Kết quả cải cách hành chính gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh[1]
15/12/2023 | 04:33 AM
|
Năm 2023, Thành phố xác định mục tiêu cải cách hành chính ngoài việc gắn với chủ đề năm 2023 của Thành phố “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và hoàn thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”, còn phải phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Chính vì thế mà công tác chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực cải cách hành chính được Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai mãnh mẽ, đồng bộ.
Ngay từ đầu năm, Thành phố đã tổ chức các Đoàn công tác do Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố làm Trưởng đoàn công tác đến làm việc tại từng đơn vị sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn Thành phố, duyệt kế hoạch công tác năm của từng đơn vị. Qua đó, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của đơn vị, định hướng và xác định các nội dung công tác trọng tâm phù hợp với yêu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Thành phố đã tổ chức các hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn và tổ chức Tọa đàm với Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; tổ chức gặp mặt với các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn trên địa bàn Thành phố và đặt hàng các doanh nghiệp tham gia đề xuất các giải pháp cho Thành phố. Thành phố mong muốn có nhiều cuộc gặp để lắng nghe các vướng mắc, góp ý cũng như hiến kế của doanh nghiệp, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp đồng hành cùng Thành phố phát triển.
Định kỳ, Thành phố tổ chức các cuộc họp, rà soát tiến độ thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm, đề ra các giải pháp cụ thể kịp thời. Đối với vấn đề giải ngân chưa đạt theo kỳ vọng, Thành phố đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố là Tổ trưởng.
Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, Thành phố không ngừng thực hiện rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặt ra các chỉ tiêu cụ thể đối với kết quả giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp. Qua đó thu hút đầu tư, tạo điều kiện phát triển - kinh tế xã hội của Thành phố.
Với những nội dung chỉ đạo, điều hành nêu trên, trong 9 tháng đầu năm, Thành phố đạt được những kết quả như sau:
-
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương tham mưu trình và được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; chủ động triển khai, trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành các Nghị quyết triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
-
Tổ chức thành công diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (HEF) năm 2023 với Chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không”. Qua Hội nghị, Diễn đàn Kinh tế Thế giới có bản tuyên bố chung với Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xanh.
-
Số doanh nghiệp thành lập mới là 37.224 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới là 342.516 tỷ đồng, tăng 13% về số lượng; có 89.792 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký bổ sung là
193.281 tỷ đồng. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung trong 9 tháng đầu năm 2023 là 535.796 tỷ đồng.
-
Vốn thu hút FDI được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được khoảng 1,955 tỷ USD.
-
Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 326.193 tỷ đồng, đạt 69,45% dự toán và bằng 93,65% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 57.051 tỷ đồng, đạt 45,16% dự toán, tăng 38,54% so cùng kỳ. Tính đến hết ngày 22/9/2023, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Thành phố đã giải ngân là 20.523 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30% tổng số vốn giao.
-
Thành phố đã triển khai khởi công thực hiện một số dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nói riêng và của vùng nói chung, như Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, dự án xây dựng Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất,...
-
Trong 9 tháng, tổng số hồ sơ các sở, ban, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tiếp nhận giải quyết là 16.538.383 hồ sơ (bao gồm: 296.425 hồ sơ kỳ trước chuyển qua,
9.000.033 hồ sơ tiếp nhận trong kỳ và tiếp nhận trực tuyến là 7.241.925 hồ sơ), đã giải quyết 16.278.797 hồ sơ, đang giải quyết 260.047 hồ sơ. Trong số hồ sơ đã giải quyết, có 16.250.134 hồ sơ giải quyết đúng hạn (chiếm tỷ lệ 99,83%), 28.663 hồ sơ giải quyết quá hạn (chiếm tỷ lệ 0,17%). Các hồ sơ quá hạn đều thực hiện thư xin lỗi.
-
Trong 21 chỉ tiêu thành phần (của 17 nhóm chỉ tiêu) kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 theo Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố, có 19/21 chỉ tiêu đạt và phấn đấu đạt kế hoạch.
Qua kết quả nêu trên, Thành phố cũng nhận thấy còn một số hạn chế như:
-
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng, nhưng giảm về vốn đăng ký so với cùng kỳ (giảm 9%); thu hút đầu tư FDI giảm mạnh (giảm 34,1%).
-
Mặc dù tình hình giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ về giá trị tuyệt đối, nhưng tốc độ giải ngân còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng.
-
Một số cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý sợ trách nhiệm, né tránh công việc, không dám tham mưu, đề xuất; việc phối hợp trong giải quyết công việc, hồ sơ của tổ chức, cá nhân chưa nhịp nhàng, đồng bộ.
Để công tác cải cách hành chính tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp sau:
-
Thực hiện chỉ đạo, điều hành một cách linh hoạt, cụ thể. Tăng cường kiểm tra, rà soát, đôn đốc, đề ra các giải pháp cụ thể đối với các lĩnh vực còn tồn động, còn đang thực hiện để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch năm đã đề ra.
-
Triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra việc hồ sơ trễ hạn kéo dài; điều động, bố trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất.
-
Chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát, đề xuất phân cấp, ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, nhằm rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết hồ sơ, công việc cho tổ chức, cá nhân.
-
Giải quyết những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền trên các lĩnh vực. Triển khai hiệu quả Nghị quyết Quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung vào đánh giá sâu từng ngành, lĩnh vực, từng chỉ số chuyên ngành có tốc độ tăng trưởng yếu, phục hồi chậm hoặc có xu hướng giảm; triển khai giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực đúng định hướng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Quý IV và Kế hoạch năm 2023.
-
Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tập trung: 1-Đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng nguồn bổ sung tăng thêm được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong 9 tháng đầu năm để điều chuyển vốn năm 2023 từ các dự án chậm giải ngân sang cho các dự án này; 2-Nâng cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị khẩn trương rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ; 3-Đẩy nhanh việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án của các địa phương theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố và sớm bàn giao mặt bằng để thực hiện thi công dự án; 4-Theo dõi chặt chẽ, bám sát kế hoạch giải ngân của từng dự án và cụ thể hóa các nhiệm vụ đề ra để đảm bảo việc giải ngân vốn đúng theo tiến độ được duyệt; 5-Thực hiện điều chỉnh linh hoạt kế hoạch đầu tư công năm 2023, thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện giải ngân các dự án trong các tháng còn lại của năm 2023 và thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án, các chủ đầu tư để nâng cao hiệu quả sự dụng vốn đầu tư công, hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố.
Tin liên quan
- Tỉnh Kon Tum công b)òny phép hoạt động, 20 ngày làm việc đối đối hồ sơ phê duyệt danh mục phương án đơn giản công bằng
- Tỉnh Cao Bằng công bố danh mục thủ tục hành chính mới, bị bãi bỏ và phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế dự phòng thuộc chức năng quản lý của Sở Y tế
- Bộ Y tế công bố Danh mục thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung mức phí theo Thông tư số 59/2023/TT-BTC ngày 30/08/ 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính
- Bộ Y tế công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực y tế dự phòng được quy định tại Thông tư số 17/2023/TT-BYT ngày 25 tháng 9 năm 2023
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính qua việc kết hợp thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và đánh giá duy trì đáp ứng thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc thuộc thẩm quyền của sở y tế
- Đề xuất phương án kết hợp thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và đánh giá duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc
- Phương án kết hợp thủ tục cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phê duyệt lần đầu danh mục kỹ thuật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của sở y tế