển biến tích cực”.

 

Điện trên đảo lúc ấy chưa có, phải dùng đèn măng xông. Cán bộ, nhân viên cũng chưa có kinh nghiệm với ca phẫu thuật nào. Cộng dồn tất cả những thách thức đó, bác sĩ Lĩnh thực hiện ca mổ đầu tiên năm 1987.

 

Một phụ nữ từ xã Long Hải được chuyển cho bác sĩ Lĩnh trong tình trạng đau bụng quằn quại đã mấy ngày liền, sau mấy ngày lập đàn cúng mà không thuyên giảm. Bác bảo lúc đó gió bấc đầu mùa, gió bấc mạnh cấp 6 nên không thuyền gỗ nào dám mạo hiểm đưa bệnh nhân vào đất liền, nguy cơ mất mạng trên biển bất kì ai cũng nhận thấy được. Bác Lĩnh quyết định mổ.

 

Đèn măng xông được huy động cho ca mổ, bàn mổ cũng là bàn sinh duy nhất trong bệnh viện bấy giờ. Bác Lĩnh vừa là bác sĩ phẫu thuật vừa tự tay chuẩn bị bàn mổ, hấp dụng cụ. Dụng cụ mổ được hấp thô sơ trên một bếp dầu. Trên đảo lúc ấy chưa hề có đội ngũ y sĩ sẵn sàng về mặt kinh nghiệm cho việc phẫu thuật. Bác Lĩnh hướng dẫn tỉ mỉ cho những người tham gia từng bước nhỏ của quá trình phẫu thuật, gây mê. Thuốc thang, vật dụng thiếu thốn nên bác tiến hành biện pháp gây mê tĩnh mạch.

 

Căng thẳng như dây đàn.

 

Làm sao để sự thiếu thốn vật dụng và non kinh nghiệm “trận địa” của đồng sự không ảnh hưởng đến chất lượng cuối cùng của ca mổ. Một cuộc tranh đấu nghẹt thở để giành lại sự sống vốn bị thần chết nắm giữ đằng chuôi.

Ca mổ thành công. Người phụ nữ được cứu sống trong gang tấc. Đó cũng là lúc bác sĩ Lĩnh làm bà con ngư dân trên đảo tin rằng ruột thừa chữa trị được bằng phẫu thuật.

 

“Hữu xạ tự nhiên hương”, người bệnh tìm đến bác sĩ để khám chữa bệnh thay vì lập đàn, tìm thầy giải bệnh.

Có những ngư dân lênh đênh trên biển đánh bắt trở bệnh đột ngột, chịu đau cả tuần lễ để về đảo, lên bàn mổ của bệnh viện 300m2 và được cứu sống.

 

Bác Lĩnh nhớ như in ca ruột thừa của ngư dân Nguyễn Mọi ở xã Long Hải đi câu cá mập ở xa bờ, lúc về đến đảo là đã ủ bệnh 20 ngày. Ca mổ ruột thừa kì quặc mà bác nhớ mãi trong sự nghiệp. Một ca khó ngay cả với những điều kiện y tế được trang bị đầy đủ, huống hồ ở Phú Quý lúc bấy giờ.

 

Thời điểm “nghìn cân treo sợi tóc”, bệnh nhân ở tình trạng nguy cấp, không thể chờ để chuyển viện gần 10 tiếng trên tàu vào đất liền.

 

Vào phẫu thuật thì cả ê-kíp tá hỏa nhìn nhau vì chỗ đau ruột thừa đã mưng thành một ổ mủ. Lúc đó đóng vết mổ lại và chuyển vào Phan Thiết thì bệnh nhân rất dễ tử vong dọc đường.

 

Ruột thừa mưng mủ, đổi màu và đặc quánh như sôcôla, phần lớn phần ruột bị hoại tử. Một ca viêm phúc mạc ruột thừa chuyển nặng.

