Thông tin Cải cách hành chính tháng 12/2020

01/12/2020 | 09:07 AM

 | 

1. Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ trong năm 2020 của Bộ Y tế

 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã tập trung rà soát, đánh giá; xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực y tế. Ngày 30/10/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Báo cáo số 1721/BC-BYT về phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực y tế giai đoạn 2021-2025 gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất cắt giảm 29 điều kiện kinh doanh, 162 thủ tục hành chính và đề xuất sửa đổi: 02 Luật, 08 Nghị định, 03 Thông tư  và 01 Thông tư liên tịch.

Về kết quả thống kê, nhập liệu các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực y tế, căn cứ Quyết định số 1899/QĐ-BYT ngày 20/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc công bố Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh và danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Theo đó, thống kê báo cáo đến ngày 15/12/2020 các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế đã tiến hành rà soát, thống kê 88 lĩnh vực kinh doanh, đã thống kê và nhập liệu trên phần mềm (https://nq68.baocaochinhphu.gov.vn) được 538/620 điều kiện kinh doanh và 118 TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, đạt 86,77% (Chi tiết tại phụ lục đính kèm theo). Để đảm bảo kết quả nhập liệu được chính xác, Thủ trưởng các đơn vị đã phân công cán bộ chuyên môn của từng Phòng/Ban được giao quản lý nhà nước các quy định này triển khai nghiêm túc.

Về kết quả tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực y tế, theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế đã thực hiện tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực y tế song song với việc nhập liệu thống kê các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Số liệu thống kê báo cáo đến ngày 15/12/2020, tổng chi phí tuân thủ 538 điều kiện kinh doanh và 118 TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế334.994.800.000 đồng (Bằng chữ: Ba trăm ba mươi bốn tỷ chín trăm chín mươi tư triệu tám trăm nghìn đồng./.). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm theo). Chi phí tuân thủ này được tính dựa trên các yêu cầu chi phí tuân thủ về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, yêu cầu về báo cáo và tiêu chuẩn quy chuẩn ký thuật. Theo báo cáo thống kê các quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh, phần kiểm tra chuyên ngành của các lĩnh vực kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Y tế không có chi phí tuân thủ. (525, 1)

Phòng Kiểm soát TTHC

  1. 100% thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế được công khai TTHC và kết quả giải quyết hồ sơ

Trong năm 2020, Bộ Y tế tổ chức rà soát, chuẩn hóa, công khai thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Tất cả các Quyết định và TTHC sau khi công bố áp dụng đều được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC đầy đủ và đúng thời gian theo quy định (địa chỉ https://csdl.dichvucong.gov.vn); Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế (địa chỉ: https://moh.gov.vn), Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế (địa chỉ: https://dichvucong.moh.gov.vn).

Ngoài 03 địa chỉ website nêu trên,  các đơn vị thuộc Bộ Y tế đã  công bố, công khai, niêm yết Danh mục các TTHC tại nơi giải quyết TTHC, công khai trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tra cứu, sử dụng khi cần.

Tổ chức công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC trên Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế theo đúng quy định, trong đó công khai số hồ sơ đã giải quyết, số hồ sơ giải quyết đụng hạn và số hồ sơ đang giải quyết. Các đơn vị của Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo giảm tối đa tỷ lệ hồ sơ bị quá hạn, do vậy trong năm 2020 tỷ lệ hồ sơ giải quyết bị quá hạn của Bộ Y tế là 3,1%. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo các Đơn vị thực hiện nghiêm việc gửi thư xin lỗi cho các tổ chức, cá nhân nếu hồ sơ bị quá hạn.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC và cập nhật đầy đủ các quy trình điện tử trong giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử và các dịch vụ công trực tuyến của Bộ.

Trong năm 2020, tổng hợp số liệu báo cáo kết quả tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại các đơn vị của Bộ Y tế thuộc 14 lĩnh vực chuyên ngành như sau:

Tổng số hồ sơ tiếp nhận: 152.887 hồ sơ

- (trong đó: đúng hạn 115.424 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 95,1%; Quá hạn 5952 hồ sơ chiếm tỷ lệ 4,9%).

