Thông tin Cải cách hành chính tháng 12/2020

21/12/2020 | 09:21 AM

 | 

21. Một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao các Bộ, ngành trong năm 2020

 

Tình trạng nợ đọng nhiệm vụ quá hạn hoặc nhiệm vụ đã thực hiện nhưng không bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được khắc phục triệt để và vẫn chủ yếu diễn ra ở một số Bộ, cơ quan, địa phương nhất định. Đặc biệt, một số nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện thể chế, chính sách, xử lý các vấn đề dư luận quan tâm chưa được khẩn trương thực hiện, như: Việc triển khai sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, việc hướng dẫn nhà đầu tư (tại tỉnh Bình Định) thực hiện cơ cấu doanh nghiệp và thực hiện đầu tư kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, việc chuyển giao đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước...

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao, Chương trình công tác, khi có vấn đề phát sinh như thiếu điều kiện về nguồn lực để thực hiện, phạm vi, thời gian thực hiện chưa bảo đảm nhưng không chủ động, thông tin, phối hợp với Văn phòng Chính phủ để báo cáo, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp giải quyết, xử lý, dẫn đến việc nợ đọng các đề án không được xử lý triệt để; có đề án nợ đọng kéo dài (nợ đọng từ năm 2019), như: Hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông và CNTT giai đoạn 2020 - 2025; đa dạng hóa nội dung chương trình truyền hình phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại và phát triển du lịch; xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030; Cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản và thu nhập….

Tại một số thời điểm nhất định trong năm, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết không được quyết liệt chấn chỉnh; một số văn bản trình ban hành không đúng tiến độ để bảo đảm có hiệu lực cùng các Luật, Pháp lệnh, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện Luật, pháp lệnh, như: Nghị định về: việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập (hướng dẫn điểm a khoản 2 Điều 60, Luật Giáo dục sửa đổi); về quản lý người giữ chức danh, chức vụ, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp... 

Một số bộ, ngành, địa phương chưa sát sao trong việc xem xét, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, dẫn đến có những phản ánh, kiến nghị chưa được xử lý đúng thời hạn, hoặc nội dung trả lời chưa thấu đáo nên người dân, doanh nghiệp tiếp tục gửi phản ánh. Nhiều tài liệu, tờ trình, báo cáo trình ra Quốc hội còn chậm so với thời hạn quy định. (525, 1)

Phòng Kiểm soát TTHC

 

22. Một số nguyên nhân dẫn đến việc chậm thực hiện các nhiệm vụ được giao trong năm 2020

Trước hết, một số nhiệm vụ, đề án giao có nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi rộng, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, phải lấy ý kiến nhiều bộ, cơ quan, địa phương hoặc phải cân nhắc, tính toán kỹ thời gian trình ban hành nên không đáp ứng được yêu cầu tiến độ ban đầu.

Một số nhiệm vụ về tham mưu cơ chế, chính sách, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đòi hỏi phải theo đúng quy trình quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng thời gian giao thực hiện lại quá ngắn, đòi hỏi phải khẩn trương hoặc việc phối hợp cho ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của cơ quan chủ trì.

Về nguyên nhân chủ quan, Lãnh đạo một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc đôi lúc chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, còn thiếu đôn đốc, kiểm tra kịp thời dẫn đến số nhiệm vụ quá hạn thực hiện vẫn còn. Ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ chưa cao. Nhiều bộ, cơ quan, địa phương chưa tích cực, chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; chưa kịp thời phản ánh thông tin về những vướng mắc cũng như tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý, điều chỉnh. Cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đôi lúc còn cứng nhắc, không linh hoạt, sáng tạo, dẫn đến nhiệm vụ giao bị quá hạn, không bảo đảm đúng tiến độ theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. (342, 1)

Phòng Kiểm soát TTHC

 

 

23. Kết quả hoạt động của Tổ công tác năm 2020 và 5 năm (2016 – 2020)

phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Trong năm 2020, Tổ công tác đã tiến hành 21 buổi làm việc với 24 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 18 địa phương nhằm đôn đốc, kiểm tra về: 04 cuộc về công tác hoàn thiện thể chế, tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết; 02 cuộc về việc thực hiện nhiệm vụ giao; 04 cuộc về tình hình xây dựng, trình các đề án trong Chương tình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 08 cuộc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giao liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính; 01 buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 13 Tập đoàn, Tổng công ty để đôn đốc tình hình thực hiện nhiệm vụ giao và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc mà các Tập đoàn, Tổ công ty đang gặp phải; 01 buổi làm việc với 04 Bộ (Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Tư pháp) về việc xử lý vướng mắc trong nhập khẩu xe ô tô chở khách dưới 16 chỗ chậm trễ trong xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 79/VPCP-KTTH ngày 04/01/2019; 01 buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ về việc thống nhất phương án đề xuất, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình thực hiện Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