 

Quyết định mổ tiếp thật sự khó khăn bởi thiếu dụng cụ trầm trọng. Bác Lĩnh cấp tốc cho chuẩn bị những thứ cần thiết cho ca cắt ruột và nối hậu môn nhân tạo trong thời gian đang rượt đuổi sát sạt. “Tình hình buộc tôi đưa quyết định nhanh và chính xác, tôi cắt đoạn ruột hơn 50cm và may lại”. Ca mổ nghẹt thở tới những phút cuối cùng.

 

Trong 7 ngày 7 đêm sau đó, bác sĩ Lĩnh và hai kĩ thuật viên gây mê đã thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh để hút dịch, đảm bảo thành ruột luôn trơn, lưu thông tốt.

 

Máy hút dịch đạp bằng chân, mỗi lần hút dịch đạp cả tiếng đồng hồ đến khi chân tê mỏi để đường ruột bệnh nhân ổn định, tránh bị dính. Người bệnh hồi phục trong sự chăm sóc tận tụy của y bác sĩ trên đảo.

 

Bác Nguyễn Mọi hết bệnh, lại dong thuyền đi biển và khỏe mạnh tới hôm nay ở tuổi 75 trong sự ngạc nhiên của mọi người và chính bác sĩ Lĩnh.

 

Ở nơi đầu sóng ngọn gió, dụng cụ thô sơ thiếu thốn, chỉ có tâm huyết với người bệnh đã giúp bệnh viện đảo tạo nên những kì tích. Bà con trên đảo an tâm hơn khi có bác sĩ tận tụy hết mình.

 

Những lá tâm thư giữ chân người bác sĩ

 

Thời gian gần 30 năm đặt chân trên đảo đã lùi xa nhưng bác Lĩnh vẫn rất nhớ về tình cảm nồng hậu mà bà con trên đảo dành cho cán bộ từ đất liền ra. Thiếu thốn đủ bề càng làm bật lên tình thương mến và sẻ chia của bà con trên đảo.

 

Những ca mổ đầu tiên phụ thuộc hoàn toàn vào đèn măng xông, rồi đến lúc đèn măng xông chẳng đảm bảo cho những ca mổ về đêm. Cái máy phát điện duy nhất trong bệnh viện thì hay trở chứng, nhiều lúc đang phẫu thuật vào hồi gay cấn thì hỏng ngang xương. Chính người dân trên đảo tức tốc chở máy phát điện đến cho bệnh viện mượn để... mổ tiếp.

 

Ông Phạm Phước, nhà ở xã Tam Thanh còn chở nguyên cái máy phát ở nhà để sẵn cho bệnh viện dùng phẫu thuật, chẳng lấy về nữa.

 

Dòng điện quý giá để những ca phẫu thuật được trơn tru, bà con được cứu sống.

 

Chính sự sẻ chia và mở rộng tấm lòng của người dân khiến bác cảm thấy được động viên và chia sẻ.

 

Những mạng người trên đảo được cứu sống trong những điều kiện hết sức ngặt nghèo như thế.

 

“Người đi biển tụi tui mà, lại còn ở trên đảo xa, mạng sống mong manh lắm chứ. Ngày xưa mỗi bận gió bấc, chưa có bệnh viện, chưa có bác sĩ ở đây, bà con toàn chết vì những bệnh trong đất liền có thể mổ và cứu được. Ở đảo, trước bác Lĩnh chưa ai mổ được. Bác đã mổ ổ bụng và cứu được nhiều người. Tụi tui mang ơn bác”, chú Nguyễn Văn Chí, 53 tuổi, ngư dân xã Tam Thanh vừa hối hả chuyển những chú cá trong khoang đá lên bến cảng vừa kể.

Lúc chào ra về, chú Chí ngoắc tôi lại, bảo: “Hôm nay có đi gặp bác Lĩnh không, chú gửi biếu bác vài con cá đuối nghen”.

 

Người trên đảo thương bác, gặp bác ở đâu cũng vui vẻ và bảo con cháu lễ phép chào bác. Hễ đi biển về lại biếu bác con cá, vài con mực. Bác Lĩnh bảo nhớ hoài cụ bà năm nay tám mấy tuổi rồi, mỗi tuần lại chống gậy quẩy lên bệnh viện một quầy dừa non biếu bác. Bác sĩ không nhận thì bà giận. Hỏi ra mới biết bác Lĩnh đã mổ được cái chân cho bà, bà già rồi nên không đủ sức đi tàu ra Phan Thiết để chữa.