- Số hồ sơ đang giải quyết: 31.511 hồ sơ (trong đó: đúng hạn 30.141 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 95,7%; Quá hạn 1370 hồ sơ chiếm tỷ lệ 4,3%). (453,1)

Phòng Kiểm soát TTHC

  1. Tình hình thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Y tế năm 2020

              Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Ngày 09/4/2020, Lãnh đạo Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 1633/QĐ-BYT về rà soát, đánh giá thủ tục hành chính Bộ Y tế năm 2020.

              Thực hiện Kế hoạch nêu trên, Bộ Y tế đã dự thảo và hoàn thiện Báo cáo rà soát, đơn giản các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Bảo hiểm y tế và tổ chức hội thảo xin ý kiến góp ý của Sở Y tế, các Bệnh viện công lập và tư nhân các tỉnh/thành phố khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Hiện nay Bộ Y tế đang hoàn thiện và trình Lãnh đạo Bộ ban hành kế hoạch đơn giản hoá TTHC lĩnh vực này trong năm 2020. Hiện đang tổng hợp, dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực bảo hiểm y tế.

              Tổ chức rà soát, đối chiếu, chuẩn hóa toàn bộ danh mục TTHC thuộc phạm quản lý của Bộ Y tế. Trên cơ sở kết quả rà soát, các đơn vị của Bộ Y tế đang phối hợp với các đơn vị hoàn thiện dự thảo và trình Lãnh đạo Bộ ban hành các Quyết định công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các TTHC theo các văn bản QPPL mới ban hành hoặc thay thế, bãi bỏ các TTHC đã hết hiệu lực. (299, 0.5)

Phòng Kiểm soát TTHC

 

  1. Kết quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC

              Trong năm 2020, các đơn vị của Bộ Y tế tiếp tục duy trì thực hiện tốt việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các Đơn vị đúng quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ. Theo đó, triển khai Quyết định số 5476/QĐ-BYT ngày 21/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về triển khai thực hiện Đề án triển khai thực hiện cơ chế một cửa,một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Y tế (thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ), ngày 05/6/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 2348/QĐ-BYT thành lập Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Y tế; Quyết định số 3148/QĐ-BYT ngày 20/7/2020 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Y tế. Hiện nay, Bộ Y tế đang tổ chức cải tạo trụ sở Bộ phận Một cửa tại Bộ Y tế. Dự kiến khai trương trong Quý I/2021.

               Bộ Y tế đã khai trương và đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công Bộ Y tế vào ngày 13/11/2019 (https://dichvucong.moh.gov.vn), người dân, doanh nghiệp có thể truy cập để nộp hồ sơ trực tuyến, theo dõi tình hình xử lý hồ sơ trực tuyến đồng thời gửi phản ánh kiến nghị đến bộ phận tiếp nhận để xử lý theo đúng thời hạn và quy định. Đã xây dựng và hoàn thiện Hệ thống Một cửa điện tử của Bộ Y tế. (324, 1)

Phòng Kiểm soát TTHC

 

5. Về triển khai Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020, ngày 23/6/2020 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch số 954/KH-BYT về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực y tế năm 2020; Ngày 29/7/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3348/QĐ-BYT về việc thành lập Tổ công tác và Nhóm giúp việc Tổ công tác của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Ngày 20/8/2020, Bộ Y tế đã gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (Công văn số 4436/BYT-VPB6). Trong đó, Bộ Y tế đã hoàn thiện và gửi báo cáo Văn phòng Chính phủ Danh mục các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Đồng thời, thực hiện yêu cầu của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 6766/VPCP-KSTT ngày 14/8/2020 và sau khi được tham dự tập huấn hướng dẫn sử dụng Hệ thống phần mềm thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh do Văn phòng Chính phủ tổ chức, đến nay Bộ Y tế đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ nhập liệu và tính toán chi phí tuân thủ các quy định. Hiện đang tổng hợp báo cáo Chính phủ theo quy định. (295, 0.5)

Phòng Kiểm soát TTHC

 

  1. Về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

Bộ Y tế tiếp tục thực hiện công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân và doanh nghiệp đối với các quy định hành chính trên trang chủ của Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và được niêm yết tại nơi tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị.

