Về xã hội hóa dịch vụ công trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC

19/11/2021 | 09:46 AM

 | 

 

Hiện có nhiều chủ trương, chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, nhằm huy động nguồn lực từ trong nhân dân và sự tham gia của người dân vào việc giải quyết các vấn đề thuộc chính sách xã hội của Nhà nước, nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm các dịch vụ công cơ bản cho người dân.

Văn kiện Đại hội IX của Đảng nêu rõ: “Khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức hoạt động không vì lợi nhuận mà vì nhu cầu và lợi ích của Nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức thực hiện một số dịch vụ công với sự giám sát của cộng đồng như vệ sinh môi trường, tham gia giữ gìn trật tự trị an, xóm, phường”. Đại hội X tiếp tục khẳng định “Đổi mới căn bản cơ chế quản lý và phương thức cung ứng các dịch vụ công cộng”. Đến Đại hội XII đã có những tư tưởng chỉ đạo cụ thể về vấn đề này: “Thực hiện cơ chế thị trường và đẩy mạnh xã hội hóa đối với cung cấp các dịch vụ công... Đối với những hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu, bao gồm dịch vụ y tế, giáo dục mà Nhà nước đang kiểm soát giá, phải bảo đảm công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá; tính đúng, tính đủ chi phí và thực hiện giá thị trường theo lộ trình phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ cho đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, nhất là các hình thức hợp tác công - tư. Bảo đảm bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập. Đa dạng hình thức xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công như: Thí điểm cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công; giao cộng đồng quản lý, cho thuê cơ sở vật chất, tài sản của Nhà nước để kinh doanh cung ứng dịch vụ công và thực hiện cơ chế đơn vị sự nghiệp công hoạt động như doanh nghiệp công ích”. Thực hiện các tư tưởng chỉ đạo của Đại hội, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nêu rõ: “Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao... Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công”. Việc xã hội hóa các nhiệm vụ, dịch vụ công tiếp tục được Đảng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo đó đã yêu cầu hệ thống tổ chức của Nhà nước “Chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm”.

Tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 của Chính phủ đặt ra yêu cầu: “Xây dựng quan niệm đúng đắn về dịch vụ công. Nhà nước có trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, nhưng không phải vì thế mà mọi công việc về dịch vụ công đều do cơ quan Nhà nước trực tiếp đảm nhiệm. Trong từng lĩnh vực cần định rõ những công việc mà Nhà nước phải đầu tư và trực tiếp thực hiện, những công việc cần chuyển giao cho các tổ chức xã hội đảm nhiệm”. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước 2011 - 2020 tiếp tục khẳng định: “Cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công”; “Đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; từng bước thực hiện chính sách điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công phù hợp...” (885. 2).

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ Y tế.



Tin liên quan