 

Giữa bốn bề sóng nước mênh mông, ở xa gia đình, chính tình cảm thương mến của những người dân đảo đã tiếp sức cho bác rất nhiều. Suốt buổi chuyện trò, bác cứ nhắc mãi về bà con trên đảo với một sự trìu mến đến lạ: “Bà con hiền lắm, thương mình lắm”. Tình thương ấy như động lực để tận tụy không kể ngày đêm với công việc khám chữa bệnh.

 

“Nhiều hôm tôi mổ tới nửa đêm, mùa gió chướng, bệnh hô hấp bùng phát, khám tới 6, 7 giờ tối là thường, còn bệnh nhân chờ là còn khám. Đó là quãng thời gian hăng say với nghề, chẳng biết mệt mỏi là gì” - bác Lĩnh kể.

 

Sự tận tụy của bác sĩ Lĩnh được dân đảo ghi nhận, họ thêm phần quý mến bác. Hết 3 năm sinh sống và làm việc trên đảo, bác sĩ Lĩnh định xin vào đất liền để tiện chăm sóc cho gia đình có cha mẹ già, một vợ và hai con nhỏ vẫn đang ở Thái Bình. Sở Y tế đã duyệt quyết định. Thế mà quyết định ấy chẳng có sức nặng bằng bức tâm thư hơn 10 trang giấy gửi từ đảo Phú Quý.

 

Một sự kiện “vô tiền khoáng hậu” từ trước đến nay trong các sở, ban, ngành ở địa phương. Một bác sĩ ra với đảo và được bà con đảo tha thiết trình bày tâm nguyện mong bác đừng bỏ đảo mà đi. Tâm thư ấy bác Lĩnh chưa trực tiếp cầm, được kể lại là đã trình bày nguyện vọng của bà con, những người được bác trực tiếp chữa chạy, sống sót. Đi kèm sau thư là chữ ký ủng hộ của những bà con khác ở khắp đảo, chật ken cả 10 trang giấy khổ A4. Tất cả hướng tới nguyện vọng vị bác sĩ của ngư dân sẽ ở lại với ngư dân.

 

Bác Lĩnh đã ở lại. Bác từ tốn: “Ngày đầu đặt chân lên đảo, chỉ nghỉ làm 3 năm rồi về, không nghĩ mình sẽ ở lại nơi đây gần hết cuộc đời. Gần 30 năm, bao lớp người đến, rồi bỏ về giữa chừng khi thấy biển khơi bịt bùng trước mắt. Nhiều người bỏ ngang, sẵn sàng bị mất công việc, làm lại từ đầu ở một ngành khác thay vì bám trụ với đảo. Sóng gió làm người ta hãi hùng, chùn chân”.

 

Bác kể, không gì sợ bằng những đợt bão giáng xuống đảo. Biển khơi bao bọc, hòn đảo như một chấm nhỏ mong manh có thể bị đánh chìm bất cứ lúc nào. Những lúc ấy, “nói không nản chí thì là nói dối”, giọng bác chùng xuống, “sau một trận thiên tai, thấy sợ vô cùng, cảm tưởng như muốn bỏ cuộc giữa biển khơi”.

 

Chẳng hiểu sức mạnh nào giữ bác ở lại, bền bỉ như có một sợi dây neo bền chặt giữ bác lại với đảo xa.

 

Lúc trước bệnh viện có hai kĩ thuật viên gây mê phối hợp với bác rất ăn ý. Họ cùng bác san sẻ những khó khăn, những cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân trong những ca mổ đầu tiên. Bác quý cả hai nhưng tôn trọng quyết định của họ là tìm về đất liền, theo đuổi một tương lai sáng lạn hơn.

 

Những đứa con trên đảo học hành, ra trường rồi cũng ở lại với đất liền tìm kiếm cơ hội.