Tiếp tục tổ chức tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân đến đường dây nóng và các câu hỏi người dân gửi trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng thông tin điện tử Chính phủ qua địa chỉ website http://nguoidan.chinhphu.vn;http://doanhnghiep.chinhphu.vn; giaidapchinhsach@chinhphu.vn. Các ý kiến phản ánh của người dân đều được chuyển đến các cơ quan chức năng trả lời trả lời theo đúng thẩm quyền.

Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế đã tạo tài khoản, phân quyền, hướng dẫn các thao tác cho các cán bộ đầu mối xử lý phản ánh kiến nghị của các Vụ, Cục xử lý các phản ảnh kiến nghị trên phần mềm Hệ thống phản ánh kiến nghị do Văn phòng Chính phủ xây dựng (https://pakn.dichvucong.gov.vn/web/).

Tính đến 15/12/2020 Bộ Y tế đã tiếp nhận tổng hợp 30 kiến nghị của các các nhân, tổ chức về các quy định chính sách, thủ tục hành chính và các vướng mắc khác. Bộ Y tế đã thực hiện quy trình xin ý kiến các đơn vị chuyên môn, tổng hợp và trình Lãnh đạo Bộ trả lời các kiến nghị đúng thời hạn yêu cầu của Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Y tế đang thực hiện khai thác, sử dụng “Nền tảng trao đổi định danh điện tử của Cổng Dịch vụ công Quốc gia” theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 7443/VPCP-KSTTHC ngày 08/9/2020. (327,1)

Phòng Kiểm soát TTHC

 

7. Về công tác truyền thông về công tác kiểm soát TTHC của Bộ Y tế trong năm 2020

Bộ Y tế thường xuyên cập nhật kết quả triển khai các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát TTHC gồm: hoạt động và kết quả kiểm soát thủ tục hành chính đến cá nhân và tổ chức; khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm công khai, minh bạch các thông tin về TTHC nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện TTHC thông qua việc công bố bổ sung và hủy bỏ các TTHC và kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị tại cơ quan, đơn vị trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về kiểm soát TTHC; hướng dẫn tra cứu, quản lý TTHC lĩnh vực y tế trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia và phần mềm quản lý phản ánh, kiến nghị của người dân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia cho cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ KSTTHC của các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ. Phối hợp với các đơn vị truyền thông, tổ chức đoàn thể để tuyên truyền kết quả triển khai cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế. Tổ chức xây dựng Cuốn cẩm nang: “Hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm soát thủ tục hành chính ngành Y tế”.

     Trong năm 2020, Bộ Y tế đã tổ chức 03 sự kiện lớn: Lễ công bố hoàn thành Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Bộ Y tế do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì vào ngày 30/6/2020; Lễ khai trương Cổng thông tin “Công khai giá trang thiết bị y tế” vào ngày 09/9/2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì; xây dựng Chuyên mục “Công khai tài chính và kết quả trúng thầu” trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế. Việc công khai giá các thiết bị y tế cũng như cấu hình thiết bị y tế, tiến tới công khai giá trúng thầu của các gói thầu thiết bị y tế trên Cổng thông tin sẽ giúp cho các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Tại 03 sự kiện nêu trên, Bộ Y tế đã mời phóng viên của các Đài/Báo của Trung ương và địa phương đưa tin đầy đủ và nhanh để tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết. Tổ chức các buổi gặp mặt với Hiệp hội doanh nghiệp Dược để giải đáp các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp về quy định liên quan đến quy định. (495,1)

Phòng Kiểm soát TTHC

 

 

  1. Đánh giá kết quả thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ Y tế năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021

              Công tác kiểm soát TTHC luôn được Lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Ngay từ đầu năm, Lãnh đạo Bộ Y tế đã ban hành đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-BYT ngày 05/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Y tế, trong đó tập trung khắc phục những hạn chế còn tồn đọng (Công văn số 2292/BYT-VPB6 ngày 24/4/2020). Ngoài ra, Lãnh đạo Bộ đã ký ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành công tác kiểm soát TTHC đầy đủ như: Kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC năm 2020; Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2020,… Nhờ vậy, công tác kiểm soát TTHC năm 2020 được nâng lên rõ rệt.

