Thông tin ngày 21/08 đến ngày 28/08

28/08/2020 | 15:21 PM

 | 

21. Quyết định số 336/QĐ-BYT: Triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam

 

Ngày 07/2/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 336/QĐ-BYT về triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Quyết định áp dụng, triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các hoạt động có liên quan đến cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam được thực hiện bởi Cục Quản lý Dược và các tổ chức, cá nhân nộp đơn hàng nhập khẩu. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Quyết định nêu cụ thể về phạm vi và đối tượng áp dụng; trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến việc triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam; kinh phí thực hiện, duy trì và hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam; lộ trình thực hiện.

  1. Về phạm vi và đối tượng áp dụng:

Áp dụng, triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các hoạt động có liên quan đến cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam được thực hiện bởi Cục Quản lý Dược và các tổ chức, cá nhân nộp đơn hàng nhập khẩu, bao gồm các thủ tục sau:

1). Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc có chứa dược chất chưa có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, thuốc có chứa dược liệu lần đầu sử dụng tại Việt Nam.

2). Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc có chứa dược chất đã có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, thuốc có chứa dược liệu đã từng sử dụng làm thuốc tại Việt Nam nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị.

3). Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.

4). Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc có hiệu quả vượt trội trong điều trị so với thuốc đang lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa có thuốc khác thay thế, đã được lưu hành tại nước sản xuất hoặc nước tham chiếu là nước thành viên ICH hoặc Australia, có đầy đủ dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả theo quy định về đăng ký thuốc của Bộ trưởng Bộ Y tế và được Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đề xuất sử dụng.

5). Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc hiếm

6). Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc sử dụng cho mục đích cấp cứu, chống độc mà không có cùng hoạt chất và đường dùng với thuốc đang lưu hành tại Việt Nam, vắc xin dùng cho một số trường hợp đặc biệt với số lượng sử dụng hạn chế do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định trên cơ sở có dữ liệu đạt yêu cầu về chất lượng, hiệu quả, độ an toàn.

7). Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc có cùng tên thương mại, thành phần hoạt chất, hàm lượng hoặc nồng độ, dạng bào chế với biệt dược gốc có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, được sản xuất bởi chính nhà sản xuất biệt dược gốc hoặc bởi nhà sản xuất được ủy quyền, có giá thấp hơn so với thuốc biệt dược gốc lưu hành tại Việt Nam.

8). Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc phục vụ cho chương trình y tế của Nhà nước.

9). Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo.

10). Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất để trưng bày tại các triển lãm, hội chợ liên quan đến y, dược, thiết bị y tế để tham gia trưng bày tại các triển lãm, hội chợ.

b) Về trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến việc triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam:

Quyết định này quy định rõ trách nhiệm của Cục Quản lý Dược và trách nhiệm của các doanh nghiệp tham gia thực hiện thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục các thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Cụ thể như sau:

Cục Quản lý Dược có các trách nhiệm:

- Lựa chọn các doanh nghiệp tham gia thí điểm.

- Chịu trách nhiệm đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục; bảo trì, nâng cấp phát triển phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam đảm bảo cơ sở hạ tầng, các biện pháp kỹ thuật, công nghệ, các giải pháp an toàn an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, khắc phục sự cố và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

-. Ban hành quy trình, thời gian, giải quyết hồ sơ và hình thức nộp hồ sơ, trả kết quả trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và không được vượt quá thời hạn quy định tại bộ thủ tục hành chính đã được Bộ Y tế công bố thủ tục hành chính.

- Trả kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến bằng văn bản điện tử có chữ ký và đóng dấu bằng chữ ký số chuyên dùng trong hệ thống chính trị do Ban cơ yếu chính phủ cấp cho Cục Quản lý Dược.

- Công khai kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục các thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Trang thông tin điện tử tổng hợp của Cục Quản lý Dược.

- Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Các doanh nghiệp tham gia thực hiện thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục các thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam trách nhiệm:

- Cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện các thủ tục hành chính thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử tại Trang thông tin điện tử tổng hợp của Cục Quản lý Dược và nộp phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác, trung thực của nội dung đã khai và các hồ sơ đã nộp, thống nhất về nội dung giữa hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử do doanh nghiệp đã tạo lập.

- Lưu giữ hồ sơ có liên quan đến các thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và xuất trình cho các cơ quan liên quan khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

c). Về kinh phí thực hiện, duy trì và hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam:

Quyết định nêu rõ: Kinh phí triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam do nguồn chi thường xuyên hàng năm của Cục Quản lý Dược chi trả và nguồn kinh phí hợp pháp khác.

d). Về lộ trình thực hiện:

1. Giai đoạn thí điểm: Kể từ ngày ký Quyết định này đến ngày 30/6/2020, thực hiện thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục cấp phép cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, cụ thể lộ trình như sau:

Sau ngày Quyết định này có hiệu lực, các doanh nghiệp được Cục Quản lý Dược lựa chọn tham gia thí điểm dịch vụ công mức độ 4 thực hiện nộp trực tuyến Đơn hàng nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Bộ Y tế khuyến khích các doanh nghiệp chưa được lựa chọn tham gia thí điểm thực hiện nộp trực tuyến đơn hàng nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam trực tuyến. Trong thời gian này, các doanh nghiệp này có thể lựa chọn nộp hồ sơ theo hình thức nộp bản giấy hoặc nộp trực tuyến.

2. Sau giai đoạn thí điểm: Triển khai chính thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. (1663)

22. Một số nội dung quan trọng trong Đề án "Xác định chỉ số CCHC của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW"

Ngày 30/12/2019, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 1150/QĐ-BNV phê duyệt Đề án "Xác định chỉ số CCHC của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".

Đề án xác định mục tiêu chung là theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. 

Mục tiêu cụ thể của Đề án là xây dựng được Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp bộ, cấp tỉnh theo đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của các bộ, các tỉnh; Xác định được thang điểm, phương pháp đánh giá cho các tiêu chí, tiêu chí thành phần, từ đó xác định được Chỉ số CCHC của từng bộ, từng tỉnh; Xây dựng được bộ câu hỏi điều tra xã hội học theo từng nhóm đối tượng điều tra, khảo sát; Hàng năm tổ chức triển khai xác định, công bố Chỉ số CCHC của các bộ, các tỉnh.

Đối tượng áp dụng của Đề án là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 19 bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ); trong đó, 02 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại.

Về nội dung Chỉ số cải cách hành chính:

  • Chỉ số CCHC cấp bộ

Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp bộ được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 40 tiêu chí và 87 tiêu chí thành phần, cụ thể là:

+ Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: 6 tiêu chí và 2 tiêu chí thành phần;

+ Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ: 7 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần;

+ Cải cách thủ tục hành chính: 6 tiêu chí và 18 tiêu chí thành phần;

+ Cải cách tổ chức bộ máy hành chính: 4 tiêu chí và 11 tiêu chí thành phần;

+ Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức: 8 tiêu chí và 13 tiêu chí thành phần;

+ Cải cách tài chính công: 4 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần;

+ Hiện đại hoá hành chính: 5 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần;

Thang điểm đánh giá của Chỉ số CCHC là 100 điểm (điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 37.5/100 điểm).

Phương pháp đánh giá Chỉ số CCHC như sau:

- Tự đánh giá của các bộ:

+ Các bộ tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong Chỉ số CCHC cấp bộ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Điểm các bộ tự đánh giá được thể hiện tại cột “Tự đánh giá” của Bảng 1;

+ Điểm tự đánh giá của các bộ được Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định để xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết. Kết quả điểm do Bộ Nội vụ quyết định được thể hiện tại cột “BNV đánh giá” của Bảng 1.