Sau gần 5 năm hoạt động, Tổ công tác đã thực hiện 103 cuộc kiểm tra đối với 22 bộ, cơ quan ngang bộ; 02 cơ quan thuộc Chính phủ; 44 địa phương; 12 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước gồm: 18 cuộc về việc thực hiện nhiệm vụ giao; 11 cuộc về công tác hoàn thiện thể chế; 21 cuộc về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh; 19 cuộc đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ về thực hiện mục tiêu tăng trưởng; 10 cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; 14 cuộc về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính; 08 cuộc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình các đề án trong CTCT; 01 cuộc về việc thực hiện các quy định liên quan đến cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận, giả mạo xuất xứ; 1 cuộc về thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và việc bãi bỏ văn bản ban hành trái pháp luật của các bộ, cơ quan; 01 cuộc việc thực hiện nhiệm vụ giao liên quan đến thanh toán, trả nợ nước ngoài.

Ngoài ra, Tổ công tác đã có 16 buổi làm việc với các cơ quan, Hiệp hội, gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội các nhà máy đúc Nhật Bản, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan), các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước, gồm Dệt may, Da giày và túi xách, Giấy và Bột giấy, Vận tải, Ô tô, Doanh nghiệp hàng không, Bất động sản, Logistic, Gỗ và Chế biến lâm sản, Thức ăn chăn nuôi, các trường đại học, cao đẳng Việt Nam… và Hội đồng tư vấn du lịch để lắng nghe, nắm bắt những khó khăn về cơ chế, chính sách và những rào cản hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phải. (680, 1.5)

Phòng Kiểm soát TTHC

24. Tổng kết những kết quả nổi bật trong việc thực hiện nhiệm vụ giao của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ

 Hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ, tạo áp lực, thúc đẩy các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt, quyết tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ giao, bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả hơn, đã góp phần quan trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan, địa phương. Các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra đều đánh giá cao nhiệm vụ và tinh thần trách nhiệm của Tổ công tác, đã tạo cho các bộ, cơ quan, địa phương có sự chuyển mình thực sự, việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được khẩn trương, kịp thời hơn.

Học tập sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ và kinh nghiệm hoạt động của Tổ công, hầu hết các bộ, cơ quan địa phương đều thành lập Tổ công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng.

Trách nhiệm người đứng đầu được đề cao, chủ động, linh hoạt trong điều hành, quyết liệt trong chỉ đạo; tích cực tìm kiếm giải pháp hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao, nhất là đối với các nhiệm vụ giao mang tính phức tạp, khó, đòi hỏi nhiều nguồn lực, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương; chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để xử lý hoặc kịp thời báo cáo, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý, giải quyết các vấn đề, nội dung còn có ý kiến khác nhau hoặc có vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, chậm được xử lý, giải quyết có liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan địa phương được khắc phục, chấn chỉnh kịp thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, như: Vấn đề đánh giá tác động môi trường các dự án, nhà máy, khai thác khoáng sản; công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường; những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực thuế (thất thu, nợ đọng thuế), hải quan (phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực); việc thực hiện các quy định liên quan đến cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa; công tác bảo đảm an toàn giao thông; vấn đề cấp phép nạo vét, khởi thông luồng lạch có tận thu; công tác thẩm định, thanh tra, giám sát chất lượng công trình, dự án BOT; công  tác quản lý, tổ chức lễ hội; du lịch, thể thao; công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, phong tặng các danh hiệu cho các nghệ sỹ; vấn đề quản trị, công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước…

 Kết quả thực hiện nhiệm vụ giao chuyển biến rõ nét, ngày càng thực chất. Cụ thể: Thời điểm đầu nhiệm kỳ (đầu năm 2016) số nhiệm vụ quá hạn chiếm tới 25,2%. Đến tháng 12/2016 - ngay sau khi Tổ công được thành lập được 4 tháng, đã kéo giảm tỷ lệ nợ đọng nhiệm vụ xuống còn 2,82% - đã tạo tiền đề và tạo một bước chuyển căn bản về kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện nhiệm vụ giao. Đến nay, chỉ có 180/9.721 số nhiệm quá hạn, chiếm 1,8% - giảm 23,4% so với năm 2016 -  thời điểm Tổ công tác chưa thành lập như đã báo cáo ở trên. (663, 1.5)

Phòng Kiểm soát TTHC

 

25. Kết quả thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ

Theo báo cáo tổng kết của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, qua các cuộc kiểm tra về công tác hoàn thiện thể chế đối với các bộ, cơ quan trong việc xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, quan điểm, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về yêu cầu xây dựng thể chế là việc làm chủ động, thường xuyên, tháo gỡ để phát triển được quán triệt sâu sắc và triệt để. 

