HIỆU QUẢ THỰC THI TRONG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH GẮN KẾT VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI TỈNH QUẢNG NINH[1]

28/09/2022 | 15:38 PM

 | 

 

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số và cơ quan nhà nước “không giấy tờ”. Để đảm bảo triển khai kịp thời, thống nhất, khoa học và hiệu quả các chủ trương, chính sách thực hiện chuyển đổi số, đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ, Quảng Ninh đã ban hành các Kế hoạch, Chương trình để triển khai chuyển đổi số trong cơ chế một cửa, một cửa liên thông thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh với 05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: (i) Gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tại Bộ phận Một cửa, tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác; (ii) Đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; (iii) Mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; (iv) Nâng cao tính chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa; (v) Đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực.

Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh đi đầu trong chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số cấp tỉnh, trong đó: Số hóa kết quả giải quyết TTHC và toàn bộ văn bản chỉ đạo, điều hành, quản lý, lưu trữ; xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian; cơ sở dữ liệu nền tảng, chuyên ngành; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ thông minh, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển hoàn thiện các hệ thống thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chỉ đạo điều hành của hệ thống chính trị. Đồng thời, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Đến nay, Tỉnh đang từng bước tạo lập được hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ, hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh đang dần được hoàn thiện theo đúng định hướng của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, cụ thể:

Đã kết nối với 07 Hệ thống giải quyết TTHC của các Bộ, ngành: Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Công ty Bưu diện và Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó ngày 25/5/2022, Quảng Ninh là tỉnh thứ ba kết nối thành công Hệ thống chính quyền điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã tham gia vào hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh; TTHC trên toàn tỉnh được rà soát, tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thành phần, giảm thời gian giải quyết trung bình từ 40-60% so với quy định;

100% TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã được rà soát, chuẩn hóa theo quy trình ISO đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết gắn với trách nhiệm của từng bộ phận, cán bộ và được tích hợp với hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh, hệ thống giám sát, đánh giá tự động của Văn phòng Chính phủ để thực hiện giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC và đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp trực tuyến 100% thủ tục hành chính, trong đó, tỷ lệ dịch vụ công mức 4 đạt 70%; tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.222 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 1.732 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh; Từ ngày 01/01/2022 đến nay đã có 200.331 hồ sơ/278.238 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, đạt tỷ lệ 71,9%;

Việc thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC cũng được Quảng Ninh xây dựng lộ trình theo từng giai đoạn. Trên cơ sở hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Quảng Ninh đã xây dựng quy trình 5 bước giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả) gắn với việc áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết. Từ ngày 01/6/2022, Tỉnh đã triển khai số hóa, bóc tách dữ liệu đối với 20 TTHC của 05 sở, ngành (Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Y tế) và từ ngày 01/7/2022 thực hiện số hóa đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 của Chính phủ; việc số hóa bảo đảm được lưu trữ đầy đủ phục vụ tái sử dụng trong quá trình giải quyết TTHC, hướng tới hình thành cơ sở dữ liệu “sống, sạch, đủ và chính xác”. Dự kiến trong tháng 8/2022, Tỉnh sẽ tổ chức đánh giá, xem xét, mở rộng triển khai bóc tách được dữ liệu ở các lĩnh vực khác và triển khai xuống cấp huyện trong đầu quý IV/2022 (sớm hơn so với chỉ đạo của Trung ương là từ 01/12/2022).

 Đến nay, Tỉnh đã phê duyệt, triển khai một số dự án liên quan đến số hoá dữ liệu chuyên ngành, có ý nghĩa quan trọng phục vụ công tác giải quyết TTHC như xây dựng hệ thống thông tin đất đai tỉnh Quảng Ninh; số hoá, cập nhật dữ liệu hộ tịch lịch sử từ các sổ hộ tịch cũ tại địa phương; xây dưng cơ sở dữ liệu công chứng…

Để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong công tác giải quyết TTHC, Quảng Ninh luôn chú trọng đào tạo, tập huấn các kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia vào quy trình giải quyết TTHC. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tổ chức tập huấn cho gần 600 lượt cán bộ công chức, viên chức về số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC, sử dụng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu Một cửa điện tử tỉnh đảm bảo 100% hồ sơ công việc được trao đổi, xử lý trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số; xây dựng cơ sở dữ liệu "sống, xanh, sạch, đủ và chính xác”…

 

[1] Hội nghị đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, Văn phòng Chính phủ ngày 15/9/2022



Tin liên quan