- Đánh giá thông qua điều tra xã hội học:

+ Các tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá qua điều tra xã hội học được thể hiện tại cột “Ghi chú” của Bảng 1. Việc điều tra xã hội học được tiến hành để lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng khác nhau, do Bộ Nội vụ quy định;

+ Bộ câu hỏi điều tra xã hội học được xây dựng với số lượng, nội dung câu hỏi tương ứng với các tiêu chí của Chỉ số CCHC cấp bộ;

+ Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học được thể hiện tại cột “Điều tra XHH” của Bảng 1.

  • Chỉ số CCHC cấp tỉnh:

Chỉ số cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 43 tiêu chí và 95 tiêu chí thành phần, cụ thể: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC gồm 6 tiêu chí và 2 tiêu chí thành phần; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL tại tỉnh gồm 4 tiêu chí và 6 tiêu chí thành phần; Cải cách TTHC gồm 5 tiêu chí và 19 tiêu chí thành phần; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính gồm 4 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC gồm 9 tiêu chí và 16 tiêu chí thành phần; Cải cách tài chính công gồm 4 tiêu chí và 15 tiêu chí thành phần; Hiện đại hóa hành chính gồm 5 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần; Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh gồm 6 tiêu chí và 8 tiêu chí thành phần.Thang điểm đánh giá là 100; Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 33.5/100.

Phương pháp đánh giá:

- Tự đánh giá của các tỉnh:

+ Các tỉnh tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong Chỉ số CCHC cấp tỉnh và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Điểm các tỉnh tự đánh giá được thể hiện tại cột “Tự đánh giá” của Bảng 2;

+ Điểm tự đánh giá của các tỉnh được Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định để xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết. Kết quả điểm do Bộ Nội vụ quyết định được thể hiện tại cột “BNV đánh giá” của Bảng 2.

- Đánh giá thông qua điều tra xã hội học:

Đề án cũng yêu cầu các bộ, các tỉnh bố trí đủ kinh phí, nhân lực để triển khai việc xác định Chỉ số CCHC trong phạm vi trách nhiệm của bộ, tỉnh và tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo tự chấm điểm xác định Chỉ số CCHC của bộ, của tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Đồng thời, xây dựng và đưa vào triển khai Chỉ số CCHC áp dụng trong nội bộ của bộ, tỉnh phục vụ cho công tác theo dõi, đánh giá CCHC đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác theo dõi, đánh giá CCHC.

Đề án cũng đưa ra các giải pháp cụ thể gồm: Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp đối với việc xác định Chỉ số CCHC; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Chỉ số CCHC; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá CCHC tại các cơ quan, đơn vị hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm kinh phí cho công tác xác định Chỉ số CCHC.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2636/QĐ-BNV ngày 10/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ./. (1320)

23. Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ

Ngày 16/4/2020, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2995/VPCP-KSTT về việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Công văn số 2995, để đảm bảo chất lượng triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, Văn phòng Chính phủ đề nghị:

Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tuân thủ theo quy trình được quy định tại Chương II Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, làm rõ trách nhiệm của công chức trong từng quy trình tiếp nhận, giải quyết để phản hồi cho tổ chức, cá nhân, bảo đảm việc phân công khoa học, các nội dung phản hồi chính xác, đúng thời hạn.

Đồng thời rà soát, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trên Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin cấp bộ, cấp tỉnh; các giải pháp xác minh thông tin để bảo đảm mức độ an toàn trong quá trình đăng ký, đăng nhập của tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định tại Điều 7, 8 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP.

Quy định mẫu kết quả thủ tục hành chính điện tử (thể thức, kỹ thuật trình bày ở định dạng điện tử) theo thẩm quyền đối với văn bản chuyên ngành (được nêu tại Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 về công tác văn thư) để bảo đảm sự thống nhất trên toàn quốc.

Đồng thời, ban hành Kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, ngành, địa phương đang còn hiệu lực từ nay đến 31/12/2025, trong đó làm rõ lộ trình theo từng năm và gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, theo dõi.

Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ việc cung cấp TTHC trên môi trường điện tử theo đúng các quy định tại Chương III Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, lưu ý trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm kiểm soát TTHC, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình lập danh mục, rà soát, đơn giản hóa, lựa chọn các giải pháp cung cấp TTHC trên môi trường điện tử để việc thực hiện đạt hiệu quả, thuận tiện cho người dùng, tránh lãng phí.

Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Ban Cơ yếu Chính phủ trong quá trình xây dựng, triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức giải quyết TTHC đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao từ bản chính hoặc kiểm tra, xác thực kết quả chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.

Giao Văn phòng Bộ, Văn phòng UBND cấp tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và nắm bắt kịp thời những vấn đề phát sinh trong triển khai thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, tổng hợp, thông tin cho Văn phòng Chính phủ (Cục Kiểm soát TTHC) để phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai. (578)

24. Một số điểm đáng lưu ý trong Kế hoạch thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính năm 2020 của Bộ Nội vụ

Triển khai Đề án “Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020”, ngày 18/3/2020, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành Quyết định số 178/QĐ-BNV về Kế hoạch thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính năm 2020 của Bộ Nội vụ.

Theo Kế hoạch, thông qua việc xây dựng các phóng sự, chuyên mục cải cách hành chính trên các phương tiện thông tin, truyền thông, hội nghị, hội thi, diễn đàn, các lớp tập huấn nghiệp vụ, phóng sự truyền hình…. nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, của người dân và toàn xã hội về mục tiêu, yêu cầu, nội dung của cải cách hành chính và trách nhiệm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của Bộ Nội vụ; tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức trong tổ chức triển khai và giám sát quá trình thực hiện cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ; tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong Bộ, bảo đảm thông tin về tình hình triển khai và kết quả thực hiện cải cách hành chính được phản ánh kịp thời, chính xác tới các cá nhân, tổ chức trong và ngoài Bộ.

Công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính năm 2020 của Bộ Nội vụ tập trung vào các nội dung:

Các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính; kết quả thực hiện các nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đoàn thể, lãnh đạo các đơn vị đối với công tác cải cách hành chính.

Tuyên truyền, phổ biến nội dung, kết quả triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 ban hành tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ và Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính nhà nước.

Những kết quả nổi bật đạt được trên cơ sở tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 20/QĐ-BCĐCCHC ngày 20 tháng 12 năm 2019 của Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Tình hình triển khai, kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. 

Tình hình triển khai, kết quả các Chương trình phối hợp liên quan đến công tác cải cách hành chính giữa Bộ Nội vụ với Công đoàn Viên chức Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam trong giai đoạn từ 2015 đến 2020.

Tình hình triển khai, kết quả và những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; phản ánh những vấn đề khác liên quan đến tổ chức triển khai các lĩnh vực cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương. (662)

25. Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020

Nhằm tiếp tục thực hiện Quyết định số 2640/QĐ-BNV ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phê duyệt Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020, ngày 03/4/2020, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 243/QĐ-BNV về việc triển khai Kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2020.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, tổ chức; góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo yêu cầu của cải cách hành chính và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.

Theo Kế hoạch, có 08 nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện trong năm 2020 bao gồm: Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019; thông tin, tuyên truyền Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019; triển khai sử dụng Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công; nghiên cứu, xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ công trong giai đoạn 2021 - 2030; kiểm tra bộ, ngành, địa phương về việc sử dụng Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và việc tự triển khai đo lường sự hài lòng giai đoạn 2017 - 2020; triển khai điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng năm 2020; phúc tra kết quả phát, thu phiếu điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng năm 2020; tổng hợp, phân tích dữ liệu điều tra, xây dựng báo cáo Chỉ số hài lòng năm 2020.

Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019, thời gian dự kiến vào tháng 4/2020. Sau khi công bố kết quả, các bộ, ngành, địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền và triển khai sử dụng Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu, xây dựng Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ công trong giai đoạn 2021 – 2030; kiểm tra bộ, ngành, địa phương về việc sử dụng Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính và việc tự triển khai đo lường sự hài lòng giai đoạn 2017 – 2020; triển khai điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng năm 2020. Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, phân tích dữ liệu điều tra; xây dựng báo cáo Chỉ số hài lòng năm 2020, thời gian dự kiến từ tháng 10 đến tháng 12/2020.

Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, hiệu quả về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 đảm  bảo cán bộ, công chức, viên chức có nhận thức đủ về thực trạng cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; có thái độ, tác phong  phục vụ người dân, tổ chức tốt trong thực thi công vụ; thực hiện cung ứng dịch vụ công có chất lượng tốt, hướng đến sự hài lòng của người dân, tổ chức.

Người dân, tổ chức có nhận thức đủ về thực trạng cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; giám sát tích cực, phản hồi ý kiến chính xác, khách quan về việc cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước và nhu cầu, mong đợi của bản thân đối với dịch vụ công.

Trên cơ sở Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 xác định, thực hiện các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tổ chức tốt hoạt động của Bộ phận Một cửa; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công cho người dân, tổ chức; với cấp có thẩm quyền tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

Chỉ đạo, phân công trách nhiệm, theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan của địa phương triển khai các hoạt động được phân công tại Kế hoạch; nhắc nhở, xử lý đối với các cơ quan làm sai quy định, hướng dẫn về điều tra xã hội học do Bộ Nội vụ ban hành; bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động do các cơ quan của địa phương chủ trì thực hiện từ nguồn ngân sách cải cách hành chính của địa phương;

Bộ Nội vụ giao Sở Nội vụ làm đầu mối liên lạc trong quá trình triển khai điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng năm 2020 tại địa phương; định kỳ đánh giá kết quả sử dụng Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 của địa phương trong báo cáo cải cách hành chính gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. (978)

26. Kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020

 Ngày 23/3/2020, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử có Quyết định 194/QĐ-UBQGCPĐT về việc ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020.

Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và chịu trách nhiệm điều phối trong việc bảo đảm thực hiện kế hoạch.

Theo kế hoạch, trong Quý I/2020, các thành viên Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ cho ý kiến về Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương và Danh sách các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng; Bộ Thông tin và Truyền thông cho ý kiến về Đề án Giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu về tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương và Danh sách các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử.

Vào quý II và quý III/2020, Ủy ban cũng sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 hiện đang được Bộ Công an và Bộ TT&TT soạn thảo.

Theo kế hoạch có 9 nội dung công việc sẽ được Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử tập trung triển khai trong năm nay nhằm xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử và các hệ thống thông tin đổi mới phương thức làm việc.

Trong năm 2020 các thành viên Ủy ban sẽ cho ý kiến về các việc: triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia Dân cư; nâng cấp Cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông phục vụ hoạch định chính sách, quy hoạch đô thị; xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; xây dựng Hệ thống tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng Cơ sử dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; triển khai Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia…

Đặc biệt, theo kế hoạch, trong năm 2020, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ lập 11 đoàn công tác để trực tiếp làm việc, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025” tại 8 bộ, ngành gồm Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng, Nội vụ, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; và 18 địa phương gồm Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang; Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, An Giang, Quảng Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên.(526)

27. Những nội dung quan trọng trong Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ

Ngày 11 tháng 3 năm 2020, Chính phủ đã có Quyết định số 169/QĐ-BCĐCCHC ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm hoàn thành các mục tiêu CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ; nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ trong công tác CCHC; Gắn kết công tác CCHC của các bộ, ngành, địa phương với việc xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ CCHC; nâng cao chất lượng, hiệu quả của CCHC.