Đổi mới tư duy xây dựng văn bản, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch để hướng tới sự thống nhất, đồng bộ; từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích phát triển, tháo gỡ mọi vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam và Việt Nam được đánh giá là nước cải thiện tốt nhất về năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Đặc biệt, sau các cuộc kiểm tra của Tổ công tác trong năm 2020 về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, tiếp tục tạo dấu ấn cải cách, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phương pháp xây dựng văn bản quy định chi tiết.

Trước thực trạng 01 văn bản Luật có nhiều Nghị định, thậm chí có đến hàng chục Nghị định quy định chi tiết (chưa kể các Thông tư hướng dẫn các Nghị định), có Nghị định chỉ hướng dẫn một Điều, một Khoản của một Điều trong Luật, dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phức tạp hóa cho việc thực thi pháp luật của người dân, làm cản trở sự thông thoáng của hệ thống pháp luật và gia tăng chi phí, thời gian của người dân và xã hội. Tổ công tác đã rất quyết liệt tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan phải kiên quyết lồng ghép, cắt giảm tối đa số lượng đầu văn bản quy định chi Luật, pháp lệnh.

Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Tổ công tác, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 và tháng 9 năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu các Bộ, cơ quan: “Cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết theo hướng một luật chỉ ban hành tối đa 2 Nghị định quy định chi tiết, trường hợp đặc thù báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định; 01 Nghị định chỉ ban hành 01 Thông tư hướng dẫn”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, cơ quan đã thực hiện việc tích hợp từ 49 văn bản quy định chi tiết Luật có hiệu lực từ 01/01/2021 xuống còn 29 văn bản - giảm 20 văn bản so với phân công. Trong đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tích hợp từ 14 Nghị định còn 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích hợp từ 12 Nghị định còn 5. Với việc cắt giảm này đã giúp đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trành phát sinh thêm thủ tục hành chính, giảm chồng chéo, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tra cứu và thực thi. Đến nay, đã ban hành 03/29 văn bản; đã trình 23/29 văn bản; còn 03/29 văn bản chưa trình.

Đốc thúc các bộ, cơ quan tập trung, ưu tiên nguồn lực để xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo dư địa cho tăng trưởng. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có nhiều chuyển biến rõ rệt, hầu hết các văn bản được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật, pháp lệnh. Số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay (cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Chính phủ nợ 58 văn bản; cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chính phủ nợ 39 văn bản). Trong đó năm 2017 - là năm đầu tiên không nợ văn bản quy chi tiết thuộc thẩm quyền Chính phủ. Đến thời điểm hiện nay chỉ còn nợ 6 văn bản. (712, 1.5)

Phòng Kiểm soát TTHC

 

26. Kết quả trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ

Qua các cuộc kiểm tra chuyên đề về bảo đảm mục tiêu tăng trưởng; tháo gỡ, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đã kịp thời phát hiện nhiều bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách; những rào cản liên quan đến thể chế, chính sách, dễ tạo kẽ hở để cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực; những khoảng trống pháp lý, nhiều vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi phải được thay đổi nhưng bị ràng buộc, hạn chế bởi các chế định pháp lý hiện hành cần khẩn trương ban hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước.

Tổ công tác đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ, cơ quan, địa phương có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Trên cơ sở các kiến nghị của của Tổ công tác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện hơn hơn 300 nhiệm vụ cụ thể để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong đó, Chính phủ yêu cầu rà soát để xây dựng, sửa đổi, bổ sung tổng số 56 văn bản, gồm 04 Luật, 30 Nghị định, 02 Quyết định, 13 Thông tư; 05 Nghị quyết; 02 Đề án (chưa kể 87 Luật, Nghị định, Thông tư về KTCN, ĐKKD đã được kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung và thay thế).