              Tổ chức kiện toàn đội ngũ cán bộ đầu mối thực hiện thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC của Bộ Y tế được kiện toàn kịp thời (Ngày 24/4/2020, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành Quyết định số 1862/QĐ-BYT kiện toàn danh sách công chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC của Bộ Y tế thay thế Quyết định số 4169/QĐ-BYT ngày 09/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế). TTHC, quy trình nội bộ giải quyết cũng được các đơn vị tham mưu công bố, cập nhật, công khai, niêm yết kịp thời. Thường xuyên tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt nghiêm túc việc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện TTHC nhằm giảm chi phí thực hiện cho cá nhân, tổ chức; triển khai thực hiện các nội dung có liên quan tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tại các bộ, ngành, địa phương; Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ và các văn bản khác có liên quan.

              Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC được đào tạo, tập huấn đầy đủ nên đã có sự thay đổi về nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát TTHC, chủ động hơn trong công tác tham mưu, đề xuất, cập nhật, thống kê và rà soát TTHC.

              Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, Công tác kiểm soát TTHC của Bộ Y tế còn một số những khó khăn như: cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC phải kiêm nhiệm, công việc chuyên môn ngày càng nhiều, biên chế lại giảm, văn bản quy phạm pháp luật quy định TTHC thường xuyên thay đổi dẫn đến cập nhật, thống kê chưa kịp thời. Các TTHC thường xuyên có biến động về số lượng, nội dung và một số TTHC thường được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, gây khó khăn cho việc xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử và cập nhật thông tin về TTHC vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Người dân chưa quen với việc sử dụng dịch vụ của Bưu điện, tâm lý còn e ngại vấn đề an toàn thông tin, bưu gửi khi thực hiện giải quyết TTHC qua đường bưu chính công ích, sợ mất, thất lạc hồ sơ,…

Về Kế hoạch năm 2021, Bộ Y tế ban hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch hoạt động Kiểm soát TTHC năm 2021, ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm soát TTHC tại Bộ Y tế theo các văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ. Tổ chức khai trương và vận hành Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Y tế. Triển khai Kế hoạch của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. (764, 1.5)

Phòng Kiểm soát TTHC

 

  1. Kết quả tích cực trong việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích của Bộ Y tế năm 2020

Trong năm 2020, trên cơ sở những kết quả đã đạt được từ năm 2019 các đơn vị của Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bưu điện Thành phố Hà Nội triển khai tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích qua các dịch vụ chuyển phát nhanh như: Vnpost, Viettel, các Công ty chuyển phát nhanh tư nhân. Đến ngày 15/12/2020, số lượng kết quả tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua Bưu điện Thành phố Hà Nội đã tăng lên rõ rệt.

Theo số liệu tổng hợp báo cáo từ các đơn vị, trong năm 2020 Bộ Y tế đã thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích như sau: Tỷ lệ TTHC đã triển khai có phát sinh hồ sơ tiếp nhận hoặc trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích đạt trên 50%; Tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích: tổng số 152887 hồ sơ tiếp nhận giải quyết TTHC, trong đó số hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích là 18.347 hồ sơ (chiếm 12%); Tỷ lệ kết quả giải quyết TTHC được trả qua dịch vụ bưu chính công ích: tổng số 152887 hồ sơ trả kết quả giải quyết TTHC, trong đó số hồ sơ trả qua dịch vụ bưu chính công ích là 53.511 hồ sơ (chiếm 35%).