Theo đó, có 68 nội dung triển khai tại kế hoạch trong năm 2020 cụ thể:

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung CCHC. Tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành CCHC; tăng cường công tác tuyên tuyền CCHC, giải quyết các kiến nghị của bộ, ngành, địa phương liên quan đến CCHC.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các bộ, ngành, địa phương.

Các thành viên Ban chỉ đạo, các bộ, ngành địa phương phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của Chính phủ; đề cao trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất sáng kiến CCHC đối với các thành viên được giao chủ trì chương trình CCHC theo phân công của Chính phủ.

Tổ Kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, đề xuất việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện CCHC.

Về xây dựng thể chế, chính sách, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tư pháp nâng cao chất lượng thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ, khả thi; ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết; xử lý dứt điểm các văn bản quy định trái luật do các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương ban hành đã được phát hiện qua công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong các năm 2017, 2018 và 2019; rà soát, sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.

Trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tư pháp đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận và lĩnh vực được xác định trọng tâm theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 như hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Các bộ, ngành, địa phương đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện và giám sát, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện TTHC và kiến nghị sửa đổi những quy định về thủ tục không còn phù hợp gây vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; cho ý kiến về phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành do các bộ, ngành đề xuất…

Kế hoạch cũng nêu rõ Bộ Nội vụ, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm: Đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch; Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch, kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo những vấn đề phát sinh để xem xét, giải quyết; Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch; Phối hợp với Bộ Tài chính để lập và phân bổ kinh phí hoạt động năm 2020 của Ban Chỉ đạo; Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra của Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm: Chủ động chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2020 của bộ, ngành mình; Trên cơ sở kế hoạch của Ban Chỉ đạo, cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện đối với các nhiệm vụ được phân công; Chủ trì, phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ; Tổ chức thực hiện kiểm tra cải cách hành chính năm 2020 theo Kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo, báo cáo Ban Chỉ đạo (qua Văn phòng Ban Chỉ đạo) kết quả kiểm tra theo quy định; Chủ động đề xuất với Trưởng Ban Chỉ đạo và Bộ Nội vụ về những nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ cần có sự phối hợp, đôn đốc từ Ban Chỉ đạo; tập trung đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường trách nhiệm, đề xuất sáng kiến cải cách hành chính... (1220)

28. Tổ chức triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Ngày 26/02/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1471/VPCP-KSTT về việc thực hiện một số nhiệm vụ vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Xét báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện tích hợp, cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến ngành tư pháp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong quý I năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo như sau:

Bộ Tư pháp hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung của Bộ để khai thác, sử dụng các hạ tầng dùng chung đã được xây dựng trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, như: xác thực, định danh người dùng, nền tảng thanh toán tập trung; kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để theo dõi tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Thời hạn hoàn thành trong quý I/2020.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính làm cơ sở để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với các thủ tục: Đăng ký khai sinh; cấp phiếu lý lịch tư pháp; nhóm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm. Thời hạn hoàn thành trước ngày 10/03/2020.

Trước ngày 10/3/2020, Bộ Tư pháp hoàn thành tích hợp, chia sẻ dữ liệu hệ thống đăng ký khai sinh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh để phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đăng ký khai sinh trên Cổng Dịch công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tổ chức tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Thời hạn hoàn thành trong quý II/2020.

Bộ Tư pháp tích hợp hệ thống đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với nhóm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hoàn thành trước ngày 10/3/2020; đồng thời đẩy mạnh kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí... trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công.

Giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, nhất là việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp làm cơ sở để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đáp ứng yêu cầu đơn giản, thuận tiện, rút ngắn thời gian thực hiện; thực hiện việc chia sẻ dữ liệu thông tin lý lịch tư pháp để phục vụ cho việc cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ để tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế và cấp phiếu lý lịch tư pháp với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh; thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế và cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Thời hạn hoàn thành trong quý I/2020.

Trong quý II năm 2020, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia... (916)

 



Tin liên quan