Đến nay, 55/56 văn bản đã được ban hành, có hiệu lực để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều văn bản ban hành đã ghi dấu ấn về tinh thần cải cách mạnh mẽ, cầu thị, quyết liệt của các bộ, cơ quan như: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); các Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Nghị định số 141/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Nghị định số 84/2019/NĐ-CP về quản lý phân bón, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch; Thông tư số 01/2019/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường bãi bỏ quy định bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu dùng làm nguyên liệu sản xuất; Nghị định số 69/2019/NĐ-CP về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao; Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN ngày 26/6/2019 về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa; Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thông tư số 11/TT-BNNPTNT về kiểm dịch sản phẩm thủy sản; quy định về ngưỡng MRPL của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cho hàng thủy sản tiêu thụ nội địa... 

Phản hồi của Hiệp hội doanh nghiệp ghi nhận những chỉ đạo thiết thực, cụ thể của Chính phủ và các Bộ đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thể hiện tinh thần đồng hành với doanh nghiệp. (697, 1.5)

Phòng Kiểm soát TTHC

27. Kết quả trong công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan

 Tổ công tác đã của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ các bộ, cơ quan, địa phương nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao. Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn; việc cho ý kiến phối hợp có chất lượng, cơ bản đúng nội dung, vấn đề, thể hiện rõ quan điểm đối với vấn đề được phối hợp. Do đó, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc “đẩy” công việc lên Thủ tướng đã cơ bản được khắc phục.

 Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò điều phối giữa các bộ, cơ quan, địa phương; tham mưu xử lý nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó giảm việc đẩy nhiệm vụ lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động xử lý các vấn đề khi còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, địa phương, nhằm giảm áp lực công việc và thời gian trong các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.  (203, 0.5)

Phòng Kiểm soát TTHC

28. Kiến nghị của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi gắn với xây dựng Chính phủ điện tử

Tổ công tác có những kiến nghị về cải cách thủ tục hành chính như sau:

Tập trung thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, trong đó, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh ngay từ khâu dự thảo; nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra, góp ý trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật giúp ngăn chặn việc phát sinh quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp; bảo đảm mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và giảm tối đa số luợng văn bản quy định.

Tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/11/2019 về chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước để đóng góp tích cực vào việc đổi mới phương thức, lề lối làm việc, giảm giấy tờ hành chính, cắt giảm các chi phí, nhân lực cho cơ quan hành chính nhà nước, tạo môi trường làm việc hiện đại, hiệu quả.    

Thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua triển khai có hiệu quả Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chủ trương, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết số 02/NQ-CP để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó, về kiểm tra chuyên ngành cần áp dụng quản lý rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hoá; chuyển mạnh từ chủ yếu thực hiện kiểm tra tại giai đoạn thông quan hàng hoá sang chủ yếu giám sát tại thị trường nội địa; công bố công khai danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành với mã số HS ở cấp độ chi tiết, cách thức quản lý chuyên ngành về xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng và chi phí mà doanh nghiệp phải trả; hình thức công khai phải đảm bảo phù hợp, dễ tiếp cận; áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án thí điểm đổi mới cơ chế một cửa một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Hoàn thiện, trình phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng Cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các hàng hóa liên quan đến kiểm dịch, an ninh, quốc phòng…), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm, tổ chức triển khai thực hiện Đề án sau khi được ban hành. Theo dõi tình hình, đánh giá kết quả và đề xuất giải pháp cải thiện chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới; đánh giá kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đánh giá mức độ thay đổi và tác động đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đề xuất giải pháp khắc phục. Hoàn thành kết nối Cổng Thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và thanh toán các khoản phí liên quan đến kiểm tra chuyên ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Hoàn thiện thể chế tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc triển khai CPĐT; duy trì, phát triển các nền tảng, hệ thống thông tin đã triển khai (Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hệ thống e-Cabinet) để đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa kỳ vọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, sớm đưa vào vận hành các Cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai.

Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc thông qua việc thực hiện nghiêm gửi/nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm việc thực hiện ở cả 4 cấp hành chính, không gửi kèm bản giấy, lưu trữ điện tử, bảo đảm đồng bộ trong triển khai; khuyến khích và mở rộngviệc kết nối, liên thông, gửi/nhận văn bản điện tử với các đơn vị ngoài khối cơ quan hành chính nhà nước qua Trục liên thông văn bản quốc gia; đẩy mạnh họp trực tuyến, sử dụng tài liệu điện tử và chuyển đổi từng bước việc điều hành dựa trên giấy tờ sang điều hành bằng dữ liệu theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

 Tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác của Thủ tướng về đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong việc đối thoại, nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Duy trì đều đặn và có hiệu quả, thực chất việc đối thoại giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn và cải thiện môi trường kinh doanh. (1057, 1.5)