 

Điều kiện trên đất liền tốt thế, mời gọi thế, nặng lòng với đảo đến đâu cũng dễ lung lay. Ở trên đảo, lương có cao hơn một chút nhưng y bác sĩ chẳng thể mở phòng mạch tư hay làm thêm kiếm thu nhập như trên phố thị, cuộc sống khó khăn, cơ hội thăng tiến cũng hạn chế. Vì thế, từng lớp người lần lượt rời đảo, chẳng dám quay lại.

Bác Lĩnh ở lại, chứng kiến mọi biến thiên, bao dung với tất cả.

 

30 năm, bác từ một thanh niên mang bao hăm hở đến với đảo xa, nay mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc. Bác đi cùng với bệnh viện từ những ngày còn lụp xụp, vài người cho đến nay là một bệnh viện khang trang với 100 giường bệnh và hơn 50 cán bộ nhân viên. Bác chứng kiến từng thay đổi, bước ngoặt của bệnh viện, từng sự kiện nhỏ như chiếc bàn mổ đầu tiên được mua lại từ một cơ sở ở huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Bác quen thuộc từng ngóc ngách bệnh viện, bởi viện cũng là nhà bác, từ bao năm nay.

 

Thời gian trôi đi, bác sĩ Lĩnh già đi, bệnh viện cũ rồi mọc lên mới, khang trang. Chỉ có niềm yêu nghề và tình thương với đảo đằm sâu trong tim và dày lên theo năm tháng.

 

Như có thần giao cách cảm, mỗi lần bác nao núng, có ý định chuyển đi thì người dân đảo lại dùng “chiêu thức” cũ, viết tâm thư mong bác ở lại. Năm 1998 là một năm như thế.

 

Nhiều người bạn đang công tác ở các địa phương khác mời bác về, giới thiệu những vị trí làm việc tốt, gần với gia đình. Bác dao động thực sự. Bao nhiêu năm xa gia đình nhỏ, chỉ kịp về thăm mỗi năm một lần vào dịp Tết. Nỗi niềm đè nặng tâm tư bấy lâu là bác đã không tròn trách nhiệm với gia đình. Hai đứa con bác trưởng thành mà thiếu sự dìu dắt cận kề của người cha. Cha mẹ già một tay vợ bác phụng dưỡng. Những nhọc nhằn gia đình, bác không ở bên để chia sẻ cùng người vợ giàu đức hy sinh. Cuộc sống của bác mấy mươi năm qua, trọn vẹn dành cho nơi này, chăm chút cho sức khỏe bà con ở một hải đảo xa tít mù khơi.

 

Bác nghĩ suy và đắn đo nhiều nỗi. Những lá thư dạt dào tình cảm của người dân đảo, một lần nữa là cú đánh quyết định, dẹp tan những dao động. Bác ở lại với đảo.

 

Bác sĩ Bùi Đình Lĩnh học tiếp và tốt nghiệp thạc sĩ ngành y tế công cộng năm 2008. Cấp trên có ý định giữ bác lại làm công tác giảng dạy ở Trường cao đẳng Y tế Bình Thuận. Bác cũng muốn thử sức với vai trò mới nhưng những lá thư lần thứ ba lại làm bác mủi lòng.

 

Bác sĩ Lĩnh năm nay 57 tuổi và cống hiến âm thầm những năm tháng tuổi trẻ cho mảnh đất đầu sóng ngọn gió này. Bác điềm tĩnh, hiền lành và cũng ít dịp bộc bạch những tâm tư ngổn ngang về gia đình phương xa.

 

Mắt bác sáng ngời khi kể về gia đình nhỏ ở Thái Bình. Đó như khoảng trời riêng mà mỗi lần chạm đến, bác không ngăn được niềm xúc động. Con trai và con gái bác đều đã trưởng thành, có con đường đi riêng.