So với năm 2019, số hồ sơ trả qua bưu chính công ích năm 2020 tăng cao hơn do Lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo các các đơn vị tăng cường truyền thông hiệu quả của dịch vụ bưu chính công ích để người dân biết và sử dụng, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Bưu điện Hà Nội và các đơn vị thuộc Bộ Y tế đã chủ động phối hợp để triển khai tích cực tiếp nhận hồ sơ; trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích. Đến nay, 100% các đơn vị của Bộ Y tế đã ký hợp đồng và tổ chức thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích với Bưu điện Thành phố Hà Nội. (432,1)

Phòng Kiểm soát TTHC

 

10. Tình hình triển khai việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích tại Bộ Y tế

Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đã tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với các cơ quan Nhà nước, mang lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực, giúp các doanh nghiệp, cá nhân giảm chi phí, thời gian đi lại khi giải quyết TTHC. Đặc biệt, trong năm 2020 xảy ra dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới và trong nước nên việc triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích cũng giúp bộ phận giải quyết TTHC nâng cao hiệu quả xử lý các TTHC, giảm số hồ sơ nợ đọng, quá hạn, tiết kiệm thời gian, giảm áp lực cho cán bộ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC và phòng chống dịch bệnh.

                 Tuy nhiên, những tồn tại cản trở vẫn khiến hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích chưa có nhiều người sử dụng là do người dân, doanh nghiệp chưa quen, chưa hiểu rõ việc cung ứng, sử dụng dịch vụ của đơn vị bưu chính công ích nên người dân, doanh nghiệp thường trực tiếp đến gửi hồ sơ và nhận kết quả tại các đơn vị giải quyết TTHC. Do hồ sơ của các cá nhân, doanh nghiệp gửi Bộ Y tế chưa đảm bảo yêu cầu chuyên môn nên phải trả lại để hoàn thiện, bổ sung gây lãng phí về thời gian và kinh phí. Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích chưa được triển khai đồng bộ và kịp thời nên còn lúng túng trong thực hiện; việc kết nối mạng thông tin giữa các cơ quan, đơn vị giải quyết TTHC với VNPost triển khai còn chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Khi đăng ký dịch vụ trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích các doanh nghiệp, cá nhân chỉ cung cấp địa chỉ, số điện thoại, tuy nhiên khi nhân viên bưu chính đến giao kết quả thì không có mặt ở nơi cung cấp địa chỉ, hoặc người khác cùng đơn vị nhận hộ do bận không chuyển lại cho người cần nhận, không liên lạc được qua điện thoại dẫn đến thất lạc kết quả. Việc trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân và đơn vị còn chậm, thất lạc và không đảm bảo chất lượng khi nhận được như: chứng chỉ hành nghề bị nhàu nát, cồng kềnh, dễ nứt vỡ,…

                   Để việc triển khai tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích ngày càng phổ biến rộng rãi thì cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về các tiện ích của việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích dưới nhiều hình thức để người dân biết và thực hiện khi có nhu cầu sử dụng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, kết nối mạng thông tin phục vụ triển khai Quyết định 45/2016/QĐ-TTg thông qua hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương. Cập nhật thường xuyên, đầy đủ và chính xác thông tin về các TTHC trên Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế, Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Trang tin của các đơn vị trực thuộc Bộ và trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế (thời gian xử lý, phí, lệ phí, phương thức nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích và không qua dịch vụ bưu chính công ích...) để tổ chức, cá nhân cũng như nhân viên bưu điện thuận lợi trong việc tìm hiểu thông tin hoặc hướng dẫn khi thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Tăng cường tổ chức tập huấn cho nhân viên bưu điện về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả thuận tiện và phục vụ tốt nhất theo nhu cầu của tổ chức cá nhân. Đơn vị bưu chính cần chủ động, phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn các đơn vị quản lý nhà nước có giải quyết thủ tục hành chính về yêu cầu của Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 để các đơn vị triển khai đúng quy định. (870, 1.5)

Phòng Kiểm soát TTHC