Phòng Kiểm soát TTHC

29. Kiến nghị của Tổ công tác về hoàn thiện thể chế

Tổ công tác có những kiến nghị về hoàn thiện thể chế như sau:

Tiếp tục tập trung, ưu tiên cho công tác hoàn thiện thể chế; chủ động rà soát các văn bản Luật, Pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ, ngành mình và của các Bộ, ngành khác có liên quan để phát hiện những chồng chéo, vướng mắc bất cập, những quy định bất hợp lý, không phù hợp với thực tiễn, đang là rào cản, gây cản trở đến phát triển kinh tế - xã hội và không phù hợp với các cam kết quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế Việt Nam mới gia nhập (CPTPP, EVFTA, RCEP…); chủ động kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời hoặc bãi bỏ theo thẩm quyền để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp.

Trong quá trình đề xuất, xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Pháp lệnh bảo đảm lồng ghép tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu của thực tiễn để chủ động đề xuất các lĩnh vực cần ưu tiên trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật theo những nội dung định hướng trong các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, các Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy về từng lĩnh vực cụ thể theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ để kịp thời có giải pháp tháo gỡ hoặc tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng giải quyết, xử lý các vấn đề, nội dung còn có ý kiến khác nhau, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa các khâu, từ khâu đề xuất đến xây dựng, thẩm định, thẩm tra, trình ban hành văn bản, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Tổ công tác kiến nghị Bộ Tư pháp: Tiếp tục thực hiện tốt việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, nhất là trong việc thực hiện tích hợp các văn bản nhằm cắt giảm tối đa văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh theo đúng Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thêm vào đó là thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh của các bộ, cơ quan để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các trường hợp không bảo đảm tiến độ, chất lượng. (523, 1)

Phòng Kiểm soát TTHC

 

30. 10 điểm đổi mới thủ tục hành chính để tiết kiệm 8.800 tỉ đồng/năm

Chiều 23.12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Trưởng ban soạn thảo Đề án: "Thí điểm đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết Thủ tục hành chính" chủ trì cuộc họp với đại diện một số bộ, địa phương để lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đây là cơ sở quan trọng để thành lập Trung tâm hành chính công tại các bộ, ngành, địa phương. Đến nay 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn bộ phận Một cửa các cấp để giải quyết thủ tục hành chính; trong đó, 59/63 địa phương thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh. "Các Trung tâm hành chính công ra đời trong điều kiện đổi mới mạnh mẽ, góp phần thay đổi trách nhiệm, thái độ cán bộ thi hành công vụ", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" là giải pháp đổi mới hữu hiệu về phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, tạo chuyển biển cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức và công dân, đơn giản hóa các TTHC, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức.

Bên cạnh đó đổi mới, cải tiến chế độ làm việc và quan hệ công tác trong cơ quan hành chính nhà nước, đã bản thay đổi bộ mặt của cơ quan hành chính các cấp, nâng cao chất lượng hiện đại hóa công sở hành chính theo chủ trương của Chính phủ.

Tiết kiệm 8.800 tỉ đồng mỗi năm

Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, VPCP đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương có liên quan xây dựng Đề án nêu trên theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2021.

10 điểm đổi mới của Đề án bao gồm:

(1) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC;

(2) Xây dựng bộ phận một cửa hiện đại, hiệu quả;

(3) Số hóa, giá trị pháp lý của tài liệu, hồ sơ thực hiện TTHC đã được số hóa; lưu trữ, khai thác, chia sẻ hồ sơ, tài liệu thực hiện TTHC của tổ chức, cá nhân đã được số hóa;

(4) Thực hiện dịch vụ công trực tuyến, TTHC trên môi trường điện tử;

(5) Thuê dịch vụ để thực hiện một số công việc trong quy trình giải quyết TTHC;

(6) Đẩy mạnh việc số hóa, lưu trữ tài liệu, hồ sơ giải quyết TTHC;

(7) Nâng cao tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử;

(8) Nâng cao năng suất, chất lượng giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và TTHC;

(9) Giảm thời gian chờ đợi nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức;

(10) Đổi mới về nhân sự trực tại bộ phận một cửa.

Theo tính toán sơ bộ thì tổng số tiền có thể tiết kiệm được khi thực hiệncác phương án đổi mới về cải cách thủ tục hành chính khoảng trên 8.800 tỉ đồng/năm. (679, 1.5)

Phòng Kiểm soát TTHC