 

Bác Lĩnh bảo bác sẽ nhớ mãi những vần thơ này, nhớ trong suốt hai tám năm qua và trong cả phần đời còn lại. Những vần thơ đầy tự hào của cô con gái nhỏ tên Nhung viết tặng bác khi cô bé chỉ 10 tuổi, trong lần bố về thăm nhà. Những vần thơ đi kèm với chiếc khăn mùi xoa - “khăn để thấm nước mắt mỗi khi bố nhớ con” mà cô con gái nhét vội vào tay bố ngày ông trở vào Nam công tác. Những vần thơ sống động:

 

“Bố em ở xa lắm

Tận miền đảo xa xôi

Bố là bác sĩ đó

Cứu chữa cho bệnh nhân

Ngày đêm bố tất bật

Vì bệnh nhân mong chờ

Thương bố em phải cố

Học hành chăm thật chăm”

 

Tình cảm trìu mến của con cái và những giọt nước mắt cố nén của người vợ nơi quê nhà, bác cất giữ nơi sâu kín nhất của trái tim mình, tập trung cho nhiệm vụ.

 

Sự gắn bó thủy chung của bác với mảnh đất xa xôi gần 30 năm trai trẻ, coi đây như quê hương thứ hai của mình mà tận tụy cứu chữa người bệnh, là một câu chuyện truyền cảm hứng thật sự!

 

Có dịp trò chuyện với cô giáo Minh Hương đang dạy môn sinh, Trường THPT Ngô Quyền, cô bảo: “Những cán bộ từ đất liền ra đảo công tác như chúng tôi được khích lệ rất nhiều từ câu chuyện của bác sĩ Lĩnh. Một người dành cả đời để chữa bệnh cho bà con trên đảo, thay đổi suy nghĩ của bà con về y tế theo hướng tích cực hơn. Chúng tôi thấy những hy sinh, thiệt thòi của mình trở nên nhỏ bé quá. Thực sự bác truyền cảm hứng cho tất cả”.

Phải, câu chuyện của một người bác sĩ hiền hòa, tận tụy với người bệnh xuất hiện trong suy nghĩ và niềm tin của mỗi ngư dân đảo như một “cơn mưa phúc lành”. Cơn mưa ấy như là sự an ủi xoa dịu những thiệt thòi, khó khăn của họ bao lâu trên đảo xa.

 

Từ một bệnh xá 300m2 trở thành bệnh viện khang trang, những hàng ghế ngồi chờ của bệnh nhân sáng bóng dưới ánh mặt trời. Những người bệnh cười tươi chào bác sĩ khi bác đi qua.

 

Bác Lĩnh chân bước thoăn thoắt, háo hức giới thiệu những máy móc mới tinh vừa cập bờ. Những thiết bị hiện đại sẽ hỗ trợ công việc cứu người bệnh trên đảo cơ động và thuận tiện gấp nhiều lần. Bác mân mê chiếc máy mới, say sưa thuyết minh về những công dụng của nó trong khám nội soi, bắt bệnh chính xác, đỡ nhọc công người bệnh vô tận đất liền để thực hiện những ca chụp CT, Xquang.

 

Một trăm chiếc giường inox sáng lấp lánh dưới ánh nắng sẽ đủ chỗ cho bệnh nhân tá túc trong những đợt bệnh cao điểm về hô hấp.

 

Bệnh viện đảo khang trang là một mơ ước của bác từ ngày đầu đặt chân đến, mấy chục năm trước. Bây giờ điều ước thành hiện thực. Bác vui chung với niềm hân hoan của bà con trên đảo.

 

Một ngày của bác bắt đầu với việc đi thăm từng bệnh nhân, hỏi han triệu chứng, động viên, thăm khám dù có bận bịu với cương vị quản lí đến đâu chăng nữa.

 

Ở mỗi nơi bác đến, mọi người cười tươi, chào bác thân tình như gặp một người thân mà họ vô cùng nể trọng. Bác sĩ Bùi Đình Lĩnh là Giám đốc của Trung tâm Quân dân y Phú Quý (nay là Bệnh viện Quân dân y Phú Quý) từ năm 1987 đến nay, nơi với bác, là quê hương thứ hai. Và trong chừng ấy năm, bác luôn là bác sĩ của ngư dân, hết lòng vì ngư dân.

 


Không tìm thấy banner